Vấn-đáp về đề tài Nhẫn Nại

Vấn: Nhẫn nại là một đức hạnh cao thượng mà Đức Phật tán dương “Khanṭi paramaṃ ṭapo ṭiṭikkhā…”. (Đức nhẫn nại là một pháp hạnh cao thượng). Vậy, làm cách nào để có được đức tính nhẫn nại?

Đáp: Muốn có được đức tính nhẫn nại cần phải thành tâm phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại rằng:

“Con xin thành tâm phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại suốt đời, dù tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình như: kẻ ác chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… làm khổ con; con vẫn giữ vững đức tính nhẫn nại, không hề có tâm sân hận”.

Khi đã thành tâm phát nguyện xong, ví như có một bức tường thành vô hình vững chắc bên ngoài, có một năng lực phi thường bảo vệ hành giả. Nếu tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình, những cảnh trái ý nghịch lòng, thì khi ấy có đức tính nhẫn nại bên trong chịu đựng một cách tự nhiên, chỉ có tâm sở vô sân đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh, không hề có sân tâm phát sanh, bởi vì có đức tính nhẫn nại bảo vệ.

Vấn: Có đức tính nhẫn nại khi nào?

Đáp: Trong cuộc sống hằng ngày tiếp xúc những đối tượng đáng hài lòng, thì không có đức

tính nhẫn nại; chỉ khi nào tiếp xúc phải những đối tượng làm cho bất bình, những cảnh trái ý nghịch lòng,… khi ấy mới cần có đức tính nhẫn nại chịu đựng những đối tượng ấy một cách tự nhiên, không hề có sân tâm phát sanh do bởi đối tượng ấy.

Vấn: Những đối tượng làm cho bất bình như thế nào?

Đáp: Những đối tượng làm cho bất bình là những đối tượng không đáng hài lòng như:

— Thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt: nóng quá, lạnh quá, đói quá, khát quá, v.v….

— Tiếp xúc với những kẻ ác: chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v….

— Tiếp xúc cảnh trái ý nghịch lòng, không nhất thiết phải là đối tượng xấu, có thể là những đối tượng tốt mà mình không hài lòng, ví như: Đức Phật là một đối tượng hoàn toàn tốt, nhưng đối với những hàng ngoại đạo, Đức Phật là đối tượng làm cho họ bất bình, tâm sân hận phát sanh, do nghĩ sai lầm rằng: “Chính Đức Phật làm cho chúng ta mất nhiều lợi lộc v.v…”.

Những đối tượng làm cho bất bình này dễ phát sanh tâm sân hận, song đối với những ai đã phát nguyện thọ trì pháp hạnh nhẫn nại từ trước, nay tiếp xúc với những đối tượng làm cho bất bình này, thì đây là cơ hội tốt để thực hành pháp hạnh nhẫn nại.

Vấn: Đức tính nhẫn nại với tâm từ giống nhau và khác nhau như thế nào?

Đáp: Đức tính nhẫn nại với tâm từ giống nhau về chi pháp, cả hai đều có chi pháp: vô sân tâm sở (adosaceṭasika) đồng sanh với thiện tâm.

Và khác nhau về đối tượng:

Đối tượng của đức tính nhẫn nại là những đối tượng làm cho bất bình, không đáng hài lòng, những cảnh trái ý nghịch lòng, v.v… gồm có nhiều đối tượng: người, chúng sinh, đồ dùng, thời tiết, v.v….

— Đối tượng của tâm từ giai đoạn ban đầu là người đáng kính, đáng yêu, chúng sinh đáng kính, đáng yêu; cho đến khi tâm từ phát triển tốt, đối tượng tâm từ chuyển sang tất cả mọi người, tất cả mọi chúng sinh không phân biệt, không có giới hạn, để đạt đến tâm từ vô lượng.

Vấn: Khi tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình, suy xét bằng cách nào để có được đức tính nhẫn nại, mà tâm sân không hề phát sanh?

Đáp: Có nhiều cách để có được đức tính nhẫn nại, mà tâm sân không hề phát sanh như sau:

1- Suy xét về sự lợi ích:

Trong tất cả mọi sự lợi ích, sự lợi ích của đức tính nhẫn nại là hơn cả. Bởi vì, đức tính nhẫn nại đem lại sự lợi ích cả cho mình lẫn cho người. Hơn nữa, người có đức tính nhẫn nại dễ dàng giữ gìn giới hạnh được trong sạch và đầy đủ; tiến hành thiền định phát triển tốt; tiến hành thiền tuệ được tăng trưởng tốt, dẫn đến sự chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn, đó là sự lợi ích cao thượng nhất. Do xét thấy lợi ích lớn lao ấy, nên cố gắng giữ gìn đức tính nhẫn nại.

2- Suy xét về nghiệp và quả của nghiệp:

Trường hợp có người đến làm khổ ta, nên có chánh kiến về nghiệp thấy đúng, hiểu đúng rằng: Đó là quả của ác nghiệp mà chính ta đã tạo trong kiếp hiện tại này hoặc trong những tiền kiếp của ta; nay đến thời kỳ cho quả của ác nghiệp ấy. Ta đã tạo ác nghiệp, nay ta phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, xem như đã trả xong một món nợ, đó là lẽ đương nhiên, hợp với tính chất công minh chính trực của định luật nhân quả, hoàn toàn không có sự bất công nào cả. Nhưng thật đáng thương cho người thi hành theo mệnh lệnh của ác nghiệp mà chính ta đã tạo, đến làm khổ ta như chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… để rồi người ấy lại phải tạo nên ác nghiệp do bởi ta, thì thật đáng thương biết dường nào!

Ví dụ cụ thể để so sánh dễ hiểu:

Một tên cướp của giết người bị bắt tại trận, có tang chứng, vật chứng rành rành; toà kết án tử hình, thế là tội nhân mang bản án tử hình được giao cho người đao phủ thi hành theo phán quyết của toà án. Người đao phủ thừa lệnh thi hành bản án, giết chết tên tội nhân (theo lệnh toà án); mà hoàn toàn không có oán thù với y. Nhưng người đao phủ đã phải phạm giới sát sanh giết người, thì thật đáng thương biết dường nào! Nếu người kia không tạo ác nghiệp cướp của giết người, thì không có bản án tử hình, và người đao phủ cũng không phải phạm giới sát sanh giết người. Cũng như vậy, nếu ta không từng tạo ác nghiệp nào, thì không có quả khổ của ác nghiệp ấy, chắc chắn chẳng có một ai đến làm khổ ta được.

Ác nghiệp mà ta đã từng tạo trong quá khứ, một khi đến thời kỳ cho quả của ác nghiệp ấy, sẽ xui khiến cho người khác đến làm khổ ta. Người ấy phải thi hành theo mệnh lệnh quả của ác nghiệp mà chính ta đã tạo, để rồi người ấy lại tạo nên ác nghiệp do bởi ta. Như vậy, người ấy đáng thương hay đáng ghét?

Nếu cảm thấy người làm khổ ta đáng thương, thì tâm sân không phát sanh, chỉ có tâm bi đáng thương người ấy phát sanh mà thôi; bi tâm sở đồng sanh với thiện tâm phát sanh, không có tâm sân bực tức người ấy, mà có đức tính nhẫn nại chịu đựng một cách tự nhiên, như người thừa kế quả ác nghiệp của mình.

3- Suy xét về thiện nghiệp-ác nghiệp:

Trường hợp có người đến làm khổ ta như: chửi rủa, mắng nhiếc, vu oan giá hoạ, hăm doạ, đánh đập ta một cách tàn nhẫn. Khi ấy, ta nên có chánh kiến thấy đúng về nghiệp của mình (kammassakaṭā sammādiṭṭhi) rằng: Đó chỉ là quả khổ của ác nghiệp mà chính mình đã tạo trong quá khứ của kiếp hiện tại, hoặc trong những tiền kiếp của mình; nghiệp ác ấy đến thời kỳ cho quả khổ, dù muốn dù không ta cũng phải chịu đựng chấp nhận, mà không có quyền lựa chọn; nay ta có trọn quyền lựa chọn là:

— Nếu ta sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức, chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… để trả thù lại người ấy, thì ta không những chịu quả khổ của ác nghiệp cũ, mà lại còn tạo thêm ác nghiệp mới, để rồi phải chịu quả khổ trong vị lai.

— Nếu ta có đức tính nhẫn nại, không sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức, không chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập, v.v… không trả thù người ấy, thì ta không những chịu đựng trả quả khổ của ác nghiệp cũ, mà còn có cơ hội tạo thiện nghiệp mới, do nhờ đức tính nhẫn nại của mình, để rồi được hưởng quả an lạc trong vị lai.

4- Suy xét về tính chất công minh của nghiệp:

Trong cuộc sống của ta nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung đều do quả của nghiệp chi phối, phân chia từng mỗi chúng sinh. Khi nghiệp cho quả, thì rất công minh chính trực, không hề thiên vị một ai, dù là Đức Phật.

Thiện nghiệp cho quả tốt, an lạc.
Ác nghiệp cho quả xấu, khổ não.

— Khi thiện nghiệp đến thời kỳ cho quả, khiến cho nhiều người đối xử tốt với ta bằng thân, khẩu, ý để đem lại sự an lạc. Đó là quả của thiện nghiệp do chính ta đã tạo, ta thọ nhận dễ dàng.

— Khi ác nghiệp đến thời kỳ cho quả, khiến cho người khác đối xử tệ với ta bằng thân, khẩu, ý để đem lại sự khổ não. Đó là quả của ác nghiệp do chính ta đã tạo, nếu ta không chịu chấp nhận, thì ta không công minh chính trực với mình.

Một người Phật tử có trí tuệ sáng suốt, có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakaṭā sammādiṭṭhi), hiểu biết đúng đắn rằng: “Tất cả mọi quả đã hiện hữu trong đời này, đều sanh từ nghiệp: quả an lạc sanh từ thiện nghiệp và quả khổ não sanh từ ác nghiệp; thiện nghiệp, ác nghiệp chính do ta tạo, rồi sẽ hưởng quả của nghiệp ấy”. Người nào có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, tin ở sự công minh chính trực của nghiệp cho quả, thì chắc chắn không hề phiền trách ai làm khổ mình, người ấy sẽ có đức tính nhẫn nại chịu đựng quả khổ mà không hề phát sanh tâm sân hận.

Một số người quan niệm rằng: “Có sự bất công trong đời này”, đó là cách nhìn rất thiển cận xét theo nhân hiện tại. Cuộc đời của mỗi chúng ta nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung không chỉ tuỳ thuộc vào nhân duyên hiện tại, mà phần lớn tuỳ thuộc vào nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp trong quá khứ.

Ví dụ: Đức Bồ Tát Siddhaṭṭha, kiếp hiện tại trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, nhưng sự thật, Ngài đã trải qua một quá trình tạo 30 pháp hạnh ba la mật; từ giai đoạn đầu phát nguyện trong tâm có ý nguyện trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, thời gian suốt 7 a tăng kỳ (a tăng kỳ – asaṅkheyya: khoảng thời gian rất dài không thể tính bằng số lượng); đến giai đoạn giữa phát nguyện ra bằng lời nói, để chúng sinh đều nghe biết, suốt thời gian 9 a tăng kỳ; đến giai đoạn cuối cùng được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký trở thành Đức Bồ Tát cố định, còn phải tạo thêm 30 pháp hạnh ba la mật suốt 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua 24 Đức Phật thọ ký tiếp theo từng giai đoạn, cuối cùng đến Đức Phật Kassapa – vị thứ 24 thọ ký. Đức Bồ Tát tinh tấn không ngừng tạo 30 pháp hạnh ba la mật cho được đầy đủ, đến kiếp chót là Đức Bồ Tát Siddhaṭṭha xuất gia tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ, tự mình chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo-4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, không có thầy chỉ dạy, do đó có Ân Đức Phật là Sammāsambuddho: bậc Chánh Đẳng Giác.

Trong vòng tử sanh luân hồi, vô số tiền kiếp của Đức Phật, là những Đức Bồ Tát cũng có khi tạo ác nghiệp, cho nên khi đã thành bậc Chánh Đẳng Giác rồi, trong cuộc đời suốt 45 năm của Ngài, có khi ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, như: bị nàng kỹ nữ Ciñcāmāṇavikā giả làm người đàn bà mang thai, rồi vu oan giá hoạ cho rằng: Đức Phật ăn ở với nàng có thai…. Và chuyện Tỳ khưu Devadaṭṭa tìm mọi cách hãm hại Đức Phật, nhưng chắc chắn không có một ai có thể hại Ngài được. Những sự kiện như trên xảy ra trong cuộc đời Đức Phật đều do quả của ác nghiệp, mà tiền thân của Ngài là những kiếp Đức Bồ Tát trong quá khứ đã tạo; ở kiếp hiện tại, dù Ngài đã trở thành bậc Chánh Đẳng Giác, cũng không thể tránh khỏi quả của ác nghiệp, huống hồ gì những người như chúng ta làm sao tránh khỏi ác nghiệp đến thời kỳ cho quả. Nghiệp và quả của nghiệp rất công minh với chính nó.

Do đó, ta nên có đức nhẫn nại chịu đựng.

5- Suy xét về chúng sinh:

Đức Phật dạy: Trong vòng tử sanh luân hồi trải qua vô số kiếp từ vô thủy không sao biết được cho đến kiếp hiện tại này, một chúng sinh chưa từng là mẹ của mình, không dễ gì tìm thấy được (nghĩa là đã từng là mẹ của mình trong tiền kiếp), bởi vì trong vòng tử sanh luân hồi vô số kiếp từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại, trải qua thời gian quá lâu dài không sao kể xiết.

Cũng như vậy, một chúng sinh chưa từng là cha, ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, em,… không dễ gì tìm thấy được. Nghĩa là bất cứ một chúng sinh nào cũng đã từng là thân bằng quyến thuộc của ta, gần trong kiếp hiện tại hoặc xa trong những tiền kiếp quá khứ. Chính ta đã mang ơn họ, dù họ có làm khổ ta, bởi do ác nghiệp của ta đến thời kỳ cho quả, chẳng lẽ ta lại căm thù người ấy, nghĩa là ta căm thù ân nhân là thân bằng quyến thuộc gần hoặc xa của ta hay sao!

Do suy xét về sự biết ơn và đền đáp công ơn đối với ân nhân của ta, nên tâm sân hận và căm thù không phát sanh; đức tính nhẫn nại đó là vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh chịu đựng mọi nỗi khổ một cách tự nhiên.

6- Suy xét về đức tính nhẫn nại là pháp hạnh ba la mật:

Ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác cần phải tạo đầy đủ các pháp hạnh ba la mật tuỳ theo mỗi bậc:

— Để trở thành Đức Phật Toàn Giác cần phải tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung, 10 pháp hạnh ba la mật bậc thượng.

— Để trở thành Đức Phật Độc Giác cần phải tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba la mật: 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường, 10 pháp hạnh ba la mật bậc trung.

— Để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác cần phải tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật bậc thường.

10 pháp hạnh ba la mật đó là:

1) Bố thí ba la mật.
2) Giữ giới ba la mật.
3) Xuất gia ba la mật.
4) Trí tuệ ba la mật.
5) Tinh tấn ba la mật.
6) Nhẫn nại ba la mật.
7) Chân thật ba la mật.
8) Chí nguyện ba la mật.
9) Tâm từ ba la mật.
10) Tâm xả ba la mật.

Như vậy, nhẫn nại là một trong mười pháp hạnh ba la mật để trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác, để làm duyên lành dẫn đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo-Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, được an lạc tuyệt đối.

Trong 10 pháp hạnh ba la mật, pháp hạnh nhẫn nại ba la mật có tính chất đặc biệt về đối tượng, còn lại 9 pháp hạnh ba la mật khác có thể tạo trong bất cứ đối tượng nào, bất cứ thời gian nào theo ý muốn của mình. Riêng đối tượng của pháp hạnh nhẫn nại ba la mật không thể tạo theo ý muốn của mình. Vì sao?-Bởi vì những đối tượng làm cho bất bình, không đáng hài lòng, cảnh trái ý nghịch lòng, v.v… xảy ra không ngờ trước.

Ví dụ: Bỗng nhiên có người nào đến chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập ta,… những đối tượng này dễ làm cho tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức phát sanh, nhưng đây chính là các đối tượng của đức tính nhẫn nại, của pháp hạnh nhẫn nại ba la mật. Cho nên, khi nào bổng nhiên có người nào đến chửi rủa, mắng nhiếc, hăm doạ, đánh đập ta…, khi ấy mới có cơ hội tốt để cho ta rèn luyện đức tính nhẫn nại cao thượng, để tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật.

Sự thật, ta có được đức tính nhẫn nại cao thượng, tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, là nhờ đâu?-Nhờ người khác bỗng nhiên đến chửi rủa, mắng nhiếc,… đánh đập ta. Như vậy, người ấy trở thành ân nhân giúp đỡ ta tạo được đức tính nhẫn nại cao thượng, tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật; ta cần phải biết ơn người ấy, do đức tính biết ơn nên tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức người ấy không thể phát sanh, chỉ có đức tính nhẫn nại là đại thiện tâm phát sanh mà thôi. Hơn nữa, người ấy còn là người thật đáng thương. Vì sao?-Bởi vì họ thi hành theo mệnh lệnh vô hình do năng lực ác nghiệp của ta đến thời kỳ cho quả, rồi tự tạo nên ác nghiệp của họ. Nghĩa là người ấy tạo ác nghiệp do bởi ta, nên thật đáng thương; ta có tâm bi đầy thương cảm, nên tâm sân hận, nổi cơn giận dữ, bực tức người ấy không thể phát sanh, chỉ có đức tính nhẫn nại là đại thiện tâm phát sanh mà thôi.

Nếu ta có tâm sân phát sanh bên trong, cố nhịn nhục, không có biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói thô tục hoặc hành vi, cử chỉ thô bạo, thì cũng không thể gọi là đức tính nhẫn nại cao thượng, không tạo được pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, do tâm bị ô nhiễm bởi phiền não sân hận.

Vậy, để đạt được đức tính nhẫn nại cao thượng, pháp hạnh nhẫn nại ba la mật, thì ta nên có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp; có chánh kiến về nghiệp của mình; có trí tuệ thấy rõ biết rõ sự tai hại của tính không nhẫn nại và sự lợi ích của đức tính nhẫn nại; cho nên, dù tiếp xúc với đối tượng làm cho bất bình như thế nào hay gặp cảnh trái ý nghịch lòng ra sao, thì vô sân tâm sở đồng sanh với đại thiện tâm phát sanh, mà sân tâm không hề phát sanh; giữ gìn thiện tâm tăng trưởng để tạo pháp hạnh ba la mật cho được đầy đủ, ngõ hầu mong trở thành Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Thanh Văn Giác, đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng tịch diệt Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

-ooOoo-

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app