Lợi ích của sự diệt sân tâm
Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha, Ngài thuyết bài kinh Dhanañjānīsuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Dhanañjānīsuṭṭa), có một đoạn nói về Bà la môn Bhāradvāja muốn đến tranh tài, đấu khẩu với Đức Thế Tôn bằng cách đặt một câu hỏi. Ông nghĩ có hai cách trả lời và cách nào cũng đưa Đức Thế Tôn vào thế bí. Nhưng Đức Thế Tôn đã không trả lời theo những cách như ông Bà la môn nghĩ. Ông Bà la môn Bhāradvāja hỏi Đức Thế Tôn bằng bài kệ rằng:
Nên ngủ được an lạc. Người diệt được gì rồi?
Không còn sầu não nữa. Sa môn Go-ṭa-ma,
Hài lòng diệt pháp gì? Cho là pháp đệ nhất?
Đức Thế Tôn giải đáp rằng:
Người diệt sân tâm rồi, nên ngủ được an lạc.
Diệt được sân tâm rồi, không còn sầu não nữa.
Này ông Bà la môn! Chư bậc Thánh trong đời,
Thường tán dương, ca tụng, diệt sân tâm nóng nảy,
Có tính chất đặc biệt, gốc độc [*], nhưng ngọn ngọt [*].
Người diệt sân tâm rồi, không còn sầu khổ nữa.
[*] Gốc độc (visamūlassa): nghĩa là sân tâm tạo ác nghiệp cho quả khổ ví như chất độc. Ngọn ngọt (madhuraggassa): nghĩa là chửi rủa, mắng nhiếc, đánh đập trả đũa lại người,… trả thù được rồi cảm thấy thoả mãn ví như ngọn có vị ngọt.
Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kệ xong, ông Bà la môn bạch rằng:
— Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Đức Goṭama thuyết giảng bằng nhiều pháp khác nhau, ví như lật ngửa vật bị che đậy hoặc mở ra vật bị đóng chặt hoặc chỉ đường cho người lạc lối hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối, để cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy rõ tất cả mọi vật hiện hữu._
— Con nguyện đem hết lòng thành kính xin quy y, nương nhờ nơi Đức Goṭama, Đức Pháp, Đức Tăng. Kính xin Đức Goṭama cho phép con được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.
Đức Thế Tôn cho phép Bà la môn Bhāradvāja thọ Sa di, thọ Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Bhāradvāja hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trí tuệ thấy rõ biết rõ đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ thánh đế, đã hoàn thành xong phạm hạnh cao thượng, trí tuệ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Không nhận lời chửi mắng
Trong bài kinh Akkosakasuṭṭa (Saṃyuṭṭanikāya, Sagāṭhavagga, kinh Akkosakasuṭṭa) được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Veluvana gần kinh thành Rājagaha. Khi hay tin người anh là Bhāradvāja đã xuất gia trở thành Tỳ khưu nơi Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Akkosaka nổi giận, khổ tâm đến gặp Đức Thế Tôn chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Ngài bằng những lời thô tục, không phải lời của bậc Thiện trí.
Ông Bà la môn tạo ác nghiệp bằng khẩu: lời nói thô tục, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ…. Nghe vậy, Đức Thế Tôn bèn hỏi ông Bà la môn rằng:
— Này Bà la môn Akkosaka, ông nghĩ thế nào về điều này, những thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến là những người khách, có khi nào họ đến nhà của ông không?
— Thưa Sa môn Goṭama, những thân hữu, các quan lại hoặc thân quyến là những người khách, có khi họ đến nhà của tôi.
Đức Thế Tôn hỏi tiếp rằng:
— Này Bà la môn, ông có sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những người khách là thân hữu, quan lại, hoặc thân quyến của ông hay không?
— Thưa Sa môn Goṭama, khi ấy tôi sửa soạn các món ăn, thức uống để tiếp đãi những khách quý là thân hữu, quan lại, hoặc thân quyến của tôi.
— Này ông Bà la môn, nếu những người khách ấy, là thân hữu, quan lại hoặc thân quyến không dùng, thì các món ăn, thức uống ấy sẽ thuộc về ai vậy?
— Thưa Sa môn Goṭama, nếu những người khách quý là thân hữu, quan lại hoặc thân quyến không dùng thì các món ăn, thức uống ấy chắc chắn sẽ vẫn là của tôi như trước.
— Này ông Bà la môn, cũng tương tự như vậy, ông chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ Như Lai, mà Như Lai không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ trả lại ông; ông giận Như Lai, mà Như Lai không giận trả lại ông; ông cố tâm chọc tức Như Lai, mà Như Lai không chọc tức trả lại ông. Như Lai hoàn toàn không nhận điều gì (lời chửi mắng…) cuả ông
Này ông Bà la môn, như vậy, những điều ấy (lời chửi mắng…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
Này ông Bà la môn, người nào chửi mắng trả lại người đã chửi mắng mình; người nào nổi giận trả lại người đã nổi giận mình; người nào cố tâm chọc tức trả lại người đã chọc tức mình,…. Như Lai gọi người ấy là người cùng chung hưởng với nhau; còn Như Lai không cùng chung hưởng với ông; không cùng ăn thua với ông. Này ông Bà la môn, như vậy, những điều ấy (lời chửi mắng…) chỉ thuộc về một mình ông mà thôi.
Đức Thế Tôn thuyết dạy bài kệ rằng:
Người nào diệt tâm sân, không còn nóng giận nữa,
Sống an nhiên tự tại, giải thoát khỏi khổ tâm,
Vì chứng ngộ chân lý, dập tắt mọi phiền não,
Tâm sân hận từ đâu, mà phát sanh lên được?
Người nào hay nổi giận, trả thù kẻ giận mình,
Người ấy thấp hèn hơn, kẻ giận mình gấp bội.
Người không giận trả đũa, với kẻ đã giận mình,
Gọi là người chiến thắng [*], mà người thường khó thắng.
Người nào biết ai giận, có chánh niệm giữ mình,
Dập tắt mọi phiền não, người ấy gọi là người,
Thực hành pháp nhẫn nại, giữ gìn sự lợi ích,
Cho mình và cho người, cả hai đều cùng lợi.
Người giữ gìn lợi ích, cả cho mình lẫn người.
Những người không trí tuệ, không biết rõ thiện pháp.
Hiểu lầm người ấy rằng: “Một hạng người khờ dại”.
[*] Chiến thắng được phiền não của mình
Khi Đức Thế Tôn thuyết dạy xong, Bà la môn Akkosaka thành kính bạch rằng:
— Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Kính bạch Đức Goṭama, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Sau khi tán dương, ca tụng Đức Thế Tôn, ông Bà la môn Akkosaka phát sanh đức tin trong sạch, rồi xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, và kính xin Đức Thế Tôn cho phép ông được xuất gia thọ Sa di, thọ Tỳ khưu nơi Ngài.
Đức Thế Tôn cho phép ông Bà la môn Akkosaka xuất gia trở thành Tỳ khưu, theo như ý nguyện. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Tỳ khưu Akkosaka hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, không dể duôi, tiến hành thiền tuệ, chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng trong giáo pháp của Đức Phật Goṭama.