Chi thứ nhất là vô minh (avijjā)
Theo chú giải, chữ vô minh có hai nghĩa: không thấy (adassanaṃ), không biết (aññānaṃ). Đây là ám chỉ từ đầu tiên nơi đất, nước, gió, lửa, và hư không; các nguyên chất này có tánh cách không thấy, không biết chi cả, do nhờ sự luân chuyển của các chất ấy thay đổi mãi mãi mới có mùa tiết: khi lạnh, khi nóng, khi nắng, khi mưa. Sự luân chuyển ấy lâu ngày phát sanh lên một chất gọi là tế thức, chất này rất vi tế nhỏ hơn vi trần lẫn lộn hằng hà sa số trong hư không.
Các tế thức ấy do nhờ sự luân chuyển mà lần lần tấn triển (già) lên thêm cho đến khi đúng thời kỳ cấu tạo ra hình thức, thì rút vào các chỗ như trong nước để sanh ra vi trùng (con quăn), như trong đất để sanh côn trùng, trong rễ cây bằng lăng để sanh ra con lươn, trong lá cây để sanh ra sâu, cào cào, châu chấu, trong trái cây để sanh ra bò hong nhỏ nhỏ (như trong trái sung v.v…) trong các đọt cây để sanh ra thứ chim nhỏ nhỏ.
Thế là từ vô minh sanh ra sự luân chuyển là hành. Hành mới sanh ra thức để rút vào các thứ trên đây khi có thức mới sanh ra thứ hình thức nhỏ nhỏ (danh sắc) rồi tiếp tục sanh ra các chi kia mãi mãi.
Nhưng trong pháp Nhân quả liên quan đây, Đức Phật không có ý giải như thế. Ngài chỉ cố ý giải cho biết răng. “Khi đã có thức rõ rệt như chúng ta, trời, thú v.v… mà không hiểu, không thấy rõ lý tứ diệu đế mới gọi là vô minh. Như chúng ta đang bị các sự thống khổ đè nén tàn sát là: sanh khổ, già khổ, đau khổ, chết khổ, buồn rầu, khóc than khổ v.v… nhưng hình như thản nhiên không hay không biết, thậm chí khi có khổ đưa tới lại cố ráng đậy đi đừng cho thấy khổ, bằng các sự vui khác.
Không biết rõ tập đế là 108 cái ái dục, nơi phát sanh các sự thống khổ.
Không biết rõ diệt đế là Niết-bàn là nơi để diệt tận các sự thống khổ.
Không biết rõ đạo đế là con đường bát chánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định mà thực hành theo để đến nơi diệt tắt cái khổ. Khi đã có cái thức như chúng ta đây mà không hiểu thấu lý tứ diệu đế mới gọi là vô minh.