Chương I. Tâm Từ 

Tâm từ dịch nghĩa từ danh từ tiếng Pāḷi: mettacitta.

– Mettà: từ, thương, tình thương.
– Citta: tâm, sự biết.

Mettācitta: tâm từ, biết thương, tình thương cao thượng, tình thương cả mình lẫn tất cả chúng sinh; cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình và mọi chúng sinh đồng nhau cả thảy.

Ðối tượng của tâm từ là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanāpasattapaññatti), thuộc chế định pháp.

Tâm từ là tâm nào?

Thật ra, tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm [2]. Tâm từ này là một trong những phận sự biết đối tượng của tâm sở vô sân (adosacetasika), khi đối tượng là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thuộc chế định pháp.

Tâm sở vô sân thuộc loại tâm sở tịnh hảo (sobhanacetasika) đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm [3] (sobhanacitta) có 6 đối tượng: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần gồm có đối tượng chân nghĩa pháp và chế định pháp.

Nếu tâm sở vô sân đồng sanh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thì tâm sở vô sân ấy không gọi là tâm từ.

Nếu tâm sở vô sân đồng sanh với tịnh hảo tâm biết đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thì khi ấy tâm sở vô sân ấy gọi là tâm từ.

Tâm từ, tình thương là một trong 4 đức tính (từ, bi, hỉ, xả) trong tâm của người mẹ, người cha; nên thường gọi mẹ là từ mẫu, gọi cha là từ phụ.

Xét theo tâm, thì tâm từ và tâm bi không bao giờ đi đôi, không đồng sanh với nhau, bởi vì chúng có đối tượng chúng sinh khác nhau:

Tâm từ có đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính (piyamanāpasattapaññatti), cầu mong tất cả chúng sinh được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Tâm bi có đối tượng chúng sinh đang bị khổ đau (dukkhitasattapaññatti). Tâm bi cảm thấy thương xót, cầu mong cứu giúp chúng sinh ấy thoát khỏi cảnh khổ ấy.

Do đó, khi nào có tâm từ, thì khi ấy không có tâm bi; và ngược lại khi nào có tâm bi, thì khi ấy không có tâm từ.

Tâm từ là tình thương

Tình thương có 3 loại:

– Tình thương với tâm tham ái (taṇhāpema).
– Tình thương trong gia đình (gehasitapema).
– Tình thương với tâm từ (mettā-adosa).

1- Tình thương với tâm tham ái như thế nào?

Tình thương với tâm tham ái là tình thương giữa người nam với người nữ có quan hệ tình cảm yêu đương thắm thiết, gắn bó với nhau do tâm tham, hài lòng với nhau; tình thương này thường có giới hạn giữa người nam với người nữ, mỗi người tự xem như thuộc sở hữu của nhau, do tâm tham ấy nên thường xảy ra khổ tâm.

– Hai người nam và nữ sống chung hoà hợp với nhau, nếu người này bị bệnh hoạn ốm đau v.v…, thì người kia cũng bị khổ tâm lo lắng, chăm sóc, chữa trị cho mau khỏi bệnh; nếu chữa trị bệnh không khỏi, người ấy từ bỏ cõi đời, thì làm cho người kia khổ tâm sầu não thương tiếc đến người thương đã quá vãng.

– Nếu người này nghi ngờ lòng chung thuỷ của người kia hoặc bị phụ bạc, phản bội, thì cảm thấy khổ tâm dẫn đến thù ghét, đành phải từ bỏ nhau v.v…

Ðó là tình thương với tâm tham ái giữa nam với nữ.

Ðức Phật dạy: “Tham ái là nhân sanh khổ đế”. Cho nên, khi tham mà được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ lâu dài; khi tham mà không được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ dữ dội.

Tâm tham là nhân, mà tâm sân là quả. Cho nên, thương bao nhiêu, thì khổ cũng bấy nhiêu!

2- Tình thương trong gia đình như thế nào?

Tình thương trong gia đình là tình thương giữa những người trong gia đình, dòng họ có cùng huyết thống, và những người khác dòng họ như con dâu, con rể v.v… có mối liên quan mật thiết, đã trở thành những thành viên trong gia đình, dòng họ. Tình thương này cũng có giới hạn những người trong gia đình, dòng họ như: ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em, chú bác, cô dì v.v… là những người thân quyến.

Tình thương của những người này luôn luôn mong muốn sự khoẻ mạnh, sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài lẫn nhau. Nhưng nếu có người nào trong gia đình, dòng họ bị bệnh hoạn ốm đau, thì những người thân cũng bị khổ tâm lo chăm sóc, chữa trị người ấy, cầu mong cho mau lành bệnh; nếu chữa trị không được, người ấy phải từ bỏ cuộc đời (chết), thì những người thân trong gia đình khổ tâm sầu não thương tiếc đến người ấy.

Những người lớn trong gia đình thường cầu mong cho các con, cháu được tốt lành, không có điều gì không hay xảy ra; nhưng nếu có người con, cháu nào hư hỏng, làm điều không tốt, những người lớn trong gia đình khổ tâm không chịu nổi, thì rầy la, thậm chí còn đánh đòn để răn dạy đứa con, cháu hư hỏng ấy. Ðó là tình thương trong gia đình, dòng họ; nếu tình thương này xuất phát từ tâm tham, thì dù tham được hài lòng hoặc không được hài lòng, cũng có thể làm nhân duyên phát sanh tâm sân làm cho khổ tâm; nếu tình thương này xuất phát từ tâm thiện, thì tâm thiện ấy cũng bị giới hạn trong gia đình, dòng họ, khó được trong sạch hoàn toàn.

Cả hai loại tình thương trên gọi là tâm từ giả, bởi vì tình thương ấy phát sanh từ tâm tham, bị phiền não làm ô nhiễm, bị biến đổi theo đối tượng.

3- Tình thương với tâm từ như thế nào?

Tình thương với tâm từ là tâm từ rải khắp đến tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, cầu mong tất cả chúng sinh thường được an lạc.

Tâm từ này có chi pháp là tâm sở vô sân (adosacetasika) đồng sanh với thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, (không có phân biệt ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v… thân quyến trong gia đình, dòng họ).

Do đó, dù đối tượng chúng sinh có biến đổi tốt hoặc xấu v.v…, thì thiện tâm có tâm sở vô sân, tâm từ vẫn không biến đổi theo đối tượng chúng sinh ấy.

Tình thương này gọi là tâm từ, bởi vì tình thương phát sanh từ thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không bị biến đổi theo đối tượng hạng chúng sinh nào.

Tính chất đặc biệt của tâm từ

– Tâm từ là một trong 4 đề mục thiền định vô lượng tâm (appamaññā) (tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả). Hành giả tiến hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả mọi chúng sinh không giới hạn, không loại trừ chúng sinh nào, có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc giới cho đến đệ tứ thiền sắc giới; vì đề mục thiền định này còn tuỳ thuộc vào chi thiền lạc (sukha); nên không thể chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới; còn đệ ngũ thiền sắc giới, thì phải diệt chi thiền lạc, thay bằng chi thiền xả.

– Tâm từ là một trong 4 đức tính của bậc Phạm thiên (Brahmavihāra). Bậc Phạm thiên có 4 đức tính cao thượng là từ, bi, hỉ, xả.

– Tâm từ là một trong 10 pháp hạnh ba la mật để chứng đắc thành Ðức Phật Toàn Giác hoặc Ðức Phật Ðộc Giác hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác…

Cuộc sống ở trên đời, nếu người nào thường có tâm từ, thì người ấy được phần đông mọi người thương yêu, quý mến, kính trọng, nên tránh được nhiều điều rắc rối, mọi công việc được suôn sẻ, dễ thành công trong cuộc đời.

Ðối với người tại gia cũng như bậc xuất gia, tâm từ đóng một vai trò quan trọng, hỗ trợ cho việc tiến hành thiền định hoặc tiến hành thiền tuệ để chứng đắc các pháp cao thượng.

Tâm từ thể hiện 3 môn [4] :

1- Kāyakammamettā: Tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

2- Vacīkammamettā: Tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

3- Manokammamettā: Tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm, cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

1- Tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

– Những người có tâm từ cùng sống chung với nhau trong một ngôi chùa hoặc một ngôi nhà hoặc một nơi tập thể, mỗi người đều có chung một ý nghĩ giống nhau rằng: “Ta nên sống làm cho hài lòng đối với các người bạn của ta. Ta với các bạn, tuy thân khác nhau, song tâm vẫn giống nhau như một”.

Mỗi người đều có ý nghĩ giống nhau như vậy, thì chắc chắn họ sống với nhau rất hoà hợp như sữa hoà với nước, cùng nhau an hưởng được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Như vậy, điều trước tiên, ta phải có tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện, hành động tốt giúp đỡ các người bạn những công việc nặng, nhẹ; những nhu cầu vật chất, tinh thần, v.v…

– Khi có mặt các bạn, ta nên sẵn sàng cùng nhau chung sức vào công việc chung cho được thành tựu tốt đẹp, đó cũng chính là công việc riêng của mỗi người; bởi vì nếu việc chung được hoàn thành, thì việc riêng mới được đầy đủ trọn vẹn. Khi bạn bị bệnh hoạn ốm đau, ta phải có bổn phận chăm nom săn sóc, chữa trị bệnh cho bạn chóng khỏi bệnh.

– Khi vắng mặt bạn, ta nên làm giúp những công việc dở dang của bạn cho xong, quét dọn chỗ ở sạch sẽ, giặt giũ quần áo của bạn; nếu bạn phơi quần áo khô xong, ta nên đem vào xếp cất gọn gàng, khi bạn đi về bị mưa ướt, có áo quần sạch sẽ để thay, có cơm ăn nước uống, v.v…

Ðó là tâm từ được thể hiện ra bằng thân hành thiện đối với các bạn cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

2- Tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện với mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

– Những người có tâm từ, trong thiện tâm nghĩ những điều thiện đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mọi người, mọi chúng sinh.

– Khi có mặt các bạn, hội họp nhau trong tình thương yêu hoan hỉ, không nói những điều nhảm nhí vô ích, mà đàm luận chánh pháp, nói với nhau trong 10 chuyện như: chuyện ít tham muốn, chuyện biết tri túc, chuyện nên sống nơi thanh vắng, chuyện không sống chung chạ với mọi người, chuyện tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chuyện giữ gìn giới hạnh trong sạch, chuyện tiến hành thiền định tâm vững chắc, chuyện tiến hành thiền tuệ thấy rõ chân lý Tứ thánh đế, chuyện giải thoát bằng Thánh Ðạo – Thánh Quả, chuyện trí tuệ quán xét tri kiến giải thoát, v.v… Họ sống và hoan hỉ thực hành theo chánh pháp, thường được sự an lạc trong kiếp hiện tại.

– Khi vắng mặt bạn, họ thương nhớ bạn ấy, thường tán dương ca tụng những đức tính tốt của bạn trong tình thương yêu, kính mến nhau, giúp đỡ cho nhau mọi công việc dù nhỏ, dù lớn một cách rất hoan hỉ trong công việc chung. Riêng người bạn ấy là người sống gương mẫu, không những có giới hạnh trong sạch, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, v.v… mà còn động viên, khuyến khích các bạn chớ nên dể duôi trong mọi thiện pháp.

Ðó là tâm từ được thể hiện ra bằng khẩu nói điều thiện đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt.

3- Tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm cầu mong sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến cho tất cả mọi người, mọi chúng sinh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt như thế nào?

Những người có tâm từ, niệm rải tâm từ cầu mong đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài đến những bạn đồng phạm hạnh cả khi có mặt lẫn lúc vắng mặt rằng:

– Cầu mong các người bạn đồng phạm hạnh của tôi không oan trái với chúng sinh, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân thường được an lạc lâu dài.

Ngoài ra, những người có tâm từ thường niệm rải tâm từ đến tất cả mọi hạng người, mọi chúng sinh không ngoại trừ chúng sinh nào rằng:

– Cầu mong tất cả chúng sinh cả thảy không oan trái với chúng sinh, không có khổ tâm, không có khổ thân, giữ gìn thân thường được an lạc lâu dài.

Ðó là tâm từ phát sanh trong ý thức thiện tâm, niệm rải tâm từ đến tất cả mọi hạng người, mọi chúng sinh như vậy.

-ooOoo-

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app