Nội Dung Chính
Kinh Tăng Chi số 030
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Phẩm Tướng
Phần này nếu mình chỉ đọc lướt qua trên mặt chữ thì đây là một bài Kinh rất ngắn. Đối với không ít người có thể là khó hiểu, là khô khan hoặc có thể là không có gì đáng để lưu tâm. Nhưng thực ra phẩm TƯỚNG này là toàn bộ nội dung tinh hoa của Phật Pháp.
Vì sao chúng tôi nói vậy? Thưa quí vị, bởi vì có một điều mà quí vị, chắc chắn ai cũng biết là nói đến thế giới, toàn bộ vũ trụ đó ít nhứt chia làm hai phần : phần về chúng sinh và phần không phải chúng sinh. Thí dụ như cây cỏ đất đá trăng sao, mặt trời mặt trăng,v.v… đó là không phải chúng sinh. Phần thứ hai là thuộc về chúng sinh. Tức là những đơn vị pháp giới có đủ 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tức là phần hồn phần xác, thân tâm, danh sắc.
Như vậy vô lượng vũ trụ chia gọn lại có hai phần thôi. Đó là phần chúng sinh và ngoài chúng sinh. Nếu mà bỏ chúng sinh đi thì không còn gì để nói hết. Phần ngoài chúng sinh không có gì để nói hết. Vấn đề của vũ trụ , của thế giới này chính là vấn đề của chúng sinh. Mà hễ nói tới chúng sinh thì chúng ta bắt buộc đồng ý với nhau rằng toàn bộ sự hiện hữu của chúng sinh, phàm phu chỉ gói gọn trong 2 con đường để đi. Đó là con đường tà đạo và chánh đạo. Tại sao chúng tôi nhấn mạnh chỗ này?
Bởi vì khi chư Phật ra đời các Ngài dạy về Bốn Đế, trong đó Đế đầu tiên là : Tất cả mọi hiện hữu đều là khổ, mọi sự có mặt là khổ.
Sự thật thứ hai : bất cứ niềm đam mê nào cũng là niềm đam mê trong khổ.
Sự thật thứ ba: sự vắng mặt của niềm đam mê đó chính là Niết Bàn- Diệt Đế.
Sự thật thứ tư: con đường Chánh Đạo dẫn đến chấm dứt đau khổ là gì? Con đường đó chính là ba cái nhận thức trên đây cộng lại. Có nghĩa là một người hiểu được ba cái đó gọi là đang sống trên con đường Chánh Đạo.
Chánh Đạo là sao? Chánh Đạo mà nói hơi chuyên môn là chánh kiến, chánh tư duy, v.v… Còn nói nôm na bình dân dễ hiểu thì chánh đạo đây có nghĩa là đi ngược lại tà đạo. Đi ngược lại cái đời sống tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi. Đó gọi là Chánh đạo, nhe. Trong bài giảng này đặc biệt chúng tôi nhấn mạnh chỗ đó. Vì sao? Vì trong Chú giải có giải thích chữ này. Giải thích cái chữ ( Pali ) là NHÂN hay DUYÊN. Có nghĩa là sự có mặt của chúng sanh phàm phu trong cuộc đời này gồm có hai nguồn, nguồn thiện và nguồn ác. Gọi theo từ khác là chúng ta có hai con đường để đi vào cuộc đời này và đi ra khỏi cuộc đời này. Đó chính là TÀ ĐẠO và CHÁNH ĐẠO.
Tà đạo thì khỏi nói rồi, tức là dắt chúng ta quẩn quanh vào mấy con đường khổ, mấy cái cảnh khổ. Cái KHỔ ở đây nghĩa rộng lắm. Khổ đây có nghĩa là khổ sa đọa hoặc là khổ sanh khổ già khổ chết. Mấy cái đó gọi là khổ hết. Khổ sa đọa thì chúng sanh có người bị người không. Nhưng cái khổ sanh khổ già khổ chết chắc chắn ai cũng bị. Sanh già chết, còn cái bịnh ở đây sở dĩ chúng tôi không kể bởi vì có những cảnh giới không có biết bịnh hoạn là gì. Nhưng ba cái sanh, già , chết chắc chắn là cảnh giới nào cũng có hết.
Như vậy nói đến sự hiện hữu của chúng sanh trong đời này là mình phải nói đến tà đạo và chánh đạo. Tà đạo có một mà chánh đạo thì có hai. Tà đạo có một có nghĩa là sống bất thiện, hành động suy tư theo bất thiện thì chỉ có một con đường là sa đọa thôi.
Còn chánh đạo có hai: Chánh Đạo Nhập Thế và Chánh Đạo Xuất Thế. Chánh đạo nhập thế là sao? Có nghĩa là cũng làm lành lánh dữ, bố thí, trì giới, thiền định, cung kính phục vụ nghe Pháp thuyết Pháp,v.v…Làm các việc lành nhưng mà không hướng đến cứu cánh giải thoát, chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ sung sướng trên cõi đời này như cái phẩm sau này chúng ta sẽ học cái đó. Đức Phật dạy rằng: Này các Tỳ kheo, có hai thứ tham ái phổ biến trong tất cả chúng sanh. Một là muốn hưởng thụ muốn có được cái mình thích. Thứ hai là muốn được có mặt trong cõi đời này. Muốn tiếp tục sống. Ngài gom gọn lại đó. Ngài gom gọn lại thì toàn bộ phiền não có hai thứ đó thôi. Ở đây Ngài không nhắc đến Sân Si mà Ngài nói đến THAM thôi. Đó là đời này có hai thứ THAM ÁI rất khó lìa bỏ. Đó là thích có được cái mình muốn. Thứ hai là muốn tiếp tục có mặt trên đời này. Từ hai cái này nó là nguồn cho tất cả phiền não khác. Vì sao vậy?
Vì khi mà tôi không có được cái tôi muốn bắt đầu tôi có bất mãn. Cái chuyện mà tôi phải ở cái chỗ tôi không thích; cái chuyện mà tôi phải ăn món tôi không muốn; cái chuyện mà tôi phải gặp cái người mà tôi không thương; cái chuyện mà tôi phải làm cái việc tôi không vừa ý,v.v…từ tất cả những cái khổ, cái bất mãn, sợ hãi, lo âu, khó chịu trong đời này nó đều khởi đi từ cái chuyện mình thích cái này mình thích cái kia, nghe! Cho nên Ngài nói gọn là chỉ có hai cái thứ tham ái. Vì hai thứ tham ái đó là gốc cho tất cả sanh tử. Cũng là gốc cho tất cả phiền não. Đó là muốn được cái mình thích và muốn tiếp tục có mặt ở đời này, nhe!
Các vị ở đây nghe thấy lạ là tại sao nội dung Kinh rất là ngắn mà tôi đi một vòng rất là xa, cơ hồ như lạc đề, nhưng mà không, đó là cái nền đó quí vị. Cái NỀN đó.
Thì ở đây tôi nói Tà Đạo nó gồm có một thôi. Là sống bất thiện thì đi về cảnh khổ. Nhưng mà Chánh Đạo thì nó có hai: Chánh Đạo nhập thế tức là hành thiện nhưng mà hướng đến cái sự hưởng thụ; Hành thiện mà nhắm đến cái sự tiếp tục tồn tại trong cuộc đời này. Thì đó là chánh đạo nhập thế. Còn Chánh Đạo Xuất Thế là cũng chừng đó việc làm thôi, cũng bố thí trì giới, bla bla bla bla … nhưng mà với cái tâm nguyện lìa bỏ sanh tử.
Chúng ta thấy Thiện Pháp nó giống như tiền vậy quí vị. Còn Ác Pháp nó giống như thuốc độc vậy đó. Thuốc độc thì nó chỉ có một đường là hại người, làm cho người ta đau đớn, làm cho người ta bị chết. Nhưng mà Thiện Pháp thì giống như tiền, như thực phẩm vậy đó. Có nghĩa là tùy mình dùng nó vào mục đích gì; kiểu mình ăn uống nấu nướng ra sao; rồi số lượng mình nạp vào cơ thể mình bao nhiêu mà thức ăn đó, thực phẩm đó nó trở nên hại hay là lợi. Tiền cũng vậy. Tiền hại người hay giúp người cũng vậy, phải coi lại. Tôi biết có nhiều trường hợp không có tiền thì người ta không có thê thảm như vậy. Có trường hợp không có tiền người ta rất là thê thảm nhưng có trường hợp chính vì đồng tiền lại làm người ta thê thảm. Trường hợp này nhiều lắm. Trong room này ai cũng trên 18 tuổi chắc có lẽ là không cần tôi phải giải thích, nghe!
Thì cái Thiện Pháp nó cũng có hai y như đồng tiền hai mặt vậy đó. Có nghĩa là dùng Thiện Pháp để cầu có mặt trên đời, dùng Thiện Pháp để mà cầu có được điều mình muốn, thì đó là Thiện Pháp được vận dụng theo hướng tiêu cực, hướng bất thiện, hướng Tà đạo. Tuy nó là Chánh đó nhưng lại có hơi hướng của Tà. Rồi trường hơp hai là Chánh Đạo Xuất Thế có nghĩa là cũng chừng ấy công đức. Có nghĩa là cũng chừng ấy tiền thôi nhưng mà mình dùng vào việc gì: y tế, giáo dục, v,v… và v.v…Thì tiền lúc bấy giờ lại mang một ý nghĩa tích cực, hướng thượng , lợi ích hơn. Nhớ nhe!
Như vậy thì tôi đánh một vòng thiệt là xa tôi mới gom lại cho bà con thấy: Ồ! Thì ra, thì ra toàn bộ cái thế giới này vạn pháp do duyên hết. Duyên ở đây là gì? Duyên thiện và duyên ác. Do duyên ÁC thì chúng sanh mới có nước mắt, mới có máu đổ lệ rơi, mới có bốn cảnh sa đọa. Đó là duyên chứ còn cái gì nữa.
Còn do cái duyên THIỆN thì chúng sanh chia làm hai nhánh. Do duyên thiện nhập thế thì trên đời mới có xuất hiện những người ăn sung mặc sướng, có được cái mình muốn, ở được chỗ mình thích, gần được người mình thương. Rồi cũng do duyên thiện mà có người chấm dứt sanh tử , không còn tiếp tục có mặt trên đời này nữa.
Như vậy các vị thấy chưa, cũng một chữ DUYÊN thôi. Cũng một chữ duyên thôi mà duyên ác, duyên xấu, duyên bất thiện thì nó đưa mình đến cái KHỔ CẢNH. Khổ cảnh đây có hai: một là khổ cảnh tâm lý. Có nghĩa là sầu đau, sợ hãi, ghen tuông, bực dọc, khó chịu. Cái đó cũng là khổ cảnh, cũng do bất thiện tạo ra. Chứ không bao giờ, không bao giờ có cái chuyện mà từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định mà làm cho người ta đổ lệ. Cái chuyện đó không có, nhe! Cho nên cái bất thiện đó là duyên cho người ta phải chịu khổ cảnh. Khổ cảnh này có hai là khổ cảnh nội tại và ngoại tại.
Khổ cảnh nội tại đó là tâm không có yên. Tâm không yên, tâm khổ, tâm sầu, tâm héo hon.
Còn khổ cảnh ngoại tại là những cái mình nhìn thấy bằng mắt, ai nhìn cũng thấy. Như là sa đọa làm trùn làm dế, ruồi muỗi rắn rít rồi địa ngục, a tu la, ngạ quỉ, súc sanh đó cái khổ đó ai cũng thấy. Nhưng mà những cái khổ nội tại đó, cái khổ riêng của mỗi người. Thì tất cả những cái khổ trong khổ ngoài của chúng sinh phàm phu thảy đều do cái duyên bất thiện.
Rồi thứ hai là tất cả những hoa tươi cỏ đẹp, những nụ cười, những trăng thanh gió mát ở trên đời này của chúng sinh là cũng đều do duyên THIỆN mà ra.
Rồi cái thứ ba là những bậc hiền thánh ở đời này chấm dứt sanh tử, không còn phiền não cũng do duyên thiện mà ra.
Như vậy chuyện đầu tiên của bài PHẨM TƯỚNG này là gì? Là tôi xác định rằng vạn pháp do DUYÊN mà có. Duyên đây là duyên thiện và duyên bất thiện. Thiện và bất thiện làm duyên cho KHỔ LẠC trên đời. Và bản thân nó trước khi nó làm ‘duyên” cho người ta thì nó phải cần đến vô số “duyên” để mà nó có. Trong room còn nghe không? Ở đây mình đang học về “duyên” đó.
Tôi gom lại : Cái thứ nhứt toàn bộ vũ trụ này gom gọn lại chỉ có hai thứ thôi. Không phải vũ trụ này mà vô lượng vũ trụ , nhe! Chỉ gom lại hai thứ thôi: chúng sinh và ngoài chúng sinh thì tất thảy đều do duyên thiện và duyên bất thiện tạo ra hết. Duyên thiện thì nó tạo ra cái dễ chịu cái đẹp cái hay. Đó là duyên thiện nhập thế. Còn duyên thiện xuất thế nó làm nền tảng cho cái trí tuệ giác ngộ. Còn duyên bất thiện chỉ có một đường thôi, đó là tạo ra nước mắt, tạo ra khổ cảnh, nghe! Như vậy toàn bộ vũ trụ đều do duyên thiện duyên ác. Và bản thân cái thiện ác nó lại cũng cần đến vô số duyên, mà ở đây chúng ta gom lại còn có mấy duyên căn bản thôi.
Các vị còn nhớ cái duyên khởi của 7 Giác Chi hay không? Thí dụ như muốn có Niệm Giác chi thì mình phải cần cái gì? Rồi Hỷ Giác chi, Cần giác chi, Trạch giác chi, các vị còn nhớ phần này không?
Các vị còn nhớ cái duyên khởi của 5 triền cái không? Tức là vì đâu mà có Dục triền cái, Sân triền cái, Nghi triền cái, bla bla bla…?
Thì như vậy tôi nhắc lại, toàn bộ vô lượng vũ trụ nó có mặt là do 2 duyên : thiện và ác. ( Học, nghe mà có tờ giấy trước mặt dễ muốn chết luôn!). Duyên thiện có 2 nhánh: thiện nhập thế tức là làm phước mà tiếp tục quẩn quanh. Còn thiện xuất thế lấy cái thiện làm giàn phóng dọt mất luôn không còn sanh tử. Đó là duyên thiện. Còn duyên ác nó chỉ có một đường một, là chỉ quẩn quanh trong cõi khổ. Chỉ vậy thôi. Đó là duyên của khổ lạc.( Làm ơn ghi dùm tôi câu này nghe) :
Thế giới chỉ nằm trong khổ lạc.
Khổ lạc do duyên thiện ác mà có.
Bản thân thiện ác cũng do các duyên mà thành. Chứ không phải khơi khơi mà tự nhiên có thiện có ác.
Bài học của cả chương này chỉ học trong mấy câu đó thôi. Bây giờ tôi chứng minh. Tại sao 7 tỉ người trên hành tinh này, kẻ thì nóng tính, kẻ thì mát nguội; Tại sao kẻ thì thích thu gom, người thì thích buông bỏ? Chứng tỏ là nó có khác nhau quí vị thấy không? Khác nhau! Yeah! Nó phải do cái duyên gì đó, mà người thì nóng, người thì mát, người thì cái gì cũng gom, người thì có khuynh hướng buông. Cách đây có mấy tuần thôi tôi có gặp 2 cô Phật Tử, cô ở Houston, cô ở (…) . Tình cờ không hẹn mà 2 người nói một câu rất là giống nhau. Họ nói: “ Bây giờ sư biết hông, con bây giờ chỉ dọn nhà cho nó sạch thôi. Mà dọn vậy sư biết con dọn ngoài mà con dọn trong luôn. Dọn ngoài có nghĩa là làm sao bớt đồ cho con mắt của con nó đừng có mệt nữa. Rồi mỗi lần quét dọn tay con không có mỏi nữa. Đó là dọn ngoài. Còn dọn trong có nghĩa là cái lòng nó thanh thản. Đi làm về mở cửa nhìn cái nhà nó trống lỏng tự nhiên nó khỏe liền vậy đó. Không sợ bị chuột, dán, không sợ bị bụi bặm, không sợ nứt, bể, trầy xước, mất mát. Như vậy bây giờ chỉ cần con dọn bớt đồ là coi như con dọn trong dọn ngoài…”
Quí vị thấy hông? Mà trong khi đó có những người coi như không ngừng chất vào. Mà có những người đang có khuynh hướng lấy ra. Tôi có biết một vị Phật tử bên Chatsville sát bên chỗ tôi đang ở nè. Chuyện này nghe không phải tào lao, mà là chuyện quí vị đó, quí vị đang nghe tôi nè. Là hai vợ chồng bác sĩ hết mà bà vợ coi như chất đồ nhiều đến mức ban đêm mà không có đèn thì không có cách nào di chuyển trong nhà được hết. Trong nhà mà đi giống như đi trong rừng rậm vậy đó, phải có đèn pin. Tủ lạnh đồ nhiều đến mức coi như lấy đồ phải lấy băng keo ràng chớ hong thôi cái nắp cái cửa nó bị bung. Còn đồ chất trong đó có những món ăn mà nó lâu đến mức năm ba tháng mà không lấy ra hết. Rồi một ngày kia đến bữa sinh nhật ông bác sĩ chồng đó thì BS vợ mới hỏi:” Mình muốn cái gì: cà vạt, đồng hồ, giày, dây nịt, mắt kính hay là muốn đổi xe em cũng đổi cho mình nữa”. Hai vợ chồng bác sĩ này đều là Phật tử hết. Thì ông BS chồng mới nói: “ Nếu cho anh một món quà thì em cho anh sự bất ngờ được hông. Tức là ngày mai sinh nhật anh đó, anh chắc sáng anh mở mắt ra thấy cái nhà không còn cái gì hết. Đời đời anh nhớ ơn em. Em sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!!!”
Ông chồng nói vậy đó. “ Em sẽ đời đời sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Coi như là tôi hoàn toàn đồng cảm với ông BS chồng. Ổng nói một câu mà bà vợ há hốc mồm miệng chữ A chữ Ô đó. Chúng sanh cũng vậy đó. Trong một căn nhà đó do duyên gì mà vợ thích chất vào, do duyên gì mà chồng lại lấy ra?
Cho nên ở đây duyên thì có vô số duyên. Có chỗ thí dụ như nói 8 duyên 10 duyên 5 duyên 3 duyên thôi thì ở đây bà con làm ơn ghi dùm tôi có 3 duyên thôi. Cái này là từ Kinh điển nghe, chớ không phải tôi:
Tất cả thiện ác ở đời đều do 3 duyên này mà ra:
Tất cả vũ trụ chỉ nằm trong khổ lạc.
Tất cả khổ lạc đều do duyên thiện ác mà ra.
Bản thân thiện ác cũng đều phải do duyên mà có. Duyên ấy nằm ở trong con số 3 sau đây:
1- Gần ai
2- Sống ở đâu
3- Suy tư kiểu gì
Chỉ có 3 cái này thôi, nhe! Tất cả thiện ác ở đời chỉ do 3 duyên này thôi. Một là sống gần ai, hai là sống ở đâu, và ba là suy tư kiểu gì. Tại sao các vị thấy lạ là nãy giờ tôi không có viết là tại vì tôi đang giảng bằng phone. Nghe! Đang giảng bằng phone.
Sống gần ai tiếng Pali là samsevo, samvasa ( Các vị nào trong room viết giùm tôi chữ này, tôi đời đời mang ơn. Rồi, đúng rồi, hay quá. Cảm ơn nhiều). Cả hai chữ này nó đồng nghĩa. Sở dĩ chúng tôi bắt các vị phải ghi là bởi vì mình học Kinh điển Pali, mà những chữ này cực kỳ quan trọng mà ấm a ấm ớ…Thí dụ như có biết bao nhiêu người đọc Chú Lăng Nghiêm, mà Kệ Khởi Kinh đó, mà biết bao nhiêu người, Phật tử Bắc Tông, quí Thầy Tăng Ni thì may ra chứ còn Phật tử…” thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong. Thước ca ra tâm vô động chuyển…” Mấy chữ đó rất là quan trọng bên Bắc truyền đó. “Thuấn nhã đa” là Tánh Không đó, hư không, là phiên âm từ chữ” sunatta”. “Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong” là hư không còn có thể thay đổi. Nhưng mà “ Thước ca ra tâm vô động chuyển” , “thước ca ra” là từ cái chữ (…) trong tiếng Phạn có nghĩa là kim cang. Cái lòng kim cang của người tu đó. Mấy chữ quan trọng mình phải biết cái gốc của nó, nghe!
Thì tất cả thiện ác đều do 3 cái duyên này mà ra. Một là samvasa hay là samsevo, có nghĩa là anh sống gần ai. Chữ “gần” ở đây có nghĩa là gặp, hoặc là cộng trú, cộng sinh, cộng hưởng. Chữ gần ở đây có nghĩa rộng như vậy đó. Có nghĩa là bây giờ quí vị tách thằng Tí thằng Tèo ra 8.000 cây số mà ăn rồi cứ “chát” riết đó cũng là gần. Ăn rồi phone riết cũng là gần. Ăn rồi cứ message rồi vô Botox hò hẹn trên đó cũng là gần, nhe! Thời đại này phải hiểu cái nghĩa như vậy đó. Bởi vì gần ở đây có nghĩa là tiếp xúc, nhe! Quí vị thích thì có thể sửa chữ “gần” là “tiếp xúc” cũng được, nhe! Thường tiếp xúc với ai, tiếng Pali là samsevo hay là samvasa có nghĩa là cộng trú, cộng sinh, cộng hưởng. Cộng hoặc là” câu”. Thí dụ như trong tiếng Anh mình thấy có chữ “club”, mà người Nhật họ âm chữ đó ra “câu lạc bộ” chữ đó rất là hay, nó vừa âm mà nó vừa dịch. “club” tức là cái chỗ, một cái tổ chức hoặc cái đoàn thể hoặc một nơi chốn mà có một nhóm người cùng cái sở thích đến đó chia vui với nhau gọi là “câu lạc”. Hay lắm cái chữ “câu lạc”! Chữ “câu” hoặc là”cộng”, nghe! Câu lạc, câu khổ, câu lạc cộng khổ thì gọi là samsevo.
Thì tất cả thiện ác ở đời nó đều do 3 cái duyên này mà ra. Một là samsevo hay là samvasa. Có nghĩa là anh ở gần ai, anh tiếp xúc với ai? Anh ở gần Hiền Thánh không ít thì nhiều anh thơm lây, cái thân nghiệp anh ít nhiều nó cũng sạch tí ti. Khẩu nghiệp sạch tí tí ti, ý nghiệp sạch tí ti, chậm hay là mau, nhiều hay là ít, cao hay là thấp, sâu hay là cạn, rộng hay là hẹp chỉ vậy thôi. Nhưng anh ở gần hiền thánh “ xóm chài thì tanh cá, làng nhang thơm trầm”, tui nói hoài. Bây giờ bịt mắt các vị cho chở bằng xe honda, xe nào mở cửa kiếng xuống, chạy ngang con đường đoạn Hải Thượng Lãn Ông quận 5 Sài Gòn là nghe mùi thuốc Bắc hà. Mà đi xe đò ngang Phan Thiết là tự nhiên đang ngủ cũng nghe mùi nước mắm, dầu ăn chay cũng biết mùi nước mắm nữa. Cho nên “xóm chài tanh cá làng nhang thơm trầm là vậy”. “ Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”.
Có nghĩa là mình thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc ai quí vị đừng coi thường cái này, nó quan trọng lắm. Tây có câu thế này: “Anh cho tôi biết anh chơi với ai thì tôi sẽ nói con người của anh nó như thế nào?”. Người Pháp có một câu: “ Dầu đó là vợ, chồng, cha, mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp…bất cứ ai mình thường xuyên gặp gỡ; thì buổi đầu mình có thể không đồng ý về quan điểm sống của họ, nhưng lâu ngày mình thấy nó bình thường. Cuối cùng mình thấy nó hay hay. Mà khi mình thấy nó hay hay thì bắt đầu mình đã bị cảm nhiễm, bị lây lan mà không ngờ. Đó là trường hợp một. Còn trường hợp hai, mình trước sau như một giữ vững lập trường, quan điểm chính sách chủ trương đường lối, không có chạy theo người ta. Nhưng chính vì mình quá bất mãn người ta, cho nên mình o ép nội tâm của mình, biến mình thành một con người khác. Như vậy thì rõ ràng khi mình sống gần một người nào đó thì chắc chắn là người mình có thay đổi. Tôi nói khi sống gần một người nào đó chúng ta chắc chắn có thay đổi. Thay đổi một là chúng ta giống họ. Thay đổi hai là chúng ta sẽ tự tạo lớp vỏ đối kháng.( Trong room ghi dùm tôi cái này):
Khi sống gần ai ta rất dễ thay đổi theo hai hướng sau đây: một là ta giống họ. Hai là ta sẽ tự tạo một lớp vỏ đối kháng mà trước đây ta không có. Như vậy là mình thành ra người khác rồi.
Cái này rất quan trọng quí vị nắm cái này là ngon lành lắm! Tại sao nó quan trọng như vậy? Là bởi vì chính vì chuyện anh tiếp xúc với ai thì anh thế nào anh cũng dính. Tôi xin hứa 100% anh phải dính một trong hai cái này.
Bây giờ trường hợp một anh giống họ. Hồi nãy tôi nói rồi. Giống kiểu nào? Lúc đầu thấy nó kỳ kỳ, hoặc là anh bất mãn, anh bực bội, anh căm ghét cái mà họ không giống anh. Nhưng dần dần anh thấy nó bình thường. Bây giờ bắt đầu nó lớn chuyện rồi đó. Bắt đầu từ cái bất mãn, bực mình, căm ghét, khó chịu thì nó chuyển qua thấy bình thường. Và từ cái bình thường đó sẽ có một ngày nó biến thành ra mình thấy nó hay hay là đời mình xong rồi! Mà nếu may mắn cái đó là cái thiện thì coi như mình khỏe. Mình được ân kiêm lợi lạc. Được hưởng sái, được hưởng ké, được thơm lây. Còn nếu chẳng may mà nó là cái ác ôn, bất thiện thì ôi thôi rồi là xong, nghe!
Tôi nói hoài cái chuyện của tôi. Có thể nói người nào mà ghét tôi thì nói tôi là người phung phí, hoặc là xài hoang. Tại các vị thấy tôi thong dong lắm. Nghèo mà xài tiền không có đếm. Mà hễ nếu người nào thương tôi thì nói ổng thoáng, rộng, người không hẹp không chật. Nhưng các vị có biết không, khi tôi về châu Âu sống một thời gian rồi đó tôi kẹo không có tưởng tượng được. Là vì sao? Là vì chung quanh tôi là những người xài tiền rất kỹ. Ở đây không phải họ xấu mà vì nó có cái duyên. Cái duyên tại sao họ kỹ? Vì, tôi ví dụ một chuyện nhỏ thôi. Đời sống vật chất ở châu Âu không giống bên Mỹ, lương bổng khác. Thứ hai là cái đồng xu bên châu Âu có giá trị lắm. Tôi nói Thụy Sĩ đi nhé. Một đồng Thụy Sĩ một thời gian dài nó có giá hơn dollar của Mỹ. Đi xe bus tôi có thẻ nửa giá, đoạn ngắn nhất 5 đồng tôi chỉ cần trả 2,5 đồng thôi. Như vậy bên bển tôi xài đồng xu mỗi ngày. Hoặc là ít nhất một tuần cũng xài một hai lần. Còn ở bên xứ Mỹ này cái đồng xu gần như chỉ có thể làm cái chuyện thối tiền hoặc là đi bơm bánh xe, mấy cái air thôi chớ không có được làm ăn gì hết. Chính vì chỗ đồng xu nó giá trị vậy cho nên mấy người bên châu Âu xài tiền rất kỹ. Bởi vì bản thân xu nó có giá trị tự thân.
Đây là tôi chỉ nói hai lý do nhẹ thôi.Cho nên ở gần họ lâu ngày tôi cũng thấy kẹo. Ở Mỹ mà lâu ngày tôi đi hốt một nắm bạc cắc tôi sẵn sàng tôi cho mà không có tiếc. Nếu bồ câu mà nó ăn được tôi cũng lấy một nắm rải cho nó ăn nữa. Nhưng bên châu Âu thì không. Bên châu Âu mà tôi thay đồ đi tắm mà nó rớt cái “keng” là quí vị biết tôi khum người cả buổi để moi cho ra cái “keng” đó. Bởi vì tôi biết cái keng đó là 50 xu, hay là 10 xu, 5 xu tôi đâu có biết. Tôi chưa được cái mức thiên nhĩ thần thông tôi đâu có biết. Cho nên nghe cái “keng” là lòng tôi ngẩn ngơ rồi đó. Các vị thấy khủng khiếp chưa cái người xài tiền không đếm mà bây giờ nó chuyển qua rớt cái “keng” là không có tắm được. Phải moi cho ra cái “keng” đó ở đâu mới tắm được.
Như vậy các vị thấy không, “ Xóm chài tanh cá mà làng nhang thơm trầm” là chỗ đó đó quí vị, nhe! Mình ở gần ai là mình lây. Mình lây theo hai hướng thiện hay là ác.
Giờ cái số 2 là anh sống ở đâu. Cái này quan trọng lắm!
Cái chỗ ở ở đây ngay trong Thanh tịnh đạo cũng nói rất rõ và trong Kinh Hạnh phúc 38 pháp an lành nói rất rõ. Cái chỗ ở thích hợp đó quí vị. Và ở đây ai mà còn nhớ cái duyên khởi, duyên sinh của 7 Giác chi không biết còn nhớ không? Có nghĩa là mình muốn trau giồi cái thiện pháp nào thì mình nên ở gần người đó, có đúng vậy không ta?
Cho nên ngoài chuyện mình sống gần ai nó còn chuyện là anh sống ở đâu nữa. Tại sao chạy bộ ở nhà không được, mua cái về chạy không được mà phải chạy ra biển. Tại sao? Là vì nếu nhà gần biển, gần rừng, gần park tại sao phải ra đó làm chi? Vì sao? Vì ngoài chuyện không khí thông thoáng, có nắng có gió, trúng, trúng, có oxy nhiều, đúng; nó còn có một chuyện nữa là mình chạy mình thấy người khác chạy. Đó! Mình chạy mà thấy người ta múa kiếm Thái cực quyền, huơ tay huơ chân, yoga cong người bẻ gập hít thở, phùng mang trợn má tự nhiên mình thêm năng lượng. Còn ở nhà tập hì hục mà nhìn quanh mấy thằng con bò lổm ngổm, cái hình ảnh nó trật quá, phản quá, quá phản! Rồi chồng tập mà bà vợ chiên “xèo xèo” dưới bếp các vị coi nó trật lất rồi. Trong khi đó nó cũng tập mà tập ở đâu? Đó là lý do vì đâu mà anh phải ra biển. Vì đâu mà anh phải ra rừng ra park. Vì đâu mà anh hành thiền anh phải về Miến Điện. Vì đâu mà anh vào thiền viện anh gặp thiền sinh, gặp thiền sư. Vì đâu? Là vì cái bối cảnh, cái không khí, cái sự gia trì của đại chúng sẽ đem lại cho anh nguồn năng lượng mà bản thân anh có rặn cả đời cũng khó mà ra, nghe!
Cho nên cái chuyện đầu tiên là anh thường tiếp xúc ai, gặp gỡ ai, nó là tuyệt đối quan trọng. Cái thứ hai anh ở đâu, anh đang làm việc gì, anh đang kiếm cái gì, anh đang muốn lìa bỏ cái gì, thì anh phải tự hỏi anh anh đang sống ở đâu? Vấn đề của nội tâm hay vấn đề của cơ thể, vấn đề của đời sống, vấn đề của sanh tử tất thảy đều là liên hệ đến cái chỗ anh sống hết. Tin tôi đi. Tin tôi đi!
Thậm chí Đức Phật còn dạy thế này: “Này các Tỳ kheo, khi ta nhìn thấy một tỷ kheo ngồi ngủ gục trong rừng ta vẫn hoan hỷ vì ta nghĩ rằng lát nữa đây khi mà cơn buồn ngủ qua đi, vị tỷ kheo này sẽ tinh tấn trở lại. Nhưng mà khi ta nhìn thấy vị tỷ kheo sống ở làng ta không có hoan hỷ. Vì ta nghĩ rằng rồi đây vị này sẽ, hoặc sớm hoặc muộn sẽ gặp những phiền phức, những rắc rối do sự chung chạ, gần gũi, tiếp xúc cọ xát với cư sĩ.”
Dễ sợ chưa? Tức là ngay cả Đức Phật cũng nhìn nhận chuyện đó. Ngài cũng nhìn nhận cái trú xứ nó quan trọng vô cùng. Và tôi nhắc lại rằng cái Duyên khởi của Bảy Giác chi- mà Giác chi là gi? – Bảy Giác chi xét cho cùng chính là Bát Chánh Đạo. Nhe! Không bao giờ có chuyện một người tu tập Bảy Giác chi mà không tu tập Bát Chánh Đạo. Cái chuyện đó sai bét, nhe! Mặc dầu mình kể ra cũng hơi khác khác. Một bên Niệm giác chi, Trạch giác chi còn một bên là Chánh kiến, Chánh tư duy, nhưng mà phải bảo đảm với quí vị rằng tu tập Thất Giác Chi chính là tu tập Bát Chánh Đạo. Mà tu tập Bát Chánh Đạo chính là tu tập Tứ chánh cần, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ niệm xứ. Cho nên nói 37 là nói cho đủ cho rộng, chứ thực ra là từng nhóm trong đó là có thể đại diện cho toàn bộ những cái còn lại, nhe! Mà 37 Phẩm trợ đạo cũng chính là toàn bộ Thiện pháp, toàn bộ chánh đạo theo cái hướng xuất thế. Tôi sợ room quên, giờ tôi nhắc lại nghe.
Bảy giác chi = Bát chánh đạo
Bát chánh đạo = 29 cái còn lại
Mà 37 chính là tất cả Thiện pháp.
Thiện pháp có hai nhánh: nhánh nhập thế và xuất thế.
Khi nào mình tu tập theo hướng xuất thế cầu giải thoát thì nó được gọi là 37 Phẩm trơ đạo, 37 Phẩm Bồ Đề. Chỉ vậy thôi, nha! Còn đa phần, không phải đa phần nữa, mà tất cả những chúng sanh mà không cầu giác ngộ, không cầu giải thoát thì họ thường đi theo, tối đa là Chánh đạo thôi- cái hướng nhập thế. Bằng chứng là trong room của mình. Nếu nhiều a tăng kỳ về trước mà chúng ta phát nguyện giải thoát thì bây giờ ai mà nguyện thành Phật thì bây giờ có lẽ còn. Chứ nếu ai mà nguyện thành Phật độc giác thì maximum là chỉ có 2 a tăng kỳ là phải dứt điểm. Còn nguyện là Thanh Văn thì tối đa một a tăng kỳ là phải dứt điểm, nha! Tối đa là phải dứt điểm. Chứ còn không thể nào mà chúng ta còn tới bây giờ. Và các vị còn nghi ngờ cái ông này ổng nói theo đâu, thì tôi xin nói rõ các vị vào trong Kinh Phạm Thiên thỉnh kinh đó. Các vị coi trong đó Trung Bộ đó: ” Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vào buổi trưa sau giờ cơm, Ngài ở rừng (…) Ngài mới suy nghĩ, có một nơi chốn mà xưa giờ ta chưa từng đặt chân tới. Đó chính là năm cõi ngũ tịnh cư. Chỉ có một rừng, chỉ có một trường hợp đó thôi. Tức là Năm cõi tịnh cư là dành cho các Thánh A na hàm. Tất cả chúng ta không có cơ hội bước vào đó. Còn tất cả các cảnh giới còn lại, từ địa ngục A Tỳ, địa ngục Sen Hồng- địa ngục Sen Hồng các vị biết tuổi thọ nó lâu lắm. Một ngày đêm của nó bằng chín tỉ rưỡi năm của mình đó. Một ngày đêm của nó bằng chín tỉ rưỡi năm trên trái đất. Mà cái số năm của nó các vị biết rằng nó lâu giống như cái thùng hột cải vuông vức, mà mỗi cạnh khoảng hai mét vuông mà đựng đầy hột cải. Cứ một hột như vậy tượng trưng cho một năm. Trong khi một ngày đêm của nó bằng chín tỉ rưỡi năm nhân loại. Các vị thấy coi cái địa ngục nó có lâu hay không, nha! Cái này là ví dụ trong Kinh. Ngày xưa cái số học rất đơn giản. Với trí tuệ vị Chánh Đẳng Giác thì cái gì Ngài cũng biết. Kể như Stephen Hawking hay Einstein thì chỉ là cái móng tay của Ngài thôi. Nhưng bây giờ Ngài đem giảng cho thiên hạ thời đó thì bắt buộc Ngài phải dùng hình ảnh ví dụ cho vừa sức với người ta, Nhe!
Thì trong Kinh nói địa ngục nó lâu như vậy, coi như một ngày đêm của nó bằng chín tỉ rưỡi năm mà một năm nó cũng gồm 365 ngày như mình vậy đó. Thì địa ngục như vậy chúng ta đã từng vào rồi. Rồi địa ngục không gian- tức là nó nằm giữa cái ranh của các…, cứ ba cái vũ trụ nó có một khoảng trống, thì bên ngoài ba cái vũ trụ này là cái cảnh địa ngục dành cho mấy người đoạn kiến cố định đó. Đoạn kiến cố định là vô nhân, vô hành và vô hữu. Vô nhân có nghĩa là cứ khư khư cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có. Vô hành là khư khư cho rằng thiện ác chỉ là một, khác nhau trên tên gọi mà thôi. Thứ ba vô hữu kiến cho rằng cái gì tôi không thấy được, không chứng minh được, không hiểu được thì cái đó là không có. Thì kẻ nào mắc ba cái này mà ở cái trình độ khư khư đó, chặt không đứt bứt không rời đó thì được gọi là tà kiến cố định. Thì khi chết rồi phải vô trong đó. Vì anh không tin gì hết nên không có cõi nào để chứa anh hết. Anh phải ra ngoài đó nằm tòong teng ngoài đó 84.000 đại kiếp. Có nghĩa là kiếp hoại ở chỗ này anh tiếp tục sanh vào chỗ khác để anh trả cho hết 84.000 đại kiếp. Cái tuổi thọ của địa ngục đó nó lâu tương đương với cái cõi Phạm thiên cao nhứt đó là cõi Phi tưởng phi phi tưởng. Và thời gian nó cũng gần tương đương với thời gian của một vị đại Thinh văn A Nan, Ca Diếp mà tu tập ba la mật. Lâu như vậy! Tất cả những địa ngục đó, tất thảy những cảnh giới trùn, dế, con ong, cái kiến, nghêu, sò, ốc, hến âm thầm dưới đáy bùn, đáy cát, thất thảy chúng ta đều qua hết. Vì sao? Vì từ xưa giờ chúng ta chỉ quẩn quanh ở trong tà đạo tham, sân, si, hoặc ở trong chánh đạo nhập thế thôi. Tức là làm thiện mà cầu hưởng thụ cầu hiện hữu, nha. Còn cái chánh đạo mà xuất thế thì vô cùng hiếm hoi. Hồi nãy tôi có nói rồi. Chánh đạo xuất thế chỉ có 3 hạng:
Một là Chánh Đẳng giác. Lâu nhứt là 80 A tăng kỳ cũng phải dứt điểm.
Hai là Phật độc giác là sau 2 A tăng kỳ cũng phải dứt điểm. A tăng kỳ là đại kiếp. Một a tăng kỳ là lũy thừa 140 đó, nhe.
Còn ĐạiThinh văn thì tối đa 1 a tăng kỳ. Chí thượng Thinh văn là tối đa 1 A tăng kỳ. Còn Đại thinh văn là tối đa 100.000 đại kiếp. Còn các vị Thinh văn còn lại chỉ chấm dứt phiền não mà không có biệt hạnh xuất sắc độc đáo thì thời gian bất định. Nghĩa là có thể dưới 100.000 ấy, nhe!
Thì coi như suốt thời gian dài vô tận mà Đức Phật dạy rằng sữa mẹ mà mình bú, lệ mà mình đổ mình la mình khóc vì sung sướng, khóc vì đau đớn, khóc vì sợ hãi, khóc vì hờn ghen, vì giận dỗi, bla bla bla… Sữa mẹ rồi nước mắt, rồi máu mà mình đổ ra vì tai nạn vì bịnh hoạn thì nó nhiều hơn nước trong bốn biển. Của mỗi người đó, của mỗi người, nhe!
Sữa mẹ các vị tưởng tượng nhiều hơn nước bốn biển. Nước mắt mà nhiều hơn bốn biển các vị tưởng tượng coi quá cỡ rồi, nhe. Có nghĩa là cái dòng luân hồi của mình nó quá lâu rồi. Thì tất cả vô lượng vũ trụ, tất cả chúng sinh thì gom gọn chỉ nằm trong 2 cảnh giới khổ và lạc thôi. Dầu đó là Phi tưởng phi phi tưởng cảnh giới cao nhất, hay là thấp nhất là A tỳ địa ngục hay địa ngục Sen Hồng gì đi nữa. Hoặc là địa ngục không gian mà tôi vừa nói đó. Thì cũng đếu nằm trong cái chữ khổ và lạc.
Tôi nhắc lại vô lượng vũ trụ chỉ nằm trong khổ và lạc mà tất cả khổ lạc đều do duyên thiện ác mà ra. Mà tất cả thiện ác đều do 3 duyên sau đây:
Một là anh tiếp xúc với ai. Cái này là quan trọng lắm. Là anh tiếp xúc với ai. Các vị tưởng tượng dùm tôi. Các vị là răng giả. Các vị không có răng chỉ có lợi và nướu, móm mém thì làm sao mà các vị có thể ăn đồ cứng được. Các vị mắt kém, mắt làn, thì làm sao mà các vị nhìn xa được. Các vị bị lãng tai, nặng tai, nặng hơn một chút là bị điếc hẳn, điếc đặc thì làm sao các vị nghe được? Các vị bị cụt chân làm sao các vị đi được, chạy được? Thì cũng vậy, khi cái lưỡi mình bị bịnh mình không nếm được gì hết. Cái vấn đề đầu tiên mà tôi nói tới cái duyên thiện ác là gì? Là anh sống gần ai. Thật ra đời mà mình không có trí, ( Đó bây giờ các vị mới hiểu tại sao tôi đem mấy cái tàn tật ra tôi nói), thật ra đời mình mà không có trí, mình không có điều kiện để gần Phật, nghe Phật, thấy Phật, hiểu Phật thì coi như trớt quớt. Trong khi đó tất cả chúng ta trong room này nói riêng và chúng sanh trong vô lượng vũ trụ nói chung , chúng ta luôn luôn có điều kiện để sống gần người ác, có đúng vậy không? Chúng ta luôn có điều kiện, luôn luôn có điều kiện để sống gần người ác. Trong khi đó các bậc hiền bây giờ chúng ta gần cái người giữ giới, gần người có tàm quí, có đức tin, người có thiện định, người có trí tuệ, có chánh niệm. Các vị thử tưởng tượng đi, cái khả năng mà mình lây lan mấy người đó được bao nhiêu? Nhưng mà cái khả năng lây lan tham sân si của mình lớn lắm.
Cho nên cái duyên đầu tiên nó lớn chuyện lắm. Cái duyên thiện ác đầu tiên là sống gần ai. Chưa đủ đâu. Sống gần ai anh còn phải hiểu ngầm nữa. Ngầm đây là anh gần nhưng anh có điều kiện hay không. Có điều kiện để tiếp nhận những cái thuộc về người đó hay không? Nhớ nghe, cái này quan trọng lắm! Anh sống gần người ác mà anh có khả năng miễn nhiễm hay không. Anh sống gần người thiện mà anh có khả năng tiếp nhận hay không. Cho nên sống như thế nào, học, suy tư, hành trì, tác ý như thế nào đó để có thể khi gần người ác ta miễn nhiễm và khi gần người thiện ta dễ được hấp thụ, nghe! Đó là cái duyên 1.
Cái duyên thứ hai là ta sống ở đâu. Cũng vậy thôi. Một cơ thể khỏe mạnh thì sơn lam chướng khí, sơn cùng thủy tận không thành vấn đề. Còn một thứ cơ thể coi như nắng không ưa mưa không chịu, ghét gió kỵ mù sương thì coi như rất dễ bị cảm mạo thời tiết, bị chói nước. Có những cơ thể vào mùa hè phải sống trong phòng máy lạnh, phải có máy sưởi vào mùa đông. Trong khi đó có những cơ thể như người Tây Tạng chẳng hạn. Xứ Tây Tạng làm gì có máy lạnh, máy sưởi mà họ vẫn sống được. Cái duyên 1 là anh sống gần ai mà anh tự trang bị như thế nào. Và điều thứ hai anh sống ở đâu cũng y chang như vậy mà hiểu. Anh sống ở đâu, đó là một chuyện. Nhưng bản thân anh có trang bị để thích ứng hay không. Người Đức họ dạy con hay lắm quí vị. Ngay trong lớp mẫu giáo họ đã dạy con câu này:” Không có thời tiết xấu, chỉ có việc ăn mặc đúng và đủ hay không”. Đứa con nít Đức nhỏ xíu đã được học câu đó rồi. Không có thời tiết xấu mà chỉ có áo quần của you mặc đúng và đủ hay không. Đúng có nghĩa là mùa nào thức nấy. Mùa hè thì cotton hay là , silk, lụa. Còn mùa đông thì phải là len hay cashmere. Thí dụ như vậy. Mùa nào thức nấy, đúng. Nhưng mà có đủ hay không. Cashmere mà mặc mỏng lét thì làm sao ấm được. Còn chưa kể người mà ở xứ lạnh còn biết một chuyện nữa. Mặc dầy nó không bằng mặc mỏng mà nhiều lớp. Cho nên anh mặc đúng nó quan trọng , mà anh phải mặc đủ cũng quan trọng. Cho nên ở đây cũng vậy. Anh gặp ai thường xuyên và anh có khả năng cảm nhiễm và miễn nhiễm hay không.
Rồi cái chỗ ở cũng vậy. Anh ở đâu nó mới có 50% thôi quí vị. Anh sống ở đâu chỉ mới 50% thôi. Còn 50% còn lại là anh tự trang bị anh như thế nào, là vì sao? Là vì không có thời tiết xấu, chỉ có mặc đủ và đúng hay không mà thôi.
Cái duyên thứ ba là suy nghĩ kiểu gì? Làm ơn ghi dùm tôi cái chữ manasikara dùm! Manasikara nghĩa là lưu tâm . Chứ còn Phật tử Việt Nam, Phật tử Nam Tông cứ khoái xài chữ “tác ý”. Tôi xin cung kính thành khẩn thưa với bà con một cách nhỏ nhẹ và lễ phép rất mực. Cái chữ này quí vị dựng đầu 100 triệu dân Việt Nam hỏi coi có ai biết hong. Chữ “tác ý” này trong kinh mình dịch sát cái chữ mana là “ý”, còn kara là “làm”. Hai cái này cộng lại “ làm ý”, nghĩa là “tác ý” là chết rồi nghe. Cái này là lưu ý. “ Lưu ý”. Người ta nghe người ta hiểu. Chứ còn dịch “tác ý” nó hiểu tôi chết liền, nhe! Dịch cái chữ là lưu ý. Lưu ý đây là suy nghĩ đó. Manasikara nó có hai. Một là yoniso là hợp lý, và ayoniso là “không hợp lý, hay vô lý”, nghe! Một cái là hợp lý .
Làm ơn ghi dùm. Manasikara nó gồm có hai : Một là yoniso là hợp lý. Hai là ayoniso là vô lý. Chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi. Tất cả thiện pháp… Cái manasikara nó gồm hai nhánh: một là yoniso là suy nghĩ hợp lý. Hai là ayoniso là suy nghĩ theo hướng vô lý. Có nghĩa là mình muốn hết buồn thì mình phải có cái kiểu suy nghĩ nào hợp lý để mình bớt buồn. Mà mình muốn vui, phải suy nghĩ kiểu gì cho mình vui. Đó là suy nghĩ hợp lý.
Nhưng hợp lý nó lại có hai chứ không phải một. Hợp lý theo đạo và hợp lý theo đời. Hợp lý theo đời, thí dụ như giờ tôi buồn quá tôi nghĩ tới chuyện đàn đúm bạn bè, câu cá săn bắn, nhậu nhẹt, nhảy đầm ca hát, bla bla bla… Cái đó hợp lý đó chứ. Làm sao vô lý được. Nhưng mà nó là kiểu hợp lý của thế gian, nhe. Xài không được. Không bền, lợi bất cập hại, nhe!
Còn cái hợp lý thứ hai là hợp lý theo đạo.
( Làm ơn ghi dùm tôi). Cái hợp lý gồm có hai là theo đạo và theo đời.
1/ Theo đời là thích sao thấy vậy là hợp lý.
2/ Còn theo đạo là suy tư đúng theo hai luật nhân quả và tam tướng.
Hợp lý theo đạo là dựa trên nền tảng của nghiệp lý và tam tướng. Nghiệp lý là muôn đời thiện thì tạo ra hỷ lạc, muôn đời ác tạo ra khổ ưu. Đây là chuyện anh phải nhớ. Đó là luật nhân quả. Anh phải chấp nhận luật này. Luật nhân quả ( tôi nhắc lại ): MUÔN ĐỜI THIỆN TẠO RA HỶ LẠC. MUÔN ĐỜI ÁC TẠO RA KHỔ ƯU.
Bây giờ anh đang buồn mà anh lại đi tìm một cái bất thiện thì giống như khát nước mà uống nước muối vậy đó. Nhớ cái này. Suy tư theo nhân quả và tam tướng. Suy tư theo nhân quả là vậy đó. Suy tư nhân quả là cứ nhớ cái này: muôn đời thiện tạo ra hỷ lạc, có nghĩa là niềm vui thân vui tâm; muôn đời cái ác tạo ra khổ ưu, có nghĩa là cái khổ thân và khổ tâm. Đó là luật muôn đời, luật nhân quả.
Còn luật tam tướng là sao? Luôn luôn nhớ rằng mọi thứ do duyên mà có. Có rồi phải mất. Mọi thứ do duyên mà có rồi cũng do duyên mà mất. Mong đợi một cái gì đó mà đời đời còn hoài không mất, mình không lìa bỏ nó, nó không lìa bỏ mình đây là một suy nghĩ vô lý! Nhe! Nghĩa là anh muốn suy nghĩ cái gì, anh muốn lưu ý kiểu gì tôi không cần biết. Mà tôi chỉ biết là anh đừng bao giờ anh suy nghĩ ngược lại hai nền tảng tư duy này. Nhớ cái đó! Anh muốn trốn khổ tìm vui, muốn âm siêu dương thới, muốn được cái này không cái kia thì anh cũng phải theo hai cái này: một, anh làm ơn nhớ rằng thiện muôn đời tạo ra hỷ lạc- hỷ lạc là niềm vui thân và tâm; còn cái ác muôn đời tạo ra khổ ưu- có nghĩa là khổ thân và khổ tâm. Nhe, đó là luật nhân quả. Còn luật tam tướng là anh nhớ rằng MỌI THỨ DO DUYÊN MÀ CÓ RỒI CŨNG DO DUYÊN MÀ MẤT. Không có gì trường tồn hoài. Do duyên có rồi do duyên mất có nghĩa là vô thường. Còn không như ý mình, không như cái thích của mình là bất toại đó gọi là khổ. Còn vô ngã là gì? Là chỉ có duyên tồn tại chứ không có ông A bà B thằng Tí thằng Tèo, con Lan con Cúc con Đào con Yến gì hết. Không có, mà chỉ có các duyên hợp lại thôi. Đó gọi là vô ngã. VÔ NGÃ ĐÂY KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ NOTHING MÀ LÀ NOBODY.
(Làm ơn ghi dùm tôi câu này): Vô ngã không phải là “nothing” mà là “nobody”. Vô ngã không có nghĩa là “không có gì hết”, mà là không có cái gì gọi là “tôi” hay “ của tôi”, hắn hay của hắn, họ hay của họ.
Trong room này có hiểu không? Có nghĩa là ngày xưa mình chưa biết đạo mình tưởng mình là “somebody”, “someone”. Nhưng biết đạo rồi mình biết mình chỉ là “something”.
Như vậy thì, suy tư như vậy đó, suy tư dựa trên hai cái luật là luật tam tướng và luật nhân quả thì được gọi là” suy tư hợp lý “ hay “lưu ý hợp lý”.
Còn suy tư bất hợp lý là sao? Chắc cái này khỏi nói bà con biết rồi. Có nghĩa là mình muốn trốn khổ tìm vui nhưng mà “ ma đưa lối quỷ đưa đường, cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Cứ suy nghĩ toàn theo hướng tự hại và hại người không, nhe! Cứ suy nghĩ toàn theo hướng đó. Nó chửi mình bằng phone, bằng message, bằng email, bằng facebook, mình bèn phản ứng lại là trật lất. Là vì sao? Là vì nó không hợp lý. Vì lửa cộng lửa bằng lửa, nhe! Mà muốn dẹp lửa là phải lửa cộng với nước. Đằng này lửa cộng lửa bằng nguyên một đống lửa, nhe. Như vậy là không hợp lý. Thí dụ chuyện nhẹ nhàng vậy thôi.
Bài giảng này mở ra cho mình nhiều chuyện quan trọng lắm quí vị. Thứ nhứt là xác định lại tinh thần vạn pháp do duyên. Thứ hai, nếu vạn pháp do duyên thì không có gì trên đời này không do duyên mà có.
Thứ hai, nếu mọi thứ do duyên mà có thì bản thân mọi thứ nó cũng là duyên cho một cái khác. Wow, mình học thêm cái nữa nhe! ( làm ơn ghi dùm tôi):
1 . Vạn hữu ở đời do duyên mà có.
2 . Mỗi thứ cũng là duyên cho thứ khác.
Tại sao mình phải học cái này? Thứ nhứt, khi mình hiểu vạn hữu ở đời do duyên mà có, có nghĩa là ở đây không có cái gì là quan trọng. Không có tôi, không có ta, tất cả là do duyên hết; là mình buông biết bao nhiêu rồi. Đây là cái ý niệm buông cái “tôi”. Thứ hai, mỗi thứ cũng là duyên cho thứ khác, vì sao phải học cái này? Vì như vậy ta sẽ sống trách nhiệm hơn.
Cái số 1 là giúp quí vị buông ngã chấp. Còn số 2 là giúp quí vị sống trách nhiệm hơn. Bởi vì mỗi thứ cũng là duyên cho thứ khác. Một câu nói có thể làm tan nhà nát cửa. Một ánh mắt một nụ cười có thể làm tan nhà nát cửa. Các vị có tin hay không thì tùy. Tôi, trong tư cách một người chưn trong chưn ngoài quan tài- 50 tuổi rồi, tôi xác định chuyện đó có thật. Tôi đã từng mất ngủ vì nụ cười, vì ánh mắt, vì giọng nói của ai đó. Tôi biết trong room có người hiểu lầm. Không phải, nó nhìn đểu đó, là mình về khỏi ngủ luôn. Nó cười nhếch môi. Mà nó cười cái kiểu bỉ bạc đó, về khỏi ngủ luôn. Chớ đừng có nghĩ nó cười tình là mất ngủ, không phải. Nó cười đểu mình mình muốn đốt nhà, muốn giết cả họ nó luôn, nhe!!! Cho nên chỉ một ánh mắt nụ cười thôi. Nhiều khi một tiếng đằng hắng cũng làm mình nổi dịch nổi điên lên, nhe! Đừng có tưởng bở!
Cho nên vì sao mình phải học cái 1: Vạn hữu ở đời do duyên mà có. Mình hiểu như vậy là mình bỏ được ý niệm ngã chấp. Bây giờ ba la mật nó chưa đủ, phước lành chưa đủ, công đức chưa tròn. Chưa có công viên quả mãn, thì biết vậy cho bớt khổ, để mà làm nền tảng tu hành thôi. Nhưng mình không biết cái ba la mật của mình chín muồi lúc nào. Khi mà mình sống bằng cái nhận thức liên tục và liên tục về lý nhân quả và tam tướng ; chỉ cần ba la mật nó chín muồi một phát thì cái nhận thức từ phàm phu, từ kiến thức vay mượn, từ cái quan niệm kinh điển nó chuyển qua sự thể nghiệm thân chứng trong vòng một second. Một second, rất nhanh, nhe! Mà thường xuyên sống trong nhận thức, trong cái lưu ý hợp lý đó, an lạc lắm, nhe!
Thứ hai là, à quên, tại sao chúng tôi nói là “vạn hữu” mà không nói là “vạn pháp”? Bởi vì vạn pháp nó bao gồm cả Niết Bàn. Niết Bàn không có do duyên tạo. Niết Bàn chỉ có thể được đưa đến chứ không phải được tạo ra. ( Làm ơn ghi dùm cái này nghe, sẵn đây mình mở ngoặc học thêm):
“Tập đế “ tạo ra “ khổ đế”. Các vị mở ngoặc đơn để sau cái chữ “Tạo ra” là samudaya dùm tôi. “Đạo đế” dẫn đến “diệt đế”. (dẫn đến : magga, magga cũng là con đường). Sáng nay quí vị nào mà sơ cơ cực kỳ không biết Phật Pháp là cái gì hết, thì nghe kỹ bài giảng sáng nay nếu mà thấy OK thì hoàn toàn có đủ hành trang để bước vào Phật giáo. Tôi tin như vậy. Nhớ nhe, tập đế nó “TẠO RA” khổ đế nhưng đạo đế nó “ DẪN ĐẾN” diệt đế. Nhớ nhe! Cho nên, thời này là thời internet. Làm ơn một lát nữa tôi giảng xong, hoặc là ngay bây giờ móc cái phone ra; Hoặc là mò vô internet truy nguyên cái chữ samudaya coi có phải hay không. Mà nếu cần thì tôi mách cho một cái. Làm ơn ghi dùm tôi cái chữ samudaya nó gồm chữ sam cộng với udaya ( udaya là xuất hiện), nhe. OK
Thì vạn hữu ở đời do duyên mà có. Từ đó nó dẫn đến hệ quả là mỗi thứ lại là duyên cho thứ khác. Thì với cái nhận thức đầu (số 1) đó giúp cho mình buông được ý niệm “tôi là, của tôi”. Rồi cái nhận thức 2 là mọi thứ lại là duyên cho thứ khác, nhờ nhận thức này ta bèn sống có trách nhiệm hơn. Ta không có ăn gum mà muốn trét đâu thì trét. Ta không có thể xả rác một cách bừa bãi. Bởi vì nếu đứa nào ra đường cũng xả, tha hồ cứ mỗi đứa một miếng giấy thì cả thành phố thành cái đống rác! Cho nên bản thân mỗi tờ giấy là duyên khởi, là điểm khởi đầu cho một tỉ vấn đề xã hội. Tại sao vậy? Vì chỉ cần một thành phố Sài Gòn bây giờ 10 triệu em, mà mỗi em một tờ giấy, rồi em này giấy, em kia bao nilon, em nọ lon nước rồi, em nọ cùi bắp, vỏ chuối, sơ mít thì các vị tưởng tượng coi nó thành cái đống rác vậy thì ai hít? Dạ kính thưa mình hít chớ không ai hít. Mình thở trong đó chớ không ai thở. Mà cả cái thành phố sống trong rác thì các vị tưởng tượng vấn đề xã hội nó sẽ là gì, nhe! Cho nên đừng tưởng một tờ giấy, một chai nước mình liệng xuống là nó không có gì.
Có một ông Mỹ ổng tới hỏi một vị thiền sư; “ Thưa Ngài, Ngài có thể nói gọn cho con nghe cái nghiệp lý của đạo Phật. Con xin Ngài nói gọn cho con nghe cái luật karma của đạo Phật”. Thì vị thiền sư trả lời bằng tiếng Mỹ thế này. Trả lời bằng tiếng Mỹ nó hay hơn tiếng Việt: “ Nothing is nothing”. Có nghĩa là trên đời này không có cái gì là vô nghiệm hết. Không có. Tất thảy nó đều để lại đáp số hết. Nhớ nghe, cái đó quan trọng lắm!
Nothing is nothing, có nghĩa là trên đời này không có cái gì, dầu đó là cây tăm xỉa răng, một cọng tóc, thậm chí một sợi lông mi thôi. Mới ngày hôm qua nóng hổi đây nè, người ta dọn cho tôi một dĩa mì mà tôi thấy trong đó có một cọng lông mi là tôi đã lạnh xương sống. Tôi mới tự hỏi lòng tôi : “Mi ơi mi sao mi lại có mặt trong mì làm cho ta thấy tô mì không còn tính thẩm mỹ?”. Chỉ là cọng lông mi nhỏ xiu xìu xiu, nói về trọng lượng, nói về kích thước, nói về cái độ choán chỗ không gian, tất thảy đều không đáng kể. Nhưng mà ông Einstein ổng nói rồi. Ổng nói một nhúm tóc trên đầu là quá ít, nhưng một sợi tóc trong ly nước là quá nhiều. Các vị nghe kịp chưa?
Cho nên khi mình hiểu từng thứ trên đời này tự thân nó đã là duyên cho một tỉ thứ khác thì mình sẽ sống trách nhiệm hơn. Đấy là lý do vì đâu trong phòng mổ người ta phải trùm bao nilon. Trong mấy chỗ nấu ăn cao cấp là găng tay, là phải trùm bao nilon, là vì đâu? Là vì người ta ý thức rất rõ rằng một sợi tóc đủ để làm tan nát một sự kiện. Nấu đại yến đãi quốc khách, mà quốc khách thấy sợi tóc trong mâm ăn các vị tưởng tượng nó cũng ảnh hưởng ít nhiều trong quan hệ xã giao, ngoại giao chớ không phải không. Tôi biết tôi nói các vị không đồng ý, nhưng cái đó có đó. Tôi biết có nhiều trường hợp chỉ cần trên mâm ăn mà người ta thấy không có vui là lát nữa người ta ký cái tay nó hơi chùng chữ ký không đẹp lắm. Hoặc có nhiều khi người ta xù khỏi ký luôn. Nhe, một sợi tóc thôi đó. Chớ không phải tất cả văn bản đem theo đều phải ký hết. Các vị đừng tưởng cái đó. Chỉ cần người ta nói để chúng tôi về xem lại là nó “tiêu” rồi. Mà nó khởi đi từ đâu? Nó khởi đi từ cái sợi tóc trong mâm ăn đó quí vị, nhe!
Các vị có nghe tôi kể câu chuyện một cái ly thủy tinh nhỏ xíu mà ảnh hưởng đến ecology tức là mội trường sinh thái của thế giới chưa? Tôi nhớ tôi có kể rồi. Tức là một đứa bé 4 tuổi làm vỡ cái ly. Hai vợ chồng mới gây nhau, trước khi đi làm đó, Gây nhau, bà vợ đánh con, chồng gây vợ, rồi hai người bực dọc lái xe trên đường tông nhắm một người trên xa lộ. Khổ thay ông này là một giáo sư, một nhà khoa học, một nhà hoạt động môi trường sinh thái của thế giới. Ổng được sự tín nhiệm của rất nhiều tỉ phú trên thế giới, giao phó cho ổng đứng ra điều động một chương trình hỗ trợ môi sinh cho châu Á và châu Phi. Sáng đó là ổng đang ra phi trường đi dự cuộc họp mà cuộc họp này chỉ cần ổng đặt bút ký rồi là có hàng tỉ rót vào để mà điều chỉnh lại cái hệ sinh thái rừng Amazone, ở Indonesia, ở châu Phi, even của Cà Mau, rừng đước rừng ngập mặn Cà Mau mình đó. Ổng đang trên đường đi họp thì ổng bị thằng cà chớn đó tông chết ngắt! Mà cái thằng đó chính là thằng chồng mới vừa gây với vợ xong ở nhà, nguyên do gây là vì thằng nhóc 4 tuổi làm bể cái ly! Các vị tin không? Chỉ vì cái ly rồi 2 vợ chồng gây nhau, rồi lái xe bực dọc bất cẩn. Chính vì bực dọc bất cẩn mới tông nhằm người ta. Mà phải tông nhằm tôi thì thế giới đâu bị ảnh hưởng!!! Mà tông nhằm cái ông professor, một nhà khoa học, một scientist đang hoạt động về môi sinh cho thế giới. Mà bây giờ ổng chết rồi ai sẽ đủ uy tín để mấy ông đại gia rót tiền. Quí vị biết đâu phải dễ. Cái chương trình nói hay thì hay chớ phải có thằng Tèo thằng Tí đứng ra cổ động chứ đâu phải ai cũng được? Cho nên quí vị thấy hôn, coi như một cái ly ảnh hưởng tới môi sinh của thế giới, của châu lục, và nó ảnh hưởng tới hàng tỉ dollar trong đó.
Cho nên tôi đã kể cho các vị nghe cọng lông mi trong cái tô mì. Tôi kể chuyện cái ly thủy tinh đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực và đáng buồn cho môi sinh của thế giới. Chưa hết. Tôi đã nói hoài. Vợ mình tóc ngắn đi xa về thấy sợi tóc dài trên gối. Thế là “đại chiến thứ ba” xảy ra trong căn nhà đấy. Sợi tóc thôi quí vị à. Nghe!
Cho nên cứ nhớ hoài suy tư hợp lý là sao? Suy tư hợp lý có hai: suy tư hợp lý theo đời và theo đạo. Suy tư hợp lý theo đời là thích cái gì thì thấy nó là đúng. Nhưng mà hợp lý theo đạo là phải tuân thủ hai nguyên tắc này: một là luật nhân quả, hai là luật tam tướng. Luật nhân quả là ác muôn đời tạo ra khổ ưu. Thiện muôn đời tạo ra hỷ lạc. Còn luật tam tướng là vạn thứ do duyên mà có, rồi cũng do duyên mà mất.
Rồi trong cái duyên ta lại có hai vấn đề phải học thuộc lòng. Một: mọi thứ do duyên mà có và mỗi thứ lại là duyên cho thứ khác. Tại sao phải học thuộc lòng công thức này? Cái này vô cùng quan trọng, là tinh hoa của Phật pháp. Mọi thứ do duyên mà có, khi hiểu như vậy là anh bỏ được từng bước từng bước cái ý niệm ngã chấp. Mà tại sao ý niệm ngã chấp quan trọng? Tại vì khi mình sống rên đời này bằng ý niệm “tôi là” rồi “của tôi” đó , nó là khởi điểm cho muôn thứ đau khổ ở đời. Chính vì cái “tôi là” rồi “của tôi” nó dẫn tới chuyện thích cái này ghét cái kia. Thích mà không được là khổ. Gặp cái mình ghét cũng là khổ. Không được cái thích là khổ. Né không được cái ghét cũng là khổ. Mà tất thảy những cái đó đều đi ra từ cái chuyện mình coi nặng mình quá. Chứ nếu mình coi nhẹ mình thì đâu có sao. Ví dụ như ai mà không sợ giăng nắng dầm mưa. Nhưng mà khi một bà mẹ Việt Nam ở quê nghèo nông thôn đói khổ, vì con mà đi giăng nắng bán dạo, bán chè, bán cháo thì sao ta? Nắng càng gắt càng bán mấy bịt chè đá đậu mới chạy. Các vị biết không? Thì lúc đó nắng càng nhiều thì bà mẹ quê càng vui và mẹ nghèo càng sung sướng. Là vì nhờ nó nóng như thế này nè thì mấy bịt chè đá đậu bán mới lẹ. Đó!
Hoặc có ai mà thích đày đọa mình hong? Không có. Vậy mà mấy ông xích lô đạp xe càng nhẹ lòng càng nặng. Mà đạp xe càng nặng lòng càng nhẹ. Vì sao? Là vì ổng nghĩ tới vợ con ở nhà ổng bèn quên thân của ổng đi. Mà khi ta quên được thân mình thì ta bèn có cái khả năng chịu khổ rất giỏi. Mà khi mình coi nặng mình quá thì sao ta? Nắng không ưa mưa không chịu, ghét gió kỵ mù sương.
OK. Bây giờ đã 10g rồi, tôi chỉ nhắc tới đó thôi.
Hôm nay mình đã học xong phẩm Tướng. Mong là bà con đọc lại cái chương này rồi mới thấy thương tôi thế nào. Tôi đã làm sáng cái đoạn này dùm cho bà con.