Nhân Quả Liên Quan – Chi Thứ Tám Là Ái (taṇhā), Chi Thứ Chín Là Thủ (upādāna)

Chi thứ tám là ái (taṇhā)

Ái là lòng ái dục (sự khao khát tham muốn) như khi thọ khổ thì muốn tìm cho được sự an vui, lúc vui rồi lại càng muốn được cái vui khác nữa. Sự ham muốn ấy không bao giờ ngừng nghỉ, cứ tiếp tục sai khiến mình mãi mãi. Ái dục ấy có 3 thứ là:

Kāmataṇhā: ái dục trong cõi Dục giới, là sự ham muốn sanh về cõi người và sáu từng trời trong cảnh dục là cõi: Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma, Đâu Xuất, Tha Hóa Tự Tại Và Lạc Biến Hóa, hoặc là sự ham muốn của chúng sanh trong bốn đường ác là súc sanh, a-tu-la, ngạ quỷ và địa ngục cũng gọi là ham muốn trong cảnh dục.

Bhavataṇhā: ái dục muốn sanh cề cõi Sắc giới là các người tham thiền để ước mong được sanh về mười sáu cõi sắc ấy9 hoặc là các vị trời trong các cõi sắc ấy cho rằng “Các cảnh ấy là Niết-bàn vì sống thật lâu mà không thấy ai già đau chết”.

Vibhavataṇhā: ái dục muốn sanh về cõi Vô sắc giới là các người tham thiền khi đắc các cõi thiền hữu sắc rồi chán nản suy xét rằng: “Còn sắc tướng đây thì có ngày cũng còn phải già, đau chết, nếu ta đắc được các cõi thiền vô sắc (arūpajhāna) thì còn có xác thân đâu mà già đau chết được? Rồi ham muốn hành cho đắc các cõi thiền vô sắc ấy10 (bốn cõi ấy là Không Vô Biên thiên, Thức Vô Biên thiên, Vô Sở Hữu thiên và Phi Phi Tưởng thiên) hoặc là người có đoạn kiến cho rằng khi chết rồi thì mất luôn không còn sanh lại đâu nữa. Ưa thích như thế cũng gọi là ái dục trong cảnh vô sắc. Ái dục có sáu khác nữa là sắc ái, thinh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái. Như khi thấy sắc tốt đẹp vừa ý thích thì phát sanh lên lòng tham muốn ước ao cho được sắc ấy, nếu gặp sắc xấu xa nghịch ý mình thì lại ước ao muốn không cho thấy gặp sắc ấy, còn thinh, hương, vị, xúc, pháp khi ái dục sanh lên cũng mường tượng như thế ấy.

Chi thứ chín là thủ (upādāna)

Thủ là chấp lấy, nếu lấy cảnh giới mà mình hằng yêu chuộng tham muốn. Như người muốn được sắc nào, khi đã được rồi thì ôm ấp giữ gìn chấp lấy không cho ai chiếm đoạt hưởng sắc ấy nữa. Thủ ấy có bốn điều chấp là:

Kāmūpādāna: chấp về tình dục là ngũ trần, khi hưởng được sắc, thinh, hương, vị, xúc nào vừa lòng đẹp ý thì cứ chấp giữ cho được mãi cái ấy. Nếu trái lại các vật ấy mà không vừa ý muốn thì buồn bực giận hờn v.v… như người chấp vị trần là ta phải ăn món này vật nọ mới gọi là cao thượng là trong sạch, khi ăn vật khác thì không phải là người tu cao thượng đúng đắn v.v… (đây là sự chấp nhứt của người ngoại đạo bên Ấn Độ)11. Nếu một khi mình đã chấp vào ngũ trần rồi thì tự mình cột trói vào vật ấy, hoặc là bị mắc mồi của Ma vương. Đức Phật có giảng rằng: “Ngũ trần là miếng mồi của Ma vương, người sa mê và chấp theo ngũ trần cũng như người bị mắc mồi của Ma vương vậy, khi đã mắc mồi rồi thì làm sao mà giải thoát được.

Diṭṭhūpādāna: chấp về kiến thức, là chấp theo sự thấy hoặc sự hiểu biết riêng của mình mà không đúng theo chân lý. Kiến thức có nhiều thứ như thường kiến (sassatadiṭṭhi) là chấp rằng chúng sanh trong kiếp hiện tại là người hay thú v.v… lúc chết rồi cũng trở sanh lại như thế ấy chớ không thay đổi; đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là chấp rằng khi chúng sanh chết rồi thì tiêu mất luôn chớ không còn tái sanh ở đâu hết (Sarattha 2 tr.21). Vô nhân kiến (ahetukaditthi)12, là chấp rằng: “Chúng sanh trong sạch hay nhơ bẩn, vui hay khổ, đều do sự tự nhiên phát sanh lên chớ không do nguyên nhân nào cả (sans cause). Cũng như trái cây tự nhiên tròn hay dài, hoặc là cây có gai hay không gai, gai nhọn v.v… đều do sự tự nhiên nó sanh ra chớ không có nguyên nhân. Vô nghiệp kiến (akiriyadiṭṭhi)13 là kiến thức chấp rằng: “Chúng sanh làm phước cũng không gọi là làm phước, làm tội cũng không gọi là tội, chúng sanh khi luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi rồi, khi đúng thời kỳ thì tự nhiên trong sạch đắc đạo quả lấy chớ không cần chi cả. Vô quả kiến (natthikadiṭṭhi)14 là kiến thức cho rằng: “Làm phước tới đâu hay là làm tội tới bực nào cũng không trả quả. Con người chỉ sanh lên có một kiếp mà thôi. Lễ bái cúng dường, hoặc con hầu hạ cha mẹ không có quả báo chi cả; thiên đàng, địa ngục cũng không có. Kiếp quá khứ hoặc kiếp vị lai cũng không có, các bậc sa-môn, bà-la-môn hành đạo chân chánh và khổ hạnh cũng vô quả báo. Kiến thức còn tới 62 thứ khác nữa rất rộng rãi sâu xa lắm, đây chỉ giải ít kiến thức quan trọng thôi (nếu độc giả muốn tìm hiểu nữa thì xin xem Tam tạng quyển 14 trg.31). Tất cả những kiến thức trên đây đều thuộc về tà kiến cả (micchā diṭṭhi). Nếu chấp một trong kiến thức nào cũng gọi là chấp theo kiến thức.

Silabbatūpādāna: chấp theo kệ cúng tế. Người có kiến thức này chấp rằng: “Do sự cúng tế, khấn vái thần linh mới đem lại cho sự an vui và hạnh phúc cho mình. Nếu không làm như thế thì sẽ có sự tai hại rủi ro tới tàn sát chẳng sai (không tin lý nhân quả); hoặc như các vị Đế vương bên Ấn Độ mỗi khi nằm mộng thấy điềm chi chẳng lành thì thường hay cúng hay tế thần lửa, khi hành lễ phải giết ít lắm là 500 con trâu, 500 con bò, 500 con dê, 500 con ngựa, 500 đứa con trai, 500 đứa con gái, v.v… để cúng tế thần Lửa đặng khẩn cầu cho khỏi điều rủi ro tai hại sẽ tới. Cũng như trong xứ ta có một số đông mê tín, mỗi năm hằng giết trâu, bò, heo, v.v… để cúng tế thần linh cầu nguyện cho được yên ổn trong xứ sở, tránh khỏi tai trời ách nước. Hoặc giả khi trời hạn không mưa lại cúng tế trời đất quỷ thần để cầu cho mưa thuận gió hòa v.v… Những sự cố chấp như thế gọi là chấp theo lệ cúng tế.

Attavātūpādāna: chấp cho rằng có ta. Là chấp rằng: “Trong ngũ uẩn này có ta, cho sắc uẩn là ta, là của ta, là thân ta, hoặc là cho cái ta ở trong sắc uẩn ấy, cho thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng như thế ấy. Thật ra, ngũ uẩn chẳng phải là ta, vì nó do nguyên nhân mà phát sanh lên; khi nguyên nhân bị diệt tắt thì nó cũng tiêu tan. Cũng như ngọn đèn cháy được là do nhờ sáp và tim. Khi sáp và tim là nguyên nhân mà hết thì ngọn đèn cũng tắt theo. Vì thế mà Đức Phật cho ngũ uẩn là vô thường, hằng thay đổi biến chuyển luôn. Mà hễ vô thường thì nó có trạng thái khổ não. Như thế vật gì vô thường, khổ não thì vật ấy đâu phải là của ta, nó là vô ngã (vì ta không có quyền làm chủ sai khiến nó được) nó chỉ là một vật rỗng không, chẳng ở dưới quyền lực của một pháp nào cả nên gọi là vô ngã. Chúng sanh vì bị vô minh bao bọc che án cả trí huệ nên lầm lạc chấp ngũ uẩn ấy là ta, là của ta.

Tất cả 4 điều chấp trên đây gọi là thủ.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app