Chương VI: Pháp Hạnh Tâm Từ Ba La Mật
Pháp hạnh tâm từ ba la mật là một trong 10 pháp hạnh ba la mật:
1- Bố thí ba la mật.
2- Giữ giới ba la mật.
3- Xuất gia ba la mật.
4- Trí tuệ ba la mật.
5- Tinh tấn ba la mật.
6- Nhẫn nại ba la mật.
7- Chí nguyện ba la mật.
8- Chân thật ba la mật.
9- Tâm từ ba la mật.
10- Tâm xả ba la mật.
Ðức Bồ Tát có ý nguyện để trở thành Ðức Phật Toàn Giác hoặc Ðức Phật Ðộc Giác hoặc bậc Thánh tối thượng Thanh Văn Giác hoặc bậc Thánh đại Thanh Văn Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác, v.v… Mỗi Ðức Bồ Tát ấy cần phải tạo các pháp hạnh ba la mật cho đầy đủ theo ý nguyện của mình.
– Ðối với Ðức Bồ Tát Toàn Giác cần phải tạo 30 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba la mật bậc thượng trải qua thời gian vô số kiếp. Ðức Bồ Tát Toàn Giác có 3 hạng, mỗi hạng thời gian tạo 30 pháp hạnh ba la mật khác nhau:
* Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt (paññādhika), nghĩa là trí tuệ có năng lực hơn đức tin và tinh tấn; Ðức Bồ Tát này tạo ba la mật từ khi phát nguyện trong tâm suốt 7 a tăng kỳ [5], tiếp theo phát nguyện bằng lời nói suốt 9 a tăng kỳ; đến khi được Ðức Phật thọ ký còn phải tạo bồi bổ thêm 30 pháp hạnh ba la mật 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất [6] nữa, để tự mình chứng đắc thành Ðức Phật Toàn Giác độc nhất vô nhị.
* Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt (sadhādhika), nghĩa là đức tin có năng lực hơn trí tuệ và tinh tấn; Ðức Bồ Tát này tạo ba la mật từ khi phát nguyện trong tâm gấp đôi Ðức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt là suốt 14 a tăng kỳ, tiếp theo phát nguyện bằng lời nói suốt 18 a tăng kỳ; đến khi được Ðức Phật thọ ký còn phải tạo bồi bổ thêm 30 pháp hạnh ba la mật 8 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, để tự mình chứng đắc thành Ðức Phật Toàn Giác độc nhất vô nhị.
* Ðức Bồ Tát có tinh tấn ưu việt (vīriyādhika), nghĩa là tinh tấn có năng lực hơn trí tuệ và đức tin; Ðức Bồ Tát này tạo ba la mật từ khi phát nguyện trong tâm gấp đôi Ðức Bồ Tát có đức tin ưu việt là suốt 28 a tăng kỳ, tiếp theo phát nguyện bằng lời nói suốt 36 a tăng kỳ; đến khi được Ðức Phật thọ ký còn phải tạo bồi bổ thêm 30 pháp hạnh ba la mật 16 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, để tự mình chứng đắc thành Ðức Phật Toàn Giác độc nhất vô nhị.
– Ðối với Ðức Bồ Tát Ðộc Giác cần phải tạo 20 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung trải qua thời gian ít nhất 2 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.
– Ðối với Ðức Bồ Tát tối thượng Thanh Văn cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường trải qua thời gian ít nhất 1 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.
– Ðối với Ðức Bồ Tát đại Thanh Văn cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường trải qua thời gian ít nhất 100 ngàn đại kiếp trái đất.
– Ðối với Ðức Bồ Tát Thanh Văn hạng thường cần phải tạo 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường trải qua thời gian dưới 100 ngàn đại kiếp trái đất.
Như vậy, mỗi Ðức Bồ Tát đã phát nguyện, có ý nguyện để trở thành Ðức Phật Toàn Giác hoặc Ðức Phật Ðộc Giác hoặc bậc Thánh tối thượng Thanh Văn Giác hoặc bậc Thánh đại Thanh Văn Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác, v.v… đó là mục đích cứu cánh cao cả của mình, để chứng đạt được mục đích cứu cánh ấy, còn hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đầy đủ các pháp hạnh ba la mật; nếu xét thiếu một pháp hạnh ba la mật nào, thì Ðức Bồ Tát cần phải tạo cho có đủ ba la mật ấy, mới mong chứng đạt được ý nguyện của mình.
Ðức Bồ Tát hành pháp hạnh tâm từ ba la mật
Tâm từ ba la mật là một trong 10 pháp hạnh ba la mật, mà các Ðức Bồ Tát cần phải hành để cho đầy đủ pháp hạnh ba la mật, để làm nhân duyên trực tiếp thành tựu ý nguyện đạt đến mục đích cứu cánh cao cả của mình.
Ðức Bồ Tát tiền thân của Ðức Phật Gotama hành pháp hạnh tâm từ ba la mật, trong tích Seyyajātaka [7].
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana, của ông phú hộ Anāthapiṇṇika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, Ngài thuyết về câu chuyện tiền thân của Ngài là Ðức Bồ Tát thực hành pháp hạnh tâm từ ba la mật được tóm lược như sau:
Trong quá khứ, Ðức vua Brahmadatta trị vì tại kinh thành Bārāṇasī. Khi ấy Ðức Bồ Tát hạ sanh vào lòng Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua Brahmadatta, đến khi trưởng thành, Ðức Bồ Tát được vua cha gởi đến học tại xứ Takkasīla, Ngài đã học thành tài, văn võ song toàn rồi trở lại kinh thành. Sau khi Ngài trở về không lâu, phụ vương của Ngài băng hà, Ngài được suy tôn lên ngôi vua trị vì đất nước. Ðức vua trị vì đất nước của mình bằng 10 pháp vương [8].
Ðức vua cho lập nhiều trại để làm phước bố thí đến những người nghèo khổ không nơi nương nhờ, người khách qua đường, v.v… Ngài giữ gìn ngũ giới là thường giới và bát giới trong những ngày giới mỗi tháng, đặc biệt, hằng ngày Ngài thường tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, cầu mong tất cả chúng sinh không oan trái lẫn nhau, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân tâm thường được an lạc.
Khi ấy, trong triều đình có một vị quan thường làm nhiều điều tội lỗi, sai trái với luật pháp, nên các quan khác đã tâu sự việc lên Ðức vua. Ðức vua cho gọi tên quan ấy đến xét hỏi, y đã thừa nhận đó là những điều có thật. Ðức vua khuyên răn y không nên làm những điều xấu xa tội lỗi, vi phạm luật pháp triều đình; nên cố gắng tạo những điều tốt lành, điều phước thiện, v.v… Nhưng y không hối cải, vẫn làm những điều sai trái, vi phạm luật pháp. Vì vậy, Ðức vua truyền lệnh cho y rằng: “Kể từ nay, người không còn phục vụ trong triều đình của trẫm nữa.”, rồi trục xuất y ra khỏi nước.
Tên quan bị trục xuất sau đó đã tìm đến một nước lân bang, vào chầu Ðức vua nước ấy, rồi dùng lời khuyến dụ nhà vua rằng việc đem quân đi đánh chiếm kinh thành Bārāṇasī rất dễ, không phải tốn công tốn của nhiều. Vị vua nước lân bang ban đầu không tin lời của tên quan bị trục xuất kia; nhưng y tâu khẩn thiết nhiều lần khiến cho Ðức vua phát sanh lòng tham, cuối cùng cũng tin theo lời tâu của y.
Một hôm, Ðức vua lân bang kéo quân đến biên giới của Ðức vua Brahmadatta – người trị vì kinh thành Bārāṇasī, quan biên ải về cấp báo cho Ðức vua Brahmadatta hay tin rằng:
– Tâu Bệ hạ, Ðức vua lân bang kéo quân xâm lăng nước ta, đã tiến đến biên ải, xin Bệ hạ truyền lệnh cho chúng thần được xuất binh đánh để bắt sống Ðức vua xâm lăng ấy đem về nộp cho Bệ hạ.
Ðức vua Brahmadatta phán:
– Chiến tranh chém giết lẫn nhau gây đau khổ tang tóc cho thần dân hai nước là điều không nên.
Ðức vua xâm lăng dẫn đầu đoàn quân tiến vào lãnh thổ của Ðức vua Brahmadatta, mà không gặp một sự chống cự nào. Khi đoàn quân xâm lăng kéo đến gần kinh thành Bārāṇasī, quan giữ thành vào tâu với Ðức vua Brahmadatta rằng:
– Tâu Bệ hạ, Ðức vua xâm lăng dẫn đầu đoàn quân tiến gần đến kinh thành, xin Bệ hạ truyền lệnh cho chúng thần chặn đánh, để bắt Ðức vua ấy đến nộp cho Bệ hạ.
Ðức vua truyền lệnh hội triều gồm có 700 vị quan có tài võ nghệ siêu quần, rồi truyền lệnh mở rộng bốn cửa thành; Ðức vua xâm lăng kéo quân vào thành dễ dàng, không gặp một sự chống cự nào. Ðến cung điện, Ðức vua xâm lăng liền truyền lệnh bắt Ðức vua Brahmadatta, lấy dây xiềng đôi chân, nhốt riêng một nhà giam, còn 700 vị quan kia cũng bị xiềng đôi chân, chia ra nhốt ở các nhà giam khác.
Ðức vua xứ Bārāṇasī ngồi trong nhà giam tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong đó có vị vua xâm lăng, chứng đắc bậc thiền sắc giới, do năng lực tâm từ của Ðức vua xứ Bārāṇasī làm cho thân tâm của vị vua xâm lăng ấy nóng như bị thiêu đốt, không sao chịu đựng nổi được. Vị vua xâm lăng bèn hỏi các quan rằng:
– Này chư khanh tướng, tại sao thân tâm của trẫm nóng như bị thiêu đốt, không sao chịu đựng nổi như thế này?
– Tâu Bệ hạ, Bệ hạ đã bắt giam một Ðức vua vô tội, có giới đức trong sạch, đó là nguyên nhân làm cho Bệ hạ nóng như bị thiêu đốt như thế. – Các quan đồng tâu.
Ðức vua xâm lăng ngay tức khắc đến nhà giam, nơi Ðức vua xứ Bārāṇasī đang bị nhốt, mở cửa cung thỉnh Ðức vua xứ Bārāṇasī ra, Ðức vua xâm lăng đảnh lễ xin sám hối tội lỗi, kính xin Ðức vua xứ Bārāṇasī tha thứ tội của mình và trả ngai vàng lại cho Ðức vua; rồi truyền lệnh thả tất cả 700 vị quan cận thần của Ðức vua xứ Bārāṇasī được tự do.
Ðức vua xâm lăng tâu với Ðức vua Bārāṇasī rằng:
– Tâu Ðại vương, kể từ nay về sau, nếu có quân thù nào đến xâm chiếm biên cương xứ sở của Ðại vương, thì chính quả nhân sẽ là người có phận sự bảo vệ an toàn cho xứ sở của Ðại vương, để Ðại vương được hưởng an lạc trên ngai vàng.
Khi Ðức vua xâm lăng tạ từ xin phép kéo quân trở về, Ðức vua xứ Bārāṇasī xa giá tiễn đưa; về đến cố quốc, Ðức vua xâm lăng trị tội tên quan đã xúi giục Ðức vua kéo quân đi xâm lăng, làm điều phi pháp.
Ðức vua Bồ Tát Brahmadatta xứ Bārāṇasī, ngồi trên ngai vàng truyền dạy bằng bài kệ rằng:
“Seyyaṃso seyyaso hoti,
Yo seyyamupasevati.
Ekena sandhiṃ katvāna,
Sataṃ vajjhe amocayiṃ.
Tasmā sabbena lokena,
Sandhiṃ katvāna ekano.
Pecca saggaṃ nigaccheyya,
Idaṃ suṇātha Kāsiyā”.
(Này các quan trong nước Kā – si!
Người nào có phước thiện cao quý,
Sống nương nhờ với bậc Thiện trí,
Người ấy gọi là người cao thượng.
Bảy trăm vị quan trong ngục tù,
Có thể bị chết bởi ác vương,
Nhờ Ðức Bồ Tát có tâm từ,
Giải phóng được tất cả các quan.
Vì vậy, các ngươi dân Kā – si,
Lắng nghe điều huấn từ của trẫm,
Gắng tiến hành niệm rải tâm từ,
Ðến tất cả chúng sinh trong đời,
Do thiện nghiệp rải tâm từ ấy,
Cho quả tái sanh lên cõi trời,
Dục giới hoặc cõi trời sắc giới,
Tuỳ theo năng lực của thiện nghiệp [9]).
Ðức vua Bồ Tát tiến hành niệm rải tâm từ và tán dương ca tụng, khuyến khích mọi người từ quần thần cho đến tất cả thần dân trong nước, nên tiến hành niệm rải tâm từ cho được sự an lạc, không khổ tâm, không khổ thân, giữ gìn thân tâm thường được an lạc.
Về sau, Ðức vua Bồ Tát từ bỏ ngai vàng, bỏ kinh thành Bārāṇasī có xứ sở rộng lớn, ngự đi vào rừng núi Himavantu xuất gia trở thành đạo sĩ. Ngài tiến hành đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh không ngoại trừ một ai, đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới. Sau khi chết, sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới phạm thiên, hưởng sự an lạc trong suốt thời gian đến hết tuổi thọ ở cõi trời sắc giới ấy.
Tích tiền thân của Ðức Phật Gotama liên quan đến kiếp hiện tại như sau:
Ðức vua xâm lăng, nay kiếp hiện tại là Ngài Ðại Ðức Ānanda.
Ðức vua xứ Bārāṇasī, nay kiếp hiện tại là Ðức Thế Tôn.
(Tóm tắt xong tích tiền thân).
-ooOoo-
[1] Aṅguttaranikāya, phần Ekadasakanipāta, kinh Mettāsutta.
[2] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Uttarā upāsikāvatthu.
[3] Bộ Dhammapadaṭṭkathā, bài kệ số 223, tích Uttarā upāsikāvatthu.
[4] Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, tích Sāmāvatīvatthu.
[5] A tăng kỳ thời gian không thể tính bằng số lượng.
[6] Ðại kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không.
[7] Khuddakanikāya, bộ Jātaka, tích Seyyajātakavaṇṇanā.
[8] 10 pháp vương: xin xem quyển “Hiếu Nghĩa” của cùng soạn giả.
[9] Niệm rải tâm từ nếu chưa chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thì dục giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời dục giới, nếu chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thì sắc giới thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh lên cõi trời sắc giới.
-ooOoo-