Kinh Nghiệm Thiền Quán – Thực Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày: Nghệ Thuật Truyền Thông

Kinh Nghiệm Thiền Quán

Thực tập trong đời sống hằng ngày: Nghệ thuật truyền thông

Trong suốt thời gian thiền tập, cho dù đó là một tiếng mỗi ngày hoặc một khóa tu nhiều ngày, chúng ta phải biết giữ thinh lặng. Nhưng khi sống giữa cuộc đời thì chúng ta phần nhiều bắt buộc phải giao thiệp, tiếp xúc với người khác. Bạn thử nghĩ xem, bạn đã bỏ ra bao nhiêu phần tỷ lệ của cuộc đời mình cho việc nói năng và viết lách? Bạn có thấy được ảnh hưởng lời nói của bạn đối với người khác, và của những người khác đối với bạn không? Vì ngôn ngữ giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, và cũng vì những lời ta nói mang lại nhiều hậu quả, nên nghệ thuật truyền thông phải là một môn học quan trọng trong việc tu tập Phật pháp.

Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này khi ngài nhắc đến chánh ngữ như là một phần đặc thù trên con đường giác ngộ. Mặc dù trong kinh có giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ về chánh ngữ, nhưng tất cả có thể cô đọng lại trong hai nguyên tắc chung: Những gì ta nói có đúng sự thật không, và có hữu ích không?

 Nếu ta biết tu tập theo hai nguyên tắc này trong lời nói, điều đó sẽ nuôi dưỡng và làm tăng trưởng cảm quan của ta. Ta sẽ có thể dễ dàng thấy được sự khác biệt tinh tế giữa sự thật và sự gian dối. Có bao giờ chúng ta lại che mờ sự thật hoặc thổi phồng nó quá đáng không? Và có bao giờ những lời ta nói có thể là đúng sự thật, nhưng không hợp thời, hợp lúc và không thích ứng với hoàn cảnh, nên không ích lợi gì mấy?

Tập phương pháp truyền thông là tôi luyện một nghệ thuật liên hệ với người khác, biết cởi mở, biết lắng nghe, để thấy được rằng mình có thể thực sự tiếp xúc với người đối diện. Ta có thể cho phép người khác bước vào nội tâm mình không? Sử dụng những ngôn từ nào là thích hợp? Ta có thể chỉ nói những điều nào thực sự là quan trọng cho người nghe không? Chúng ta học cách nói và lắng nghe với tâm từ bi, bằng một thiện chí căn bản. Bạn nên nhớ rằng, tuệ giác và tâm từ sẽ giúp ta tiếp xúc được với tất cả.

Trong bất cứ một mối tương quan nào cũng đều có hai phần. Một phần là học cách nói năng cho thông suốt, và phần kia là học cách lắng nghe cho hữu hiệu. Những khi sự truyền thông trở nên khó khăn, hoặc trong một hoàn cảnh mà hai bên có sự căng thẳng và xung đột, lúc ấy biết lắng nghe có một tầm quan trọng đặc biệt. Bất cứ người nào cũng có quan điểm riêng của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn tiếp xúc và hiểu được người khác, trước hết ta phải biết lắng nghe.

Khi bạn phải đối đầu với một tình trạng nào, mà hai bên đều khư khư ôm lấy quan điểm, ý niệm và cảm tình của mình, bạn nên tìm đôi giây phút để lùi lại một bước, và tự nhủ: “Được rồi, hãy để tôi nhìn vấn đề này từ một khía cạnh khác.” Sự thay đổi hữu ích này đòi hỏi ta phải thực sự có một khả năng biết lắng nghe. Và cũng nhờ thái độ đó, một sự truyền thông chân thật sẽ có cơ hội xuất hiện.

 Điều ấy không có nghĩa là bạn không có quyền bày tỏ sự hiểu biết của mình. Bạn có thể chứ, nhưng nhờ không gian cởi mở này, ta có thể diễn đạt tư tưởng của mình dễ dàng mà không cần phải đàn áp người khác. Nếu bạn có khả năng lắng nghe, thì vùng đất giữa bạn và người kia cũng đã được làm tươi mát đi nhiều rồi.

Nhưng cũng có khi ta thực hành đúng như vậy, mà tình trạng vẫn hoàn toàn vượt ngoài sự kiểm soát. Đôi khi ta không làm cách nào tạo được một không gian cởi mở. Mặc dù ta đã thực sự cố gắng, mà tình trạng thiếu thông cảm vẫn không đổi thay. Những lúc ấy ta cần phải biết giữ chánh niệm, ý thức được cảm thọ của thân, để ta khỏi một lần nữa lại bị dính mắc vào phản ứng của mình đối với những việc đang xảy ra. Trong giai đoạn khó khăn ấy, ta có thể áp dụng tuệ giác của thiền tập: thấy được rằng ta có khả năng cởi mở đối với những cảm thọ khó chịu, thấy được rằng ta có thể cảm nhận chúng, thay vì phản ứng lại bằng một thái độ thủ thế hoặc đàn áp chúng.

Một khi ta biết giữ nhu hoà và cho những cảm thọ ấy một khoảng không gian, phản ứng của tâm sẽ đến và đi dễ dàng mà ta không bị lôi cuốn theo chúng. Kinh nghiệm này đòi hỏi nhiều công phu tu tập. Thiếu sự tập luyện, giữa một cơn thử thách cam go, ta rất khó thực hiện được việc ấy.

Vì thế, công việc của ta trong sự tu tập là quan sát xem mối tương quan của mình đối với những cảm thọ ra sao. Sự giận dữ xảy đến, bực dọc xảy đến, sợ hãi xảy đến – trong khi ngồi thiền cũng như trong sự giao thiệp hằng ngày – những cảm thọ này có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Bạn có chánh niệm về chúng hoàn toàn không? Hay lại nhận chúng là mình?

Sự thật là sự giận dữ và sợ hãi của ta không phải tạo nên do hoàn cảnh bên ngoài. Điều này đã đi ngược lại với ý nghĩ thường tình của đa số. Nhưng bạn thử xét xem sự thật có đúng vậy không! Ta nuôi dưỡng những cảm thọ ấy bằng sự trách móc. Vì càng oán trách bao nhiêu thì ta lại càng củng cố thêm lòng sân hận và sự bất mãn của mình bấy nhiêu. Chỉ khi nào sức chánh niệm và sự quán chiếu của ta đủ vững mạnh, ta mới có thể thoát được ra khỏi sự chấp trước ấy.

Khi ta có được thái độ tự tại này rồi, thì dù trong những hoàn cảnh khó khăn sự giao thiệp giữa ta với người khác cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì khi ấy ta có thể truyền thông từ một nội tâm an tĩnh và từ bi. Sự truyền thông có thể thay đổi được tình cảnh nào quanh ta không? Ta có thể yêu cầu một người đang mở nhạc ồn ào bên cạnh nhà giảm âm lượng xuống một chút không? Ta có thể nói cho người nào đó hiểu rằng, thái độ lấn lướt, áp đảo của anh ta là không đúng không? Và ta có thể nào cứng rắn mà không cần phải nổi giận hoặc trách móc không?

Nhưng bạn đừng bao giờ lẫn lộn sự chấp nhận với lại một thái độ “sao cũng được” đối với cuộc đời: ai làm gì cũng mặc kệ, và không bao giờ dám giữ vững lập trường của mình. Hoàn toàn không phải như vậy! Chấp nhận có nghĩa là ta chịu trách nhiệm về chính tình trạng của nội tâm mình. Bằng chánh niệm, chúng ta có thể đứng thật vững và có một sự truyền thông hữu hiệu, mà không hề bị kẹt vào những phản ứng, phê phán theo thói quen. Bạn hãy nhớ điều này, ta sử dụng năng lượng nào để truyền thông, đó mới là điều chủ yếu.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app