SƯU TẬP PHÁP

GIẢI VỀ TÂM DƠ ĐỤC VÀ TRONG SẠCH

Yathodake āvile appasanne, na passati sippikasambukañca, sakkharaṃ vālukaṃ macchagumbaṃ, evam āvilamhi citte, na so passati attadatthaṃ parattham yathodake acche vippasanne, so passati sippikasambukañca, sakkharaṃ vālukaṃ macchagumbaṃ, evaṃ anāvilamhi citte, so passati attadatthaṃ parattham.

Nghĩa là: Người hằng không xem thấy, sò, hến, ốc, sỏi, cát và bầy cá trong nước đục thế nào, người cũng không xem thấy sự lợi ích của mình và của kẻ khác, khi tâm dơ đục, như thế ấy. Người hằng xem thấy sò, hến, ốc, sỏi, cát và bầy cá trong nước trong thế nào, người cũng thấy sự lợi ích của mình và của kẻ khác, ghi tâm không bợn dơ, như thế ấy”.

Giải rằng: Nước đục thường ngăn trở không cho thấy vật trong nước thế nào, tâm mờ tối cũng che án làm cho không thấy đều lợi ích của mình và của kẻ khác như thế đó.

Các vật dơ bẩn làm cho nước trở nên đục có nhiều thứ thế nào, tâm hằng bị nhiều duyên cớ làm cho mờ ám, cũng như thế ấy. Nếu nói về điều trọng yếu thì nguyên do làm cho tâm dơ đục là:

– 5 pháp cái (Nivaranadhamma)
– 16 tùy phiền não (Upakilesa)
– 9 ô trược (Mandila).

Khi một trong các pháp trên đây phát sanh đến người nào, thì tâm người đó phải mờ tối. Cho nên, đức Phật thường khuyến hóa các tỳ khưu cần xem xét cái tâm mình rằng: “Có pháp nhơ nhớp nào ở trong tâm ta chăng?” Nếu có, phải mau dứt trừ, rồi Ngài dạy tìm phương pháp để ngăn ngừa không cho nó sanh lên nữa. Bằng xét rồi mà không thấy nó, thì phải quán tưởng đề mục thiền định hoặc hành phép minh sát (Xem trong “Thanh Tịnh Kinh giải”). Nhân đó, hành giả muốn cho tâm không mờ tối, nên thu thúc đừng cho 5 nivaranadhamma, 16 upakilesa và 9 madila phát khởi trong tâm. Vì khi các ác pháp ấy dấy lên rồi, thì tâm phải dơ đục, làm cho trí tuệ không mở mang được. Mà thiếu trí tuệ thì suy tính đều chi cũng không chơn chánh, làm công việc chi cũng không sao thành tựu được mỹ mãn.

Xin diễn tích sau đây để làm bằng:

Thuở Phật còn hiện diện, ngự tại kinh đô Savatthi, có một thiếu niên thuộc dòng Bà Là Môn học suốt thông Trayaveda[*], làm thầy dạy các vị hoàng tử và con của các bà la môn. Sau rồi, vị thanh niên acarya đó lớn lên, có nhà cửa, vườn đất, tôi trai tớ gái, có vợ đẹp con xinh, sắm các vật trang sức, các món ăn thức uống sang trọng phong túc. Chàng ta bị sa vào bẫy tình dục, phù pháp không còn linh nghiêm như xưa. Ngày nọ chàng đem hương hoa đến Kỳ Viên Tịnh Xá để yết kiến Phật. Ðảnh lễ Phật xong rồi, ngồi tại chỗ nên ngồi. Ðức Phật bèn hỏi rằng: Này người thanh niên, phù pháp của người còn linh nghiệm chăng? – Bạch Ngài, lúc trước phù pháp của tôi có hiệu lực lắm, song từ khi có gia đình, tâm tôi mờ tối, cho nên phù pháp ấy không còn linh ứng nữa.

[*] Trayaveda: dịch là 3 cái biết (về phái Bà la môn) a) rigveda hoặc iruveda: biết trong bộ kình (Bà La Môn giáo) để tụng khen ngợi đức hạnh chư thiên; b) yajuveda hoặc yajubveda đề tụng cúng hoặc khẩn cầu; c) sàmaveda để tụng cúng nước soma. Cả 3 bộ kinh đó toàn là tiếng Sanskrit (Bắc phạn) gọi là vedatraya hoặc trayaveda.

 

Phật thuyết rằng: Chẳng phải có lần này đâu, trong kiếp trước kia cũng vậy, khi ngươi có tâm nhơ dục thì phù pháp ấy cũng hết linh. Phật bèn giảng tiếp rằng:

“Thuở đức vua Brahmadatta trị vì trong kinh đô Baranasi, đức bồ tát sanh làm con nhà hào phú. Khi lớn lên, đi du học nơi xứ Takkasila, được thành tài, trở về làm vị đại sư, dạy các hoàng tử và con cái dòng bà-la-môn trong thành Baranasi. Trong hàng môn đệ của đức bồ tát, có một chàng thiếu niên học suốt thông Trayaveda do ngài dạy dỗ và được nhiều người ca tụng ngợi khen. Lúc lớn lên, chàng ta có gia đình, sự sản và để tâm chăm nom săn sóc, nên phù phép đều tiêu hủy. Người thanh niên đó đến bạch cho vị đại sư rõ đầu đuôi tự sự. Ðức Bồ tát bèn thuyết rằng: Này người thanh niên, khi tâm dơ đục, dầu cho pháp phù linh nghiệm đến đâu, cũng phải hư hoại. Nếu tâm không mờ tối, phù pháp mới ứng nghiệm được. Lẽ đó, nên nhớ rằng: “khi tâm ám muội, thì sự suy nghĩ cũng tối” cho nên; nếu đã diệt được nguyên nhân làm đạo tâm mờ đục rồi thì cần tìm cách làm cho nó trở nên trong sạch do sự hành theo các pháp đã giải.

16 TÙY PHIỀN NÃO (UPAKILESA)

Tiếng Upakilesa nói về cảnh giới xấu xa vào nhuốm cái tâm cho nhơ nhớp như tro bụi dính y trắng vậy.

1- Abhijjhavisamalobha: Xan tham không lựa chọn, là chú tâm dòm ngó mong mỏi được của kẻ khác về làm của mình, không lựa chọn vật tốt xấu, quý hèn, không sợ tội lỗi, miễn là được rồi dính mắc trong vật đó, không dám bỏ ra bố thí.

2- Dosa: Nóng giận: là khi giận rồi nóng nảy, tỏ dáng ra bề ngoài, mong làm hại kẻ khác. Phiền não này khi đã phát sanh trong tâm người nào rồi, khiến cho người ấy làm các điều tội lỗi không hề sợ sệt.

3- Kobha: Ngầm giận: là giận ngầm làm cho tâm khó chịu bực bội, tối tâm.

4- Upanāha: Cố oán: là giận để trong lòng, chờ dịp trả thù, làm hại kẻ khác cho được.

5- Makkha: Quên ơn người: là đã có thọ ơn kẻ khác rồi không tưởng nhớ đến. Người quên ơn là hạng xấu xa nhơ nhớp, là người bạc nghĩa, làm cho kẻ khác không còn thương xót, cứu giúp mình nữa được. Với người quên ơn thì ít ai muốn thi ân cho nữa. Vì lẽ đó, mình phải là người nhớ ơn, biết ơn, chẳng nên là kẻ bạc nghĩa.

6- Palāsa: Tự cao: là đem mình lên so sánh với kẻ khác rằng: “Ta hay, giỏi hơn hoặc bằng họ. Họ cũng là người, ta cũng là người, họ làm được ta cũng làm được. Họ biết cái gì, ta cũng biết như họ; hoặc biết hơn họ nữa”. Phiền não này làm cho người không rõ biết cao thấp, không biết tôn trọng bậc trưởng thượng hoặc có đạo đức hơn mình, là các nhân khiến cho kẻ khác ghét bỏ.

7- Issā: Ganh ghét: là không muốn cho kẻ khác được tốt, lành. Khi thấy kẻ khác tốt thì nín thinh không được, nóng nảy khó chịu, mong tìm dịp làm cho tiêu hoại điều tốt, sự tiến hóa của người. Phiền não này là cái nhân gây ra sự ganh ghét.

8- Macchariya Bỏn sẻn, rít róng: là được vật chi, có món gì thì giữ chắc, chỉ để cho mình dùng, không đem ra bố thí, dâng cúng đến kẻ khác. Không lòng từ bi thương xót đến ai, khiến cho phần đông không ưa thích. Thân quyến và bậu bạn ít ai gần gũi mình, đó là phiền não xấu xa;

9- Māyā: Giấu lỗi mình: là làm cho kẻ khác tin lầm mình, và giả bộ làm cho người tưởng mình là tốt, là lành. Ðó là điều xấu xa cắt đứt cái tánh lành của mình, làm cho kẻ khác hết tin cậy, vì mình là người giả dối;

10- Satheyya: Khoe tài: là khoe rằng mình biết rõ như thế này, như thế nọ cho kẻ khác ưa thích mình, khen ngợi mình. Ðó là cái nhân khiến cho kẻ khác ghét bỏ mình, cắt đứt đường thông minh tiến hóa của mình không cho nảy sinh lên nữa được, vì sự khoe khoangg của mình đó;

11- Thambha: Cứng cỏi: là tánh khó dạy, dầu có người dạy bảo chơn chánh cũng chẳng nghe theo. Ðó là phiền não làm cho trở ngại con đường đạo đức. Sự cứng đầu làm cho mình không chịu nghe lời phải;

12- Sarambha: Tranh tài: là khi thấy kẻ khác được tốt, lành thế nào, mình không bằng họ mà mong cho được như họ, vì không xét nghĩ đến địa vị của mình; phiền não này che án con đường đạo đức của mình. Trong điều này nên hiểu như vầy: “Khi thấy kẻ khác được tốt lành rồi ráng siêng năng làm lành như họ.

13- Mana: Ngã chấp: là chấp rằng mình tốt lành như vầy, như kia, có sự cố chấp trong tâm. Phiền não này làm cho mình khinh rẻ kẻ khác, khiến cho họ ghét bỏ mình, là điều ngăn cản sự thân cận hòa hảo với mọi người;

14- Atimāna: Khinh rẻ kẻ khác: là thấy họ toàn là thấp hơn mình, không làm cho người thương mến mình được. Phiền não này cắt đứt tình yêu mến của mọi người, vì nguyên nhân khinh rẻ kẻ khác;

15- Mada: Say mê: là quên mình, lầm lạc trong các công việc, như mê sa sự vui chơi bỏ công ăn việc làm cho đến không thấy sự hại; mê sa vui thích mong được ngợi khen; mê sa trong sự vui quên khổ. Phiền não này đem mình đến các điều nguy hiểm, là nguyên nhân khiến cho mình sai lầm khỏi đường đạo đức;

16- Pamada: Dể duôi: là không cẩn thận, không xem xét chu đáo. Phiền não này khiến cho mình lầm lạc, hằng gặp điều nguy hiểm, vì sự dể duôi là nguyên nhân đem đến sự tiêu diệt, đúng theo Phật ngôn rằng:

Pamado maccuno padaṃ“: Sự dể duôi là con đường chết”.

Tất cả 16 upakilesa này toàn là pháp nhơ nhớp, mờ ám, làm cho tâm trở nên hèn hạ xấu xa, làm điều tội lỗi. Người mong mỏi điều lành việc tốt, nên cố gắng, đừng cho phát sanh trong tâm và nên diệt trừ hẳn những phiền não đã phát sanh, mới có thể được yên vui như nguyện. Pháp trừ diệt 16 upakilesa đó như vầy:

1- Abhijjhāvisamlobha: Xan tham không lựa chọn, trừ bằng pháp Sandosa (biết đủ);

2- Dosa: Nóng giận, trừ bằng Mettā (thương xót);

3 và 4- Kobha, upanāha: Ngầm giận và cố oán, trừ bằng Karunā (lành thương)

5- Makkha: Quên ơn, trừ bằng Katannu Katavedi (biết ơn và đền ơn);

6- Palāsa: Tự cao, trừ bằng Apacāyana (kính nhường);

7- Issā: Ganh ghét, trừ bằng muditā (vui thích);

8- Macchariya: Bỏn sẻn, trừ bằng Dāna pariccāga (bố thí, dứt bỏ);

9- Māyā: Giấu lỗi, trừ bằng Sacca (ngay thật);

10, 12 13- Sātheyya, Sārambha, Māna: Khoe tài, tranh tài, ngã chấp, trừ bằng Attannutā (biết địa vị mình);

11- Thamba: Cứng cỏi, trừ bằng Sovacassatā (dể dạy);

14- Atimāna: Khinh dể, trừ bằng Cāravata (tôn kính);

15- Mada Say mê, trừ bằng Sati (tưởng nhớ);

16- Pamada: Dể duôi, trừ bằng Appamada (không dể duôi).

PALI UDDESA

 

Pakassaramidaṃ bhikkhave cittaṃ tañce kho āgangtukehi upakilesehi upakiletthanti
Này các tỳ khưu, tâm là cái trong sáng, song tâm đó phải bị dơ đục vì Upakilesa nhập vào”.

Người tu hành mong được yên vui lâu dài, nên hằng xem chừng, không cho 5 pháp cái (Nivaranadhamma) và 16 Upakilesa vào trú trong tâm. Phải trừ ngay khi các pháp đó phát sanh và cần phải có 15 Pubbabhaga patipetti, thì mới chắc được khỏi sa trong 4 đường ác đạo.

TRÍCH TRONG TẠNG KINH

Lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa làm cho tâm xốn xang, nóng nảy, phá hại sự giác ngộ Niết Bàn, khó tìm pháp cao thượng được. Cớ ấy Tỳ khưu nên nhớ rằng: chúng ta cần phải dứt bỏ lễ vật và lời ngợi khen, điều đó không đè nén tâm ta được. Các Tỳ khưu nên nhớ như thế. Ví như người đánh cá, thả câu có sẵn mồi xuống bậc sâu, cá thấy mồi rồi ăn câu ấy, khi cá đã nuốt câu, hẳn thật phải chịu khổ, bị người đánh cá giết hại. Người đánh cá tức là tên của Ma vương, lưỡi câu có mồi tức là lễ vật và lời ngợi khen, Như Lai gọi là Tỳ khưu ăn lưỡi câu có mồi của Ma vương, tất nhiên phải chịu hại.

Chó chốc mang bệnh ghẻ, lông đều rụng hết, nổi mụt có mủ khắp mình, đi ăn nơi khô ráo cũng không an, ở dưới bóng cây cũng không an, ở nơi khoảng trống cũng không an, dầu đi đến nơi nào cũng không an, nằm nơi nào cũng không an, thường bị nhiều điều tai hại khổ não trong các nơi ấy. Này, các Tỳ khưu, có Tỳ khưu bị lễ vật và lời ngợi khen đè nén buộc rịt tâm; rồi đi đến nơi thanh vắng cũng không an, đến dưới bóng cây cũng không an, đi ngụ trong khoảng trống cũng không an, dầu trú trong nơi nào cũng hằng bị điều khổ não tai hại đến đó.

Lễ vật và lời người khen là điều xấu xa như thế. Này các Tỳ khưu, Như Lai thấy hạng người bị lễ vật đè nén buộc rịt tâm sau khi chết hằng sa vào đường cầm thú, a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục.

Này các Tỳ khưu, lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa, này các Tỳ khưu! Lễ vật và lời ngợi khen hằng cắt đứt da ngoài rồi cắt đứt đến gân, rồi cắt đứt đến xương, rồi cắt đứt đến tủy trong xương mới thôi. Này các Tỳ khưu! lễ vật và lời ngợi khen là điều xấu xa như vậy. Này các Tỳ khưu! các người nên nhớ như thế.

Cớ đó, các người nên ghi rằng: ta dứt bỏ lễ vật và lời ngợi khen đã phát sanh, đừng cho điều ấy đè nén tâm ta được. Này các Tỳ khưu, các người nên niệm như thế đó. Ðề Bà Ðạt Ða, bị lễ vật và lời ngợi khen đè nén, mới chia rẽ tăng, rồi phải sa Ðại A-tỳ địa ngục.

3 PHÉP TRI TÚC (SANDOSA)

 

1- “Ưa thích theo vật dụng đã được” (yathālābhasandosa) là được y ca sa, thực phẩm, chỗ ở, thuốc men, tốt hoặc không tốt cũng dùng vật ấy, không mong tìm kiếm vật khác, dầu có người dâng cúng nữa cũng không thọ, hay là thọ rồi đem dâng cho vị Tỳ khưu khác.

2- “Ưa thích theo sức mình” (Yathābalasandosa) là: nếu có bệnh dùng món ăn không tiêu, nên đem đổi lấy món khác với Tỳ khưu thân thiết, rồi vừa lòng trong vật ấy.

3- “Ưa thích cho vừa theo” (Yathāsārupasandosa) là: nếu được vật tốt quý giá, nên xét rằng: vật này vừa đến vị cao hạ có đức hạnh, bậc thông hiểu, rồi dâng đến các ngài, phần mình chỉ dùng vật không tốt, hèn hạ.

PHÉP TRI TÚC NẾU GIẢI RỘNG CÓ 50 PHÉP: Cīvara có 20, Pindapāta có 15, Gilāna có 15.

15 PHÉP TRI TÚC VỀ PINDAPĀTA

1- Suy nghĩ;
2- Tri túc trong khi đi là: khi đi khất thực chỉ phải tham thiền quán tưởng;
3- Tri túc trong khi kiếm là: không nên đi chung với người Alajji (Alajji là người không biết xấu hổ, tội lỗi);
4- Tri túc trong khi đứng chờ là: khi thấy thí chủ đem thực phẩm đến dâng, không nên nghĩ rằng vật ấy vừa lòng ta chăng?
5- Tri túc trong khi thọ là: không nên nghĩ rằng: nếu vật vừa lòng thì ta lãnh, không vừa lòng ta không lãnh;
6- Tri túc trong sự tiết chế là: chỉ nên thọ cho vừa đủ để nuôi sống thôi;
7- Tri túc trong sự lãnh là: thực phẩm nhiều hoặc ít, cũng lãnh cho vừa, cho ít lãnh ít, cho nhiều cũng lãnh cho vừa bụng mình thôi. Nếu không biết tiết chế, ấy là làm cho giảm đức tin của thí chủ, sai lời của Ðức Phật đã dạy, dầu là với cha mẹ mà mình thọ thái quá cũng làm cho cha mẹ mất đức tin;
8- Tri túc trong sự không lựa nhà là: không đi khất thực theo nhà quan, nhà giàu, nhà thường dâng cúng nhiều, phải nên đi theo từng nhà;
9- Tri túc trong sự tiết chế là: nếu thực phẩm đầy bát mà có Anupasampanna (Anupasampanna: nói về hạng sadi và cư sĩ) đi theo, nên chia sớt đến họ, chỉ lấy cho vừa đủ dùng thôi, rồi mang bát về;
10- Tri túc trong khi ăn là: phải dùng trí tuệ quán tưởng nhiều lần cho thấy rõ thực phẩm là một nguyên tố hẳn thật là vật đáng ghê gớm, khi đã tiếp xúc với thân thể hôi thúi này. Ta dùng đây chỉ để ngăn ngừa sự đói hầu tu hành cho được giải thoát;
11- Tri túc trong sự không cất giữ là: ăn rồi không để dành ăn lại nữa;
12- Tri túc trong sự chia sớt là: khi đem dâng đến vị khác, không nên lựa chọn vật và Tỳ khưu rồi mới đem cho;
13- Tri túc trong sự ưa thích trong vật đã được;
14- Tri túc trong sự ưa thích theo sức mình;
15- Tri túc trong sự ưa thích cho vừa.

BA TƯỚNG PHÂN BIỆT NGƯỜI CÓ TRI TÚC

 

1- Không buồn tiếc đến của đã qua (atitamnānusocanto);
2- Không nói đến vật chưa có (nappajappamanāgatam);
3- Nuôi mạng sống theo vật, phát sanh đến trước mặt (paccuppanena yāpento).

BỐN TƯỚNG CỦA NGƯỜI KHÔNG DỂ DUÔI (Apramada)

 

1. Không thù oán, bất bình (abyāpanno);
2. Có trí nhớ luôn khi (sadāsato);
3. Gìn giữ thiền định trong tâm (ajjhāttam);
4. Cố gắng dứt lòng tham muốn (appajjhāvinaye sikkham).

11 TƯỚNG CỦA NGƯỜI DỂ DUÔI TRONG SỰ TU TẬP ÐIỀU LÀNH

 

1. Không hết lòng làm;
2. Không làm cho thường thường;
3. Bỏ sự vừa lòng;
4. Than thở lui sụt;
5. Làm gián đoạn;
6. Bỏ công việc;
7. Không để ý;
8. Không làm cho tăng tiến;
9. Không làm cho đúng đắn;
10. Không cố ý làm;
11. Không cố ý siêng năng.

3 NHÂN LÀM CHO HƯ THIỀN ÐỊNH

 

1. Vì phiền não khuấy rối;
2. Vì hành không đúng;
3.. Vì không hành cho thường.

THÂN CẬN VỚI BỰC THIỆN TRÍ THỨC CÓ 4 PHƯỚC BÁU

 

1. Hằng làm cho giới được tăng tiến cao thượng
2. Hằng làm cho định được tăng tiến cao thượng,
3. Hằng làm cho trí tuệ được tăng tiến cao thượng;
4. Hằng làm cho sự giải thoát được tăng tiến cao thượng

BẬC MINH TUỆ CÓ 4 CHI (PAṆḌITĀ)

 

1. Biết ơn người đã làm đến mình (Kataññū);
2. Làm cho mình trong sạch khỏi điều tội lỗi (Attasuddhi)
3. Làm cho người được trong sạch (Parāsuddhi);
3. Tiếp độ người nên tiếp độ (Sangaha).

5 ÐIỀU THU THÚC TRONG LUẬT (SAMVARAVINAYA).

 

1. Thu thúc trong giới bổn (Silasamvara);
2. Thu thúc trong lục căn (Satisamvara);
3. Thu thúc trong ái dục bằng trí tuệ (Nānasamvara);
4. Thu thúc trong kiên nhẫn, là nín nhịn, sự lạnh, nóng, đói, khát, đau khổ (Khantīsamvara);
5. Thu thúc trong tinh tấn là dứt trừ 3 tà tư duy (suy nghĩ quấy trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc) (Viriyasamvara).

5 THỨ PHỈ LẠC (PĪTI)

1. Da đều nổi ốc (Khuddakapīti)
2. Như điển chớp, thấy rõ trong mắt (Khanikāpīni);
3. Thân thể cử động như lượn sóng tát vào bờ (Okantikāpīti)
4. Thân thể nhẹ nhàng bay bổng (Obengāpīti);
5. Mát mẻ khắp châu thân (Pharanāpīti).

5 PHÁP TƯỞNG LÀM CHO SỰ GIẢI THOÁT MAU ÐƯỢC TIẾN HÓA

 

1. Sự phân biệt rằng là: không thường (aniccasannā);
2. Sự phân biệt rằng là: khổ trong vô thường (aniccedukkha sannā);
3. Sự phân biệt rằng: Không phải là của ta trong pháp có khổ (dukkhānattasannā);
4. Sự phân biệt trong pháp dứt bỏ (pahana sannā);
5. Sự phân biệt trong pháp xa lánh tình dục (viraga sannā).

5 PHÉP LÀM CHO SỰ GIẢI THOÁT MAU ÐƯỢC TIẾN HÓA

 

1. Có bạn lành;
2. Có giới trong sạch;
3. Nói 10 điều trong sạch (Xem trong “Luật Xuất Gia”, quyển Hai);
4. Có tinh tấn;
5. Có trí tuệ sáng suốt.

6 ÐỨC TÁNH CỦA BẬC HƯỚNG ÐẠO

 

1. Có sự kiên nhẫn (khamā);
2. Có sự thức tỉnh thường thường (jāgangiya);
3. Có sự siêng năng tinh tấn (utthāna);
4. Có sự chia sớt (samvibhāga);
5. Có tâm thương xót (dayā);
6. Có sự xem xét và suy nghĩ (ikkhanā).

PHÁP NÊN NHỚ THƯỜNG THƯỜNG (SARĀNÑYADHAMMA).

1. Nghiệp thân bác ái (Mettākayakamma);
2. Nghiệp khẩu bác ái (Mettāvacī Kamma);
3. Nghiệp ý bác ái (Mettāmano Kamm);
4. Chia sớt lễ vật được theo phép, đến người có phạm hạnh (Lābha);
5. Trì giới cho trong sạch như bậc có phạm hạnh (Sīla);
6. Hiểu thấy chơn chánh như bậc có phạm hạnh (Ditthi),

6 TƯỚNG CỦA KẺ BÀLA (SI MÊ)

 

1. Mong được người ngợi khen;
2. Mong được làm đầu trong hàng Tỳ khưu;
3. Mong được làm cả trong chùa;
4. Mong được thiện tín cúng dường
5. Mong được người ưa thích việc của kẻ khác làm mà nói là của mình;
6. Mong được kẻ khác ở dưới quyền mình, trong tất cả các việc

6 HẠNG XUẤT GIA

 

1. Xuất gia của người dốt nát;
2. Xuất gia của người hay giận;
3. Xuất gia của người hay chơi giỡn;
4. Xuất gia của người thu góp của cải;
5. Xuất gia của người dễ nuôi sống;
6. Xuất gia của người muốn được dứt khổ.

NÊN THÂN CẬN CÙNG BẠN CÓ ÐỦ 7 CHI

 

1. Cho những vật khó cho;
3. Làm những việc khó làm;
3. Kiên nhẫn với sự, hoặc nhân khó kiên nhẫn;
4. Nói điều kín đến bạn;
5. Giấu nhẹm điều kín của bạn;
6. Không bỏ nhau trong khi có tai hại;
7. Khi bạn hết của cải, không khinh rẻ.

BẠN LÀNH CÓ 3 CHI

 

1. Giám thức tỉnh trong khi bạn làm việc quấy;
2. Giám khuyên bạn làm việc lành;
3. Không bỏ bạn lúc hữu sự (cùng chia vui, buồn với bạn),

TỲ KHƯU CÓ 7 PHÁP GỌI LÀ LÀM CHO DỨT ÐƯỢC ĀSAVA [*]

1. Có đức tin (Saddho hoti);
2. Có giới (Sīlavā hoti);
3. Có sự học rộng thấy xa (Bahussuto hoti);
4. Xa lánh bè bạn, tìm ngụ trong nơi thanh vắng (Patisalino hoti);
5. Có tinh tấn (Āraddhvairiyo hoti);
6. Có trí nhớ (Satimā hoti);
7. Có trí tuệ (Paññāvā hoti)

[*] Āvsava: Tâm phiền não ngâm, ngủ trong tâm

7 PHÁP HỘ TRỢ THIỀN ÐỊNH

 

1. Chánh kiến (Sāmmāditthi);
2. Chánh ngữ (Sammāvaca);
3. Chánh tư duy (Sammāsankappa);
4. Chánh nghiệp (Sammākammanta);
5. Chánh mạng (Sammā ājīva);
6. Chánh Tinh tấn (Sammā vāyāma);
7. Chánh niệm (Sammā Sati).

TỲ KHƯU CÓ 7 CHI LÀ NGƯỜI ÐÁNG BẬC PHẠM HẠNH YÊU MẾN.

 

1. Không mong được lợi (Nalābhakāmo);
2. Không mong được lễ vật (Nasakkārakāmo):
3. Không tự cao (Anavaññāttikāmo):
4. Biết hổ thẹn tội lỗi (Hirimā);
5. Biết ghê sợ tội lỗi (Otappī);
6. Không có tâm ganh gổ (Anissukī);
7. Không có lòng bón rít (Amicchari).

8 ÐIỀU VUI CỦA SA-MÔN

 

1. Không cần phải gìn giữ của cải.
2. Chỉ tìm thực phẩm vô tội;
3. Chỉ thọ thực phẩm đã chín sẵn;
4. Không có điều khó khăn về các sưu thuế;
5. Không có sự ham muốn trong vật trang sức;
6. Không sợ trộm cắp;
7. Không dính mắc với nhà nước;
8. Không có ai ngăn cấm trong bốn phương.

8 NGUYÊN NHÂN LÀM CHO PHÁT SANH (SAMVEGAVATTHU[*]

1. Suy xét về điều khổ trong sự sanh (jātidukkha);
2. Suy xét về điều khổ trong sự già yếu (jāhādukkha);
3. Suy xét về điều khổ trong sự đau ốm (Byādhidukkha);
4. Suy xét về điều khổ trong sự chết (Marana dukkha);
5. Suy xét về điều khổ trong 4 đường dữ (Apāya dukkha);
6. Suy xét về điều khổ trong kiếp đã qua (Atita dukkha);
7. Suy xét về điều khổ trong kiếp chưa đến (Anāgata dukkha);
8. Suy xét về điều khổ trong sự tìm kiếm thực phẩm (Ahārapariyetthita dukkha).

[*] Samvegavatthu: Pháp động tâm (làm cho hoảng hốt, lo sợ, chán nản)

8 NHÂN CỦA NGƯỜI LƯỜI BIẾNG

 

1. Tính rằng: ta nên nghỉ đã, vì sẽ phải làm công việc rồi, rồi ngủ;
2. Tính rằng: ta nên nghỉ cho khỏe, vì mới làm xong công việc, rồi ngủ;
3. Tính rằng: ta nên nghỉ đã, vì sẽ phải đi đường xa, rồi ngủ;
4. Tính rằng: ta nên nghỉ cho khỏe, vì mới đến chỗ, rồi ngủ;
5. Tính rằng: ta làm việc không được, vì thọ thực ít quá, rồi ngủ;
6. Tính rằng: ta nên nghỉ đã, cho thực phẩm dễ tiêu hóa, vì thọ thực nhiều, rồi ngủ;
7. Tính rằng: ta nên nghỉ đã, vì ta mang bệnh, rồi ngủ;
8. Tính rằng: ta nên nghỉ làm việc đã, vì mới được bình phục, rồi ngủ.

TÁM PHÁP NƯƠNG LẪN NHAU

 

1. Sati Sampajañño (Trí nhớ, biết mình) có rồi, thì Hiri Ottappa (hổ thẹn, ghê sợ tội) cũng có;
2. Hiri Ottappa có rồi, thì Indriyasamvara (lục căng thu thúc) cũng có;
3. Indriyasamvara có rồi, thì Sila Samvara (giới thu thúc) cũng có;
4. Sila Samvara có rồi, thì Sammāsamādhi (chánh định) cũng có;
5. Sammāsamādhi có rồi, thì Yathābhūtaññanadassana (sự hiểu rõ theo chân lý) cũng có;
6. Yathābhūtaññānadassana có rồi, thì Nibhadā và Virāya (sự chán nản và y dục) cũng có;
7. Nibhadā và Virāya có rồi, thì Vimuttiññadassana (trí tuệ hiểu biết trong sự giải thoát) cũng có;
8. Vimutti (sự giải thoát) là pháp cuối cùng.

TÁM NHÂN SIÊNG NĂNG

Ðức Phật có giảng rằng: Này các tỳ khưu, Tỳ khưu trong giáo pháp này, khi.

1. Tỳ khưu hữu sự phải làm, nên suy nghĩ rằng: “Lúc làm công việc, không dễ hành đạo được; như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên;

2. Tỳ khưu đã làm công việc xong rồi, nên suy nghĩ rằng: “Ta đã làm công việc xong rồi, khi đương làm, ta chẳng hành đạo được; như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có. “Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên;

3. Tỳ khưu hữu sự phải đi đường, nên suy nghĩ rằng: “Lúc đi đường, ta không dễ hành đạo được; như vậy, ta cần phải cố gắng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có”. Tỳ khưu ấy, bèn tinh tấn thêm lên;

4. Khi đi đến nơi rồi, Tỳ khưu nên suy nghĩ rằng: ta đã đến nơi rồi, lúc đương đi ta không hành đạo được, như thế, ta cần phải cố gắng tu tập hầu chứng đạo đức mà ta chưa đắc. Tỳ khưu bèn tinh tấn thêm lên.

5. Tỳ khưu vào xóm khất thực mà không được thực phẩm bèn hoặc quý vừa đủ no, nên suy nghĩ rằng: ta đi khất thực không vừa đủ no, thân thể ta được nhẹ nhàng, tiện bề hành đạo, như thế, ta nên cố gắng tu tập hầu chứng đạo đức mà ta chưa được, Tỳ khưu bèn tinh tấn thêm lên.

6. Khi Tỳ khưu vào xóm khất thực được thực phẩm hèn hoặc quý vừa đủ no, nên suy nghĩ rằng: Ta đã khất thực được no đủ rồi, thân thể của ta nhẹ nhàng tiện bề hành đạo, như thế, ta cần phải cố gắng tu tập hầu chứng đạo quả mà ta chưa có, Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.

7. Khi có bệnh chút ít phát sanh đến Tỳ khưu rồi, Tỳ khưu ấy nên suy nghĩ rằng: bệnh ít đã phát sanh đến ta rồi, bệnh ấy chắc nặng thêm không sai, cớ ấy ta cần phải siêng năng tu tập trước, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.

8. Khi Tỳ khưu được bình phục rồi, song mới vừa dứt bệnh, nên suy nghĩ rằng: Ta đã lành mạnh rồi, nhưng bệnh của ta ắt sẽ trở lại không sai, như thế ta cần phải cố gắng tu tập, hầu chứng đạo đức mà ta chưa có. Tỳ khưu ấy bèn tinh tấn thêm lên.

PHƯƠNG PHÁP DỨT TRỪ SỰ LƯỜI BIẾNG LÀM CHO PHÁT SANH TINH TẤN

Có 11 điều:

1. Quán tưởng thấy sự kinh sợ trong ác đạo rằng: “Lệ thường chúng sanh luân hồi trong 4 đàng dữ (cầm thú, a tu la, ngạ quỷ, địa ngục) thường chịu khổ không dứt, chúng sanh ấy hằng bị hại không sao tấn hóa được, vì không có thì giờ tu hành để đạt đến đạo quả. Quán tưởng thấy như thế rồi mới có lòng kinh sợ.

2. Quán tưởng thấy phước báo rằng: “9 pháp xuất thế (Lokuttaradharma) là 4 đạo, 4 quả, 1 Niết Bàn, không sao có đến người lười biếng, chỉ phát sanh đến người tinh tấn thôi!

3. Quán tưởng về con đường đi đến Niết Bàn rằng: “Con đường mà Ðức Toàn Giác, Ðộc Giác và Thinh Văn Giác đã đi đó, người đời nên đi theo, những kẻ lười biếng không sao đi được”.

4. Trạng thái của người không dể duôi, khinh rẻ trong vật thực hành khất bằng sự suy xét rằng: Những người hộ độ, họ chẳng phải quyến thuộc hoặc tôi tớ của người đâu. Dâng cúng thực phẩm quý giá đến người, họ không tính rằng: Nhờ ngươi họ mới được sống còn”. Họ chỉ tưởng rằng: “Sự hành động của ngươi có nhiều phước báo, nên họ mới dâng. Ðức Phật cho phép thọ các vật dụng ấy, do ngài tính rằng: “cho ngươi dùng, cho thân thể to béo, ngủ cho khỏe, cũng không, Ngài xét rằng: Tỳ khưu dùng các món ấy, để tu hành cho dể dàng, hầu thoát khỏi sự luân hồi khổ não, nên Ngài mới cho phép, vậy ngươi lười biếng, dể duôi trong thực phẩm hành khất sao nên”. Khi đã quán tường như thế là nguyên nhân, làm cho phép sanh tinh tấn, như Ðại Ðức Tissathera đi khất thực, được nghe một bà đại tín nữ dạy người con gái, bảo lấy thực phẩm quý giá, như sữa lỏng, sữa đặc, đường, nấu lộn với cơm để dâng cho Ngài, còn phần bà chỉ dùng mắm muối thôi.

Ðại Ðức Tissathera phát tâm suy nghĩ rằng: “Ô! bà tín nữ này chẳng phải là thân quyến của ta, vì sao mà sắp đặt thực phẩm cao thượng để dành cho ta như thế”. Cớ ấy nếu ta lười biếng không cố gắng hành đạo cho chứng được một đạo quả nào, thì chẳng nên dùng thực phẩm ấy đâu. Nghĩ như vậy rồi, ngài bèn trở về chỗ ngụ tinh tấn tu pháp minh sát cho đến khi đắc A-la-hán, do sự không dể duôi trong thực phẩm hành khất nơi bà tín nữ. Như thế, là nguyên nhân phát sanh sự tinh tấn.

5. Quán tưởng về di sản của Ðức Phật rằng: “7 báu nhà Phật là quý cao, kẻ lười biếng không sao thọ hưởng được. Ví như người con không vâng lời cha mẹ từ bỏ hẳn, không còn nhìn nhận là con nữa. Khi cha mẹ quá vãng rồi, người con ấy không phép kế thừa gia tài, kẻ lười biếng cũng không được lãnh của cải như thế”.

6. Quán tưởng về Ðức Phật là trọng rằng: “Ðức Phật là bậc Ðại phước đức rất khác thường, như khi Ngài thọ sanh vào lòng Phật Mẫu, khi Ngài xuất gia tu hành, giác ngộ, chuyển pháp luân và hiện thần thông, từ trên thiên cung xuống nhân gian, rồi định ngày nhập diệt và khi Ngài vào Niết Bàn, làm cho cả triệu thế giới phải chấn động. Người xuất gia trong giáo pháp của Phật có trạng thái thường như kẻ thế, lười biếng có nên chăng?”.

7. Trạng thái của người quán tưởng về dòng giống là trọng rằng: Người chẳng phải là bậc thấp hèn đâu, người được tu trong Phật giáo này, gọi là con của Ðức Phật, là em của Ðức Rahula là cháu của Ðức Tịnh Phạn Vương (Suddhadhanaraya) là dòng họ của đức Vua Okakaraja. Cớ ấy, người không nên lười biếng, như kẻ thấp hèn khác đâu”.

8. Trạng thái của người quán tưởng lấy bậc phẩm hạnh là trọng rằng: “Ðức Sariputta, Ðức Moggallana hoặc chư Ðại A La Hán được chứng pháp xuất thế gian cũng chỉ nhờ sự tinh tấn, cho nên người phải hành theo con người của các bậc phạm hạnh ấy, bằng không cũng chẳng có thế đắc thánh pháp được;

9. Trạng thái của người xa lánh kẻ lười biếng nghĩa là: đừng gần gũi, thân thiết với người lười biếng;

10. Trạng thái của người chỉ thân cận với bậc có tinh tấn tu tập đạo quả thôi;

11. Trạng thái của người có tâm khuynh hướng tinh tấn trong 4 oai nghi.

10 PHÁP NƯƠNG

 

1. Giữ gìn thân khẩu cho đoan chánh;
2. Học rộng hiểu nhiều;
3. Có bạn lành;
4. Làm người dể nuôi;
5. Có lòng tôn kính giúp đỡ công việc của bậc phạm hạnh;
6. Có lòng mong mỏi trong chánh pháp;
7. Tinh tấn;
8 Ưa thích với vật dụng tùy có, tùy được;
9. Có trí nhớ;
10. Có trí tuệ

NGƯỜI KHÔNG CHỨNG ÐƯỢC A LA HÁN QUẢ VÌ KHÔNG DIỆT TRỪ 10 PHÁP

 

1. Ưa thích ngũ trần (Rāga)
2. Giận oán (Daso)
3. Ngu dốt (Moha)
4. Ngầm giận (Kodha)
5. Cố oán (Upanāha)
6. Quên ơn người (Makkha)
7. Kiêu hãnh (Palāsa)
8. Gây gổ (Issā)
9. Bón rít (Maccharīya)
10. Ngã chấp (Māna)

10 ÐIỀU BUỘC TRÓI

 

1. Mẹ
2. Cha
3. Vợ
4. Con
5. Bà con
6. Bạn
7. Của cải
8. Lễ vật
9. Danh dự
10. Ngũ dục

TÀ TƯ DUY (MICCHĀ VITĀKA)

Ðức Phật dạy Tỳ khưu (Nekhiya) phải tham thiền niệm niệm hơi thở ra vô để trừ 9 điều tà tư duy là:

1. Suy nghĩ trong vật mình ưa muốn (sắc, thinh, hương, vị, xúc) (Kāma vitakka);
2. Suy nghĩ trong cái mà mình oán thù giận ghét (Byāpadavitakka);
3. Suy nghĩ trong điều mà mình muốn làm khổ kẻ khác (Vihinsāvitakka);
4. Suy nghĩ đến thân quyến (Nāttivitakka);
5. Suy nghĩ đến xóm làng, xứ sở, thành thị (Janapasavitakka);
6. Suy nghĩ đến sự thương yêu kẻ khác (Parāmuddayavitakka);
7. Suy nghĩ rằng: mình chưa chết (Amarā vitakkha);
8. Suy nghĩ đến lễ vật ngon, đẹp và mong được người khen ngợi (Lābha sakkāra vitakka);
9. Suy nghĩ đến cảnh giới đã quen biết (về thế sự) (Anuvinnattivitakka);

Tâm hằng duyên theo trần cảnh nên thường hay phóng túng, tưởng cái này, nhớ cái kia, không an trụ, như khỉ trong rừng, vì 9 tà tư duy ấy. Nếu bị tà tư duy thì thiện tâm phải hư hoại, phước báo phải tiêu tan, cũng như nhà bị đạo tặc vào cướp của, như chiếc thuyền khẳm, không sao qua sông, biển được. Hành giả đã bị 9 tà tư duy ấy đè nén khó đến Niết Bàn được. Muốn cho chiếc thuyền trở nên nhẹ nhàng, cần phải tát cho hết nước, mới mong qua sông biển được mau lẹ, thế nào, hành giả muốn cho tâm trong sạch, nên niệm niệm hơi thở ra, vô để trừ tà tư duy, mới có thể đến bờ kia được dễ dàng cũng như thế ấy.

PHỔ THÔNG TƯỚNG (SAMANNALAKKHANA)

Cái tướng thông thường cho tất cả hình sắc, gọi là “phổ thông tướng” hoặc là “tam tướng (trayalakkhana)”, là:

1. Aniccatā: Trạng thái vô thường,
2. Dukkhatā: Trạng thái khổ não,
3. Anattatā: Trạng thái vô ngã.

Những người tu học nên hiểu tiếng śắc tướng” (sakhāra) như vậy: “Các nguyên tố hiệp nhau theo lẽ tự nhiên, như thân thể và thảo mộc hoặc những vật liệu mà người gộp chung lại, như là: nhà, ghe, xe cộ, v.v… đều gọi là sắc tướng. Lại nữa cái gì do nhân duyên tạo tác ra cũng gọi là sắc tướng vậy.

Tất cả sắc tướng đó chia ra làm hai loại, là:

1. Hữu thức duy trì tướng (upadinnakasankhara), là sắc tướng có thức tánh gìn giữ;
2. Vô thức duy trì tướng (anupadinnakasankhara), là sắc tướng không có thức tánh gìn giữ.

“Hữu thức duy trì tướng” nói về tứ sanh: trời, người, phi nhơn, cầm thú, hoặc thai, noãn, thấp, hóa. Vì tất cả chúng sanh ấy đều do nhân duyên tạo thành và cố tâm hiểu biết vui, khổ.

“Vô thức duy trì tướng” thuộc về những cái sanh ra tự nhiên, không có thức tánh, như: cây, núi, sông, biển và các vật mà người làm ra để dùng, như xe, thuyền, nhà, cửa, v.v… Tất cả vật ấy đều do nhân duyên tạo thành giống nhau cả, là cái không có sự hiểu biết vui khổ.

Tiếng nói “Phổ thông tướng” là cái hình dáng giống nhau đến cả sắc tướng.

Giải rằng: Trong thế gian, có nhiều hạng người: giàu, nghèo, mạnh, yếu, sang, hèn, quyền thế cao thấp khác nhau thật, song vẫn có đều đủ 3 tướng đó, chẳng có ai trángh khỏi ảnh hưởng thế lực của 3 tướng ấy cả. Cho nên, gọi là “Phổ thông tướng”.

Còn tiếng gọi “Tam tướng” (trāyalakkhana) là ám chỉ về các sắc đều hằng có 3 tướng như thế, nghĩa là thường ở dưới quyền lực của 3 tướng đó đồng nhau cả.

1.- Aniccatā: Trạng thái vô thường, là cái tướng không thường, hay thay đổi lúc này lúc khác;

Giải rằng: Tất cả sắc tướng “Hữu thức duy trì tướng” cho đến

Vô thức duy trì tướng” hằng có sự sanh lên trong khoảng đầu, thay đổi trong khoảng giữa, tiêu diệt trong khoảng cuối cùng.

Về phần “Hữu thức duy trì tướng” (người, thú) đầu tiên sanh ra rồi biến đổi, trước còn non nớt, nhỏ nhít, lần hồi tấn hóa to lớn. Thân tâm cũng thay đổi theo, rồi sau rốt phải chịu già yếu bệnh hoạn, không còn trẻ trung khỏe mạnh như trước nữa. Tuổi thọ càng tăng thì trí suy, sức kiệt, ví như người qua cầu vậy. Còn các vật “Vô thức duy trì tướng” cũng phải chịu ở dưới định luật của sự vô thường như nhau. Trước nảy chồi đâm nhánh, kế đó trổ bông đơm trái, không bao lâu lại già, khô, héo, mục đi. Về nhà cửa cũng thế, lúc mới cất xong thì cho là đẹp đẽ, chắc chắn vững bền, nhưng không bao lâu cũng phải hư hao sụp đổ. Vì các sắc tướng, khoảng đầu sanh lên, khoảng giữa tấn hóa thay đổi, và khoảng cuối cùng phải bị tiêu diệt nên gọi là có trạng thái vô thường.

2. Dukkhatā: “Trạng thái khổ não.

Có giải rằng: “Tất cả sắc tướng hằng có sự khó chịu, như trong “hữu sắc duy trì tướng” thân thể con người đều bị sự lạnh nóng, đói khát, tiểu tiện, đại tiện phá hại luôn luôn. Lạnh rét cần đắp mền, mặc y; nóng nực phải tắm, quạt, đói phải ăn, khát phải uống; phải bận rộn phiền phức thay đổi oai nghi mỗi khi đại hoặc tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi cho vừa. Ðó là cái khổ hiển nhiên. Ngoài ra, có các bệnh tật, ốm đau, mãi mãi hờm sẵn để làm hại giống hữu tình. Hơn nữa, còn có nhiều sự khổ thường thấy trước mắt, là : khổ vì phải gặp người, vật không vừa lòng; khổ vì lìa sự vật mến yêu; khổ vì mong cầu không được; khổ vì nghèo khó đói rách; khổ vì sự mất quyền thất lợi; khổ vì bị người chê bai khinh rẻ. Tất cả sắc tướng, khi đã sanh lên rồi thì tất nhiên phải chịu nạn tai khổ não muôn phần, cho nên gọi là trạng thái “khổ não”.

3. – Anattatā: “Trạng thái Vô ngã”,

có nghĩa rằng: tất cả sắc tướng đều chẳng phải của ta, không theo ý muốn của ta. Khi nó đã sanh lên rồi, ta không có quyền lực chi để đối phó với nó, nghĩa là sắc tướng đó không phải thuộc quyền sở hữu của ta, để cho ta sai khiến theo ý muốn, mỗi khi ta gặp phải tai nạn, bệnh hoạn, đều kinh sợ, v.v… vì ta không có thế nào bảo sắc tướng ấy đừng khổ, đừng đau, đừng sợ đặng. Như có Phật ngôn rằng:

“Này các tỳ khưu! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải ta. Nếu là ta thì nó không có sự ốm đau, khổ não. Dầu ta có mong cầu rằng: xin có sắc, thọ, tưởng, hành, thức ấy như thế này, hoặc như thế kia, cũng không đặng. Vì chúng nó chẳng phải ta hay là của ta nên mới có sự ốm đau khó chịu. Ðó là hiện trạng “Vô ngã” vậy.”

Bậc hành giả cần phải quán tưởng thường thường “Phổ thông tướng” trong mỗi ngày, nhất là sau giờ ngồi thiền.

 

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app