Nội Dung Chính
Chi thứ năm là lục căn (salāyatana)
Lục căn là: nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn, và ý căn; có nghĩa là nơi căn cứ hay là giếng để chảy vào những ái dục phiền não, hoặc ví như sáu căn nhà bỏ trống. Nhãn căn ví như con rắn. Thói thường loài rắn ưa chui vào chỗ kín đáo để ẩn thân, cũng như nhãn thường ưa tìm kiếm chỗ người giấu giếm che đậy mà dòm ngó. Nhĩ căn ví như con sấu, thường trầm mình dưới bùn sâu, nhưng rất tỏ tai, khi nghe có mồi xao động trên mặt nước thì phóng tới lập tức để chụp lấy. Như lỗ tai tuy ở nơi xa hoặc ở nơi thanh vắng nhưng khi có tiếng khua động dầu ở xa cũng phóng tới để tiếp xúc với tiếng ấy. Tỉ căn ví như con chim thường bay trên hư không, nhưng lỗ mũi luôn luôn chực hờ để tiếp lấy các mùi trần. Thiệt căn ví như con chó nhà, thường khi chó nhà dầu ăn no tới đâu, hễ gặp vật chi nhứt là phẩn thì lại hửi liếm chút ít. Cũng như cái lưỡi dầu thường nếm món vị nào chẳng hạng nhưng khi gặp món khác cũng muốn nếm ăn nữa. Thân căn ví như con chó sói thường ưa tìm các con thú chết hoặc tử thi, tới nằm trên mình các vật ấy mà lăn. Cũng như xác thân thường hay muốn đụng chạm tới những thân thể nhớp nhơ khác. Ý căn ví như con vượn thường không khi nào ngồi yên một chỗ, một oai nghi. Cũng như ý luôn luôn xao động phóng túng không ngừng. Tất cả sáu con thú này đem cột lại một chùm thì mạnh con nào cứ hoạt động, theo thói quen của nó, tới chừng nào đuối sức mới chịu ở yên lại một chỗ; như hành giả bắt cột lục căn vào một pháp thiền định nào vậy.
Chi thứ sáu là xúc (phassa)
Xúc là sự tiếp xúc hay đụng chạm giữa lục căn và lục trần. Xúc có sáu là: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, và ý xúc. Nhãn xúc là khi mắt thấy sắc tốt hay xấu phát sanh ra thức (ba pháp là nhãn, sắc, thức gộp lại gọi là xúc) ví như hai cây củi dụm lại, ngọn lửa mới cháy lên hoặc như hai con dê đang cụng đầu nhau; nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý xúc cũng mường tượng như thế ấy chỉ khác căn và trần mà thôi. Lại nữa, Đức Phật có giảng về sức nóng của sự tiếp xúc của lục căn và lục trần rằng: “Người hành đạo cao thượng khi tiếp xúc với lục trần mà chủ ý tới tư cách hoặc chi tiết của trần ấy, thà lấy miếng sắc nướng đỏ thọc vào khóe mắt, hoặc lấy sắc nhọn đâm vào lỗ tai còn tốt hơn là chủ ý với tư cách hay là chi tiết tốt xấu của sắc, thinh ấy. Vì sao vậy? Nếu trong lúc ấy mà bị sự chết tới liền thì thế nào cũng phải sa vào cảnh khổ nhứt là địa ngục đời đời kiếp kiếp không sai. Hơn nữa, Đức Phật lại có giảng rằng: “Yohi koci bhikkave, bhikkhu channaṃ phassāyatanānaṃ samudayañca atthangamañca assādañca ādinavañca nissaranañca yathābhūtaṃ nappajānāti avusitantena brahma cariyaṃ ārakā so imasmā dhamma vinayāti” – Các thầy tỳ khưu này! Thật vậy, thầy tỳ khưu nào trong giáo pháp ta mà không biết rõ sự phát sanh lên, sự diệt tắt, sự vui thích, sự tội lỗi và sự giải thoát do nơi sự tiếp xúc của lục căn, đúng theo chân lý, thì thầy tỳ khưu ấy không thể gọi là người hành theo đạo cao thượng và hẳn còn cách xa giáo pháp của Như Lai vậy!
Chi thứ bảy là thọ (vedanā)
Thọ là hưởng lấy sự vui, khổ và xả của cảnh trần mà mình tiếp xúc ấy ví như đức vua hưởng lấy ngôi báu. Thọ có nhiều thứ như có 3, 4, 5, 6, 18, 36, 89, 121. Chỗ nói có 3 là: thọ vui, khổ, xả; có 4 là thọ mừng, vui, buồn, khổ; 5 cũng như 4 thêm xả vô nữa; 6 là nhãn thọ, nhỉ thọ, thiệt thọ, thân thọ, ý thọ; 18 là lấy lục căn nhơn cho 3 cái thọ vui, khổ, xả thành 18; 36 là 18 cái thọ theo ngũ trần và 18 cái thọ xuất gia; còn thọ 89 – 121 thì tùy theo sự biến chuyển của các thứ tâm nhãn thọ là khi mắt thấy sắc vừa ý hoặc không vừa ý liền phát sanh lên thọ vui hoặc khổ v.v… cho tới ý thọ cũng mường tượng như thế ấy.