Nội Dung Chính
Kinh Tăng Chi số 009
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Ngài Sivali
Cuộc đời của Ngài Sivali, đúng là si chứ không phải sì, siva có nghĩa là sự an toàn, sự bình yên. Việt Nam cứ kêu sì, chứ đúng ra là si, Sivali.
Cuộc sống của nhân loại trên hành tinh này nói chung, rồi sự tồn tại của các đoàn thể, của các tổ chức, sức sống của mỗi gia tộc, ngay cả sức khỏe của mỗi cá nhân đều vận hành theo cái chu kỳ. Thí dụ mình nói về lịch sử, nói về bên địa chất, về thổ nhưỡng chẳng hạn, cũng vận hành theo cái chu kỳ, có những lúc lớp vỏ trái đất có những biến chuyển trong cái địa tầng trái đất, rồi cộng với khí hậu, thời tiết, nó mới tạo ra một môi trường sinh thái ecology khác nhau.
Tôi bắt đầu về Ngài Sivali một cách rất là lạc đề như vậy, tức là trong cái điều kiện địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thì hành tinh này nó có một cái diện mạo, nó có một cái tình trạng khác nhau, từ đó muôn loài mới sinh sôi, nẩy nở ở mỗi cái thời kỳ khác nhau, có thời khủng long nó sống được, nhưng có thời thì khủng long nó phải tuyệt diệt, tuyệt chủng, nhường chỗ cho cái loài khác, đó là về thế giới sinh học. Rồi nói về xã hội cũng vậy, từ đời sống của nhân loại, cho đến các đoàn thể, cho đến cái sức khỏe của mình, lục phủ ngũ tạng của mình nó cũng sinh hoạt theo chu kỳ, có lúc thì nó khỏe, đến lúc mà nó phải từ từ nó xụm xuống, từ từ, từ từ, từ từ vậy đó!
Thì Phật Pháp, cái sự tồn vong của Phật Pháp cũng không nằm ngoài cái định luật chu kỳ ấy! Bữa hôm chúng ta học rồi, học cái phần này rồi, khi mà Phật còn thì Giới Định Tuệ đều được quan tâm, khi Phật còn thì cả Pháp Học, Pháp Hành và Pháp Thành, có nghĩa là sao? Là Giáo Lý có rất nhiều người quan tâm học hỏi, rồi chuyện hành trì, giữ Giới, tu tập Chỉ Quán cũng có rất là nhiều người quan tâm hành trì, còn sự chứng đắc thiền định, thần thông, Đạo Quả thì cũng có rất là nhiều người chứng đắc. Nhưng mà theo năm tháng thì sự tồn tại của Giáo Pháp nó cũng đi theo cái chu kỳ, từ từ nó biến diệt, cho nên hồi xưa Phật còn thì những cái đặc điểm của Giáo Pháp như là Trí Tuệ, Giới Luật, Thiền Định, Tri Kiến được xem trọng, rồi từ từ, từ từ đến đời của chúng ta thì trong Pháp môn hành trì nó chỉ còn lại có đức tin thôi! Bái sám, cúng dường, hành hương vậy thôi.
Ngày xưa người ta tu Phật, cầu Trí Tuệ, cầu Giải Thoát, cầu Đạo Hạnh; còn mình bây giờ là mình cầu buôn may bán đắt. Nó theo chu kỳ, cái gì cũng chu kỳ hết! Ông Sư bây giờ mong đi tu có được cái chùa, có được đệ tử đông đông, có đồng ra đồng vô, đi nước này nước nọ, sống sung sướng, vui vui vẻ vẻ, đó là cái mục đích của đời tu bây giờ. Rồi từ đó, bây giờ mình qua Miến Điện, Thái Lan mình thấy Miến Điện còn khá hơn một chút, chứ còn qua Thái Lan là mình thấy toàn là bái sám! Mà một trong những cái đáng buồn là mấy vị Cao đồ đệ tử số một của Đức Phật, thì không thấy người ta nhắn nhở gì tới, như Ngài Ca-diếp, Ngài Anan, Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên, Ngài Ca-chiên-diên, Ngài Câu-hy-la, … không thấy ai nhắc! Mà sao tôi thấy nhắc Ngài Sivali nhiều, tại sao? Tại vì mình nghèo lâu rồi, do chiến tranh, rồi do cái cơ chế chính trị, cơ chế xã hội, từ đó nó dẫn đến cơ chế kinh tế, khu vực của mình ghèo, đất nước của mình cũng nghèo, cho tới hồi mà biết Đạo rồi, thì Ngài Xá-lợi-phất không quan trọng, Ngài Anan, Ngài Mục-kiền-liên không có quan trọng, mà cứ Ngài Sivali là quan trọng. Bây giờ mới nảy ra cái tình trạng chùa chùa, nhà nhà, sư sư, người người ai cũng thờ Ngài Sivali hết! Thật ra thì mình thờ theo cái máu thương mại!
Bữa hôm tôi có nói rồi, mỗi cái biệt hạnh của các vị đệ tử Phật là một góc nhỏ của vườn hoa Chánh Pháp, hành trì mà đúng đắn, chỉnh chu, rốt ráo lời Phật thì ta sẽ có trí tuệ, ta sẽ có thiền định, ta sẽ có thần thông, ta sẽ có phước lộc, ta sẽ có sức khỏe, ta sẽ có trí nhớ, ta sẽ có cái khả năng tinh tấn, kham nhẫn, có khả năng ly dục, có khả năng tri túc, có khả năng đầu đà, nếu một người mà gọi là tu tập hoàn chỉnh lời dạy của chư Phật, thì đều có khả năng đó hết!
Cho nên Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác Ngài khác Thanh Văn ở chỗ nào? Là tất cả hạnh lành Ngài đều đạt đến chỗ tận cùnh hết! Cho nên khi Ngài thành rồi, thì cái gì của Ngài cũng tròn trịa hết! Còn Thanh Văn thì không, đúng là lý tưởng cầu giải thoát, nhưng mà cái hướng để mà mình nghiêng nặng, để mà mình xem trọng, thì mỗi một vị mỗi khác.
Hôm nay Phật Pháp đã đi đến giai đoạn hậu kỳ rồi, mình không có còn màng nhiều lắm cái chuyện tu hành giải thoát, trí tuệ Giáo lý mình không có màng nữa, mà mình chỉ còn màng một góc nho nhỏ của Kinh điển, ví dụ như vị nào có tài lộc, vậy đó, vị nào có học trò, có đệ tử thì mình thấy coi bộ ổng có lý hơn mấy ông khác.
Thật ra cái hạnh của Ngài Sivali không có tệ, là vì sao? Vì đối với một người mà hiểu Đạo, hành Đạo thì tự nhiên có tâm hồn hào sảng, chuyện đó chuyện tự nhiên thôi. Học Đạo, hiểu Đạo mà còn bón rít, bủn xỉn là chưa có hiểu. Mà người hiểu Đạo, học Đạo và hành Đạo đúng mức lòng tự nhiên hào sảng, tự nhiên như vậy! Mà hễ có lòng hào sảng thì tự nhiên là nó sẽ tạo ra cái phước tài lộc, là chuyện tự nhiên vậy thôi. Còn mình là hiểu lầm, mình cứ tưởng là cứ cắm đầu thờ Ngài Sivali là mình giàu, mà trong khi đó mình quên bố thí, mình quên trau dồi cái tâm hào sảng! Hôm nay mình học về cuộc đời của Ngài Sivali, mà mình cứ cắm đầu mình lạy mà mình không hiểu gì hết!
Mỗi đời Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thì có mấy chục đệ tử sở trường về các biệt hạnh khác nhau, đệ nhất này đệ nhất kia, Đức Phật của mình cũng vậy, Ngài cũng có các vị Đệ tử cao đồ, nhất cái này nhất cái kia, trong đó có Ngài Sivali là đệ nhất về tài lộc. Tài lộc là làm sao? Ngài Xá-lợi-phất là biểu tượng cho Tuệ học, Ngài Mục-kiền-liên là biểu tượng cho Định học, Ngài Ca-diếp là biểu tượng cho cái tinh thần Ly dục – tri túc, mỗi vị là một cái biểu tượng, riêng Ngài Sivali là biểu tượng cho cái tinh thần Xả tài.
Chuyện đời Ngài Sivali là cái tấm gương xả tài, chứ không phải là hình tượng thần tài, còn mình thì mình cứ thờ Ngài vậy đó, mình thờ cái vụ thần tài mà mình quên cái vụ xả tài, xả tài ở đây không phải là mình cúng 8 tỷ, 15 tỷ, không phải, mà xả tài là tâm hồn xả tài, coi cái tình người nó quan trọng hơn là tài sản, coi cái lòng mà hào sảng nó quan trọng hơn là cái chuyện tích lũy, nắm bắt. Cái đó mới quan trọng! Cho nên nói đến Ngài Sivali là mình phải nói là tôi thờ cái tinh thần xả tài, chớ không phải là tôi coi Ngài là ông thần tài, cái này quan trọng vô cùng, vô cùng và vô cùng!
Đời xửa đời xưa, Ngài vào gặp một Đức Phật quá khứ, Ngài thấy có một vị Tỷ-kheo được tuyên dương là Đệ nhất tài lộc, Ngài thích lắm, Ngài thích không phải như mình đâu, Ngài thích là Ngài thích cái tinh thần xả tài. Cũng giống như mình thờ Quán Âm là mình thờ cái tinh thần từ bi, chớ không phải mình thờ Quán Âm để mình có chuyện mình réo, nhiều người thờ lộn! thờ mà quên! Thờ Quán Âm là thờ cái tinh thần từ bi lắng tai nghe cuộc đời coi ai cần gì thì mình giúp, đó là mình thờ Quán Âm, thờ đúng là thờ vậy đó, chứ không phải thờ để mà có cái gì bà thò tay bà kéo, bà níu mình bà giúp. Tây có câu hay lắm, Tây không có thờ Quán Âm, mà Tây nói một câu còn hơn Quán Âm nữa, Tây nói thế này: Cầu nguyện lúc nguy cơ không phải để thoát nạn, mà để có thêm cái bình tĩnh lúc nguy cấp. Cái câu này phải xăm lên trán: cầu nguyện lúc nguy cơ hay nguy hiểm, không phải để thoát nạn, mà để có thêm cái bình tĩnh mà tất cả các chuyên gia cứu hộ trên thế giới, dầu cứu hộ đường bộ hay đường không, đường thủy đều có chung một cái nhận định như nhau rằng thì là: trong tất cả mọi tình huống nguy hiểm, khẩn cấp, cái khả năng mà thoát nạn của cái người bình tĩnh luôn cao hơn cái kẻ hoảng loạn, cao gấp mấy lần! trong mọi tình huống kể cả gọi là đường tơ kẻ tóc, chuông treo chỉ mành! Thì cái người bình tĩnh luôn có cơ hội thoát thân, thoát nạn, thoát chết nhiều hơn là cái người hoảng loạn. Cho nên người ta nói rằng cầu nguyện thông minh là phải cầu nguyện trong cái nhận thức là cầu để có cái bình tĩnh, rồi từ cái bình tĩnh đó đó, thì mình mới thoát nạn, và nếu có ra đi thì cũng ra đi bằng cái sự thanh thản và bình tĩnh! Chứ không phải ra đi mà cái mặt tái mét là không có được, mà lúc người ta liệm nhìn xấu lắm!
Thì Ngài Sivali Ngài thấy một vị Tỷ-kheo mà có cái hạnh xả tài ngài thích quá đi, Ngài mới nguyện đời sau sanh ra có dịp nào đó là một vị Tỷ-kheo cũng Đệ nhất xả tài. Việt Nam mình thờ lộn, thành ra là từ cái xả tài nó quẹo qua cái thần tài! Thấy không, người ta tu để người ta buông, còn mình tu để mình nắm! Đó, nó khổ vậy đó! người tu buông, người tu nắm! nó khổ vậy đó, người bắt, người buông!
Bữa hôm tôi có nói rồi, khi mình nguyện cái gì, thì kể từ ấy trở đi ta bèn có một kiểu sống, một kiểu suy tư, kiểu hành động, ta có một cái sinh phong, có một cái sinh phức mà nó tương ứng với cái hạnh nguyện đó, thì ta được gọi là Bồ Tát! Thí dụ như mình nguyện hạnh Trí tuệ là từ đó mình phải thiết tha học hỏi, thiết tha cầu đạo, thiết tha tham vấn; mình cầu thần thông là mình phải thiết tha đến Định học, không có sống phóng dật, thất niệm nữa, đó là mình nguyện và hành cái Bồ đề tín, Bồ đề hạnh, Bồ đề nguyện nó mới ăn khớp với nhau! Đằng này khoái giàu mà quên xả tài! Khổ vậy, ham trúng số mà làm toàn chuyện trúng gió không hà.
Cho nên khi mà Ngài bắt đầu nguyện cái ngôi vị mà đệ nhất xả tài- đệ nhất tài lộc, là đời đời sanh ra cứ thấy có dịp giúp người ta là giúp liền. Bữa hôm tôi có nói rồi, người có nhiều phước bố thí thì đời đời sanh ra giàu có, nhưng không phải luôn luôn, bởi vì sao? Vì đôi lúc trong cái đường sanh tử, mình cũng có lúc mình có cái tâm bủn xỉn, mỗi lần mà có một cái tâm bủn xỉn nó xuất hiện , trong vòng 3 giây, 6 giây thôi, thì cái tâm đó nó sẽ gieo cái mầm nghèo khó cho mình trong một kiếp nào đó. Thí dụ như bây giờ tôi 3 ngàn kiếp liên tục tôi rất là hào sảng, nhưng có một đôi lần tôi kẹo, tôi thấy cho uổng quá, hoặc là tôi cho rồi tôi tiếc, thì chính cái uổng, cái tiếc này thì 3 ngàn kiếp liên tục tôi là người cực kỳ hào sảng cho nên tôi đẻ ra tôi luôn luôn là đẻ ra trong hủ nếp, đẻ ra trên đống bạc không hà, nhưng mà có vài lần tôi có cái lòng mà toan tính, cho nên tôi cũng bèn có vài cái kiếp mà sanh ra nó nghèo le lưỡi luôn!
Thì Ngài Sivali cũng vậy, kể từ lúc mà phát nguyện trở thành một Tỷ-kheo Đệ nhất tài lộc là mình phải có cái hạnh xả tài, mà hễ có hạnh xả tài thì coi như là hưởng không hết, nhưng mà cũng có lúc nghèo chớ, làm thú được mà, đi địa ngục được mà, xá gì là làm con nhà nghèo! Thì nhằm cái kiếp đó là Phật Tỳ-bà-thi ra đời, Ngài nghèo quá đi, Ngài đi làm công cho người ta mà thấy thiên hạ cúng dường trai Tăng , Ngài thì muốn quá mà có gì đâu, có cái xà loỏng mà không được lành nữa chứ, xà loỏng mà rách tùm lum như cái rổ vậy đó, Ngài lấy cái gì mà cúng? Thì Ngài mới đi làm thuê làm mướn, Ngài chỉ được trả công có một hủ mật ong thôi, tại vì cái chuyện của Ngài làm không có đáng gì, cho nên là tận sức rồi đó, thì người ta thưởng cái công, người ta nói: Bây giờ cái số tiền mà ông được trả thì một là lấy tiền hai là lấy hủ mật ong. Ông nói thôi lấy hủ mật ong. Ông mới đem về cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng trong cái lễ trai Tăng, ông hùn có cái hủ mật ong, mà ông nguyện:
– Mai mốt con đừng có nghèo nữa, con nhức đầu quá, con nghèo cái khó nó bó cái khôn, con không có tính gì được hết trơn, con bây giờ gia tài con có cái hủ mật ong này là coi như con dốc túi con cúng, (vì cái câu này, cái câu này quan trọng: vì con dốc túi mà con cúng) cho nên đời sau đừng bao giờ con bị cái cảnh dốc túi nữa!
Nhớ cái câu này: vì hôm nay con dốc túi mà con bố thí xả tài, nên đời đời con đừng có bao giờ gặp cái cảnh phải tiếp tục dốc túi nữa. Làm phước khôn như vậy đó.
Chưa hết đâu, luân hồi nhiều kiếp, đến đời Phật Ca-diếp, Ngài làm một Tỷ-kheo chuyên tu tinh tấn, đạo hạnh kim ngưu, bữa đó Ngài đi trai Tăng ở nhà phật tử, người ta cúng dường bữa ăn thật là ngon lành, xong rồi trên đường về Ngài gặp một con chó cái ốm gầy trơ xương, cả bầy chó con bu lại nó rút vào bầu vú của con chó mẹ mà nó bú, mà hỏi bú gì nổi, con chó mẹ nó ốm như là cái bộ xương cách trí mà sữa đâu mà sữa!
Tôi nhớ hồi nhỏ ở chùa, Sư cả-Sư phụ của tôi lâu lâu ông về, mấy ông Sư bu lại: Bữa nay Sư về Sư có sữa không Sư? Tại tụi tôi dắt chiều đói dữ lắm, cứ trông Sư cả đi Sài gòn về thế nào cũng có sữa hà, sữa ông thọ đó, nhưng mà tụi tôi hỏi tắt, tụi tôi hỏi: Bữa nay Sư đi Sài gòn về có sữa không Sư? Thì bữa đó Sư mệt quá, Sư nói: Trời đất ơi, tôi ốm vầy mà sữa đâu! khổ quá! Tôi nhớ tới bây giờ đó: ốm vầy mà sữa ở đâu! Nói vậy thôi, chứ lần nào về mà không có, cái móc túi đưa tiền cho người chạy ra mua mấy lon về pha cho mấy ông thầy chùa con uống, đại khái như vậy.
Thì Ngài thấy con chó mẹ Ngài thương quá thương, rồi Ngài mới nghĩ trong bụng Ngài nói: thôi bây giờ mình có gì đâu trời, Ngài mới móc cổ ra Ngài mửa, phần gia tài một ông thầy chùa một ngày có một bữa ăn đó thôi, mà bữa ăn ngon nữa chứ, lâu lâu ăn một bữa bồi dưỡng bổ sung vitamin này nọ, chất sắc, chất đồng nhôm thau kẽm thiết, thì bây giờ thấy vậy không có cầm lòng được, không nhẫn tâm thấy nó đói vậy đó, móc họng mửa ra hết cho con chó mẹ nó ăn, nó ăn để nó có sức để nó nuôi bầy con, mà quý vị biết không, ở trong room này có biết bao nhiêu người giàu có nghe cái này gớm chết, phải không, nghe cái này quý vị thấy khinh Ngài, nhưng tôi thì không, cái bố thí đó mới là xả tài đó, coi như là bán mạng mà bố thí đó, bố thí mà không cầu danh, không cầu lợi, bố thí mà không cần trời đất biết tới, không cần thiên hạ hay biết, cái đó mới ghê đó! Có nghĩa là tận tuyệt, dốc lòng, hết tình, cạn tàu ráo máng, móc họng ra mửa, khi mà con người mà nó sống mà nó hết cái tình như vậy, đời đời sanh ra là Ngài coi như Ngài chỉ ho một cái thôi, là ăn ngập mặt.
Đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì Ngài sanh làm một hoàng tử, sanh vô bụng cô công chúa, nhưng mà kiếp xưa có cái chuyện hơi lấn cấn thế này là tronh đời quá khứ có một lần Ngài với bà mẹ hiện tại-bà mẹ kiếp chót này, cũng sanh vô dòng hoàng tộc, thì Ngài là vua, mẹ là thái hậu, rồi cất quân đi đánh xứ người, mà dân trong xứ đó ở trong cái thành lũy kiên cố, đánh hoài không được, thì hai mẹ con của bà thái hậu, bà bàn với ông vua: bây giờ công thành, phá thành không được, vô không được, mà bỏ đi thì tiếc, mất mặt, thứ hai nữa mình đã lỡ tới đây rồi, thôi bây giờ cứ bao vây, tụi nó trong đó ra không được, ở ngoài vô không được, thì tụi nó thế nào cũng đầu hàng. Hai mẹ con bao vây cái thành đó trong 7 ngày thì thấy dân tình nhớt nhát, rồi thám báo về nói trong thành chắc sắp sửa đầu hàng, bởi vì con nít, người già coi như bữa nay là rả rời hết rồi, thì hai mẹ con thấy tội nghiệp quá, nghĩ thôi kệ nó, mình trở về xứ mình, còn cho họ ở xứ của họ, chứ mắc gì đi đánh, không biết được cái gì, mà thấy tội nghiệp, thôi hai mẹ con mới rút quân. Chỉ bao vây có 7 ngày vậy đó, thì dĩ nhiên mình hiểu ngầm là trong thành biết bao nhiêu cái chuyện bất tiện, biết bao nhiêu cái sinh hoạt khó khăn, bệnh hoạn, đói khát tùm lum, đói không có ăn, không có uống, bệnh không có thầy thuốc, cái thành bị nhốt trong đó mà! Cho nên hai mẹ con chết rồi bị đọa địa ngục, rồi từ đó trở lên hai mẹ con cứ toàn là bị cầm tù, bị kẹt phà, kẹt đò, để mà ở trong cái chỗ mà mình không có muốn, cứ tối ngày cứ bị kẹt không hà, kẹt phà, kẹt đò, hoặc bị ở tù, bị giam, bị nhốt nhiều đời như vậy.
Thì đến cái đời cuối cùng gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, bà mẹ là công chúa lấy chồng, bà có mang, bà có mang 7 năm, 7 tháng. Chữa trâu là 10, 11, 12 tháng là chữa trâu, còn cái này nó lên tới chữa voi luôn, coi như là 7 năm 7 tháng không có dấu hiệu gì hết, là cái bụng nó lớn tới mức độ đó rồi nó ngưng luôn, nó đứng ngang vậy đó, mà thầy thuốc bắt mạch thì mạch tượng rõ ràng là bào thai còn mạnh, chớ không phải thai lưu … mà coi như đủ 7 năm 7 tháng, bắt đầu bà mới chuyển dạ, mà Ngài không chịu ra, Ngài cứ ra tới cửa là Ngài nằm ngay chỗ đó, hồi đó tới giờ nằm trên bụng, rồi xuống tới dưới rốn, ra tới cửa thì nằm ở đó không chịu ra nữa, mà suốt 7 ngày, nó đau coi như lên tới trời luôn, thì lúc đó bà mẹ là công chúa Suppavàsà, mới nói với chồng:
– Anh vào lạy Phật, nói em muốn lạy Phật mà em vô không có được, lâu quá mới gặp Thế Tôn, cho em gửi lời đảnh lễ Thế Tôn, nói là em đau lắm.
Thì ông chồng vào lạy Phật, rồi ông chồng nói Suppavàsà nhắn như vậy đó, đau quá không có vô lạy Phật được, nhờ con lạy dùm. Thì Phật mới nói thế này:
– Mong cho Suppavàsà mẹ tròn con vuông.
Ngay khi Thế Tôn nói cái câu đó thì lập tức ở nhà, Suppavàsà lâm bồn và sinh ra một cậu bé cực kỳ kháu khỉnh, tóc tai đầy đủ, cực kỳ thông minh đỉnh ngộ. Thì hôm sau, gia đình mới quyết định thỉnh Phật và chư Tăng về nhà cúng dường, mừng quá xá mừng, thứ nhất là bà hết đau, thứ hai ra một cậu bé quá xá là dễ thương, kháu khỉnh, bụ bẩm, mà nó xui một chỗ là khi mà đến thỉnh Phật hôm sau về trai Tăng, thì Phật từ chối, Phật nói rằng có một đệ tử của Mục-kiền-liên thỉnh rồi, thỉnh một tuần lễ rồi, thì họ nói:
– Bạch Thế Tôn, duyên sự đặc biệt quá, chúng con xin thương lượng không biết có được hay không?
Thì Phật nói rằng hãy đến hỏi Mục-kiền-liên. Thì hai vợ chồng mới đến gặp Ngài Mục-kiền-liên, Ngài Mục-kiền-liên mới đi đến thương lượng với đệ tử, Ngài nói:
– Bây giờ cái duyên sự của người ta như vậy đó, người ta mang thai như vậy mà bây giờ người ta sanh con, người ta mừng quá sức mừng, mà cái đứa bé này nó là Đại Thanh Văn, chứ nó không phải là cái xác phàm, nó thuộc về Na-tra tái thế, chứ không phải thường, mà bây giờ đâu có (trai Tăng được),tội nghiệp, nhường người ta được không?
Thì ông đệ tử nói:
– Dạ Sư phụ kêu thì con nhường, kêu con chết con còn chết được xá gì cái lễ trai Tăng! Bây giờ thế này, con sợ lắm, con nhường rồi mai mốt con lỡ mà sau 7 ngày nhường đó, rồi con không có cơ hội làm phước làm sao? Thôi bây giờ vầy, Ngài kêu con nhường thì con nhường, nhưng mà con xin Ngài bảo đảm cho con 3 chuyện: chuyện thứ nhất là con có sống hơn 7 ngày để con chờ hay không?
Thì Ngài Mục-kiền-liên Ngài chỉ nhíu mày một cái là nhập Định rồi xuất Định biết ngay:
– Được, cái đó Ta bảo đảm, ngươi sống trăm tuổi, chứ không phải là 7 ngày nữa, ngươi đủ thời gian ngươi chờ, chờ đến lúc mà Phật tịch rồi ngươi cũng còn.
Điều thứ hai là:
– Tôn giả bảo đảm cho con là sau 7 ngày đó tài sản con còn nguyên, không bị tịch thu, không bị thiên tai, nhân họa chiến tranh, không bị trôm cướp, chứ không thôi lúc đó con tán gia bại sản rồi cũng mệt cho con.
Ngài Mục-kiền-liên Ngài nhíu mày một cái nữa, Ngài nói:
– Rồi Ta bảo đảm, ngươi ăn ba kiếp cũng không có hết.
Tới điều thứ ba, đó là:
– Ngài phải bảo đảm cho con là 7 ngày nữa đức tin của con vẫn ok, lỡ mà lúc đó con khùng con không tin Tam Bảo nữa, con trở thành là đoạn kiến vô thần, phỉ báng Phật Pháp rồi làm sao?
Tới đây Ngài Mục-kiền-liên Ngài không còn nhíu mày nữa, đặc biệt! cái Kinh mà chỗ này mình đọc mình mới thấy đặc biệt! Cái chỗ này Ngài không có dùng thần thông, mà Ngài muốn dạy cho ổng một bài học, Ngài nói:
– Không, Ta chỉ bảo đảm cho con là con sống trăm tuổi, Ta hứa, Ta thấy tánh mạng con ok, tài sản con ok, nhưng mà cái Đạo tâm của con, cái Tín tâm của con thì con phải tự liệu lấy! Chứ không thầy bà nào mà liệu cho con hết, bởi vì nếu mà trên đời này có cái người này mà bảo đảm được cái Đạo tâm của người kia, thì thế giới này nó đâu có mà như con thấy!
Thì ổng nghe như vậy ổng bèn quỳ xuống trước Ngài, ổng nói:
– Dạ con hiểu rồi, cái điều thứ ba này con xin bảo đảm!
Đọc tới chỗ này mình mới thấy đặc biệt, ông nói:
– Thôi được rồi, Sư phụ hứa hai điều đầu, điều thứ ba con gánh, con bảo đảm 7 ngày nữa con vẫn ok.
Thì sau đó, Ngài mới về Ngài báo lại cho vợ chồng bà Suppavàsà biết. Bà Suppavàsà bắt đầu mới tổ chức trai Tăng, thiết lễ trai viên, cúng dường Thế Tôn và Tăng chúng suốt 7 hôm. Thì lúc đó cậu bé Sivali chạy lăng xăng lăng xăng lăng xăng lăng xăng, thì Ngài Xá-lợi-phất Ngài hỏi:
– Bảy năm trong đó con có thấy ngán lắm không? Con có thấy sợ luân hồi không? Con có muốn đi xuất gia không?
Thì cậu gật đầu liền:
– Con muốn lắm, con sợ lắm, 7 năm ở trong đó con sợ dữ lắm, con không muốn tái diễn cái chuyện đó nữa.
Bà Suppavàsà đang đứng hầu cơm chư Tăng, thì bà Supavàsà mới thắc mắc không biết con mình nói gì với Ngài Tướng quân Chánh Pháp, dễ sợ không! Mới tinh chưa quen biết lần nào, mà lại nói thôi líu lo, líu lo, líu lo, thì bà không biết là nói cái gì mà nói líu lo líu lo líu lo, thì bà lại gần bà hỏi là:
– Nó nói cái gì vậy bạch Ngài.
Ngài mới nói:
– Hỏi nó có sợ đầu thai nữa không, nó nói nó sợ quá rồi, nó muốn đi tu.
Thì bà nói:
– Dạ nếu nó muốn thì xin Ngài cho nó đi tu.
Dễ sợ chưa, bà là phật tử đã đắc Tu-đà-hườn, thế là cậu bé đi tu và cậu bé trở thành ra là một vị gọi là Đệ nhất tài lộc, đi tu rồi khi đi bất cứ đâu, mà có Ngài là coi như thức ăn, Y áo, chỗ ở, thuốc men cúng dường tấp nập.
Và nhân cái sự kiện mà Đức Phật và chư Tăng đến khu rừng keo thăm Ngài Revata, sau chuyến đi đó, Đức Thế Tôn trở về Kỳ-viên và Ngài long trọng tuyên bố trước mặt bốn chúng rằng:
– Trong đệ tử của Ta, Đệ nhất tài lộc là Sivali, trong những hoàn cảnh mà đệ nhất ngặt nghèo, ai cũng buông xuôi niềm tin, thì hễ có Sivali là mọi việc suôn sẻ, đặc biệt là vấn đề vật chất là không có gì phải lo, dầu sa mạc, hoang đảo, rừng sâu, núi cao, ở đâu có Sivali thì ở đó có tài lộc!
Chuyện về cuộc đời Ngài, có một lần đó Ngài mới thử:
– Bạch Thế Tôn, con muốn biết là trên đỉnh núi cao hoang vắng không người, con có thể lo liệu đời sống của 500 vị Tỷ-kheo được hay không, xin Thế Tôn cho phép con.
Thì Ngài nói:
– Được, muốn thì cứ làm.
Giống như Ngài Mục-kiền-liên, có thần thông đi chỗ này, đi chỗ kia, còn Ngài thì Ngài muốn thử một lần, Ngài mới đem 500 Tỷ-kheo lên đỉnh núi mà hoang vu, cao quá đến vắng bóng chim bay, mây xám mù mịt trên đó, đệ nhất ma thiên nước độc. Mà khi Ngài đem 500 Tỷ-kheo lên đó, thì ôi thôi một thị trấn bỗng dưng thình lình xuất hiện, nhà cao cửa rộng, chư Thiên, Long vương, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, các chúng Thiên Long Bát bộ, đều xuất hiện để mà cúng dường cho Ngài và 500 Tỷ-kheo y như dưới phố, thì lúc đó Ngài mới xác định mình đúng là đệ nhất.
Giống như Ngài Xá-lợi-phất một buổi chiều đó, Ngài nhập thiền Quả xong Ngài xuất định, Ngài mới suy tư về Phật Pháp ngược xuôi, xuôi ngược, Ngài suy tư mấy chục ngàn vấn đề trong một buổi chiều đó, xong rồi Ngài mới xác định: đây mới đúng là đỉnh cao của Trí Tuệ Thanh Văn mà ta đã đạt được, trong cái Tam thiên đại thiên thế giới, ngoài Thế Tôn không ai có thể làm được cái việc như ta vừa làm. Tuy nhiên ta vẫn còn là một đệ tử của Thế Tôn, chỉ là một đệ tử. Rồi Ngài mới suy nghĩ thêm: một bậc Đạo Sư như Thế Tôn thì chắc chắn là chư Phật quá khứ chỉ có bằng chứ không có hơn, và chư Phật trong vị lai chắc chắn cũng chỉ bằng chứ không có hơn. Ngài nghĩ như vậy rồi Ngài mới vào Ngài lạy Phật, Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, chiều nay trong lúc xả thiền, con đã làm như vậy, con đã suy tư về Giáo Pháp Thế Tôn theo các chiều thuận nghịch ngược xuôi, bữa nay là cái bữa mà con sống hết mình với Trí Thanh Văn của con và con mới nhận ra là con đã có một bậc Đạo Sư là Thế Tôn, một bậc Đạo Sư mà con nghĩ rằng chư Phật ba đời muời phương chỉ bằng chứ không có hơn.
Nếu nay bằng cái tâm tình của một người như chúng ta trong cái suy nghĩ ước lượng như chúng ta nghe đệ tử nói như vậy, chúng ta có lẽ một là gật đầu, hai là rất là vui, vui ra mặt, vui kín đáo, nhưng mà không, Đức Phật thì không, Ngài hỏi Ngài Xá-lợi-phất:
– Xá-lợi-phất có biết gì về chư Phật quá khứ, vị lai, Xá-lợi-phất có hiểu gì về cái sở hành, cái công hạnh của chư Phật ba đời mười phương mà Xá-lợi-phất nói như vậy. Xá-lợi-phất có bao giờ thử tìm hiểu về cái cảnh giới của các đấng Như Lai Toàn Giác hay không?
Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Dạ không, con không có khả năng đó.
Đức Phật nói:
– Nếu ngươi không có khả năng đó mà ngươi lại nghĩ rằng không ai hơn Ta thì đó là đại ngôn.
Bạo ngôn, Ngài không có nói sai, mà Ngài nói đó là tiếng gầm của sư tử, thì Ngài Xá-lợi-phất nói:
– Dạ đúng, con nghĩ con đã có cái đại ngôn, nhưng mà con nghĩ con không có sai, bởi vì tối thiểu con cũng hiểu tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải đoạn trừ năm triền cái, mới đắc được tận cùng Thiền Chỉ, tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải thấy rõ Bốn Đế, 12 duyên khởi thì mới đắc thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả chư Phật ba đời mười phương đều phải hoàn mãn 37 Phẩm Trợ Đạo mới trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác, thì con nghĩ rằng đó là cái con đường mà tất cả chư Phật đã đi, thì con nghĩ không có khác nữa, nếu mà không có gì khác thì con nghĩ, con dựa vào đó mà con nói rằng không ai hơn Thế Tôn .
Tôi vừa kể Chú Giải của Kinh Tự Hoan Hỷ, tôi giảng theo Chú Giải, chứ còn coi theo Chánh Tạng thì không có bao la bát ngát như vậy đâu.
Ngài Vakkali
Ngài Vakkali là một vị Tỷ-kheo được xem là đệ nhất Tín Giải Thoát, có nghĩa Ngài là vị duy nhất mà bằng cái sức đẩy vô song của Tín tâm, lấy cái niềm tin vô song không ai sánh bằng, lấy đó làm cái nền để mà phát triển tuệ quán.
Người ta thì người ta tu thiền chỉ, có thần thông, có thiền định, người ta mới lấy cái đó làm nền để người ta tu thiền quán, nói chung là mỗi vị có một kiểu, riêng Ngài thì Ngài an trú ở trong niềm tin bán mạng.
Ngài là một công tử, có một lần Ngài đi nghe Pháp, Ngài nhìn thấy hảo tướng của Thế Tôn, Ngài nghĩ liền: Đời này ta không thể nào rời xa cái con người này được nữa, ta chỉ có muốn bỏ hết mọi sự trên đời để ngồi yên mà chiêm ngắm cái tôn nhan của Thế Tôn, của Đạo Sư thôi!
Ngài đẹp như vậy, có đọc mấy cái này mình thấy Đức Phật đẹp thiệt, rất là đẹp, chứ không phải hảo tướng là tướng quý không đâu, quý khác đẹp khác, bởi có nhiều tướng quý nhìn nó dị lắm, còn Đức Phật là âm thanh, ánh mắt, giọng nói, đôi khi hữu sự Ngài cũng mỉm cười, nụ cười đẹp nhất Tam thiên đại thiên thế giới.
Thì Ngài Vakkali Ngài thích quá, Ngài buông hết, Ngài đi tu. Trong Chú Giải có nói thế này: Tato patthàya kể từ đó thapetvà àhàrakaranavelam ngoại trừ ra có cái giờ ăn thôi avasesakàle yattha thite sakkà dasabalam passitum tattha thito yonisomanasikàram pahàya dasabalam olokentova viharati ngoại trừ giờ sinh hoạt cá nhân như ăn uống vệ sinh thì Ngài cứ dành hết thời gian để Ngài ngồi Ngài nhìn Đức Phật, nghĩa là trừ cái giờ sinh hoạt cá nhân ra là cứ đi đứng nằm ngồi có dịp là cứ nhìn Đức Phật thôi.
Có một ngày kia, Đức Phật Ngài xét thấy rằng vị này phải có một cú sốc thì mới thay đổi cái kiểu sống được, chứ còn cái kiểu này là cái tuệ căn giác ngộ của vị này không có phát triển, không có lớn mạnh, không có chín mùi, không có thuần thục được, cho nên Đức Phật Ngài mới quở:
– Cái thân bất tịnh này có đáng gì mà ngươi cứ nhìn, cứ thích thú chiêm ngắm như vậy. Hãy ra đi apehi hãy lên đường, hãy đi chỗ khác đi, Như Lai không có muốn ngươi ngồi nhìn Như Lai nữa.
Trong Chú Giải nói rằng: câu nói của chư Phật àdeyyavacanà luôn có một thần uy lực lạ lắm, người ta không có dám cãi, cho nên khi mà nghe Phật nói như vậy, thì Ngài buồn lắm, Ngài bỏ đi suốt ba tháng không thấy Phật, Ngài không muốn sống nữa, Ngài nói: Thôi, bây giờ sống làm chi mà không thấy được bậc Đạo Sư. Lúc Ngài có cái ý tự sát, thì lúc đó Đức Phật Ngài phóng quang, trong đây kêu là obhàsam vissajjesi phóng hào quang tới, Ngài nói:
– Vakkali hãy đến đây.
… đây gọi là balavapìti tức là niềm hân hoan, Pháp duyệt-Pháp hỷ mãnh liệt dâng trào lên, cho nên ngay lúc đó Ngài không có thần thông, nhưng mà tự nhiên Ngài bay bổng lên, ở đây có chữ Buddhà ca nàma àdeyyavacanà, Ngài bay bổng lên bằng cái tâm hoan hỷ, Ngài xuất hiện trước Đức Phật và Đức Phật giảng cho Ngài nghe một câu kệ ngôn đại ý như thế này:
– Một vị Tỷ-kheo mà sống hoan hỷ trong Phật Pháp, thì mới có cái hy vọng đi được trên Con đường Giải thoát Thanh tịnh, tu mà không có vui thì lấy cái nhựa sống đâu mà tu, cho nên phúc thay cho Tỷ-kheo nào mà sống trong Đạo này mà có niềm vui, có tín tâm, nhưng mà (kết thúc câu này mới hay) niềm vui nào, tín tâm nào cũng không bằng cái niềm vui của giây phút mà chấm dứt các hành sankhàrùpasamam sukha!
Nhớ: Tỷ-kheo sống trong cái Đạo này thì phải có niềm vui, phải có tín tâm thì mới có hy vọng đi trên Con đường Giải thoát, nhưng mà rốt ráo trên tất cả, đi bằng niềm vui, đi bằng tín tâm trên con đường đó, nhưng để hướng đến mục đích rốt ráo sau cùng là sự tịnh chỉ các hành, không còn để danh sắc có mặt nữa, không còn tiếp tục tử sanh, hiện hữu, tồn tại trên đời này nữa.
Ngài nghe xong Ngài bèn đắc Quả La-hán, cùng với Bốn tuệ phân tích, Lục thông và Ngài bước xuống trên hư không, dễ sợ chưa. Và về sau trong một cái ngày thích hợp trước mặt đại chúng ở Kỳ-viên, Đức Phật đã long trọng xác nhận, tuyên dương Ngài Vakkali rằng:
– Trong đệ tử của Ta, cái vị mà lấy cái niềm tin làm nền tảng để mà tu tuệ quán, chính là Vakkali.
Cho nên chúng ta nhớ một điều, vì sự có mặt của chúng ta trong đời này chỉ là sự có mặt của 6 căn, sự có mặt của chúng ta dầu là sự có mặt của con ruồi, con giòi hay là của một vị Phạm thiên, hay là của một bậc Hiền Thánh, thì tất cả mọi sự có mặt chỉ là sự có mặt của 6 căn. Sự có mặt của mình là sự có mặt của 6 căn và cũng chính từ 6 căn mà chúng ta tiếp tục có mặt, cho nên siêu cũng là 6 căn mà đọa cũng là 6 căn, luân hồi là bằng 6 căn, về cõi khổ là cũng do chúng ta sử dụng 6 căn thế nào, mà về cõi lành cũng là do chúng ta sử dụng 6 căn thế nào. Té ở đâu thì đứng lên chỗ đó, sanh tử do 6 căn, thì giải thoát cũng do 6 căn, có người do nghe Đạo mà đắc, có người do nhìn mà đắc, có người do chịu đựng một cơn đau mà đắc, có người bằng một suy nghĩ mà đắc, như vậy thì từ 6 căn mà ta luân hồi, từ 6 căn mà ta giải thoát.
Ở đây Ngài Vakkali, đúng là Ngài tu bằng tín tâm, tu bằng niềm tin, nhưng phải nói Ngài đã tận dụng con mắt của Ngài một cách cực kỳ thông minh.
Cho nên tôi nói trên đời này không có một cái gì, không có cái cảnh sắc nào mà nó hay hơn là hình ảnh của Đức Phật, không có hình ảnh nào mình nhìn mình thấy mà mình có phước ngoại trừ hình ảnh Đức Phật.Tôi nói như vậy không có nghĩa là sau cái buổi giảng này, bà con dốc túi đi tậu một bức tượng đẹp tuyệt vời, cực kỳ đắt đỏ thì không, nhưng mà tôi muốn gợi ý thôi, thờ Phật là phải thờ bức tượng nhìn có hoan hỷ! Bởi vì mỗi lần mình nhìn bức tượng mình hoan hỷ là mình đang tu bằng con mắt, xưa giờ trong vô số kiếp sinh tử mình sa đọa là vì con mắt, vì lổ tai, bây giờ mình dùng con mắt để mà mình tu, mình tu bằng mắt, tu bằng lổ tai, tu bằng những nỗi khổ niềm đau, tu bằng những suy tư hợp lý, suy tư thông minh, tất cả đó là giải thoát bằng 6 căn, còn cái người không biết Đạo, không hành Đạo, không học Đạo thì họ lại sa đọa trầm luân vì 6 căn.
Câu chuyện về Ngài Vakkali là một bài học cho chúng ta thấy rằng té ở đâu thì đứng lên ở đó, ta đã vì 6 căn mà sa đọa thì tại sao ta không biết dùng 6 căn để mà giải thoát.
Ngài Ràhula
Ngài Ràhula là con trai của Thái tử Tất-đạt, nhiều người nói là con của Đức Phật, mà mình không có nên nói như vậy, mình không nên nói con của Đức Phật, mà mình phải nói là con trai của Thái tử Tất-đạt.
Ở đây mình thấy một chỗ là tại sao mà Ngài Ràhula và Ngài Ratthapàla được kể gần nhau, là bởi vì trong nhiều kiếp liên tục hai vị này có một cái quan hệ bằng hưu sinh tử chi giao rất là sâu đậm, nghĩa kim bằng! Nghĩa kim bằng rất là đá vàng. Cách đây 100 ngàn đại kiếp, thì Ngài Ràhula, con của Thái tử Tất-đạt, và Ngài Ratthapàla, dịch ra tiếng Việt là Bảo Quốc, rattha nghĩa là đất nước, pàla là bảo vệ, ratthapàla là bảo quốc, cũng giống như asoka tôi dịch là mạc sầu, hoặc là tiêu phiền, có chỗ dịch là vô ưu.
Cách đây 100 ngàn đại kiếp, thì hai vị này là bạn thân, thân lắm, hai ông là hai ông bá hộ giàu có lắm, mỗi ông bá hộ thờ một vị thầy đạo sĩ, Ngài Ratthapàla lúc đó Ngài cũng thờ một ông Đạo sĩ làm thầy, giống như vua Tịnh Phạn mà thờ ông A-tư-đà làm sư phụ, thì hai ông bá hộ này cũng mỗi ông thờ một ông Đạo sĩ đắc thiền ngũ thông, thì Ngài Ràhula cũng thờ một Đạo sĩ, vị đó cũng đắc thần thông mà cứ buổi trưa vị đó ăn cơm xong hay đi xuống dưới Long cung dưới đáy biển nghỉ trưa, mà cứ lâu lâu vậy ông hay kể: Trên cõi người này nó nóng nực, bụi bặm, hôi hám mà thấy gì đâu vàng có một miếng nhỏ xíu quý lên quý xuống, trong khi đó ở dưới Long cung vàng bằng khối ở dưới, còn ngọc ngà là như trái dưa hấu, như trái dừa khô nằm lăn lóc không ai thèm lượm hết, mát lạnh, thơm ngát, sung sướng lắm. Lâu lâu ổng hay kể vậy đó: Dắt trưa trưa ta nằm dưới chân mấy viên ngọc như dừa khô, dưa hấu nằm lăn lóc lăn lóc không ai lượm, ở trên cõi người mình gì đâu mà viên ngọc bằng hột tiêu, bằng trái nhản nó quý, nó giành giựt sống chết.
Còn ông Đạo sĩ mà thầy của Ngài Ratthapàla thì ông cũng đắc thần thông, dắt trưa trưa ông hay lên cõi trời để ông nghỉ trưa cho mát, (thì dĩ nhiên chúng ta cũng hiểu ngầm một điểm rất là khoa học đó là ở những cõi đó không có oxygen như mình, cho nên cái người mà lên được trên đó phải là người có cái khả năng không cần thở nữa mới được. Mà muốn hóa hiện thần thông là phải đắc tứ thiền, cho nên đối với người đắc tứ thiền thì cái chuyện hơi thở đối với họ có cũng được không cũng được), rồi cứ lâu lâu ông hay kể cho học trò nghe, ông nói: Thiệt cái cõi người nó không có ra cái gì hết đó, lên cõi trời mà nhìn thấy chư Thiên trên đó rồi, về nhìn cõi người giống như đống rác vậy đó, nó vừa hôi mà nó vừa xấu, bất tịnh, yểu thọ, ồn ào.
Thì hai sư phụ cứ mỗi ngày lâu lâu hốt cho đệ tử một than vậy đó, hốt riết rồi hai ông đệ tử bị nhập tâm, một ông ăn rồi thì cứ mê sanh về Long cung, đó là Ngài Ràhula, còn Ngài Ratthapàla thì cứ mơ sanh về cõi trời. Mà các vị biết không, cúng dường hộ độ cho người đắc thiền phước báo lớn lắm, bởi vì họ là người ly dục mà, cho nên hai ông bá hộ này chết rồi, một ông sanh về trời làm Đế Thích là Ngài Ratthapàla về trời làm Đế Thích, còn Ngài Ràhula chết rồi sanh về Long cung, xui không, gặp ông Sư phụ, ông không có xúi nhưng mà ông cứ như là khích lệ khích lệ khích lệ vậy đó, khích lệ riết coi như đệ tử dính luôn, bởi vậy mình phải nhớ cẩn thận, thầy với bạn quan trọng lắm, cái phước duyên của mình mà mình gặp ông thầy kiểu nào là ổng dắt mình đi một hồi là mình đi theo cái quỹ đạo của ổng, cái đó may rủi hên xui!
Thì Ngài Ràhula chết rồi Ngài về Long cung Ngài làm Long vương, còn Ngài Ratthapàla về trời làm Đế Thích, lúc đó là Phật Padumuttara ra đời, chư Thiên muôn cõi xuống chầu hầu nghe Pháp, cúng dường, lễ Phật, trong số đó có Đế Thích. Đế Thích xuống nghe Pháp thích quá thích đi, gặp Thế Tôn có hảo tướng rồi Pháp âm vi diệu, ông thích quá ông mới chợt nhớ cái người bạn cũ, ông nói: Cái này mà ông bạn mình mà ổng gặp Phật là thôi ổng thích biết là chừng nào, ngày xưa coi như là gặp được hai ông Đạo sĩ là hai anh em đã thấy phê rồi, bây giờ mà gặp Đức Phật và Thánh Chúng kiểu này thì thôi là còn nước non nào nữa. Cho nên là ổng mới bèn xuống Long cung ổng nói:
– Bây giờ có một vị Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, thì bây giờ sư đệ làm sao mà thỉnh được Ngài xuống đây mà trai Tăng cúng dường thì nó mới phỉ nguyền.
Ngài Ràhula nghe vậy thích lắm, Ngài lên cõi người thỉnh Đức Phật và chư Tăng trai Tăng. Thì Đức Phật Padumuttara Ngài biết hôm nay là Long vương thỉnh mình xuống, tánh tình như thế nào, căn cơ ra sao Ngài biết, cho nên Ngài đặc biệt cố ý kêu cái vị Tỷ-kheo mà là con ruột của Ngài lúc còn tại gia, vị Phật nào cũng có một người con giống như Ngài Ràhula vậy đó, Ngài cố ý dắt vị đó theo. Đức Phật có 32 hảo tướng, thì người con dĩ nhiên cũng có 32 hảo tướng, đẹp lắm, xuống dưới trai Tăng xong xuôi rồi, Đức Phật Ngài mới nói với vị Tỷ-kheo đó:
– Con thuyết Pháp đi!
Vị đó là Lục thông, Tam minh, Bốn trí vô ngại thuyết ào ào… , Long vương thấy thích quá, Long vương không có nghe, không thèm nghe, không thèm hiểu, không thèm nhớ gì hết, cứ ngồi ăn rồi cứ dòm chăm chăm cái ông Tỷ-kheo thuyết Pháp, ông phê quá phê, ông đợi thuyết Pháp xong, ông mới hỏi một vị Tỷ-kheo:
– Cái vị này là ai mà sao giống Thế Tôn như hai giọt nước vậy?
Thì các vị nói:
– Cái vị này là con ruột của Ngài lúc Ngài còn tại gia đó, bây giờ đi xuất gia đắc A-la-hán rồi đó.
Ông thích quá, ông mới quỳ sụp trước mặt Đức Phật Padumuttara, Long vương mới khấn thế này:
– Phước lành mà cúng dường Thế Tôn và Thánh chúng, con xin nguyện đời sau con được làm một Tỷ-kheo mà là con ruột của một vị Bồ Tát kiếp chót.
Thì Đức Phật quán xét cái căn duyên, Ngài thấy được, Ngài thọ ký, Ngài nói:
– Một trăm ngàn đại kiếp nữa, sẽ có một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác giống như Ta ra đời, thì lúc đó ngươi sẽ là con ruột của Ngài trước khi mà Ngài xuất gia thành Đạo, lúc đó ngươi sẽ có cái tên là Ràhula, mẹ của ngươi là Bimbà Yasodharà (tức là Da-du-đà-la).
Ngài nói xong rồi Ngài trở về dân gian. Thì lúc đó Đế Thích khi mà thấy ông kia nguyện như vậy, Đế Thích mới nhớ ra là mình rất là mong được một vị trí quan trọng trong đời Phật tương lai, cho nên trong một lần xuống nghe Pháp, Đế Thích thấy Đức Phật Padumuttara tuyên dương một vị xuất gia vì niềm tin – Ngài Vakkali là đắc Đạo vì niềm tin, còn Ngài Ratthapàla là xuất gia vì niềm tin không ai bằng, thiết tha, dám bán mạng, lấy cái chết để đổi cái áo tu, cho nên mới gọi là đệ nhất xuất gia vì niềm tin, thì Đế Thích chú nguyện:
– Bạn con nguyện trở thành con của vị Phật tương lai, còn con nguyện trở thành Đệ nhất Tín xuất gia.
Rồi Đức Phật cũng thọ ký cho, sau khi luân hồi nhiều kiếp, đến kiếp chót cuối cùng thì Ngài Ràhula sanh vào làm con của bà Da-du và Thái tử Tất-đat, còn Ratthapàla thì sanh vào làm con của một gia đình đại phú gia ở xứ Koravya xứ Kuru, Ngài lớn lên rồi thì Ngài cũng có mấy bà vợ, bữa đó Ngài nghe Đạo xong Ngài thích quá, Ngài mới về Ngài xin đi tu, thì ba má mới nói thế này:
– Trời ơi gia tài mình muôn hộ như thế này không có người kế thừa, có một mình con hà, con nghĩ làm sao mà con bỏ con đi tu!
Gia đình dứt khoát từ chối, thì Ngài mới nhịn ăn, Ngài nhịn đến mức mà coi như gia đình thấy nóng ruột quá, gia đình mới nói thôi ok bây giờ con cứ đi tu, chớ bây giờ để vầy là con sẽ chết. Thì khi mà gia đình đồng ý, Ngài đi tu, Ngài đi xuất gia trong thời gian ngắn, Ngài đắc A-la-hán Lục thông, Tam minh, Tứ tuệ phân tích. Bữa đó Ngài đi bát trở về cái làng xưa, thì Ngài gặp lại cái cô người hầu đày tớ gái trong villa của Ngài, cô đang xách nguyên một cái xô cháo thiêu đi đổ, thì Ngài đang ôm bát, Ngài nói:
– Cô ơi, nếu mà cái xô cháo là xô cháo thiêu, đồ bỏ, đồ vất đi, thì thay vì cô đi cô đổ tùm lum, thôi cô đổ vô cái bát của tôi nè.
Mình đọc cái này mình mới tin A-la-hán là cái tâm của họ đúng là vô ngại! Tôi đọc tới đó lạnh xương sống, nguyên một cái xô mà cháo thiêu, mình không biết nó ăn nó khạt nhổ, nó bỏ tầm bậy tầm bạ vô trong đó ai mà biết, nhưng mà Ngài nói cứ hễ mà đó là đồ bỏ, đồ vất đi, thì đổ vô bát của tôi. Thì bả đổ hết vào xong bả mới ngước lên nhìn, trước đây bả không nhìn mà bây giờ bả mới dám nhìn là bên Ấn độ người giai cấp thấp ra đường chỉ biết cuối đầu lầm lũi đi như con thú, ngước mặt mà nhìn mà trúng cái dân cao quý là nó đánh cho chết, thậm chí cái bóng của người quý tộc mình cũng không được quyền dẫm lên, mình thấy nó đi vậy đó là mình nép qua một bên, mà đám quý tộc mà nó dẫm nhầm cái bóng của cái thằng hạ cấp là nó về nó tắm 3 tháng. Cho nên cô này cổ biết thân lắm, ra đường cứ lầm lầm lũi lũi, nghe như vậy nghe quen quen vậy thôi, thì cổ mới đổ cái xô vô, lúc đó tu sĩ tràn ngập mà, Ấn độ bây giờ cũng vậy, tu sĩ đầy đường, không gặp đạo này cũng gặp đạo kia, nhưng khi mà cổ đổ xong cổ nghe giọng nói quen cổ mới ngước cổ thấy, cổ mới chạy đôn chạy đáo ba chân bốn cẳng chạy về nói cho bà chủ:
– Bà ơi, thiếu gia về rồi, về ở ngoài đầu làng, thiếu gia đi ăn xin, cầm cái bát, mà con đâu có biết đâu, rồi thiếu gia kêu con đổ cái xô cháo thiêu vô bát thiếu gia, con đâu có dám dòm, con đổ đại mà sao lúc con đổ con thấy giọng nói quen quen, con nhìn lên con thấy thiếu gia, trời đất ơi tội nghiệp lắm, bây giờ không có tóc tai gì hết, trụi lủi hà, quấn cái Y củ xì mà ôm bình bát mà ăn cháo thiêu.
Thì bà chủ nói:
– Nếu mà đúng là thiếu gia công tử của con mà về, là kể như bữa nay con được không còn là nô lệ nữa, con thành là người nhà luôn.
Thì bà mới cho người chạy ra đi tìm, thì đúng thấy Ngài ngồi ở gốc cây, mới mời Ngài về nhà. Ngài về tới nơi, thì nói:
– Tại sao con không có đi vô nhà con ăn, mà con ăn ở ngoài đường, ăn đồ thiêu.
Ngài nói:
– Hồi xưa tôi còn ở nhà thì đây là nhà của tôi, nhà của ba má tôi, bây giờ tôi đi xuất gia rồi, tôi là người của muôn phương, cơm bánh của tín thí là muôn nơi chứ không có ăn riêng của nhà ai hết, không nhà, lục thân bất nhận.
Thì gia đình nói thôi ngày mai về nhà ăn cơm, mà được không? Ngài nói được. Thì hôm sau Ngài về thì gia đình mới cho đổ hai cái đống vàng, đống bạc, mà người đứng bên đây không thấy người đứng bên kia, đổ ra cho Ngài thấy nó lấp lóa, nó chói lòa để Ngài mê. Xong rồi kêu mấy cô vợ trang điểm thiệt là đẹp, lạng qua lạng lại để cho Ngài động lòng trần, Ngài đừng có đi tu nữa. Nhưng mà không ngờ khi Ngài dùng cơm xong rồi, Ngài thấy họ bắt đầu giở trò, Ngài nói thế này:
– Đem hết hai cái đống này đổ xuống sông, ít có gieo họa hơn là cho người khác, thà mình đem hai cái đống này đem liệng xuống sông thì không có hại ai, nhưng mà nếu mà lấy hai cái đống này mà lấy nó để mà hưởng dục, hoặc đem cho người khác để họ hưởng dục là mình đẩy người ta vài cõi đọa.
Mặc dù nghe Ngài nói mình cũng hơi tiếc của thiệt, nhưng mà nghĩ Ngài nói đúng, giống như trong Kinh kể có ông Đạo sĩ đi với mấy người đệ tử, đi ngang cái bụi rậm ông liếc thấy có cái chum vàng, mấy đệ tử nói:
– Sư phụ, hình như cái chum vàng hả sư phụ?
Sư phụ nói:
– Rắn độc đó, đừng có nhìn nữa, đi, đi tiếp.
Thì mấy thầy trò mới về sơn động, thì hai ba ngày sau mới biết chuyện này: có một đám thợ rừng đi gặp hủ vàng đó, nó mừng lắm, bắt đầu nó chia với nhau, mà trong lúc chia nó động lòng tham, tổng cộng là ba thằng , thằng Tèo, thằng Tí, thằng Tủn là ba thằng nó mới chia nhau cái hủ vàng, nó chia xong rồi, mới bàn với nhau là bây giờ mình ăn mừng đi, cử một thằng đi mua thức ăn, thằng đó nó mua thức ăn rồi nó bỏ thuốc độc vô để về nó giết hai thằng này, đại khái như vậy, còn hai thằng ở nhà đấu với nhau để mà lấy luôn phần của bạn mình, cuối cùng vì cái hủ vàng đó mà huynh đệ tương tàn cuối cùng chết sạch hết, đứa thì bị chém, đứa thì bị đâm, đứa thì ăn nhầm đồ có thuốc độc chết hết.
Thì ở đây cũng vậy, mình phải nói là nếu mà nói cho rốt ráo, thì tất cả những phương tiện vật chất, dùng làm phương tiện tu tập thì tốt, chứ nếu mà có một chút tơ hào nào mà được vận dụng cho mục đích hưởng thụ đó là con đường đi xuống, ta phải nói với nhau như vậy, dầu chúng ta có dễ duôi cách mấy chúng ta tu hành có giống con giòi đi nữa, nhưng mà về cái điểm này chúng ta phải nhìn nhận là Ngài nói đúng, Ngài nói là đem liệng hai cái đống này xuống sông nó không có gây hại cho ai, nhưng mà lấy hai đống này mà hưởng dục thì đi xuống là cái chắc. Đó là Ngài nói về hai cái đống vàng, còn mấy cô kia lạng lạng thì Ngài nói thế này:
– Kìa nhìn xem cái khuôn mặt tô đầy những phấn, những sáp, những hương hoa mỹ phẩm dầu thơm, vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu, nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Ngài đọc một loạt mấy bài kệ rất là hay, Ngài Minh Châu dịch rất là thơ mộng, các vị vào ở trong Trung Bộ, bài Kinh Ratthapàla.
Ngài nói xong rồi Ngài dùng thần thông Ngài bay mất tiêu, Ngài bay vào vườn ngự uyển, thì ông vua xứ đó bữa giấc trưa ông tính đi ra vườn nghỉ, thì ông nghe người ta báo ngoài đó có vị Sa môn, ông mới ra tới nơi, ông thấy Ngài đẹp trai, mà ông biết xuất thân của Ngài, ông nói:
– Trời ơi Ngài con của ông bá hộ trẫm biết, mà Ngài tuổi xanh, khỏe mạnh, xinh đẹp khôi vĩ tuấn tú như thế này, vì đâu mà Ngài đi xuất gia?
Ngài mới nói rằng:
– Vì ta thấy những điểm này mà ta bỏ đời ta đi: thế gian là vô hộ vô chủ, ra đi bỏ tất cả.
Ông vua hỏi vô hộ vô chủ là sao, Ngài Ratthapàla nói:
– Mình đến với cuộc đời này tay trắng, mình ra đi trắng tay, vô hộ vô chủ là vậy, có nghĩa là nhất khoảnh điền, thiên niên vạn chủ, một cái nhà, một miếng đất, chỉ trong 100 năm bể dâu rồi đổi qua mấy đời chủ, chừng đó chưa đủ chán hay sao, thấy như vậy mà tôi đã đi xuất gia.
Ngài Ratthapàla là vậy đó, là Đệ nhất xuất gia vì niềm tin, là vì Ngài dám lấy cái mạng để đổi lấy cái áo tu.
Còn Ngài Ràhula thì sau khi mà luân hồi nhiều kiếp, thì cuối cùng sanh ra làm con của Thái tử Tất-đạt, mà quý vị biết không, nhiều sử gia hôm nay mà họ ghi về đời Đức Phật, họ có một nhận xét đích đáng, mặc dù có chút hiểu lầm, họ nói rằng nếu mà đọc phớt phớt qua thì gia đình của Tất-đạt là một gia đình đại phúc, nhưng mà nếu đổi ra đời sống ở nhân gian mà nói thì gia đình của Tất-đạt, đời sống của Đức Phật tổ Thích Ca Mâu Ni là một mảnh đời bất hạnh, đẫm lệ, vì sao? Vì mới sinh ra 7 ngày thì mồ côi mẹ, sau đó đi lấy vợ sớm, thánh Gandhi lấu vợ năm 13 tuổi, Thái tử Tất-đạt lấy vợ năm 16 tuổi, 13 năm sau Ngài có đứa con đầu lòng, hai vợ chồng bằng tuổi nhau, trong cái ngày mà đứa con trai đầu lòng vừa sanh ra thì cũng là cái ngày mà vợ Ngài phải mất đi một người chồng, bởi vì Ngài bỏ đi tu, còn Ngài bắt đầu dấn thân vào hành trình sương gió, đói khát, nóng lạnh, bệnh không thuốc uống, đói không gì ăn, lạnh không gì mặc, suốt 6 năm trời khổ hạnh. Cuối cùng thành Phật rồi thì lại sống cuộc đời của một người hành khất, rày đây mai đó, ăn xin đầu đường xó chợ, đó là cách nói của các sử gia, và bị không biết bao nhiêu kẻ tị hiềm ghen ghét, tìm đủ mọi cách ám toán, hãm hại, vu oan, điều tiếng đủ điều! Rồi đứa con của Ngài là Thái tử Ràhula mới vừa sanh ra chưa thấy mặt cha là đã mất cha, cha bỏ đi biền biệt, còn bà Da-du mang tiếng là công chúa, vậy mà bao nhiêu năm, từ năm 29 tuổi đã là vò võ khuê phòng, một mình đêm đêm mà nhìn trăng, đúng là như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng, buồn như vậy đó quý vị.
Rồi cuối cùng sau đó đi tu, Ngài Ràhula, Ngài sống được có năm mươi mấy tuổi Ngài tịch, 7 tuổi là đã xa mẹ rồi, thì bữa đó Ngài thấy Phật về, bà Da-du nói:
– Cha con biết rất là nhiều chỗ chôn tài sản, những hầm châu báu quý lớn lắm, mấy cây số to lắm, con lại con hỏi cha ơi cha xin cha giao quyền thừa kế cha chỉ chỗ, rồi con tha hồ làm vua con hưởng.
Nhưng mà khi Ngài Ràhula mới 7 tuổi chạy theo Phật, thì hỏi Ngài:
– Ngài cho con mấy cái phần tài sản của Ngài đi.
Ngài nói:
– Ta sẽ cho con cái quý hơn mà cái con xin nữa.
Xong rồi Ngài mới nói với Ngài Xá-lợi-phất đem dắt về chùa cho cạo đầu đắp Y cho đi tu luôn. Coi như là từng người trong gia tộc của Ngài, nếu mà nói bằng cái nhãn quang của người đời thì toàn là những người bất hạnh không hà. Nhỏ xíu phải xa cha, xa mẹ, sống ăn ngày một bữa, nắng gió, mưa sương, đói lạnh, sống như vậy, mà cũng không có thọ, năm mươi mấy tuổi mất rồi, tội nghiệp!
Nhưng mà Ngài có cái hạnh đặc biệt lắm, trong Kinh kể năm đó Ngài 18 tuổi, Ngài đi xuất gia năm 7 tuổi, Ngài đi bát, Đức Phật đi đằng trước, Ngài đi đằng sau, thì trong Kinh nói Ngài nhìn Đức Phật có mấy chục tướng tốt, Ngài nhìn lại mình cũng có mấy chục tướng tốt, Ngài mới suy nghĩ: Thế Tôn là voi cha, voi chúa, còn mình là voi con, không ai bằng mình hết trơn, mình là đệ nhất diễm phúc. Thì lúc đó Đức Phật đang đi, Ngài mới dừng lại, Ngài nói:
– Cái tấm thân này có gì đáng để mà ngươi kiêu ngạo như vậy?
Sau đó buổi chiều Ngài về Ngài mới dạy cho Ngài Ràhula tam tướng của 6 căn, của 5 uẩn, Ràhula nghĩ làm sao, vì sau buổi ăn Ngài về Ngài mới nói với Ngài Ràhula là chúng ta sẽ đi vào rừng, ở đó hai thầy trò, Đức Phật mới hỏi Ngài Ràhula:
– Ngươi nghĩ sao, sắc thọ tưởng hành thức này là thường hay vô thường? Cái gì là vô thường cái đó là khổ hay vui? Cái gì là khổ thì cái đó có đáng để mình nói nó là của tôi, là tôi hay không? Đó là 5 uẩn, rồi nói 6 căn, cũng vậy, mắt tai mũi lưỡi thân, sắc thinh khí vị xúc, là thường hay vô thường, mà nếu nó là vô thường thì nó khổ hay vui, mà nếu nó là khổ thì nó có đáng để mình nói nó là bản thân mình, hoặc là của mình hay không?
Và rất nhiều rất nhiều bài Kinh, mà trong Kinh nói đặc biệt lắm, sau cái giờ ăn của Ngài hôm đó, khi mà Đức Thế Tôn Ngài nói với Ngài Ràhula là chúng ta sẽ đi vào rừng, thì lúc đó có mấy ngàn chư Thiên họ đi theo, họ nói hôm nay chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến cái cảnh mà Thế Tôn dạy con. Đặc biệt lắm, rất là đặc biệt.
Và Ngài có cái hạnh hiếu học là như vầy, trong các đệ tử Đức Phật, Ngài được Đức Phật tuyên dương là Đệ nhất hiếu học Sikkhàkàmà, là sao? Là mỗi sáng như vậy đó, Ngài hốt một nắm cát, Ngài tự hứa với lòng mình: Hôm nay ta sẽ học chừng này Giáo Lý từ Thế Tôn, từ các vị Tôn túc. Mà các vị tưởng tượng đi, một người đã thông minh như vậy đó, mà hiếu học như vậy đó thì cái biết của Ngài trời biển cỡ nào!
Trong Kinh nói có cái lần đó bữa trưa, Đức Thế Tôn nằm nghỉ bên trong phòng, phía trước phòng Thế Tôn có một cái mái hiên rộng lắm, đẹp lắm, mát mẻ lắm, thấy mát tốt mà vắng nữa, Ngài Ràhula ra đó Ngài nằm nghỉ trưa, lúc đó Ngài đã đắc A-la-hán rồi, năm đó Ngài vừa tròn 20 tuổi, lúc đó Ác ma Thiên tử suy nghĩ thế này: Trên đời này làm gì mà không có cái phụ tử tình thâm, không có gì hơn phụ tử tình thâm, nếu bây giờ mình không tấn công Đức Phật được, mình tấn công con của Ngài chắc là Ngài nóng ruột dữ lắm, để coi coi Ngài phản ứng ra làm sao. Thì Ác ma mới hiện xuống hóa thành một con voi to đùng, lấy cái vòi quấn Ngài Ràhula, quấn xong rồi rống một tiếng long trời lỡ đất, dễ sợ như vậy, các vị coi lộng hành như vậy, mà Đức Phật đang nằm bên trong, mà Ngài Ràhula đang nằm ở mái hiên, mà Ác ma dám xuống làm cái chuyện đó!
Bởi cho nên hôm nay ai nói với tôi là sợ ma mà niệm Phật, tôi nói thôi thôi cho em xin đi, ngày xưa Đức Phật Ngài còn tại thế mà còn có chuyện này chuyện kia, bây giờ nói niệm Phật mà ma không dám nhát, thì cái đó em không dám tin vụ đó! Còn nói rằng chư Tăng cầu an, tôi nói an gì nỗi mà an, Ngài Mục-kiền-liên Đệ nhất thần thông mà bị người ta bầm như tương tàu, bà Uppalavannà Đệ nhất thần thông bên Ni mà bị người ta cưỡng hiếp, dòng Thích Ca mấy ngàn người mà lúc Đức Phật còn tại thế, lúc đó Ngài Mục-kiền-liên cũng còn sống, mà mấy ngàn người dòng Thích ca bị tàn sát mà có ai cứu được ai đâu, cái nghiệp nó tới mà! Vậy đó mà bây giờ cứ quởn quởn là thỉnh chư Tăng tụng Kinh, con nít khóc đêm ngủ không được cũng thỉnh chư Tăng tụng Kinh, đeo dây niệt, dây bùa, dây ngũ sắc, bà già ngủ giật mình cũng thỉnh tụng Kinh, rồi ho hen, nhức đầu, cảm mạo, phong hàn thời khí gì cũng thỉnh tụng Kinh, mà trong khi đó mình quên mất rằng là không có hành Tứ Niệm Xứ thì không có bộ Kinh nào mà cứu mình được hết trơn đó!
Thì khi Ác ma quấn lấy Ngài Ràhula mà rống to lên một tiếng như vậy, thì lúc đó Đức Phật Ngài nằm trong cốc Ngài biết hết, Ngài mới đọc lên một bài kệ ngắn thôi, Ngài nói rằng:
– Dầu cho Ác ma mà có làm một ngàn lần, một trăm ngàn lần như vậy, thì con trai Như Lai cũng không hề hấn gì.
Bởi vì Ngài biết là không thể nào mà giết Ngài, mà Ràhula được mấy cái nghiệp chưa có tới mà, thì không thể nào giết được. Thêm nữa nếu mà làm cho Ngài Ràhula sợ thì lại càng không được, bởi vì Ngài là vị A-la-hán! Thân Ngài-Ngài coi như nó là nắm cát thôi, thì lấy gì mà sợ!
Cho nên Ác ma biết là: Thế Tôn đã biết ta và ta cũng không làm gì được cái vị Tôn giả trẻ tuổi này. Cho nên Ác ma lập tức biến mất tại chỗ.
Đó là chúng ta học về Ngài Ràhula.
Ngài Kunda Dhàna
Ngài Kunda Dhàna là người gắn liền với một sự kiện, chứ còn nếu nói hạnh thì cũng không có gì là hạnh, chư Phật vị nào cũng có một đệ tử như vậy.
Trong các đệ tử của Ta, đầu tiên nhận phiếu ăn cơm, tối thắng là Kunda Dhàna.
Nhận phiếu ăn cơm là sao? Salàka là cái thăm, cái thẻ để rút thăm, thí dụ như bây giờ tôi có một món đồ mà tôi muốn đem hiến tặng đến đám đông, đồ thì chỉ có một, mà đám đông có tới 10 người, thì làm sao cho nó công bằng? thế là làm 10 cái thẻ, trong đó chỉ có một cái thẻ duy nhất là có, rồi tất cả thẻ kia ta để trống, tôi để trong cái ống, mỗi người tự rút, hễ người nào rút trúng cái thẻ mà có chữ có, thì coi như là được nhận cái món đồ đó. Các vị tưởng tượng chư Tăng, nhiều khi trong chùa có 5 vị, 10 vị, có nhiều khi là hai ba chục vị, có khi là vài trăm vị, thời Đức Phật nhiều khi tới mấy ngàn vị, rồi trong chùa có những cái lợi lộc, hoặc là lễ phẩm cúng dường, và có những bữa người ta mời đi trai Tăng, người ta mời được tới 20 vị, 10 vị, 15 vị, mà chùa đông quá, thì bây giờ lựa ai cho công bằng, thì cách hay nhất đó là rút thăm, để công bằng nhất.
Thì cái vị này được xem là tối thắng là vì sao? Là bởi vì, (cái chuyện này nó hơi dài như thế này, đúng ra tôi cũng không thèm kể làm chi nữa, nhưng mà không kể thì tội nghiệp), đó là chuyện bắt đầu từ ông Cấp Cô Độc có 4 đứa con, ba gái, một trai, thì người con gái đầu tiên gọi là Mahàsubhaddà, người con gái tiếp theo là Cùlasubhaddà, subhadda là hiền nữ, một người là Đại hiền nữ, một người là Tiểu hiền nữ, một người nữa là Sumana có nghĩa là thiện chí hay là sự vui vẽ, mà sumanà cũng có nghĩa là hoa lài, jasmine, nhưng mà trong trường hợp này thì nó có hai nghĩa luôn, vì sao? Là vì chúng ta biết rằng Mahàsubhaddà là người con gái lớn, Cùlasubhaddà là con gái thứ Ba, còn Sumana là con gái út, rồi ông có người con trai tên là Kala, da đen thui nên kêu là Kala, đứa con trai này không có tin Phật Pháp, rồi ông phải dùng tiền ông dụ nó, ông nói mỗi lần con đi nghe Pháp, thọ Bát quan trai cha cho con một ngàn đồng vàng, mà được có mấy lần đứa con đắc Tu-đà-hườn luôn, đó là nói về đức con trai út của ông, còn ba người con gái đầu tiên là Mahàsubhaddà rồi Cùlasubhaddà đều đắc Tu-đà-hườn hết, mà xui là họ lấy nhầm ông chồng trời ơi tà kiến, đặc biệt là cô Mahàsubhaddà này lấy người chồng tà kiến ở xứ Ugga, rồi cô lấy chồng một thời gian, cô nhớ Phật, nhớ chư Tăng quá đi, thì cô mới nói với chồng:
– Hồi đó tới giờ anh mời mấy ông thầy ngoại đạo của anh tới, thôi bữa nay tới phiên em, em mời sư phụ của em tới em cúng dường, chứ còn nhà gì đâu mà anh mời được, mà em mời không được là sao?
Thì bà nói vậy xong, ông gật đầu, xong rồi bà mới cầm một bó hoa lài thơm phức, bà đi lên lầu bà mới chú nguyện, bà nói:
– Xin Thế Tôn hãy nhận cái hoa này thay cho cái lời thỉnh của con, con không có tiện lui tới xa xôi, từ xứ Ugga xa xôi ngàn trùng xin Thế Tôn nhận lấy cái số hoa này thay cho lời thỉnh của con ngày mai đến thọ trai.
Quý vị tưởng tượng khi Thế Tôn còn tại thế, giữa thầy trò có cái mối liên lạc xuất sắc như vậy. Sau khi mà bà nguyện như vậy xong, bà mới đưa hai tay bà thảy cái chuỗi hoa lài lên hư không, và cái chuỗi hoa đó biến mất và lúc đó Đức Phật đang thuyết giảng ở chùa, Ngài thấy cái chuỗi hoa đó xuất hiện, Ngài biết, cho nên sáng hôm sau Ngài mới nói với Ngài Anan:
– Bữa nay chúng ta sẽ đi bát rất là xa, đi đến trai Tăng ở nhà của người ta, cho nên trong thỉnh chúng hôm nay phải toàn là những vị có thần thông, những vị La-hán có Lục thông.
Thì Ngài Anan nói dạ, Ngài mới đi ra cầm mấy cái thẻ ăn cơm:
– Mọi khi thì rút thẻ, nhưng bữa nay thì không, bữa nay thì xin cho mấy vị nào là Lục thông, thì mới lấy, còn mấy vị mà biết mình không phải Lục thông thì đừng có đi, đi bữa nay cái chỗ này nó hơi đặc biệt, vì nó xa lắm phải đi bằng thần thông.
Ngài Kunda Dhàna, ngày xưa Ngài cũng từng gặp vị Phật quá khứ, Ngài cũng nguyện kiếp sau Ngài được cái này cái kia, nhưng đến đời Phật Thích Ca mình thì Ngài sanh vào gia đình Bà-la-môn, Ngài được đặt cái tên là Dhànatissa, cuộc đời Ngài gắn liền một cái chuyện rất là kỳ bí, tức là hồi Ngài ở ngoài đời thì ok không có chuyện gì đặc biệt, nhưng kể từ lúc mà Ngài đi xuất gia thì có chuyện lạ là hễ mà Ngài đi đâu, là sau lưng Ngài luôn luôn thấp thoáng một cô con gái mà coi như ăn mặc sửa soạn nhìn đã đời lắm, ở đám đông thì không có, mà hễ khi nào mà Ngài đi cái chỗ nào mà hơi có một mình Ngài một chút, thì thấp thoáng có phụ nữ ở sau lưng, kỳ quá kỳ đi, riết rồi Ngài đi bát là người ta thấy sau lưng Ngài có một cô đi sau lưng Ngài, rồi hồi đầu thì người ta thấy kỳ, mà riết rồi người ta cũng quen mắt, thấy Ngài không có làm gì bậy bạ, chỉ có con gái đi theo sau lưng thôi, chứ còn Ngài không có làm gì bậy bạ. Cho nên Ngài đi bát có nhiều người thì họ có cái ý châm chọc, họ múc cho Ngài hai vá cơm, hoặc là cho Ngài hai trái chuối, hai cái bánh, họ dặn cái này của Ngài, còn cái này của cổ nha! Ngài khổ tâm Ngài bực mình lắm, mà mấy ông Sư trẻ trong chùa mới nói Ngài là vô liêm sỉ, (tiếng Pali gọi là konda, khi mà chia thì là kondo là bỉ ổi, vô liêm sỉ, kondo giống như chữ côn đồ của mình vậy đó),bởi vì sao? Là vì ông Sư mà sao đi đâu cũng có dấu phụ nữ vậy đó. Thì từ đó cái tên của Ngài ngoài đời là Dhànatissa, nhưng mà khi mà Ngài đi đâu cũng có cái cô đi theo, người ta không có kêu Ngài Dhànatissa nữa, mà người ta kêu là Kunda Dhàna, có nghĩa là Dhàna bỉ ổi, vì sao? Là vì họ chịu không nổi, họ thấy Ngài đi đâu cũng có phụ nữ đi theo sau lưng, mà hỏi Ngài chối, cái đó mới ghê chứ, hỏi thì chối, mà đặc biệt Ngài không thấy, trong Chú Giải nói là Ngài không có thấy, mà người ta thấy thôi. Bởi cho nên mai mốt mà quý vị có thấy mà cô nào đi theo sau lưng của mấy sư, biết đâu cái nghiệp, chớ không phải là ông sư ổng xấu đâu!
Thì vua Ba-tư-nặc Pasenadì ổng khó chịu quá đi, ổng nói trời ơi mình là vua mà mình ngày nào mình cũng đi chùa lễ Phật, mà kính Phật thì trọng Tăng, mà ông sư như vậy mà làm sao mà chịu nổi. Cuối cùng ổng mới quyết định đích thân ổng đi điều tra! không có còn nhờ ai hết, đích thân ông vua điều tra, ổng đi vô ổng hỏi có cái cốc của Ngài ở đâu, chư Tăng chỉ thì ông vua từ xa là ổng thấy cái cô kia lạng qua lạng lại rồi, thì khi mà ổng đi tới, ổng bước vô phòng thì đúng, phòng ông sư hồi xưa đơn giản lắm, chỉ có cái chỗ nằm, rồi chỗ để bình bát vậy thôi chứ không có gì hết, thì ổng thấy không có cô nào, mà hễ ổng bước ra là ổng thấy cô này, thì ổng là người trí mà, ổng là vị Bồ Tát, ổng nói: Rồi, đây là cái nghiệp rồi. Cho nên ổng mới hỏi Ngài:
– Trẫm từ xưa đến giờ trẫm nghe tiếng về Ngài mà trẫm gặp mặt Ngài trẫm chưa bao giờ có cái chào hỏi, đảnh lễ, nhưng mà bữa nay lần đầu tiên trẫm đảnh lễ Ngài, trẫm xin hỏi Ngài, Ngài biết đó là cái nghiệp xấu của Ngài không? Chắc chắn là Ngài gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống vật chất đúng không? Bởi vì trẫm mà không ưa Ngài thì có nghĩa là người khác làm sao ưa nỗi. Thôi thì từ nay về sau, coi như Ngài có khó khăn gì về vật chất thì cứ cho trẫm biết, tội nghiệp, tu mà bị cái kiểu này thì thôi nó quá tan nát rồi.
Thì lúc đó là có xảy ra cái chuyện này, mấy ông Sư trẻ cứ chọc Ngài là kondo kondo là bỉ ổi, vô liêm sỉ, có bữa đó Ngài chịu không nỗi, Ngài mới trả lời thế này, Ngài nói:
– Tôi không có làm gì bỉ ổi hết đó, mà Sư cứ chọc tôi, Sư mới đúng là người bỉ ổi!
Lời qua tiếng lại như vậy thì đến tai Đức Phật, Đức Phật Ngài kêu lên Ngài nói:
– Đừng có giận người ta, mà bởi vì bây giờ ngươi đang chịu cái quả xấu của đời trước, đừng có tiếp tục nói lời ác với người ta nữa, người ta đang gieo là chuyện của người ta, còn phần mình, mình đang gặt cái quả cũ là chuyện của mình.
Ngài giảng xong thì vị này coi như về ráng tu hành rồi đắc La-hán, và kể từ lúc đắc La-hán xong thì cái cô đó biến mất luôn, lúc Ngài đắc thì không ai biết, có nghĩa là trong mắt mọi người Ngài vẫn tiếp tục là một ông Sư bỉ ổi!
Thì ngay cái bữa đó lại xảy ra cái chuyện mà cái bà kia bả thảy cái vòng hoa lài để mà bả thỉnh Phật, có nghĩa là khi Ngài Anan đi vô thông báo:
– Ngày mai La-hán Lục thông mới đi trai Tăng với Thế Tôn.
Thì lúc đó Ngài Anan cũng không biết là vị này bữa nay đã ok rồi, mà Ngài vẫn tiếp tục nghĩ vị này vẫn là bỉ ổi. Cho nên khi Ngài nói như vậy, thì vị này có nói thế này:
– Cho tôi xin một thẻ ngày mai tôi cũng đi.
Thì Ngài Anan Ngài ngạc nhiên lắm, Ngài Anan nói:
– Trời đất ơi, Sư nghĩ rằng Sư có thể đi chung với các vị La-hán Lục thông hay sao?
Ngài nói:
– Tôi lấy được.
Thì Ngài Anan thấy lạ mới vào trình Đức Phật, Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, Sư Kunda Dhàna muốn ngày mai đi.
Đức Phật nói:
– Đúng, hãy để cho Kunda Dhàna đi với chúng ta.
Thì lúc đó là Ngài Anan rất là ngạc nhiên, thì Đức Phật mới nói:
– Hôm nay Kunda Dhàna không còn như ngày nào nữa, con trai Như Lai đã là một người khác rồi.
Thế là hôm sau, trong cái đoàn mà 500 vị La-hán mà đi trai Tăng ở nhà bà Mahàsubhaddà là có cả Ngài Kunda Dhàna, và sau cái sự kiện đó, Đức Phật Ngài xác nhận rằng:
– Trong các vị mà đệ tử của Ta, cái vị này là vị đầu tiên mà nhận cái thẻ ăn.
Bởi vì trước đó không có chuyện này, tại vì từ cái chuyện mà 500 vị La-hán này, đó là dịp lần đầu tiên mà trong Giáo hội mới bắt đầu xài thẻ, và Ngài là người đầu tiên mà chưa đợi người ta đưa mà Ngài đã đề nghị, mà cái đề nghị này không phải là do Ngài tham Ngài muốn đi ăn đâu, mà tại vì Ngài muốn xác chứng cho mọi người biết là mọi sự đã là quá khứ, đừng có gieo nghiệp xấu khi nhìn về tôi nữa, và Ngài chính là vị Tỷ-kheo đầu tiên mà cầm cái thẻ (cái phiếu) tài lộc của chư Tăng, trong đây dịch là phiếu ăn là vậy đó, Ngài là người đầu tiên.
Trong Kinh kể Ngài tạo cái nghiệp gì mà Ngài bị cái đó, Chú Giải mới kể thế này: đời Phật Ca-diếp, chúng ta biết rồi, chư Phật nào mà sống lâu, (thời này thì chư Tỷ-kheo mỗi nửa tháng là phải có một ngày làm lễ bố tát, hay là lễ phát lồ, có nghĩa là sao? Có nghĩa là mình trình với chư Tăng là trong nửa tháng qua tôi có bị lỗi gì, lỗi gì, lỗi gì, tôi xin sám hối, còn nếu tôi phạm lỗi mà tôi không thấy, thì xin chư Tăng có thấy cũng nhắc cho tôi biết, sau khi mà chư Tăng mỗi vị đều sám hối về những cái lỗi mà mình đã phạm trong nửa tháng qua thì tất cả đều ngồi yên lại để nghe một vị Tỷ-kheo tụng giới, tụng giới có nghĩa là tụng 227 điều giới mà Phật cấm chế cho Tỷ-kheo, có nghĩa là sám hối xong rồi ngồi nghe tụng giới, thì cái buổi họp mặt này được gọi là bố tát), thì trong Kinh nói hễ chư Phật nào sống lâu, thì 6 năm làm một lần, và có vị, như Phật Tỳ-bà-thi thì 6 năm làm một lần, mà Phật Ca-diếp thì 6 tháng làm một lần, còn Phật Thích Ca Mâu Ni thì sanh ra đời trong lúc mà chúng sanh tuổi thọ ít, cho nên 2 tuần tức là nửa tháng làm một lần.
Thì đời Phật Ca-diếp có hai vị Tỷ-kheo bạn thân thương quý nhau lắm, coi như là Bá Nha&Tử Kỳ vậy đó, thân lắm, giống như Quản Trọng với Bảo Thúc Nha vậy đó, thì bữa đó hai vị đi ngang qua một cánh rừng, trong rừng có một ông thọ thần ổng nhìn thấy hai vị Tỷ-kheo này thân quá thân đi, cho nên ổng mới nghĩ trong bụng làm sao mà phá hai ông này cho mấy ổng gây với nhau mới vui. Thì trong hai vị có một vị đang đi vậy tự nhiên nghe nó hơi muốn muốn đi toilet vậy đó, cho nên mới nói với vị kia:
– Sư huynh chờ đệ chút nha, đệ vô trong bụi, ghé đây chút xíu rồi đệ ra liền.
Mà giữa rừng hoang vậy đó, thì ông sư huynh ok vì chuyện bình thường thôi, ông đứng chờ, thì ông sư đệ đi vô trong bụi ổng đi công chuyện của ổng xong xuôi rồi ổng đi ra, thì lúc đó ông thọ thần ổng muốn phá chơi, cho nên lúc mà ông sư đệ từ ở trong bụi đi ra , thì ông thọ thần mới hóa hiện ra thành một cái cô gái mà áo quần xốc xếch mà đưa tay sửa tóc, rồi chỉnh kẹp, sửa trâm lại, giống như cổ mới vừa qua một cái cuộc mây mưa vậy đó, có nghĩa là từ trong đó đi ra rồi chỉnh tóc, rồi sửa áo quần. Thì cái ông sư huynh mà ổng nhìn thấy cái cảnh đó thì quý vị tưởng tượng đi, rừng hoang mà bây giờ một ông sư trong bụi bước ra mà sau lưng có một cô vừa khóa dây kéo, gài nút, tóc tai thì sửa sửa chỉnh chỉnh, thì quý vị nghĩ coi mình nên hiểu làm sao đây ta? Nghĩ làm sao thì nghĩ làm sao? Thế là ông sư huynh ổng bất mãn, ổng nói:
– Đủ rồi, kể từ bây giờ là hai huynh đệ mình là sống một đứa sao hôm, một đứa sao mai, đường em em đi, đường huynh huynh đi, không có đi chung nữa. Huynh tưởng đệ là ok, bữa nay là tận mắt rồi, đủ rồi, kiếp này là bữa nay là lần chót không thấy mặt nhau nữa.
Và suốt 60 năm trời như vậy, thời đó chúng sanh sống lâu lắm, mà cứ 6 tháng tụng phát lồ, lễ sám hối một lần, mà hễ mỗi lần ông sư huynh mà ổng gặp ông sư đệ mà bước vào làm lễ thì ông sư huynh ổng bước ra, ổng nói không, tôi không có làm lễ với một ông sư mà không thanh tịnh! Suốt nhiều năm như vậy, mà các vị biết ông sư đệ ổng đau khổ, mà phải nói ổng đau còn hơn là Thị Kính nữa, là bởi vì ổng đâu có làm gì đâu, mà ổng hoàn toàn ổng không biết gì hết, ổng không biết tại sao mà sư huynh đi nghi mình như vậy, mà ông sư huynh này ổng thấy rõ mười muơi, rõ mồn một là một người con gái chỉnh trang áo quần, sửa tóc cài trâm rõ ràng, mà bây giờ chối đay đảy như vậy đó! người đúng là vô liêm sỉ! vô tàm vô quý, cho nên ông sư huynh ổng dứt khoát là ổng không có muốn nhìn mặt, ổng thấy ông này bước vô đám đông chư Tăng làm Tăng sự là ổng nói không, hễ có you là không có tui, ổng bước ra. Thì nói về ông thọ thần đó, qua một thời gian nhiều năm ổng chơi cũng đã rồi, ổng thấy hai ông này gây nhau ổng thấy đã quá rồi, thì cái bữa đó ổng nghĩ thôi bữa nay mình phải kết thúc, chứ còn mà cứ để vầy tội nghiệp quá, lòng ổng cũng hơi áy náy ray rứt, thì ổng cũng thấy cảnh đó diễn ra là ổng thấy ông sư đệ vừa bước vô cái hội chúng Tỷ-kheo ngồi xuống là ông sư huynh ổng bước ra ngoài, mà ổng vừa đi ổng vừa nói: tôi không thể làm lễ chung với cái ông Tỷ-kheo như vậy. Thì cái vị thọ thần này lúc đó ổng mới biến thành ra một cái ông cư sĩ quắc thước mà có uy tín trong chùa, ổng mới tới ổng nói:
– Thưa Sư, Sư cho con nói chuyện một chút. Mấy chục năm qua Sư hiểu lầm cái ông Sư kia, mà con xin nói thiệt, cái ông Sư kia ổng như là pha lê vậy đó, trong sáng, sạch sẽ, thanh tịnh không có cái gì như Sư nghĩ đâu, con nói thiệt cái chuyện mà mấy chục năm trước mà Ngài thấy trong cánh rừng đó là do con giởn thôi, con thấy hai vị giống như là khắn khít nhau, thì con nghĩ đâu phá coi mấy ổng rã ra như thế nào, ai ngờ thấy mấy chục năm qua con không có chịu nỗi nữa, thôi cho con xin sám hối. Bây giờ Ngài tin chưa, bây giờ đây đây Ngài coi nè, đó đó, bây giờ con là ông phật tử phải không, bây giờ con rùng mình một cái nè, đó bây giờ con là thọ thần, thấy chưa, như vậy giờ Ngài tin chưa, là cái chuyện mấy mươi năm trước mà Ngài thấy đó là do con là người dàn dựng ra thôi! Thôi xin hai vị bắt tay làm huề, rồi con sám hối.
Nhưng các vị có biết không, cái trò đùa mà tào lao đó nó đã gây ra một cái đại họa cho hai cái bậc chân tu, cho nên vị này, vị thọ thần này chết rồi, bị đọa địa ngục, và từ đó về sau mà cứ sanh làm người thì coi như là bao nhiêu cái tai bay họa gởi kiếm vị này liên tục đời đời sanh ra là liên tục là cứ bị hàm oan. Từ đó về sau Sace pana kàlena kàlam manussattam àgacchati khi mà sanh ra làm người annena yena kenaci kato doso ai làm cái lầm lỗi gì không cần biết tasseva upari patati thì cứ mọi sự hiểu lầm là cứ trút hết lên đầu của ông này. Dễ sợ chưa! Ai mà có làm cái lầm lỗi gì không cần biết, mọi sự cứ đè ông này mà nó trút xuống thôi, bị hàm oan liên tục, liên tục suốt nhiều ngàn kiếp sanh ra đều mang họ Thị hết, cứ đẻ ra là Thị Kính, đẻ ra là Thị Kính.
Đến cái kiếp cuối cùng mà đắc La-hán, mà coi như cũng phải là bị gánh cái họa đó!
Cho nên nhiều khi mình giởn, tôi nhớ ngày xưa tôi ở trong nước Việt Nam, trong một cái đêm đầu đà đó, lúc tôi ở bên chùa Giồng Ông Tố Cát Lái, thì mỗi ông Sư một cái phòng, mà coi như không biết ai mà nghịch ngợm lấy cái đôi guốc nữ để trước phòng của một ông Sư, mà cái phòng đó đang đóng cửa, mà trước cái phòng đó đã có đôi d1p của ổng rồi, mà không biết ai mà nghĩ làm sao mà đi lấy một đôi dép nữ mà để đằng trước, sau này mình mới biết là phòng kế bên mở toang, thì có mấy cô ngồi trong đó, mấy cô đi xếp giấy, rồi làm việc gì đó để chuẩn bị cho đêm đầu đà đó, thì không biết ai mà họ nghịch hay là họ sơ ý không biết, mà họ đá cái đôi huốc đó qua bên cái phòng mà đang đóng cửa, thì cái cô Bảy Vĩnh Phúc, bây giờ cô mất rồi, cổ lên cổ thăm Sư trưởng, thì cổ đi ngang cổ thấy cái đôi dép, đôi guốc đó, cổ khó chịu quá đi, cổ mới lại cổ thưa, cổ nói: Sư ơi, Sư nói làm sao chứ vị nào trong đó làm ơn mở cửa ra, chứ tiếp khách mà để cửa thì đóng mà để dép nữ như vậy, mà bữa nay là đầu đà người ta tới đông quá rồi kìa. Coi như Sư trưởng Sư nghe Sư hết hồn, Sư mới kêu mấy ông Sư tới kêu cửa, thì ra là ông Sư kia ổng đang ở một mình! Mà ai mà ác làm sao mà đá cái đôi guốc từ cái phòng số 5 mà nó văng qua tới phòng số 7, rồi để đằng trước như vậy, mà giống như cố ý phá vậy đó, nếu mà vô ý vô tình thì thôi, nhưng mà ông sư kia ổng nói thì có lý, ổng nói: Nếu mà con có cái ý gì thì con dấu đôi dép nữ, chứ mắc gì con để cái đôi đó bên ngoài để cho người ta chửi con. Thì sẵn đó tôi mới nhớ, mỗi lần tôi kể cái tích này là tôi lại nhớ cái chuyện đó. Mà cái ông Sư đó bây giờ nghe đâu hình như cũng chết rồi. Thì là nhiều khi mình giởn có chút xíu nhưng mà mình để lại một cái di họa di hoạn cho muôn đời, các vị biết không. Cho nên đọc cái chuyện đời của vị này mình cũng thấy ớn chớ chẳng phải không, cho nên giởn cái đó là giởn ngu, hại người mà cũng hại mình.
Như vậy là mình đã học xong về Ngài Kunda Dhàna, trước đó Ngài tên đời là Dhànatissa, nhưng mà vào chùa vì có bóng dáng phụ nữ đó mà trong cái tên nó có thêm chữ kunda đằng trước có nghĩa là bỉ ổi.
Ngài Vangìsa
Đệ nhất biện tài ở đây tiếng Pali kêu là Patibhàna, xin thưa chỗ này nó không hề có nghĩa là biện tài, mà nó có nghĩa là ứng khẩu, chứ không phải là biện tài, là vì sao? Là vì trong Kinh nói vị này là vị La-hán Lục thông, Tứ tuệ vô ngại, nhưng có một điều ở ngoài đời Ngài là một nhà thơ lớn, cho nên khi Ngài đi xuất gia rồi, cứ nhìn cái cảnh gì Ngài cũng có thể ngay lập tức có ngay một bài kệ dài thòn lòn mà hay ho vô cùng, coi như là thi pháp rồi cấu trúc rồi dụng ngữ diễm lệ không ai bì được hết, phải nói như vậy, ý thơ, tu từ tuyệt vời, gặp là có liền.
Thí dụ có lần Ngài đang ngồi Ngài nhìn Đức Phật thyết Pháp, Đức Phật vừa thuyết Pháp xong rồi, Ngài Vangìsa nhìn thấy chư Thiên xuống đảnh lễ Đức Phật, Ngài vừa nhìn thấy, Ngài quỳ xuống Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, con vừa nhìn thấy chư Thiên đảnh lễ Thế Tôn và con có nảy sinh trong đầu cái bài kệ như sau.
Đức Phật Ngài nói hãy đọc đi, bởi vì mỗi lời thơ của Vangìsa là những bài kệ khuyến tu. Rồi một lần khác, Ngài nhìn thấy chư Tăng, các vị Tôn túc ngồi cạnh nhau khất thực, rồi ngồi ăn dưới gốc cây:
– Bạch Thế Tôn, con nhìn hình ảnh này con rất hoan hỷ, con có một bài kệ vừa nảy ra trong đầu, xin phép Thế Tôn cho con đọc.
Đức Phật Ngài nói:
– Hãy đọc đi, hãy đọc cho mọi người nghe, vì mỗi bài kệ của ngươi là một bài kệ khuyến tu.
Cứ như vậy đó! Cho nên Ngài có một cái lý lịch nó hơi lạ thế này, ở ngoài đời Ngài là một nhà thơ lớn đã đành, nhưng mà Ngài có một cái biệt tài là Ngài có thể gõ cái sọ người chết mà Ngài biết người ta bây giờ đã đi về đâu? Đặc biệt như vậy, vị Vangìsa này Ngài có cái khả năng đó, thí dụ như Ngài gõ gõ gõ, Ngài nói cái người này bây giờ nó đang đi về Bạc liêu, Cà mau, Bến tre, Ninh hải, bây giờ nó làm chó, làm heo, làm gà, làm người, làm giòi, làm công chúa, đại gia gì đó, Ngài đoán ra được. Trong Kinh nói khi mà Ngài có cái khả năng đó, bữa đó Ngài đến Ngài gặp Đức Phật để cầu Pháp, thì với khả năng của Đức Phật Ngài ngồi yên tại chỗ mà Ngài lấy ở trong Tuyết sơn cái sọ của một vị Phật Độc Giác, Độc Giác có nghĩa là vị tự chứng ngộ, mà tịch trong núi, Ngài nói:
– Nghe nói ngươi có khả năng đó, ngươi tìm coi cái vị này đi đâu.
Ngài Vangìsa Ngài gõ hoài mà sao không thấy! Thì ông mới đổ mồ hôi, ông nói:
– Thưa Sa môn Gotama, đây là lần đầu tiên trong đời mà con gõ sọ một người mà con không có thể biết là vị này đi đâu.
Đức Phật nói:
– Vị đó không còn có chỗ để đi, làm sao ngươi biết vị đó về đâu?
Cái câu này quá hay: Vị ấy không có chỗ để đi thì làm sao mà ngươi biết Ngài ấy đi đâu? Thì vị này nói:
– Bạch Thế Tôn, con học rất là nhiều thứ, nhưng mà cái vụ này hơi lạ, làm sao có chuyện một người mà chết rồi không có chỗ để đi? Con xin học.
Đức Phật Ngài nói hãy xuất gia, thì Ngài đi xuất gia rồi Ngài đắc La-hán, thì dĩ nhiên cái vụ này dẹp qua một bên luôn, không còn thắc mắc nữa!
Khi Ngài đắc Quả rồi Ngài có cái khả năng đặc biệt là Ngài liên tục, gần như là mỗi ngày, Ngài nhìn thấy chuyện gì Ngài cũng có ngay một bài kệ dài thòn thiệt là hay, mà ngay cả mấy vị Thánh khác trong Trưởng lão Tăng, Trưởng lão Ni vị nào trước khi tịch thì cũng có để lại một bài kệ kể sơ về chuyện đời của mình vậy đó, về cái biệt hạnh của mình, về cái túc duyên tu hành giải thoát của mình đời xưa kiếp chót, riêng Ngài cái phần của Ngài thì kệ nhiều thiệt là nhiều, mà phải nói là thi từ cực kỳ diễm tuyệt, Ngài là nhà thơ mà, muốn là có liền cho nên là Đệ nhất ứng khẩu, xuất khẩu thành thi, là Ngài!
Thì đây cũng là một cái biệt hạnh, đừng có chê cái này, là bởi vì sao? mà chúng ta biết rồi, con người hiểu nhau là bằng phương tiện ngôn ngữ, như vậy ngôn ngữ dầu là thơ ca hay văn xuôi, văn trường hàng thì cũng đều là ngôn ngữ, như vậy thì khả năng sử dụng ngôn ngữ mà đem lại cái hiệu ứng tích cực thì đó cũng là một cái khả năng nên có! Mà cái khả năng ứng khẩu thơ ca hay là hạ bút thành văn cũng đều là cái khả năng nên có, với điều kiện là nó được dùng để tạo ra những hiệu ứng tích cực, thí dụ như ở đây mình thấy Ngài làm cái bài kệ để mà khuyến tu, đọc cái bài kệ hay lắm, có lần đó Ngài nhìn thấy hình ảnh của mấy vị Phạm thiên đảnh lễ Ngài Xá-lợi-phất, mấy vị Phạm thiên đảnh lễ Ngài Kappina, Ngài nhìn thấy là Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, con vừa nhìn thấy hình ảnh đó, con có cảm hứng một cái bài kệ như sau.
Ngài Upasena Vangantaputta
Vị này là Đệ nhất trong khả năng gieo rắc tín tâm samantapàsàdika, vị này là một trong bốn anh em trai của Ngài Xá-lợi-phất. Ngài Xá-lợi-phất có 7 anh em, tất cả là Upatissa là Ngài Sàriputta con của bà Sari, Upasena Vangantaputta là con của ông Vanganta, người thứ ba là Ngài Mahacunda và Ngài Revata rừng keo, bốn anh em trai, còn gái là Cala, Upacala, Sisupacala đều là những vị A-la-hán, 7 vị A-la-hán.
Bây giờ mình đang học về Ngài Upasena Vangantaputta, vị này cũng có thời gian tu tập ba-la-mật là 100 ngàn đại kiếp, lâu tương đương với các vị Đại Thanh Văn khác, có nghĩa là tương đương với Ngài Ca-diếp, Ngài Ananda, tu lâu như vậy, kiếp xưa Ngài cũng từng nguyện cái hạnh là trở thành một vị Đệ nhất trong khả năng gieo rắc cái tín tâm, là sao? Ngài sanh ra trong gia đình của Ngài Xá-lợi-phất, diện gia đình đại gia, giàu có lắm, các vị biết giàu cỡ nào không? Ngài Xá-lợi-phất lúc Ngài ở ngoài đời, gia đình của Ngài và gia đình của Ngài Mục-kiền-liên giàu ngang ngữa nhau, Ngài Xá-lợi-phất đi đâu là có 500 cái cỗ xe ngựa, một mình Ngài đi một chiếc mà 499 chiếc kia đi là của người hầu, rồi chở theo đồ ăn, nước uống, rồi quần là áo lụa, tràng hoa mỹ phẩm tùm lum, nói chung là đi đến đâu 500 chiếc này ngừng lại một cái là đủ để cho Ngài ở một tháng, có nghĩa là với 500 chiếc này và người hầu rồi những thứ mà vật dụng cụ bị thực phẩm, nước uống, thuốc men chữa bệnh, nói chung là 500 chiếc đó đủ để Ngài dừng chân một tháng. Và Ngài Mục-kiền-liên thì sao? Ngài Mục-kiền-liên không thích đi xe ngựa mà Ngài lại khoái kiệu, cho nên Ngài Mục-kiền-liên mỗi lần Ngài đi Ngài có 500 cái kiệu, là trong đó đựng đồ đạc rồi người hầu ai khiêng ai, tùm lum hết, đại khái 500 cái kiệu. Hai người giàu như vậy.
Bây giờ trở lại Ngài Upasena, xuất thân là đại gia cho nên ngoài đời Ngài rất là giàu, trong đây có ghi rõ so vayappatto tayo vede ugganhitvà có nghĩa là ở ngoài đời Ngài học xong cái Tam Vệ-đà, mà quý vị biết đời Đức Phật cái Tam Vệ-đà là chỉ có giới Bà-la-môn mà thượng lưu, quý tộc họ mới được học, và thứ hai nữa thời đó cái Tam Vệ-đà nó khác với cái Veda của mình bây giờ, Veda bây giờ là nội dung không có đáng kể bằng ngày xưa, nội dung bị thay đổi rất là nhiều từ sau thế kỷ thứ năm tây lịch, thì cái nội dung nó bỏ vô nào là cúng bái, cầu nguyện, rồi chưa kể trong đó đặc biệt là Upanishad, cả hơn 10 tập của Upanishad là có nội dung vay mượn Phật giáo rất rất là nhiều, cho nên không lẽ bây giờ Kinh điển đọc không hết, mà bây giờ tôi xúi bà con đi đọc mấy cái này, còn bộ này rất là hay, bộ này hơn một chục tập, mà trong đó có nhiều và rất nhiều cái bài Kinh, đoạn kệ mà nội dung Phật giáo rất là hay, thì dĩ nhiên Kinh điển mình coi nó không xuể rồi, nhưng mà cái hay đó tại sao mình bỏ, thí dụ như trong đó có những câu mình không thể quên được, chẵng hạng như câu này: Đời sống là một giấc mơ, những gì buồn vui, tốt xấu mà ta cảm được cũng chỉ là những giấc mộng, có mấy ai trên đời này chịu thấy rằng mình đang chiêm bao. Đại khái như vậy, có những câu rất là hay, những câu lấy tinh thần từ trong Phật Pháp ra đó.
Thì Ngài này ăn học đàng hoàng, xong rồi Ngài mới đi xuất gia, mà Ngài có một cái tấm lòng đặc biệt tắm, đó là Ngài thấy cái Đạo hay quá đi cho nên Ngài có ý là làm sao mà truyền bá cái Đạo cho nó nhanh, tiếng Pali kêu là ariyagabbham vaddhemì có nghĩa là ta sẽ làm bành trướng cái Đạo này ra, ariyagabbham có nghĩa là Phật Pháp, gabbha là bào thai, ariya là thánh nhân, vaddhemi là phát triển, nhưng ở đây mình gom chung lại là ta sẽ làm bành trướng cái Đạo này ra. Cho nên Ngài mới tu được có một năm hai năm thôi, là Ngài đã bắt đầu tìm đủ cách để mà Ngài có đệ tử, không phải cầu danh cầu lợi, nhưng Ngài có cái ý vậy đó, thì lúc Ngài mới tu được có hai hạ thôi, mà Ngài đã bắt đầu nhận đệ tử rồi. Có một lần Ngài về Ngài đảnh lễ Phật, thì Phật mới hỏi:
– Vậy chứ năm nay Ngươi mấy hạ?
– Dạ con được hai hạ rồi.
Rồi Ngài hỏi:
– Cái vị Tỷ-kheo đi chung với ngươi mấy hạ rồi?
– Dạ một hạ.
Ngài hỏi:
– Cái vị đó là cái gì của ngươi?
– Dạ đệ tử của con.
Thì Đức Phật Ngài mới dạy thế này:
– Atilahum kho tvam, moghapurisa, bàhullàya àvatto: Nếu mà là vậy sao ham làm việc lớn?
Cái câu này phải dịch như vậy, nếu dịch sát: ngươi quá nhẹ ký mà ngươi lại làm cái chuyện quá nặng ký! Còn mình nói theo ngôn ngữ của mình đó là: Sức người thì yếu mà ham làm việc nặng, Ngài nói như vậy xong rồi Ngài mới quở đừng có như vậy nữa. Thì thay vì người ta nghe vậy người ta buồn, còn Ngài Ngài suy nghĩ thế này: Hôm nay ta chưa đủ điều kiện, thì ta bị quở, nhưng mai này khi ta đủ điều kiện thì ta sẽ làm cho Thế Tôn được vui lòng, bởi vì ta có thiện chí mà. Cứ như vậy đó mà Ngài về Ngài tìm đủ cách Ngài làm gương cho người ta, ai thích đầu đà thì Ngài khuyến khích đầu đà, ai thích học Đạo thì Ngài khuyến khích học Đạo, Ngài làm đủ cách để chi? Để cho khích lệ mọi người đi xuất gia. Ai làm cư sĩ được thì làm, ai thọ giới được thì thọ giới, ai làm Tỷ-kheo được thì làm Tỷ-kheo, ai làm Sa di được cứ làm Sa di, ai qua bên Ni được thì cứ làm Ni, nói chung là Ngài tìm đủ cách để Ngài gieo rắc niềm tin để mà bành trướng Phật Pháp. Mà về cái thiện chí này, thì phải nói trong đệ tử của Đức Phật không ai bằng, mấy vị kia thì tùy duyên hóa độ, chúng sanh có nhu cầu tới đâu thì giúp tới đó, còn cái này là tự Ngài tạo ra điều kiện, người ta thì thời thế tạo anh hùng, còn Ngài là thích làm anh hùng mà tạo ra thời thế, nước lã mà vã nên hồ, tay không mà dựng cơ đồ mới ngoan, Ngài là người như vậy đó! Cho nên khi mà Ngài vừa đủ 10 hạ Tỷ-kheo rồi, là Ngài cho đệ tử tu coi như trùng trùng điệp điệp, và về sau trong một Pháp hội có mặt đông đủ đại chúng thì Đức Thế Tôn đã tuyên dương rằng:
– Trong đệ tử Như Lai cái vị Đệ nhất trong biệt hạnh mà gieo rắc cái niềm tin cho người khác chính là Upasena Vangantaputta, em trai của Xálợi-phất.
Ngài cũng là vị La-hán Lục thông Tam minh và Bốn trí vô ngại, có một điều là Ngài có một cái chết không có được đẹp, có nghĩa là vào một buổi trưa, sau cái giờ khất thực, thì Ngài với Ngài Xá-lợi-phất cùng với một số chư Tăng lên hang núi nghỉ trưa, thì anh em về, có vị thì đang rửa bát, vị đang phơi bát, vị đang quét nhà, thì Ngài đang vá lại cái Y bị rách, đang vá vá như vậy thì có con rắn độc cực kỳ ở trên nóc động nó rớt xuống trúng Ngài, nó phập Ngài một cái, thì với cái Tuệ căn của một vị La-hán Ngài biết liền: Rồi cái nọc này là sống không nỗi!
Bởi vì nó đánh thẳng vô tim mà, nghẻn tim liền tức khắc, độc như vậy, Ngài biết liền cái này không xong rồi, rồi cũng trong tích tắc Ngài biết là bữa nay cái mạng căn nó đã đến lúc nó kết thúc rồi, trả xong cái món nợ đời, Ngài mới nói với Ngài Xá-lợi-phất:
– Thưa Sư huynh, đệ vừa bị rắn cắn không qua khỏi, xin Sư huynh nhờ anh em khiêng ra khỏi hang liền, bởi vì đệ không muốn tịch ở đây.
Thì các vị huynh đệ mới khiêng Ngài ra khỏi hang, thì lúc đó Ngài Xá-lợi-phất, thay vì mình mình thấy em bị như vậy mình cuống quýt, nhưng mà không, cả hai đều là A-la-hán hết, cho nên Ngài Xá-lợi-phất Ngài nói:
– Thật là vi diệu, thật là đặc biệt thay, khi mà trong cái giây phút cận tử lâm chung này mà mặt mũi Sư đệ vẫn cực kỳ chói sáng và bình thản an lạc đến lạ kỳ!
Dễ sợ, em mình gần chết mà người anh bình tĩnh khen đẹp trai mới ghê chứ! Và người em Ngài Upasena đã trả lời như sau:
– Đã từ lâu đệ không hề nghĩ cái thân này của mình, tâm này của mình, danh sắc này của mình, năm uẩn này của mình, sáu căn này là của mình, cho nên hôm nay nó có ra sao thì đệ cũng không có vì vậy mà bị ảnh hưởng.
Trả lời ông anh mình xong thì các vị Sư bạn đã khiêng ra tới ngoài sân, Ngài lập tức viên tịch, bởi vì nọc rắn nó đã phát tán đến cái mức vô phương cứu vãn.
Thì mình đọc chuyện đời của mấy vị Thánh, ba cái vụ phù phép tôi không có mê, nhưng mà tôi lại rất chú ý đến những cái khía cạnh này, mình sống làm sao có một ngày mà mình phát hiện ra mình không còn sống được nữa, thì không có vì vậy mà hoảng hốt, hay là tiếc nuối, hay là sợ hãi, nhớ cái đó. Tu mục đích không phải mình cầu bất tử trường sanh, mà mục đích là mình mong được chết trong sự thanh thản. Chứ còn nói trước cho các vị biết, khi các vị còn khỏe, còn đẹp, còn có tiền, còn quyền lực, còn uy tín, còn tiếng tăm, mình học Đạo cái kiểu cà chớn, tôi nói cái chữ hơi nặng, hơi đời là tu kiểu cà chớn, có nghĩa là mình không có một cái gì gọi là có một Pháp môn tâm đắc, đến một cái ngày nào đó mà bác sĩ nó phán cho là ung thư kỳ cuối di căn lên tới óc rồi, thì lúc đó là nó són ra quần luôn, tôi nói cho biết! Tôi nói rất là nặng đó, nó són ra luôn, bởi vì mình đang yêu đời quá yêu đời mà, mà đang có bao nhiêu là giấc mộng đời chưa thỏa mà, đi du lịch mua sắm rồi tình cảm, rồi ước mơ nhà cửa bất động sản, làm ăn buôn bán giao thiệp, đùng một cái là bác sĩ phán không quá một tháng nữa là phải xuôi tay, các vị nhắm có chịu nỗi hay không
Cho nên Thánh khác mình ở chỗ nào? Khác ở chỗ là bình thường mình thấy các Ngài sống hơi buồn buồn, làm biếng cười, lúc nào cũng dàu dàu, dàu dàu, có gì đâu mà vui? Nhưng mà khác mình một điểm là ở giây phút mà mình són thì các Ngài tỉnh bơ, các Ngài biết xong rồi, duyên tới thì đi, nghiệp tới thì trả.
Đi máy bay mà gặp thời tiết xấu mới biết cái khả năng mà són của mình rất cao, mình dưới đây mình nói dốc nghe đã, chứ tới hồi lên trên đó, có một lần cách đây chừng nửa năm, tôi đi từ ở bên Phila. mà về Tampa nó xuống không được, trời gió quá lớn đi, nó đảo mấy lần nó xuống không được, cuối cùng nó phải cất cánh vọt trở lên nó bay đi về Georgia, về hướng đó thì người ta báo cho biết như vậy, nó bay 40 phút sau, ở phi trường Tampa báo là đã ok, nó mới quay trở lại. Quý vị biết không, tôi về tôi nằm chiêm bao hai ngày, nằm ác mộng, khủng khiếp lắm quý vị biết không. Mình ở dưới đây mình nói gì cũng được, trên đó nó lắc, nó nhồi mà lúc đó tha hồ nghĩ bậy, tha hồ nghĩ bậy, bởi nó chết là cái chắc, cái chắc luôn tôi xin bảo đảm chết là cái chắc, coi như chiếc máy bay nó to đùng như vậy đó, lúc đó mình thấy nó chỉ là một chiếc lá vàng trong bão quý vị à!
Cho nên nếu quý vị hỏi tôi là mục đích tu hành là cái gì, tôi nói dĩ nhiên mục đích rốt ráo là vô sanh bất tử níp-bàn, nhưng mà cái trước mắt đó là làm sao mà mình đối diện với cái chết, đối diện với bạo bệnh, đối diện với thị phi, đối diện với những cảnh đời đắng cay nghiệt ngã mà lòng vẫn an lạc như không. Các vị có biết không, năm ngoái suýt … tôi đắc rồi, một là đắc hai là chết, một người phật tử mà tôi rất mực là thương quý tin cậy, đùng một phát họ trở mặt 180, lúc đó tôi chết điếng các vị biết không, nếu tôi không phải là tôi thì chắc là điên rồi! Cho nên phải nhớ là làm gì làm phải chuẩn bị là ta là ai đi nữa ta phải chuẩn bị rằng có những cái tình huống mà coi như là mình phải gọi là vận dụng 7 thành công lực để mà tự cứu, không có thầy bà kinh sách nào cứu được mình hết, mà mình phải chuyển hết cái Giáo lý, chuyển hết công phu vô trong máu của mình, là có chuyện mình xài liền! Cái chiếc xe, chiếc máy bay của tổng thống Mỹ, chiếc Air Force One nó có cả một cái phòng mổ khẩn cấp cho tổng thống Mỹ ngay trên không, và các vị có biết rằng cái chiếc xe Limo one của tổng thống Mỹ, ngoài khả năng chống đạn, chống bom, chống các vũ khí sinh học, lúc nào nó cũng chứa sẵn mấy lít máu, nhóm máu của ổng để chi? để có thể gọi là tiếp máu cho tổng thống ngay những giây phút mà ngặc nghèo nhất. Thì mình cũng vậy, mỗi người phải là một chiếc air force one, mỗi người phải là một chiếc limo one để mà trên đường đời, mình có khả năng tự tiếp máu trong mọi tình huống. Chứ giờ đó mà còn allo mà thỉnh thầy, thỉnh bà, thỉnh Tăng, thỉnh Ni, mà tụng Kinh làm sao kịp quý vị, trở tay không có kịp!
Ngài Dabba Mallaputta
Kiếp chót Ngài sanh ra làm một hoàng tử ở xứ Malla, dòng vua sau cùng được gặp Phật, mà Ngài có một điều bất hạnh rất là tội nghiệp, đó là mẹ của Ngài lúc mà lâm bồn-lúc sanh Ngài, vì sanh khó, mà thời đó toàn là thủ công không hà, đỡ đẻ mà kiểu thủ công, tức là nấu nước sôi rồi đập mấy miểng sành là cắt cuốn rún thôi, với thêm chai dầu khuynh diệp, chứ đâu có cái gì nữa, thì coi như sanh khó, cho nên bà mẹ tắt thở chết. Thì triều đình mới đem đi thiêu, trong Kinh nói là do cái phước của Ngài đó là Ngài kiếp chót để đắc La-hán, cho nên là Ngài đâu có chết được, cho nên lúc mà xác mẹ bỏ lên cái giàn hỏa để thiêu, thì cái bụng của bà do tác động của lữa làm cho cái bụng bầu nó nức ra, thì mọi người phát hiện Ngài còn sống, mới đem Ngài về, cho nên mới đặt tên Ngài là Dabba, có nghĩa là cái giàn củi hỏa thiêu. Ông bà mới đem Ngài về nuôi, khi Ngài được 7 tuổi, thì Ngài nhìn thấy Đức Phật và chư Tăng về, Ngài thích quá đi, Ngài mới xin đi xuất gia, thì ông bà nội cho phép Ngài đi tu. Ngài huệ căn dữ dội, mới 7 tuổi mà lúc chư Tăng cạo tóc, con dao cạo đi cái đường đầu tiên, Ngài đắc Sơ Quả Tu-đà-hườn, tại sao Ngài đắc nhanh vậy? Bởi vì vừa cạo đầu mà Sư phụ vừa nhắc:
– Nè nè cái thân mình nè con, từ đầu xuống tới gót chân nó dơ lắm nghe con, tóc lông móng răng da, thịt gân xương tủy thận, tim gan mật đàm mũ máu mồ hôi phẩn nước tiểu.
Thì coi như là ông thầy vừa cạo vừa nhắc như vậy, thì cái đường đầu tiên là Ngài đắc Tu-đà-hườn, kéo thêm cái đường thứ hai Ngài đắc Tư-đà-hàm, quất cái đường thứ ba nữa Ngài đắc A-na-hàm, cứ như vậy, tóc vừa xong thì Ngài đắc A-la-hán, trong Kinh nói rõ luôn là sao? Sabbakesànam pana oropananca khi mà cạo xong cái mái tóc đó thì arahattaphalasacchikiriyà ca apacchà apure ahosi lập tức đắc La-hán không trước không sau, có nghĩa là ngay chóc, apacchà apure không trước không sau.
Ngài đắc Quả xong rồi thì sao? Ngài còn trẻ măng hà, mới có 7 tuổi thôi, lúc đó chưa có ban hành Tạng Luật, có Tạng Luật nhưng mà lúc đó Đức Phật chưa có cấm cái chuyện mà 20 tuổi thọ Đại Giới, bởi vì các vị biết buổi đầu, hễ đắc A-la-hán xong là cho thọ Giới hết, từ đó có những vị Sa di, phàm Tăng mới 7 tuổi, rồi cũng được Sư phụ mấy vị Tỷ-kheo cho thọ Đại Giới luôn, rồi thì đem vô mấy cái lễ phát lồ, mấy cái lễ sám hối, mấy vị lớn tuổi người ta ngồi im, còn mấy ông nhỏ cứ ngồi ông này khều, ông kia giởn, rồi tối mấy ổng đói bụng mấy ổng khóc nhớ nhà, nhớ ba má, khóc tùm lum hết, cuối cùng Đức Phật nói không:
– Cái người mà thọ Cụ Túc Giới phải là 20, còn dưới 20, mà đi tu thì cho làm Sa di.
Chứ còn trước đó thì không, hễ mà 7 tuổi đắc A-la-hán là Ngài cho thọ Đại Giới, thì vị này cũng cho thọ Đại Giới Tỷ-kheo. Thì Ngài có cái tên là Dabba, còn sở dĩ Mallputta, putta nghĩa là con trai hoặc là hoàng tử, Dabba Mallaputta tên cho đủ nghĩa là Dabba hoàng tử xứ Malla, gọi chung là Dabba Mallaputta, chứ tên thiệt của Ngài có Dabba thôi.
Sau khi đắc Quả xong rồi, cái chuyện mà phải làm cho đời mình thì Ngài đã làm xong rồi, thì trong lúc thiền định một mình, Ngài mới suy nghĩ: Chư Tăng đông quá, rồi những lần mà mấy ngàn vị về thì chỗ ăn chỗ ngủ rất là khó khăn, bởi vì Thánh thì đơn giản, mấy vị có thần thông vèo một cái mất tiêu, mấy vị đó là chỉ còn là không khí thôi, La-hán Lục Thông mà, khỏi bận tâm, nhưng mà nó kẹt có những vị họ không thích dùng thần thông, rồi có những vị không có thần thông, và những cái vị hoàn toàn là phàm phu, mà mấy ngàn, mấy trăm ngàn về tính sao? Tự nhiên do cái hạnh nhiều đời của Ngài cho nên khi Ngài đắc Quả xong thì cái chuyện đầu tiên là Ngài nghĩ đến chuyện đó, Ngài mới vào trình Đức Phật, Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, con thấy chư Tăng về mà không có ai sắp xếp gì hết, rồi có những vị tới giờ đi khất thực mà không biết đi đâu, đứng đâu, tối ngủ không biết đi đâu, về đâu, thì thôi con xin Thế Tôn cho phép con sẽ là cái người đứng ra sắp xếp, chư Tăng về bao nhiêu con cũng đủ sức để quán xuyến.
Đức Phật Ngài Sàdhu lành thay!
Thế là các vị có biết không, kể từ hôm đó tất cả các chùa, những thành phố nào có chùa mà có Ngài tới đó là êm ru, buổi tối chư Tăng về hầu Phật nghe Pháp xong mấy ngàn vị chuyện nhỏ xíu, từ cái chùa ông Cấp Cô Độc qua chùa của bà Visàkhà bao xa? Nhỏ xíu, không thành vấn đề, cứ ngồi nghe Pháp cho đã, tới giờ muốn về, chỉ cần nói với Ngài, Ngài đứng ngay cái chỗ khoảng trống Ngài giơ cái ngón tay Ngài nhập gọi là Tejo-dhàtu Hỏa giới tam muội, cái nhất dương chỉ của Đoàn Nam Đế của Vương Trùng Dương là không có nghĩa lý gì so với cái nhất dương chỉ của Ngài, bởi vì nhất dương chỉ của Lục mạch thần kiếm là nó chỉ đánh được một người thôi, chẻ đá khoét vách chơi cho vui vậy, nhưng mà cái nhất dương chỉ của Ngài là có thể soi rọi bao xa cũng được, chúng Tăng cần bao nhiêu thì ánh sáng nó đi đến bấy nhiêu, và đặc biệt kể cả những vị không có thần thông mà bây giờ chùa Kỳ viên đã đầy nhóc rồi, bây giờ cần phải chuyển qua bên chùa của bà Visàkhà thì sao? Thì Ngài cứ đứng Ngài giơ ngón tay lên chư Tăng cứ theo cái đó mà đi, mà xa quá thì Ngài dùng thần thông Ngài đem vị đó đi, coi như là super transportation, gọi là siêu vận tải, đứng ngay chỗ rộng nhất của chùa, giơ cái ngón tay nhất dương chỉ lên là anh em cứ theo cái ánh sáng đó mà đi, vị nào đi khó khăn, bệnh hoạn già cả thì Ngài dùng thần thông Ngài đưa đi.
Do đó Ngài được Đức Phật tuyên dương là:
– Trong đệ tử của Ta, Dabba Mallaputta là Đệ nhất tri xứ.
Có nghĩa là sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở cho chúng Tăng mười phương về hầu Phật, đặc biệt cái hạnh này mới là phê nè, mấy cái hạnh khác không có phê. Nhưng mà cuộc đời của Ngài cũng nhiều cái lận đận lắm, có hai cái vị Tỷ-kheo kia ghét Ngài lắm, tự nhiên oan trái nhiều đời, gặp ghét Ngài lắm, mới vu oan Ngài là bê bối phụ nữ, thì họ mới vào họ trình Phật, họ nói:
– Dabba Mallaputta bê bối phụ nữ, mà dấu.
Đức Phật Ngài mới gọi Ngài Dabba vào, Ngài hỏi:
– Dabba Mallaputta có đúng như vậy không, người ta nói ngươi là bê bối phụ nữ, ngươi không còn là Tỷ-kheo nữa mà ngươi dấu có đúng không?
Thì Ngài mới trả lời:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết con,
Đức Phật Ngài mới hỏi lần nữa:
– Có phải ngươi đã làm cái chuyện đó hay không, có làm hay không, tại sao không nói?
Thì Ngài trả lời:
– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn biết con.
Đến lúc này Đức Phật lên tiếng:
– Này Dabba Mallaputta, dòng dõi Dabba của ngươi là một dòng dõi lừng lẫy, dòng dõi chiến sĩ, đảm lược, tài hoa, trung cang nghĩa đảm, không có cái gì phải e ngại, có làm thì nói có làm, không làm thì nói không làm, chứ không thể nói là Thế Tôn biết con, như vậy đó chưa phải là cái câu mà đại chúng muốn nghe.
Thì lúc đó Ngài mới xác nhận:
– Bạch Thế Tôn, chuyện đó, con Dabba Mallaputta, không hề nghĩ đến chứ đừng có nói là làm.
Đức Phật Ngài nói:
– Hãy sám hối với Dabba Mallaputta, đừng để mình bị tổn đức, bởi vì đó là một vị A-la-hán.
Đại khái như vậy, chúng ta vừa học xong cuộc đời của Ngài Dabba Mallaputta .