Kinh Pháp Cú số 367

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tăng. Kính thưa qúy Phật tử trong room. Cám ơn quý vị

Sáng nay chúng ta cùng bàn thảo về câu kệ Pháp Cú số 367. Bản dịch tiếng Việt của thượng tọa Giác Đẳng thực hiện.
“Tất cả thuộc danh sắc
Không chấp ngã, ngã sở
Không chấp thủ, không khổ
Ấy chính là tỳ kheo”

Chúng ta vừa được nghe sơ qua duyên sự của bài kệ này. Tức là mỗi một ngày như vậy Đức Thế Tôn có năm việc phải làm. Buổi sáng Ngài đi khất thực. Buổi chiều Ngài thuyết pháp cho đại chúng. Đầu hôm thì Ngài giáo giới chư tăng. Buổi khuya thì Ngài trả lời các câu hỏi của thiên chúng. Rạng sáng Ngài dùng Phật nhãn để soi rọi cơ duyên của tất cả chúng sanh ở trong tam giới để mà tế độ những người hữu duyên.

Có một buổi sáng hôm đó, với Phật nhãn vô lượng của mình Đức Phật ngài nhìn thấy cơ duyên của hai vợ chồng một ông Bà la môn có khả năng chứng được tam quả tức là Anahàm. Họ thì nghèo nhưng theo cách nói của người Việt mình là họ nghèo nhưng họ có cái lòng. Hai vợ chồng ông này rất là tốt, dầu nghèo nhưng mỗi ngày đều dành ra một phần cơm để bố thí cho những người nghèo đói cần đến mình, đó là tấm lòng của họ. Và chúng ta cũng biết rằng không riêng gì Ấn Độ ngày xưa mà ở Việt Nam mình cũng vậy, cũng có nhiều người không phải dân Sài Gòn, thành phố gì hết, họ là dân miền Tây Nam Bộ thôi nhưng trong nhà, trong vườn của họ mà có cây, có trái gì thì họ cũng có cái lòng sẵn sàng giúp đỡ những ai cần thiết không có tiếc nuối. Chúng tôi cũng biết một Phật tử ở Houston, bây giờ đang ở Mỹ, Phật tử này kể cho chúng tôi nghe ngày xưa khi còn ở Việt Nam thì ở trong gia đình của đạo hữu này có mấy cây xoài vơi smấy cây mận. Gia đình thì không thiếu thốn gì cho nên mỗi mùa trái như vậy, mận bao nhiêu, xoài bao nhiêu thì hai vợ chồng cứ để dành đó cho mấy trẻ em trong xóm, muốn đến hái bao nhiêu thì hái, muốn đến xin bao nhiêu thì xin. Đó cũng là cách sống của một số người, học có thói quen chia sẻ như vậy. Hai vợ chồng ông Bà la môn này cũng vậy, cũng có thói quen làm phước, bố thí dầu ít dầu nhiều. Họ không có gì họ cho, họ chỉ có cơm thôi, họ nấu cơm rồi ai đến xin thì họ cho. Hôm đó Đức Thế Tôn với Phật nhãn Ngài nhìn thấy cơ duyên giác ngộ của hai vợ chồng ông Bà la môn này nên ngài đã đi đến. Theo trong Sớ, thì Ngài đến vào lúc cận giờ, tức là sắp hết giờ khất thực rồi. Bà vợ bả nghĩ trong bụng rằng “Sáng giờ mình đã cho nhiều rồi. Bây giờ chỉ còn lại một ít vừa đủ để hai vợ chồng ăn thôi. Nếu mà ông chồng ổng thấy ông Sa môn này ổng cho luôn cái phần còn lại thì đâu có còn thời gian đâu để nấu nồi cơm mới mà hai vợ chồng ăn”, bả nghĩ như vậy. Nên bả tìm cách bả đứng áng bả che không cho ông chồng thấy. Nhưng lúc đó Đức Phật ngài phóng hào quang, bả mới bật cười, bả bật cười là vì ý của bả là muốn che nhưng mà che không được. Khi bả bật cười như vậy thì ông chồng ổng nghe, ổng quay lại thấy Đức Phật ổng đem phần đó cúng dường cho Ngài. Phần duyên sự chúng ta đã nghe rồi. Phần cần bàn ở đây là

“Sabbaso namarupasmim
yassa natthi mamayitam
asata ca na socati
sa ve “bhikkhu” ti vuccati”

Đối với một người không còn ý niệm ‘ngã’ và ‘ngã sở’ ở trong tất cả danh sắc về mọi phương diện ‘Sabbaso’. Thì đối với một người như vậy được gọi là tỳ kheo.

Căn cứ vào bản Pali chúng tôi từng dịch năm 1986, thì Thế Tôn ngài không có nhận. Ngài đứng cho hai vợ chồng thấy nhưng khi ông chồng ổng đem cơm ra cúng cho Ngài thì Ngài không có nhận. Khi Ngài không nhận ổng mới hỏi “Người như Ngài vậy chúng tôi phải gọi như thế nào mới đúng?. Ôm bát đi xin thì người ta gọi là ‘Bhikkhu’- tỳ kheo (là một chữ rất phổ thông thời bấy giờ). Còn Ngài, Ngài cũng ôm bát đi xin mà người ta cho thì lại không lấy. Vậy phải gọi làm sao?”. Ngài mới nói rằng “Đối với riêng Như Lai trong trường hợp này thì cái chữ ‘Tỳ kheo’ không có nghĩa là ôm bát đi xin ăn không mà cái chữ ‘Tỳ kheo’ cũng phải được định nghĩa như thế này…” Rồi bắt đầu Ngài đọc bài kệ

“Sabbaso namarupasmim
yassa natthi mamayitam
asata ca na socati
sa ve “bhikkhu” ti vuccati”

Ai mà đối với danh sắc không còn cái ý niệm ngã chấp, ngã sở về mọi phương diện nhờ đó mà vượt ngoài mọi tham ưu, sầu muộn ở đời này. Người như vậy xứng đáng được gọi là ‘Tỳ kheo’ ở trong định nghĩa của bậc Thánh. Sau khi nghe xong lời giải thích này thì hai vợ chồng đều chứng quả Anahàm-tam quả, tức là đoạn tận được năm cái hạ phần kiết sử: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân. Tức là vĩnh viễn hai vợ chồng này không còn sân tâm nữa, vĩnh viễn hai vợ chồng này không còn một chút xíu nào đam mê nào trong vật dục trần nữa, được gọi là một vị Anahàm. Vị này khi lâm chung chỉ có hai cảnh giới để đi mà thôi. Nếu là người chứng đắc được ngũ thiền thì sanh về năm cõi ngũ tịnh cư. Còn nếu mà không có chứng đắc được tầng thiền nào thì tối thiểu cũng sanh về cõi Phạm Thiên sơ thiền. Bởi vì đối với các vị này không còn chủng tử tham dục nữa cho nên không thể sanh trở lại cõi dục. Đây là lý do tại sao vị Anahàm được gọi là vị bất lai là như vậy đó. Vấn đề mà chúng ta chú ý ở đây là chữ ‘mamayitam’, đó là khái niệm ‘ngã’ và ‘ngã sở’. Chúng ta cũng thấy là trong toàn bộ kinh điển dầu Đức Phật có dạy mình giữ giới, tu thiền định, dạy mình tu giới, tu định, tu tuệ, dầu là nội dung của tạng kinh, tạng luật hay tạng A tỳ đàm, dầu Đức Phật ngài có trình bày về uẩn, về xứ, về giới, về đế, dầu Đức Phật ngài có trình bày các pháp như thế nào đi nữa thì toàn bộ nội dung lời Phật chỉ có một hương vị duy nhất mà thôi. Đó là hương vị giải thoát. Thế nào là hương vị giải thoát? Hương vị giải thoát ở đây là sự nằm ngoài, sự vượt thoát khái niệm ‘tôi là’, ‘nó là’. Đó chính là sự giải thoát. Trên đời này chúng ta khổ là bởi vì chúng ta còn bị vướng kẹt trong khái niệm ‘tôi là’, ‘nó là’. Chúng ta phải bình tĩnh, phải khách quan, phải trung thực, phải sáng suốt mà nhìn thấy điều đó. Cho dù chúng ta có tu tập pháp môn nào đi nữa, cho dù chúng ta có thành tựu, có sở chứng, sở đắc nào đi nữa, chúng ta có đắc được một tầng thiền định nào đi nữa, còn nói theo ngoài đời chúng ta giàu có, có học vị, địa vị như thế nào đi nữa thì tất cả những cái đó như hôm trước chúng tôi có thưa trong room về một vấn đề rất là quan trọng đó là: cái chúng ta có nó không quan trọng bằng cái thái độ của chúng ta đối với những gì chúng ta có. Chuyện đó mới là chuyện quan trọng. Chúng ta có thể là một tỷ phú, chúng ta có thể là một tiến sỹ, chúng ta có thể là một danh nhân, chúng ta có thể là một người vô danh, cái chuyện đó hạ hồi phân giải. Nhưng cái vấn đề cơ bản nhất ở trong cuộc đời này là anh nghĩ sao về cái mà anh đang có và thái độ của anh đối với cuộc đời. Có một câu mà chúng tôi nhắc đi nhắc lại hoài, riêng chúng tôi thì chúng tôi không chán nhưng mà chắc chắn trong room có người chán, đó là “Chúng ta không thể thay đổi cuộc đời nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình đối với cuộc đời”. Cũng nắng ấm, mưa chiều, cũng tình người ấm lạnh trước sau như một vậy thôi, nghìn năm trước Trái Đất này cũng vậy, nghìn năm sau nhân tình thế thái cũng vậy “Nhân tình trường đoản gia gia hữu. Thế sự chiêm lưu xứ xứ đồng”. Thì ở đây tình người cũng vậy thôi, hồi trước 75 cũng vậy, sau 75 cũng vậy. Rồi xuống tàu vượt biên qua Mỹ, rồi cũng đi làm chừng đó, cũng đói ăn khát uống, cũng người Việt với nhau, cũng có những cái vui, cái buồn, xích mích giữa cá nhân với cá nhân, giữa cộng đồng với cộng đồng, tập thể với tập thể, tổ chức này với tổ chức kia, giữa tôn giáo với tôn giáo, chính trị với chính trị, giới văn nghệ với văn nghệ với nhau, cái chuyện đó xưa nay ở đâu cũng vậy, người Việt mình nói riêng và nhân loại nói chung, ở đâu cũng vậy thôi, cái quan trọng là mình có tìm được suối nguồn an lạc cho riêng mình hay không. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào cái thái độ sống của chúng ta. Chúng ta biết rằng cứ mỗi năm vào mùa đông như thế này có không biết bao nhiêu giọt nước mắt của những người Việt xa xứ khi nhớ về quê hương. Nhớ sao không nhớ, trời lạnh như thế này, con cháu đi làm hết, ở một mình trong một ngôi nhà mênh mông, có người còn đèo theo một đứa cháu nội cháu ngoại để mà giữ nó nữa. Đối với họ như vậy mùa đông ở xứ người nó không phải là hạnh phúc. Chúng ta cũng biết rằng vào thởi điểm mùa đông như thế này có biết bao nhiêu người con gái, con trai, bao nhiêu người trong nước họ có thể làm tất cả mọi thứ kể cả bán rẻ nhân phẩm để bằng mọi giá có mặt ở nước ngoài. Chúng ta có thường đọc báo, nghe đài trong nước chúng ta mới biết chuyện đó. Bao nhiêu giá trị nhân phẩm, nhân cách của con người đặc biệt là của giới trẻ bị chà đạp, bị coi rẻ. Họ bán đổ bán tháo tất cả mọi thứ họ có để họ có mặt ở nước ngoài mà thôi. Nhưng mình ra tới nước ngoài rồi mình mới thấy rằng mọi sự không như mình nghĩ nữa. Là vì sao? Vì mình đi đâu mình cũng mang theo chừng đó cái tâm tình. Mình đi đâu mình cũng mang chừng đó tham, chừng đó sân, chừng đó si. Mình đi đâu mình cũng mang theo chừng đó những cái ‘tôi là’, ‘nó là’. Mình đi đâu mình cũng mang theo một cái chuồng, cái lồng, cái củi để tự nhốt mình vào trong đó. Thì cho dù chúng ta có sanh về Phạm Thiên giới, có sanh về các cõi dục thiên, chúng ta có làm con vui cháu chúa gì đi nữa thì cũng chừng đó thôi. Chúng ta cũng thấy trên lịch sử thế giới, đặc biệt là lịch sử Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia mà tương đối chúng ta hiểu biết ít nhiều về lịch sử thì chúng ta thấy rằng máu và lệ đổ ra trong giới quý tộc đâu có ít so với nổi khổ của giới lê dân, bá tánh bên ngoài. Người giàu họ có cái khổ của người giàu, người nghèo họ có cái khổ của người nghèo. Ăn học cao họ có cái khổ của ăn học cao, người ăn học ít họ có cái khổ của người ăn học ít. Cái khổ là một khuôn mặt bắt buộc phải có của đời sống bởi vì hễ có sống là có chết, có sáng thì có tối, có nụ cười thì có nước mắt. Không thể nào có một cái phương trời nào dưới cái gầm trời này ở trong cõi tử sinh trường mộng, trí sanh mộng tưởng này mà nó chỉ thuần là hạnh phúc. Bởi vì không thể nào có hạnh phúc mà không có đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ nó là một cái đồng tiền hai mặt. Ai đó có cầm đồng tiền sẽ thấy nó có một mặt hình và một mặt số, cái bản chất đời sống nó là như vậy. Anh không thể hạnh phúc nếu anh không biết đau khổ là gì. Và đau khổ nó chỉ có ở nơi nào có hạnh phúc. Và hạnh phúc chỉ có ở nơi nào có đau khổ. Khái niệm ‘ngã’ và ‘ngã sở’ chính là nền tảng để tạo nên cái mà ở trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật gọi bằng hai thuât ngữ rất là đơn giản đó là ‘tham ưu’. “Ở đây vị tỳ kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, sống quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp để đoạn trừ tham ưu ở đời”.

Toàn bộ đời sống của chúng ta từ lúc lọt lòng mẹ đến lúc chúng ta chết đi chúng ta chỉ quanh quẩn, quây quần ở trong hai cái ý niệm trốn khổ tìm vui mà thôi, mong rằng ‘tôi được cái này’, ‘tôi được cái kia’, mong rằng ‘tôi đừng bị cái này’, ‘tôi đừng bị cái nọ’. Bản chất của đời sống trước nhất chúng ta đứng trước hai cái bi kịch. Cái bi kịch thứ nhất, cuộc đời vốn nó là vô ngã. Vì sao cái vô ngã được xem là một bị kịch? Ngay sau khi thành đạo, vào thời pháp thứ hai Đức Phật giảng cho chư tăng, Ngài có đề cập đến vấn đê này “Này các tỳ kheo, toàn bộ đời sống này chỉ gói gọn trong năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và năm uẩn đó dầu thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, xa gần, thô tế, thắng liệt thì tất cả năm uẩn trong mọi hoàn cảnh, trong mọi không gian, thời gian nó đều là vô ngã”. Vì nếu các uẩn đó là ‘của tôi’, ‘là tôi’ thì chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi ở nó một sự điều động, một sự sắp xếp mong rằng ‘sắc uẩn của tôi’, ‘thọ uẩn của tôi’ nó sẽ như thế này, không như thế kia. Mà khổ một nỗi năm uẩn nói riêng và vạn pháp nói chung nó đều vô ngã, nó không có nằm trong sự điều khiển của bất cứ cá nhân nào hết. Cho nên chúng ta không thể nào điều khiển hoặc là mong mỏi có một cuộc sống trường sanh bất lão, đời đời hạnh phúc, một linh hồn hằng sống… là một chuyện hư huyền. Sự thật khi đã mang cái thân này chúng ta phải chấp nhận là một chiếc lá trên một cái dòng chảy của cuộc sanh và tử, sinh và diệt, đó là một điều bắt buộc. Cho nên cái bi kịch thứ nhất trong cuộc sống là chúng ta sống trong một cái thế giới vô ngã. Chỉ riêng về ý niệm của khái niệm ‘ngã’ là một vấn đề rất là lớn mà không biết bao giờ chúng ta mới có thì giờ để bàn cho hết. Chỉ nói một cách vắn tắt thôi là trong kinh Phật, khái niệm về ‘ngã’ thường được định nghĩa một cách nôm na, đơn giản, dễ hiểu nhất đó là (Pali)’tôi là’ và ‘của tôi’, người ta khổ là vì hai cái đó.
18:06

Từ những ý niệm về chính trị, những phân ranh về văn hóa, về tôn giáo. Và cho đến hôm nay máu vẫn tiếp tục đổ trên khắp thế giới, súng vẫn tiếp tục nổ, bom vẫn tiếp tục nổ, cuộc khủng bố vẫn tiếp tục xảy ra mọi nơi trên Trái Đất này. Những lý do về chính trị, tôn giáo cũng xuất phát từ ‘đạo của tôi’, ‘đất nước của tôi’, ‘dân tộc của tôi’, ‘xứ sở của tôi’, ‘nền văn hóa của tôi’ bị người ta tấn công, bị người ta coi rẻ, bị người ta chà đạp. Chính vì vẫn còn lấn cấn trong đó nên máu vẫn tiếp tục đổ từng ngày kể cả ngày giáng sinh vừa qua. Đó là cái bi kịch thứ nhất.

Cái bi kịch thứ hai là trong cuộc sống này ngày nào chúng ta còn bị vướng kẹt ở trong ý niệm ‘ngã’ và ‘ngã sở’ là chúng ta còn khổ. Vì sao? Vì cái bi kịch thứ nhất là chúng ta đang sống trong một thế giới vô ngã. Bi kịch thứ hai, chúng tôi vẫn nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, đó là khuynh hướng sống thiện và sống ác trong lòng chúng ta luôn luôn nó có một sự chênh lệch rất là lớn. Cái khuynh hướng tâm lý của chúng sinh là “Trùng thiện như đăng mà trùng ác như băng”, mình làm thiện nó khó hơn mình làm ác. Phải nói như vậy, đây cũng là một bi kịch nữa mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta cứ than mình là một Phật tử, mình đi chùa mình biết Phật pháp mà đời mình vẫn khổ, rồi mình nghĩ rằng có biết bao nhiêu nhà hoạt động xã hội, biết bao nhiêu chính khách, biết bao nhiêu danh nhân, biết bao nhiêu nổ lực của từng cá nhân, từng tổ chức đã đổ ra cho bao nhiêu công cuộc chấn chỉnh đời sống của nhân loại trên toàn cầu, vậy mà phần lớn cuộc sống nhân loại trên toàn cầu vẫn chìm trong bóng tối. Số người đói, dốt, nghèo, lạnh lẽo, cô đơn, cô độc vẫn nhiều hơn số người sống dư dã hạnh phúc. Số người thất học, mù chữ vẫn nhiều hơn số người có chữ nghĩa, học hàm, học vị. Nói chung cho đến bây giờ ở thế kỷ này, khi mà nền văn minh về vật chất nó phát triển đến mức gần như tột cùng thì số người đau khổ vẫn nhiều hơn số người hạnh phúc. Vì soa? Vì chúng ta luôn luôn ở vào bi kịch thứ hai. Đó là chúng ta đang sống trong một thế giới mà khuynh hướng thiện nó thường kém, yếu hơn khuynh hướng ác. Trong cái dòng luân hồi vô thủy của mình thì cái cơ hội gặp được hiền nhân, thiện trí, nó có chứ không phải không có nhưng mình mấy khi để ý, quan tâm để học hỏi, thay đổi bản thân mình. Rồi cơ hội làm thiện có chứ không phải không có nhưng mà mình thường khi từ chối, mình từ chối không làm thiện. Và đừng có nói kiếp nào xa xôi, ngay trong kiếp sống hiện tại của mình, trong hai mươi bốn giờ đồng hồ mà nếu mình có cái gan, can đảm, bình tĩnh mình tự mình ngó vào cái lòng của mình, xem hai mươi bốn giờ đồng hồ đó cái thời gian mình sống thiện, sống thiện ở đây đừng nói đến những gì cao siêu mầu nhiệm, sống thiện ở đây là cái lòng của mình biết nghĩ đến tha nhân, biết nghĩ đến những điều lợi ích cho mình cho người, trong một ngày như vậy trong vòng hai mươi bốn giờ mình có được bao nhiêu giây phút sống bằng cái tâm thiện. Phần lớn thì giờ chúng ta sống bằng nội tâm bất thiện: tham, sân, si, bằng sự tranh thỉ, thủ đắc, giành giật điều gì đó có lợi cho mình hơn người khác. Mình cứ gom gọn cuộc tử sinh trong vòng một ngày thôi mình sẽ thấy ra được phần lớn diện mạo cuộc tử sinh của mình rồi.

Chính vì sống trong một thế giới khuynh hướng thiện nó luôn luôn yếu hơn khuynh hướng ác, dĩ nhiên là làm thiện nó tạo ra hạnh phúc mà làm ác thì nó tạo ra đau khổ, chính vì vậy cho nên đời sống được gọi là biển khổ. Chính vì đời là biển khổ, vì nó là vô ngã, vì cái thiện khó hơn ác cho nên đời mới đau khổ. Chính trong thế giới đau khổ này mà mình tiếp tục mê lầm thì cái khổ đó tiếp tục nhân lên nhiều lần nữa. Nếu nó thật sự ngọt ngào mà mình ôm ấp nó là mình đã khổ rồi. Đằng này nó không ngọt ngào như mình tưởng, nó chỉ là một miếng vỡ thủy tinh mà thôi, một miếng Crystal bị vỡ mà lấy mắt nhìn từ xa thì nó lấp lánh, nó đẹp nhưng mà bỏ vào trong lòng bàn tay rồi nắm chạt lại thì mình bị chảy máu, bị đứt tay. Có nhiều thứ trong cuộc đời này lấy mắt nhìn thì đẹp, đó là những cuộc hôn nhân thành công, những ngân khoản lớn trong ngân hàng, những tiếng tăm trong xã hội, những địa vị của mình trong lòng người, trong quần chúng dầu đó là một ca sĩ, một nghệ sĩ, một nhà văn, một nhà thơ, một tu sĩ, một bậc danh tăng hay là một chính khác thì nếu đọc báo, nghe đài sơ sơ thì mình thấy ngưỡng mộ họ giàu có, họ có nhiều tiếng tăm, họ có nhiều thành tựu trong đời sống nhưng chúng ta có biết đâu trong những cái mà mình gọi là thành tựu đó cái vị đắng nó nhiều hơn cái ngọt ngào hết. Trog room này chúng tôi nghĩ rằng có ai đó đã trót là người có tiếng tăm, có sự nổi tiếng ít nhiều thì có lẽ sẽ thấm thía cái điều này. Hễ thiên hạ càng biết đến mình nhiều chừng nào thì mình càng trở thành cái đích nhắm, cái bia để bao nhiêu cái tiếng đời dị nghị nó ngắm vào bắn, thuyền to thì sóng lớn, cây cao thì gió cả, bản chất của đời sống nó là như vậy.

Cho nên, thái độ quan trọng nhất, một cái thái độ cần có của một người Phật tử là cái nhìn của anh đối với cuộc đời này. Cái nhìn đó là cái gì? Cái nhìn đó tức là ‘Sabbaso namarupasmim yassa natthi mamayitam’- đối với năm uẩn nói rộng và đối với danh sắc nói hẹp, đừng có áp đặt lên đó ý niệm ‘ngã’ và ‘ngã sở’, ‘tôi, ‘của tôi’, ‘tôi là’, ‘nó là’. Dĩ nhiên ngày nào mình chưa là một bậc Thánh mình không thể nào sống bằng một tinh thần ‘Xả kỷ vong thân’ tuyệt đối, cái chuyện đó dứt khoát như vậy, nhưng mà thường xuyên tâm niệm cái bài kệ này chúng ta ít nhiều cũng sẽ được thanh thản, ít nhiều sẽ được an lạc. Bằng sự an lạc được huân tập, hàm dưỡng từng ngày, từng giờ, từng đêm chắc chắn rằng cái phiền não của mình cũng được bào mòn. “Nói vậy chứ không phải là Thánh thì đừng nói cái chuyện như Thánh, còn là phàm thì đừng nói đến cái chuyện ‘vô ngã’ nghe nó xa vời”, nói như vậy là vì lòng mình thực sự không muốn tu. Khi có va chạm, có từng chảy nước mắt vì những cái nhân tình thế thái rồi, những mất mát đổ vỡ rồi thì mới thấy rằng càng buông nó càng nhẹ.
25:44

Chúng ta có thể nói rằng cuộc sanh tử luân hồi nói chung, đời sống của mình nói riêng, đó là một cuộc đi đường dài. Chúng ta là những lữ khách càng mang vác trên vai mình càng nhiều hành lý dường nào thì mình càng nặng vai chừng đó. Cái vấn đề là mình phải chọn lấy những cái gì thực sự cần thiết, còn những cái gì không cần thiết mình bỏ nó đi để cho cái đôi chân của mình được nhẹ nhàng, đôi vai của mình được thoải mái chút xíu. Còn xư giờ mình không có nghĩ đến chuyện đó, mình không có học Phật pháp, cứ tưởng vác trên vai nhiều thứ là nó tốt. Chúng tôi ngày xưa ở Việt Nam từng có dịp đi đây đi đó với các Phật tử lớn tuổi, các bà cụ, chẳng hạn như đi hành hương từ Sài Gòn đến miền Trung, từ chùa này qua chùa kia làm lễ, nhìn các bà cụ mình mới thấy các bà chuẩn bị đủ thứ nào nước uống, nào dầu gió,khăn, chiếu, mùng, chăn, màn … đủ thứ, trong khi tuổi trẻ của mình chỉ quẩy cái balô là xong, còn ông Sư Việt Nam chỉ quẩy cái đãy, cái túi là xong rồi. Trong một cách nhìn nào đó, trong một định nghĩa nào đó mà mình mang theo nhiều hành trang thì chuyến đi của mình nó có nhiều tiện lợi, chuyện đó đúng rồi, không ai phủ nhận. Tuy nhiên có một lúc nào đó mình ngồi tỉnh táo suy nghĩa kĩ lại mình coi cái đó nó có thực sự cần thiết hay không. Ai đó đã từng đi xa nhiều thì sẽ có nhiều kinh nghiệm trong cái chuyện chuẩn bị hành lý hơn là những người lâu lâu đi một lần. Chúng ta phải nói như vậy, chúng ta phải nhìn nhận với nhau cái chuyện đó. Cái người ít đi, lâu lâu mới đi, nhìn cách họ chuẩn bị hành lý là mình biết liền, mang theo những thứ không thực sự cần thiết và những thứ thực sự cần thiết thì họ không để ý. Đối với một người có kinh nghiệm đi đường dài họ lại khác. Chẳng hạn như hôm nay có ba thứ mà một người có được rồi thì sẽ tự tại đi khắp nơi trên thế giới đó là tiếng Mỹ, tiền Mỹ và quốc tịch Mỹ, chỉ cần nhiêu đó thôi. Còn ba cái kem đánh răng, thuốc cảm, khăn,… nếu mình thấy có thể mua được ở địa phương mình đến thì tốt hơn hết đừng có đem, bởi vì nó rắc rối ở phi trường thôi. Bây giờ ở thời điểm khủng bố họ làm việc ráo riết, cứ ra phi trường mà mấy cái vali cứ bị đổ ra đổ vào, rồi sắp ra sắp vô. Chúng tôi từng bị rắc rối ở phi trường Zurich ở Thụy Sĩ một lần rồi, chỉ có mấy cuốn sách thôi mà nó nặng quá tải họ bắt mình đổ ra cho họ xét, họ xét rồi mình phải sắp trở vô, khi bị đổ ra rồi mình sắp vô không được, khổ như vậy. Lúc bấy giờ mình mới thấy trên đời này mình cưu mang nhiều chừng nào thì nó càng khổ chừng đó. Đó là lý do mà Đức Phật dạy

“Sabbaso namarupasmim
yassa natthi mamayitam
asata ca na socati
sa ve “bhikkhu” ti vuccati”

Tức là bỏ đi, trên cuộc đi đường dài cái nào thấy không cần thiết thì bỏ đi cho nó nhẹ. Để chi? Để mình ra phi trường cho nó nhẹ. Phi trường ở đây có thể hiểu theo cái nghĩa rộng nhất là cái airport ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Phi trường ở đây cũng có thể hiểu là cái giường chết, tức là cái giây phút hấp hối của mình. Khi mình ngồi trên máy bay mình thấy máy bay nó chao một cái là mình biết máy bay có vấn đề hoặc là mình đang ngồi trên máy bay mình nghe họ thông báo họ phát hiện một khối nổ ở trong buồng tắm hoặc là mình nhận giấy báo của bác sĩ mình đang có một khối u ở nơi nào đó trong người mà nghi ngờ mình bị ung thư chẳng hạn. Thì đó chính là giây phút mình đang ở “phi trường” đó, mình biết sắp sửa mình dấn bước vào một cuộc đi ngàn dặm rồi đó. Hoặc là bây giờ mình đã bước vào tuổi sáu mươi rồi, mình phải biết là mình sắp sửa đi ra ngoài “sân ga”, sắp sửa đi ra “phi trường” rồi đó. Rồi ở tuổi bảy mươi, tám mươi là mình biết mình đang chính thức đứng ở phi trường, đang đứng ở trong cái quầy soát vé rồi đó, đang đứng chỗ checking vé rồi đó. Đối với một người sắp sửa bắt đầu một cuộc đi vạn dặm như vậy thì vấn đề quan trọng là vấn đề hành lý, hành trang. Ở đây trong bài kệ này Đức Phật dạy mình “Cái gì không phải của con thì con bỏ nó đi thì con sẽ được an lạc. Cái gì không phải là của con? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức; Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Sắc, thinh, khí, vị ,xúc, pháp. Tất cả những cái đó dầu thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, thô, tế, xa, gần, thắng, liệt, nội, ngoại thì nó đều không phải là của mình.”

Cài gì không phải của mình thì mình bỏ bớt. Bỏ ở đây có hai cách. Một là bỏ một cách toàn diện. Hai là bỏ một cách tương đối. Bỏ một cách toàn thiệt chính là hãy sống một cuộc đời của một vị tu sỹ có y có bát, bên trong giới định, bên ngoài đắc y. Đó là cái sự từ bỏ toàn thiệt. Còn bỏ một cách tương đối là dầu mình không có điều kiện để sống cuộc đời của một vị xuất gia, không có bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con cái, bỏ nhà cửa được thì ít nhất về đời sống tâm lý mình đã có một sự buông bỏ rồi. Mình tự biết rằng mình đã vì nó (nó tức là ‘ngã’ và ngã sở’), mình đã vì ý niệm đó mà có mặt trong cuộc đời này. Bây giờ hãy bỏ nó đi, bỏ bớt được chừng nào tốt chừng đó thì ít nhất mình cũng rút ngắn được cái dòng sinh tử của mình. Thứ hai, cái dòng sinh tử của mình nó giống như một con thuyền, một chiếc tàu, mình không tiếp tục để cho nó trôi nổi trên biển nữa, mình không có tiếp tục chăm sóc cho nó nữa, mình kéo nó lên trên cạn để cho mưa nắng, thời gian làm cho nó bị mục, bị ruỗng, bị nát đi.

Ngày nào mình còn nghĩ nhiều về bản thân mình, mình còn nghĩ nhiều về những sở hữu thì có nghĩa ngày đó mình còn đang tô phết, chăm sóc con thuyền của mình trên biển đời sanh tử. Mà trong khi bài kệ này Đức Phật dạy mình “Hãy buông đi! Con sanh tử là vì con cứ ôm ấp chiếc thuyền đó. Hễ còn ôm ấp chiếc thuyền là con còn rong ruổi trên cái biển đời sanh tử, con còn bị say sóng, còn bị đối diện với gió to sóng cả. Hãy buông nó đi! Con khổ vì con nghĩ nó là của con”. Cái mảnh vỡ thủy tinh thấy nó đẹp nhưng mà đừng ngắm nó nữa. Đó là cách nghĩ thơ ngây của trẻ con thôi. Nó không phải của mình thì mình nỏ nó mình mới được an lạc. Trên hành trình vạn lý, hành lý càng nhẹ, càng ít thì càng được thoải mái, càng được an lạc, chỉ nên mang theo những gì thực sự là cần thiết, chính là giới, là định, là tuệ. Và thậm chí những cái pháp này cũng chỉ là cái bè đưa mình qua sông. Qua sông rồi bè cũng bỏ lại, pháp còn phải bỏ lại huống nữa là phi pháp.
Đó là đại khái nội dung bài kinh, bài kệ 367 theo chỗ nghĩ của Uyên Minh.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app