Nội Dung Chính
Kinh Pháp Cú số 302
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tăng
Kính thưa các vị đại chúng trong room
…Chúng tôi điểm lại một vài nét duyên sự của kinh: Có một vị hoàng tử đi tu, có đêm kia ở trong rừng tình cờ nghe được những tiếng ca hát ở ngoài phố xá vọng lại, rồi cũng có một vài phút giây chạnh lòng. Dù sao thì tuổi trẻ cái nhựa sống vẫn còn tràn đầy, giờ phải sống một mình ở chỗ rừng sâu núi thẳm thế này, thì phải nói đó cũng là một chuyện buồn. Bởi vì dù sao nguồn Đạo lực của vị này cũng chưa tới lúc viên mãn. Theo trong kinh kể lại là một vị thọ thần tức là một vị thần cây ở trong rừng hiện ra và gợi ý, xách tấn vị tỳ kheo trẻ tuổi này hãy cố gắng tiếp tục tinh tấn, đại khái như vậy. Và sau đó vị tỳ kheo này đã trở về hầu Phật và thưa lại với Đức Phật mọi chuyện.
Bản dịch từ bản Pali: Đời sống xuất gia là một cái khổ, đời sống cư sĩ là một cái khổ, sống gần người không đồng điệu là một cái khổ, đi đường xa là một cái khổ, sanh tử luân hồi là một cái khổ, thì mắc gì phải sanh tử luân hồi nữa làm chi. Đó là nội dung của bài kinh. Chúng tôi dịch lại (bằng thơ)
Đời tu quả gian nan
Thế tục chẳng dễ dàng
Khổ thay không đồng điệu
Mỏi gối kẻ trùng quan (Trùng quan là đường xa vạn dặm)
Đáng gì tam thế mộng
Làm lữ khách lang thang.
Có một lần đó, một vị du sĩ – một vị tu sĩ ngoại giáo chuyên sống lang thang đã đi đến gặp ngài Xá Lợi Phất và hỏi Ngài rằng: “Ở trong Phật giáo cái gì là khó làm nhất? Ngài hãy nói vắn tắt thôi. Tôi cũng muốn đi tu nhưng tôi nghĩ không có một tôn giáo, không có một hệ thống nào không có cái khó khăn trong đó. Mong Ngài chia sẻ”. Ngài Xá Lợi Phất ngài nói rằng: “Người đi đến với cửa Đạo Phật giáo có ba cái khó. Cái khó thứ nhất là xuất gia, đời sống xuất gia rất là khó. Cái khó thứ hai là xuất gia rồi mà hoan hỷ trọn vẹn, cam tâm sống cảnh thanh bần của vị bần tăng khổ sải là khó. Cái khó thứ ba là sau khi hoan hỷ với đời sống xuất gia rồi mà mình thực hành nghiêm túc những gì mình đã học, đã hiểu, đã nhớ thì chuyện này là khó nhất”. Ở đây chúng tôi nghĩ rằng về nội dung bài kinh ở trên mặt chữ cũng không có chi, không có chỗ nào mà kín khuất đối với các vị trong room đâu. Chúng tôi nghĩ như vậy. Có một số vấn đề chúng ta sẽ bàn ở phần thảo luận. Còn nội dung của bài kệ chúng tôi chỉ nói sơ qua một số vấn đề: Tại sao Đức Phật nói đời tu là gian nan?
Như có một lần đó, lúc đó Thế Tôn cũng đã tám mươi tuổi rồi, ngài Ma ha Ca Diếp cũng lớn tuổi rồi. Một lần đó ngài Ca Diếp đến thưa với Đức Phật “Bạch Thế Tôn, con thấy răng cái đời sống xuất gia quả là nếp sống khó khăn cho không ít người”. Đức Phật nói “Đúng vậy, này Ca Diếp, nếu nói một cách chân chánh, nếu nói một cách chính xác thì phải nói rằng đời sống phạm hạnh quả là một đời sống đầy hiểm nạn”. Hiểm nạn là sao? Ta thấy đời sống của vị tu sĩ quả là bấp bênh cả vật chất lẫn tinh thần. Vật chất phải lệ thuộc vào thế tục “Một bát cơm ngàn nhà. Thân chơi muôn dặm xa”. Nghe qua thì thấy nó thơ mộng nhưng mà thực ra những cái khoai trắng, cơm bánh mình có được trong đời sống mỗi ngày hoàn toàn tùy vào tấm lòng của người ta. Người ta thương thì người ta cho còn người ta không thương thì người ta chửi. Chuyện này là chuyện rất bình thường. Và một vị tu sĩ khi bước ra ngoài đường rồi như Đức Phật ngài nói rằng “Không có gì phải hãnh diện hết. Mình hãy sống trong tâm trạng của một người nô lệ, hai là của một con bò bị gãy sừng, của một con cua bị gãy càng”. Vậy thôi, không có cái gì để mình hãnh diện. Vì sao? Đầu không có tóc, tay thì không có tài sản gì hết, nếu nói theo thế tục thì sự bảo đảm về tương lai, tuổi già không có. Khổng Tử ngày xưa cũng nói đến trong đời người có ba cái khổ, ba cái bất hạnh. Cái bất hạnh thứ nhất là tuổi trẻ mà thành công quá sớm, sanh ra kiêu ngạo, từ đó mắc phải các lỗi lầm. Cái bất hạnh thứ hai là tuổi trung niên lại mất vợ. Tức là tuổi trung niên mình chưa có kịp già lại đơn chiếc rồi, bị gãy gánh giữa đường, đó cũng là một cái khổ. Dĩ nhiên ở đây Khổng Tử nói theo quan điểm thế tục của người Trung Hoa thôi. Cái bất hạnh thứ ba của đời người là tuổi già cô độc. Trong tiếng Hán có bốn chữ chỉ hoàn cảnh bi đát là “Cô độc quan quả”. “Cô” là tuổt trẻ mà mồ côi, “Độc” là tuổi già không có người chăm sóc, “Quan” tức là mồ côi vợ, “Quả” là bị góa chồng. Cả bốn cái này đều là khổ hết. Cho nên, phải nói rằng đời sống xuất gia chưa gì hết nói theo thế tục là khổ rồi vì khi đi tu đâu có phải bị chết vợ nhưng mà “không có vợ” cũng tương đương với không có vợ rồi. Còn thành công quá sớm dĩ nhiên cái chuyện này không có, cái bất hạnh thứ nhất thì coi như không có. Nhưng mà hai cái sau là thấy rõ ràng rồi. Tức là trung niên chết vợ, ở tuổi này gần bốn mươi rồi vẫn một thân một mình thôi. Còn tuổi già cô đơn, cái này là chắc chắn rồi. Vì sao? Chúng ta cũng thấy là mình không vợ không con, nhiều khi… Cách đây không lâu ở Việt Nam xảy ra một chuyện đáng buồn, đáng xúc động là hòa thượng Tăng Thống Thích Hộ Nhẫn ở ngoài Huế ngài đi tu hồi trẻ, sau mấy năm tu học ở Miến Điện Ngài trở về nước. Ngài lên cái đồi Quảng Tế ở kế nghĩa trang, Ngài cất cái chùa nhỏ xíu. Mỗi ngày Ngài ôm bát đi khất thực, bốn mươi mấy năm trời, trời mưa, trời nắng Ngài cũng ôm bát đi xuống làng. Cuối cùng, khi Ngài lớn tuổi Ngài được bầu làm Tăng Thống có mấy tháng thôi thì một buổi sáng đi khất thực như vậy có hai cô gái chạy honda cổ tông vào người của Ngài và Ngài hấp hối trên đường, người ta đem đi cấp cứu ở bệnh viện không kịp, rồi Ngài mất. Nếu nói theo quan điểm ở ngoài đời, cả đời sống một mình làm một vị lão tăng ở trên đồi mênh mông như vậy và cuối cùng chết bên lề đường. Người ta thương thì người ta đem cấp cứu, nếu người ta không thương thì để như vậy lay lất lát sau cũng chết mà thôi. Hôm trước chúng tôi có về Houston xem được cuốn phim quay tang lễ, rất là thương ở chỗ là Ngài cả đời tu hành thanh bần, khổ hạnh như vậy mà khi làm hoàng cái xác Ngài trên giường, chết cũng khá lâu rồi mà không biết vì sao hai bên lỗ tai Ngài cứ chảy máu ra hoài như vậy, bị xe tông vào mà. Nói như vậy không phải là chúng tôi đang tố khổ tả oán gì, than van là đời tu khó khăn mà chúng tôi muốn trình bày một khía cạnh đó là đời sống xuất gia không có dễ dàng đâu. Đời sống vật chất là phải lệ thuộc người khác, thương thì cho ăn, ghét người ta chửi, ra đường đứa con nít năm, mười tuổi nó có chửi mình mình cũng im lặng thôi. Mình vào room mình giảng, mình giảng free đó chứ, mình có được danh được lợi gì đâu. Nhiều khi họ buồn họ ‘chat’, mình thấy họ khen đó nhưng khi nhìn kĩ đọc lại thì thấy cái đó họ chửi mình. Còn những câu nói nặng, nói xa, nói gần…cũng phải chịu thôi, chứ biết nói với ai bây giờ.
15:18
Trong đời sống một mình nó có cái phiền của một mình, đêm hôm bệnh hoạn có bị gì cũng không ai hay biết. Mình ở trong chùa người ta cúng cho mình, xin lỗi nói ra nhiều người họ buồn, họ cúng cho mình ăn được thì họ cũng chửi mình được. Họ nghe phong phanh ở đâu đó họ cũng nói xa nói gần, họ gọi điện thoại ông A, bà B nói tới nói lui. Nhiều khi xài chữ “Chén cơm chan nước mắt” thì nó hơi quá đáng nhưng nuốt cơm nuốt không trôi là bởi vì nghe đủ thứ chuyện hết. Họ cho mình một thứ gì đó họ được quyền nói đủ thứ hết và mình hoàn toàn tuyệt đối không có một cái quyền gì để phản ứng, mình phản ứng là mình không phải là ông sư nữa. Khó là khó chỗ đó, cái đó nói về đời sống vật chất theo quan điểm thế tục. Còn về tinh thần thì sao? Giới, định, tuệ là những công phu mà bản thân mình phải nổ lực. Sơ sẩy là tự mình sụp hố. Mà chúng ta thường nói rằng đời tu đáng sợ nhất là cám dỗ, thử thách. Ở đây chúng tôi xin thưa, đối với đời sống tu hành cái đắng, cái thử thách nghiệt ngã của cuộc đời đáng sợ đã đành rồi, những cám dỗ ngọt ngào, những cạm bẫy đáng sợ đã đành rồi, mà những cái tẻ nhạt của đời sống cũng đáng sợ chứ không phải không. Qúy vị tưởng tượng những vị ở những hoàn cảnh nhất tăng nhất tự, như chúng tôi bây giờ ở những chỗ mà buồn vui, có chuyện gì đó suy nghĩ cũng không biết nói với ai, ở một mình. Bây giờ đối với những cám dỗ của cuộc đời cám dỗ đã đành rồi, rồi những thử thách cay đắng đáng sợ đã đành rồi, rồi cái sự tẻ nhạt vô vị nó cũng rất là dễ sợ. Tức là nhiều khi không biết làm gì, mở cuốn kinh ra mà đầu óc nó cứ mơ mơ màng màng không biết đi đâu. Mình chưa phải là thánh nhân mà. Trong trường hợp mình thiếu nội lực, thiếu bản lãnh chút xíu thì đó là một cái bi kịch. Cho nên cái khó của đời sống xuất gia là cả về vật chất lẫn tinh thần. Nó bấp bênh ở chỗ là nếu đời sống tinh thần của mình bị bấp bênh mình sẽ bị phiền não tấn công, mình sẽ phạm cái giới luật. Còn về đời sống vật chất mình không có lấy cái gì làm chắc. Chỉ ví dụ thôi chứ không phải là than van, bây giờ ra đường mà có ‘accident’ gì đó thì người ta cũng đem vô bệnh viện, để lây lất, chờ mình chết thôi chứ bây giờ tôi đâu có bảo hiểm. Rồi nguồn thu nhập nó không có rõ ràng, Phật tử họ gặp mình họ cũng cuối đầu họ chào… Nhưng nếu nói dí dỏm theo kiểu đầy nước mắt, tăng sĩ, tu sĩ ở Mỹ này đúng là ‘high… low income’ tức là được tôn trọng mà thu nhập không rõ ràng
18:13
Đời tu nó có gian nan, khổ nạn của nó. Mà không phải khơi khơi Đức Phật trình bày, nói làm chi cái khổ đó. Ngài nói cho vị này biết rằng cái đó Ngài thấy chứ không phải Ngài không thấy mà chẳng những Ngài thấy mà nhiều người khác cũng thấy. Trên đời này những bậc danh nhân, những bậc vĩ nhân, những bậc đại nhân được gọi là danh nhân, vĩ nhân vì các vị đó làm được những điều khó làm, nhịn được những điều khó nhịn, có được những cái khó được. Đó mới được gọi là danh nhân, vĩ nhân. Con đường sanh tử, luân hồi là một cuộc đi vạn dặm, ngàn trùng, đầy đau khổ. Mình đã huân tập biết bao nhiêu cái tập khí phiền não mà bây giờ trong một sớm một chiều muốn thành Phật, muốn giải thoát đâu có dễ. Bắt buộc chúng ta phải chịu khó, phải chịu cực. Một trong cái khó, cái cực đó là phải chấp nhận-chấp nhận những cay đắng trong cuộc tu của mình. Những cay đắng đến từ cuộc đời hay những khó khăn đến từ đời sống tu hành của bản thân mình. Điều đó là điều bắt buộc rồi bởi vì tiền nào của nấy, vốn bao nhiêu lãi bấy nhiêu. Mình bỏ vốn bao nhiêu thì mình được lãi bấy nhiêu, hễ mình chịu cực, chịu khổ, chịu học, chịu tu thì cái mình có được nó cũng tương ứng với cái đó. Nếu không thì đừng có trách tại sao cuộc đời không nhìn ngó đến tôi, tại sao chư Tăng không ngó đến tôi, tại sao Phật tử không ngó đến tôi, tại sao tôi lại khổ nạn như vậy? Tại sao mình không nghĩ đến một chuyện nghiệp xưa trong vô số kiếp sanh tử mình đã tạo biết bao nhiêu nghiệp xấu, đó là chuyện xa. Còn chuyện gần là ngay trong hiện tại, nói theo lời ông Tổng thống Kennedy, ổng nói một câu rất là nổi tiếng “Thanh niên Hoa Kỳ đừng đòi hỏi chính phủ đã làm gì cho thanh niên mà thanh niên hãy tự hỏi lòng mình mình đã làm gì cho chính phủ, cho đất nước”. Phật pháp cũng vậy thôi, trước khi mình có được, nhận được một cái điều gì đó từ chư Tăng, từ Phật tử, từ những người xa gần trong Đạo, ngoài đời thì điều căn bản là mình phải lo cho mình trước. Cho nên cái điều gian nan trong đời tu phải kể là những cái mình phải trãi qua trong đời sống nội tâm của mình và thứ yếu hơn đó là đời sống vật chất, cái này không đáng kể lắm nhưng phải nói là đời sống nội tâm là cả một vấn đề quan trọng. Cho nên Đức Phật dạy rằng “Đời tu quả gian nan là vậy”, làm được điều khó làm thì sẽ có cái khó có được. Chứ còn không thể nào một viên kim cương năm, bảy carat mà người ta bán cho mình một, hai đô la là không có đâu. Muốn có một viên kim cương năm, bảy carat thì chúng ta phải có bạc triệu. Đời tu có kiểu khó theo đời tu, còn thế tục cũng có cái kiểu của thế tục. Có một câu chúng tôi nghĩ rằng các vị cũng có nghe rồi, đó là “Nhân tình trường đoản gia gia hữu. Thế sự diêm lưu xứ xứ đồng”. “Nhân tình trường đoản gia gia hữu” là sao? Tức là tình người (nhân tình) dài ngắn (trường đoản) ở đâu cũng vậy thôi (gia gia hữu). Thí dụ như mình nói tánh người Việt Nam dễ thương, tánh người Tây phương cởi mở, tánh người Châu Âu nghiêm túc, tánh người Châu Phi thì khó khăn, ví dụ như vậy nhưng mà thật ra không có cái dân tộc nào toàn là dễ thương hoặc là không có dân tộc nào toàn là người dễ ghét. Xin lỗi, ở chỗ cửa chùa là nơi gặp nhau của những tâm hồn thánh thiện tu hành dầu chư Tăng, Phật tử cũng đều là những người con Phật đó chứ nhưng mà phải nói là, nói nhỏ nhỏ, nói thiệt cho nhau nghe, đó là Tăng, Ni, Phật tử có làm phiền nhau không? Vô số.
23:00
Chúng ta buồn nhau dữ lắm. Bởi vì “Nhân tình trường đoản gia gia hữu. Thế sự diêm lưu xứ xứ đồng”. Cái tình đời ấm lạnh ở đâu cũng vậy thôi, cái đời sống thế tục nó cũng có cái hiểm nạn của nó.
Ở trong kinh cũng nói rằng có nhiều vị trước khi đi xuất gia nghĩ rằng “Tốt hơn hết ta nên chấp nhận đời sống xuất gia, bởi vì đời sống tại gia nó không dễ dàng cho lý tưởng gột sạch và thanh tịnh hóa nội tâm trong sạch như vỏ ốc”, dĩ nhiên là nội dung tu học của Phật giáo là tu tâm chứ không phải là tu thân. Người Pháp họ cũng có một câu là chiếc áo không làm nên thầy tu, không phải cạo cái đầu, đắp y gọi là tu, mình tu là tu tâm, nếu mà ông Sư bầy hầy bê bối cũng đâu phải là ông Sư mà còn tệ hơn người cư sĩ người ta có vợ có chồng mà còn giữ tròn tam quy ngũ giới nữa. Cho nên nếu mà nói như vậy thì cần gì phải đi tu, tất cả chỉ là học hỏi Phật pháp ở ngoài đời mà thôi. Tuy nhiên, chư Phật ba đời khi ra đời để hoằng hóa độ sanh, Ngài có cả bốn chúng: Tỳ kheo, tỳ kheo ni, thiện nam, tín nữ là bởi vì đời sống cư sĩ cũng không phải dễ, nó có nhiều cái khó. Cái khó thứ nhất là chúng ta có nhiều điều kiện để đối diện với những thử thách, với những cám dỗ. Hai là những nhu cầu bắt buộc, hễ chúng ta ở ngoài thế tục là chúng ta phải có vợ, có chồng, chúng ta phải cưu mang rất nhiều trách nhiệm. Trong khi đó cái trách nhiệm rất là quan trọng là giải trừ sanh tử luân hồi cho bản thân mình chưa kịp mà mình làm người ở trong đời này mình phải làm tròn trách nhiệm chứ, tề gia rồi mới trị quốc, bình thiên hạ chứ. Cho nên chưa kịp gì hết mình đã phải bỏ ra cả đời để mà lo cho vợ, cho con. Biết bao nhiêu người hồi trẻ ở nhà ru em, đúc cơm cho em, lớn lên thì lo cho con, rồi khi về già lại tiếp tục ru cháu, đúc cơm cho cháu, dỗ cháu, cả đời như vậy không thoát ra được. Nói theo trong kinh Đức Phật nói rằng: Năm dục tức là sắc, thinh, khí, vị, xúc nó giống như một chứng bệnh ghẻ. Bệnh ghẻ là sao? Tức là càng gãi thì nó càng đã, mà nó càng đã thì nó càng lở, mà nó càng lở thì nó càng ngứa, mà nó càng ngứa thì mình càng gãi. Đời sống cư sĩ là một đời sống mình rất dễ bị ghẻ. Tức là vì mình nhìn thấy chiếc xe của người này, mình nhìn thấy cái đồng hồ của người kia, mình nhìn thấy ngôi nhà của người nọ, mình nhìn thấy bây giờ mình không bằng người ta thì mình cũng xấu mặt xấu mày, không có nở mày nở mặt với xóm làng, với dòng họ, với bà con. Bên cạnh kiếm đủ sống đã là một cái khổ rồi. Đến khi kiếm đủ sống mình lại nghĩ đến cái chuyện làm sao cạnh tranh cho bằng người ta. Khi đã bằng một số người mình lại nghĩ đến cái chuyện làm sao cho hơn được người ta. Ở trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy “Dẫu cho mưa bạc mưa vàng cũng không lấp nổi tính tham con người”.
26:11
Có ba cái mà trên đời này không bao giờ biết đầy biết đủ. Một là biển, mình có đem bao nhiêu thứ đổ xuống biển, biển cũng không bao giờ đầy tràn. Thứ hai là lửa, lửa nó đang cháy mình đổ bao nhiêu xăng, bao nhiêu dầu vô cũng không có đủ, lửa nó không bao giờ biết no. Cách đây không lâu bên Cali, các vị cũng có nghe trên đài, trên tivi, một đám cháy khủng khiếp, nó gặp cái gì là nó cháy cái đó. Thứ ba là lòng tham của con người. Đời sống cư sĩ có nhiều hiểm nạn, lý do là mình phải cưu mang, gánh vác nhiều cái trách nhiệm mà bây giờ mình biết nó là gánh nặng nhưng mình bỏ lại không được. Cái chuyện đó dứt khoát là không được rồi, mình có của mình phải gánh. Mình phải gánh như vậy cho nên mình mất rất nhiều thời giờ. Ví dụ mình sống được bảy mươi năm trong cuộc đời, mình bỏ ra chừng hết hai mươi năm đầu đời không biết gì còn lại năm mươi năm. Năm mươi năm đó trừ ra những lúc mình ngủ thì còn lại bao nhiêu, rồi trừ ra những lúc mình phải đi vật lộn với công ăn việc làm, cơm gạo áo tiền, với xã hội, ngoài công sở, những lúc buồn vui, những lúc bị người ta chửi mắng, những lúc mình phải lo lắng chuyện bao đồng, chuyện thiên hạ, vv… Thời gian mình dành ra cho mình không được bao nhiêu trong khi cái gạnh nặng sinh tử trên vai mình còn quá nặng. Cho nên cái câu đầu tiên Đức Phật nói đời sống xuất gia rất là khó khăn, không phải dễ dàng đâu, phải trang bị tâm lý như vậy thì mới có đủ sức, đủ hồn tâm, tráng khí, nghị lực của người cư sĩ dấn thân vào con đường tu.
Chúng tôi nhớ ông tổng thống Washington của Mỹ có một câu rất là thích “Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”. Dĩ nhiên câu nói này mang ý nghĩa quân sự, ý nghĩa thế tục, ý nghĩa chính trị gì đó tùy các vị hiểu, muốn hiểu sao thì hiểu. Nhưng mà riêng đối với (…) rất là thích câu này “Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”. Nói theo Phật giáo mình muốn đạt đến cứu cánh giải thoát là coi như mình đã dấn thân vào một hành trình vạn lý, mình đã dấn bước vào một chiến trường mà ở đó mình là một người lính mình phải đối diện với những làn ranh mũi đạn, cho nên chúng tôi rất là tâm đắc với câu nói đó…Đời sống xuất gia là một cái khổ thiệt, nhưng mà mình phải chấp nhận cái khó đó. Muốn đạt đến cứu cánh, đạt đến mục đích thì mình phải đi qua cuộc hành trình đầy gian lao này, đó là điều thứ hai.
Còn điều thứ ba là “Khổ thay sống với người không đồng điệu”. Ở đây nói rằng, sống ở đời này mình phải chạy đi tìm những người mình thương, thích mình mới sống, còn những người mình thấy rằng không bằng mình, không thích hợp với mình mình không sống. Thì cái suy nghĩ đó cũng là suy nghĩa của đông người. Nhưng mà chúng ta cũng biết bản chất của đời sống vốn là vô ngã. Mọi thứ nó đâu phải như ý mình muốn, vì nếu mọi thứ như ý mình muốn thì thế giới này đâu có diện mạo, có khuôn mặt như vậy. Cái thứ hai nói ra thấy đau lòng, nhiều khi cha mẹ, con cái, chồng vợ với nhau còn không thuận thảo với nhau được nói chi là thiên hạ trong đời này, chín người mười ý, đâu phải là chuyện dễ. Vấn đề ở đây, mình nói “Khổ thay sống không cùng người đồng điệu với mình” có nghĩa là những người không có cùng pháp tánh với mình, là không có giới hòa đồng tu, không có kiến hòa đồng giải, không có cùng chí hướng, không có cùng lý tưởng thì đó là cái khổ. Chỉ nói đó là cái khổ không có biểu mình chạy trốn nó vì đó là một thái độ bệnh hoạn. Thí dụ người ở bên cạnh mình họ như vậy, mình phải nổ lực, mình tìm cách nào khéo léo, hợp thời, hợp chỗ xây dựng nhau. Chứ còn mình gặp bất bình mình bỏ đi, tức là mình đã quên một đoạn kinh Đức Phật ngài Anan. Có một lần Đức Phật đi đến cái xứ đó (chuyện dài lắm chúng tôi chỉ kể vắn tắt thôi) có một bà hoàng hậu vì tư thù, ngày xưa khi bà còn là con gái thì bố mẹ của bà có một lần tình cờ thấy Đức Phật có cái hảo tướng đặc biệt. Và vì hai ông bà là những nhà tướng số rất là giỏi, họ biết rằng Ngài có tướng chân mạng đế vương cho nên họ tìm cách họ gán ghép, họ gả, họ gợi ý Ngài nếu Ngài muốn họ sẽ gã cô gái này cho Ngài. Thì chúng ta biết cái chuyện này làm sao có được, Đức Phật ngài đã từ chối. Vì lòng từ bi muốn tế độ hai ông bà, biết họ có duyên chứng Thánh quả cho nên Ngài đã nói một câu thế này “Ngày xưa khi ta mới thành Phật ở dưới gốc bồ đề, các nàng tiên nữ con của ma vương mà còn không làm cho ta rung động được thì nói chi cái tấm thân đầy phân và nước tiểu của cô này”. Thì hai ông bà nghe xong đắc quả Anahàm, nhưng mà riêng cái cô này cổ nghe cổ giận. Cổ giận cổ nói “Không thương người ta thì thôi mắc gì phải nói nặng lời như vậy!”. Cổ cột cái tâm oan trái, về sau với nhan sắc của cổ, cổ được vua Urena đem về hoàng cung và cho làm hoàng hậu. Một ngày kia biết được Đức Phật du hóa đi ngang cái xứ đó, bà hoàng hậu đã thuê những thành phần bất hảo đi sau lưng Đức Phật và chư tăng để chửi bới đủ thứ, nói nhiều câu rất là nặng nề. Lúc đó ngài Anan chịu không có được, Ngài thấy bất nhẫn, Ngài thưa “Bạch Thế Tôn, người ta chửi bới mình quá, thôi mình đi chỗ khác”. Ngài nói “Này Anan, nếu mà mình đi chỗ khác rồi người ta cũng có người chửi mình như vậy thì mình làm sao?”. Ngài Anan nói “Bạch Thế Tôn, mình đi nữa” – “Rồi mình đi nữa người ta cũng tiếp tục chửi mình như vậy thì mình phải làm sao? – “Bạch Thế Tôn, rồi mình đi nữa”. Đức Phật nói “Không được, chuyện xảy ra ở đâu thì mình giải quyết ở đó. Này Anan, chúng ta không thể chạy trốn như vậy”. Hồi nãy chúng tôi đã nói “Nhân tình trường đoản gia gia hữu. Thế sự diêm lưu xứ xứ đồng”, nghĩa là cuộc đời này ở đâu cũng có mưa có nắng, lòng người nó ấm lạnh chỗ này chỗ nọ, có khác nhau về hình thức nhưng nội dung cũng giống nhau mà thôi. Ở đâu cũng vậy thôi, cho nên cái điều quan trọng là mình không có dàn xếp được cái thế giới bên ngoài thì hãy dàn xếp chính mình. Nếu không thể giúp đỡ được, không xây dựng được người bên cạnh mình thì mình hãy dàn xếp chính mình để mình thích hợp với họ. Nếu không hòa đồng được với nhau mà sống, thôi thì tối thiểu mình cũng nên hòa mà không đồng,… có ái kính với nhau để mà sống. Trong trường hợp bất đắc dĩ mình phải ra đi, như trong Trung Bộ kinh Đức Phật ngài cũng cho phép một điều: đối với những trú xứ nào, những thầy, bạn nào mình ở gần mình thấy không có tiến bộ về thiện pháp, sau khi xin phép thì cũng nên bỏ đi. Chính Đức Phật cũng mở ra cho chúng ta một hướng đi chứ không phải Ngài chỉ nói một chiều.
“Đời xuất gia là khổ
Đời cư sĩ là khổ
Sống gần kẻ không đồng điệu là khổ
Cuộc luân hồi là khổ
Thì như vậy tại sao phải luân hồi”
Nôi dung bài kệ này là như vậy. Ý Ngài nói cho vị này, vị này mang tâm trạng bất mãn vì còn tuổi trẻ mà phải ở rừng sâu đêm hôm nghe những cám dỗ ở phố xá vọng lại như vậy. Ngài nói “Ở đâu cũng có cái khổ cả, cái khổ mà con phải quan tâm nhất chính là cái khổ luân hồi kìa”. Chứ còn con nói xuất gia là khổ quá, khó quá, thì đời sống cư sĩ đâu phải dễ. Trong Tương Ưng Bộ kinh Đức Phật có dạy
“Đừng tìm chi kẻ thương
Đừng tìm chi kẻ ghét
Gần kẻ ghét là khổ
Xa kẻ thương cũng khổ”
Đây là một câu kệ mà chúng tôi rất là tâm đắc. Trong đời sống, khi mà chúng ta còn để tâm đi tìm cái thương và cái ghét là chúng ta còn khổ. Bởi vì đời sống vốn là vô hộ, vô chủ, không nằm ở trong khả năng điều xử của chúng ta, chúng ta làm sao có được cái mình muốn đây. Cho nên nhiều người họ nói một câu rất là hay “Nếu không có được cái mình thích thôi thì hãy ráng thích cái mình có”, “Không cưới được người mình thương thôi thì hãy ráng thương người mình đã lỡ cưới. Cưới được người mình thương là điều may mắn. Thương được cái người mình lỡ cưới đó mới là trình độ”. Cho nên trong bài kinh này mở ra cho chúng ta rất là nhiều vấn đề đặc biệt. Rõ ràng Ngài nói: con thấy không, xuất gia đó là khổ nhưng ra ngoài đời cũng đâu có hạnh phúc, nó phải có cái khổ của nó. Vì sao? Vì con phải đối diện với cái thương nè, cái ghét nè, rồi cái người bạn mà phải nói là cái người kề vai tựa má, đầu ấp tay gối với mình, có ai bảo đảm rằng đó không phải là “đồng sàn dị mộng”. Trên đời này có cái gì khổ cho bằng sống cùng nhau, ngủ chung giường, ăn chung mâm, ngồi chung chiếu mà trong khi đó mình lại mỗi người một hướng. Đó là một cái bi kịch trong cuộc sống. Lấy được cái người mình thương đó là một cái khổ, mà lấy nhầm cái người mình không thương cũng là một cái khổ. Chúng tôi cũng vẫn thường nói lấy được cái người mà đủ sức làm cho mình ghen thì mình cũng chết, mà lấy nhầm cái người không đủ sức làm cho mình ghen thì thôi đồng tính luyến ái sướng hơn. Cho nên, xuất gia là một cái khổ, mà đời sống cư sĩ ở ngoài cũng là cái khổ, mà sống gần người không đồng điệu cũng là cái khổ. Kết thúc sau cùng, tất cả những cái khổ này đều đi ra từ cái khổ căn bản, chính là khổ luân hồi.
Trong kinh có kể một câu chuyện rất là xúc động. Đêm khuya có hai thầy trò ngồi trong một căn phòng tối. Ngày xưa mà, đèn điện không có, người học trò là một vị Sa-di bảy tuổi thôi, đang đứng cầm quạt hầu thầy. Theo trong kinh kể thì cán quạt nó hơi dài, thì vị thầy sơ ý thế nào đó, quơ cái tay trúng cán quạt. Cán quạt thọc vào con mắt của người học trò. Và theo trong kinh thì con mắt đó bị hư, lọt tròng. Có lẽ là vung tay hơi mạnh, và mình đoán là cán quạt hơi mạnh, cho nên cans quạt chọc lọt tròng mắt của vị Sa-di bảy tuổi này. Và vị này không nói tiếng nào hết, không kêu la, khong có một phản ứng gì hết trong đêm, trong bóng tối lờ mờ của căn phòng. Sáng hôm sau người thầy nhìn đôi mắt của người học trò, thầy mới hỏi “‘Ôi trời ơi! cặp mắt của con làm sao vậy? Sao con không có nói cho thầy biết. Con bị cái gì? Tại sao con không nói để thầy chữa trị cho con, thầy giúp đỡ cho con? Ở đây có thầy trò với nhau mà sao con im lặng?”. Người học trò mới nói rằng
“Thưa thầy, hồi tối thầy sơ ý, cái cán quạt nó đâm vô mắt của con mà thôi”. Thầy mới hỏi “Vậy con có buồn thầy, có trách thầy hay không?”. Vị học trò đó chính là một vị Alahán. Bây giờ tôi kể đến đây tôi vẫn còn cảm xúc trùng trùng. Ngài nói “Thưa thầy, con không trách thầy, con không trách con. Cái đáng trách là cuộc sanh tử luân hồi kìa. Mọi chuyện nó đi ra từ sanh tử luân hồi, chứ không phải là lỗi thầy, lỗi của con. LỖI CỦA LUÂN HỒI!”. Cái câu chuyện đó đối với nhiều người nó có thể là một câu chuyện khó tin, làm sao một cậu bé bảy tuổi lại có một cái suy nghĩ rất rất sâu sắc như vậy. Tuy nhiên, về thích chúng ta có thể tin câu chuyện đó cũng được, nhưng tối thiểu chúng ta cần chú ý đến câu nói của vị Sa-di đó thôi “Không phải tại thầy, cũng không phải tại con, mà cái lỗi là cuộc sanh tử luân hồi này thôi”. Cho nên, chúng tôi rất là tâm đắc khi dịch cái câu này, đó là
“Đời tu quả gian nan
Thế tục chẳng dễ dàng
Khổ thay không đồng điệu
Mỏi gối kẻ trùng quan”
Cái nào cũng là khổ, đời tu cũng khổ, mà sống ngoài đời cũng khổ, không gần kẻ đồng điệu cũng khổ, mà đi đường xa quá cũng khổ. Mà chúng tôi thích hai câu cuối, đó là
“Đáng gì tam thế mộng
Làm lữ khách lang thang”
Như vua Trần Nhân Tông có một bài thơ bằng tiếng Hán, bản dịch của một người mà ni sư Trí Hải trích lại mà không ghi rõ, đó là
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Bôn ba làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường”
Đối với chúng tôi, hai câu cuối chúng tôi rất là thích “Bôn ba làm khách phong trần mãi. Ngày hết quê xa vạn dặm đường”. Có một trong những kinh nghiệm mà chúng tôi buồn, buồn thì nó cũng hơi bi quan quá nhưng mà phải nói là có những điều các vị sơ ý, nếu mà để ý sẽ thấy. Năm nay là 2003, cuối năm 2001, chúng tôi có dịp lên Dallas thăm Thượng tọa Bửu Đức, có một cô người Mỹ cổ mới thỉnh chư tăng về tụng kinh. Bởi vì trong dịp lễ Thanksgiving ở Dallas năm đó, cổ đi làm ở Washington DC, cổ có ông bố không biết ổng buồn chuyện gì mà trong ngày Thanksgiving đó, (theo điều tra của cảnh sát) ổng mua rượu về ổng uống. Ổng ở trong một căn nhà mà sau đó chúng tôi có về đó tụng kinh, theo lời cổ thì ông cụ mất rồi nhưng về phá dữ lắm, làm ồn ào, gây những tiếng động rất là rùng rợn, làm cho xóm làng xung quanh họ phiền. Khi cổ về cổ lo tang lễ cho ông cụ, thì có một vài người bạn quen gọi phone cho cổ, sau đó chúng tôi mới biết rằng cổ là học trò của thiền sư … người Tích Lan rất là nổi tiếng, lúc đó mình không có biết cổ là một Phật tử Nam Tông. Vô cái nhà thấy tối thui, nhà của một ông cụ chín mươi tuổi, và theo lời cổ nói ổng đã ở đó năm chục năm, ổng bị mất vợ năm bốn mươi tuổi, ổng ở đó năm chục năm, ổng ở một mình. Căn nhà tối thui, mà lạ lắm, cái thảm nhà ông lựa cái màu ‘dark creen’, nó tối âm u, trần nhà ông cũng sơn màu ‘dark creen’ màu rêu thẫm, mà có cái mùi hôi hám trong nhà, không biết cái mùi hôi đó do cái gì. Vào tụng kinh trong nhà không có gì hết, may là trước khi đi Thượng tọa Bửu Đức có chuẩn bị một ít nhang với đèn cầy. Chúng tôi vào trong đó không tìm ra chỗ thắp nhang, chúng tôi phải chạy vô chỗ restroom lấy ra cuộn giấy còn mới chưa dùng, lấy nó làm chỗ cắm nhang. Ở trong nhà không còn bàn ghế gì hết, sau khi xảy ra vụ án đó không biết ai dẹp hết bàn ghế. Anh em, ba vị sư lấy nhang đèn đốt bên cửa sổ rồi tụng kinh cho cổ thì cổ nghe cổ khóc sụt sùi đằng sau. Ở đây chúng tôi không phải kể để cho các vị buồn, các vị bất mãn, các vị tiêu cực, các vị chán đời gì hết. Mà chúng tôi muốn nói một câu “Bôn ba làm khách phong trần mãi. Ngày hết quê xa vạ dặm đường”. Sống chín chục tuổi mà không tìm ra được lý tưởng sống thì một ngày nào đó mình ra đi, có biết bao nhiêu người trong cuộc đời nghèo khổ không đủ ăn đủ mặc chết ở trong cái đói lạnh đã đành rồi. Còn một mặt có biết bao nhiêu người tiền bạc thì dư dã, không có thiếu một cái gì hết nhưng mà sao?, chồng không ra chồng, vợ không ra vợ, con cái không ra con cái. Mà nhiều người còn tệ hại hơn nữa, có một cái ngân khoản trong ngân hàng, chết không biết để lại cho ai, để lại cho con chó con mèo. Các vị đọc báo các vị biết có cài bà đó bả triệu phú, chết để lại năm mươi triệu bảng Anh cho một con mèo thôi, bả thuê hẳn luật sư để mà lo lắng cái quyền lợi đó cho con mèo khi bả chết. Ở Mỹ này có nhiều cái còn đoạn trường nữa, hồi nhỏ thì ăn chơi mặc tình mặc sức, rồi về già nhiều khi, không phải, mà là thường khi con cháu họ đâu có thời giờ họ lo cho mình. Họ đem giao mình vô viện dưỡng lão, bên đây gọi là ‘nursing home’, mình đưa tiền cho họ, đó là sống chung với mấy người già khác. Cứ chiều chiều, sớm sớm vậy đó, coi phim, coi xong rồi nói chuyện này chuyện nọ với nhau xong rồi cứ ngồi chờ ngày qua tháng lại rồi chết mà thôi. Chúng tôi nghĩ người Việt Nam thế hệ này còn khá khá, chứ qua bao thế hệ sau, những người Việt ở Mỹ cũng ở vào tình trạng đó thôi. Tức là mình bỏ cả đời mình lo cho con cháu, lo cho nó vào đại học, làm bác sĩ, kỹ sư, xong xuôi rồi đến một lúc nào đó khi nó có vợ, có chồng, có nhà cửa, có gia tư riêng rồi họ đi ra họ ở một mình, rồi mình từ từ, từ từ cũng sống một mình mình thôi. Gần chỗ ở hiện tại của Uyên Minh bây giờ, chiều chiều Uyên Minh cũng thấy những ông cụ bà lão đi lang thang. Rồi mình cũng chạnh lòng, nghĩ… một lúc nào đó cũng có một ông lão Uyên Minh chiều chiều cũng đi lang thang. Dầu sao người ta cũng có bạn bè, bà con. Còn Uyên Minh tu sĩ mà có cái gì, cũng đi lang thang, sít sụi, nhiều khi bị đột quỵ đêm hôm vậy, hên thì còn chết, mà xui không chết mà cứ nửa sống nửa chết. Lúc đó đi vô “nursing home”, mình bỏ cái lá y ra thì đau lòng quá, mà mặc lá y trong hình thức tàn tật như vậy thì coi không giống ai. Mà ở trên đời cái gì không biết chứ còn ở Mỹ này chuyện đột quỵ nó dễ lắm. Ăn uống dầu ăn chay hay ăn mặn gì, cái cholesterol dư, ở Mỹ này nó dễ bị lắm, dễ dư lắm. Bởi vì bên đây thức ăn nó rất là rẻ. Bên đây xin lỗi mình chỉ cần đi rửa cầu, rửa chén, lau kiếng, mình cũng có đủ tiền để ăn no. Bên đây đừng có đi bác sĩ, đừng có đi thẫm mỹ viện, đừng có đi đánh bài, đừng có đi du lịch thì cái chuyện ăn uống bên đây rất là thoải mái. Cái thoải mái đó không phải là cái hên mà nó là cái xui, là cơ hội cho chúng ta bị dư cholesterol, mà hễ dư cái đó rồi thì bị đột quỵ không khó, bị đột quỵ thì chuyện gì cũng xảy ra được hết. Ở Việt Nam là tai biến mạch máu não, hên thì đi luôn, còn xui thì nó cứ ngập ngừng bên cánh cửa:
“Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương
Bôn ba làm khách phong trần mãi
Ngày hết quê xa vạn dặm đường”.
Chúng tôi rất là tâm đắc với bản dịch của chúng tôi là
“Đáng gì tam thế mộng
Làm lữ khách lang thang”
Đức Phật ngài giảng cho vị tỳ kheo trẻ tuổi đó nghe như vậy, sau đó với sự xách tấn của Đức Phật vị đó đã đắc quả Alahán. Đó là cái trình bày của chúng tôi về câu kệ 302.