SƯU TẬP PHÁP
GIẢI VỀ PHẬT TUYÊN NGÔN (BUDDHA UDĀNA) SAU KHI NGÀI VỪA CHỨNG “VÔ THƯỢNG – CHÁNH ÐẲNG – CHÁNH GIÁC” (ANUTTARASAMMĀSAMBODHIÑĀNA)
Những người mong được mau giải thoát, cần tìm ngụ trong nơi thanh vắng, nên học “Phần pháp hành đầu tiên” (pubbabhāgatipatti) cho thông hiểu rồi giữ mình ở theo quy tắc đó, thì mới khỏi bị đời chê trách, khiến cho hàng phi nhơn và chư thiên ưa thích. Như thế, hành giả đến trú ngụ nơi nào cũng được yên vui.
Phần pháp hành đầu tiên đó có ghi phép trong “Mettasutra“. Người học phải cần trau giồi : giới, định, tuệ tiến lên bậc cao (adhisīla, adhicitta, adhipañña) hành 15 nghĩa vụ đầu tiên (pubbakicca) đó cho đầy đủ như dưới đây:
PHÉP HÀNH ÐẦU TIÊN CHO GIỚI, ÐỊNH, TUỆ ÐƯỢC TRONG SẠCH THANH CAO, NHẤT LÀ CHO THIỀN ÐỊNH ÐƯỢC THÀNH TỰU GỌI LÀ “Pubbabhāgapatiputti“, cũng gọi là khí giới của bậc tu giải thoát, có 15 pháp:
1.- Sakkho ca: nên là người dạn dĩ, không thương tiếc thân thể và sanh mạng, chỉ tinh tấn hành đạo để đắc tứ diệu đế (4 ariyassa), bằng tuệ hành (Pativedhañāna).
2.- Ujū ca: nên là người ngay thật, là người ngay thân, ngay khẩu, ngay tâm, ngay đối với tam học;
3.- Sunujū ca: nên là người chân chánh, là mình không khoe đức tánh mà mình không có và là người không có sự giấu lỗi mình;
4.- Suvaco ca: nên là người dễ nói dễ dạy, không phải là người cứng đầu;
5.- Mudu ca: nên là người mềm dịu, ưa thích theo pháp hành;
6.- Anātimāhi ca: nên là người không ngã mạng thái quá, làm cho trở ngại đường hành đạo;
7.- Santussako ca: nên là người biết đủ, ưa thích trong vật dụng để nuôi sanh mạng, tùy có tùy được vừa theo sức mình;
8.- Subhako ca: nên là người dể nuôi, không tham lựa chọn vật dụng;
9.- Appakicco ca được thong thả;
11.- Santinriyo ca: nên là người ít bận việc, vui đến sự hành đạo giải thoát;
10.- Sallahukavutti ca: nên là người có sự hành vi nhẹ nhàng, là có đồ dùng vừa đủ, có thể đem đi đến nơi nào theo ý muốn, như loài chim chỉ có cái mỏ, cặp cánh và cái đuôi, có thể bay đi: nên là người có lục căn yên lặng, thu thúc không cho tham sân, si, đè nén, nhất là khi thấy sắc và nghe tiếng… nghĩa là không mê sa theo cảnh giới của tham, sân, si;
12.- Nipako ca: nên là người giữ mình được toàn vẹn, không sơ sót, là có trí tuệ giữ giới định, tuệ chín chắn bền vững được;
13.- Appagabbho ca: nên là người vi vặt thu thúc.
14.- Kusalesuananugiddho ca: nên là người không vui thích mê sa bận bịu thái quá trong thân quyến;
15.- Na ca khuddam samācare kinci: nên là người không có nghiệp (thập ác nghiệp) dầu là nhỏ nhen chút ít, đáng cho bậc trí tuệ chê trách.
Người không rõ điều lợi ích nên thật hành theo, cho vừa với pháp trên đây từ đầu chí cuối, làm cho mình như vật đựng đồ, đáng là người giác ngộ Niết Bàn, là pháp diệt khổ. Khi được hành đầy đủ pháp Pubbabhāgapatipatti, rồi gọi là người làm cho mình đến Niết Bàn bằng cách chơn chánh.
Xong rồi, tu pháp bậc đại nhơn (Bramahvihāra) chỉ quan [*] hoặc minh sát mới có kết quả dễ dàng theo chí nguyện. Ðức Phật dùng đề mục “Số tức quan” (ānāpānussati) làm nền tảng. Ngài giảng thuyết để lại cho chúng ta biết, khi còn đương tìm đạo Niết Bàn trong 6 năm khổ hạnh. Ngài chỉ ngụ trong nơi thanh vắng. Ngài chứng quả bồ đề cũng dưới bóng cây, nhập Niết Bàn cũng dưới cây Song long thọ. Cho nên, Ngài có dạy chư thinh văn rằng: “Các ngươi nên ưa thích trong đám rừng”.
[*] Chỉ quan: là dừng tâm lại chăm chú xem, tức là pháp thiền định
Ðây xin giải lời Phật tuyên bố, khen ngợi sự trú ngụ trong chỗ yên lặng. Khi mới vừa đắc “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” dưới cội cây bồ đề, Ngài biểu dương một mình bằng giọng thanh tao rằng:
“Sukho viveko tuṭṭhassa sutadhammassa passako abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pāṇabhudesu saññamo sukkhā virāgatā loke kāmānam samatikkamo asmimānassa vinayo, etam ve paramaṃ sukhaṃ.”
Trong thời gian; các hàng Phật tử được tiến hóa nhiều rồi, Ngài mới đem những lời đã công bố trên đó, thuyết ra cho chư Thinh văn được thọ trì làm di sản tiếp tục cho đến ngày nay.
Xin diễn dịch các kệ ngôn đó như dưới đây:
“Sukho viveko tutthassa sutadhammassa passako:
“An tịnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật cái pháp mà mình đã được nghe”.
“Abvāpajjham sukkham loke panabhudesu sannamo:
“Không hại, tức là có sự thu thúc, không làm khổ chúng” sanh có thức tính là điều vui trong đời.
“Sukhā viragata loke kāmānam samatikkhamo:
“Thoát ly tình dục nghĩa là người đã ra khỏi sự ham muốn ṅgũ dục, là điều vui trong đời.
“Asmimānassa vinayo etam ve paranaṃ sukhaṃ
“Ðem cái tâm cố chấp giữ vững ý kiến rằng “là ta, là người” cho tiêu mất, đó là điều cực vui.
Lời công bố của Phật chỉ là bấy nhiêu.”
* * *
Xin giải rộng thêm cho dễ hiểu, hầu giúp ích cho các hàng Phật tử.
“Sukho viveko tutthassa sutadhammassa passako:
“An tịnh tức là nơi nương ngụ yên lặng, là vui, là nguyên nhân đem sự an lạc đến người đã ưa thích, nghĩa là người thấy xác thật cái pháp mà mình đã được nghe.
Giải rằng: An tịnh là nói về 3 chỗ yên lặng.
1.- Tịnh thân, gọi là thân yên lặng (kāyaviveka).
2.- Tịnh tâm, gọi là tâm yên lặng (cittaviveka).
3.- Tịnh kết phiền não, gọi là yên lặng khỏi phiền não thắt buộc (upadhiviveka).
Tịnh thân, nói về chỗ ở vắng vẻ, xa khỏi đảng phái, bậu bạn lối 500 cây cung (1000m) gọi là lâm tuyền (āraññika), nơi bóng cây xa khỏi chòm nhà, vắng tiếng ồn ào, gọi là dưới ảnh thọ (rukkhamūla); chốn trống trải xa xóm (hang đá, ve đá hoặc khoảng trống thanh vắng hiệp với phép chỉ quán, gọi là tĩnh thất (suññagāra). Cả 3 chỗ quạnh hiu đó đều là miền đất vắng lặng. Người trú trong nói như vậy gọi là có thân yên lặng, là nhân làm cho phát sanh sự tịnh tâm, nghĩa là khi đã ngụ trong nơi vắng rồi chú tâm hành pháp chỉ quán, minh sát thì tâm đứng yên trong một cảnh giới gọi là nhất tâm (ekaggārammaṇa). Tâm xa khỏi: tham, oán, hôn, phóng, nghi, gọi là tịnh tâm và là nguyên nhân cho đắc “tịnh kết – phiền não”.
Yên lặng khỏi phiền não thắt buộc đó, nói về cái ý tưởng đầu tiên (saññā ātīta) và ẩn sâu trong tâm. Như tưởng rằng “Danh sắc (nāmarūpa), nguyên tố (dhātu), uẩn (khandha), lục nhập (āyatana), hoặc tóc, lông, móng, răng, da v.v…. điều có trong ta, là điều phiền não nhỏ nhen, không rõ rệt là tội hay phước. Tuy nhiên, chính đó là nguyên nhân, là căn duyên gây các phiền não thô thiển khác. Nhất là khổ về sự: thương tiếc, buồn rầu, than khóc v.v… cho nên phải cần có tâm yên tịnh, là trau giồi cái tâm cho trong sạch trước rồi mới dùng cái tâm tinh khiết đó để xem xét trong toàn thân thể theo quy tắc “Thập nhị duyên khởi” (paticcasamuppada) dùng vô minh làm chủ đề, nghĩa là thân thể gọi là vô minh. Vô minh dịch là không biết, nghĩa là không biết rằng: chính mình là chi? Chỉ biết được 12 thể thức của vô minh là; hành (sankhāra), thức (viññāna), danh sắc (nāmarūpa), lục nhập (āyatana), xúc (phassa), thọ (vedanā), ái (tanhā), thủ (upadāna), cõi hoặc nghiệp (bhaba), sanh (jāti), già (jāra) chết (marana). Cái ý tưởng đầu tiên chôn sâu trong mình là “Tập đế” (Samudaya). Tập đế đó che án một cách khít khao không thấy rõ toàn thân thể là cái gì. Ví như đám mây đen yểm mặt nhật. Ðến khi hành giả có tâm yên lặng, tu cái tâm trong sạch, để thẩm tra mới biết rõ nhân và duyên. Nhân là hành, thức, v.v… là 12 cái thể đó, hiệp theo Phật ngôn rằng: “Yato pajānāti sa hetudhammam: “Giờ nào bà-la-môn quan sát thấy rõ pháp và nhân, giờ đó sự hoài nghi của bà-la-môn ấy hằng tiêu mất”.
Duyên chỉ có một là vô minh. Nhân và duyên khác nhau. Nhân là chủ trì (chủ trì: đứng đầu, quản lý xem xét các công việc), duyên là người hộ trợ. Cớ đó, khi tuệ kiến (ñāṇadassana) sanh thì vô minh diệt, lìa duyên giúp đỡ thì hành, thức cho tới già, chết, cũng mất theo. Nếu không có duyên trợ lực, thì nhân cũng hết, đúng theo lời Phật công bố rằng:
“Yato khayam paccānam avedi: Giờ nào bà la môn tinh tấn xem xét, được biết rõ sự tiêu tan của duyên, giờ đó tâm hoài nghi của Bà la môn ấy cũng dứt”.
Nhân và duyên gọi tắt là diệt (nirodha) thì tâm được sáng suốt chẳng còn dính mắc, sự cố chấp (upadāna) cũng tuyệt, hiệp theo Phật ngôn rằng: Vidhūpayam titthati mārasenaṃ surova obhāsayamantalikham; trong lúc đó, bà-la-môn tinh tấn dò xét, khi đã diệt trừ ma vương và quân ma được rồi thì tỏ sáng, ví như ánh sáng mặt nhật trong thinh không vậy. Ðó gọi là lặng phiền não kết buộc (upadhiviveka).
Nên hiểu ba pháp tĩnh như đã giải trên đó. Nói tóm lại, giới gọi là thân tĩnh, nghĩa là thân yên lặng khỏi tội lỗi; định gọi là tâm tĩnh, nghĩa là tâm yên lặng khỏi ngũ dục: tuệ gọi là kết phiền não tĩnh, nghĩa là tâm yên lặng khỏi phiền não kết buộc.
Ðiều nói rằng: “Người thấy pháp mà mình đã nghe” đó nên hiểu như vầy: người thấy pháp gọi là thấy Niết Bàn, là cái kết quả của sự lặng phiền não kết buộc, tức là thấy “toàn thân thể” này là “pháp đầu tiên, là căn bản tự nhiên” (sabhāva dharma) chung với cái nhân là hành, thức cho đến già, chết khi duyên diệt, nhân cũng tiêu, theo với nhau, chỉ còn sót “xuất thế pháp” (Lokuttaradharma), gọi là người biết rõ sự tận diệt của các duyên; tâm nghi ngờ trong cõi, sanh và ma phiền não hết thế lực, không còn theo phá hại nữa được. Hành giả được thông suốt như ánh sáng mặt nhật trong bầu trời vậy.
Trong câu thứ nhì nói rằng: “Abyāpajjhaṃ sukhaṃ loke pānabhudesu saññamo: “Không hại tức là sự thu thúc không làm khổ chúng sanh, có thức tánh là đều vui trong đời”. Trong điều này nên hiểu tóm tắt như vầy: Lẽ thường, người đã được thấy pháp hằng có sự thay đổi pháp nương nhờ mới, tức “Phật duyên” (buddhanissaya) là đức tin cao quý là: bi đức (karunāguna), tuệ đức (paññāguna), tịnh đức (visuddhiguna) vào làm chủ vĩnh viễn trong tâm. Người bực này chỉ có tâm thỏa thích trong Tam Bảo thôi. Người mà không bị ác tâm sở (akusalacetasika) đè nén thì hằng có sự yên vui. Người không có tâm làm hại chúng sanh, đức Phật mới gọi là vui trong đời như thế đó.
Trong câu thứ 3 rằng: “Sukhā virāgatā loke kāmānam samatikkamo: Xa lánh tình dục, nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn, làm đều vui trong đời đó nên hiểu theo lời đã giải trên. Người thấy pháp, người chứng pháp xuất thế bậc cao, là người đã lìa sự ưa thích ngũ dục, đã lướt qua khỏi dòng nước chảy (ogha).
Thế thường, chúng sanh có lòng dục làm chủ nên Phật chỉ danh là ma vương. Nếu đã khỏi tay ma vương thì mới được yên vui. Chúng sanh trong đời hằng có sự nóng nảy khó chịu, do cái gì? Chẳng phải vì lòng tham dục chăng? Lòng dục đốt mình, bắt phải làm công việc mỗi ngày, như làm cho các nghề sĩ, nông, công, thương, không sao kể xiết được. Sự lo bảo tồn phe đảng, chủng tộc, lo cấp dưỡng thân quyến ngày đêm, từ trẻ đến già, cũng chưa tròn phận sự. Những đều khổ não, bất bình, tranh cãi, xung đột, giết hại lẫn nhau toàn là do lòng dục mà sanh ra cả. Nếu diễn giải cái tội của lòng ham muốn, thì không giấy mực nào mà tả cho cùng được.
Người vui trong ngũ dục như kẻ bị trùng vi vậy. Cớ đó, đức Phật khi đã khỏi tay mà vương rồi, Ngài mới tuyên ngôn rằng: “Sukhā virāgatā loke kāmānaṃ samattikkamo“: Xa lánh tình dục nghĩa là người đã thoát ly sự ham muốn, như vậy là đều vui trong đời”.
Câu thứ 4: “Asmimānassa vinayo etam ve paramaṃ sukhaṃ“. Ðem tâm cố chấp ra cho tiêu mất, là đều cực vui trong đời. Tiếng “cố chấp” là giữ vững ý kiến rằng: ta giàu, ta sang, ta như vầy, như kia…, đó gọi là cố chấp, nhân đó mới lầm lạc theo lòng ham muốn, rồi phải chịu sự thống khổ, rầu buồn, than khóc, rên la, thương tiếc v.v… Lẽ đó, đức Phật, khi trừ dứt được tâm cố chấp rồi, mới công bố rằng: “Asmimā nassa vinayo etam ve paramaṃ sukhaṃ“: Sự đem tâm cố chấp ra cho tiêu mất, đó là đều cực vui trong đời.
Ba câu sau chỉ rõ cái quả phước của câu trước, nghĩa là cắt đứt tâm phá hại tình dục do a-na-hàm đạo, trừ hết cố chấp do a-la-hán đạo, mà được kết quả mỹ mãn đều nhờ thế lực của sự ưa thích trong nơi yên lặng, được thấy pháp mà mình đã nghe. Pháp mà mình đã nghe đó, chỉ được nghe chớ chưa hiểu biết xác thật. Ðến lúc trú ngụ trong chỗ thanh vắng rồi mới thấy biết. Khi đến lúc ngụ trong chỗ thanh vắng rồi mới thấy biết. Khi sự hiểu biết phát sanh lên rõ rệt, nghĩa là khi trí tuệ đoạn tuyệt phiền não kết buộc, thì tâm phá hoại, dục vọng và cố chấp cũng dứt, đó là quả báo của sự tiêu tan upadhikilesa.
GIẢI VỀ 10 KỆ NGÔN CHỈ RÕ CÁI TỘI CỦA ÁI DỤC
1. Kāmaṃ kāmayamānassa tassa ce tam samijjhati addhā pītimano hoti laddhā macco yadicchati.
Nếu sự vật đó thành tựu đến người cần dùng, sự vật mà người thương yêu, thì họ cố tâm phỉ lạc, vì họ được vật mà họ mong mỏi”.
Lời giải: – Tiếng “Sự vật mà người thương yêu” đó là nói về tất cả người, thú và các vật liệu vô thức tánh (nhà cửa, vàng bạc…) Khi người cần dùng mà được vật vừa lòng, thì họ thỏa thích, đó là lẽ tự nhiên của phàm nhơn. Song sau rồi, sự ưa thích đó, sẽ làm cho họ phải buồn rầu, hoặc khổ não, kinh sợ. Nếu các vật đó bị hư hoại vì lẽ gì, thì họ phải thương tiếc. Trong lúc các vật đó chưa tiêu hao, họ cũng khó chịu, vì sự chăm nom, bởi tất cả sự vật đều phải cần nương với sự săn sóc mãi mãi. Tuy nhiên, phàm nhơn chỉ biết rằng; được là vui, cho nên người đời mới cần dùng tất cả vật dục. Cái lòng mong mỏi của phàm nhơn không bờ bến, hiệp theo kệ ngôn dưới đây:
2. Kāmaṃ kāmayamānassa tassa, ce taṃ samijjhati, tato naṃ aparaṃ kāme ghamme tanhaṃva vindati.
Nếu vật đó thành tựu đến người cần dùng vật mà họ thương mến đó, thì họ cần dùng thêm vật khác nữa, như người đi đường khát nước muốn uống nước vậy”.
Lời giải. – Bộ hành đương khát nước, chỉ mong mỏi được uống nước, thế nào, người mà cần vật dục, cũng khao khát vật dục như thế đó. Khi được vật này, rồi cầu có vật khác thêm nữa; được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế này, cũng còn mong được sắc, tiếng, mùi, vị, đụng chạm, thế khác tiếp theo; có bấy nhiêu đây rồi, cũng ước mong được bấy nhiêu kia nữa, không bao giờ biết no dạ, dầu là được tất cả trong thế gian, cũng vẫn chưa phỉ chí, cũng như đức Chuyển luân vương Mandhāturāja đã làm vua cõi nhân gian, còn mong thống trị cả cõi trời. Xin xét theo kệ ngôn dưới đây;
3. Gavaṃva singino singam vaddhamānassa vaddhati evam mandassa posassa bālassa avijjānato bhiyyo tanhā pipāsā ca vaddhamānassa vaddhati.
Sừng bò hằng sanh trưởng đến bò, theo hình thể bò, thế nào, tâm ham muốn và lòng đói khát thường tăng tiến dữ dội đến người ít suy xét, đến kẻ tối tăm, đến người không thấy rõ, như thế đó.
Lời giải. – Lẽ thường bò, lúc còn nhỏ, cũng chưa có sừng. Khi lớn lên mới có. Sừng đó cũng to lớn theo hình dạng của bò, thế nào, lòng ái dục (tanhā) của phàm nhơn cũng hằng phát khởi theo thứ tự, nghĩa là thuở còn bé thơ tâm ham muốn cũng ít oi, chỉ mong được đồ chơi, ăn bánh hoặc trái cây. Ðến lúc tráng niên thì cầu có vật trang sức ăn chơi, đến tuổi trưởng thành thì sự mong mỏi lại càng tăng gia bội.
Nhưng, sự mọc sừng của bò còn có nơi cuối cùng, là khi đã mọc ra vừa rồi thì tự nhiên ngưng lại. Trái lại, cái lòng ham muốn của thường nhân, thì không bao giờ cùng tột. Xin suy xét theo kệ ngôn sau đây:
4. Pathabyā sāliyavakam gavāssam dāsaporisam datvāpi nālamekassa iti viddhā sanam care.
Tâm tham của người thường giống nhau như sự mong mỏi của bò được ăn mạ lúa trong ruộng vậy. Dầu người cho bò và mạ lúa, với tất cả tôi tớ trong trái đất, cũng chưa vừa ý đến một người. Nếu người đời biết như thế rồi, không nên theo lòng ham muốn, cần phải hành theo chánh pháp.
Lời giải. – Lẽ thường bò thấy mạ lúa tươi trong ruộng hằng mong được ăn, thế nào, phàm nhơn cũng ước ao được tài sản có thức tánh và của cải vô thức tánh, như thế đó, dầu là được: voi, ngựa, trâu, bò, tôi tớ, bộ hạ nhiều đến đâu cũng chưa biết đủ, tâm sở vọng hằng có mãi mãi. Cho nên người đời không nên chiều theo vọng tâm, mà tạo ra ác nghiệp vì lòng ham muốn, chỉ cần làm việc đáng làm, dầu có mong mỏi đến đâu, cũng chẳng nên làm dữ. Lũ cướp đoạt của người, gọi là làm ác theo lòng ham muốn. Kẻ giết thú lấy da, hại voi lấy ngà, đều gọi là bọn làm tội vì ái dục. Tội đó sẽ làm cho họ khổ trong cảnh địa ngục, ngạ quỷ, a-tu-la, cầm thú rất lâu dài. Xin nhớ đến ông triệu phú gia không con (aputtasetthi) cùng các tích xưa khác, và xem kệ ngôn dưới đây:
5.
Rāja pasyha pathavī vijitvā
Sasāgarantam mahimāvasanto
Oram samuddassa atittarūpo
Pāram samuddassapi atittlarūpo
“Ðức vua thắng người trên quả địa cầu, có bờ biển đây là nơi cuối cùng, rồi cũng chưa mãn ý, còn cần dùng bờ biển bên kia nữa”.
Lời giải. – Tuy đức vua có phước hậu thống trị suốt bờ biển bên nây rồi, song như thế cũng chưa vừa lòng, vẫn còn mong được đất đai bên bờ biển kia nữa. Cho nên nói: tâm tham của kẻ phàm phu thật không bờ bến. Xin xem qua ý nghĩa kệ ngôn tiếp theo đây rằng:
6.
Yāva anussaram kāme
Manassā titti navajjhagā
Tato navattā patikamma disvā
Te ve tittā ye pannāya tittā;
“Khi người thường nhớ tưởng tới ngũ dục đến đâu, cũng chẳng gặp sự no lòng đến đó. Những kẻ nào trở tâm thoát ly dục cảnh, thấy tội trong dục cảnh, các kẻ đó là mãn nguyện.
Lời giải. – Bực có trí tuệ mới biết vừa lòng phỉ chí trong vật dục phiền não dục.
Người thế nào gọi là có trí tuệ? Người thấy tội của vật dục phiền não dục gọi là bậc có trí tuệ. Vì ngó thấy tội trong vật dục, phiền não dục tâm của họ lui khỏi vật dục, phiền não dục, không bận lòng tìm kiếm chúng nó. Họ thoái bộ giờ nào, gọi là no giờ đó, gọi là ngưng lúc đó, gọi là đến nơi cuối cùng của sự ham muốn, khi đó. Cái kết quả của sự không mong mỏi sẽ có, thế nào, xin xem tiếp câu kệ ngôn dưới đây:
7.
Paññāaya tittinaṃ seṭṭhaṃ
Na so kamehi tappati
Paññāya tittaṃ purisam
Tanhā na kurute vasaṃ
“Phỉ do trí tuệ là đều cao quý, vì người no bằng trí tuệ hằng không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục. Sự ham muốn không làm cho người mãn ý bằng trí tuệ ở trong thế lực của nó được.
Lời giải. – Sự thỏa chí trong vật dụng, phiền não dục đó, hằng không có, bằng cách được vật dục, phiền não dục nghĩa là dầu có được vật dục, phiền não dục nhiều đến đâu, cũng không mãn ý. Sự mãn ý trong vật dục phiền não dục đó chỉ phát sanh do trí tuệ thôi, không phải được, vì lẽ gì khác. Vậy người no vật dục, phiền não dục rồi có lợi ích chi? Có lợi ích trong sự không nóng nảy vì vật dục, phiền não dục và khỏi sa trong quyền lực của ai dục. Xin quan sát theo kệ ngôn dưới đây:
8.
Apacinetheva kāmāni
Appicchassa alolupo
Samuddamatto puriso
Na so kamehi tappati:
Người không nên thu thập vật dục phiền não dục. Sự không tham hằng có đến người ít ham muốn. Người không tham hằng không có sự nóng nảy vì vật dục, phiền não dục, như biển vậy”.
Lời giải. – Người có trí tuệ mong ra khỏi đời, thoát ly khổ não, không nên gom thâu vật dục, phiền não dục, đáng là người ít tham, không nên là người muốn nhiều. Người không thu thập vật dục, phiền não dục hay có tâm mát mẽ như nước trong biển thường mát mẽ luôn khi, nghĩa là dầu có người đem lửa đến đốt biển đến đâu, nước trong biển cũng vẫn không nóng. Người không cần dùng vật dục, phiền não dục, dầu có gặp đều khổ nhọc đến đâu, cũng tự nhiên không nao núng. Người có trí tuệ thường biết bỏ, hoặc để như người thợ đóng giày theo kệ ngôn rằng:
9.
Rathakārova cammassa,
Parikantaṃ upāhanaṃ:
“Thợ đóng giày khi thấy rằng cần cắt bỏ da chỗ nào thì cắt nơi đó, thấy rằng phải chừa da tại đâu, thì chừa tại đó, rồi họ làm giày mới được tốt đẹp”.
Lời giải. – Bậc trí tuệ cũng cần tinh tấn xét đến đều đáng bỏ và đều đáng để. Cái gì cần bỏ, cái gì phải để? Cái nên dứt trước hết là lòng ham muốn thái quá, là nguyên nhân cho sanh các nghiệp ác. Ðều đáng để là tâm ít tham, không gây tội lỗi, mong mỏi trong điều lành, nhưng không buộc phải dứt hết một lần, trong kiếp chưa đến Niết Bàn, Song le, với sự tinh tấn diệt lòng ham muốn, mỗi khi một ít, cũng sẽ trừ tuyệt được gốc rễ vậy. Khi đã dứt bỏ tất cả thì chỉ có sự vui, như trong kệ ngôn thứ 10 rằng:
10.
Yaṃ yaṃ jahati kāmānaṃ
Taṃ taṃ sampajjate sukhaṃ
Sabbañce sukhamiccheyya
Sabbe kāme pariccaje:
Người bỏ vật dục, phiền não dục nào, sự vui hằng đến họ, do sự dứt bỏ vật dục, phiền não dục đó. Nếu người cần được tất cả đều vui, cũng nên trừ tất cả vật dục, phiền não dục”.
Lời giải. – Trong kệ ngôn này chỉ cho thấy rõ rằng: Người gìn giữ vật dục, phiền não dục nào rồi, thì vật dục, phiền não dục đó càng làm khổ đến họ chẳng sai. Chỉ khi bỏ được vật dục, phiền não dục nào rồi thì hằng được vui do sự diệt trừ vật dục, phiền não dục đó. Tuy nhiên, nếu muốn được vui đều đủ, cũng phải bỏ đều đủ vật dục, phiền não dục, bằng không cũng chẳng được vui.
Jayaṃ veraṃ passavati
Dukkhaṃ seti parajayaṃ
Passañto sukham seti
Hit vā jayaparājayaṃ:
Người thắng hằng bị ganh ghét
Người bại thường chịu khổ não
“Vậy, người hãy bỏ sự thắng và bại đi
“Thì hằng ngủ được yên vui.”
GIẢI VỀ TIẾNG “BẬC XUẤT GIA VÀ SAMÔN” (PABBAJITA SAMANA)
Trong kinh “Ovādapātimokkha” có câu Phật ngôn: “Na hi pabbajito parū paghati samano hoti paraṃ vihethayanto” – Người giết chúng sanh không gọi: bậc “xuất gia”, người làm hại kẻ khác không gọi là bậc “samôn”.
Lời giải – Người đã tự nguyện rằng là bậc “xuất gia” hoặc “samôn” đó, chỉ đến khi có tâm nhẫn nại (adhivāsakhanti) nín nhịn, không làm hại kẻ khác cho họ chết mất, hoặc hao tài sản, hoặc không làm cho họ chịu khổ, mới vừa theo danh hiệu trên đó; nếu còn sát sanh hoặc làm hại kẻ khác, thì chẳng gọi là bậc “xuất gia” hoặc “sa môn” đâu.
Vì sao lại giải như thế đó?
Vì chưa đánh đuổi được điều ô nhiễm, như có Phật ngôn rằng “Pabbajayamattano malam tasmā pabbajamtotivuccati“: người đã đánh đuổi đều ô nhiễm của mình cho ra khỏi được, Như Lai mới gọi là bậc “xuất gia”, vì lẽ đó họ đã đánh đuổi được điều ô trược đó. – Sự đánh đuổi các điều ô nhiễm là cái tướng để phân biệt bậc xuất gia.
Cái gì gọi là ô trược?
Các bợn dơ làm cho cái tâm nhớp đục, như vật đen (than)… làm cho đồ sạch phải nhơ bẩn, nên gọi là ô trược.
Ô trược có 9 điều (mandila):
1. Kodha: ngầm giận
2. Makkha: quên ơn
3. Issā: ganh ghét
4. Macchariya: bón rít
5. Māyā: giấu lỗi mình
6. Sātheyya: khoe tài
7. Musā: dối gạt
8. Papiccha: ham muốn xấu
9. Micchāditthi: hiểu quấy.
Khi một trong chín ô trược đó phát sanh lên, làm cho tâm dơ đục, không trong sạch, cho nên gọi là “ô nhiễm” – Người đã trừ bỏ đều ô trược trong tâm rồi, mới đáng gọi là bực “xuất gia” thật; dầu chưa được dứt hẳn song chú tâm làm cho tiêu mất, cũng đáng gọi là bực “xuất gia” vậy. Người mà sát hại chúng sanh, cũng chỉ vì các ô trược đó ẩn núp trong tâm.
Lại nữa, người “xuất gia” dịch là “người lánh” là tránh tội lỗi mà đức Phật đã ngăn cấm, nhất là tránh những điều: dâm dục, trộm cướp, sát nhơn và khoe pháp của bậc quý nhơn, vì cả 4 nghiệp dữ đó là nguyên nhân sát hại chúng sanh. (Pháp của bậc quý nhơn là: bát thiền, 4 đạo, 4 quả Niết bàn, dứt, tham, sân, si)
Có hạng người, vì cái nhân dâm dục mà phá hại lẫn nhau; có hạng người mong được của kẻ khác rồi giết tài chủ cũng có; có hạng người muốn được lợi (lời khen, lễ lộc ) rồi dối gạt rằng mình có đức hạnh cao siêu. Những nghiệp đó có thể làm hại, làm khổ kẻ khác là điều chẳng nên hành, mà đức Phật đã có chế định hẳn các hàng xuất gia trong phật giáo không cho phạm. Nhân đó, các tỳ khưu, sa di, nên lánh điều Phật cấm, chuyên hành theo lời Phật chuẩn, bằng không thì gọi là người “xuất gia” sao được.
GIẢI VỀ TIẾNG “SA MÔN”
Người không nhẫn nại, dầu không giết thác chúng sanh, chỉ có đánh đập làm khổ kẻ khác cũng chẳng gọi là “sa môn” được.
Cớ sao?
Vì lẽ chưa xa khỏi sự phá hại chúng sanh. Chỉ khi có tâm yên lặng mới gọi là “sa môn” được, hiệp theo Phật ngôn rằng:
“Samittatā hi pāpānam samanoti vuccati“: người đã trừ các lội lỗi cho vắng lặng được, Như Lai mới gọi là śa môn” – Sự dứt bỏ điều ác là cái tướng để phân biệt của bậc “Sa môn”.
Lại nữa, bậc “Sa môn” chẳng phải do sự phân biệt cái tướng mạo bề ngoài đó đâu, như có Phật ngôn rằng:
“Na munṇakena samano abbato alikam bhanam icchālobhasamapanno samano kin bhavissati yo ca sameti pāpāni anunthūlāni sabbaso samitattā hi pāpānam samanoti vuccati“: Người chẳng phải được gọi là “Sa môn” chỉ vì sự cạo tóc đó đâu. Người không có hạnh kiểm, nói lời không chánh, không đúng pháp luật, người có nhiều sự ham muốn, mà gọi là “Sa môn” sao được. Về phần người đã dứt đủ các tội lớn nhỏ. Như Lai mới gọi là “Sa môn” vì họ đã diệt cả điều ác.
PHÁP LÀM CHO TRỞ NÊN “SA MÔN”
Ðức Chánh biến tri có giảng thuyết về danh hiệu và giáo pháp của “Sa môn” rằng:
“Samanā samanāti vo bhikkhave jano sañjānāti: Này các Tỳ khưu, đại chúng hằng rõ danh hiệu của các người rằng là “Sa Môn”. Về phần các ngươi cũng vậy, khi có ai hỏi rằng: “Ông là chi? Các ngươi cũng chắc tự nhận rằng: “Chúng ta là “Sa Môn”. Như vậy nữa. Nếu các ngươi có danh hiệu như thế và nhận mình như vậy rồi, phải biết rằng: “Ye dhammā samaṇakaraṇā brahmanakaranā. Các pháp nào làm cho trở nên Sa Môn và làm trở nên Bà la môn, chúng ta sẽ thọ trì những pháp đó. Hành động như thế, mới vừa với sự nhận thức chơn chánh của chúng ta, theo lời họ đã gọi thật”.
Lại nữa, chúng ta đã chịu dùng y bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men của những thí chủ nào, cái nghiệp lành của các kẻ đó, chắc sẽ phát phước lớn, có quả báo chẳng sai, vì họ nương nhờ chúng ta.
Hơn nữa, sự xuất gia của chúng ta, chẳng phải là vô hiệu quả đâu, là pháp tu hành được nhiều phước báo thực. Này các Tỳ khưu! Các ngươi cần biết mình như vậy, chẳng nên quên.
Khi đã thuyết như thế rồi, Ngài bèn giảng tiếp 2 pháp trọng yếu hơn là “hổ thẹn (Hi ri)” và “ghê sợ (Ottappa)” tội lỗi làm gốc, rồi giải rằng:
“Parisuddhikāyasamācāra parisuddhivacīsamācāra parisuddhimanosamācāra parisuddhāajīva indriyasaṃvara bhojanamattaññū jāgariyānuyoga satisampajanna“. Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng, cách trau giồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái (Nivaranadharma) rồi chú tâm ngưng thần làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế” tất cả pháp đó, là pháp của “Sa Môn”.
1. Hổ thẹn (Hiri) là nói về sự xấu hổ đối với các ác pháp;
2. Ghê sợ (Ottappa) là nói về sự ghê sợ các tội lỗi;Cả 2 pháp trên đây là trọng yếu đặc biệt của “Sa Môn” bằng không cũng chẳng gọi là sa môn được. Có hai pháp đó rồi, các đức tánh khác mới có thể phát sanh lên được.
3. Thân trong sạch đều đủ (Parisuddhikāyasamācāra) là nói về ba nghiệp lành của thân;
4. Khẩu trong sạch đều đủ (Parisuddhivacīsamācāra) là nói về bốn nghiệp lành của miệng;
5. Tâm trong sạch đều đủ (Parisuddhimanosamācāra là nói về ba nghiệp lành của ý;
6. Nuôi mạng trong sạch (Parisuddhāajīva) là nói về sự nuôi sống cho thanh cao (xem trong chánh mạng thanh tịnh giới);
7. Lục căn thu thúc (Indriyasaṃvara) (xem trong lục căn thanh tịnh giới);
8. Biết tiết chế trong thực phẩm (Bhojanamattannū) là nói về sự biết hạn chế trong khi thọ thực cho vừa (xem trong phép quán tưởng thọ vật dụng thanh tịnh giới);
9. Tĩnh thức thường thường (Jāgariyānuyoya) là nói về sự thực nhiều ngủ ít;
10. Trí nhớ biết mình (Satisampajañña);
11. Sự nương ngụ trong nơi thanh vắng: là nói về sự trú ẩn trong rừng hoặc dưới bóng cây hay là nơi tịnh thất vắng vẻ;
12. Sự trau giồi cái tâm cho xa khỏi pháp cái rồi chú tâm ngưng thần: là nói về hành phép thiền định;
13. Làm cho trí tuệ thấy rõ trong “Tứ diệu đế”: là làm cho phát sanh sự thấy biết rõ rệt: cái khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ, đạo diệt khổ (xem trong Tứ diệu đế).
Tất cả pháp đó là pháp của sa môn mà người đã tự nhận là sa môn phải cần có, bằng không, ắt sẽ có sự làm hại kẻ khác chẳng sai.
Ðức Thế Tôn giảng thuyết về hàng sa môn và cái pháp của bậc sa môn như thế đó.
PHƯƠNG TIỆN CHO PHÁT SANH PHÁP CỦA BẬC XUẤT GIA HOẶC SA MÔN
Người đã tự nguyện là bậc xuất gia hoặc sa môn phải chú tâm rằng: “Ta là bậc xuất gia hoặc sa môn rồi cần gìn giữ đức tín cho thanh cao vừa theo cái tướng mạo người xuất gia hoặc sa môn mới đặng, hay là quán tưởng theo Phật ngôn rằng: Bây giờ đây, ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế, nhất là, cách thức hành động của sa môn thế nào, ta cần phải làm theo, không nên làm cho sai biệt cái pháp của sa môn. Bậc xuất gia ví như người thương mãi, bán buôn muốn được lợi, nếu hành đúng cách mới được lời nhiều, bằng làm sái, ắt phải lỗ vốn. Cớ đó, đức Phật có giải về pháp để đè nén cái tâm của người xuất gia như vầy:
“Kusoyathāduggahito hatthamevānukantati sāmannaṃ dupparāmattham nirāyâyūpakadhati yamkiñci sithilaṃ kammaṃ samkilitthānca yaṃ vattaṃ sankassa rạm brahmacariyaṃ nataṃ hoti mahapphalaṃ kayirāce kayirāthenam dalhamenam parakkame sithilo hi paribbājo bhiyyo akirate rajam:
“Lẽ thường, cỏ tranh mà người không khéo nắm, kéo ngược trở lại, ắt phải đứt tay, thí dụ thế nào, sự xuất gia của hành giả nào tu không chơn chánh, sái pháp luật, hằng lôi kéo bậc đó sa trong địa ngục, cũng như thế ấy. Công việc nào làm thối chuyển, sự hành động nào nhơ đục, giáo lý nào mà người niệm bằng cách hoài nghi, cả 3 nhân đó là điều không có hiệu quả nhiều. Nếu người làm cái gì, là việc nên làm, hãy làm cái đó đi. Song cần phải thi hành cho đúng đắn, chẳng nên chỉ nói rồi thôi, vì cái pháp tránh khỏi mà người hành lui sụt, hằng rải rác tội lỗi như bụi bặm, nghĩa là trở thành nghiệp xấu.
TỘI CỦA BẬC XUẤT GIA TU HÀNH KHÔNG CHƠN CHÁNH
Người mặc y vàng, song không thu thúc theo pháp của sa môn cũng không khỏi sa địa ngục, như Phật ngôn rằng:
“Kāsāvakanthā bahavo pāpadhammā asannatā pāpāpapehi kammehi nirayam te upapajjare:
“Phần đông người có cà sa dính với cổ, tức là mặc y vàng song là kẻ có pháp xấu xa, không thu thúc theo phép của sa môn những kẻ không tốt đó thường phải bị đọa trong cảnh địa ngục, do các nghiệp xấu của họ đã tạo.
Lại nữa, người xuất gia đã phá giới, rồi thọ thực của thí chủ mà họ dâng bằng đức tin, không nên đâu, ráng dùng cục sắt đương nóng còn hơn, hiệp theo Phật ngôn rằng:
“Seyyo ayogulo bhutto tatto aggisikhūpamo yañce bhuñjeyya dussilo raṭṭha piṇṇam asaññato:
Người xuất gia phá giới, là người không thu thúc mà cũng dùng vắt cơm của các kẻ thế chẳng dễ đâu, ráng ăn cục sắt nóng như ngọn lửa còn hơn.
Ðức Phật đã giảng thuyết chỉ rõ tội khổ của bậc xuất gia và sa môn không trú trong pháp của họ, như những quy tắc đã giải.
PHƯƠNG PHÁP DẪN BẬC XUẤT GIA THỰC HÀNH THEO CHÂN LÝ
Người xuất gia nên hiểu rằng: sự sanh ra làm người cũng khó, sanh ra làm người rồi không mang tật bệnh cũng khó, nuôi sanh mạng cho được sống còn đến ngày xuất gia thật là trăm ngàn điều khó, xuất gia rồi học hỏi cho thông hiểu rằng: đây nên kia không nên cũng chẳng dễ đâu. Khi đã thoát khỏi sự khó khăn, như đã giải đó rồi, phải vừa lòng với điều lợi ích quý cao của mình, chẳng nên chán nản, lãnh đạm với Phật huấn đâu. Cần phải hết lòng thỏa thích, rồi chú tâm học hỏi pháp luật trong Phật giáo cho được chu đáo, thành tâm thực hành theo, thì sự xuất gia đó mới có nhiều hiệu quả, mau đến Niết Bàn. Mặc dầu chưa thành tựu, song sự tu tập nghiệp lành, điều hành vi chơn chánh đó, cũng dính theo qua kiếp sau vậy.
Lại nữa, bậc xuất gia hoặc sa môn mong được mau kết quả Niết Bàn, phải có nhiều sự nhẫn nại, đừng ở dưới quyền các pháp ô nhiễm xấu xa thô hiển đã phát sanh rồi làm cho kẻ khác bị hại, chịu khổ. Phải có đức nhẫn nại dẫn đầu, bằng không ắt sẽ làm khó chúng sanh. Như thế đó, đức Phật không gọi là bậc xuất gia hoặc sa môn hay là hàng Phật tử đâu.
GIẢI VỀ PHÁP NHẪN NẠI (KHANTI)
“Khanti paranam tapo titikkha: Sự nhẫn nại là pháp thiêu đốt cao quý.
Chú giải: Sự nhẫn nại đó chia ra làm ba, là:
1. Nhẫn nại đối với cái khổ, là nguyên nhân cho sanh sân tham;
2. Nhẫn nại đối với cái khổ, là nguyên nhân cho sanh sân hận;
3. Nhẫn nại đối với cái khổ, là nguyên nhân cho sanh si mê.
Nhẫn trong điều thứ nhất, nói về sự nhịn nín đối với các điều ham muốn, phát sanh trong sáu cửa. Tiếng ṅhịn nín” là ráng chịu, không làm dữ theo lòng mong mỏi hoặc đói khát. Có hạng người, chỉ vì không biết nhịn nín đối với cái tâm ham muốn hoặc sự đói khát, mới dối gạt cướp giựt của người, ắt sẽ bị nghiệp báo, chịu điều khổ não, do nhân dữ đã tạo (như bị đánh đập, tù tội…). Người nào nhẫn nại được thì hằng gặp điều an vui, lợi ích. Ðó là nhẫn nại đối với cái khổ là nguyên nhân cho sanh sân tham.
Sự nhẫn nại đối với các khổ là nguyên nhân cho sanh sân hận đó, nói về sự nhịn nín với những điều không vừa lòng, của kẻ khác. Lẽ thường con người đã sanh ra trong thế gian, chẳng có một ai không bị người chê trách, nếu họ không nhiếc ngay trước mặt, thì họ mắng xiên chửi xéo, hoặc nói xấu sau lưng. Xét coi như mặt trời mặt trăng, thường soi sáng khắp thế gian, cũng chẳng khỏi bị chê trách, hà huống đến người đời, tránh sao cho khỏi lời phỉ báng. Cho đến đức “Thiên nhơn Sư” có đủ đức từ bi mà cũng có kẻ oán trách, như lúc Ngài ngự trong thành Kosambi bị hoàng hậu của đức vua Udena bảo nhiều người chửi mắng.
PHƯƠNG TIỆN DẬP TẮT LÒNG NÓNG GIẬN
Ðức Phật dạy: nếu muốn diệt cái tâm sân, phải làm như ṅgười mù kẻ điếc”, như thế đó mới nhịn sự nóng giận được. Làm người có mắt hay thấy, có tai hay nghe thì rất khó nhẫn. Những kẻ không biết nhịn đối với sự khổ vì giận, thì làm việc gì hay nóng nảy, thường phải gặp điều rủi ro tai hại, sau rồi hối hận rằng: Ô! ta đã làm sái lắm rồi, không nên thật. Dầu đối với việc nào chẳng hạn, nếu đã làm theo cái tâm nóng giận ắt phải hư hỏng cả. Cho nên, bậc trí tuệ cần phải suy xét cho thấy rõ tội lỗi trong sự sân, rồi ráng nhịn nhục như lẽ đã giải.
Nhẫn nại trong điều thứ ba, là nhịn đối với điều khổ não phát sanh trong thân tâm mình, không nên chiều theo cái khổ mà làm dữ. Dầu nhẫn trong lúc mang bệnh là cái nhân sanh trí nhớ và sự biết mình, là một nết hạnh thanh cao, nên có trong tâm, hằng ngày hằng giờ, hoặc trong lúc bệnh nặng cũng cần có tánh nhẫn nại cho vững vàng.
Phương tiện làm cho phát sanh đức nhẫn nại trong giờ hấp hối, là phải xét cho thấy chơn lý rằng: bệnh và chết là cái khổ mà tất cả chúng sanh phải mang, chẳng có một ai tránh khỏi.
Trong “Abhinhappaccavekkhana“, đức Phật dạy phải thường thường quán tưởng rằng:
Ta có bệnh hoạn là lẽ thường, không sao tránh khỏi được (byadhidhammomhi byadhin anatito). Như thế để ngừa trước, khi còn mạnh khỏe. Nếu chờ đến bệnh nặng, thì khó mong nhớ xét cho kịp, vì khi bệnh nguy hằng có rất nhiều sự khổ, khó bề tưởng nghĩ. Trí nhớ và sự biết mình đều phóng túng, có khi lại dạy người sát sanh để cúng tế khẩn cầu, mong được tai qua nạn khỏi, không lòng nhơn từ đối với loài cầm thú. Những tội lỗi ấy phát sanh lên, vì khi còn mạnh khỏe không trau giồi trí nhớ rằng: “Chúng sanh trong thế gian đều phải mang bệnh hoạn ốm đau”. Bởi thiếu trí nhớ mới gây ra nghiệp dữ, rồi sau khi chết phải sa đọa trong đường ác.
Những người có trí nhớ và sự biết mình hằng được thọ sanh trong nhàn cảnh. Cho nên phương pháp dạy dỗ cái tâm cho có sự nhẫn nại là điều trọng yếu mà chúng ta cần phải có, hầu chiến thắng nghịch pháp, tức là bệnh khổ trong giờ hấp hối. Bậc trí tuệ nên suy xét thấy cái tội của sự lầm lạc và cái phước của trí nhớ với tánh nhẫn nại như đã giải, cần phải tu cái trí nhớ cho sẵn, theo phương pháp của đức Phật, để đè nén sự si mê, không cho sanh lên được.
Nhẫn với cái khổ là nhân sanh tham và si như đã giải là pháp phụ thuộc, chưa phải là chánh. Nhịn đối với cái khổ, là nhân sanh nóng giận mới thiệt là quan trọng gọi là “abhivāsakhanti“.
PHƯỚC BÁO CỦA ADHIVASANAKHANTI
Có rất nhiều kệ ngôn khen ngợi adhivasnakhanti nhất là:
“Sīlasamādhigunānam khantipādhānakāranaṃ sabbepi kusalā dhammā khantyāyeva vadhantite:
Nhẫn nại là nhân sanh các đức tánh, tức là giới và định. Các thiện pháp hằng được tăng trưởng do lòng nhịn nín thật.
“Kevalānampi papānam khanti mūlam nikanti garahakalahādīnam mūlam khanati khantiko:
Nhẫn nại hằng cắt đứt tất cả gốc tội được; người nhịn nhục gọi là người đào bứng cội rễ các tội, nhất là sự chửi mắng và lời tranh cãi nhau.
“Khanti dhīrassalānkāro khanti tapo tapassini khanti balam va yatīnamkhanti hitasukhāvahā:
Nhẫn nại là vật trang điểm của bậc trí tuệ; nhẫn nại là phép thiêu hủy tội lỗi của người có thiêu pháp (thiêu pháp: pháp thiêu đốt). Nhẫn nại là sức mạnh của người hành thiêu pháp; nhẫn nại là cái đức đem đến điều lợi ích và yên vui.
“Khantiko mettavā lābhī yasassī sukhasīlāva piyo devamanussānaṃ manāpo hoti khantiko:
Người nhịn nín là người có bầu bạn, là người có lợi, là người có quyền thế, là người thường có sự vui; người nhịn nín hằng là nơi thương yêu, là chỗ vừa lòng của người và chư thiên.
Attanopi paresañca atthāvaho vā khantiko saggamokkhagamaṃ maggaṃ āruṭho hoti khantiko:
Người nhịn nín là bậc đem điều lợi ích đến mình, đến những kẻ khác nữa; người nhịn nín là người bước lên đường đến cõi trời và Niết bàn.
Satthuno vacanovadam karotiyeva khantiko paramāya ca pūjāya jinam pujeti khantiko:
Người nhịn nín gọi là làm theo lời dạy của “đức Giáo chủ” hẳn thật; người nhịn nín gọi là cúng dường đức Thế Tôn bằng cách cúng dường cao quý.
GIẢI VỀ PHÁP NHẪN NẠI LÀ THIÊU PHÁP (TAPADHARMA)
Pháp nào đã sanh lên rồi đốt tiêu được các pháp nghịch với mình, đó gọi là thiêu pháp. Như “thập thiện nghiệp” (Kusalakammapatha) là thiêu pháp của “thập ác nghiệp ” (akusalakammapatha) vì khi thập thiện nghiệp sanh lên thì trừ diệt thập ác nghiệp cho tiêu tan được; “Tinh tấn” (viriya) là thiêu pháp của lười biếng (kosajja).
Pháp nhẫn nại mà gọi là thiêu pháp, vì nó đốt các pháp, nhất là: nóng giận (dosa), ngầm giận (kodha), làm hại (byāpada), làm khó (vihinsa), ganh ghét (arati), bất bình (patigha), toàn là pháp phụ thuộc của sự ngóng giận (dosa), cho tiêu tan được. Sự nóng giận mà tăng trưởng được cũng vì thiếu pháp nhẫn nại. Xem coi những người tranh cãi nhau, như phái tỳ khưu nhịn trong quận Kosambi vì nương với cái nhân nhỏ nhen chút ít, không ráng được, làm cho xung đột nhau dữ dội, cho sanh ra sự chia rẽ tăng già, nếu một bên nín được thì có đâu phát sanh câu chuyện lớn lao như thế.
Sự nhẫn nại chẳng phải chỉ có ích cho mình thôi đâu mà cũng có lợi đến kẻ khác nữa. Cho nên, đức Phật khen rằng là “Thiêu pháp” cao quý đặc biệt.
Lại nữa các cảnh giới đến kích thích cho sanh nóng giận đó chẳng phải đến tiếp xúc cả ngày và đêm đâu, cũng có dịp rảnh cho mình chú tâm ngăn ngừa vậy (Cảnh giới là những cái mà mình chú ý đến rồi nó kích thích mình).
Có sự nhẫn nại, là trong khi có nguyên nhân tiếp xúc nhằm, rồi nín được, mới gọi là nhịn. Người đã thọ trì phép nhẫn nại, nếu chưa có nhân, dẫn cho sanh sân hận, hoặc đi ẩn trú trong nơi vắng vẻ, cũng chưa thấy hiệu quả lạ thường, chỉ khi có nhân sanh lên rồi nhịn được mới thấy rõ quả báo khác thường thật. Như hạng võ tướng mà gọi là anh hùng, chỉ đến khi xông vào chiến trường rồi đánh thắng mới gọi là hào kiệt được.
PHƯƠNG PHÁP LÀM CHO PHÁT SANH (Adhivāsakhanti)
Hàng Phật tử có tâm kính thành hành theo pháp nhẫn nại, nếu xét cho thấy rõ như vậy: Người đến mắng nhiếc khinh ta đây, dường như họ đến làm cho ta được mau tấn hóa mà “Addhivāsakhanta” là một năng lực đặc biệt của đức Bồ Tát Như kiếp Ngài thọ sanh làm Vessantara, đem 2 con yêu mến của Ngài là Kanha và Jali cho đến lão Bà la môn Jūjaka. Khi hai trẻ dùng dằng không chịu đi, ông lão ấy tát tai, đánh đập chúng nó trước mặt Ngài. Nhờ giữ phép nhẫn nại rất bền vững, nên Ngài không làm hại lão Jūjaka. Như vậy mới gọi rằng Ngài chiến thắng, là Ngài tu adhivasakhanti vậy.
Lại nữa, nên nghĩ rằng: “Ô! người đến nói xấu ta, ví như họ đem phước đến cho ta đây mà”.
Nhịn, không sân hận hoặc giận mà nín được, không chửi mắng theo năng lực của sự giận là một điều lành đúng đắn đặc biệt, làm cho phát sanh nhiều thiện pháp khác. Có thứ phước, khi làm phải hao tốn của cải hoặc mệt nhọc thân tâm, còn hạnh kiểm nhẫn nhịn đối với lời nói xấu xa là cái phước dễ dàng, không cần phải hao công tốn của mà vẫn được yên vui như thường.
THẮNG CÁI SÂN BẰNG CÁI KHÔNG SÂN
Người có tâm nhẫn nại bền chắc, hằng thắng kẻ hay giận, như nàng Uttarā thắng cô Sirimā.
Tích nàng Uttarā
Nàng tín nữ Uttarā là con gái của vị triệu phú gia Puñna và là vợ của trưởng giả Rajagaha. Từ khi theo về nhà chồng, không có dịp làm việc bố thí. Nàng bèn mướn cô kỵ nữ tên là Sirimā đem về hầu hạ chồng để cho mình rảnh rang đi làm việc phước thiện. Cô Sirimā, khi được về ở cùng chồng của người, chỉ trong nửa tháng, sanh lòng tà vạy, tính đoạt ngôi chủ nhà, nên tìm kế hại nàng Uttarā nhiều lần. Ðến nỗi cô ta dạy người đổ nước sôi trên mình nàng Uttarā nhưng nàng này không phiền trách chi cả, nước sôi đó trở thành nước mát như thường. Cô Sirimā biết lỗi, xin thú tội, rồi hai nàng đồng dẫn nhau đến bạch cùng đức Phật,
Phật giảng rằng:
“Akkodhena jine kodhaṃ asādhun sādhunā jine-jine kadariyaṃ dānena saccenā lika vādinam:
Người nên thắng sự giận (của kẻ khác) bằng sự không giận (của mình); nên thắng điều không tốt (của kẻ khác) bằng điều tốt (của mình); nên thắng sự bón rít (của kẻ khác bằng sự cho (của mình); nên thắng lời không chơn chánh (của kẻ khác) bằng lời ngay thật (của mình)”
Người nào khi có kẻ khác đến làm dữ, mình cũng có thế làm hại lại được, song nhịn nhục, biết tỏ lòng từ bi, mặt mày tươi tỉnh, vui vẻ với kẻ ấy như vậy, thì không lâu, kẻ làm dữ kia cũng hả lòng hết giận không sai. Thế ấy, mới gọi là người thắng kẻ giận hẳn thật như nàng Uttara vậy.
TỘI CỦA SỰ GIẬN
Lẽ thường, kẻ nào nóng giận đối với người nhẫn nại, không giận trả lại mà kẻ kia vẫn còn mong làm dữ, thường đến chửi mắng, kẻ giận đó trở lại lo sợ hoặc bị tai hại chẳng sai, như tích người thợ rừng tên Koda.
Có Phật ngôn rằng:
“Yo apadutthassa narassa dussati, suddhassa posassa anangaṇgassa tameva, balam pacceti pāpam, sukhumo rajo pativātam va khitto:
Người dốt nát nào làm hại kẻ không làm hại mình và kẻ ấy là người trong sạch không có điều ô nhiễm, cái nghiệp dữ đó thường trở lại cho người si mê đó không sai, như chất bụi nhỏ nhít mà người đổ ngược gió, nó hằng bay trở lại nhằm mình”
NĂM PHƯỚC BÁU CỦA NHẪN NẠI (Adhivāsakhanti)
Ðức Phật có giảng thuyết ngợi khen đức tánh của sự nhẫn nại như vầy:
“Dosam bhikkhave pajahatha: Này các tỳ khưu! Nếu tất cả chúng ngươi bỏ được sự nóng giận, Như Lai gọi các ngươi là bậc “anahām“.
Sự dứt lòng nóng giận, dầu chưa hết tuyệt, chỉ trừ được từ khoảng, từ lúc, bằng pháp nhẫn nại, cũng có 5 phước báu là:
1. Piyo manopo: người nhịn nín hằng được nhiều kẻ thương yêu vừa lòng;
2. Navera bahulo: ít có kẻ ganh ghét;
3. Na vajja bahulo: ít có tội;
4. Asammulho: không hôn mê trong giờ chết;
5. Sugati: mạng chung rồi được thọ sanh nơi nhàn cảnh.
GIẢI VỀ TIẾNG GANH GHÉT
Người nào có tâm nhịn nín, không tìm cớ làm hại kẻ khác trước, thì kẻ khác cũng chẳng ganh ghét lại. Nếu có người ganh ghét đến kẻ vô tội, người có lòng ganh ghét đó, sẽ bị tai nạn không sai, hiệp theo Phật ngôn rằng:
Na hi verena verāni sammantīdha kudācanamaverena ca sammantī esa dhammā sanantano:
“Dầu cho trong thời gian nào chẳng hạn, lẽ thường những sự ganh ghét trong đời này, chẳng bao giờ tiêu diệt bằng sự ganh ghét đâu. Hẳn thật, các điều ganh ghét hằng được yên lặng bằng cách không ganh ghét. Pháp này là pháp đã có từ lâu rồi”
Xin giải về câu: “Các điều ganh ghét hằng yên lặng bằng cách không ganh đó”. Chỉ đến khi có tâm mát mẻ, tức là lòng nhẫn nại, tâm từ ái thương xót, hoặc chú tâm quán tưởng cho thấy rõ cái tội của sự giận và cái phước báo của sự nhẫn nại, thì điều ganh ghét mới yên lặng được, ví như trong nơi nào dơ bẩn, lắm nước tiểu hoặc vật hôi thối, thì cần phải dùng nước trong để rửa mới sạch sẽ được.
PHƯỚC BÁO LẠ THƯỜNG CỦA SỰ NHẪN NẠI
Bậc có trí tuệ, nên thấy phước báo của điều nhịn nín là thường như tích sau đây:
Tích Dighāvukumāra
Thuở đức hoàng đế Brahmadatta trị vì trong kinh đô Baranasi xứ Kasi, thì đức vua Dighāti cũng là vị chúa tể trong thành Sāvatthī trong xứ Kosala. Thuở đó đức hoàng đế Brahmadatta đem binh phá thành Sāvatthī. Ðức vua Dighātī dẫn bà chánh hậu trốn vào nương ngụ với bọn buôn nồi trong một biên địa. Sau rồi hoàng hậu sanh được một vị hoàng tử tên là Dighāvukumāra.
Nhưng không bao lâu, hoàng đế Brahmadatta bắt được vua Dighāti rồi dạy cho quân đem ra hành quyết. Trong lúc dẫn đi, hoàng tử Dighavukumāra theo kịp, đức vua Dighāti bèn dạy hoàng tử rằng: Này Dighāvukumāra, ngươi chẳng nên xem việc gần lắm, vắn lắm. Lẽ thường sự ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng cách ganh ghét được. Ganh ghét hằng trừ bằng sự giải ganh ghét” Xong rồi ngài bị hành hình. Khi Dighāvukumāra có dịp vào làm tôi hầu cận hoàng đế Brahmadatta, trong một ngày nọ, đức vua ngự đi săn và dạy Dighāvukumāra làm xa phu đánh xe cho ngài. Gặp dịp ấy, hoàng tử Dighāvukumāra ráng đánh xe chạy mau đến phía trước cách xa các quan hầu, có ý ám sát đức vua để trả phụ thù. Nhưng lúc xe vừa ngừng lại, hoàng đế Brahmadatta vì mệt nhọc, gối đầu trên bắp vế Dighāvukumāra mà nghĩ. Dighāvukumāra rút kiếm ra, đưa lên toan thích khách, song nhớ đến lời di chúc của đức vua cha, bèn hạ kiếm xuống và thét lên cho hoàng đế Brahmadatta hay rằng: mình là hoàng tử con vua Dighāti. Lúc đó hoàng đế Brahmadatta và hoàng tử Dighāvukumāra đều xá lỗi cho nhau rồi trở về đền. Ðức vua Brahmadatta bèn trả kinh đô Sāvatthī lại cho hoàng tử Dighāvukumāra và gả luôn công chúa cho nữa. Sau khi đức Brahmadatta thăng hà thì đức Dighāvukumāra được thống trị luôn cả hai nước.
Sự nhẫn nại có đức trọng khác thường như tích Dighāvukumāra được làm vua cả hai nước, cũng chỉ do lòng nhịn nhục thôi.
Cớ đó, đức Phật dạy: “Ganh ghét chẳng bao giờ diệt bằng ganh ghét, ganh ghét hằng giải bằng sự không ganh ghét. Cho nên, muốn được yên vui trong đời này và trong buổi vị lai, thì cần phải có pháp nhẫn nại luôn khi, chẳng nên bỏ qua lúc nào.