Nội Dung Chính
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Vô ngã: Trở về số không
Đức Phật có lần nói một bài pháp diễn tả về tuệ giác của vô ngã thật ngắn gọn và súc tích: “Khi nào các ông nhìn thấy một hình sắc, hãy để chỉ có cái thấy; khi các ông nghe một âm thanh, hãy để chỉ có cái nghe; khi các ông ngửi một mùi gì, hãy để chỉ có cái ngửi; khi các ông nếm một vị nào, hãy để chỉ có cái nếm; khi các ông kinh nghiệm một cảm giác ở thân, hãy để chỉ có cảm thọ ấy; và khi có một tư tưởng khởi lên, hãy để chỉ có hiện tượng tự nhiên ấy trong tâm mà thôi. Được như vậy, sẽ không còn có ngã, không có sự di động từ nơi này sang nơi khác, và cũng chẳng có sự dừng lại ở một nơi nào hết. Đó là sự chấm dứt của dukkha, sự chấm dứt của khổ đau.”
Bài pháp đầy hùng lực ấy có nghĩa là gì? Trong mỗi thời điểm chỉ có cái kinh nghiệm phát khởi lên mà thôi, cảm nhận về một cái “tôi” hoặc “ngã” hoặc “của tôi” chỉ là những gì ta cộng thêm vào. Khi chúng ta nói “Ý nghĩ của tôi” hoặc “Tôi đang suy nghĩ,” cái “tôi” và “của tôi” ấy là dư thừa, chúng không thuộc về ý nghĩ ấy.
Khi tuệ giác về vô ngã này phát triển theo sự tu tập, ta sẽ cảm thấy rằng dòng sông hiện tượng tự nó trôi lăn. Không có ai làm một việc gì. Tất cả tự nhiên xảy ra. Lúc ấy ta sẽ nhìn thấy được một cách thâm sâu tự tính trống rỗng, không có thực thể của mọi hiện tượng. Vẻ đẹp của một mống trời ngày mưa là một tỷ dụ cho ý nghĩa về sự rỗng không này. Nhìn một mống trời trên không trung thường đem lại cho ta những phút giây rung động nhè nhẹ trong tâm hồn. Dù vậy, trên một bình diện khác thì không có một “vật” nào gọi là mống trời thực sự hiện hữu hết. Nó chỉ là một hình dạng duyên hợp tùy theo điều kiện và biến chuyển liên tục. Chúng ta có thể nào cùng một lúc sống trên cả hai bình diện này không: đem một tuệ giác tự tại của vô ngã hội nhập vào thế giới của sự tướng?
Giây phút ta sống được trong một tình trạng vô điều kiện, tức Niết-bàn, xác nhận rõ ràng tự tính trống không nhưng rất tự do của cái ngã. Chính ngay lúc ấy, ta đi đến số không. Số không có lẽ là một con số mãnh liệt nhất: nó không cộng thêm một việc nào mà lại có khả năng chuyển hóa tất cả. Nó vừa không là một vật nào, mà cũng không phải không là một vật nào. Đi đến con số không, ta sẽ vượt thoát ra ngoài mọi hình tướng của cái ngã.
Từ sự hiểu biết này về vô ngã, ta sẽ đạt được một mối tương quan sâu xa hơn với mọi vật chung quanh. Chúng ta không còn phải nương tựa vào bất cứ một sự liên hệ nào để được cảm thấy nối liền, vì không còn sự ngăn cách nữa. Không có một cá nhân nào là độc lập, là riêng rẽ. Nhà văn Wei Wu Wei đã diễn tả cùng một sự minh triết này trong đức khiêm nhường: “Sự khiêm nhường thực sự chính là sự vắng mặt của một cá nhân nào đó để tự hào.” Khiêm nhường không phải là một thái độ, nó chỉ đơn giản là sự vắng mặt của ngã. Cũng thế, mối tương quan tức là sự vắng mặt của cách biệt, và ta có thể cảm nhận được nó trong mỗi hơi thở, mỗi cảm giác, mỗi ý nghĩ, mỗi áng mây trên bầu trời, mỗi người mà chúng ta gặp. “Và vì không là gì cả mà bạn là tất cả. Chỉ có vậy thôi!”