Kinh Nghiệm Thiền Quán

Thực tập trong đời sống hằng ngày: Tính khôi hài

Tính khôi hài là một điều kiện tối cần cho sự tu tập của ta, trong một khóa tu cũng như giữa những thăng trầm của cuộc sống. Tính khôi hài rất quan trọng, vì sự có mặt của nó tạo được một khoảng không gian tươi mát trong tâm ta. Có khả năng thấy được sự vui tươi, sự thanh nhẹ và trống rỗng của mọi hiện tượng, là một phước lớn, nhất là vào những khi ta đang bị vướng mắc trong những bi kịch của cuộc đời.

Kinh điển đạo Phật có diễn tả rất đầy đủ về những sự biểu lộ khác nhau của tính khôi hài. Chúng được giảng giải một cách rất khô khan theo truyền thống của Vi diệu pháp (Abhidharma), một bộ luận về tâm lý học Phật giáo. Bộ luận này ghi lại những loại cười khác nhau, khi người ta trải qua những giai đoạn tu tập khác nhau. Thí dụ, những hạng người trần tục, khi có việc gì làm họ tức cười, họ sẽ lăn ra đất mà cười. Một người giữa những trạng thái giác ngộ, sẽ cười thật to. Bậc A-la-hán, đã giác ngộ hoàn toàn, cười để lộ răng. Và Đức Phật, ngài chỉ mỉm cười. Bạn thấy không, phẩm chất của tính khôi hài cũng được thanh lọc qua nhiều tầng lớp khác nhau.

Vì đã có dịp theo học với nhiều vị thầy, và được thấy nhiều lối dạy cũng như cách trình bày khác nhau, tôi đã học được rất nhiều về tính khôi hài. Theo tôi thì sự khôi hài thật ra chỉ là một vấn đề tùy thuộc vào văn hóa mà thôi. Tôi đã từng chứng kiến những vị thiền sư Á châu rất nghiêm khắc và khó khăn, bật lên cười nghiêng ngửa về một câu chuyện mà tôi, một người Tây phương, chẳng thấy một chút gì là tức cười. Có một lần, ngài Đại lão thiền sư Miến Điện Taungpulu Sayadaw đang nói một bài pháp thoại. Ông lúc nào cũng ngồi giảng theo lối cổ truyền là cầm một cây quạt lễ trịnh trọng để phía trước mình. Ông đang giảng về vấn đề danh và sắc, và lúc ấy có một thiền sinh hỏi ông rằng một con chó có hai yếu tố ấy không. Ông phá lên cười mà không thể nào ngừng lại được. Ông cho rằng đó là một câu hỏi tức cười nhất mà ông đã từng nghe, nhất là khi ông cố suy nghĩ tìm một câu trả lời.

Tính khôi hài giúp ta rất nhiều trong những giai đoạn khó khăn hoặc khổ đau trong cuộc đời. Nó tạo nên một khoảng không gian tươi mát chung quanh nỗi khổ ấy, và giúp ta nới lỏng sự vướng mắc của mình. Một thí dụ về việc này là lời ngụy biện cuối cùng của Oscar Wilde trước khi ông lìa đời. Sau khi được thả ra từ nhà tù, ông là một người bệnh hoạn, nghèo rớt mồng tơi, thất sủng và đang hấp hối. Ông đi đến Paris, nơi đây ông từ giã cõi đời trong căn nhà trọ tồi tàn ở một xóm nghèo.

Những tờ giấy dán tường trong căn phòng trọ của ông xấu xí một cách thô bỉ, mà ông Wilde lại là một người rất ham chuộng thời trang. Chuyện kể rằng trước khi ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, ông quay sang nhìn bức tường ấy và nói: “Ta chịu không nổi ngươi, trong hai chúng ta phải có một rời khỏi căn nhà này!”

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app