Nội Dung Chính
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Vô ngã: Chòm sao Vua
Một vấn đề rắc rối, nát óc nhất trong Phật học là ý niệm và kinh nghiệm về vô ngã. Có biết bao nhiêu vấn đề đã được đặt ra: Nếu không có cái ngã thì ai là người đang cố gắng tu tập, ai tái sinh, ai nhớ, ai giận, ai yêu? Mà vô ngã thực sự có nghĩa là gì?
Thông thường thì người ta sợ ý niệm này lắm! Có lẽ họ tưởng tượng rằng mình sẽ bị tan biến vào hư vô. Nhưng hiểu cho sâu thì vô ngã là một viên ngọc quý trong giáo lý nhà Phật. Nó là trái tim của tự do. Một vị tăng người Sri Lanka có lần diễn tả vấn đề này một cách thật ngắn gọn: “Vô ngã, vô sự.”
Khi chánh niệm vững mạnh, chúng ta sẽ bắt đầu tiếp xúc được với một tuệ giác, có tính cách chuyển hóa mạnh mẽ, về ta và thế giới chung quanh. Ta sẽ khám phá ra rằng, ta không phải là người như ta hằng tưởng. Ta không phải là thân này, tư tưởng này, cảm xúc này. Ý thức về một cái ngã, cái tôi, chỉ là một ý niệm, một tạo vật của tâm thức mà thôi.
Nhưng nếu không có “tôi”, không có ngã, thì tại sao chúng ta ai cũng đều tin vào sự có mặt của nó? Nếu ta hỏi bất kỳ một người nào ngoài đường: “Có một cái tôi không? Có một cái ngã không?” Đa số sẽ trả lời: “Dĩ nhiên là có!” Lòng tin vững chắc không chút nghi ngại ấy do đâu mà có? Việc tu tập của ta là tìm hiểu xem tâm ta đã tạo nên ý niệm kiên cố về cái ngã ấy bằng cách nào, và tìm ra một phương pháp để giải thoát khỏi quyền lực của ảo giác đó.
Tâm là một quan năng của tri thức, của cái biết. Nếu tìm kiếm, ta sẽ thấy rằng nó vô hình, trong suốt, linh động và nguyên sơ. Tâm ta biết được hết mọi cảm giác và những đối tượng khác nhau của nó, như là tư tưởng và cảm xúc. Nó biết, chỉ đơn giản như thế. Bạn thử tưởng tượng một xác chết nằm trên đất và chung quanh có những tiếng động lớn vang lên. Thân có nơi đó, lỗ tai cũng ở đó, nhưng không có cái nghe xảy ra. Vì sao thế? Vì tâm, cái quan năng tri thức, vắng mặt. Ý thức, tự nó là một sự kiện mầu nhiệm nhất trong đời sống hằng ngày của ta.
Nhưng tâm ta cũng không phải chỉ là phần tri thức mà thôi. Trong mỗi giây phút, có nhiều phẩm tính khác nhau của tâm khởi lên cùng với tri thức và chi phối nó bằng nhiều cách khác biệt. Tham lam, ghét bỏ, yêu thích, niệm, định, tự phụ, thất vọng, từ bi… là những thí dụ cho các tâm hành ấy. Mỗi thứ có một mùi vị đặc biệt. Những tâm hành thiện sẽ mang lại cho ta hạnh phúc, an lạc, còn những tâm hành bất thiện sẽ gây ra khổ đau. Thế cho nên, trong mỗi giây phút khác nhau, bao giờ cũng có một ý thức nguyên sơ và sáng suốt, cùng với một số tâm hành khác nhau của nó, liên tục sinh lên và diệt đi.
Có một tâm hành rất đặc biệt, thường hay bị mất quân bình và giam giữ ta trong một ý niệm chế định về ngã. Đó là tâm hành của tri giác (perception). Chức năng của tâm hành này là nhận diện hình dạng của sự vật bằng cách chọn ra những cá tính đặc biệt của chúng rồi đem chứa vào ký ức của ta bằng cách sử dụng ý niệm. Đàn bà, đàn ông, cây cối, xe cộ, thành phố, đại dương… là những thí dụ trong vô số những sự vật mà chúng ta nhận diện bằng tri giác.
Khi tri giác được chánh niệm đi kèm theo, sự nhận diện bề ngoài sẽ đóng khung hình dạng của sự vật lại, giúp cho sự quán chiếu của ta được chín chắn và sâu sắc hơn. Nhưng nếu tri giác hoạt động thiếu chánh niệm, lúc ấy ta chỉ có thể nhận diện và ghi nhớ được hình dạng bề ngoài của sự vật mà thôi.
Câu chuyện sau đây cho chúng ta thấy những ý niệm quen thuộc của mình có thể rất là giới hạn. Tôi có một người bạn, con trai của anh theo học lớp Một. Ở trường, thầy giáo hỏi cả lớp: “Trái táo có màu gì?” Đa số các đứa trẻ trả lời màu đỏ. Một vài đứa nói màu xanh. Kevin, con của bạn tôi, đưa tay lên và nói màu trắng. Thầy giáo cố gắng giải thích với nó rằng táo có thể có màu đỏ, xanh, hoặc đôi khi vàng, nhưng không bao giờ có màu trắng. Kevin vẫn một mực nhất định và cuối cùng nó nói: “Thầy hãy nhìn bên trong xem!” Tri giác mà thiếu chánh niệm sẽ giữ ta trên bề mặt của sự vật, và vì vậy mà ta không thấy được những tầng lớp thực tại khác.
Chúng ta có một loại tri giác phụ thuộc vào điều kiện, rất sai lầm về chính mình và thế giới chung quanh, và rồi từ đó dẫn ta đến những kết luận lầm lẫn và sai lệch khác. Tri giác mà tôi muốn nói đó là niềm tin về sự cố định bất biến của sự vật, nó ngăn trở không cho ta thấy được chân lý. Trong quyển Crazy Wisdom (Tuệ giác điên rồ), Wes Nisker viết:
“Ngôn ngữ của ta phản ánh thực tại như là một cố thể cứng đặc vậy. Ở trình độ đơn giản nhất, nó đặt một chủ từ và một bổ túc từ, những gì ta cho là thật, ở hai bên đối nhau của một động từ, cái mà ta cho là không thật mấy. Có lẽ ngôn ngữ Hopi phản ảnh luật thiên nhiên một cách trung thực hơn hết. Trong tiếng Hopi, danh từ cũng là động từ. Ngôn ngữ ấy có một đặc tính là tất cả các từ đều hỗ tương lẫn nhau hoặc đang biến đổi. “Nhiều nhà vật lý học cũng nói cho ta biết rằng chỉ duy có sự hoạt động là hiện hữu. Dù vậy, ngôn ngữ của chúng ta vẫn cứ tích tụ những vật ‘bất động’, khiến chúng ta bị mắc kẹt trong ảo tưởng về một cố thể độc lập, bất di bất dịch.”
Ngày nào chúng ta vẫn còn bị kẹt trong ảo tưởng ấy, ta sẽ không thể nào sáng suốt nhìn thấy và hiểu được lý vô thường, cái tự tính tạm bợ của mọi hiện tượng. Mặc dù ta có thể hiểu được sự thật đổi thay ấy bằng tri thức, nhưng nếu muốn được chuyển hóa, ta phải chính mình kinh nghiệm được nó.
Vì sao chúng ta lại có ý tưởng kiên cố về một cố thể nhất định này? Vì sao nó lại điều kiện hóa nhận thức về thực tại của ta sâu đậm đến thế? Thật ra, ảo tưởng ấy bắt nguồn từ sự biến đổi quá nhanh chóng của sự vật chung quanh ta. Như khi đi xem hát chẳng hạn, ta đâu thể nào nhận thấy được tính chất rời rạc của những hình ảnh trong phim. Chúng xuất hiện rất nhanh và liên tục, ta không tài nào nhận ra được, và vì vậy mà ta sống trong một ảo giác của hình tướng, quên đi sự thật về xảo thuật của nó. Lẽ dĩ nhiên, trong rạp hát thì đó là mục tiêu chính của cuốn phim, và chúng ta muốn có được ảo tưởng đó. Nhưng nếu ta quên đi thực tại của cuộc sống, thì hậu quả sẽ nguy hại và to tát hơn nhiều.
Ý tưởng về một cố thể nhất định này cũng có thể bắt nguồn từ việc quan sát sự vật từ xa. Khi chúng ta nhìn một vật thông thường như chiếc ghế, cái bàn chẳng hạn, nó có vẻ rất cứng đặc. Nhưng nếu ta đặt cùng một vật ấy dưới ống kính hiển vi thì cả một thế giới mới sẽ hiển bày. Cũng như khi ta đứng nhìn một rừng cây từ xa, ta chỉ thấy một khối màu sắc lẫn lộn không phân biệt. Nhưng khi bước lại gần hơn, ta có thể nhận được sự khác biệt của từng chiếc lá, và ngay cả những phần đặc thù của mỗi chiếc lá nữa.
Cũng vì chúng ta ít khi nào chịu khó quan sát cẩn thận, ta bằng lòng với cái thấy hời hợt bên ngoài, mà không thể nào biểu lộ được cái tự tính phức tạp của sự vật. Ví dụ, cảm nhận của bạn về cái thân này như thế nào? Bạn có nghĩ nó như là một tập hợp của nhiều bộ phận trong tạng phủ, những năng lượng, những hệ thống khác nhau không? Hay bạn xem nó như là một cố thể nhất định gọi là “thân”, rồi từ đó cho nó là “của mình”?
Khi ta quan sát thân này một cách sâu sắc hơn, ý niệm thông thường về “thân” sẽ tan biến. Ta sẽ kinh nghiệm được nó như là một thế giới gồm những yếu tố biến đổi liên tục. Ngay bây giờ, bạn có thể thực hiện một thí nghiệm nhỏ để chứng minh sự thật này. Bạn hãy thử cử động ngón tay trỏ lên xuống một cách thật chậm chạp, và cẩn thận cảm nhận từng cảm xúc nhỏ của cử động ấy. Bạn làm, nhưng đừng nhìn xuống bàn tay của mình. Khi bạn tiếp tục cử động ngón tay lên xuống như vậy, và chú tâm đến cảm xúc của nó mà thôi, việc gì đã xảy ra với ý niệm “ngón tay” của bạn? Nó biến mất rồi! Khi nào bạn sống với một nhận thức đơn thuần về kinh nghiệm, ý niệm sẽ biến mất, và lúc ấy bạn sẽ thực sự biết được sự đổi thay của cảm giác.
Những khi tri giác mạnh hơn chánh niệm, chúng ta sẽ nhận các hình dạng khác nhau của sự vật, và tạo nên những ý niệm để diễn tả chúng, như là “thân,” “xe hơi,” “nhà,” hoặc “người ta.” Và rồi chúng ta chấp vào những ý niệm này như là những gì có thật, và sống trong một thế giới của ý niệm, quên đi rằng sự thật thì chúng chỉ là những hiện tượng không có thực chất.
Cũng vậy, vì không quán xét cẩn thận tự tính hỗn hợp của cái mà ta gọi là ngã, chúng ta trở nên chấp trước vào ý niệm và tin rằng nó thực sự có mặt. Chúng ta không thấy được rằng mình thật ra chỉ là một vùng tinh tú của những yếu tố biến đổi mau lẹ. Sự sống là một tiến trình liên tục chuyển biến của những điều kiện sinh lên và diệt đi, nó chẳng xảy ra cho một ai. Không có người nào đứng phía sau những kinh nghiệm ấy hết.
Vào một đêm trời nhiều sao, bạn hãy bước ra ngoài vườn và ngước nhìn lên bầu trời, thử xem bạn có tìm thấy được chòm sao Vua không? Đối với đa số chúng ta thì đó là một nhóm sao rất dễ nhận diện, ta có thể nhìn ra chúng giữa trăm ngàn vì tinh tú khác. Nhưng sự thật thì có một chòm “sao Vua” nào trên bầu trời không?
Không có chòm sao Vua nào trên trời đêm cả! “Chòm sao Vua” chỉ là một ý niệm. Loài người nhìn thấy một nhóm sao nằm theo một mô thức đặc biệt, và rồi tạo nên một ý niệm trong tâm thức chung của mình để diễn tả nó. Ý niệm đó cũng hữu ích, vì nó giúp cho chúng ta nhận diện được chòm sao đặc biệt ấy. Nhưng nó cũng có một ảnh hưởng khác bất lợi hơn. Khi tạo nên một ý niệm về “chòm sao Vua,” chúng ta đã tách rời những ngôi sao ấy ra khỏi các tinh tú khác, và nếu ta chấp trước vào sự phân biệt ấy, ta sẽ đánh mất đi cảm nhận về một bầu trời trọn vẹn và tính chất đồng nhất của nó. Sự phân chia ấy có thực sự hiện hữu trên bầu trời không? Không! Chúng ta đã tạo ra nó bằng ý niệm của mình.
Và có gì thay đổi trên bầu trời đêm khi chúng ta hiểu rằng không có chòm sao Vua không? Không! Những vì tinh tú vẫn có mặt như xưa và kiểu mẫu của chúng cũng vẫn nguyên như thế. Có khác chăng là chúng ta ý thức được rằng, việc đặt tên cho những mô thức của các chòm sao, và sự phân biệt giữa một nhóm này với nhóm khác, ý niệm đó hoàn toàn không có một thực thể độc lập nào hết.
Cũng vậy, khi ta biết được “ngã” chỉ là một ý niệm, nó sẽ cách mạng hóa sự hiểu biết của ta, bằng cách phơi bày cho ta thấy chân tướng của sự vật. Mỗi người chúng ta là một chòm sao của tiến trình thân tâm. Chúng ta nhận diện được một mô dạng quen thuộc, đặt tên cho nó, và rồi đồng hóa với ý niệm ấy đến nỗi ta rơi vào ảo tưởng cho rằng có một cá nhân nào đó hiện hữu. “Joseph” cũng giống như là “chòm sao Vua.” “Joseph” là một ý niệm, một tên đặt cho một hình dạng đặc biệt của những phần tử khác nhau, cũng như chòm sao Vua là tên đặt cho một kiểu mẫu của một số vì sao.
Sự tu tập là để đánh thức ta dậy, ra khỏi cơn ảo mộng nhận ý niệm làm thực tại. Và từ đó ta có thể sống trong một ý thức sáng tỏ, thấy rõ được chân tướng của sự vật. Lẽ ra việc giải thoát khỏi sự vướng mắc vào ý niệm phải là một điều dễ làm, nhưng sự thật không phải vậy. Trong những đêm trời nhiều sao, hãy tĩnh lặng nhìn lên bầu trời và quan sát xem, bạn có thể nào không nhìn thấy chòm Sao Vua không? Chúng ta không dễ gì mà không thấy nó, vì tập quán nhận diện của ta đã phụ thuộc vào điều kiện sâu đậm lắm rồi!
Lẽ dĩ nhiên, trong cuộc sống chúng ta phải cần đến ý niệm, và trong nhiều trường hợp chúng phục vụ ta rất đắc lực. Chúng ta sử dụng những ý niệm khác nhau để thuận tiện cho việc gọi tên, nhưng nếu ta biết rằng danh từ không liên hệ gì đến những “vật”, chúng không có một tự thể độc lập, thì lúc ấy ta vẫn có thể tự tại trong khi sử dụng chúng. Vấn đề chỉ phát sinh khi nào chúng ta quên rằng, ý niệm chỉ là sản phẩm của tâm, và quy tặng cho nó một thực tại mà nó không hề có bao giờ.
Thiền tập giúp ta nhìn, với một sự chú ý đơn thuần, những gì đang thực sự có mặt. Chúng ta vẫn có thể sử dụng ý niệm khi nào thích hợp, nhưng không bao giờ quên đi sự thật phía sau chúng. Ta tập nhìn bầu trời với một tâm tĩnh lặng và trống vắng; và ta tập nhìn lại chính mình với cùng một sự sáng tỏ và vắng lặng ấy.
Kalu Rinpoche, một trong những đại thiền sư của Tây Tạng trong thế kỷ này đã viết:
“Bạn đang sống trong một ảo tưởng, giữa những hình dáng của sự vật. Có một thực tại. Bạn là thực tại ấy, nhưng bạn không biết được việc đó. Nếu bạn thức dậy và ý thức được thực tại ấy, bạn sẽ biết rằng mình không là gì cả, và cũng vì không là gì cả mà bạn lại có thể là tất cả. Chỉ có vậy thôi.”