Faq: Hỏi Đáp Với Thiền Sư Goenka Về Nghệ Thuật Chết

Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần I 

Hộ niệm những người thân yêu lúc sắp chết

Dường như mettā (tâm từ) có hiệu nghiệm, bởi vì trải nghiệm thông thường là khi ta gặp một con người thánh thiện, ta cảm thấy tốt hơn. Vậy khi ta chia sẻ mettā đến một người đã mất, liệu người đó có cảm thấy tốt hơn không? Cũng vậy, có người tin rằng khi cúng dường nhân danh người đã mất, ông bà hay bạn bè, việc lành đó sẽ lợi lạc cho họ. Niềm tin đó có phù hợp với Chánh pháp (Dhamma) không?
https://youtu.be/Bd110wdhAc0

Khi quý vị nói tâm từ “có hiệu nghiệm”, điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là, nếu tâm quý vị thanh tịnh và đang thực hành mettā, đó là quý vị đang tạo ra những rung động của mettā. Những rung động này có thể đi đến bất cứ nơi đâu – đến cảnh giới này hay cảnh giới khác, đến một cõi thấp hơn hay cao hơn, bất cứ nơi đâu. Khi những rung động mettā của quý vị tiếp xúc với những người quý vị hướng đến, người ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đó là những rung động của Chánh pháp, của bình an, của hòa hợp.

Khi quý vị hiến tặng nhân danh người đã khuất và nói “Nguyện cho công đức hiến tặng của tôi đến với người này…” Rõ ràng, bất kỳ những gì quý vị hiến tặng sẽ không đến với người đó, nhưng ý nguyện giúp đỡ là một từ tâm (mettā) và những rung động đó sẽ hướng đến cha ông hay bạn bè của quý vị, và các vị ấy sẽ cảm nhận được niềm hoan hỉ từ đó. Vì những rung động này có nền tảng là Chánh pháp nên sẽ có một điều gì đó xảy ra để giúp các vị ấy hướng về Chánh pháp trong kiếp này hay kiếp sau. Đó là cách chúng ta giúp đỡ những người đang ở trong những cảnh giới thấp hơn, hay thậm chí ở những cảnh giới cao hơn.

Và như vậy, quý vị nên hiến tặng gì? Quý vị hiến tặng điều quý nhất mà quý vị có – sự thiền tập của quý vị. Do đó, vào cuối mỗi giờ thiền tập hay cuối khóa tu thiền, quý vị nên hướng tâm đến tất cả những người thân thiết hay những người đã mất và nguyện: “Tôi xin chia sẻ công đức thiền tập của tôi đến với quý vị.” Đó chính là tâm từ (mettā) của quý vị. Vì quý vị đã thực hành thiền, những rung động đến với người đó là những rung động mạnh mẽ của Chánh pháp. Quý vị đang chia sẻ công đức thiền tập với người đó. Đương nhiên là điều đó rất hữu ích.

Con lo sợ rằng những người đang già đi theo năm tháng sẽ tiếp tục đi trong luân hồi sinh tử bởi những bám chấp của họ – như mẹ con, người suốt đời không ngớt lo âu, và một cụ bà bạn gần đất xa trời luôn cảm thấy bà đã bị xử tệ trong suốt cuộc đời. Liệu có thể làm được điều gì [để giúp họ]? Có lẽ lòng từ có thể giúp chăng?

Đúng vậy. Là tâm từ (mettā). Thêm vào đó, hãy tiếp tục giải thích luật tự nhiên: quý vị càng lo buồn càng có hại cho chính quý vị. Và có một kỹ thuật có thể giúp quý vị thoát khỏi sự lo buồn ấy.

Không ai có thể nói chắc, nhưng có thể những người này đã có hạt giống Chánh pháp từ trong quá khứ. Nếu họ nhận được thêm những lời khích lệ, có thể họ sẽ đến với Chánh pháp và học cách tự giải thoát mình khỏi khổ đau.

Nếu cha mẹ của con đã mất, con có thể làm lợi lạc cho họ bằng cách nào chăng?

Vâng, quý vị có thể làm được. Sau mỗi lần ngồi thiền, quý vị hãy nghĩ đến họ và chia sẻ công đức với họ: “Tôi xin chia sẻ bất kỳ công đức nào tôi có được với cha mẹ. Nguyện cho cha mẹ được bình an và hạnh phúc.” Những rung động đó sẽ đến với cha mẹ quý vị dù họ đang ở bất kỳ nơi nào. Không phải những rung động ấy tự nó sẽ làm được điều kỳ diệu nào cho họ; đúng hơn, cha mẹ quý vị sẽ được hướng về Chánh pháp, và biết đâu nhờ vậy họ có thể tìm được chánh đạo. Đây là cách duy nhất: hãy chia sẻ công đức của quý vị.

Làm thế nào có thể giúp người thân trong gia đình vào lúc cận tử?

Nếu những thành viên trong gia đình là người hành thiền Vipassana thì điều đó luôn mang lại lợi ích cho người sắp mất. Cần sắp xếp để có mặt với người sắp ra đi để hành thiền và chế tác tâm từ. Khi mọi người bình tĩnh và yên lặng thì đó là một sự hỗ trợ tuyệt vời cho người sắp chết, và cũng sẽ giúp cho người ấy giữ được tâm an bình, thanh thản lúc từ trần.

Những người sắp mất phải chịu nhiều đau đớn thường được cho dùng những loại thuốc giảm đau rất mạnh như là morphine. Đối với một thiền sinh, cố gắng chịu đựng cơn đau để giữ tâm tỉnh giác vào lúc chết có phải là điều tốt hơn không?

Điều đó còn tùy thuộc việc thiền sinh ấy có thể chịu đau đến mức nào vào lúc đó. Nếu vì quá đau, người ấy phản ứng với sân hận: “Ôi, đau quá không chịu nổi!” thì không chắc gì người ấy sẽ ra đi với sự bình tâm. Do đó, hãy để người ấy dùng thuốc giảm đau.

Tuy nhiên, nếu thiền sinh này giải quyết được nỗi đau với sự bình tâm, muốn quán sát mọi thứ đúng thật, thì đừng áp đặt bất kỳ điều gì. Khi một thiền sinh lúc lâm chung có thể quán sát nỗi đau một cách điềm nhiên mà không cần đến thuốc men, thì đó là sự chọn lựa của người ấy.

Lúc mẹ tôi sắp mất, bà không vui khi chúng tôi trao bà những viên thuốc ngủ, thường làm mắt bà trĩu nặng. Thậm chí sau khi uống thuốc, bà vẫn không ngủ. Bà nói: “Mẹ hoàn toàn vui dù không ngủ. Sao các con lại muốn cho mẹ ngủ?” Bà nghĩ rằng, thuốc giảm đau không cần thiết và gây trở ngại cho việc thiền tập của bà.

Đồng thời, có một bà cụ hàng xóm cũng sắp ra đi vì bệnh ung thư. Cơn đau đối với bà ấy là không thể chịu nổi. Phòng bà ở lầu bốn nhưng ở lầu một cũng có thể nghe tiếng la khóc của bà. Vì vậy, tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của người bệnh.

Nếu người sắp mất là một thiền sinh, chúng ta có thể giúp như thế nào?

Điều này thật tuyệt vời. Hãy cùng thiền với người ấy. Hãy chia sẻ tâm từ. Cùng lắng nghe lời kinh tụng. Vì người ấy là một thiền sinh nên những điều này có thể thực hiện dễ dàng.

Quý vị có thể nhắc nhở người ấy thực hành ānāpāna (quán hơi thở), hay nếu họ có thể ghi nhận cảm giác, hãy chú tâm đến những cảm giác đó. Tương tự như vậy, hãy nhẹ nhàng giúp họ duy trì sự tỉnh giác về anicca (vô thường). Là một thiền sinh nên người ấy sẽ tiếp nhận, vì thế hãy hướng dẫn họ ngay cả trong lúc hành thiền. Một thiền sinh có thể giúp làm việc này, trong khi những người khác có thể ngồi thiền. Cùng lắng nghe một đoạn kinh tụng nào đó, âm thanh nhỏ vừa đủ nghe, đừng quá lớn. Ngay cả với một thiền sinh nhiều kinh nghiệm thì âm thanh lớn quá vẫn có thể làm căng thẳng. Bài kinh Từ bi (Karaṇīya- mettā Sutta) và bài kinh Hạnh phúc (Maṅgala Sutta) hẳn sẽ mang lại nhiều lợi lạc.

Nếu không được vậy, hãy giữ yên lặng. Những thành viên trong gia đình, ngay cả khi họ không phải thiền sinh, cũng sẽ cảm nhận được thế nào là thiền. Họ sẽ biết rằng một thiền sinh Vipassana sắp lìa đời, và họ nên tránh tạo ra một không khí buồn thảm hay sầu đau có thể làm người sắp ra đi nhuốm thêm ưu phiền. Mọi người phải hết sức cẩn thận.

Nếu người sắp mất không phải là thiền sinh, ta có thể đơn phương đưa ra lời khuyên Chánh pháp khi người này trong quá khứ đã không quan tâm đến Chánh pháp hay không?

Không nên. Nếu người ấy vẫn không có chút niềm tin nào đối với Chánh Pháp mà quý vị đưa ra lời khuyên, người ấy có thể phát sinh phản ứng tiêu cực – “Những người này đang nói cái quái gì vậy?” – và việc này sẽ rất có hại. Đó là lý do vì sao ngay cả trong các khóa tu, chúng ta không giảng pháp trừ phi có người thỉnh cầu. Chánh pháp chỉ có thể trao cho những ai sẵn sàng tiếp nhận mà thôi. Nếu người ấy chưa sẵn sàng tiếp nhận, có nghĩa là người ấy không thỉnh cầu Chánh pháp và do vậy ta đang áp đặt. Vào lúc hấp hối, nếu quý vị cố áp đặt điều gì, những tiêu cực sẽ phát sinh trong tâm người ấy, như vậy là quý vị đang bắt đầu làm hại họ. Tuy nhiên, nếu quý vị cảm thấy người ấy có ý hướng tích cực hướng đến Chánh pháp, dù họ chưa từng tham gia khóa thiền, và họ có thể trân trọng những gì quý vị nói thì quý vị có thể chia sẻ đôi điều về Chánh Pháp.

Một thiền sinh Vipassana có thể giúp được bạn bè và người thân sắp mất không?

Nếu người sắp mất là một thiền sinh Vipassana, thì những thiền sinh khác có thể ngồi cạnh và hành thiền Vipassana. Điều này giúp làm cho bầu không khí có thêm những rung động tinh khiết mang tình yêu thương, lòng từ đến cho người bạn hay thân nhân này. Như vậy giúp cho người này giữ được tâm thanh tịnh lúc lâm chung. Điều này đã được chứng kiến nhiều lần. Cho dù người sắp ra đi không phải là một thiền sinh Vipassana, việc hành thiền vẫn giúp cho bầu không khí quanh người ấy được tinh khiết hơn, nhưng rõ ràng là sẽ không được hiệu quả như đối với một thiền sinh.

Jātipi dukkhā,

jarāpi dukkhā,

byādhipi dukkho,

maraṇampi dukkhaṃ,

appiyehi sampayogo dukkho,

piyehi vippayogo dukkho,

yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ,

saṇkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.

– Dhammacakkappavattana Sutta, Saṃyutta Nikāya 5.1081

Sinh là khổ.

Già là khổ.

Bệnh là khổ.

Chết là khổ.

Nhận chịu cảm thọ khó chịu là khổ.

Mất đi cảm thọ dễ chịu là khổ.

Không đạt được điều mong cầu là khổ.

Tóm lại, năm uẩn bám chấp là khổ.

– Kinh Chuyển Pháp Luân, Tương Ưng Bộ Kinh, 5.1081

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Nghệ Thuật Chết Của Ngài S.N. Goenka & Nhiều Tác Giả, Được Virginia Halminton Tổng Hợp Và Chuyển Ngữ. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app