Kinh Tăng Chi số 017

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Hôm nay mình học câu chuyện của bà Suppavasa. Vị này là mẹ ruột của Ngài Sivali. Tức là những ai mê chuyện Thần Tài thì phải biết tích bà này. Bởi vì mình thờ lạy ngài Sivali mà không biết thân mẫu của Ngài thì thiếu sót.

Nói tới Suppavasa các vị thấy có thêm ngoại hiệu phía sau nữa. Đó là Koliyadhita, có nghĩa là công chúa hay con gái của dòng vua Koliya. Chúng ta biết dòng Thích Ca rất kiêu ngạo và có một nguyên tắc thép. Là không cho cưới hỏi người ngoài dòng họ Thích Ca với nhau. Thí dụ thái tử Tất Đạt cưới công chúa Da Du cũng bà con cô cậu. Nhiều và rất nhiều trường hợp như vậy. Họ không lấy người ngoài nhưng có một ngoại lệ là dòng Thích Ca chỉ có thể cưới hỏi với dòng vua Koliya, ở xứ Kosala. Chẳng hạn với vua Pasenadi. Vì sao vậy? Ngược dòng thời gian về xưa trước thì tằng tổ của dòng Thích Ca là vua Okkaka. Trước vua Okkaka cũng có nữa nhưng mình chỉ lấy từ khúc này thôi.

Vua Okkaka có nhiều con, trong đó dòng chính có 9 người, gồm 4 trai 5 gái. Như bao nhiêu vị quân vương khác trên đời, vua Okkaka bên cạnh hoàng hậu có thứ hậu, rồi bao nhiêu vương phi, tài nhân, các cấp cung nữ trong tam cung lục viện nhiều cấp cũng tương tự như trong nội cung vua Tàu vậy đó. Trật tự hơi khác một chút nhưng đại khái là nhiều lắm. Thì vua có thương một bà vương phi và có với bà này một hoàng tử. Bữa đó hai người gần nhau thì cô vương phi này thấy vua đang vui mới thỏ thẻ : “ Lâu nay thiếp biết mình là phận thứ, không dám mơ ước cao xa nhưng nếu bệ hạ có lòng đoái tưởng thì xin hứa một chuyện thôi. Là cho con trai của thiếp được xếp vào hạng đích tôn, dòng chính để có thể cạnh tranh ngai vàng, chứ không riêng gì dòng chính như xưa nay. Giờ không phân biệt dòng chính dòng thứ để tự do cạnh tranh công bằng”. Lúc đó vua cao hứng nên ừ và hứa vậy. Nhưng sau đó vua nghĩ lại thấy chuyện này không thể được, vì xưa nay ngai vàng luôn luôn chỉ truyền lại cho dòng chính, chớ không được cho dòng thứ. Mà giờ đã lỡ hứa nên ông kêu hết 9 người con dòng chính lại nói rõ. Rằng phụ vương đã lỡ hứa vậy rồi giờ phải làm sao. Mấy người con trả lời: “ Không sao hết. Vua không thể nói đùa, quân bất hí ngôn. Chúng con có tài,có sức mà, đi lập quốc nơi khác. Xứ sở này lớn thì lớn mà nhỏ cũng nhỏ. Thôi cứ nhường cho người ta để phụ vương giữ tròn lời hứa đi”.

Rồi 9 chị em 4 trai 5 gái mới dắt nhau đi. Bấy giờ đất đai của vua bao la phì nhiêu. Họ đi nhiều ngày như vậy thì ngang qua một vùng đất cảnh trí thạnh mậu sum suê tươi tốt, mưa thuận gió hòa rất dễ chịu. Họ gặp một ông đạo sĩ. Đạo sĩ hỏi họ đi đâu mà có kẻ hầu người hạ, xe cộ, tài sản lùm xùm thế này. Họ trả lời thiệt là tụi con đi tìm đất để lập quốc. Đạo sĩ bảo “ Nếu tìm đất lập ấp lập quốc thì chính là chỗ này. Đây là đất lành. Trước đây ta cũng đi lang thang rừng núi tìm chỗ thích hợp ẩn tu mới phát hiện ra chỗ này có những điều đặc biệt. Như thú dữ rượt mồi mà đến đây thì nó quên chuyện rượt mồi, bỗng nhiên trở nên hiền lành. Thú nhỏ mà bị rượt đến đây tự nhiên không còn sợ hãi nữa mà trở nên tung tăng nhởn nhơ. Nghĩa là thú lớn quên ăn, thú nhỏ quên chạy trốn. Ta nghĩ đây là đất lành nơi muôn loài có thể sống hòa thuận với nhau. Vậy đâu còn nơi nào hơn đây nữa? Hãy ở đây đi!”

Ông đạo sĩ này tên là Kapila, tức là Bồ tát Thích Ca. Mấy chị em với lòng tôn kính đạo sĩ, lại thấy chỗ này xinh đẹp liền dừng chân nơi đây. Để nhớ ơn Đạo sĩ, họ gọi vùng đất này là Kapilavatthu. Vatthu đây có nhiều nghĩa. Trong đó có nghĩa là nền nhà, khu đất dân cư. Hôm nay người Ấn Độ gọi ngành phong thủy (feng sui) là Vasthu, vatthu. Viết cho đúng là vastu. Các vị vào google đánh chữ “India vastu “ , hoặc “India feng sui” sẽ biết thêm. Vatthu có nghĩa là nền đất, là đồ đạc đồ vật nữa.

Thì để ghi lại ân tình đó họ gọi vùng này là Kapilavatthu, nghĩa là cái nền nhà, nền đất của ông Kapila. Rồi bắt đầu 9 chị em, bà chị cả mới phối hôn cho mấy đứa em của mình, lấy gái lớn gả cho trai lớn, gái thứ gả cho trai thứ, gái út gả cho trai út. Sau khi phối hôn cho 8 người em thì bà chị cả còn lại một mình đơn chiếc. Lúc đó họ trồng trọt, chăn nuôi xây dựng nhà cửa, làm tường lũy, đào hào sâu,…tạo dựng một đời sống rất ổn định. Tin tức đó bay về cố quốc. Vua cha Okkaka khen các con đúng là những người tài, những người có khả năng, Pali gọi là sakya. “Sakya “ có nghĩa là những người có tài, có khả năng. Nên “sakka” cũng có nghĩa là “sakya”, nghĩa là người có khả năng. Nên Tàu dịch Thích Ca Mâu Ni là Năng Nhân.

Tất cả 4 cặp vợ chồng với bà chị cả là 9 người có chuyện đau buồn là một thời gian sau tự nhiên bà chị cả phát sinh thứ bệnh giống bệnh phong cùi ở mình vậy đó. Cả người nổi mẩn ngứa, càng gãi càng lở. càng lở càng đau đớn, chảy nước vàng đổ máu. Nói chung giống phong cùi vậy. Vì sợ lây cho em, cho thuộc hạ, cho người khác. Thêm phần hình dáng mình trở nên kinh dị khó nhìn nên bà chị cả mới đề nghị: “Thôi thì đời chị tới đây coi như cũng xong. Chị sanh ra đời để lo cho mấy em thôi. Giờ các em cũng đã yên bề. Giờ đến lúc chị đi. Nhưng trời chưa gọi thì đi thế nào đây. Thôi thì các em làm cho chị cái nhà nho nhỏ trong rừng. Chị về đó chờ chết.” Mấy người em theo lời làm một cái nhà sườn gỗ vách đất ở giữa rừng. Thỉnh thoảng lui tới thăm nuôi, cung cấp thức ăn.

Có một đêm kia mưa gió bão bùng, giông tố gào thét trong rừng, thêm các mãnh thú gầm rống nên bả hoảng sợ khóc thét lên. Lúc đó có một ông vua ở xứ Kosala cũng bị bệnh giống bà chị cả này và cũng bỏ vào rừng sống chờ chết. Nhưng ông này không cất nhà mà sống trong bọng một cây táo rừng, Pali gọi là “koliya”. Vì gốc cây của ổng khá gần chỗ bả, đêm đó sau khi tình cờ nghe tiếng la hét của bà chị cả này, sáng lại ổng đi tìm và thấy ngôi nhà vách đất giữa rừng. Do mặt mũi ông này bị bịnh trông cũng ghê sợ, nhưng sau khi nói rõ sự tình mình cũng là vua, bà chị cả cũng nói thật mình cũng là công chúa. Theo truyền thống thời đó, giới hoàng gia xứ nào cũng phải được học những kiến thức đặc biệt, không có phổ biến trong dân gian. Tức là lê dân dân thứ không hề biết, thí dụ như ngôn ngữ sử dụng, cách ăn uống đi đứng., nói chung là một số kiến thức đặc biệt, ngay cả các chuyện như thuốc men, các sinh hoạt đời sống bình thường họ cũng được học hành riêng. Nên khi ông vua nói ra những chuyện mà chỉ có trong giới Hoàng gia biết, và bà công chúa cũng tiết lộ một số chuyện cũng người cùng giới vua chúa mới hiểu thì hai bên nhận diện tin tưởng nhau. Không biết do tinh thần OK, hay do “phước chủ may thầy”, đúng thầy đúng thuốc mà tự nhiên sau khi thân thiết cùng chăm sóc nhau thì bịnh tình của hai người cùng bay biến. Họ phục hồi hoàn toàn ,ai da đẹp thì trở lại đẹp, tóc đẹp thì cứ tóc đẹp. Hai người trở nên cảm mến nhau. Lúc này vua xứ Kosala và bà công chúa cùng đưa tin về cố quốc thông báo sự việc và quyết định kết hôn với nhau. Từ tiền lệ này người dòng Thích Ca mới có thể lấy người dòng Koliya. Bắt đầu từ đây mới có tên dòng vua Kolya là vua Táo Rừng, do sự việc lúc vua Kolya ẩn cư chờ chết đã ở trong bọng cây kolya (chữ kolya nghĩa là táo rừng).

Như vậy xét về huyết thống thì ngài Sivali cũng có chút quan hệ với Thế Tôn.

Giờ trở lại chuyện nàng Suppavasa. Thuở xưa cách đây trăm ngàn đại kiếp nàng cũng được thấy một cư sĩ – cô tín nữ thời Phật ( ) được xác nhận là thí chủ cúng dường thượng vị, nên cô cũng nguyện như vậy. Qua nhiều kiếp sanh tử luân hồi, đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì cổ sanh làm công chúa của dòng vua Kolya. Do trong nghiệp tiền thân , một lần ngài Sivali làm vua mẹ là nàng Suppavasa lúc đó làm Thái hậu cất quân đi đánh xứ người, bao vây người ta 7 ngày. Sau đó vì lòng đại bi xót thương người ta cảnh nội bất xuất ngoại bất nhập nên rút quân. Chỉ bao vây 7 ngày thôi, nhưng vì cầm tù một tập thể quá đông, nguyên một ngôi thành cả mấy ngàn người trong đó mà giam hãm người ta cả tuần như vậy. Bao nhiêu vấn đề như sản phụ không được ra khỏi thành để kiếm thầy kiếm thuốc, trẻ con đói khát, người già, người bịnh,phụ nữ có bao nhiêu vấn đề trong chừng ấy ngày bị giam hãm…

Do nghiệp này nên khi chết hai mẹ con bị đọa địa ngục. Đến khi trở lên được làm người thì cứ hưỡn hưỡn là bị cầm tù, cứ hưỡn hưỡn là bị giam bị nhốt hoặc là do người ta cố ý hoặc là do người ta vô tình. Đủ kiểu, nói chung là đủ kiểu bị lâm vào cảnh phải ở yên một chỗ không được ra vào xê dịch di chuyển. Cái nghiệp vậy đó. Lâu lâu bị vướng cái vậy đó.Thí dụ như đang ở Việt Nam thì tự nhiên bị mấy cái trạm thu phí chạy xe ngang người ta đi được hong sao, tới phiên mình cái bị mấy ông tài xế quậy cái rồi kẹt ngay cái trạm thu phí bốn năm tiếng. Như cách đây mấy bữa có cái đám cưới bị kẹt ở trạm thu phí bên Việt Nam đó. Đám cưới mà vẫn bị kẹt mới ghê chứ. Kẹt mấy giờ đồng hồ. Đêm hôm rồi con nít, người già người bịnh ngồi trên xe nó nực muốn chết, xứ nhiệt đới mà phải ngồi kẹt chờ trên xe mấy tiếng đồng hồ chờ cho thông đường đâu có dễ quí vị.

Cái số hai mẹ con bị nhiều kiếp như vậy đến cái kiếp cuối cùng thì người mẹ là bà Thái hậu đó sanh làm bà Suppavasa, công chúa của dòng vua Kolya. Còn Ngài thì làm con. Mà hai mẹ con bị kẹt bà mẹ mang thai 7 năm 7 tháng và khi lâm bồn chuyển dạ phải 7 ngày sau thì mới sanh ra Ngài. Trong ngày cuối cùng thì vua là ông chồng đó mới vô hầu Phật. Ông kể vợ con bị như vậy thì Đức Phật mới chú nguyện. Ngài nói là xin cho Suppavasa mẹ tròn con vuông. Khi Đức Thế Tôn vừa dứt lời thì ở nhà Suppavsa đúng như vậy, được mẹ tròn con vuông. Sanh ra một đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh dễ thương. Hai vợ chồng rất mừng.

Nhưng còn có một chuyện là trong thời gian nàng đau đớn vì thai sản thì Suppavasa cùng lúc suy tưởng đến ân đức Tam Bảo và Niết Bàn. Đây là cách rất hay bà con nên ghi lại chỗ này. Nàng đã niệm như sau chớ không phải niệm “ Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh Cảm Cứu Khổ Cưu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”, hoặc là “ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca “. Kiểu niệm của nàng rất hay, như vầy: “ Thế Tôn là vị đã chứng ngộ con đường chấm dứt đau đớn như thế này. Giáo pháp mà Ngài giảng dạy có tác dụng, có công năng chấm dứt nỗ đau khổ như thế này. Chư Tăng là đệ tử Thế Tôn là những vị đang và sẽ hành trì con đường dẫn tới chấm dứt nỗi đau khổ như thế này. Niết Bàn là cưu cánh chấm dứt nỗ đau khổ như thế này.”

Đó, niệm là phải niệm như vậy đó! Đây là chỗ dạy mình niệm Niết Bàn như vậy. Khi thấy phiền não, khổ nhân khổ quả, khổ nhân là khi thấy mình bị phiền não, khổ quả là khi mình thấy điều bất toại thì cứ suy niệm: Niết Bàn không có như vậy! Niết Bàn không có như vậy! Niết Bàn là sự vắng mặt của danh và sắc, của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới. Niết Bàn là sự vắng mặt của nhân và quả. Niết Bàn không có khổ lạc. Niết Bàn không có thiện ác. Cách niệm này ngay cả ung thư kỳ cuối đó dĩ nhiên tôi không dám nói cách niệm này nó hết bịnh, nhưng mà nó giảm đau và giúp ta đủ bình tĩnh để ra đi trong tỉnh táo, thanh thản. Tây có một câu rất hay: “ Cầu nguyện lúc nguy hiểm không phải để thoát hiểm. Mà để có bình tĩnh nhằm thoát hiểm. Nếu có chết cũng có chết trong bình tĩnh”. Hai câu này tuy giống như khác nhau xa. Bởi vì cầu nguyện để thoát hiểm thì phản khoa học và rất phản đạo. Nhưng mà cầu nguyện để có bình tĩnh nhằm thoát hiểm, và nếu có chết thì cũng chết trong bình tĩnh. Cái này rất khoa học mà cũng rất là “Đạo”.

Đó. Trong lúc đau quá nàng niệm một cách thông minh như vậy: “ Thế Tôn là người đã chấm dứt nỗi khổ này. Giáo pháp của Ngài có nội dung hướng đến sự chấm dứt nỗi khổ như thế này. Tăng Bảo là những vị đã đang và sẽ hành trì để chấm dứt cái khổ như thế này. Niết Bàn là cứu cánh vắng mặt nỗi khổ như thế này.” Thì khi nàng sanh con mẹ tròn con vuông rồi mùng lắm, mới thỉnh Thế Tôn và chư tăng về cúng dường. Kẹt một chỗ là tuần lễ gia đình nàng muốn thỉnh đó lại nhằm ngày đệ tử của Ngài Mục Kiền Liên đã thỉnh rồi. Nên Đức Thế Tôn từ chối, nói rằng tuần lễ này có chỗ rồi. Nếu muốn thì tới thương lượng với ngài Mục Kiền Liên ấy. Thì gia đình mới tới gặp ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên nói đây là chuyện riêng của cư sĩ, nhưng muốn vậy thì Ngài sẽ dàn xếp giúp. Ngài tới gặp ông cư sĩ đệ tử nói giờ hoàn cảnh người ta mang thai 7 năm 7 tháng 7 ngày giờ muốn cúng dường trả lễ cho Tam Bảo. Vị này nói Sư phụ muốn thì con chìu ngay, nhưng xin sư phụ bảo đảm cho con 3 điều. Điều thứ nhứt là không biết 7 ngày nữa con còn sống hay không? Ngài Mục Kiền Liên mới bảo:” Với cái biết của ta thì ta bảo đảm ngươi sống trăm tuổi nữa chứ nói gì 7 ngày”. Ổng tiếp điều thứ hai là Ngài bảo đảm cho con là trong 7 ngày nữa tới phiên con cúng dường thì tài sản của con không bị mất. Không bị vua tịch thu. Không bị thiên tai bão lụt bị cháy bị cướp. Thì Ngài nói với cái sức của ta ta biết tài sản của ngươi không hết , không mất đâu. Dạ đến điều thứ ba là xin sư phụ bảo đảm cho con 7 ngày nữa đến phiên con cúng dường thì niềm tin Tam bảo của con vẫn nguyên vẹn, không bị sứt mẻ, giảm sút. Thì Ngài mới trả lời : “ Không! Ta chỉ bảo đảm cho con 2 điều đầu thôi, tánh mạng và tài sản. Nhưng mà còn cái khoản niềm tin của con thì con phải tự xác dịnh lấy, tự bảo đảm lấy, chứ ta không thể giúp con được”. Đây là chỗ rất sâu trong Kinh Phật. Rất sâu! Có nghĩa là không hề có chuyện “tu giùm”. Nghe! Đặc biệt chỗ đó. Một vị A La Hán đệ nhất thần thông , cái gì cũng hứa nhưng chuyện tu hành Ngài không dám hứa. Sẵn đây Ngài mượn cớ này để dạy luôn một bài học rất quan trọng: Tu là phải tự mình tu. Không có Thầy bà Tiên thánh nào đưa tay cưu mình được hết trơn. Bởi nếu Thánh Hiền Thần Tiên cứu được thì thế giới đâu có tang thương như mình thấy. Thế là ông cư sĩ nói “ Sư phụ có hứa hay không thì bản thân con biết con có thể chết được nhưng con không thể nào mất niềm tin đó với Tam bảo hết.”

Sau khi nghe vậy ngài Mục Kiền Liên liền thưa với Đức Phật. Gia đình ngài Sivali biết được vậy thỉnh Thế Tôn và chư Tăng về nhà cúng dường. Trong buổi đó ngài Xá Lợi Phất thấy ngài Sivali chạy lăng xăng tới lui, Ngài hỏi “ Trong chừng ấy năm trong bụng mẹ, con có thấy ngán không. Con có muốn tiếp tục như vậy nữa trong đời sau kiếp khác không?” Ngài Sivali mới nói: “ Dạ, không. Một lần này con đã ngán sợ quá sức rồi. Con không muốn vậy nữa.”. Ngài Xá Lợi Phất hỏi vậy bây giờ con có muốn đi tu không?. Ngài mới nói “ Dạ muốn lắm.” Thì ngài Xá Lợi Phất mới trình với Đức Phật như vậy. Bà mẹ Suppavasa lúc đó đang lo lắng thức ăn cúng dường chư Tăng thỉnh thoảng nhìn con, thấy ngài Sivali lăng xăng lúc chạy đến bên Đức Phật, lúc tới chỗ ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, rồi chạy nhìn ông sư này ông sư kia tỏ vẻ rất thích thú. Khi thấy con nói chuyện với ngài Xá Lợi Phất bà hỏi “ Đứa bé thưa chuyện chi với Ngài vậy?” Ngài nói “ Ta hỏi nó có sợ sanh tử không. Nó nói sợ. Ta hỏi nó muốn đi tu không, nó nói muốn”. Bà Suppavasa nói ngay nếu nó muốn thì con gật đầu liền tức thì.

Chuyện trình lên Đức Phật. Đức Phật đang an tọa tại đó,Ngài đồng ý xong xuôi thì đưa ngài Sivali về thì ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất, ngài A Nan, ngài Ca Diếp, bốn vị đứng ra làm Thầy để cho ngài Sivali xuất gia. Nói chung nguyên dàn hàng đầu trong Thinh Văn làm thầy cho ngài Sivali. Mới cạo tóc nhát dao đầu tiên thì Ngài đắc Sơ quả. Lúc cạo, sư phụ là ngài Mục Kiền Liên có nói: “ Nè, cái thân này là thân khổ. Cái thân này là thân dơ. Thân này là thân bất tịnh nghe. Tóc lông móng răng da nghe.” Thì vừa giảng xong Ngài kéo một đường đắc Sơ quả liền. Đường thứ hai là Nhị quả. Đường thứ ba là Tam quả. Xong cái đầu là A La Hán. Và kể từ ngày đó trở đi thì coi như Ngài là đệ nhất tài lộc. Có nghĩa là Ngài ở trong phố hay trong rừng trong làng trong núi không hề khác biệt. Hễ là ở đâu có tôn giả Sivali là ở đó chư Thiên cúng dường đầy đủ, thừa mứa.

0:33:53

Trở lại bà mẹ Suppavasa, bà rất thương quí chư Tăng. Bà có một nguyện lớn là do thấy các vị Tỳ kheo nắng gió mưa sương đầu trần chân đất, ăn uống thất thường. Người ta cho cơm hẩm cháo thiu cũng ăn, khoai củ rễ trái, đồ cũ đồ mới, đồ nóng, đồ ngon, đồ dơ, đồ nguội sao cũng ăn thì sợ các vị ấy không có sức khỏe tu hành. Bà rất thương quí Đức Phật và chư Tăng. Nên hễ có dịp cúng dường là bà cúng cái gì ngon nhất tốt nhứt, đắt tiền nhứt theo khả năng của bà. Vì bà thương đời sống khất thực đó. Từ khi có suy nghĩ kỳ lạ đó bà được Thế Tôn xác nhận bà là Đệ nhất Thí Chủ chuyên cúng dường thượng vị ( sơn trân hải vị). Nàng nghĩ những vị đó là đem lại Pháp Nhũ để nuôi dưỡng trí tuệ chúng sanh thì ngược lại mình cũng có trách nhiệm nuôi dưỡng lại thân xác mấy vị đó. Đặc biệt như vậy.

Đó là chuyện của nàng Suppavasa.

Bây giờ mình học qua chuyện của nàng Suppiya. Nàng Suppiya một trăm ngàn đại kiếp trước cũng từng chứng kiến Đức Phật (Pali) tuyên dương một tín nữ là Đệ Nhất nuôi bịnh, dùng từ Đệ Nhất Điều Dưỡng gần gũi hơn. Tiếng Pali điều dưỡng là gilanupatthika ( gila là bịnh, patthika là người giúp đỡ, hỗ trợ). Nghĩa là người bị bịnh mà gặp nàng thì nàng chăm sóc hết lòng, hết sức, tận lực.

Nàng là sau một trăm ngàn đại kiếp tu hành, đến đời Phật Thích Ca Mâu Ni thì sanh vào xứ Varanasi và có tên là Suppiya. Ngay trong lần đầu gặp Phật và nghe Pháp đã chứng Sơ quả. Nàng có nhiều bạn thân là cư sĩ nổi tiếng. Trong một lần đi chùa thấy một tỷ kheo trọng bịnh, cần thức ăn bổ dưỡng thì nàng đã tự lóc thịt đùi để nấu cúng dường. Khiếp như vậy đó. Có nghĩa là nàng đi chùa rồi biết một vị tỳ kheo bị bịnh mà thầy nói rằng vị này bị suy dinh dưỡng trầm trọng, cần phải có một bữa ăn cho đàng hoàng. Bữa đó trong thành phố nhằm ngày Bát Quan Trai toàn thành không có bán thịt sống. Nàng mới suy nghĩ nếu chờ ngày mai ngày mốt mà bịnh vị này chờ đợi thêm cũng tội. Nên nàng về phòng đóng cửa lại tự nàng lóc thịt của mình, nấu thức ăn xong rồi nhờ người gửi lên chùa chứ nàng không đi nổi.

Ngày hôm sau Đức Phật và chư Tăng được người nhà thỉnh nên nàng về để trai tăng. Khi Đức Phật hỏi bà chủ nhà Suppiya đâu, người nhà trả lời bà bị bịnh. Đức Phật mới bảo nói Suppiya ra đây gặp gỡ Như Lai và chúng Tăng đi. Lúc đó nàng trong phòng rất đau vì vết thương, nghe vậy mới suy nghĩ:” Chắc chắn phải có lý do Thế Tôn là bậc Chánh Đằng Giác mà lên tiếng gọi mình như vậy. Bởi vì chuyện gì Ngài cũng biết, Ngài thừa biết vì sao mình không ra ngoài đó được. Ngài biết mình đi đứng rất khó khăn, tại sao Ngài lại muốn mình đi ra là sao. Chắc chắn là đại sự nhân duyên.” Cho nên khi nàng đi ra nàng vừa quỳ xuống lạy Phật thì lập tức coi như vết thương lành hẳn. Trong Pali kêu là Vano ruhitva (vết thương lành ngay) , succhavi ahosi (da cũng liền mặt). Đã vậy vano ruhitva succhavi ahosi sesatthanato atirekataram vippasannavanno, nghĩa là những chỗ còn lại vết thương lành, da liền mặt mà toàn thân còn có thêm màu da đẹp hơn trước kia nữa. Thì kể từ khi nàng lành lặn vậy, rồi Thế Tôn về chùa. Ngay lúc đó đặc biệt là bậc Chánh Đẳng Giác không nói, nhưng khi về chùa Ngài mới họp ChúngTăng lại Ngài quở. Ngài quở riêng vị Tỳ kheo đã ăn thịt người đó đó. Đồng thời cấm chế thêm điều giới là từ đây về sau Tỳ kheo không được ăn thịt người, những đồ bị nghi ngờ trong một tình huống, một tình trạng khả nghi như vậy. Nghĩa là ăn mà không ngó trước trông sau để xảy ra những cớ sự như vậy. Cũng từ sau sự kiện này Đức Thế Tôn đã long trọng xác nhận, tuyên dương với tứ chúng rằng trong các đệ tử của ta, người có hạnh nuôi bịnh, điều dưỡng là không ai hơn được Suppiya! Tức là vì nuôi bịnh một vị tỳ kheo không quen biết mà còn dám xả thân như vậy thì nói gì đối với những vị khả kính mà mình quen biết.

Câu chuyện này dĩ nhiên tôi tuyệt đối không có ý khích lệ bà con đối với chư Tăng như vậy. Tinh thần chính của bài Kinh này không phải là mình lóc thịt cúng dường bố thí cho ai nhưng tinh thần nó là mỗi một biệt hạnh là một góc đẹp của vườn hoa Chánh Pháp. Đó là tinh thần phục vụ bất vụ lợi rất là đẹp. Trong Kinh nói để trở thành một vị Chánh Đẳng Giác thì Bồ Tát nào cũng phải có vô số lần hành động như Suppiya. Các Ngài lúc cần thì xem người như mình hoặc xem mình như người. Lúc cần thì xem người như mình có nghĩa là “Thương người như thể thương thân”. Còn khi cần xem mình như xem người có nghĩa là mình phải khách quan. Từ quan điểm đạo đức đến việc hành trì tuệ quán đều đại kỵ thái độ xét mình xét người xét việc từ góc độ “tôi là”, “của tôi” hoặc “của người”.

Thông thường việc đó mình làm thì không thấy nó kỳ nhưng người khác làm mình lại thấy nó kỳ. Thí dụ việc ăn vụng, mình nhìn thấy người đó rón rén rón rén xuống bếp rồi mắt láo liên dáo dác nhìn nhìn xong mới mở nắp nồi thò tay bốc một miếng bỏ vô miệng,rồi quẹt mỏ, lau mỡ trên môi mép rồi dọt ra. Mình thấy nó kỳ. Nhưng bản thân mình thì cái chuyện đó thấy OK. Hoặc chuyện nam nữ thân mật tình tứ ngoài đường thấy người ta làm thì kỳ mà nếu mình làm thì thấy OK.

Cho nên thái độ tu hành là khi cần phải xem mình như mình nhìn người, và lúc cần cũng phải nhìn người như nhìn mình. Học giáo lý là phải thông thoáng như vậy. Học cái này phải nghiệm thêm cái khác là vậy.

Bây giờ mình học qua tích nàng Katiyani. Katiyani có nghĩa là bất động, niềm tin bất thối chuyển, tiếng Pali là aveccappasanna.

Trong chú giải kể rằng nàng Katiyani này cũng có một trăm ngàn đại kiếp tu hành ba la mật, với đại nguyện là trở thành một tín nữ có niềm tin không thối chuyển. Thời Phật nào cũng có vô số người thành tựu niềm tin bất thối chuyển. Nhưng được tuyên dương thì chỉ có một. Nàng Katiyani đi chùa nghe Pháp, người thuyết pháp cho nàng là Kutikanna đệ nhất pháp sư. Lúc vị này đang giảng Pháp cho nàng nghe, vì nàng là bà chủ lớn thì lúc đó có ăn cướp vào nhà. Người nhà chạy thoát đến báo tin cho hay thì bà nói để cho bà nghe Pháp, nó có lấy gì cứ lấy đi. Khi được báo tin lần thứ hai bà cũng lại bảo cứ để tụi cướp tùy ý muốn lấy gì thì lấy, hỏi nó có nhu cầu gì thì chìu nó đi để cho bà nghe Pháp. Khi tên đầu đảng cướp nghe người nhà trở về nói vậy thì hắn tự hỏi “Cái đạo gì lạ vậy ta, nghe mất của mà lại tỉnh bơ, còn coi ăn cướp như người nhà!?” Chừng khi tên đầu đảng gặp bà, thấy thái độ điềm tĩnh tự nhiên của bà thì tự nhiên sụp quỳ xuống “ Xin lỗi bà , bà hãy tha lỗi cho tôi. Khi được nghe Pháp nãy giờ tôi mới biết đây đúng là đạo giải thoát, mà tôi chính là người lầm lạc.” Sau đó tên đầu đảng kêu đàn em để trả lại hết phần vừa cướp, đồng thời cả bọn cướp đều xin xuất gia. Sau đó họ đều chứng La Hán.

Câu chuyện này đặc biệt, quan trọng ở chỗ một người mà sống thiện thì không sớm thì muộn, không ít thì nhiều sẽ để lại những tác động tích cực cho thiên hạ. Nhiều người không thấy nên không tin nhưng thực ra nếu có tin thì mình sẽ thấy như vậy. Thí dụ trong cái làng đó ai cũng keo kiệt mà một mình quí vị rộng rãi thì tôi tin chắc chắn sẽ có một ngày cái tinh thần hào sảng của quí vị ít nhiều sẽ tác động cho người khác. Thì dụ nhiều khi người ta không dám “ nhỏ giọt” ra, như có 100 mà không dám bỏ 1. Nhưng ở gần mình riết thì họ sẽ thấy chuyện bỏ ra 1, bỏ ra 2 cũng không khó lắm. Bởi vì họ thấy mình bỏ ra tới 5-70. Chính tôi đã kiểm nghiệm điều đó trong đời sống thực tế có thiệt. Có nghĩa là mình ở gần người mà có đức tánh đặc biệt nào đó, thì ít nhiều lâu ngày mình cũng phải được cảm nghiệm.

Chúng ta biết chuyện này, khi ta ở gần một người xấu thì buổi đầu ta bất mãn với thói xấu của họ. Nhưng một thời gian sau ta quen dần với thói xấu đó và đến giai đoạn ba là ta giống họ lúc nào không hay. Có thể giống ít, có thể giống nhiều nhưng đến bước ba là mình cảm nghiệm. Còn đối với cái thiện cũng vậy. Mình bất thiện cách mấy mà ở quá lâu ngày bên cạnh một người thiện, người lành thì buổi đầu mình không chấp nhận cái thiện đó. Nhưng mà lâu dần mình cảm thấy quen và rồi ít nhiều mình cũng được ảnh hưởng. Nghe, cái đó tôi tin! Lúc đầu thấy kỳ kỳ, sau dần thấy bình thường, cuối cùng thấy hay hay.

Chưa hết, còn trường hợp này nữa. Mình không thỏa hiệp với người kia. Chính vì mình không thỏa hiệp nên tâm lý mình phải có thay đổi để nó thích nghi. Và chính cái thích nghi đó cũng biến mình thành con người khác với trước đây. Như vậy đó cũng là một cách người kia tác động. Thí dụ như tôi là người rất rộng rãi. Năm xu, một cắc ,tám hào không nghĩa lý gì hết, tôi rất là rộng. Nhưng mà khi tôi ở gần người kẹo bữa đầu tôi bực lắm. Nhưng lâu ngày tôi thấy quen. Rồi một lúc nào đó tự nhiên tôi thấy kẹo cũng có cái hay là”nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua đất”. Cắc củm tích tiểu thành đại, gom nhiều đồng xu sẽ có lúc được tờ giấy bạc lớn. thí dụ như vậy, đó là cách ở lâu nó cảm nhiễm. Nhưng nó còn trường hợp nữa là tui không có lây cái tính bủn xỉn của họ, nhưng vì mỗi ngày vào ra chạm mặt với họ tôi bực. Tôi bực cái” kẹo” của họ riết tôi thành một con người luôn luôn sống bằng một tâm lý đối kháng. Ngày xưa tôi không sống bằng tâm lý đối kháng mà bây giờ tôi lại sống bằng tâm lý đối kháng, nghĩa là sao? Nghĩa là tôi luôn luôn tìm cách chứng minh cho người đó thấy rằng bủn xỉn là một cái xấu. Chưa kể là cũng từ tâm lý đối kháng đó, cứ mỗi lần đi đâu về mà thò tay vô trong giỏ mà thấy mớ bạc cắc thì tự dưng tôi nhớ tới người kia. Nhớ để mà bực, thí dụ như vậy đó cũng là một dạng sống bằng tâm lý đối kháng.

Cho nên có nhiều cách khi mình sống gần một người lành hay một người ác. Một là mình sẽ lây lan họ, còn không chỉ cần sống bằng tâm lý đối kháng mình cũng thành ra một con người khác. Khác với trước đây.

Thì câu chuyện của nàng Katiyani này cũng như vậy. Khi nàng coi Đạo là số một thì sống chuyên tâm với Đạo, sống hết mình vì Đạo. Với chuyên tâm đó nàng để lại ảnh hưởng nhất định lên người khác. Ảnh hưởng tích cực.

Bây giờ mình học câu chuyện của bà Nakulamata.

Bữa hổm mình học về nàng Nakulamata rồi, các vị còn nhớ không? Câu chuyện hai vợ chồng triệu phú lần đầu gặp Phật đã gọi Ngài là người con thất lạc. Họ rất giàu, lần đầu vừa gặp Phật ông chồng liền chạy ra ôm Ngài nói :” Bà ơi con mình về rồi!”. Quí vị trong room có thể không tin nhưng tôi tin chuyện này. Chẳng qua quí vị chưa gặp cái người thương tới mức khủng khiếp như vậy. Nghe.

Ở bên Mỹ đó, Dallas, tôi có biết một người mà ngay trong lần đầu tiên gặp mặt đó tôi thương ghê lắm. Tôi thương mà tôi thích lạ lắm, mà có một cái rất là đáng tiếc, đó là một người nữ. Chớ nếu đó là một người nam thì tôi sẽ tìm hiểu vì sao mà tôi thương. Nhưng xui cái bả là nữ mà mặt mũi ngó cũng được cho nên dễ phiền! Chớ còn lạ lùng lắm. Cho tới bây giờ mà khi tôi kể chuyện này cho quí vị nghe, tôi vẫn còn nhớ rõ cái ánh mắt, cái nụ cười của người đó. Mà cứ bữa nào tôi dạy học mà tôi không thấy là tôi không hứng giảng nữa. Rồi riết trong lớp họ biết. Họ nói sư chờ một chút đi, thế nào nó cũng tới. Mà bây giờ quên rối. Nó đã thành quá khứ rồi. Khi tôi kể bà con nghe thì nó đã là an toàn rồi!

Nhưng tôi muốn mượn chuyện riêng để tôi nói rằng trên đời nó có những tiền duyên gì lạ lắm. Nhưng mà đừng có ham. Đừng có nghĩ rằng tiền duyên là tốt. Nhiều khi kiếp trước nó là kẻ thù giết cha mình đó. Và do cái tiền oan tốt trái cho nên giờ gặp lại hoặc là mình thiệt là ghét để mình hại nhau. Hoặc là thiệt là thương để mình sáp vô rồi để từ đó mới nảy ra cớ sự. Chuyện này có thiệt nghe! Nhớ nhe, chớ đừng có ham mà gặp thấy thương liền mà tưởng đó là duyên nồng giai ngẫu. Cái đó tôi xin can nghe. Tôi nhắc lại : một là gặp nhau ghét liền để có cớ đối đầu nhau. Hai là gặp nhau thương liền để có dịp sáp vô, từ đó mới đổ nợ, nghe!

Thời Đức Phật có một vị công tử đẹp lắm đi tu. Câu chuyện này trở thành bản gốc của câu chuyện Ma Đăng Già. Ngài tên là Sundarasamuddha. Ngài là con một mà nằng nặc đòi đi tu, gia đình phải cắn răng cho đi, nhưng thuê một cô danh kỹ quyến rủ Ngài. Cô này rất đẹp, ăn nói khéo tìm cách mồi chài đến suýt nữa vì cổ mà Ngài hoàn tục. Lúc đó kịp thời anh em huynh đệ báo lên Đức Phật. Đức Phật phải gọi Ngài này vào và kể một câu chuyện xưa. Là thuở xưa có một thanh niên đi học xa với một danh sư giỏi và đạo đức. Thầy rất thương chàng đến khi chàng học xong nghề thì thầy đem con gái gả cho. Cô gái theo chồng về nhà chồng làm dâu. Trên đường đi băng qua một cánh rừng thì không may bị cướp chận lại. Người chồng giỏi võ nghệ nên dẹp tan bọn cướp. Cuối cùng chỉ còn lại một tên đầu đảng. Hai người cân sức ngang tài với nhau vật nhau trên đất. Coi như “ bên tám lạng bên nửa cân” bất phân thắng bại. Thì người chồng trẻ sực nhớ một chuyện nói với bà vợ mặt tái mét đang đứng gần. Là em lấy cho anh con dao. Lúc này ai có vũ khí trong tay là đứa đó thượng phong. Nhưng anh chồng trẻ không có ngờ là vừa gặp mặt tên ăn cướp này ( tựa như Từ Hải râu hùm hàm én, lực lưỡng cơ bắp rất là “man” ). Cho nên cô vợ trẻ này phải lòng tức khắc, thay vì đưa con dao cho anh chồng thì cổ lại đưa cho tên cướp. Kết quả người chồng bị giết. Tên cướp đi với cô vợ nhưng lén lén nhìn cô này thấy ớn quá, cho rằng mới gặp mình một chút mà dám phản bội chồng thì mai đây nếu gặp người khá hơn mình chắc cũng bỏ mình thôi. Cho nên khi đến bờ sông lớn hắn kêu cổ chờ cho hắn mang hành lý đồ đạc qua bên kia sông trước rồi quay lại cõng cổ lội qua sông sau. Nhưng khi chuyển đồ đạc xong xuôi hết thì tên này bỏ đi thẳng luôn.

Ngài kể chuyện xưa xong nói “ Ngươi có biết người chồng trẻ ngày xưa đó chính là ngươi. Còn cô vợ trắc nết phản bội đó chính là người danh kỹ mà ngươi đang phải lòng. Kiếp xưa cổ đã giết ngươi một lần. Bây giờ ngươi được mang thân nam nhân, được gặp vị Chánh Đẳng Giác như ta. Ngươi lại được xuất gia ngươi lại có bao nhiêu huynh đệ bạn bè hiền thánh. Ngươi bỏ hết những cơ hội bằng vàng đó để mà quay lại với người đàn bà đã từng giết ngươi trong kiếp tiền thân , như vậy có đáng không?”.

Khi nghe Phật nói như vậy vị tỳ kheo này thấy ngay giáo lý Bốn Đế sừng sững, lừng lững ở đó. Mọi thứ là khổ. Thích trong khổ chính là nguồn khổ. Nhận ra hai cái này thì mới hết khổ. Thấy ngay như vậy đó : “Mọi thứ ở đời là khổ. Đam mê trong khổ chính là nguồn khổ. Thấy được rốt ráo hai điều đó chính là con đường thoát khổ. Bát Chánh Đạo là tên gọi của hành trình nhận thức ấy”. Cái này phải xăm lên trán, nghe. Nếu tôi có con ruột tôi cũng đè nó ra mà xăm. Vậy tu Tứ Niệm Xứ là gì? Tu Tứ Niệm Xứ là chánh niệm trong mọi sinh hoạt lớn nhỏ, trong mọi cảm xúc và mọi tâm trạng. Buổi đầu chỉ vậy thôi. Nhưng dần dần niệm mạnh thì tuệ cũng mạnh. Khi tuệ mạnh hành giả mới nghiệm ra : à thì ra đi đứng nằm ngồi là khổ. Ăn uống nhai nuốt tắm rửa tiểu tiện là khổ. Nhà cửa sở hữu thân xác quyền lực đều là khổ. Mà xưa nay ta đam mê những thứ đó chính là đam mê trong khổ. Chính đam mê trong khổ mới tiếp tục tạo ra cái khổ khác.

Vậy tu Tứ Niệm Xứ mình mới có dịp thấy ra hai sự thật này. Tứ Niệm Xứ là hành trình nhận thức chứ không gì khác. Cho nên nãy giờ tôi giảng về Nakulamata là vậy. Là nhìn duyên xưa mà giờ hai vợ chồng thương Ngài như thương con. Hơn nữa chính vì hai người này có hai ngàn kiếp sống là thân thuộc của nhau và của cả Đức Phật. Đến kiếp cuối tình ấy vẫn không phai. Còn nguyện gặp nhau đời sau kiếp khác. Nếu còn gặp lại Đức Phật ở kiếp khác thì họ tiếp tục thương quí Ngài như cũ. Đó là lý do Thế Tôn tuyên dương họ là Đệ Nhất Chung Tình. Chung tình mà xét theo khía cạnh tiêu cực là si tình, là ngoan cố, là thiếu linh hoạt sáng tạo, cứ có người cũ thương hoài. Nhưng xét trên khía cạnh tích cực, nếu đó là đối tượng xứng đáng và gặp nhau để sống thiện thì chung tình là tốt. Vì ít ra kẻ chung tình không mất thời gian cho tình cảm ngoài luồng. Thí dụ bên châu Âu có loài thiên nga rất đặc biệt. Nó là loài đệ nhất chung tình, có nghĩa là khi con mái chết rồi thì con trống suốt đời ở vậy, không cặp với con khác, dầu mấy “nàng mái” đầy trên mặt hồ hết. Ngược lại mấy nàng mái khi bị mất chồng rồi là ở góa chung thân, không đi kiếm người khác.

Tôi nói lại sự trung thành có hai, và sự chung tình cũng có hai.

Trung thành có hai là ngu trung và hiệu trung. Ngu trung là cắm đầu thờ một kẻ không ra gì mà đến chết vẫn không thay lòng đổi dạ. Còn hiệu trung có nghĩa là trung thành một cách thông minh. Thông minh thứ nhứt là chọn người để trung thành và chỉ bày tỏ sự trung thành ấy một cách cần thiết và hữu ích. Thí dụ quí vị là chủ của tôi mà kêu xúi tôi đi làm việc tầm bậy tầm bạ thì không . Trong khi quí vị cà lơ xích xụi bị bán thân bất toại, ngồi xe lăn tiêu tiểu hôi hám không còn khả năng chi trả, mà tôi là Ô shin ngày xưa. Tôi giờ tôi không bỏ chủ tôi tiếp tục chăm sóc cái đó tôi làm. Nhưng mà nếu quí vị kêu tôi bài gian bạc lận, cân dư cân thiếu để về phục vụ cho quí vị, quí vị kêu tôi làm ác thì không. Nếu vì thương chủ mà tôi cắm đầu tôi làm thì đó là ngu trung.

Còn hiệu trung là chuyện đầu tiên người chủ tôi phải lựa người như thế nào để mà tôi “bán mạng”. Đó là chuyện thứ nhứt: lựa chủ. Thứ hai là lựa việc. Có nghĩa là cái việc đó là việc cần thiết, hữu ích, việc thiện việc lành thì tôi làm. Chứ mà chủ kêu làm chuyện tầm bậy là tôi không làm. Các vị còn nhớ bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại ? Bất hiếu hữu tam là theo quan điểm của người Tàu :

Một là cha mẹ còn sống mà không phụng dưỡng.

Hai là thấy cha mẹ làm bậy mà không can.

Ba là không chịu có con nối dõi.

Nghĩa là trong ba điều bất hiếu ấy thì chuyện không có con được xem là hàng đầu.

Tôi nhắc lại ở đây là muốn nói tới chuyện không chịu can gián đó là ngu hiếu chứ không phải hiệu hiếu. Cho nên trung thành có hai là ngu trung và hiệu trung.

Cái chung tình cũng vậy. Chung tình ở khía cạnh tiêu cực là mình thương người không xứng đáng, và vì kẻ không xứng đáng ấy mà chuyện gì ta cũng làm. Còn chung tình hướng tích cực là sao? Đối tượng phải xứng đáng, và khi bên cạnh nhau chỉ cùng nhau sống thiện mà thôi. Chung tình kiểu này rất có lợi là mình không mất thời gian cho những tình cảm ngoài luồng, tức là còn thì mình yêu, không còn thì mình hưỡn. Nghĩa là còn đối tác thì còn việc. Đối tác vắng rồi thì ta rảnh để chuyên tâm sống thiện. Thí dụ trong đời tôi chỉ thương cô A (hay B, C, F gì đó) mà mai này vì lý do nào đó cổ không còn nữa thì tôi sẽ hoặc là làm cư sĩ áo trắng một đời lên chùa lên thiền viện tu. Nếu không thì tôi sẽ đi xuất gia, trái tim tôi “hóa thạch” khép cửa không nhận người mới. Còn cái kiểu tùm lum tà la “không có mợ thì chợ cũng đông” đó là chết, nghe!

Cho nên ở đây Đệ nhất chung tình, hai vợ chồng, nam đó là ông chồng mà nữ là bà vợ, hai người này được xem là Đệ nhất ( Pali) là Đệ Nhất Chung Tình. Bữa nay tôi nói một vấn đề “ngoài luồng” vì tôi là người độc thân, lấy kinh nghiệm gì mà nói về chuyện chung tình, là lãnh vực tôi là người “ngoại đạo” nữa. Nhưng mà nói về Kinh thì là như vậy đó.

Tiếp theo chúng ta học về người cuối cùng để kết thúc Phẩm Người Tối Thắng. À cái này bản dịch tiếng Việt nghe rất kỳ : “Trong các nữ cư sĩ đệ tử của ta này các tỳ kheo có lòng tịnh tín đối với lời nghe đồn tối thắng…”. Cái chữ “đối với lời nghe đồn”,” lời nghe đồn “ là cái chữ nghe như không phải là một cái hạnh, mà thấy nó hơi kỳ kỳ.

Anussaveneva có nghĩa là sự nghe lại. Nhưng anussavanapasanna có nghĩa là niềm tin không cần đối diện, niềm tin không cần nguồn xúc tác.

Trường hợp tiêu cực là tin bừa, tin thiếu cơ sở. Còn trường hợp tích cực là nhanh chóng thấy ra chỗ cần đến. Như ngài Xá Lợi Phất là chưa hề biết Phật giáo là gì hết. Mà Ngài chỉ nghe ngài Assaji nói một câu thôi: “Vạn pháp tùy duyên sanh. Vạn pháp tùy duyên diệt. Thế Tôn sư phụ của tôi đã nói rõ duyên sanh và duyên diệt của các Pháp”. Chỉ nói chừng đó mà Ngài Xá Lợi Phất thấy ra ngay 12 duyên khởi, Bốn Đế tuốt tuồn tuột, tất tần tật không sót một mảy may nào hết. Đó là người nhanh chóng nhận ra chỗ cần đến của mình.

Vậy trường hợp chưa thấy gì hết mà đã tin mới là đặc biệt. Đặc điểm của người hiền trí là thấy rõ cái mình tin và tin chắc điều mình thấy. Tại sao hôm nay mình không thấy tăng ni Phật tử dám bán mạng cho Đạo, cho Pháp học, Pháp hành, và Pháp thành. Bán mạng cho cái chuyện học Đạo, hành Đạo và chứng Đạo? Là bởi vì hôm nay chúng ta không có những bậc sư phụ có đạo lực thâm hậu như Thế Tôn và các bậc Thánh Tăng. Phải nói rõ như vậy. Cho nên mình không biết lỗi ở ai. Một nửa ở “anh” và một nửa ở “nàng”! Là sao? Đó là thời Đức Phật, chỉ nghe một câu Đạo của Ngài thì người ta dám vì Đạo mà chết. Biết Đạo buổi sáng buổi chiều dám vì Đạo mà chết. Dễ sợ như vậy. Còn mình hôm nay thì sao?- Mình không tin chắc lắm cái điều mình hiểu. Mà chính vì mình hiểu chưa tới cho nên mình cũng không dám bán mạng cho niềm tin. Mà hễ cái gì mình tin lơ mơ mình cũng không chịu bỏ thời gian ra để tìm hiểu cho tới nơi. Cái tin và cái hiểu, cái hiểu và cái tin của mình nó có vấn đề. Còn đặc điểm của Thánh nhân là thấy rõ điều mình tin và tin chắc điều mình thấy.

Cho nên ở đây nàng Kalikuraragharika này là Đệ Nhất về niềm tin không cần xúc tác. Trong số những người đệ tử có niềm tin nhanh chóng nhứt đó chính là nàng. Là vì sao?- Vì trong Chú giải có nói thế này: Trong một trăm ngàn đại kiếp nàng cũng đã có nguyện có được cái vị trí thế này trong đời một vị Phật tương lai một trăm ngàn đại kiếp sau thì nàng gặp Đức Phật của mình. Trong Kinh nói : “ Một đêm khuya chỉ nghe hai vị Dạ xoa tụng kinh Tam Bảo nàng đã chứng Sơ quả dù chưa được gặp Phật lần nào”. Hai vị đó là Satagira và Hemavata, hai vị đại quỉ vương. Tích kể rằng trong đời Phật Ca Diếp có hai ông sư trẻ cãi với nhau về Phật Pháp. Một ông là tà sư một ông là chánh hạnh. Vị tà sư đó đem lễ vật đút lót cho hai vị trưởng lão uy tín hàng đầu trong chư tăng lúc bấy giờ. Ổng ỉ ôi thế nào mà khi sự việc đem ra trình trước chư Tăng thì hai vị trưởng lão do có nhận lễ phẩm rồi nên bênh vực cho ông tà sư. Vị chánh hạnh chơn tăng vì vậy mới khóc mà than:” Hôm nay mới đúng là ngày Phật viên tịch. Lúc Phật mất thì khi ấy Đạo chưa mất. Giờ Đạo mới mất bởi chư Tăng chỉ còn trông cậy vào hai vị tôn túc long trượng trưởng lão mà giờ hai ngài lại đứng về phía ông tà sư này thì con cũng hết lời rồi. Hai Ngài biết rõ mình sai mà hai Ngài vẫn hiên ngang dõng dạc, đĩnh đạc tuyên bố như thế. Hai Ngài đã vì người mà bỏ Pháp!”.

Vị đó nói xong thì ra đi. Trong Kinh nói không ai biết vị chơn tăng trẻ tuổi đó đi về đâu. Thì hai vị trưởng lão kia dù sao cũng là những bậc long tượng tinh thâm kinh điển, nên những đêm khuya khoắt nằm nghe thằn lằn tắc lưỡi trên vách, nghe gió thổi ngoài vườn, nhìn ngọn đèn chao trong gió, trong tuổi già quạnh hiu cái gì cũng quên, còn mâm lễ phẩm kia thì đã xài hết rồi, mà lời của vị chơn tăng trẻ vẫn còn văng vẳng bên tai :” Hai Ngài đã vì người mà bỏ Pháp!”, “Hôm nay mới đúng là ngày Thế Tôn viên tịch vĩnh viễn thật sự!”. Bị hai cái câu nói đó ám nên đến giờ cận tử trên giường chết thì hai vị này lẽ ra với đạo lực tinh thâm thì có thể đi về cõi nào cũng được. Nhưng vì bị ám, bị ray rứt với niềm hối hận khôn nguôi nên hai Ngài không đi xa được. Chỉ được sanh về cõi Tứ Thiên vương là cõi dục thiên thấp nhất, làm hai vị Đại lực quỉ vương, thần lực nghiêng trời, mỗi vị hùng cứ một phương làm vua một cõi.

Trong Kinh nói cứ mỗi nửa tháng đến mùa trăng thì hai vị gặp nhau. Mà mỗi lần gặp họ cùng kể lại chuyện xưa mà khóc. Cũng có những đêm trong núi tuyết mưa gió thét gào gầm rú là bởi có những cơn đau mà hai vị này không biết trút vào đâu. Mãi đến đời Phật Thích Ca Mâu Ni thì hai vị đi nghe Đạo và chứng quả Dự lưu. (Coi như khỏe rồi đó). Có một đêm hai vị đi công việc phải đi ngang ngôi nhà của cô Kalikuraragharika này nè. Hai vị thấy cô này có Đạo tâm mà chưa biết Phật pháp nhưng cô này có một người bạn thân cũng là tín nữ. Hai vị nghĩ cô này lành, lòng tốt nên muốn trợ duyên cho cô. Lúc đó cổ đang đứng trên cầu thang trong ngôi lầu thì hai vị cố ý đọc lời bài Lễ bái Tam bảo cho cổ nghe. Thì trong đây không có nói hai vị đọc cái lời gì, nhưng qua bài Lễ Bái đó thì cổ hiểu được Bốn Đế và đắc Tu Đà Hườn, Pali là satthu adassaneneva ngay khi chưa kịp gặp được Thế Tôn.

Về sau trong một dịp đặc biệt ở chùa Kỳ Viên, Đức Phật đã xác nhận rằng :” “Trong các đệ tử của ta, nói về niềm tin mau mắn nhứt, niềm tin mà không cần đến sự xúc tác nào hết, phải nói rằng chính là nàng Kalikuraragharika này.”. Chưa gặp mặt Thế Tôn, chưa gặp mặt Tăng chúng, lại chỉ nghe qua giọng nói mơ hồ, ỡm ờ nửa có nửa không của quỉ thần trong sương khuya đêm tối, đây là một trường hợp rất đặc biệt. Phải là người có túc duyên sâu dầy lắm mới có thể đắc đạo trong một hoàn cảnh khó tin khó ngờ nhất như vậy. Tôi nhắc lại. Mình nghe một ông Tăng, một cô Ni còn dễ hình dung. Ít ra phải có gì đó cụ thể rõ ràng điển hình. Đằng này trong một đêm khuya vắng, một giọng nói liêu trai của quỉ thần mà đủ để đắc đạo thì bà này thiệt mình không ngả nón cũng lạ! Nghe, phải có niềm tin ghê gớm lắm mới vậy.

Bây giờ chúng ta đã học xong phẩm Người Tối Thắng. Học chương này bà con trong room có dịp làm quen những nhân vật hàng đầu trong hàng ngũ đệ tử của Đức Thế Tôn. Để về sau này khi quí vị nghe những Kinh khác mà có nhắc tới thí dụ nàng ( Pali), à thì biết. Rồi có nghe nhắc tới ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp, ngài A Nan, ngài Sivali… ờ, ờ tôi có học có biết. mai mốt có muốn thờ Ngài thì ít ra cũng biết ờ tích ngài Sivali nằm trong bụng mẹ 7 năm 7 tháng. Và cũng phải nhớ thêm, khi chúng tôi kể những câu chuyện xưa chúng tôi cũng đính kèm theo đó những bài học giáo lý. Thí dụ như học về ngài Sivali là học về cái hạnh xả tài chớ không phải để thờ hình tượng thần tài. Thí dụ như vậy. Cứ mỗi câu chuyện tôi tìm cách ghép vào đó những bài học giáo lý mà tôi cho là rất quan trọng và vô cùng cần thiết.

Xin cảm ơn bà con rất nhiều! Chúc các vị một ngày vui một đêm an lành!

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app