Kinh Nghiệm Thiền Quán
Thực tập trong đời sống hằng ngày: Chánh mạng
Chúng ta ai cũng cần đến thực phẩm, nơi trú ẩn và quần áo, và ta cần một phương tiện để đạt được những nhu cầu ấy. Làm thế nào để ta có thể sử dụng sự kiện không tránh được này của cuộc đời, sinh kế của mình, như là một phần của sự tu tập? Đức Phật nhìn nhận rằng sự mưu sinh chân chánh của ta, ngài gọi là chánh mạng, là một vấn đề rất quan trọng. Ngài đã xem nó như là một trong tám con đường chân chánh của Bát chánh đạo, tám phẩm tính mà ta phải tôi luyện để đạt đến giải thoát. Thế cho nên, chánh mạng là một vấn đề rất quan trọng, nhất là cho những người tu Phật ở Tây phương.
Những người tu Phật ở Á châu, khi họ hết lòng muốn tu tập giải thoát, họ sẽ xin vào những thiền viện. Khi bạn sống trong thiền viện, bạn sẽ không phải gặp một trở ngại nào về chánh mạng, vì mỗi khía cạnh của cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cũng đã được hoạch định kỹ lưỡng để giúp xúc tiến sự giải thoát của bạn.
Nhưng, ít nhất là trong thời gian này, đa số trong những người tu Phật ở Tây phương chưa có mấy ai chọn con đường thiền viện. Chúng ta làm những cư sĩ sống trong cuộc đời, ngay giữa vực nước xoáy, nhưng lúc nào ta cũng mang một nguyện ước sâu xa muốn được giải thoát ngay trong đời này. Chúng ta không phải tu tập để mong được phước tái sinh lên cõi trời, hoặc cảnh giới của Thiên đế, mà ta thực sự muốn được giải thoát!
Vì vậy, làm sao mang được tâm huyết này, khát vọng này vào những việc làm của ta trong cuộc đời, bên ngoài thiền viện, là một câu hỏi then chốt. Trong chúng ta ai cũng bị thách thức bởi câu hỏi ấy, và ta cũng đang khám phá ra câu trả lời bằng cách đối diện với những khó khăn của mình. Thế hệ của những người tu chúng ta sẽ trao lại cho hậu sinh một tuệ giác của sự nỗ lực vượt qua bao khó khăn, vì đi tìm một giải pháp cho vấn đề này không phải là chuyện dễ.
Nhìn từ góc độ của chánh mạng, vấn đề chủ yếu không phải là ta bắt buộc phải làm một loại nghề nghiệp nào, miễn là tránh những nghề rõ ràng gây nguy hại, hoặc cướp của, sát sinh. Đa số nghề nghiệp nào cũng đều có thể là một phần của sự tu tập. Điều đó tùy thuộc vào thái độ của ta đối với công việc ấy hơn là chính tự thân công việc.
Có một câu chuyện có thể nói lên được điểm cốt yếu của tinh thần mà ta nên có trong công việc của mình. Nhiều năm trước đây, một vị thầy Tây Tạng, ngài Kalu Rinpoche đến thăm trung tâm hải dương học ở Boston. Nơi đây có những bể thủy tinh thật to nuôi nhiều loại cá khác nhau. Ông đến bên mỗi bể nước gõ nhẹ trên mặt kiếng để tạo sự chú ý của chúng. Và khi những con cá bơi lại gần, ông nói thật nhỏ: “Án ma ni bát di hồng”, một câu thần chú ban phước lành trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.
Sống trong đời mà lúc nào cũng mong ước hạnh phúc cho kẻ khác là một việc làm cao đẹp biết mấy! Bà Dipa Ma là như thế. Bà luôn luôn cầu nguyện hạnh phúc cho người khác. Bà cầu nguyện cho con người, cho súc vật, cho phi cơ, cho xe buýt. Bất cứ nơi nào bà đến, bà cũng cầu chúc: “Được nhiều an lạc. Được luôn vui vẻ.” Nếu ta có thể thực tập được tinh thần ấy trong việc làm của mình, một tinh thần phục vụ, thì ta có thể chuyển hóa bất cứ một công việc tầm thường nào, thành những gì có khả năng mang ta đi rất xa trên con đường Đạo. Năng lượng của tinh thần đó mạnh vô cùng. Muốn nuôi dưỡng chúng, tâm ta phải an trú trong hiện tại. Hãy luôn nhớ rằng, bất cứ việc gì ta làm đều có thể là một sự cúng dường, một cách phụng sự người khác.
Đức Đạt-lai Lạt-ma diễn đạt ý tưởng này thật đơn giản: “Chúng ta chỉ là những du khách trên hành tinh này. Chúng ta ghé qua đây chừng 90 hoặc 100 năm là cùng. Trong thời gian ấy, chúng ta phải gắng làm một cái gì tốt, một cái gì hữu ích với cuộc đời mình. Hãy cố gắng an lạc với chính mình và chia sẻ hạnh phúc ấy với người khác. Nếu bạn có thể đóng góp một phần nào cho hạnh phúc của những người khác thì bạn sẽ tìm thấy mục tiêu chân thật, tức chân ý nghĩa của cuộc đời này.”