Nội Dung Chính
Kinh Pháp Cú số 328
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Uyên Minh xin đãnh lễ tất cả chư đại đức Tăng trong room và các vị địa chúng.
Kính thưa quý vị, chỉ nhìn vào mặt giấy, chỉ đọc trên mặt chữ, thì ba bài kệ Pháp Cú (328, 329, 330) thì nó không có cái chỗ nào có ý nghĩa khó hiểu, tối nghĩa cả. Đại ý chúng ta thấy rồi, theo lời Đức Phật dạy trong đây là nếu như không có một người bạn lành, người bạn đường tốt đẹp thì chẳng thà sống một mình vẫn tốt hơn là sống với một người không thể giúp ích được cho mình tăng tiến trong đạo nghiệp giải thoát. Đó là đại ý của cả ba bài kệ trên mặt nổi trong văn tự, chữ nghĩa. Nhưng mà chắc chắn một điều là nếu mà chúng ta dụng tâm một chút xíu thôi thì nội dung chung của ba bài kệ này mở ra cho chúng ta một điều phải nói là then chốt trong đạo Phật.
Trước hết là vấn đề chữ nghĩa. Có không ít người khi mà nói đến đạo Phật, thường là tu sĩ Phật giáo phải là những người có một nếp sống tị thế lánh đời, tức là phải sống một mình hoặc là những hình ảnh tự viện, chùa chiền hôm nay của Phật giáo trên khắp thế giới, đặc biệt là những chỗ núi cao, rừng thẫm… càng tô đậm cái suy nghĩ, cái nhận xét đó của chúng ta. Nhưng chúng ta có lẽ cũng còn nhớ một câu nói rất là nổi tiếng ở bên Nho giáo “Tiểu ẩn giả thì ẩn ư chơn lâm. Trung ẩn giả thì ẩn ư thị. Mà đại ẩn giả thì ẩn ư triều đình”. Bậc ẩn sĩ còn sơ cấp thì còn trốn tránh, phải nhờ đến bối cảnh yên tĩnh, vắng lặng của núi rừng để có thể sống cuộc đời của một ẩn sĩ. Nếu một ẩn sĩ cao cấp thêm một chút nữa thì có thể sống ngoài chợ búa, phố xá mà vẫn giữ được lòng mình…Một bậc ẩn sĩ cao cấp nhất chính là vị có thể dấn thân vào cuộc đời, góp mặt với xã hội, nhân quần mà vẫn giữ được lòng, vẫn giữ được cho mình một cõi sống riêng tư trong nội tâm thì đó chính là bậc đại ẩn sĩ. Ngay bên ý thức Nho giáo người ta đã có cái tư tưởng như vậy.
Cho nên khi mình nói đến đạo Phật, nói đến nếp sống của tu sĩ, nói đến điều kiện xây dựng, điều kiện về địa lý của các tự viện mà chúng ta nghĩ rằng Phật giáo là một hệ thống giáo lý chủ trương tị thế lánh đời thì đôi khi nó là một cách nghĩ hơi chật hẹp. Cho nên, trong bài kinh này theo tinh thần, theo ý nghĩa mà chúng tôi vừa gợi ý, có một số chữ trong đây chúng ta cần lưu tâm, chẳng hạn như “Ekassa caritam seyyo, natthi bale sahayata, eko care na ca papani kayira, appossukko”. Ở đây có một cụm từ “Eko care” đó là độc hành, tức là hãy ra đi một mình. Kính thưa quý vị chúng tôi nghĩ đây là một vấn đề rất là đặc biệt.
4:22
và nếu may mắn gặp được một vị giảng sư có khả năng thì chẳng những chúng ta học được một bài học quan trọng mà chúng ta vòn biết đến một khía cạnh thú vị khác nữa của đạo Phật nói chung và ba bài kệ này nói riêng. Cách đây không lâu nếu chúng tôi nhớ không lầm là khoảng năm 1976, các nhà nghiên cứu Phật học trên thế giới đặc biệt là Anh quốc, do một nhân duyên tình cờ người ta mua lại được một văn bản cổ được viết trên vỏ cây, mà người ta không có xác định được đó là bài kinh gì chỉ biết đó là kinh Phật mà thôi. Sau đó người ta phải nhờ đến chuyên gia cổ ngữ Phật học đó là giáo sư Richard Salomon. Kể từ tháng 7 năm 2001 thì ông đã rời khỏi Newyork, đại học Chicago để qua Úc. Nhưng mà trước đó vào mùa Noel năm 2000, chúng tôi có duyên để lên Chicago gặp một vị sư bạn ở đó mà vị sư bạn này là học trò của giáo sư Richard Salomon. Bản thân chúng tôi thì không có tư cách và cũng không có điều kiện để gặp được giáo sư đâu nhưng mà nhờ sự giới thiệu của vị sư bạn đó và vị sư bạn đã dắt chúng tôi đến tận phòng để gặp trực tiếp giáo sư Salomon. Và giáo sư Salomon đã tận tay photocopy cho một bản sao lại từ một số miếng vỏ cây mà chúng tôi vừa đề cập, những miếng vỏ cây mà đã được Hoàng gia Anh xác định là kinh Phật. Và người ta đã nhờ ông như một chuyên gia để vừa giám định vừa phiên dịch về nội dung của bài kinh đó. Và qua những ngày tháng công phu khổ công, ông đã xác định được đó chính là bài kinh Khaggavisana tức là bài kinh kinh Tê Ngưu Một Sừng. Đây là một bài kinh rất là nổi tiếng trong kinh điển Nam Tông vì ít nhất ba cái lý do. Lý do thứ nhất, chúng ta được biết hầu hết kinh điển đạo Phật là lời dạy của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni và các vị Thánh tăng đệ tử của Ngài. Nhưng mà bài kinh Khaggavisana này lại là lời tâm sự của các vị Phật độc giác mà Thế Tôn đã kể lại, thuyết lại cho chư tăng nghe chứ không phải là những lời do chinhs Ngài nói, Ngài thuyết, mà là những tâm sự, những suy tư, suy nghĩ của các Đức Phật độc giác quá khứ, đó là điều thứ nhất. Và điều thứ hai, chúng ta cũng biết rằng những bài kinh được phát biểu bởi chư Phật độc giác vốn không có nhiều lắm ở trong cái kho tàng kinh điển Pali. Điều thứ ba, bài kinh Khaggavisana, bài kinh Tê Giác, về số lượng chữ nghĩa không có nhiều, nhưng đã được ngài Xá Lợi Phất triển khai thành một bộ chú giải có nội dung bao hàm tất cả giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong một bộ kinh, đó là bộ Maha niddesa mà giềng mối bắt đầu chỉ từ bài kinh (Tê Ngưu Một Sừng) đó mà thôi. Nói như vậy có nghĩa là từ ngữ “độc hành” trong đạo Phật có ý nghĩa rất là đặc biệt vì toàn bộ ý nghĩa được nhắc đến trong bài kinh Tê Ngưu Một Sừng này đều được nhắm vào một câu cuối cùng của mỗi bài kệ của một vị Phật độc giác (9:19) tức là “eko care khaggavisāṇakappo” tức là hãy lên đường ra đi một mình như loài tê giác vậy. Hôm nay chúng ta cũng biết tê giác là một trong những loài động vật nằm trong sách đỏ trên thế giới, có nghĩa là khả năng tuyệt chủng rất là cao, số lượng tê giác sống được, tồn tại được trên thế giới hôm nay nó ít đến mức mà người ta có thể đếm được chứ không phải là không đếm được. Vì sao, hoàn cảnh nào mà dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng này? Một trong các lý do sinh học căn bản nhất là do nếp sống đặc dị của loài này. Loài tê giác tuy nó cũng có nếp sống hợp quần, nếp sống có bầy có đàn, trừ thời gian giao phối mỗi năm người ta vẫn bắt gặp đâu đó ở những cánh rừng già nguyên sinh có những chú tê giác hoặc là những cô tê giác sống lẻ loi một mình mà thôi. Sau mùa giao phối, mấy con tê giác cái nó lặng lẽ mang thai rồi sinh con. Nó sống trong một điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sống chủ yếu bằng gai góc trong rnừg mà thôi. Trong thế giới nhân loại gọi là người đàn bà vượt cạn một mình, còn mấy con tê giác cái chẳng những nó vượt cạn mà còn vượt khô, vượt khô vượt cạn đều một mình cả. Chỉ trừ trường hợp mùa giao phối tụi nó mới gặp nhau mà thôi. Trong trường hợp đó, bối cảnh đó, trong điều kiện sinh hoạt như vậy thì khả năng tuyệt chủng của loài tê giác rất là cao. Sở dĩ chúng tôi đi hơi lạc đề một chút xíu là bởi vì chúng tôi muốn nói rằng sở dĩ chư Phật độc giác dùng hình ảnh của cái loài tê giác là bởi vì các Ngài muốn nói đến cái nếp sống lẻ loi và đơn độc của nó, hợp quần nhưng mà lẻ loi, lẻ loi nhưng mà hợp quần. Và có lẽ cái chữ quan trong nhất trong ba bài kệ này… là “Eko care” – một mình. Tức là bài kệ ngày Đức Phật nói rằng: Nếu mà không tìm được thầy bạn xứng đáng thì thôi hãy sống một mình sẽ tốt hơn. Nói như vậy không có nghĩa rằng Đức Phật phủ nhận giá trị đời sống hợp quần của tăng chúng bởi vì chúng ta cũng biết rằng cái giá trị của tăng chúng là ở chỗ hợp quần. Ở đây không có ai lạ gì câu “Tăng ly chúng tăng tàn” hoặc là “Tăng trụ thành hoàng Phật tổ ha. Tiền hiền đô thị ẩn nham a. Sơn tuyền lưu xuất nhân gian khứ. Thanh thủy y nhiên thành trượt ba”, những câu đó gần như là những câu ngữ lục, những câu thoại đầu được xem rất là căn bản trong Phật gia, có lẽ không có bà con nào không biết. Nhưng cái điều quan trọng nhất ở đây là cái chữ “Eko care”- sống một mình, độc hành, cần phải được hiểu như thế nào mới được xem là hiểu đúng lời của Phật, như thế nào mới thấy thật sự nó có ý nghĩa có lợi ích cho cái đời tu của chúng ta
13:29
Chúng tôi xin được nhắc lại một số định nghĩa về chữ “Độc hành” trong Phật giáo mà chúng tôi tìm thấy. Có lẽ các vị cũng còn nhớ một câu chuyện rất nổi tiếng, nổi tiếng là vì có rất là nhiều vị pháp sư, giảng sư nhắc đi nhắc lại không biết là bao nhiêu lần, và riêng Uyên Minh mỗi lần nhắc đến ý niệm “Độc hành”, ý niệm sống một mình thì Uyên Minh cũng thường tâm đắc với giai thoại đó. Tức là trong kinh kể rằng ngày xưa đức Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni còn thuở sanh tử luân hồi, có một lần Ngài là một ông vua, trong vườn hoa viên lúc đang ngồi nghỉ trưa với các cung tần thì Ngài nhìn thấy hai cô cung tần đang đứng trước mặt Ngài. Một cô thì đeo hai cái vòng xuyến ngọc, còn một cô thì đeo chỉ một vòng xuyến thôi. Chúng ta biết rồi, một vòng xuyến thì trước sau như một, vòng xuyến đó nó chỉ chạy lên chạy xuống, chạy tới chạy lui chứ nó không có gây tiếng động nào hết. Còn cô cung tần thứ hai, cổ đeo trên tay của cổ cùng một lúc hai cái vòng xuyến ngọc, mà đã là hai cái vòng xuyến thì nó thay phiên nhau mà nó khua, cái vòng này nó khua cái vòng kia cứ leng keng leng keng như vậy. Đối với người thường, người ta nhìn như vậy, nghe như vậy thì người ta không có nghĩ gì hết, nhưng riêng về ông vua (ông vua Bồ Tát tiền thân của Phật Thích Ca) khi mà Ngài nghe như vậy, nhìn thấy hình ảnh như vậy Ngài mới suy nghĩ thế này: Hai cô này đeo trang sức có hai cách khác nhau, một cô thì đeo một vòng ngọc, một cô thì đeo hai vòng. Mà đeo một vòng thì không có tiếng khua, không có ồn. Còn hai vòng trở lên là bắt đầu nó um sùm Đời sống cũng như vậy, nếu mà xung quanh ta có hoàng hậu, thứ hậu, cung phi, cung tần, mỹ nữ, văn thần, võ tướng như thế này thì nó ồn ào và đời sống của chúng ta biết bao giờ mới được yên. Nếu mà ta sống một mình như vòng xuyến ngọc kia lẻ loi nhưng chắc chắn ta sẽ được an lạc. Vua nghĩ như vậy rồi, vua quyết định nhường ngôi cho người khác và lên đường vào rừng sâu để mà tu hành, rồi sau đó sanh về Phạm Thiên giới.
16:08
Câu chuyện này mới thoạt nghe qua thì có lẽ chúng ta bị ám ảnh bởi cái niệm rằng câu chuyện này nó mang tính chất cổ tích nhiều hơn là một vấn đề tu học. Đã vậy duyên sự của ba bài kệ này nó lại mang đậm màu sắc tôn giáo chuyên môn, bởi vì thời buổi này với bối cảnh khoa học của thế giới hôm nay mà chúng ta nghe kể rằng có một vị tu sĩ Phật trong rừng sống với một con voi mà con voi đó mỗi ngày nó tìm đủ mọi cách để gần gũi, tiếp xúc, đã vậy nó còn phục vụ, hầu hạ cho vị tu sĩ đó nữa. Cho dầu vị tu sĩ đó là một vị đại ẩn sĩ, một bậc chí tôn vô thượng như Đức Phật đi nữa thì chuyện này khó mà tin, khó mà chấp nhận được. Tuy nhiên đó là vấn đề khác, vấn đề nhỏ mà chúng ta cần nhắc ở đây. Ở đây chúng tôi chỉ điểm lại chút duyên sự của bài kệ này, sở dĩ Đức Thế Tôn ngài thuyết giảng, ngài nói đến ba bài kệ này bởi vì mọi sự bắt đầu từ cuộc gây gỗ, xích mích giữa hai nhóm tỳ kheo ở một chùa…ở Kosambi. Tương truyền rằng trong chùa đông đảo chư tăng, có đến hàng trăm vị, trong đó có hai vị được xem là lãnh đạo chư tăng, một vị là luật sư, một vị là pháp sư. Luật sư thì lúc nào cũng cẩn cẩn nghiêm trọng, nghiêm khắc, không có sơ ý trong mọi sinh hoạt lớn nhỏ. Còn vị pháp sư, do cái nhu cầu phải tiếp xúc với Phật tử, một phần cũng do bản tính tương đối thoải mái cho nên nhiều khi có những sinh hoạt nhỏ nhặt vị này không có để ý. Chẳng hạn như trong luật cấm, vị tỳ kheo đi vào restroom, restroom trong điều kiện ngày xưa chứ không phải restroom trong điều kiện bây giờ sau khi dùng rồi chúng ta chỉ kéo hoặc nhấn nút nước nó chảy xuống là xong, còn ngày xưa thì không phải như vậy, ngày xưa người ta có cái lu đựng nước riêng, có cái gào, gáo, ca để múc nước người ta dùng chứ không phải đơn giản như bây giờ. Theo trong luật cấm, vị tỳ kheo sau khi dùng nước rồi thì phải úp cái gáo hoặc là cái ca đó xuống để nước nó đừng có đọng lại ở trong cái gáo vì hai lý do, một nó đọng lại như vậy sẽ có lăng quăng, có muỗi, thứ hai là người vào sau họ sẽ gớm. Vì khi mình sắp dùng cái gào, cái gáo thấy nó khô ráo thì mình thấy dễ chịu hơn, còn đằng này mình dùng thấy nó còn đọng lại một chút nước sẽ rất là khó chịu. Thấy rõ điều này nên trong luật tạng Đức Phật cấm một điều là vị tỳ kheo trong phòng vệ sinh, khi dùng gáo nước hoặc gào nước xong thì nên nhớ úp ngược nó xuống để tránh trường hợp nước nó đọng lại, dầu một chút thôi cũng không có nên.
Vị pháp sư kia một ngày nọ đi vào phòng vệ sinh sinh hoạt cá nhân xong rồi vị này bước ra, có điều là vị này quên, sơ ý không có úp ngược cái gáo đó lại mà để ngửa nó lên, tức là nó còn đọng lại một chút nước. Xui một chỗ là người thứ hai đi vào phòng vệ sinh đó lại là cái vị luật sư. Vị luật sư nhìn thấy cái gáo nước bị để ngửa như vậy vị này có chút khó chịu. Sau đó thay vì im lặng hoặc là kín đáo nói chuyện riêng với vị pháp sư thì vị luật sư này lại đi nói với học trò của mình “Ngài pháp sư ngài sơ ý quá đi, cái chuyện có chút xíu mà ngài không có nhớ. Ngài là bậc danh tăng có tiếng tăm, cái chuyện có chút xíu mà ngài không để ý, ngài không biết cái đó là phạm luật”. Mấy vị tăng sinh, học trò của vị luật sư nghe vậy mới bắt đầu đi đồn, đồn đến tai học trò của vị pháp sư “Sư phụ của mấy người Phật pháp thì giỏi mà luật giữ không nổi”. Thì các vị thử tưởng tượng chừng đó lời qua tiếng lại cũng đủ xảy ra chuyện xích mích, rồi cứ vậy mà gây. Chưa hết, từ chuyện chư tăng nó mới kéo qua chuyện Phật tử, có vị họ cũng có cảm tình với vị pháp sư, có vị họ cũng mến vị luật sư, trò nào bênh thầy nấy, tôi nào thì chúa nấy. Cứ vậy mà Phật tử chia ra hai phe. Mà tình trạng này cho đến hôm nay sau 2500 năm lịch sử Phật giáo thì Phật giáo đã có hàng triệu bảng photocopy rồi, chùa nào cũng vậy thôi, ở trong chùa mà có hai ba vị danh tăng thì dứt khoát có hai ba nhóm Phật tử, hễ có hai ba nhóm Phật tử họ không gây nhau mới là chuyện lạ. Cho nên hôm nay trong chùa Nam Tông, Bắc Tông, Cáo Đài, Khất Sĩ, Hòa Hảo nào đó mà có xảy ra chuyện này thì chúng ta nên nghĩ đó là bản photocopy của câu chuyện ngày xưa mà thôi. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn cũng lớn tuổi rồi, ngài nghe được ở trong chùa có chuyện buồn như vậy nên ngài đã đích thân đi đến để mà dàn xếp. Ngài nói: “Thôi chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, anh em sống với nhau thuận thảo, hòa ái mà sống mà tu. Sanh tử mới là đại sự, những chuyện khác ngoài ra, buồn vui đều không đáng kể. Hãy nể Như Lai mà bỏ qua đi”. Không ngờ ở trong chư tăng lại phát biểu một câu phạm thượng như thế này “Kính bạch Đức Thế Tôn, bây giờ Đức Thế Tôn đã lớn tuổi rồi, chuyện riêng của chúng con xin hãy để riêng cho chúng con giải quyết. Xin Thế Tôn hãy an dưỡng tuổi già bằng cái nếp sống độc cư của Thế Tôn đi”. Các vị trong room mà nghe Uyên Minh kể như vậy, các vị có thể tưởng tượng được là Đức Thế Tôn là bậc Pháp Vương Vô Thượng, cha lành ba cõi, tứ sanh từ phụ mà nghe học trò của mình phán một câu xanh rờn như vậy, vậy mà chuyện đó có thật, mới đau lòng. Sau khi Đức Thế Tôn nghe như vậy ròi ngài mới lặng lẽ bỏ vào rừng
22: 38
Ngài không cho một vị nào đi theo kể cả ngài Anan. Trong kinh nói khi Ngài vào ở trong rừng Ngài có gặp một con voi. Chuyện về con voi nó dài lắm chúng tôi không kể vì hai lý do, một là thời lượng chúng ta không có, hai là nó mang tính cách hơi khó tin, nó thuộc về tính chất tôn giáo. Trong kinh viết rằng con voi hầu hạ Đức Phật trong suốt ba tháng Ngài sống một mình trong rừng (sau sự cố dàn xếp bất thành đối với chư Tăng) thì con voi đó chính là một trong mười Đức Phật tương lai về sau. Tức là theo trong kinh nói sau khi Đức Phật Thích Ca viên tịch rồi, trãi qua một thời gian dài đến đời Đức Phật Di Lặc, và Đức Phật Di Lặc niết bàn rồi sẽ lần lượt có rất là nhiều chư Phật khác ra đời để mà tế độ cho chúng sinh. Trong số mười vị Phật tiếp nối huệ mạng, sứ mệnh độ sinh của Phật Di Lặc, thì trong số mười vị đó có một vị chính là con voi này, con voi mà khi nãy chúng ta đã nhắc đến trong phần duyên sự.
Chữ “Eko care” trong kinh điển Phật giáo mà theo chúng tôi được hiểu thì nghĩa nó rất là rộng. Thời Đức Phật có một vị tỳ kheo từng có cái suy nghĩ rằng “Đức Thế Tôn và chư Thánh tăng thường xuyên tán thán người sống một mình, thôi thì bây giờ để cho cuộc tu học của mình có hiệu quả hơn, có nhiều thành tựu hơn, thôi thì mình hãy thực hiện nếp sống một mình”. “Một mình” là sao? Là vị này tự nhiên đang sống với anh em cái tách riêng ra sống một mình. Sáng người ta đi bát năm, bảy chục ông sư người ta đi, mình không thèm đi chung, tách ra đi con đường làng một mình. Rồi trưa về anh em tụ hợp ở một góc rừng nào đó để ăn cơm trưa chung với nhau, vị này cũng không thèm ăn chung, cứ ôm bình bát ra gốc cây ngồi một mình. Rồi kinh hành ban đêm cũng đi một mình. Ngồi thiền một mình, đi bát một mình, sống một mình, không trò chuyện với ai hết, làm gì cũng một mình. Rồi có vài vị bạn bè đồng phạm hạnh mới hỏi “Chúng tôi làm gì cho sư buồn mà sao sư có vẻ tránh tụi tôi? Anh em có gì nói nhau chứ sao mà kì vậy? Sư không có tiếng giải thích làm tụi tôi cũng áy náy”. Thì vị kia mới giải thích thế này “Anh em hiểu lầm tôi thôi, chứ tôi đâu dám có cái dị tưởng gì với chư tăng đâu. Anh em biết rồi Đức Thế Tôn tán thán lối sống một mình cho nên tôi quyết định người ta đắc cái này đắc cái kia, mình đắc không được vậy thôi cái nào mình làm được mình làm. Người ta nội tâm thanh tịnh, mình không thanh tịnh được vậy thôi mình sống một mình mình. Tức là ăn một mình, ở một mình, đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình, nằm một mình, ngủ một mình, thức một mình”. Câu chuyện đó đến tai Đức Phật, Đức Phật nói “Này tỳ kheo, không phải đi một mình, ở một mình, sống một mình, ăn một mình mà gọi là sống độc cư theo lời dạy của Như Lai đâu. Là bởi vì độc cư hay viễn ly nó có bốn hình thức. Có những trường hợp thân viễn ly mà tâm không viễn ly. Trường hợp thứ hai tâm viễn ly mà thân không viễn ly. Có trường hợp thân tâm đêu viễn ly. Trường hợp cuối cùng là thân tâm đều không viễn ly”. Viễn là xa, ly là rời, rời xa đại chúng, rời xa đám đông. Có nhiều người thân trong đám đông còn cái lòng thì thế ngoại cao nhân, ở một mình mà cái lòng ở một cảnh giới riêng tư. Nhưng mà có những người sống riêng tư, sống một mình thôi nhưng mà lòng luôn hướng về phố xá chợ búa, um sùm một mình, một mình nhưng cũng có cái um sùm của riêng mình. Rồi có những người thân tâm đều viễn ly, sống một mình, sống ở chỗ rừng sâu núi thẳm, sống ở chỗ không người nhưng mà nội tâm ở một cảnh giới rất là riêng tư, an tĩnh. Rồi hạng người thứ tư, mà chúng ta thấy là 95% dân số trên thế giới là hạng người thân tâm đều không viễn ly, có nghĩa là tìm mọi cách để mà sáp vô, để mà gắn liền với cộng đồng, với hội đoàn mới chịu nỗi, chứ còn sống một mình chịu không có nỗi. Mưa gió một mình cũng buồn, trời lạnh trời nóng một mình cũng buồn, đi chợ một mình buồn, ăn một mình cũng buồn, làm biếng nấu cơm, làm biếng rửa chén, làm biếng giặt giũ, đi đâu đó làm một mình buồn chịu không nỗi mà nội tâm luôn luôn hướng về đại chúng. Trường hợp này gọi là thân tâm đều không viễn ly. Đức Phật ngài dạy rằng ý nghĩa của chữ sống độc cư hay sống một mình không có nghĩa chỉ là hình thức thôi mà vấn đề là chúng ta dàn xếp từ cái nội tâm của chúng ta. Bởi vì nếu mà nói rằng sống một mình nghĩa là anh không góp mặt với ai, chỉ đơn giản như vậy thôi thì chúng ta cũng thấy rằng nếp sống đó cũng đâu phải là nếp sống giải thoát.
27:32
Bởi vì trên đời này thiếu gì những người có nếp sống một mình. Cách đây không lâu Uyên Minh có đọc một bài báo họ kể về những người sống cô đơn nhất hành tinh này. Uyên Minh mới thấy làm lạ rằng trên đời này tại sao có những nếp sống cô đơn mà báo chí họ nhắc? Thì ra trong cái thế giới ồn ào mà chúng ta đang sống, ngay bây giờ, ngay trong lúc Uyên Minh nói chuyện với các vị đây thì trên thế giới ở một góc trời nào đó có những con người sống rất là đơn độc, rất là lẻ loi. Người ta bèn kể ra một loạt những người có những nghề buộc họ phải sống một mình, đó là những người lính kiểm lâm, hay là những người gác hải đăng ở ngoài biển khơi. Đó là những người cả đời họ gần như không thấy ai hết.Trong bài báo đó họ có kể một ông cụ gác hải đăng trong suốt bốn chục năm trời không gặp ai hết, ngoài cái người tiếp tế lương thực và báo chí hoặc là thuốc men cho ổng mỗi tháng một lần mà thôi. Và ổng đã sống bốn chục năm trên một cái hoang đảo ngoài biển như vậy đó. Rồi những người lính kiểm lâm sau khi nhận nhiệm vụ canh giữ một khu rừng nào đó thì họ có thể sống ở đó mấy chục năm trời, thậm chí không vợ không con gì hết, chỉ có một con chó becgie mà thôi. Và hôm nay chúng ta đi về những vùng Đông Âu, núi rừng Đông Âu, Ba Lan chẳng hạn… ở những vùng núi non có những bầy cừu, bầy bò ở đó cũng chỉ được chăn dắt bởi một hoặc hai người mà thôi. Trong trường hợp đó ý muốn nói rằng chữ “Độc hành” trong Đạo Phật không phải chỉ là lẻ loi trong hình thức mà ở đây nó mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng. Có một khái niệm rất là phổ thông, phổ biến nhưng rất là quan trọng mà Uyên Minh vẫn nói đi nói lại rất là nhiều lần, sáng nay Uyên Minh cũng muốn nhắc lại định nghĩa đó trong cái bài kệ này nhầm để tô đậm Eko care-độc hành.
Chúng ta đã biết rằng cho dù đời sống của một vị giáo hàng, một vị tổng thống hay là đời sống của một anh homeless không nhà ở Hoa Kỳ hay là đời sống của một tu sĩ đi nữa, bất cứ đời sống của ai, nói một cách chuyên môn theo tinh thần A Tỳ Đàm của Phật giáo Nam Tông thì cho dù đời sống của ai đi nữa nó cũng chỉ là sự tồn tại, hiện hữu của sáu căn mà thôi. Trên đời này nó có nước mắt và nụ cười, có niềm vui và nó cũng có đau khổ, có gai góc và nó có bông hoa, nó có vị đắng và nó có mật ngọt. Những cái đó nó có từ đâu? Nó có từ chỗ chúng ta xử lý như thế nào đó, sử dụng như thế nào đó sáu căn của mình đối với sáu trần. Tại sao chúng ta buồn, tại sao chúng ta vui, tại sao chúng ta thương nhớ, tại sao chúng ta tiếc nuối? Là bởi vì chúng ta không có dùng sáu căn đúng như là cái chức năng thực sự cần thiết của nó. Chúng ta ở đây ai từng làm nội trợ thì biết con dao mình có thể dùng vào rất là nhiều việc, có thể dùng để thái rau, cắt bầu, cắt mướp, con dao đó có thể làm cho mình đứt tay, con dao đó cũng có thể giúp cho mình rọc một phong bì để mở một từ bill, con dao đó có thể dùng để tự sát, con dao đó có thể dùng để giết người, con dao có thể dùng để cứu người. Thì lục căn cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy. Chuyện đời trước sau cũng chừng đó thôi, nhưng mà có lúc mình gọi nó là nước mắt, có lúc mình gọi nó là “chanh muối”, cũng vị mặn đó mà do mình nghĩ thôi. Có lúc mình cần trời mát, trời nó ui ui, ui ui là “Trời không nắng cũng không mưa. Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương”, đôi lúc mình cần cái bầu trời như vậy thì mình thấy bầu trời đó nó đẹp, nhưng có lúc mình thấy bầu trời nó ui ui không nắng không mưa thì mình buồn. Đó là thái độ của chúng ta đối với sáu trần mà thôi. Ngay trong bản chất đời sống của chúng ta thì chúng ta vốn dĩ là những người cô đơn từ lúc lọt lòng mẹ rồi. Cô đơn là sao? Cho dù mẹ có cho chúng ta bú mớm, nuôi dưỡng, giáo dưỡng chúng ta từ bé, lớn lên chúng ta có vợ có chồng, có con có cái đi nữa nhưng cái niềm cô đơn căn bản của chúng ta vẫn là không ai hiểu chúng ta bằng chính chúng ta cả. Và thế là để đáp ứng được, để giải quyết được, để đi tìm một giải pháp cho sự cô đơn đó, mỗi người tìm đến cho mình một cảnh giới khác nhau. Và chính sự TÌM ĐẾN đó (cái chữ TÌM ĐẾN ở đây xin gạch dưới bằng mực đỏ) chính cách TÌM ĐẾN này được gọi bằng chữ Pali là chữ “Eko care”. Có người đến với hội họa, âm nhạc, có người đến với những trò chơi trác tán, những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm. Rồi những người họ chạy trốn sự cô đơn bằng cách họ đi câu cá, họ đi đánh Golf. Rồi họ chạy trốn sự cô đơn bằng cách đi đàn đúm bạn bè để mà họ đánh bài, đánh bạc hoặc là đi du lịch chỗ này chỗ kia… Mà chúng ta khổ, chúng ta buồn, chúng ta tiếc nuối, chúng ta khổ lụy là bởi vì chúng ta luôn luôn tìm cách đem lục căn của mình mà gả bán cho lục trần một cách rất là rẻ tiền – một cuộc “hôn nhân” không có hạnh phúc. Cái chữ “Hôn nhân” ở đây chúng tôi muốn nói theo nghĩa rộng, tức là một sự lắp ráp. “Eko care” – sống một mình là sao? Sống một mình nó lại mở ra cho chúng ta một ý nghĩa khác đó là sống bè bạn. Cái chữ bè bạn trong đạo Phật nó rộng lắm, chứ không phải nghĩa đơn giản như mình nghĩ. Bè bạn – Mitta, hoặc chữ đồng nghĩa “Dutiyaka” tức là người thứ hai – người đi bên cạnh mình, cũng được gọi là bạn. Chữ “bạn” trong đạo Phật nghĩa rất là rộng, bạn ở đây có thể là một con người nào đó, một con chó becgie của người chăn bò trên cái thảo nguyên mênh mông thì cũng có thể là bạn của mình hoặc là niềm vui, một cái trò tiêu khiển, giải trí nào đó cũng có thể là bạn của mình. Tùy theo cái khuynh hướng tâm lý, tùy theo trình độ văn hóa, tùy theo cấp độ tư tưởng, tùy theo cảnh tâm giới của mỗi người mà chúng ta có cách chọn bạn khác nhau. Chữ “bạn” trong đạo Phật có nhiều nghĩa lắm, một con người cũng có thể là bạn của mình, một cảnh giới nội tâm nào đó cũng có thể là bạn của mình. Chẳng hạn như trong tiếng Pali có chữ “Tanha dutiyaka” có nghĩa là người nào làm bạn với ái dục thì người đó sẽ mãi mãi sanh tử. Làm bạn với ái dục có nghĩa là đời sống của chúng ta không thể nào thiếu đi được, vắng đi được một nhu cầu nào đó của mình. Mình nghiện ngập, thèm khát nó, bây giờ thiếu nó mình sống không nổi, mình không an lạc được, mình không mỉm cười được. Mình vắng nó là mình phải đi kiếm nó. Như vậy thì lúc bấy giờ nó đã trở thành người bạn của mình rồi. Nói như vậy thì có nghĩa rằng cái gì đó mà nó chia sẻ được với mình những buồn vui thì tất cả những cái đó được gọi là bạn. Đó là định nghĩa về chữ bạn.
Định nghĩa thứ hai là chữ “Độc hành”. “Độc hành “ là sao? Là không có bạn. Trong bài kệ này Đức Phật dạy rằng nếu như không có người tốt mà chơi thì hãy đi một mình. Đó là nói trên mặt nổi của bài kệ. Còn nói mặt xa hơn nữa, mặt sâu hơn nữa. Nếu không có được một trò giải trí tốt thì thà đừng có trò giải trí tội lỗi. Nói xa hơn nữa, nếu không thể sống được trong đời sống thiện pháp thì đừng có tìm đến với đời sống ác pháp. Bởi vì nếu không có được bạn lành thì thà là sống một mình. Chúng ta còn nhớ hai câu “Như vua bỏ nước vong suy. Như voi rừng thẫm thà đi một mình” là chỗ đó. Nếu mà ăn cái món không làm cho mình an lạc thì thôi đừng ăn. Nếu chơi với một người không làm cho mình an lạc thì đừng có chơi. Việt Nam mình cũng có một câu “Thà là ăn dĩa muối rang hơn bạc hơn vàng vừa khóc vừa ăn”. Mình ham giàu mình làm dâu nhà quyên quý, vô trong đó người ta coi rẻ mình, mình ham vợ giàu mình làm rễ nhà trâm anh thế phiệt, vô trong đó người ta coi rẻ mình thì như vậy là mình bán rẻ cái cuộc đời của mình chứ không phải là một cuộc hôn nhân. Cho nên, “Eko care” có nghĩa là cái thức ăn nào, món ăn nào mà nó không làm cho mình an lạc thì đừng ăn, cái thức uống nào nó không làm cho mình an lạc thì đừng uống, trò tiêu khiển nào nó không làm cho mình an lạc thì đừng dùng nó làm trò tiêu khiển, người bạn nào không làm cho mình an lạc, không làm cho mình tiến bộ thì hãy từ bỏ người bạn đó, trú xứ nào không làm cho mình an lạc, tiến bộ thì hãy từ bỏ trú xứ đó. Như vậy, bất cứ là người hay là vật, nếp sống nào hay là tâm cảnh tâm giới nào mà nó không thể giúp ích cho mình được sự tiến bộ về đời sống tinh thần, không thể đem lại cho mình sự an lạc thì tất cả những nhân, những vật đó được xem là những người bạn xấu. Và chúng ta cần thiết phải có một cuộc ra đi một mình, độc hành “Eko care”.
“Eko care” là sự từ chối những thứ không thật sự cần thiết cho đời sống hiện tại của mình, từ chối những thứ không thật sự cần thiết cho cuộc sanh tử của mình. Vì sao? Vì sanh tử là đại sự, luân hồi là một cuộc đi đường dài nghìn dặm. Mà đã là nghìn dặm, có cái gì nó đau khổ cho bằng mình phải cưu mang những cái gánh nặng không thật sự cần thiết. Có cái gì nó tan thương ngẫu lục cho bằng phải đi trên một đoạn đường dài với cái người mà mình không thích. Có cái gì mà nó đau khổ cho bằng đi trên con đường dài mà mình phải ăn, phải uống những gì mình không thích.
Cho nên, “Eko care” ở đây không phải chỉ đơn giản là sống một mình như là một thái độ tỵ thế, lánh đời, tiêu cực, bi quan, bệnh hoạn, thiếu máu, tật nguyền. Mà cái “Eko care” ở đây nó có nghĩa rằng là anh phải có một cái thái độ chọn lựa thông minh. Cái “Độc hành” ở đây không chỉ là hai bàn chân của mình trên con đường vạn lý mà “Eko care” hay sự “Độc hành” ở đây nó mang ý nghĩa là sự chọn lựa.
Cho nên ở đây chúng tôi không ngần ngại dịch chữ “Eko care” ở đây là sự chọn lựa thông minh. Sự chọn lựa thông minh đó chính là nội dung của ba bài kệ Pháp Cú mà chúng tôi vừa giới thiệu. Đồng thời nó cũng là nội dung của bài kinh “Khaggavisana” – bài kinh Tê Ngưu, mà cho đến hôm nay giáo sư Richard Salomon đã chuyển dịch, trước hết là phiên âm, đã chuyển dịch từ dạng cổ ngữ ngày xưa ở Ấn Độ qua tự dạng Latin, đồng thời giáo sư cũng đã dịch nó ra tiếng Anh và cũng đã bán rồi…
Bài giảng hôm nay chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh chữ “Eko care” là gì. “Eko care” là không có bè bạn, mà bè bạn là gì, bè bạn ở đây là người, vật, sự kiện, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt của chúng ta. Cho nên Uyên Minh nghĩ rằng mình cũng đã đóng góp được cho ba bài kệ, phần còn lại Uyên Minh xin dnahf lại cho phần bổ thuyết của Chư Đại Đức Tăng trong room.