Nội Dung Chính
Chi thứ mười là hữu (bhava)
Hữu là cảnh giới để tái sanh lại. Khi có thủ là sự chấp một trong bốn chỗ thì tức nhiên phải có cảnh giới để tái sanh. Cũng như người trước khi tính muốn đi đến một chỗ nào thì cố tâm tư tưởng đến cảnh giới ấy trước, sau rồi mới đưa thân thể mình đi tới chỗ ấy, cảnh ấy sau. Hữu có hai là: hữu nghiệp (kammabhava) là sự hành vi tạo tác ra thiện, ác và hành điềm tĩnh để đưa tới cảnh giới thoát sanh; hữu sanh (uppattibhava) là đã sanh lên rõ rệt trong cảnh giới mà mình đã tạo ấy (nói cho rõ là cái quả của hữu nghiệp).
Cảnh giới để thoát sanh ấy có nhiều chỗ là sanh vào cảnh dục giới, sắc giới, vô sắc giới, hữu tưởng, vô tưởng, phi phi tưởng, cảnh có nhứt uẩn, cảnh có tứ uẩn và cảnh có đủ ngũ uẩn vì có tạo những cảnh giới ấy nên mới đưa tới sự sanh.
Chi thứ mười một là sanh (jāti)
Sanh là một hiện tượng phát sanh lên rõ rệt vào một cảnh giới tùy theo cái hữu đã chỉ dẫn. Sự sanh lên có bốn chỗ là: thai sanh (jalambuja) là sanh vào thai bào như người ta, trâu, bò, ngựa, dê v.v…; noãn thai (aṇḍaja) là sanh vào trong trứng như gà, vịt, chim, cò v.v…; thấp sanh (sansedaja) là sanh vào trong nước như con quăn, vào trong đất như côn trùng, trong đống rác, trong trái cây như trái sung v.v…; hóa sanh (upapātika) là khi sanh lên có đủ cả bộ phận cơ thể liền trong một lúc lớn bằng người mười sáu tuổi như Chư Thiên trong cảnh dục và cảnh sắc giới.
Chi thứ mười hai là già chết (jarāmaranaṃ)
Già là sự cũ kỹ sự yếu đuối sự thay đổi sự tiều tụy sự khô héo của sắc uẩn như: mắt mờ, tai điếc, tóc bạc, răng long, da nhăn, má cóp gọi là già. Chết là sự xa lìa của cái tâm với cái xác thân, sự tan rã của ngũ uẩn, sự từ bỏ xác thân này, sự cắt đứt sanh mạng của chúng sanh gọi là chết; luôn cả sự buồn rầu, khóc than, khổ não, phiền muộn, đau đớn tuyệt vọng cũng phát sanh lên. Tất cả những sự khổ não đều phát lên cũng do nơi sự sanh ấy mà có.
Đến đây đã tròn đủ sự giải rộng về mười hai chi nhân quả.
Nếu khi muốn diệt tắt các sự khổ não thì cần phải diệt tận vô minh v.v… Có Phật ngôn rằng: Avijāya tve’ va asesavirāga nirodhā saṅkhāra nirodho: sự diệt tắt vô minh không còn dư sót do nơi thánh đạo rồi hành cũng do đó mà tắt theo. Saṅkhāra nirodhā viññāna nirodho: khi hành diệt thì thức cũng diệt. Viññāna nirodhā nāmarūpa nirodho: thức diệt thì danh sắc cũng diệt. Nāmarūpa nirodhā salāyatana nirodho: danh sắc diệt thì lục căn cũng diệt. Salāyatana nirodhā phassa nirodho: lục căn diệt thì xúc cũng diệt. Phassa nirodhā vedanā nirodho: xúc diệt thì thọ cũng diệt. Vedanā nirodhā tanhā nirodho: thọ diệt thì ái cũng diệt. Tanhā nirodhā upādāna nirodho: ái diệt thì thủ cũng diệt. Upādāna nirodhā bhava nirodho: thủ diệt thì hữu cũng diệt. Bhava nirodhā jāti nirodho: hữu diệt thì sanh cũng diệt. Jāti nirodhā jārā maranaṃ soka paridevadukkha domanassupāyāsā nirujjhanti: sanh mà diệt thì sự già chết, buồn rầu, khóc than, khổ não, phiền muộn, đau đớn tuyệt vọng cũng diệt theo. Evame tassa kevalassa dukkhakkhandassa nirodho hoti: sự diệt tận tất cả các điều khổ não như thế ấy.
Đây là cách thực hành để diệt tắt bánh xe nhân quả:
Hành giả nào muốn chặt đứt và phá tan bánh xe luân hồi này thì phải có đủ tinh tấn nghị lực thực hành theo pháp thiền định (samādhi) và minh sát tuệ (vipassanā).
Giải rằng: hành giả nào hành thiền, khi đã đắc được từ sơ thiền tới tứ thiền, lúc xả định ra rồi thì bắt đầu suy xét rằng: “Ta đây hằng bị những điều khổ não triền miên nhứt là già chết, đây là do nơi đâu mà có?” Lúc ấy trí tuệ tự trả lời rằng: “Do nơi sự sanh, ngoài sự sanh không có một pháp nào chen vào làm cho ta phải khổ được. Rồi suy xét tiếp theo sự sanh do nơi đâu mà có v.v… tìm suy xét như thế ấy cho tới vô minh (mỗi chi phải quan sát cho thật vi tế như chỗ đã giải rộng). Rồi suy xét xuôi lại là từ vô minh sanh ra hành v.v… trở xuống cho tới già chết. Khi quán tưởng về sự diệt tắt thì cũng suy xét ngược lên và xuôi xuống vậy. Phải suy xét thật nhiều lần dầu lúc đi, đứng, nằm, ngồi cũng niệm tưởng, cho tới khi trí tuệ phát sanh lên, thấy rõ chân tướng của các pháp hữu vi đều do nguyên nhân mà phát sanh lên, khi nguyên nhân diệt tắt đi thì các pháp ấy cũng bị diệt tắt theo. Như trong Phật ngôn có câu: yam kiñci samudaya dhammaṃ sabbantaṃ nirodha dhammaṃ: pháp nào mà do nguyên nhân phát sanh lên, pháp ấy đều phải bị tiêu diệt cả. Khi trí tuệ thấy rõ như thế ấy thì đắc được đạo quả Niết-bàn, chừng ấy mới diệt các sự khổ não trong vòng sinh tử luân hồi và phá gãy bánh xe nhân quả liên quan được.
Chỗ nói minh sát tuệ có 10 (vipassānā): 1) Sammassanañāṇa: huệ suy xét các pháp hữu vi (ngũ uẩn) đều là vô thường, khổ não, vô ngã đúng theo sự thật. 2) Udayappaya ñāṇa: huệ suy xét sự sanh và diệt của các pháp hữu vi. 3) Bhaṅgañāṇa: huệ suy xét sự tan rã mau chóng của các pháp hữu vi như bọt nước. 4) Bhaya ñāṇa: huệ suy xét thấy các pháp hữu vi đáng ghê sợ, như sợ thú dữ hay quân địch. 5) Ādinava ñāṇa: huệ suy xét cho thấy rõ những tội lỗi của các pháp hữu vi cũng như người thấy nhà mình ở bị cháy, sợ chạy ra khỏi nhà lửa ấy. 6) Nippadā ñāṇa: huệ chán nản các pháp hữu vi, vì thấy đầy những tội lỗi. 7) Muñcitukamyata ñāṇa: huệ muốn thoát khỏi các pháp hữu vi ấy cũng như người bị còng trói hay là như cá mắc lưới muốn thoát thân vậy. 8) Paṭisaṇkhā ñāṇa: huệ suy xét tìm phương thế đặng giải thoát. 9) Saṇkhārūpekkhā ñāṇa: huệ xả là không còn chấp các pháp hữu vi ấy nữa cũng như người đã bỏ hẳn vợ không còn mến tiếc nữa. Nếu người vợ ấy có tư tình với người con trai nào mình biết được cũng thản nhiên.10) Anuloma ñāṇa: huệ thấy rõ, xuôi theo thánh đạo. Khi huệ này phát sanh lên thì có 3 hay có 4 tốc lực tâm javana phát sanh lên để dứt bỏ phiền não. Bốn tốc lực tâm là: a) Parikamma javana: tốc lực tâm niệm lại (nhớ thoáng qua đề mục minh sát mà mình đương niệm); b) Upacāra javana: tốc lực tâm ép gần vào đề mục; c) Anuloma javana: tốc lực tâm đưa xuôi theo thánh đạo; d) Gotrabhū javana: tốc lực tâm vào ranh giới thánh vức (là dứt bỏ cảnh của tâm phàm để bước qua cõi thánh) người nào có đủ 4 tốc lực tâm là thuộc về giác ngộ chậm (dandābhiññā); nếu người giác ngộ lẹ (khippā bhiññā) thì chỉ có 3 tốc lực, trừ ra parikamma javana: tốc lực tâm niệm lại đề mục. Rồi tới tốc lực tâm của thánh đạo (magga javana) phát sanh lên một lần nếu lấy Niết-bàn làm cảnh giới cho tâm, rồi diệt tắt, kế tốc lực tâm của thánh quả bhala javana phát sanh lên liên tiếp 2 hay 3 nấc tâm (khaṇa citta) tùy theo người giác ngộ mau hay chậm rồi tâm hành giả lại rớt xuống chỗ trú ngụ (bhavanga citta). Chỗ này gọi là mực thường của đời sống con người.
Bốn tốc lực tâm này ví cũng như người xem thiên văn ban đêm muốn ra xem trăng để coi thời tiết. Trăng khi ấy bị ba lớp mây che án làm cho không thấy rõ vầng trăng. Lúc ấy có ba luồng gió thổi tới đưa ba lớp mây ấy đi chỉ còn mặt trăng tỏ rạng. Sự ví dụ này ám chỉ người xem thiên văn như hành giả đang hành đạo, ba lớp mây là phiền não thô thiển, trung bình và vi tế, ba luồng gió như ba tốc lực tâm phát sanh lên để diệt ba thứ phiền não ấy. Người xem thiên văn ngó thấy trăng rõ ràng là: thánh đạo, mắt mê thích nhìn vầng trăng là thánh quả, vầng trăng tỏ là Niết-bàn.
Yếu luận
Tất cả Chư Thiên và nhân loại đều ở trong vòng nhân quả liên quan: bánh xe luân hồi ấy cứ xoay đi mãi mãi, mau chóng vô cùng. Chỉ vì chúng sanh bị màng vô minh che án nên không tấy rõ được sự thật của các pháp hữu vi. Theo trong quyển Abhidhamma vibhassa sastra có chép rằng: Trong 24 giờ (1 ngày 1 đêm) tinh thần (tâm) con người sanh diệt luôn luôn không ngừng nghỉ tới 6.400.099.980 mắc tâm (khana) (lần diệt tắt của tâm). Còn trong Thanh tịnh đạo (Visuddhi magga) giải rằng: Sự sống của con người rất ngắn ngủi vì mỗi lần diệt tắt luồng tư tưởng của tâm là mỗi lần sự sống cũng bị diệt tắt theo, nhưng do sự liên tiếp nhanh chóng của tư tưởng mà con người lầm lạc, cho rằng mình còn sống mãi.
Theo khoa học thì chỉ có tìm hiểu sự biến cố (nhân) kế cận của sự thăng trầm liên quan tới; cũng như thực vật học cho ta biết rằng loại thảo mộc được mau lớn và tốt đẹp là do nhờ có bón phân tốt, phân tốt thì do nơi các vật liệu thứ này thứ kia v.v… Còn vật lý học cho ta biết rằng: Các động cơ chuyển động được là do nhờ năng lực của hơi, hơi thì do nước và lửa. Cũng như thế ấy, Phật giáo dạy ta tìm hiểu cái nguyên nhân kế cận trong mỗi sự hành vi của con người theo luật nhân quả liên quan. Nếu không tìm hiểu và tin theo lý nhân quả, cứ nghe đâu tin đó thì không bao giờ trở nên người sáng suốt được.
Như người thuở xưa cho rằng gió lớn là do nơi các vị trời kéo nhau đi đám cưới. Nếu tin như thế thì khoa học đâu có cần tìm kiếm nguyên nhân cho ta biết rằng: gió lớn ấy là do nơi áp lực khác nhau của luồng không khí.
Hơn nữa, khoa học cũng không cần tìm hiểu nguyên nhân đầu tiên và quả cuối cùng, vì không đem lại sự tiến hóa và lợi ích cho họ. Họ chỉ tìm hiểu nguyên nhân có liên quan kế cận mà thôi như tìm hiểu máy móc chuyển động được là do nhờ hơi, hơi thì do nơi nước và lửa, chớ họ không bao giờ tìm hiểu nước và lửa do nơi đâu mà có? Họ cũng không tìm hiểu cái quả cuối cùng, như tìm hiểu khi có máy phát điện đủ lợi ích chi, hoặc là tìm hiểu người ta ăn cơm no để chi? Họ không bao giờ tìm hiểu như thế ấy.
Như vậy, người ta cũng không cần chi tìm hiểu nguyên nhân đầu tiên hay là quả cuối cùng của pháp nhân quả liên quan. Khi người nào đã tiến hóa đến mực cao thượng rồi thì tự nhiên cũng hiểu biết được.
Soạn xong tại Cần Ché mùa Thu năm Ất vị PL.2499 – DL.1955
Bhikkhu Naga Thera – Tỳ khưu Bửu Chơn.