Nội Dung Chính
PHÁP CHÁNH ÐỊNH
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 1
BỐN CHỤC ÐỀ MỤC THIỀN ÐỊNH
Chỗ nói phải biết cái thể cách giải về số đề mục thiền định là phải biết trong phép thiền định có bốn chục đề mục.
10 đề mục, dùng vật để tưởng niệm; (kasina);
10 đề mục Tử thi (āsubha);
10 đề mục Niệm niệm (anusati);
4 đề mục pháp bậc Ðại nhơn (brahmavihāra);
4 đề mục Vô sắc (arūpa);
1 đề mục phân biệt (vavatthāṇa);
1 đề mục Tưởng xét (saññā);
MƯỜI ÐỀ KASIṆA
1 – Pathavñkasiṇa – Dùng đất làm đề mục;
2 – Āpokasiṇa – Dùng nước làm đề mục;
3 – Tejokasiṇa – Dùng lửa làm đề mục;
4 – Vāyokasiṇa – Dùng gió làm đề mục;
5 – Nīlakasiṇa – Dùng vật có sắc xanh làm đề mục;
6 – Pītakasiṇa – Dùng vật có sắc vàng làm đề mục;
7 – Iohitakasiṇa – Dùng vật có sắc đỏ làm đề mục;
8 – Odāsakasiṇa – Dùng vật có sắc trắng làm đề mục;
9 – Ākāsakasiṇa – Dùng hư không làm đề mục;
10 – Ālokakasiṇa – Dùng ánh sáng làm đề mục;
MƯỜI ÐỀ TỬ THI (Āsubha)
1 – Uddhumātaka – Tử thi sình nổi lên;
2 – Vinīdaka – Tử thi sình có sắc xanh nhiều chỗ;
3 – Vipubbaka – Tử thi sình đã có mủ chảy ra;
4 – Vicchiddaka – Tử thi đã bị người chặt đứt nửa thân mình;
5 – Vikkhāyitaka – Tử thi đã bị thú ăn có dấu nhiều chỗ:
6 – Vikkhittaka – Tử thi đã bị người cắt đứt rời ra từng đoạn;
7 – Hatavikkhittaka – Tử thi đã bị người bằm nhiều chỗ;
8 – Iohikata – Tử thi đã phạm khí giới, máu chảy tràn trề;
9 – Pulūvaka – Tử thi có dòi đục đủ cả cửu khiếu,
10 – Aṭṭhika – Tử thi chỉ còn những xương rời ra.
MƯỜI ÐỀ NIỆM NIỆM (anusati)
1 – Buddhānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Phật;
2 – Dhammānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Pháp;
3 – Saṅghānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Tăng;
4 – Sīlānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của Giới;
5 – Cāgānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức của sự Cho; (bố thí)
6 – Devatānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến đức tin của Chư Thiên và đức tin của Mình;
7 – Maranānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến sự Chết;
8 – Kāyagatāsati – Tưởng nhớ luôn luôn theo Thân thể (sắc uẩn);
9 – Anāpānassati – Tưởng nhớ luôn luôn đến hơi thở ra thở vô;
10 – Upasamānussati – Tưởng nhớ luôn luôn đến Niết Bàn là nơi tịch tịnh dứt khỏi sự thống khổ.
BỐN ÐỀ PHÁP BẬC ÐẠI NHƠN (brahmavihāra)
1 – Mettā – Rải tâm Từ đến tất cả chúng sanh;
2 – Karunā – Rải tâm Bi đến tất cả chúng sanh;
3 – Muditā – Rải tâm Hỉ đến tất cả chúng sanh;
4 – Upekkhā – Rải tâm Xả đến tất cả chúng sanh.
BỐN ÐỀ VÔ SẮC (Arūpa)
1 – Ākāsānañcāyatana – Lấy “Hư không, vô hạn” làm cảnh giới;
2 – Viññānañcāyatana – Lấy “Thức không ngăn mé” làm cảnh giới;
3 – Akiñcaññāyatana – Lấy “Cái gì dầu nhỏ nhen cũng không có” làm cảnh giới;
4 – Nevasannnāsannāyatana – Lấy “Phi phi tưởng” làm cảnh giới;
MỘT ÐỀ TƯỞNG (saññā)
Tưởng “Thực phẩm mà mình dùng là món đáng gớm” để niệm.
MỘT ÐỀ PHÂN BIỆN (vavaṭṭhāna)
Châm chỉ suy xét tứ đại trong thân thể.
Tổng cộng thành 40 đề mục thiền định.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 2
Chỗ nói: Phải biết các đề mục Thiền định có thắng lực đem tâm hành giả đến bậc gần Nhập định và đề mục đem đến Nhập định, là phải biết Mười đề mục Niệm niệm (trừ ra đề niệm theo thân thể và để niệm hơi thở). Một đề tưởng Thực phẩm và một đề phân biện (còn lại ba chục đề mục) đều có thắng lực đem tâm đến bực Nhập định.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 3
Các phần của đề mục Thiền định. Chỗ nói: Phải biết các phần của đề mục Thiền định là phải biết: Trong ba chục đề mục có thắng lực đem tâm đến bậc Nhập định. Mười một đề mục: 10 đề kasina và một đề Niệm Hơi thở, có thắng lực đem tâm từ Sơ Ðịnh đến Tứ định hoặc Ngũ Ðịnh.
Mười một đề mục: 10 đề tử thi và một đề niệm theo thân thể, có thắng lực chỉ đem tâm đến bực Sơ Ðịnh
Ba đề mục brahmavihāra: Từ, Bi, Hỉ, có thắng lực đem tâm từ bậc Sơ Ðịnh đến Tam Ðịnh hoặc Tứ Ðịnh.
Năm đề mục: Một đề brahmavihāra: Xả, và bốn đề Vô Sắc, có thắng lực đem tâm đến bậc Tứ Ðịnh hoặc Ngũ Ðịnh.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 4
Ðề mục Thiền định qua khỏi chi và cảnh giới.
Chỗ nói: Phải biết cách hành qua khỏi đề mục Thiền định là bỏ Thiền bực dưới lên bực trên, có hai cách:
1 – Aṅgasamatikkama – qua khỏi chi;
2 – Arammaṇasamatikkama – qua khỏi cảnh giới.
Những đề mục Thiền định có thắng lực đem tâm từ Sơ định đến Tam định và đề mục Thiền có thắng lực đem tâm từ Sơ định đến Tứ định, phải hành qua khỏi các chi; bởi hành giả muốn nhập định bậc trên phải qua khỏi các chi đầu của Thiền bậc dưới như qua khỏi tầm (vitakka) và sát (vicāra) v.v… mới nhập định bậc trên được.
Về đề brahmavihāra cũng thế, bởi hành giả muốn nhập bậc định ấy cũng phải qua khỏi Phỉ của brahmavihāra: Từ Xả 4 đề Vô sắc phải hành qua khỏi cảnh giới là muốn nhập Sơ thiền vô sắc, phải hành qua khỏi 9 đề kasina (trừ đề hư không ra)
Ba Vô sắc sau chót, nhất là phải hành qua khỏi cảnh giới; đề “Hư không, không ngăn mé”. Bởi hành giả muốn nhập định trong 4 đề Vô sắc đều phải hành qua khỏi cảnh giới như đã giải trên, mới có thể nhập định bậc trên được.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 5
Ðề mục Thiền định nên niệm thêm và không nên niệm thêm.
Chỗ nói: Phải biết đề mục Thiền định nên niệm thêm và đề mục Thiền định không nên niệm thêm, là phải biết: Tất cả 40 đề mục Thiền định, nếu hành giả đã niệm kết quả rồi mà muốn đắc bậc cao hơn nữa, chỉ phải niệm thêm 10 đề kasina bởi 10 đề kasina có thế lực rất cao siêu, hành giả muốn rõ sự gì, dầu bao xa cũng có thể thông rõ được cả. Nhờ có Nhãn thông” xem thấu suốt tất cả chỗ không vật gì ngần ngại; nhờ có Nhĩ thông” nghe tất cả thứ tiếng của chúng sanh; nhờ có “Tha tâm thông” rõ biết tất cả tâm niệm của chúng sanh, v.v… Còn các đề mục Thiền định khác, không nên niệm thêm, vì không có kết quả như 10 đề mục kasina được.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 6
Cảnh giới của đề mục Thiền định.
Chỗ nói: Phải biết cảnh giới của đề mục Thiền định là phải biết:
Hai mươi đề mục: 10 đề kasina; 10 đề Tử thi (āsubha) một đề Hơi thở (ānāpānassati) và một đề niệm theo thân thể (kāyagatāsati), dùng triệu chứng patibhāgangimitta làm cảnh giới. Còn lại 18 đề mục dùng paṭibhāgangimitta không đặng. (Pathhàgangimitta là triệu chứng từ uggahanimitta mà phát sanh trong khi gần nhập định)
Mười hai đề mục: 8 đề Niệm Niệm (trừ đề niệm Hơi thở và niệm theo thân thể ra), một đề Tưởng vật thực, một đề Phân biện, một đề thức vô hạn, một đề Phi Phi Tưởng đều dùng Pháp thể (sabhābadhamma) làm cảnh giới.
Hai mươi hai đề mục: 10 đề kasina, 10 đề Tử thi (āsubha), một đề niệm Hơi thở, một đề niệm theo Thân thể dùng nimitta (triệu chứng) làm cảnh giới.
Sáu đề mục: Bốn đề pháp bậc đại nhơn brahmàvihàra, một đề Hư Không không ngăn mé (ākāsānañcāyatana); một đề “cái gì dầu nhỏ nhen cũng không có” ākiñcāññāyatana dùng cảnh giới không nhất định.
Tám đề mục: Một đề Tử thi sình có mủ (vipubbakāsupha); một đề Tử thi phạm khí giới có máu chảy tràn trề (lohitakāsupha); một đề Tử thi có dòi ăn đủ cửu khiếu (pulūvakāsupha); một đề niệm Hơi thở (ānāpānassati); một đề (kasiṇa) Nước (apilasina); một đề kasina Lửa (tejokasiṇa); một đề kasina Gió (vāyokasiṇa); một đề kasina Ánh sáng (ālokakasiṇa) trước khi phát sanh (paṭibhāgangimitta) cảnh giới rung động, đến chừng patibhāgangimitta sanh, cảnh giới yên lặng.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 7
Chỗ nói: Phải biết cõi của cảnh giới là phải biết;
Mười hai đề mục Thiền định: 10 đề Tử thi, một đề niệm theo Thân thể, một đề tưởng Vật thực, không có thể hành ở cõi Dục Thiên được (bởi các cõi ấy không có cảnh giới nên không thể hành được).
Mười ba đề mục Thiền định: 10 đề Tử thi, một đề niệm theo Thân thể; một đề tưởng Vật thực, một đề niệm Hơi thở, hành trong cõi Phạm Thiên không được. Tất cả đề mục Thiền định ngoài một đề Vô sắc hành trong cõi Vô sắc không được.
Còn trong cõi thế gian, cả 40 chục đề mục Thiền định đều hành được cả.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 8.
Cách thức học đề mục Thiền định.
Chỗ nói: Phải biết cách thức học đề mục Thiền định là phải biết:
Mười chín đề mục: 9 đề kasina (trừ 1 đề kasina gió ra) và 10 đề Tử thi, trước hết phải hành bằng cách xem thấy đề mục ngay trước mắt. (Một đề niệm theo Thân thể phải hành bằng cách xem thấy đề mục ngay trước mắt, hoặc nghe rồi hành theo cũng được). “Trong 32 thể, tóc, lông, móng, răng, da, v.v… phải xem đề mục ngay trước mắt, ngoài ra, chỉ nghe vị Thiền sư dạy rồi niệm theo”; 1 đề Hơi thở phải hành theo hơi Gió, thở ra và hít vô; 1 đề kasina Gió (vāyokasina) phải hành theo cách thấy Gió thổi xao động lá cây hoặc gió thổi nhầm thân thể mình. Còn lại 18 đề phải hành theo lời dạy của vị Thiền sư.
Năm đề mục: 1 đề Xả brahmavihāra và bốn đề Vô sắc, bậc sơ cơ không nên hành.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 9.
Duyên sanh của đề mục Thiền định.
Chỗ nói: Phải biết duyên sanh của đề mục Thiền định là phải biết: 9 đề kasina (trừ ra đề Hư Không là duyên sanh 4 đề Vô sắc); 10 đề kasina là duyên sanh của Ngũ Thông; 3 đề brahmavihāra (Từ, Bi, Hỉ) là duyên sanh đề xả brahmavihāra; 3 đề Vô sắc bậc dưới là duyên sanh Vô sắc bậc trên; đề Phi Phi Tưởng là duyên sanh “diệt thọ tưởng định” (saññāvedayidamirodha); 40 đề mục Thiền định là duyên làm cho các bực Thánh nhân được ở yên trong hiện kiếp, tức là duyên sang trí tuệ.
Nếu hành giả tu phép Chánh định mà không được kết quả cao thượng trong kiếp này, cũng là duyên sanh quả lành trong kiếp sau”.
GIẢI VỀ CÁI THỂ SỐ 10.
Ðề mục Thiền định hiệp theo tính nết.
Chỗ nói: Phải biết đề mục Thiền định hiệp theo tính nết là phải biết:
Mười một đề mục: 10 đề Tử Thi, một đề niệm theo Thân thể, hiệp theo tính Ái dục.
Tám đề mục: 4 đề brahmavihāra, 4 đề kasina (vật có sắc vàng, xanh, đỏ, trắng), hiệp theo tính Sân, một đề niệm Hơi thở hiệp theo tính Si mê và tính Tầm.
Sáu đề Niệm Niệm: Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Ðức tin đạo hạnh Chư thiên, hiệp theo tính Tin (đức tin nhiều).
Bốn đề mục: Ðể niệm sự Chết, niệm Niết Bàn, đề Phân biệt, đề Tưởng thực phẩm, hiệp theo tính Giác (Nhiều trí tuệ).
Còn lại 10 đề mục: 6 đề kasina (đất, nước, gió, lửa, hư không, ánh sáng) và 4 đề Vô sắc, hiệp theo đủ cả tính nết. Nhưng người có Tính Tầm phải làm (kasina) vòng tròn nhỏ, có tính si mê phải làm kasina vòng tròn lớn.
Vấn: Nếu tu Thiền định lựa đề mục không hiệp theo tính nết thì chẳng được lợi ích chi sao?
Ðáp: Cũng được vậy, lẽ thường dầu việc phước nào mà chúng sanh đã làm, thì đều được hưởng quả vui chẳng sai. Nhưng không thể có kết quả cao thượng mỹ mãn, tỷ như uống thuốc mà không thiệt nhằm bệnh, thì cũng được sự lợi ích nhưng không thể trừ hết chứng bệnh được.
CẢNH KHÔNG THUẬN VỚI PHÁP CHÁNH ÐỊNH
Chỗ nói: Phải lánh khỏi cảnh nghịch với phép Chánh định, vậy có mấy cảnh và những cảnh nghịch ấy có sự hại như thế nào?
Có 18 cảnh không thuận với phép Chánh định:
1 – Mahantattaṃ: Chỗ ở rộng lớn
2 – Navattaṃ: Chỗ ở mới tạo lập
3 – Jinnattaṃ: Chỗ ở hư sập
4 – Panthasannissitattaṃ: Chỗ ở gần đường đi
5 – Sandiṃ: Chỗ ở có ao nước
6 – Paṇṇaṃ: Chỗ ở có nhiều lê hoát
7 – Pupphaṃ: Chỗ ở có nhiều bông hoa
8 – Phalaṃ: Chỗ ở có nhiều trái cây
9 – Paṭṭhanijatā: Chỗ ở có nhiều người tựu hội
10 – Nagarasannissitatā: Chỗ ở trong thị tứ
11 – Dārusannissitatā: Chỗ ở gần rừng củi
12 – Khettasannissitatā: Chỗ ở gần ruộng rẫy
13 – Visabhāgangampuggalānamatthitā: Chỗ ở có người nghịch
14 – Paṭṭanasannissittā: Chỗ ở gần bến thuyền
15 – Paccantasannissitatā: Chỗ ở giáp biên giới xa Kinh đô
16 – Rajjasīmantarannissitatā: Chỗ ở gần trong hai nước
17 – Asappāyatā: Chỗ ở hay có đều lo sợ
18 – Kalyānamittānam: Chỗ ở không có bậc Thiện trí thức
Chỗ ở rộng lớn có nhiều người ở, có nhiều ý thích khác nhau khó làm tròn phận sự được. Chỗ ở mới tạo lập và hư sập có nhiều công việc làm. Chỗ ở gần đường sá và gần bến thuyền, có nhiều bộ hành tới lui. Chỗ ở có ao nước, có nhiều lê hoát và nhiều trái cây, có nhiều người tới lui hái bẻ. Chỗ ở có nhiều người, nhiều khách tựu hội. Chỗ ở trong thị tứ, có nhiều điều nghịch. Chỗ ở gần rừng củi và gần ruộng rẫy, có nhiều việc ràng buộc vì sự cậy mượn và gởi gấm món này vật nọ. Chỗ ở có người nghịch, khó làm cho vừa lòng nhau. Chỗ ở xa Kinh đô ít người tin tưởng Phật Pháp. Chỗ ở trong ranh hai nước khó làm cho vừa theo Pháp của hai vua. Chỗ ở có phi nhơn, hay bị khuấy khóa. Chỗ ở không có bậc Thiện trí thức có sự hại nhiều hơn hết, là không có người cho mình nương nhờ để học hỏi những pháp cao siêu.
Tất cả 18 chỗ ở đó có sự hại như thế, hành giả phải lánh, vì đều là nghịch cảnh của Pháp Chánh định.
CHỖ Ở THUẬN VỚI PHÉP CHÁNH ÐỊNH
Chỗ ở thuận với phép Chánh định phải có đủ năm duyên cớ như sau đây:
1) Không xa hơn 3.000 thước, không gần xóm hơn 1.000 thước;
2) Ban ngày không lẫn lộn cùng người thế; ban đêm thanh vắng không nghe tiếng người;
3) Không thú dữ và muỗi mòng nhiều;
4) Dễ bề tìm bốn món vật dụng;
5) Có bực Thiện trí thức, tiện cho hành giả học hỏi những Pháp mình nghi nan;
NHỮNG ÐIỀU QUYẾN LUYẾN NHỎ NHEN VÀ CÁCH DỨT BỎ
Chỗ nói: Phải dứt bỏ những điều quyến luyến nhỏ nhen. Vậy điều gì? Phải dứt bỏ bằng cách nào?
Ðiều ràng buộc nhỏ nhen: Tóc, râu, móng, dài phải cạo, cắt; y phục cũ hoặc dơ phải giặt, nhuộm cho rồi, bình bát dơ phải chùi lau, giường ghế không sạch phải rửa cho xong.
CÁCH THỨC NIỆM 40 ÐỀ MỤC THIỀN ÐỊNH
MƯỜI ÐỀ KASIṆA
ÐỀ MỤC ÐẤT (Pathavī kasiṇa). – Phép thiền định cao thâm huyền diệu nói không cùng. Ðây chỉ lược giải, để hành theo cho khỏi sự sai lầm.
Những hành giả sơ cơ, nếu muốn niệm đề mục đất, phải dùng đất làm vòng tròn. Lấy cây cột làm chữ thập có 4 góc, lấy miếng vải hoặc miếng đệm cột căng ra cho thẳng, xong rồi dùng đất thật nhuyễn ròng sắc đỏ như mặt trời mới mọc, không sắc nào lẫn lộn vào. Nhồi đất lên trên làm cho tròn, lớn một gang bốn ngón tay, hoặc lớn hơn chút ít cũng đặng (tùy tính nết – tính sân thì làm vòng nhỏ, tính si làm vòng lớn) cạo gọt cho láng đều đặn như mặt trống. Không cho cỏ, rác, đá, sỏi lộn vào; rồi phơi cho cứng. Ðến giờ công phu đem để trước mặt xem và niệm. Phải ngồi trên một cái đôn bề cao một gang bốn ngón tay, xa đề mục 2 hắc 1 gang, ngồi kiết già hoặc bán già, cho thẳng thớm, thong thả. Trước hết, suy xét tội của ngũ dục, có 10 điều như sau này:
1. – Atthikankhalūpumā: Ngũ dục là sắc, thinh, hương, vị, xúc, ít có sự vui sướng, trái lại nhiều tội lỗi, khổ sở vô cùng. Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như khúc xương không, bỏ rơi trên đất.
2. – Tiṇukkūpumā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như đuốc rơm;
3. – Angārakāsūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như hầm lửa;
4. – Maṇsapesūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như miếng thịt thúi;
5. – Supinakūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như giấc mộng;
6. – Yāvakālitakūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như vật mượn của người;
7. – Rukkhaphalūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như trái cây có chất độc;
8. – Asisunūnamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như dao với thớt;
9. – Sattisulūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như kiếm và lao;
10. – Saprasirūpamā: Ðức Thế Tôn ví ngũ dục như đầu con rắn.
Bởi các món dục đó có nhiều tội lỗi, nhiều điều uất ức, khổ não.
Trong lời chú giải (atthakathā) có giải thích rộng về tội ngũ dục, có 10 điều như sau này:
1. – Ngũ dục ví như khúc xương không bỏ rơi trên đất. Người sa mê ngũ dục cũng như con chó gậm khúc xương không, nó chỉ liếm nước miếng nó, đã chẳng được sự lợi ích chi, lại còn thêm mệt sức.
2. – Ngũ dục ví như miếng thịt thúi. Người sa mê ngũ dục cũng như kên kên, quạ dành ăn miếng thịt đó, thì đâu tránh khỏi sự tàn hại lẫn nhau.
3. – Ngũ dục ví như cây đuốc rơm. Người sa mê ngũ dục cũng như kẻ cầm cây đuốc rơm đang cháy mà đi ngược gió, bị lửa táp cháy tay mà không chịu rời cây đuốc ra, thật rất khổ sở.
4. – Ngũ dục ví như hầm lửa đang cháy. Người sa mê ngũ dục cũng như người bị té vào hầm lửa, phải chịu sự đau nóng vô cùng.
5. – Ngũ dục ví như giấc mộng, bởi nó hằng biến đổi vô thường.
6. – Ngũ dục ví như vật mượn của người, vì mượn của người thì không dùng được lâu dài.
7. – Ngũ dục chỉ làm cho sanh các điều nguy hiểm, thân thể tiêu hoại ví như trái cây, khi có trên cây rồi, làm cho người liệng bẻ rụng lá gãy nhành vậy.
8. – Ngũ dục ví như dao với thớt. Người sa mê ngũ dục cũng như bị phạm khí giới mỗi ngày, đau đớn không xiết kể.
9. – Ngũ dục cũng như kiếm và lao. Người sa mê ngũ dục hằng chịu sự đau đớn thái quá. Nếu không đến nỗi thác, cũng phải khổ như trong cơn hấp hối.
10. – Ngũ dục ví như đầu con rắn độc. Người sa mê ngũ dục cũng như bị rắn mổ, chịu khổ não vô cùng. Nếu chưa đến nỗi thác cũng phải bị nọc hành thân tâm rất đau đớn.
Người sa mê ngũ dục hằng chịu tiếng xấu xa, là kẻ thấp hèn.
Ngũ dục là pháp đề cho hạng người đê tiện thọ dụng.
Ngũ dục ví như phẫn để cho dòi đục; hoặc như nước thúi để cho heo tẩm.
Suy xét như vậy, cho thấy ngũ đục có lợi rất ít, mà khổ não rất nhiều, chẳng nên quyến luyến; rồi đem cả tinh thần nghị lực, để đạt đến bậc Nhập Ðịnh, quán tưởng như vầy: “Phép công phu tham thiền này là con đường trung đạo, sẽ đưa ta ra khỏi dục giới; một phương tiện làm cho ta được khỏi các sự thống khổ” rồi thầm tưởng đến các ân đức của Phật (xem phần phép lễ Phật trong quyển “Nhựt hành”) cho phát sanh phỉ lạc trong thâm tâm, phải hết lòng tin chắc trong phép tham thiền của mình rằng:
“Ðây là con đường đi của chư Phật, Duyên – Giác, Thinh Văn. Chắc ta sẽ được an vui trong cảnh giới thanh tịnh, do nhờ Thiền Ðịnh này chẳng sai”, và phải hết lòng tinh tấn trong giờ ấy, xong rồi mới mở mắt xem đề mục (chẳng nên mở mắt lớn lắm, hoặc nhỏ lắm, nhưng không nên để ý xem xét sắc tướng hoặc chất mềm, cứng của đề mục đất chỉ xem qua, rồi đem tinh thần thầm niệm: “pathavī… pathavī – đất… đất…”. Như vậy, mở mắt xem đề mục đôi phút, rồi nhắm mắt đôi phút, niệm như vậy đến 100 lần, hoặc 1000 lần… niệm nhiều chừng nào, càng tốt), cho đến khi mở mắt xem thấy thế nào, nhắm lại cũng thấy y như thế đó, chỗ này gọi uggahanimitta (uggahanimitta: triệu chứng do học niệm mà sanh.). Khi đã niệm có ugghanimitta rồi, không nên ở nơi đó nữa, phải lui ra tìm chỗ khác, để niệm tưởng thêm, phải mang giày, cầm gậy (tích trượng – để trángh sự hại như rắn, rít, chó….) để gìn giữ uggahanimitta đó, đừng cho hư hại.
Ði đến nơi rồi, phải ngồi cho tử tế nhớ niệm kéo uggahanimitta để vào tâm rằng: “pathavī, pathavī. Ðất, Ðất…)” như trước, niệm cho tinh tấn hơn trước. Nếu hành giả chú ý niệm nhớ trong tâm được thường thường như thế, thì 5 phép che lấp (nivaranadhamma) lặng êm, các điều phiền não cũng do đó mà yên tịnh, trong khi ấy tâm của hành giả đến bậc gần nhập định, có paṭibhāgangimitta phát sanh (paṭibhàgangimitta: triệu chứng từ uggahanimitta mà sanh).
Uggahanimitta và patibhāgangimitta khác nhau như thế nào?
Trong “Ðề mục Ðất”, uggahanimitta chưa được trong sạch, màu sắc vẫn còn lẫn lộn, nhất là những sắc xanh, sắc vàng; còn paṭibhāgangimitta rất thanh khiết, tinh vi 100, 1.000 lần hơn nữa, ví như mặt kính mà người mới đem ra khỏi vỏ, hoắc như óc xa cừ mà thợ đã dồi rất khéo léo, xinh đẹp, hoặc như mặt trăng mới ra khỏi đám mây, nhưng không có sắc, không có hình thể. Từ khi triệu chứng này phát sanh, 5 phép che lấp và những phiền não đều yên lặng: tâm hành giả an trụ vững vàng trong cảnh giới gần nhập định, 5 chi thiền (tầm, sát, phỉ lạc, an lạc, định) tuy lực lượng chưa đều đủ, nhưng hành giả tinh tấn niệm niệm bất vọng, ắt sẽ nhập định được. Nếu hành giả đã niệm có patibhāgangimitta phát sanh, mà còn chưa nhập định được, thì phải niệm, giữ gìn triệu chứng ấy chẳng nên để cho hư hoại là vì rất khó cho paṭibhāgangimitta sanh được.
PHƯƠNG PHÁP GÌN GIỮ TRIỆU CHỨNG
Phương pháp gìn giữ patibhāhgangimitta, là phải lánh 7 điều nghịch và hiệp 7 điều thuận.
BẢY ÐIỀU NGHỊCH LÀ:
1.- Avāso: Chỗ ngụ không phát sanh 2 triệu chứng hoặc đã phát mà phải hư hoại;
2.- Gocaro: Chỗ ngụ xa, hoặc gần xóm lắm, làm khó bề khất thực, hoặc không được thanh tịnh;
3.- Bhassam: Những lời nói vô ích;
4.- Puggalo: Những người hay nói lời vô ích;
5.- Bhojanam: Thực phẩm ăn vào làm cho tâm khó an trụ;
6.- Utu : Thời khí nóng quá, khó cho tâm an trụ;
7.- Iriyāpatho: Oai nghi không đều, khó cho tâm an trụ; trái lại, là 7 điều thuận.
Khi hành giả lánh 7 điều nghịch, gần điều thuận ấy rồi cũng có khi nhập định được.
PHƯƠNG PHÁP THÔNG HIỂU CHO KẾT QUẢ THIỀN ÐỊNH (appanākosallavidhī)
Nếu hành giả đã xa cảnh nghịch, gần cảnh thuận, mà cũng chưa nhập định được, thì phải hành đều đủ theo phép thuần thục cho thiền định được kết quả (appanākosallavidhi), có 10 điều như sau đây:
1.- Vatthuvisadakiriyā: Dọn mình cho được sạch sẽ nhất là cạo tóc, cắt móng tay…
2.- Indriyasamattapatipādanam: Làm cho ngũ căn, tín căn (saddhà), tuệ căn (pannā), định căn (samādhi) cùng tấn căn (viriya) có sức mạnh đồng nhau. Còn niệm căn (sati) có năng lực đều đủ.
3.- Nimittakosallam: Phải là người thông thuộc trong phương pháp niệm và gìn giữ triệu trứng (nimitta) đã phát sanh không cho hư hoại;
4.- Samayécittampagganhāti: Phải tùy thời phấn chí nghĩa là phải niệm dhammavicayasambojjhanga và pñtisambjjhanga trong lúc tâm thối chuyển (xem trong “Phật ngôn trích lục”).
5.- Samayecittamnigganhāti: Phải tùy thời đè nén tâm là phải niệm passaddhisambojjhanga samadhisambojjhanga và upékkhasambojjhabga trong giờ tâm phóng túng (xem trong “Phật ngôn trích lục”).
6.- Samayecittamsampahamseti: Tùy thời làm cho tâm ưa thích, là phải quán tưởng đến pháp kinh cảm samvegadhamma hoặc suy xét đến đức của Phật.
7.- Samayecittamajjhupekkhati: Tùy thời để xem chừng cái tâm, là không cần phải phấn chí, phải đè nén tâm khi tâm đã hành đúng theo phép chỉ quán.
8.- Asamāhipapuggaparivajjanā: Lánh xa kẻ không có tâm thiền định là hay bị thế sự buộc ràng;
9.- Samāhipuggalasevanā: Thân cận cùng người có tâm an tịnh;
10.- Tadadhimuttatā: Phạm hạnh như người có tâm nhập định đúng đắn.
Khi hành giả đã hành đều đủ theo 10 pháp appanākosallavidhī, tâm định sẽ dần dần phát sanh cho đến tứ thiền hoặc ngũ thiền.
ÐỀ MỤC NƯỚC (āpokasina)
Nếu hành giả muốn dùng nước làm đề mục thì nên hứng lấy nước mưa trên hư không mới rớt xuống chưa tới đất, hoặc nước nào khác cũng được, nhưng phải trong sạch như nước mưa vậy. Lấy vải lược cho sạch, đổ vào bát cho đầy chí miệng, đem để nơi thanh vắng mà niệm, ngồi trên đôn, mở mắt xem đề mục nước. Nhưng chẳng nên suy xét đến sắc của nước, nhất là chẳng nên để ý tới chất lỏng của nước, chỉ phải ghi nhớ niệm: “āpo.. āpo… Nước… Nước…” cho đến khi có uggahanimitta và patibhāgangimitta phát sanh.
Trong đề mục nước, uggahanimitta phát sanh ra hơi rung động. Nếu nước dùng làm đề mục có lộn bọt bèo thì uggahanimitta cũng phát sanh ra y như vậy. Còn pati bhāgangimitta phát sanh cũng như nước sôi trào lên, rõ rệt như cây quạt có khảm châu, mà lơ lửng trên hư không hoặc mặt kính có khảm châu vậy.
ÐỀ MỤC LỬA (tejokasina)
Những hành giả muốn niệm đề mục lửa, thì nên dùng củi cứng (lõi cây) đem bửa phơi khô, cột thành bó tròn, đến thời công phu tìm nơi thanh vắng, đốt cho lên ngọn, rồi dùng miếng đệm hoặc miếng vải khoét lỗ tròn, bề ngang một gang bốn ngón tay, đem để trước mặt cho vừa xem thấy ngọn lửa, ngay cái lỗ tròn ấy. Xong rồi ngồi cho thẳng thớm, thong thả, mở mắt ra xem đề mục lửa (ngay chính giữa ngọn lửa ấy) nhưng chẳng nên để ý đến cây cỏ, hoặc củi ở phía dưới, hoặc vật gì ở phía trên. Không nên suy xét đến cái sắc hoặc sự nóng của lửa. Chỉ phải niệm sơ sắc lửa, rồi đem hết tinh thần niệm: “tejo… tejo… Lửa… Lửa…”. Khi mở mắt xem, khi nhắm mắt niệm đề mục lửa cho đến khi có uggahanimitta và patibhāgangimitta phát sanh.
uggahanimitta phát sanh ra rõ rệt như ngọn lửa, rồi tàn tắt rơi xuống. Nếu ngọn lửa có khói, thì cũng thấy y như vậy. Còn patibhāgangimitta thì đứng sững không lay động như vải kambala (kambala: thứ vải làm bằng lông thú hoặc tóc người) có sắc đỏ treo trên hư không hoặc như cây quạt có mạ vàng, hoặc như cây cột sơn vàng dựng đứng giữa hư không.
ÐỀ MỤC GIÓ (vāyokasina)
Những hành giả muốn niệm đề mục Gió, nên dùng ngọn mía hoặc ngọn tre cao ngang đầu, hoặc tóc của người mà hình xem thấy gió thổi phất phơ. Bằng không thì ngồi ngang cửa sổ, hoặc ngang lỗ hở nơi vách. Nếu gió phất nhầm mình chỗ nào thì phải ráng nhớ gió thổi nhầm chỗ ấy rồi niệm: “vāyo… vāyo… Gió… Gió…” như vậy cho đến khi có uggahanimitta và paṭibhāgangimitta phát sanh.
Trong đề mục Gió, uggahanimitta có hơi rung động như hơi cơm mới nhắc trên bếp xuống. Còn patibhāgangimitta thì không lay động.
ÐỀ MỤC SẮC XANH (nīlakasina)
Những hành giả muốn niệm đề mục Sắc Xanh, nên dùng bông hoa có sắc xanh đem để cho đầy (nhất là để trong hộp), để cho vừa đầy miệng và cột cho bằng như mặt trống, hoặc muốn dùng vật gì khác cũng được, nhưng phải có sắc xanh, không nên để cho sắc nào khác lộn vào, rồi đem treo trên vách để làm đề mục mà niệm cũng được. Xong rồi niệm: “Nīlam… nīlam… Xanh… Xanh…”, như vậy cho đến khi có uggahanimitta và paṭibhāgangimitta phát sanh.
Trong đề mục sắc xanh này, ugganhnimitta cũng paṭibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt như quạt có khảm châu sắc xanh ở trong đề mục, chiếu ra giữa hư không.
Ðề mục sắc vàng (pītakasina), sắc đỏ (lohitakasina), sắc trắng (odātakasina).
Những hành giả muốn niệm đề mục sắc vàng, đỏ hoặc trắng, nên dùng nhất là hoa cây cũng như đã có giải trong đề mục Sắc Xanh (nñlakasina), chỉ có khác nhau về màu sắc: vàng, đỏ, trắng và niệm theo tên của mỗi đề mục ấy: “pītakam… pītakam… Vàng… Vàng…”, “lohitakam… lohitakam… Ðỏ… Ðỏ…”, “odātam… odātam… Trắng… Trắng…”, như vậy cho đến khi có uggahanamitta và patibhāgangamitta phát sanh.
Hai thứ nimitta ấy cũng như trong đề mục sắc xanh, nhưng khác nhau về màu sắc, patibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt như cây quạt có khảm châu như vàng, trong đề mục sắc đỏ patibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt như cây quạt có khảm châu màu đỏ; trong đề mục sắc trắng patibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt như cây quạt có khảm châu màu trắng.
ÐỀ MỤC ÁNH SÁNG (ālokakasina)
Những hành giả muốn niệm đề mục Ánh Sáng, nên dùng ánh sáng mặt trời, hoặc mặt trăng soi vào vách, hoặc soi theo kẽ lá cây chiếu trên mặt đất. Bằng không, nên dùng vịm, lu, hũ khoét lỗ trống để đèn vào trong, đậy nắp lại cho kín, cho có ánh sáng rọi tỏ ra thấu vách. Khi ánh sáng rọi rõ vào vách thì lấy đó làm đề mục niệm: “āloko… āloko… Ánh Sáng… Ánh Sáng…” như vậy cho đến khi có uggahanimitta và của đề mục patibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt giống như ánh sáng rọi vào vách hoặc chiếu trên mặt đất. Còn patibhāgangimitta phát sanh ra tỏ rõ như một khoảng ánh sánh dày và rất trong trẻo giống như hào quang trong kim thân của Ðức Thế Tôn túa ra xa một sải vậy.
ÐỀ MỤC HƯ KHÔNG (ākāsākasiṇa)
Những hành giả muốn niệm đề mục Hư Không nên dùng lỗ trống trong vách hoặc miếng vải, miếng đệm cũng được, khoét lỗ tròn bề ngang một gang bốn ngón tay và xem hư không theo lỗ trống ấy niệm “ākāso… ākaso – Hư Không… Hư Không…”, như vậy cho đến khi uggahanimitta và paṭibhāgangimitta phát sanh.
Trong đề mục Hư Không, uggahanimitta phát sanh ra như lỗ trống tròn của đề mục có cả và vành lỗ (vách hoặc vải, hoặc đệm), hành giả, dầu có ráng niệm muốn cho đề mục lớn thêm cũng không được. Còn patibhāgangimitta phát sanh ra rõ rệt như hư không chớ chẳng phải chỉ thấy một cái đề mục ấy đâu và nếu hành giả muốn niệm cho đề mục ấy lớn thêm cũng được.