PHÁP CHÁNH ÐỊNH

Giải về PHÁP CHÁNH ÐỊNH Tóm Tắt (Samādhi niddesa saṅkhepa)

Xin giải về phép thiền định theo phẩm “Visuddhimagga” rằng:

“Idāni yasmā evam dhutaṅga pariharaṇa sampāditehi appicchatādīhi guñchi pariyodātehi imasmin sīle patiṭṭhitena sīle patitthāya naro sappanno cittam paññañca bhāvayanti vacanato cittasñsena niddittho samādhi bhāvetabbo”.

Nghĩa là: “Ðức tỳ khưu trong Phật Giáo, khi đã trú trong Tứ thanh tịnh giới (Catupārisuddhisñla), thân khẩu ý được trong sạch ít nhiều, do thọ trì phép đầu đà (Dhutaṅga) như đã có giải trong “Luật xuất gia” rồi, cần phải tu thiền định mà đức Phật đã giảng thuyết, nhất là về cái tâm, do Phật ngôn rằng: “sīle patitthāya naro sappanno cittaṃ paññañca bhāvayaṃ“, nghĩa là: “Chúng sanh luân hồi hiệp theo ba nhân trí tuệ [*] (Tihetu patisandhipannā) khi đã ở trong giới rồi, nên hành phép thiền định (Samādhi) và minh sát (Vipassanā).

[*] Ba nhân là: không tham, không sân, không si (là trong giờ chết có đủ 3 tâm đó).

Ðức Buddhaghosācāriya, tác giả bộ “Visuddhimagga“, khi thuyết pháp thiền na, ngài có trù định đặt mấy câu hỏi như sao đây, cho các hành giả hấp thụ thiền định được dễ dàng:

Câu hỏi thứ nhất: “Cái gì gọi là thiền định?

Câu hỏi thứ 2: “Vì sao gọi là thiền định?

Câu hỏi thứ 3: “Thế nào là: tướng (Lakkhaṇa), sự (Kicca) quả, (Phala) và nhân gần cho sanh thiền định (āsannahetu)?

Câu hỏi thứ 4: “Thiền định có mấy?

Câu hỏi thứ 5: “Cái gì làm cho thiền định dơ nhớp?

Câu hỏi thứ 6: “Cái gì làm cho thiền định trong sạch?

Câu hỏi thứ 7: “Hành giả phải hành phép thiền định bằng cách nào?

Câu hỏi thứ 8: “Thế nào gọi là quả báo của thiền định?

Ðáp:

1. ÐỊNH TÂM SỞ (Cetasika) có thắng lực phát sanh đồng thời với thiện tâm (Kusalacitta) gọi là thiền định.

2. Trạng thái định tâm có thắng lực phát sinh đồng thời với thiện tâm gọi là thiền định đó, có nghĩa duy trì tất cả tâm vương và tâm sở cho an trú bền vững trong một cảnh giới.

3. Trạng thái tâm không xao động là tướng; trừ diệt cái phóng tâm là sự; giữ gìn tâm không cho lay chuyển là quả; tình trạng yên vui dính trong thân và tâm là nhân gần cho sanh thiền định (Āsannakārṇa).

4. Nếu giải theo Eka thì có một, do thế lực của tâm không xao động.

Phép thiền định, dầu chia ra nhiều cách, cũng chẳng ngoài cái tướng “không xao động” đó. Cho nên, khi thuyết về lakkhaṇa, mới gom tất cả thiền định vào làm một.

Còn giải theo Duka thì chia ra có 8:

– Trong duka đầu có 2: cận định (Upacārasamādhi) và nhập định (appanāsamādhi).
– Trong dutiyaduka có 2: phàm định (lokiyasamādhi) và thánh định (lokuttarasamādhi).
– Trong tatiyaduka có 2: thiền định có phỉ lạc và thiền định không có phỉ lạc.
– Trong catutthaduka có 2: thiền định phát sanh cùng với an lạc và thiền định phát sanh cùng với xã (vô – ký).

Giải theo tika, chia ra có 12:

Trong paṭhamatika có 3: thiền định bực hạ, thiền định bực trung, thiền định bực thượng.
Trong dutiyatika có 3: thiền định có tầm (vitakka), sát (vicāra), thiền định không có tầm chỉ có sát, thiền định lìa khỏi tầm và sát.
Trong tatiyatika có 3: thiền định có phỉ lạc (pīti), thiền định có an lạc (sukha), thiền định có xã.
Trong catutthatika có 3: – thiền định do thế lực của tiểu thiền (paritta), đại thiền (mahaggata), vô lượng thiền (appamāṇa) là nói về thiền định trong cõi dục (Kāmāvacara); – trong cõi sắc (rūpāvacara); – trong cõi vô sắc (arūpāvacara).

Giải theo catuka chia ra có 24:

Trong pathamacatuka có 4:

– thiền định khó hành và lâu giác ngộ (dukkhāpaṭipadādaṇṇābhiññāsamādhi),
– thiền định khó hành mà mau giác ngộ (dukkhāpaṭipadākhippābhiññāsamādhi),
– thiền định dể hành, mau giác ngộ (sukhāpaṭipadākhippābhiññāsamādhi);
– thiền định dể hành, lâu giác ngộ (sukhāpaṭipa dādaṇṇābhiññāsamādhi).

Trong dutiyatuka có 4:

– tâm định không được thuần thục, không có duyên đến thiền bực trên, không có sự tiến hóa thêm (parittaparittārammaṇa),
– tâm định không được thuần thục, không có duyên đến thiền bực trên và có sự tiến hóa thêm (parittappamāṇārammaṇa),
– tâm định thuần thục có duyên đến thiền bực trên không có sự tiến hóa thêm (appamāṇaparittārammaṇa),
– tâm định thuần thục có duyên đến thiền bực trên có sự tiến hóa thêm.

Trong tatiyacatuka có 4:

– sơ thiền (paṭhamajjhāna),
– nhị thiền (dutiyajjhāna),
– tam thiền (tatiyajjhāna),
– tứ thiền (catutthajjhāna).

Trong (catutthacatuka) có 4:

– tâm định mà hành giả đã đắc, rồi tiêu hoại (hānabhāgiyasamādhi),
– tâm định đắc bực nào, trú trong bực đó, không tấn mà cũng không thối (ṭhitibhāgiyasamādhi),
–  tâm định mà hành giả đã đắc và càng tiến hóa theo từng bực (visesabhāgiyasamādhi),
– tâm định trí tuệ phát sanh chán nản lìa khỏi sắc tướng (nibbadābhāgiyasamādhi).

Trong pañcacatuku có 4:

– tâm thiền đeo níu trong cõi dục (kāmāvacara),
– đeo níu trong cõi sắc (rūpāvacara),
– đeo níu trong cõi vô sắc (arūpāvacara),
– đeo níu trong xuất thế gian (lokuttara).

Trong chacatuka có 4:

– tâm thiền do thế lực lòng mong mỏi chủ yếu (chandādhipatisamādhi),
– tâm thiền do thế lực sự tinh tấn chủ yếu (viriyādhipatisamādhi),
– tâm thiền do thế lực ý chủ yếu (cittādhipatisamādhi),
– tâm thiền do thế lực trí tuệ chủ yếu (vimaṃsādhipatisamādhi).

Giải theo pañcaka có 5: Do thế lực sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, và ngũ thiền.

Tổng cộng: trong eka có 1
Tổng cộng: trong duka có 8
Tổng cộng: trong tika có 12
Tổng cộng: trong catuka có 24
Tổng cộng: trong pañcaka có 5

Tổng cộng thành 50 cách thiền định.

5. (Ðáp trong câu hỏi thứ 5): Thiền định dơ nhớp vì có ý tưởng nhớ và phân biệt phát sanh cùng với tâm ham muốn trong ngũ dục (pañcakāmaguṇa).

6. Thiền định trong sạch nương theo ý tưởng nhớ và phân biệt khắn khít trong phép niệm (đọc ngầm) bằng cách chơn chánh cao thượng, nghĩa là khi nào hành giả chú tâm niệm chơn chánh rồi, thì thiền định sẽ được trong sạch.

7. Phép niệm xuất thế gian thiền (lokuttarasamādhi) thuộc về tuệ niệm (paññābhāvānā). Ðây chỉ giải về phép phàm định (lokiyasamādhi).

Trước khi tham thiền, hành giả nên trau dồi giới cho trong sạch, dứt bỏ các điều bận lòng, tìm ngụ trong nơi yên vui vừa theo phép thiền định, lánh xa 18 chỗ ở không thích hợp, cần nhất phải thân cận bậc thiền sư có 17 đức tánh như sau này.

1) Có đức tin tuệ giác của Như Lai,
2) Tin cái nghiệp và quả của nghiệp,
3) Có giới trong sạch,
4) Là nơi yêu mến, tôn kính, ngợi khen của người và chư thiên.
5) Là bực chê trách kẻ dữ,
6) Là bực kiên nhẫn,
7) Là bực thông rõ chơn lý sâu xa,
8) Chẳng làm nghiệp ác,
9) Có sự tri túc,
10) Là bực ít ham muốn,
11) Không quyến luyến với kẻ thế,
12) Có sự tinh tấn, không lười biếng,
13) Có trí nhớ bền chặt,
14) Có tâm yên lặng, không phóng túng,
15) Là bực có trí tuệ chơn chánh,
16) Là bực nghe nhiều học rộng,
17) Là bực hổ thẹn điều tội lỗi xấu xa.

Bậc thiền sư là bạn lành, đáng nương dựa để học thiền định có các đức tánh như thế đó.

Trong kinh “Pháp cú” (Dhammapadakhuddakanikāya), Phật có giải: Natthijhānaṃ appaññassa natthi paññā ajjhāyino, nghĩa là: Chánh định chẳng phát sanh đến người không trí tuệ, trí tuệ chẳng phát sanh đến người không chánh định.

Lời Phật nói trên đây chỉ cho biết rằng: Nếu ta muốn được giải thoát thì phải nương theo trí tuệ mà tu hành, không trí tuệ thì chẳng suốt thông căng sanh của năm uẩn được, song Trí tuệ mà phát sanh nhờ trước có thiền định, là phương pháp chú tâm trong một đề mục.

Sự chú tâm quán tưởng các cảnh giới theo sáu căn, là điều rất hữu ích, làm cho ta thấy được căng sanh của các cảnh giới một cách rõ rệt. Như quán tưởng trong khi nghe đờn, kèn, thì cũng hiểu rõ, nhớ lâu được. Nghe sự gì, nhất là nghe Phật Pháp mà chẳng chú ý, hoặc chẳng suy xét, cũng không biết được phân minh chín chắn, ví như người nửa thức, nửa ngủ, khi có hoàn cảnh gì tiếp xúc thân tâm, nhất là có xuất hạng, cũng không biết chắc được, lại cho rằng nằm mộng, trời mưa, hoặc tắm, hoặc lội xuống nước.

Vậy nên chăm chỉ quan sát, thâu nhiếp cả sáu căn, dẹp hết cả vọng tưởng đem lòng nhốt vào phạm vi phép quán tưởng, đó là cái nguyên nhân phát sinh trí tuệ. Nhưng, chú ý trong điều tà thì thành tà quán, trong lẽ chánh thì thành chánh kiến. Phép quán tưởng là nhân sanh định, hằng nương theo phép Niệm-Niệm, nghĩa là một lòng luôn luôn ghi nhớ đức của Phật hoặc một đề mục thiền định nào không tưởng nghĩ đến sự gì khác, để thâu nhiếp vọng tâm cho xa khỏi phép cái [*] (nīvaraṇadhamma) thì mới có thấy rõ chơn lý được.

[*] Phép cái: Che lấp con đường chánh định

Bởi chừng cái tâm hằng bị phép che lấp làm cho phải xao động, khó nổi an trụ trong cảnh giới thiền định nên không nhớ việc nào được đúng đắn, không biết chi được rõ rệt, ví như nước hằng lay động vì gió, khó soi cho thấy mặt được tỏ rõ.

Lẽ thường, nước đục đem dùng về việc gì cũng chẳng tốt, dầu chỉ để soi mặt cũng chẳng thấy rõ được. Ví như tâm hay loạn động vì một phiền não nào, mà dùng để xem xét một điều gì, cũng chẳng thấu chơn lý của điều ấy.

Sự trì giới là chỉ để thân và khẩu trángh xa nghiệp dữ, nhưng nếu không nhờ năng lực của tâm dìu dắt, giữ gìn, thì thân và khẩu phải phóng túng, giới hạnh phải bợn nhơ.

Theo sự ưa thích của thân và khẩu, nếu không có tâm lành kiềm chế thì người đời làm chuyện gì cũng chẳng xong, nói lời chi cũng vô vị. Tâm mà được trong sạch là nhờ có tu định (nhân giới mà sanh Ðịnh nhân Ðịnh mà phát Tuệ), rồi mới có thể đoạn tuyệt các nghiệp chướng phiền não, khiến cho hành giả nhờ đó mà được phần giải thoát.

Phép Chánh Ðịnh là để thâu tâm, gom ý cho yên lặng vững vàng không cho duyên theo ngũ dục mà phải bị Ma vương hãm hại.

THỂ CỦA TÂM

Tâm là vô hình, vô tướng, nhưng ta phải nên dày công tu tập nó cho lắm; bao giờ ta biết rõ nước tâm của ta rồi, mới có thể dùng năng lực của nó để soi thấu những sự hành vi của tâm kẻ khác. Nhưng, sự tu tâm phải cần nương theo Phật Ngôn đã có giải trong kinh Pháp Cú (dhammapadakhuddakanikāya) như sau đây, mới có thế phát sanh trí tuệ cao kiến được.

Phandanaṃ capalṃ cittaṃ durakkhṃ dunnivārayṃ ujṃkaroti medhāvī usukārova tejanaṃ vārijova thale khitto okamokata ubbhato pariphandatidam cittam māradheyyam pahātave –

Nghĩa là: Bậc trí tuệ hằng tu cái tâm cho chơn chánh, cho an tịnh, bởi cái tâm hay xao động, hay phóng túng, khó gìn giữ, khó cấm ngăn, cũng như người thợ làm tên, sửa cây tên cho ngay vậy.

Loài cá bị đem lên khỏi nước, thì nó hằng nhảy vọt tứ tung, cũng như cái tâm của hành giả mà đem ra khỏi chỗ của nó đã quen ở là ngũ dục, bỏ vào trong đề mục Thiền định cho khỏi tay Ma Vương, nó lại xao động.

Tiếng “XAO ÐỘNG” là chỉ về cái tâm hằng duyên theo ngũ dục, không khi nào ở yên một chỗ, cũng như trẻ nhỏ chẳng bao giờ ở yên trong một oai nghi được.

Cái tâm khó mà gìn giữ, là khó làm cho nó an trụ trong một chỗ được, cũng như loài bò, khó mà ngăn ngừa không cho nó ăn mạ lúa trong chỗ chật h?p, cho nên nói “KHÓ MÀ GÌN GIỮ” vì cái tâm hay quyến luyến theo cảnh giới dục tình.

Thợ làm tên, lấy một khúc cây trong rừng đem về lột vỏ, chẻ vót xong rồi thoa dầu, hơ trên ngọn lửa, uốn bằng nỏ, làm cho cây trở nên ngay thẳng, dùng để làm tên bắn cho ngay; đến khi làm xong đem dâng lên Ðức Vua và các Quan Ðại thần, thì người thợ đó được ban thưởng, trọng dụng, cũng như bậc trí tuệ, thông rõ mọi việc, biết phân biệt điều quấy lẽ phải, đã lột cái tâm bị xao động cho sạch dứt phiền não, nhờ sự ẩn tu nơi rừng vắng, là tu hạnh đầu đà, rồi thoa dầu là đức tin, đốt hơ bằng sự tinh tấn, uốn bằng nỏ, là phép Chỉ Quán (samatha) và Minh Sát (vipassanā) làm cho cái tâm trở nên ngay thẳng, trừ các nghiệp dữ, xong rồi suy nguyên cho thấy rõ căng bản của nghiệp thiện và nghiệp ác, đoạn tuyệt Vô Minh, được kết quả cao thượng là: Ba cái Minh (vijjā), sáu cái Thông (abhiññā), bốn phép phân tích, và chín Thánh Pháp chứng bực Thánh nhơn, được phần giải thoát. [*]

[*] Ba cái Minh: Biết rõ tất cả tiền kiếp, biết rõ sự tu và sự sanh của chúng sanh, biết rõ cái pháp tâm phiền não.

– Sáu cái Thông: Nhãn thông, Nhĩ thông, Tha tâm thông và thêm ba cái Minh trên.

– Chín Thánh pháp: Ðạo Tu đà hườn, Quả Tu đà hườn, Ðạo Tư đà Hàm, Quả Tư đà Hàm, Ðạo A Na Hàm, Quả A Na Hàm, Ðạo A La Hán, Quả A La Hán và Niết bàn.

– Bốn pháp phân tích (paṭisambhidā) là: a) Trí tuệ vi tế thông suốt trong giáo lý là hiểu biết rộng rãi nhưng lời giải tóm tắt; b) Trí tuệ thông suốt trong các pháp; c) Trí tuệ thông suốt trong lời nói, (biết nói các thứ tiếng); d) Trí tuệ thông suốt nhân quả tức tốc, mau lẹ.

Loài thủy tộc, nhất là cá mà người dùng tay chân hoặc chài lưới bắt nó lên khỏi nước, đem bỏ trên khô, nó vẫn vùng vẫy lay động, như cái tâm hằng duyên theo trần cảnh là nơi nó đã quen ở mà hành giả đem khỏi nơi ấy, bỏ vào phép Chỉ Quán (samatha) và Minh Sát (vipassanā) cho hết luân hồi sanh tử, đốt hơ bằng sự tinh tấn, thì nó hằng xao động vọng chuyển, khó mà làm cho nó an trụ được. Tuy nhiên, cái tâm mặc dầu phóng túng, nhưng các bậc trí tuệ cũng chẳng nản chí mỏi lòng, các ngài vẫn trau giồi cái tâm ấy cho trở nên ngay lành, khi tâm đã chơn chánh thì làm việc chi cũng được thành tựu mỹ mãn.

Nhân đó hành giả phải gắng sức dày công làm cho tâm thoát khỏi Ma Vương, đoạn tuyệt căn bản phiền não sanh tử, để đến noi vô sanh bất diệt là Niết Bàn.

Theo Phật ngôn và lời diễn giải trên đây ta biết rằng cái tâm có trạng thái không an trụ một chỗ, nghĩa là: Không thỏa mãn cũng chẳng chán nản trong sự lãnh nạp các cảnh ngoại trần, là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Cấm ngăn không cho nó say mê theo ngũ dục là một sự rất khó khăn đặc biệt, cũng như kẻ chăn bò khó giữ gìn không cho bò ăn trong chỗ có nhiều mạ lúa vậy.

Tâm có cái thể như nghĩa đã nói trên, gọi là tà tâm, dầu làm việc gì cũng chẳng đặng hoàn toàn tốt đẹp, cho nên các bậc trí tuệ hằng cố gắng trau giồi cái tâm cho trở nên ngay lành, mới mong tìm thấy điều hạnh phúc cao thượng được.

Các loài chim mà bị sát hại, phần nhiều, vì mê ăn, ví như cái tâm người đời mà chịu các điều thống khổ cũng vì mê ngũ dục, mới bị đấm chìm trong sáu nẻo, từ vô thỉ đến nay, cũng vẫn còn chưa được giải thoát.

Sự thâu nhiếp cái tâm buộc vào một chỗ, cần phải nương theo pháp Chỉ Quán (samatha) và Minh Sát (vipassanā). Nhưng bị buộc vào pháp Chỉ Quán và Minh Sát thì cái tâm thường hay loạn động, vọng chuyển. Tuy nhiên, hành giả không nên chiều theo cái vọng tâm cũng không nên thả lỏng nó, chỉ một lòng tinh tấn, buộc chặt nó vào đề mục Thiền Ðịnh cho đến khi nó an trụ, thì sự giải thoát ở ngay trước mắt.

Cái tâm mà hay xao động là do ba Tà tư duy, là: suy nghĩ về sự ham muốn (kāmavitakka), suy nghĩ về sự giận hờn (byā padavitakka), suy nghĩ về sự làm khổ (vihiṃsāvitakka). Cũng như cái tâm của Thầy Tỳ Khưu MEGHIYA mà Ðức Thế Tôn đã ba phen khuyên giải ở nán lại chờ Tỳ Khưu khác đến thay thế, nhưng ông MEGHIYA vì bị tâm dắt dẫn, phải bỏ Phật ngự một mình, mà ra đi.

Phật có giải: “Diso disaṃ yantaṃ kayirā veri vā pana verinaṃ micchapanihitam cittaṃ pāpiyo namtato kare” – nghĩa là: Kẻ cướp thấy kẻ cướp, người thù gặp người thù, đã kết oán cùng nhau, thì hằng tìm cách hại lẫn nhau. Tâm của người đã chú ý sai lầm thì nó làm cho người phải hung dữ bạo tàn hơn kẻ cướp và người thù làm hại lẫn nhau nữa.

Giải rằng: Lẽ thường, kẻ cướp nào làm khổ vợ, con, thân quyến hoặc tàn phá tài sản của kẻ cướp khác ắt bị kẻ này phá hại lại chẳng sai. Con người đã kết oán cùng nhau họ cũng trả thù giết hại lẫn nhau. Nhưng sự báo cừu ấy vẫn vừa vừa và trong một kiếp thôi.

Chí như tâm đã chú ý sai lầm nó làm cho người khổ não bội phần, từ nay cho đến thác, rồi còn phải đọa vào bốn đường dữ là: cầm thú, a-tu-La, ngạ quỷ và địa ngục, chịu thống khổ vô ngần, cho đến ngàn đời muôn kiếp. Vậy ta phải tinh tấn trau giồi cái tâm, chú ý đến điều lành lẽ chánh, chớ để cho nó sa-mê theo việc dữ điều tà.

Phật nói: Na taṃ mātā pitā kayirā anne vā pica nātakā sammāpanihitam cittaṃ seyyaso naṃ tato kare – nghĩa là: mẹ cha hoặc thân quyến không có thể làm điều đó được, thì cái tâm mà người đã chú ý chơn chánh rồi, nó hằng làm cho người đó trở nên cao thượng hơn hết được.

Giải rằng: Cha mẹ có thể cho con gia tài sự sản, cùng nuôi con được an vui trọn đời, chẳng cần buộc con phải làm việc kia sự nọ. Như cha mẹ nàng VISAKHĀ giàu có muôn triệu cho nàng của cải và nuôi nàng được an vui đến trọn đời, tuy nhiên cũng chẳng cho nàng làm Chuyển Luân Vương trong bốn châu Sa Bà Thế Giới, hoặc cho nàng hưởng phước ở cõi Trời, cùng đắc phép Thiền Ðịnh được, chẳng cần nói đến Ðạo Quả và Niết Bàn. Chỉ có cái tâm khi đã chú ý chơn chánh rồi, mới có thể làm cho người an hưởng các điều khoái lạc, thanh cao và hoàn toàn giác ngộ được. Nhân đó đức Phật nói: Cái tâm đã chú ý ngay lành rồi nó làm cho con người được trở nên cao thượng hơn hết.

Ðức Phật có giải về chuyện ông Soreyya là một thầy Tỳ Khưu, con ông phú hộ trong xứ Soreyya. Trước khi chưa xuất gia, ông Soreyya có đi chơi thuyền xem thấy Ðại Ðức Kaccāyāna rất xinh đẹp muốn cho đại đức được làm vợ mình hoặc muốn cho vợ mình mỹ lệ như đại đức vậy. Trong khi vọng tưởng ấy, thân của chàng biến thành gái. Vì sự hổ thẹn ấy ông Soreyya lánh mình đi ra khỏi xứ, gặp con trai ông trưởng giả trong xứ Takkasīla cưới làm vợ sanh đặng hai con. Ngày sau Soreyya được tạ tội cùng Ðại Ðức Kaccāyāna. Khi đại đức xá lỗi cho rồi, thân hình Soreyya biến trở thành trai như xưa.

Nhân sự xấu hổ vì mình, trai biến gái, gái hóa trai, thuở còn trai có vợ được hai con, đến khi biến thành gái có chồng cũng được hai con, nên chàng sanh lòng chán nản, bèn xin xuất gia nơi Ðại đức Kaccāyāna. Xong rồi ngài Soreyya đi đến xứ Savathī người xem thấy rộn rực phê bình, đến hỏi ngài thương con nào hơn? Ngài đáp: “Yêu con đẻ hơn”. Ðến khi có nhiều người hỏi đi hỏi lại làm cho ông động tâm, phải đi ẩn nơi rừng thanh vắng.

Tinh Tấn Tham Thiền và chú tâm quan sát nghiệp lành, nghiệp dữ các sự hành vi tạo tác đều là vô thường biến đổi. Chẳng bao lâu ngài được chứng quả A La Hán, đắc toàn giác (sambhidānana) đoạn tuyệt nghiệp chướng phiền não, dứt nẻo sanh tử luân hồi, chứng quả vô sanh bất diệt.

Ðến sau có người lại hỏi về chuyện con của ông nữa, ông bèn đáp trái hẳn lúc trước rằng: “Chẳng còn thương yêu con nào cả”. Chuyện ấy làm cho chư Tăng sanh lòng nghi hoặc, cho ngài phạm điều “Ðại vọng ngữ” khoe Ðạo quả. Chư Tăng đem điều ấy bạch cùng Ðức Phật. Ðức Thế Tôn giải: “Các thầy Tỳ Khưu này! Con Như Lai chẳng phải khoe Ðạo quả A La Hán đâu. Từ khi con Như Lai chú ý chơn chánh, nên đã đắc quả A La Hán, chẳng còn thương yêu ham muốn thế sự nữa”.

“Các thầy Tỳ Khưu này! Của cải chi mà cha mẹ không thể cho con, thì chỉ có cái tâm đã chú ý ngay lành, yên lặng rồi, nó hằng làm cho chúng sanh được của cải ấy.

Lời Phật giảng trên đây, giải cho ta biết rằng, tâm có nhiều cái thắng lực đặc biệt khác nhau, đặng cho ta chú ý giữ gìn. Chớ nên dể duôi chiều theo vọng tâm mà phải bị trầm luân muôn đời ngàn kiếp, trong sáu đường. Bằng ta đã thức tỉnh châm chỉ trau giồi cái tâm cho trở nên chơn chánh thì sẽ được siêu xuất tam giới, hưởng sự tiêu diêu tự tại, đời đời, kiếp kiếp.

Những người tu Ðịnh phải hiểu rằng, tâm hằng bị năm phép cái (nivarana dhamma) ngăn trở một cách mãnh liệt, khiến cho cái thắng lực của Thiền định không phát triển ra được. Nhân đó mà công phu phải dở dang, đạo tâm phải thối chuyển, làm cho hành giả phải lỡ đường trái bước, thối chí ngã lòng, xu hướng theo thiên ma ngoại đạo, mà tự mình bất ngờ. Ôi! Thật rất trở ngại cho bước đường giải thoát.

NĂM PHÉP CHE LẤP:

1- Tham muốn (Kāmachanda) là lòng ưa thích quyến luyến theo ngũ dục (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc).
2- Oán giận (Byāpada) là tâm hờn giận, muốn làm hại người.
3- Hôn trầm (Thīnamiddha) là sự tối tăm, biếng nhác, buồn ngủ.
4- Phóng tâm (Uddhacca kukkucca) là cái tâm hay vọng tưởng, không yên tịnh.
5- Hoài Nghi (Vicikichā) là lòng không tin chắc, dụ dự không quyết định.

Nếu biết năm phép che lấp ấy mà không rõ cái nhân sanh nó, cũng khó diệt trừ được; không khác nào muốn phá giặc mà chẳng biết chỗ đồn binh của giặc, cũng chẳng bao giờ đánh tan quân nghịch đặng.

Nguyên nhân năm phép che lấp là:

1.- Thấy sắc rồi cho là xinh đẹp (subhanimitta) là nhân sanh tham muốn (kāmacchanda);

2.- Thấy cảnh nghịch rồi bất bình (padighanimitta) là nhân sanh oán giận (byāpada);

3.- Không vui (arati) lười biếng (tanti), không thay đổi oai nghi (vijambhitā), mê ăn (bhattasammada) và dãi đãi (sinacitta) đều là nhân sanh hôn trầm (thīnamiddha);

4.- Lòng không yên tịnh (cetaso avupasamā) là nhân sanh phóng tâm (uddhacca kukucca);

5.- Không xem xét và ghi vào lòng (ayonisomanasikāra) là nhân sanh hoài nghi (vickicchā).

ÐỐI TRỊ

1.- TRỪ THAM MUỐN, có 6 phép:

1) Học phép Thiền định về bất tịnh (asubhanimitta uggaho),
2) Chămchỉ niệm vật bất tịnh (Asubhabhāvanānuyogo);
3) Thu thúc lục căn (indriyesu guttad vāratā);
4) Tiết chế sự ăn uống (bhojanemattannuttā);
5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức (kalyānamittatā)
6) Hằng nói lời dịu ngọt (sappāyakathā).

2 – TRỪ OÁN GIẬN, có 6 phép:

1) Phải học đề mục thiền định về lòng bác ái (mettā nimittassa uggaho);
2) Cố gắng niệm đề mục thiền định bác ái (mettā bhāvanānuyogo);
3) Xem xét cho thấy rõ tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp là của mình (kammassakattā paccavekkhana);
4) Tinh tấn xem xét cho thường thường như điều đã kể trên (patisanghanabahulatā);
5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) Hằng nói lời dịu ngọt.

3 – TRỪ HÔN TRẦM, có 6 phép :

1) Ghi nhớ và xem xét sự ăn uống quá độ (atibhojanenimittaggaho);
2) Thay đổi oai nghi cho vừa được an vui (iriyāpathasamparivattanatā);
3) Ghi nhớ tìm xem ánh sáng (alokasannāmanasikāro);
4) Ở nơi khoảng khoát (abbhokasāvāso);
5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) Hằng nói lời dịu ngọt.

4 – TRỪ PHÓNG TÂM, có 6 phép:

1) Phải thông hiểu Kinh luật cho nhiều (bahussutatā);
2) Siêng năng học hỏi điều hay lẽ phải (paripucchākatā)
3) Thuộc nằm lòng giới luật (vinayepakantannutā);
4) Xu hướng theo bậc lão thành, nhất là Ðại đức Tỳ Khưu (vuddhasevitā);
5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) Hằng nói lời dịu ngọt,

5 – TRỪ HOÀI NGHI, có 6 phép:

1) Thông hiểu Kinh Luật cho nhiều (bahussutatā);
2) Siêng năng học hỏi điều hay lẽ phải (paripucchākatā);
3) Thuộc nằm lòng Giới Luật (vinaye pakantannutā);
4) Phải có đức tin cho nhiều (adhimokkhabahulatā);
5) Năng thân cận cùng bậc thiện trí thức;
6) Hằng nói lời dịu ngọt.

Hành giả phải biết, nếu muốn biết tu Ðịnh, trước phải nghiêm trì giới luật, bởi Giới hay sanh Ðịnh, Ðịnh hay phát Tuệ: (Giới năng sanh Ðịnh, Ðịnh năng phát Tuệ).

Cái gì gọi là Thiền Ðịnh? Thiền Ðịnh có mấy thứ?

Thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới gọi là Thiền Ðịnh. Thiền Ðịnh có nhiều thứ. Nhưng đây chỉ giải về hai thứ Thiền Ðịnh:

1) Phàm Ðịnh (lokiyasamādhi) là cái thể trạng của tâm lành an trụ trong cảnh giới tham luyến theo ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

2) Thánh Ðịnh (lokuttarasamādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới, nương theo Thánh Ðạo.

Trong hai thứ Ðịnh ấy, đây chỉ nói về Phàm Ðịnh, còn Thánh Ðịnh sẽ giải trong pháp Tuệ Niệm.

PHÀM ÐỊNH

Có hai bậc:

1) Tâm gần nhập định (upacāra samādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới gần nhập định;

2) Tâm đã nhập định (appanā samādhi) là thể trạng của tâm lành an trụ trong một cảnh giới đã nhập định.

Trong 2 bậc đó: Tâm gần nhập định ở gần cõi dục, tâm đã nhập định ở vào cõi sắc và cõi vô sắc.

Nếu Tuệ Niệm thì về Thánh Vực.

VỀ CÁCH HỌC THIỀN ÐỊNH

Những hành giả muốn học Thiền định, trước phải trau dồi giới hạnh cho tinh nghiêm. Nếu có một trong mười điều quyến luyến giải sau đây phát khởi lên, thì phải trừ cho tuyệt và tìm nương theo một vị Thiền sư là bậc Thiện trí thức, để học hỏi cho thông thuộc một trong bốn chục đề mục nào hiệp theo tính nết mình, lánh nơi nghịch, ở chỗ thuận, xong rồi chú tâm niệm tưởng đề mục Thiền định theo phép Chánh định.

VỀ CÁCH TRAU GIỒI GIỚI HẠNH

Chỗ nói: Phải trau giồi giới hạnh cho tinh nghiêm ấy, có lời hỏi rằng: Nếu hành giả chỉ chú tâm tham thiền, không cần phải giữ giới, có được kết quả chi cao thượng chăng, vì cớ nào?

Ðáp: Không có thể được, bởi những người phá giới thì tâm thường không trong sạch. Chẳng cần nói đến sự phạm trọng giới, dầu là phá khinh giới, như cố ý phạm tác ác (dukkatàpatti) cũng đủ làm cho tiêu hoại các đức cao thượng, nhất là Thiền Ðịnh. Nhân đó Hành giả phải cần trì giới luật cho trong sạch theo phận tại gia hoặc xuất gia.

MƯỜI ÐIỀU QUYẾN LUYẾN

1.- Quyến luyến vì săn sóc chỗ ở (āvāsapalibodha);
2.- Quyến luyến vì buộc ràng theo thân quyến hoặc theo gia tộc của người hộ mình (kūlapalibodha);
3.- Quyến luyến vì thọ lợi nghĩa là buộc ràng theo sự tụng kinh chú nguyện hoặc thuyết pháp cho thí chủ nghe (lābhapalibodha)
4.- Quyến luyến vì nghe người học kinh hoặc học Luận nghĩa là quyến luyến sự học (gangapalibodha);
5.- Quyến luyến vì công việc tự mình làm hoặc chỉ bảo người làm (kammapalibodha);
6.- Quyến luyến vì đường xa (addhanapalibodha);
7.- Quyến luyến vì nuôi bệnh người thân (như nuôi thầy Giáo thọ, Hòa thượng, hoặc nuôi cha mẹ (natipalibodha);
8.- Quyến luyến vì lo chữa bệnh cho mình (abādhapalibodha);
9.- Quyến luyến vì lo học Tam Tạng (gangthapalibodha);
10.- Quyến luyến vì lo gìn giữ thần thông (iddhipalibodha);

Muốn dứt bỏ cả mười điều quyến luyến ấy, phải tùy cơ và do theo hai cách sau đây:

1) Dứt bỏ ngay;
2) Làm cho xong;

(Việc nào dứt bỏ được thì nên dứt bỏ ngay; việc nào không dứt bỏ được thì phải làm cho xong)

BẬC THIỆN TRÍ THỨC

Bậc thiện trí thức đáng làm Thiền sư của ta là người thế nào? (Xem giải thích về 17 đức hạnh của bậc Thiền sư ở trên).

SỰ PHÓ THÁC TÍNH MẠNG CHO THẦY

Khi muốn phó thác tính mạng cho Thiền sư là bậc Thiện trí thức, có đủ đức tin như đã nói trên, cần phải thủ lễ theo phép và bạch rằng:

Bạch Ðại Ðức: Tôi xin phó thác tính mạng này đến Ngài (imāhaṃbhante attabhāvaṃ tumhākaṃ pariccajāmi).

Trong sự phó thác tính mạng ấy có quả báo thế nào?

– Làm cho mình dứt lòng cống cao ngã mạng, không tự do làm theo ý riêng của mình, cho ông thầy được trọn quyền dạy bảo và hết lòng độ mình.

Nếu mình không phó thác tính mạng thì có sự hại thế nào?

– Mình chưa đáng cho ông thầy dạy bảo, như thế, thì khó cho mình hành theo chánh pháp được và ông thầy cũng chẳng hết lòng tế độ cho, không đem lý đạo cao thâm chỉ dạy, làm cho mình không nơi nương dựa tu hành, không tinh tấn, lâu ngày ắt phải thối chí ngã lòng. Nhân đó, Hành giả phải phó thác tính mạng cho Thầy.

SÁU PHÁP THỎA MÃN

Những người tu Thiền định phải có thêm sáu phép Thỏa Mãn như sau này:

1) Phải thỏa mãn trong sự không xan tham, thấy tội trong xan tham (alophajjhāsaya);
2) Phải thỏa mãn trong sự không sân hận, thấy tội trong giận hờn (adosajjhāsaya);
3) Phải thỏa mãn trong sự không si mê, thấy tội trong lầm lạc (amohajjhāsaya);
4) Phải thỏa mãn trong sự xuất gia, thấy tội trong tại gia (nekkhammajjhāsaya);
5) Phải thỏa mãn trong nơi thanh vắng, thấy tội trong sự hội họp (pavivekajjhāsaya);
6) Phải thỏa mãn trong giải thoát, thấy tội trong luân hồi (nissaraṇajjhāsaya).

ÐỀ MỤC THIỀN ÐỊNH

Chỗ nói, học lấy đề mục Thiền định, cái gì gọi là đề mục Thiền định?

– Cái đề mục nên niệm cho phát sanh sự ghi nhớ cùng trí tuệ và các đức cao thượng, nhất là Thiền định, gọi là đề mục Thiền định, nghĩa là cảnh giới để niệm tưởng (C?nh giới: là cái mà tâm người chú vào đó).

Những đề mục Thiền định:

1) Ðề mục Thiền định hiệp theo tất cả tính nết Hành giả và phải hành trước hết (sabbatthakakammaṭṭhāna);

2) Trong bốn mươi đề mục Thiền định, một đề mục nào hiệp theo tính nết của Hành giả và phải trì niệm cho tinh tấn (pārihāriyakammaṭṭhānā);

Sabbatthakakammaṭṭhana có ba:

1) Niệm tâm đại từ (mettā) – Phải thường xuyên thầm tưởng rải tâm từ đối với thầy Tăng trong Tịnh Xá với Chư Thiên ngự trong ranh Tịnh Xá, với bậc thủ lãnh, cùng tất cả chúng sanh như vầy: “Xin cho Thầy Tăng, Chư Thiên ngự trong ranh Tịnh Xá, bậc thủ lãnh, cùng tất cả chúng sanh đều được an vui. Chẳng có sự khổ chi cả”. (sukhitā bhavantu abyāpajjhā).

2) Niệm cái chết (maranassati). – Phải thường thường thầm tưởng cái chết của mình như vầy “Ta phải chết, chắc như vậy (avassam mayamā ritabbam);

3) Niệm vật dơ nhớp (asubhasaññā) – Phải thường thường tưởng vật dơ nhớp.
(asubhanimitta dịch là vật hoặc cảnh dơ nhớp, tức là “tử thi”.)

Niệm tâm từ, thì được hòa thuận chung cùng Thầy Tăng, Chư Thiên và mọi người, thì mình đi đến đâu cũng được an vui.

Niệm cái chết thì tránh khỏi tà mạng, tu hành càng thêm tinh tấn, không giải đãi.

Niệm vật dơ nhớp, thì tâm không cố chấp vì sự xan tham.

TÍNH NẾT

Chỗ nói học bốn chục đề mục Thiền định, một đề mục nào hiệp theo tính nết mình đó, cái gì gọi là tính nết – Có mấy thứ? Phải biết bằng cách nào?

– Bản tính con người đã có, từ khi sanh ra, hoặc đã tạo ra và lưu truyền từ kiếp trước, gọi là tính nết.

Tính nết của người có nhiều, nhưng nói tóm tắt có sáu:

1. Tính nhiều ái dục (rāgacarita);
2. Tính nhiều sân hận (dosacarita);
3. Tính nhiều si mê (mohacarita);
4. Tính nhiều đức tin (saddhācarita);
5. Tính nhiều trí tuệ (buddhicarita);
6. Tính nhiều suy nghĩ (vitakkacarita).

Tất cả nhân loại trong thế gian, mỗi người đều có đủ cả sáu tính ấy nhưng nhiều ít khác nhau. Nếu người có một tính nào nhiều hơn năm tính khác, như có nhiều tính ái dục thì gọi là người nhiều tính ái dục, v.v…

Ví như Tứ Ðại, trong một Ðại cũng có đủ cả Tứ đại, khác nhau là một Ðại nào có phần nhiều hơn, nước hoặc đất nhiều thì gọi Ðại ấy là nước hoặc đất, kỳ thật trong nước vẫn có đất, lửa, gió; trong đất vẫn có nước, lửa, gió.

Muốn biết con người, trong sáu tính ấy thì phải xem xét cho kỹ trong

Cách: Ði, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói và khi hành sự, như:

Tính nhiều ái dục (rāgacarita): Ði, đứng ngay thẳng, chân bước đều đặn êm ái, dấu chân đi vung đất giữa bàn chân, ngồi phải cách đáng khen, dọn chỗ ngủ vén khéo, sạch sẽ, nằm thì tay chân để ngay thẳng rồi mới ngủ, khi thức chậm rãi, nói năng dịu ngọt, làm công việc sạch sẽ gọn gàng, mặc y phục đều đặn phải phép, hay ưa thích vật thực ngon ngọt và ăn uống vén khéo, nhai thiệt nát rồi mới nuốt, được cái gì chút ít mau vui mừng, như thấy sắc tốt hoặc nghe tiếng hay thì mau quyến luyến, ráng quan sát và lắng nghe lâu, ít hay nhớ lỗi người, đi đến đâu thường nhớ tiếc nơi ấy, hay giấu lỗi mình, hay khoe tặng mình, nhiều ái tình, nhiều tham dục, không tiết độ.

Tính nhiều sân hận (dosacarita): Người có tính nóng giận nhiều: Khi đi, ngón chân cái hay dũi đất, bước đi mau mắn, nặng sâu phía trước, tướng đi và cách ngồi không dịu dàng, dọn chỗ ngủ không vén khéo, làm việc chi không sạch sẽ. Khi ngủ nằm xuống mạnh và mặt mày hay nhăn nhó, lúc thức trỗi dậy lẹ làng, nói tiếng như nóng giận, làm công việc nặng tay và không vén khéo, mặc y phục hay chật hẹp, không đều đặn, hay dùng vật thực chua và không sạch, hay độn đồ ăn hai bên miệng, ăn mau nuốt và nhai không kỹ. Ðược vật không tốt mau bất bình, nhất là thấy sắc hoặc nghe tiếng chi không vừa lòng, làm như khó chịu lắm, không thể xem hoặc nghe lâu được, hay chấp lỗi người. Ði đến đâu không hay tiết chỗ ngụ. Hay nóng giận, thường nhớ sự này việc nọ để dành. Hay quên ơn người hằng trọng mình, ví mình như người cao sang, hay uất ức, bỏn sẻn.

Tính nhiều si mê (mohacarita): Người có tính tối tăm lầm lạc nhiều: Bước đi xình xàng, nặng gót, tướng đi cách ngồi không nghiêm chỉnh, dọn chỗ ngủ không thứ tự, nằm ngủ nghênh ngang, hay nằm ngủ úp mặt, có ai gọi thức, thì hay kêu rên, chậm trỗi dậy. Làm công việc không chắc chắn, không kỹ càng sạch sẽ, mặc y phục không đều đặn, ưa thích vật thực không chừng (lúc vầy lúc khác), ăn từng chút, từng chút, hay làm rớt cơm vào đồ ăn, ăn hay lấm miệng. Khi ăn, tâm hay suy nghĩ việc kia sự nọ. Thấy sắc hoặc nghe tiếng, v.v… Hay tùy người, nếu người nói cũng nói, người khen cũng khen theo, một mình thì không hay chú ý đến việc gì, thường hay thối chí, biếng nhác và buồn ngủ, tâm hay phóng túng, tức giận và hối hận, hay hồ nghị chấp đâu thì cố đó, khó dứt bỏ.

Tính tin nhiều (saddhācarita): Người có tính tin nhiều: Cách đi đứng nằm ngồi, làm công việc, ăn uống, ngó xem, v.v… đều giống người có tính nhiều ái dục. Nhưng người có tính tin khác hơn người có tính ái dục là hay tìm dịp bố thí mong cầu được gặp bậc Thánh nhân, hằng tìm nghe Phật pháp, ham làm sự phước, không hay khoe mình, thích những việc nên thích.

Tính nhiều giác (buddhacarita): Người có tính giác nhiều cách đi đứng nằm ngồi, v.v… đều giống với người có tính sân, nhưng người có tính giác nhiều, khác hơn người có tính sân là hay làm lành lánh dữ, không quyến luyến theo hoàn cảnh hay tìm xét lý Nhân- Quả để hành theo cho đặng giải thoát. Người có tính giác lại là người dễ dạy, hay tìm thân cận cùng bậc thiện trí thức, ăn ở có tiết độ, có tính ghi nhớ, hay thức t?nh, hằng tìm việc nên tìm, hay dùng trí tuệ và tinh tấn tu hành.

Tính nhiều tầm (vitakkacarita): Người có tính tầm nhiều: Cách đi đứng nằm ngồi v.v… đều giống người có tính si, nhưng người có tính tầm, tâm hay thay đổi vì lo tính nhiều việc. Người có tính tầm lại hay nói lời vô ích, không căn cứ hay chơi đàn, ưa thích theo tình bậu bạn, ít chịu làm việc phước thiện, không hay quyết định, ban đêm thường toan tính nhiều việc như khói bay, ban ngày hành sự nóng nảy như lửa cháy, làm việc không chừng đỗi, làm đây bỏ kia, làm kia bỏ đây.

Phải biết tình người y theo phép đã giải trên đây.

Vấn – Tại sao con người có tính khác nhau như vậy?

Ðáp – Bởi kiếp trước đã quen tánh làm việc nào, rồi cái tính ấy in dính theo, hoặc kiếp trước đã có làm một việc lành nào lớn lao, cái lành ấy có thắng lực hơn, nên in khắc vào tâm; đến khi thác, cái lành ấy đưa đi thụ sanh, cái dấu tích của pháp ấy cũng theo, nhân đó mà người trong thế gian mới có tính khác nhau như vậy.

MƯỜI CÁI THỂ

Chỗ nói phải học bốn chục đề mục Thiền định rồi lựa một đề mục hiệp theo tính mình, vậy bốn chục đề mục ấy là thế nào?

Trong sáu tính, đề mục nào hiệp với tính nào?

Nếu muốn biết bốn chục đề mục Thiền định, trước phải biết mười cái thể.

Mười cái thể ấy là:

1. Saṅkhātaniddesa. – Phải biết cái thể, cách giải về số đề mục Thiền Ðịnh;

2. Upacārappanāvaha. – Phải biết đề mục có thắng lực đem đến bậc gần nhập định và đề mục đem đến bực Nhập Ðịnh;

3. Jhānappabheda. – Phải biết những phần của đề mục Thiền định;

4. Samatikkama. – Phải biết cách hành bỏ thiền định bậc thấp lên thiền định bậc cao;

5. Vaṇṇhanāvaṇṇhana. – Phải biết đề mục thiền định nên niệm thêm và đề mục thiền định không nên niệm thêm;

6. Ārammaṇa. – Phải biết cảnh giới của đề mục thiền định;

7. Bhūmi. – Phải biết cõi của đề mục thiền định;

8. Gahaṇa. – Phải biết cách niệm của đề mục thiền định;

9. Paccaya. – Phải biết duyên sanh của đề mục thiền định;

10. Cariyānukula. – Phải biết đề mục thiền định hiệp với tính nết của hành giả.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app