Nội Dung Chính
Một cái chết mẫu mực
Bài viết dưới đây lần đầu tiên xuất hiện trong Bản Tin Vipassana (Vipassana Newsletter), phiên bản Dhamma Giri tháng 4 năm 1997.
Bác sĩ Tara Jadhav tham dự khóa thiền Vipassana đầu tiên năm 1986. Sự tìm kiếm của bà đến đây kết thúc. Bà đã tìm thấy con đường tinh khiết của Dhamma và cảm thấy không cần phải thăm dò thêm bất kỳ phương pháp hay con đường nào khác. Với quyết tâm hoàn toàn, bà bắt đầu dấn bước trên con đường tu tập này.
Vì Tara không còn bổn phận nào khác, bà dành hầu hết thời gian của bà cho việc tu tập trong Chánh pháp. Với một tích lũy tràn đầy pāramitā (ba-la-mật, những phẩm hạnh cao quý) trong quá khứ, bà có thể thực hành Vipassana dễ dàng. Như con cá trong nước không cần học bơi, Tara không cần đến bất kỳ sự huấn luyện đặc biệt nào. Chẳng nghi ngờ gì, bà đã bước đi trên con đường Chánh Pháp trong rất nhiều kiếp trước.
Bà có kỹ thuật cũng như sẵn có phương tiện cho việc tu tập, và bà chú tâm hoàn toàn vào việc tận dụng tốt nhất thời gian của mình. Nhờ những phẩm hạnh mettā (tâm từ) và karuṇā (tâm bi) cùng với khả năng cống hiến quên mình đã phát triển tốt, bà được chỉ định làm thiền sư phụ tá vào năm 1989 và thiền sư phụ tá cao cấp vào năm 1995. Bất chấp tuổi già, bà vẫn tiếp tục phục vụ Chánh Pháp với sự tận tâm cao quý. Trong khi hướng dẫn thiền sinh Vipassana, bà cũng không ngừng phát triển mạnh hơn pāramitā dāna (bố thí ba-la-mật) của mình.
Ở độ tuổi chín muồi 82, bà đến Dhamma Giri tham dự khóa thiền tự luyện dành cho các thiền sư phụ tá. Vào buổi sáng ngày 2 tháng 12 năm 1996, khóa thiền bắt đầu với thiền ānāpāna (quán niệm hơi thở) như thường lệ. Bà thực tập chuyên chú suốt ngày. Sau khi thiền tập trong thiền thất từ 6 đến 7 giờ chiều, bà đến Thiền đường nghe Pháp thoại.
Vào khoảng 7 giờ 30 chiều, ngay khi Pháp thoại bắt đầu, bà quỳ gối, đầu cúi xuống chạm sàn trên bàn tay để ngửa với lòng tôn kính. Một lần, hai lần, và sau khi chạm đầu xuống sàn lần thứ ba, bà không ngẩng lên nữa. Bà đã trút hơi thở cuối cùng trong tư thế đảnh lễ của Giáo pháp theo truyền thống.
Những thiền sinh nữ ngồi gần đó ngạc nhiên khi thấy bà lạy như vậy, bởi vì sự tôn kính thường được thể hiện ba lần chỉ vào cuối buổi Pháp thoại mà thôi. Tại sao bà lại thể hiện lòng tôn kính vào lúc bắt đầu buổi Pháp thoại? Trong cả ba lần, khi cúi người xuống bà đều lặp lại khe khẽ: “Anicca, anicca, anicca” – những lời cuối cùng của bà. Làm thế nào họ có thể biết được đó là lời chào cuối cùng của bà trong đời này?
Tất cả những thiền sinh nghiêm túc đều được dạy rằng đừng bao giờ tỏ lòng tôn kính một cách máy móc. Chỉ khi tâm an bình, thể nghiệm được sự vô thường của những cảm giác tại đỉnh đầu, thì sự đảnh lễ mới có ý nghĩa. Tara đã luôn luôn cúi đầu đảnh lễ với chủ tâm này. Lần đảnh lễ cuối cùng của bà còn nhiều chủ tâm và ý nghĩa hơn nữa.
Tara hẳn muốn nói với các chị em cùng thực hành Pháp rằng: “Trong đoạn cuối của cuộc đời, tôi chỉ có một mong muốn: Tôi sẽ xả bỏ tấm thân này trong lúc hành thiền trên mảnh đất Chánh Pháp này.” Thệ nguyện mãnh liệt của bà đã được thành tựu. Tu tập vững chãi trong Vipassana, bước trên con đường giải thoát, bà đã sống một cuộc đời Chánh Pháp và cuối cùng thành tựu một cái chết mẫu mực.
– S. N. Goenka
Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.