Nội Dung Chính
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Vô ngã: Không dù, không mặt đất
Sự hiểu biết về “ việc phá vỡ những gì gọi là “ vô ngã” không phát xuất từ ngã” hoặc “tôi.” Sự giác ngộ, hay khám phá, của Đức Phật đã khải thị cho ta thấy rằng, chưa từng có một cái ngã hoặc cái tôi độc lập nào cả. Thế cho nên, nếu không có cái gì để ta loại trừ, thì tuệ giác về vô ngã chỉ phát xuất đơn giản từ một sự quán chiếu thâm sâu về những gì đang thực sự xảy ra, trong giây phút hiện tại này.
Khi ta nhận thấy rằng những hình dạng sinh khởi trong tâm thức mình đến rồi đi không ngừng nghỉ, không cần phải suy nghiệm nhiều ta cũng có thể hiểu rằng chúng không phải là ngã. Dù vậy, ta vẫn còn một sự chấp trước khác vi tế hơn. Đó là sự mê chấp vào chính cái ý thức ấy: “Tôi là người đang ý thức được tất cả những hiện tượng biến đổi này.” Ta có thể sai lầm nhận cái biết ấy là tôi, bởi vì cái biết, hay tâm thức đó, nó tinh vi hơn tất cả những đối tượng khác khởi lên trong ta. Lúc đầu, có thể bạn sẽ thấy khó mà nhận diện được nó. Nhưng dần dần khi tâm lực của tĩnh lặng và sáng suốt phát triển mạnh mẽ, ta sẽ thực sự có một khả năng ý thức được chính ý thức của mình.
Và đến một giai đoạn trong thiền tập, ta sẽ thấy rõ rằng ý thức tự nó cũng chỉ là một tiến trình thay đổi mà thôi. Khám phá này có thể làm cho ta trở nên bất an, vì biết bao lâu rồi ta đã nhận tâm hành ý thức này là một thực thể thiết yếu của mình, ta nhận nó là linh hồn, là cái ngã, là trung tâm điểm của ta. Và bây giờ thì lại thấy rằng, cũng như mọi hiện tượng khác, nó sinh lên rồi diệt đi không ngừng nghỉ.
Bạn thử tưởng tượng, từ một chiếc phi cơ đang bay trên cao, ta phóng ra và rơi tự do trong không trung. Bạn hãy tưởng tượng cái cảm giác ngây hồn đó trong vài phút đầu. Nhưng rồi bạn sực nhớ rằng, mình không có mang dù nhảy! Bạn hoảng kinh lên trong khi mình cứ tiếp tục rơi xuyên qua không gian. Rơi xuống, rơi xuống, rơi xuống trong kinh hoàng vì biết mình không có mang dù… Cho đến một giây nào đó bạn chợt ý thức được rằng bên dưới cũng không có mặt đất! Ngay giây phút ấy, bạn sẽ thản nhiên vui hưởng sự rơi của mình.
Thường thường, trong thiền tập ta cũng sẽ tuần tự trải qua những giai đoạn như thế. Khi ta ít bị vướng mắc vào sự vật, cũng như thấy được sự biến đổi mau lẹ của chúng, lúc đầu có thể ta sẽ cảm thấy rất phấn khởi, và có một cảm giác rộng mở bao la. Nhưng rồi sự hoảng hốt sẽ đến khi ta hiểu rằng, không có gì để mình bám víu vào được nữa. Đối tượng của ý thức và quan năng nhận biết chúng, tiếp tục theo nhau sụp đổ, như nước rơi xuống ghềnh thác. Bây giờ ta hiểu rằng, ở một mức độ thâm sâu thì thực sự không có một vật nào mà ta có thể bám víu vào để cung cấp cho mình một sự an toàn được cả. Nhưng nếu ta tiếp tục thực tập, rồi một ngày giác ngộ sẽ bừng mở: không có mặt đất nào để va chạm và cũng không có một ai rơi xuống – tất cả chỉ là những hiện tượng trống rỗng tiếp tục trôi lăn. Lúc ấy ta sẽ cảm thấy một cảm giác buông bỏ nhẹ nhõm, một sự tự tại và an lạc thâm sâu.