Kinh Nghiệm Thiền Quán – Tâm Lý Học Và Phật Pháp: Khoa Tâm Lý Trị Liệu Và Thiền Tập

Kinh Nghiệm Thiền Quán

Tâm lý học và Phật pháp: Khoa tâm lý trị liệu và thiền tập

Chúng ta rất thường hay lẫn lộn một số sinh hoạt trong tâm với sự thực tập thiền quán. Ta cần thấy rõ được sự khác biệt giữa những tướng trạng của tâm thức mình, vì chúng sẽ giúp cho sự tu tập của ta trở nên hữu hiệu và mạnh mẽ hơn.

Đôi khi người ta cũng tự hỏi rằng, mình có nên sử dụng giờ thiền quán như là lúc để đi khơi lại những ký ức, những vết thương lòng, hoặc khám phá những mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm mình hay không? Nói một cách khác, thiền tập có thể là một hình thức của khoa tâm lý trị liệu không? Môn tâm lý trị liệu có một giá trị rất lớn, nhưng thiền quán là một con đường khác biệt. Hai phương pháp ấy không đối nghịch nhau, không xung khắc nhau, và thật ra thì đôi khi chúng lại xen lẫn, chồng lên nhau. Nhưng việc ấy cũng có một giới hạn, vì khi ta trở nên dính mắc với nội dung, hoặc quyến luyến vào tiểu tiết của tư tưởng và cảm xúc, điều đó sẽ làm trở ngại việc phát triển tuệ giác trong thiền quán.

Trong lúc ta thực hành thiền quán sẽ có nhiều loại hiểu biết về tâm lý phát sinh, có liên quan đến những vấn đề như là cha mẹ, tuổi thơ, mối tương quan giữa ta và người chung quanh… Mặc dù những khám phá về tâm lý này rất chính đáng và quan trọng, nhưng ta cũng không muốn sự chú tâm của mình bị chuyển hướng vào một lãnh vực nghiên cứu trong thời gian thiền tập.

Trong lúc ta thực tập thiền quán sẽ có một phạm trù rộng lớn của cảm xúc phát sinh. Chúng có đầy đủ những ưa thích, ham muốn, giận dữ, sợ hãi, thất vọng, vui sướng, mừng rỡ, chán ngán, hồi hộp, hạnh phúc, biết ơn, tình yêu… Vào mỗi thời điểm sẽ có một hoặc nhiều cảm xúc khác nhau nổi lên mạnh mẽ. Câu hỏi then chốt là, chúng ta phải đối xử với những cảm xúc sinh lên này như thế nào? Chúng ta nên suy luận hoặc phân tích chúng chăng? Hay là chúng ta chỉ nên đơn giản cảm nhận và theo dõi chúng?

Thiền tập chú trọng vào việc có một ý thức không xao lãng. Ta không suy nghĩ về một việc gì, không phân tách, không trôi lạc theo câu chuyện, nhưng lúc nào cũng nhìn thấy được tự tính của bất cứ việc gì đang xảy ra trong tâm. Quan sát cho thật chuẩn xác thực tại là chiếc chìa khóa có thể áp dụng cho bất cứ tiến trình nào đang diễn ra.

Bởi vì những câu chuyện trong đầu ta bao giờ cũng rất là hấp dẫn, nếu ta biết sử dụng phương pháp “không phải bây giờ” trong khi thiền tập thì sẽ được nhiều lợi ích lắm. Bất cứ khi nào bạn bị một câu chuyện nào đó lôi cuốn, bạn hãy nói thầm trong đầu, “không phải bây giờ.” Phương pháp ấy giúp ta nhẹ nhàng công nhận sự có mặt của câu chuyện ấy trong tâm, thừa nhận giá trị của nó, nhưng trong lúc này hãy tạm thời gác nó sang một bên.

Ngoài việc cần thiết phải thực tập sự chú ý đơn thuần mà không để bị dính mắc vào chi tiết của đối tượng, còn có một lý do quan trọng khác nữa để ta không nên sử dụng thiền quán như là một phương pháp tâm lý trị liệu. Vì tiến trình thiền tập sẽ giúp phơi bày nhiều tầng lớp sâu kín khác của cảm xúc, của các trung tâm năng lượng khác nhau trong thân, và nhiều kinh nghiệm mới về tính vô thường của các hiện tượng nữa. Những kinh nghiệm ấy có lúc rất là phấn khởi nhưng cũng có lúc thật hãi hùng.

 Nhưng bạn đừng lo ngại, trong hành trình khám phá vô tận này, ta bao giờ cũng có được một sự che chở an toàn bảo vệ, vì con đường thiền quán là một tiến trình khai mở có tính cách tự nhiên. Chúng ta không thể lựa chọn những gì sẽ sinh khởi trong tâm mình. Chúng ta cũng không thể có một chương trình nhất định nào. Thay vào đó, ta sẽ kinh nghiệm một sự khai mở dần dần, tháo gỡ từng lớp một, và sự việc sẽ xảy ra tự nhiên theo đúng thời điểm của nó.

Vì sự khai mở này xảy ra tự nhiên, nên chánh niệm của ta sẽ vững mạnh đủ để đối phó với bất cứ việc gì xảy ra. Đôi khi trận chiến ấy rất cân sức, khiến ta hơi ngờ vực, không biết tâm mình có đủ vững vàng để đối diện với trận bão tố kế tiếp hay không. Nhưng đây là một tiến trình rất tự nhiên. Ở đây ta không thúc đẩy, không đào bới, cũng không chọn lựa, nên những trạng thái tâm lý sẽ phát khởi lên đúng thời điểm của nó, nhờ vậy ta có thể đối trị được. Và chúng đối trị được cũng là nhờ ta có khả năng ghi nhận đơn thuần, ta có thể ở với chúng, và cũng có thể buông bỏ chúng, không cần giải thích lôi thôi, cũng không ồn ào kiểu cách.

Còn nếu không, ta có thể bị lôi cuốn vào một dự định nào đó trong đầu, rồi lúc nào cũng lo nghĩ để giải quyết nó. Tâm trạng ấy có thể làm cho cảm nhận về cái ngã, về một sự tranh đấu, trở nên kiên cố hơn, và ta sẽ mất đi ý thức về một tiến trình khai mở đang xảy ra hết sức tự nhiên. Hơn nữa, nếu ta thúc đẩy những năng lượng mạnh mẽ này trong tâm, thay vì để chúng khởi lên tự nhiên, ta có thể sẽ bị tràn ngập, lấn áp bởi những gì xảy ra.

Tạo nên hai thái cực và sự mâu thuẫn giữa thiền quán và tâm lý học là một việc làm vô ích và không cần thiết. Tâm lý học là một môn hiểu biết rất quan trọng trong đời sống, là một hỗ trợ quý báu cho những gì ta khám phá được trong thiền tập. Và cũng có nhiều phương pháp về tâm lý có thể giúp cho sự hiểu biết này hiệu quả hơn là thiền quán. Khi chúng ta muốn tìm hiểu những tập quán tâm lý của mình, dĩ nhiên ta phải biết chọn những phương tiện nào cho thích hợp với công việc ấy.

Mục tiêu của sự tu tập thiền quán theo đúng phương pháp là để duy trì chánh niệm và khai mở chân tâm. Khi sự thiền tập của ta đã được chút ổn định, khi ta thực sự thấy được tính chất sinh diệt của mọi hiện tượng và tự tính của ý thức, lúc ấy ta sẽ không còn bị dính mắc vào những chi tiết của các điều kiện chi phối mình nữa. Ta sẽ có thể hòa hợp hơn với sự chuyển tiếp liên tục và tự tính vô ngã của sự việc. Nhờ vậy, sự tu tập của ta sẽ được thâm sâu và ta có thể đạt được những tuệ giác chân thật.

Nhưng những giây phút tỉnh thức ấy cũng không thể giải quyết được hết mọi khó khăn cho ta. Đa số chúng ta lại phải đối diện với vấn đề làm sao để có thể đem tuệ giác và nhận thức mới này hội nhập với cuộc sống của mình, trong đó có cả lãnh vực tâm lý. Mặc dù đã có tuệ giác, nhưng ta cũng có thể nhận thấy rằng mình vẫn còn có những thói quen tâm lý nguy hại, có thể ảnh hưởng xấu đến những mối tương quan và sự sống của ta. Nếu biết tìm hiểu chúng một cách khéo léo, nó có thể giúp cho đời sống của ta và những người chung quanh trở nên hạnh phúc hơn. Ngay chính những hành giả đã thực tập thiền quán lâu năm đôi khi vẫn cảm thấy cần thiết phải trau dồi thêm trên bình diện tâm lý này.

Vì vậy mà bao giờ cũng có một sự hỗ tương vô cùng huyền nhiệm giữa hai lãnh vực này của tâm thức. Càng được sáng suốt và trưởng thành trong lãnh vực tâm lý bao nhiêu, tiến trình thiền tập của ta sẽ càng được vững vàng bấy nhiêu. Ta sẽ có thể dễ dàng nhìn thấy được sự sinh diệt của mọi kinh nghiệm, khi ta ít còn bị lôi cuốn vào cuộc chiến giữa các chi tiết của nội dung, vào sự xung đột của những cảm xúc nữa.

Ngược lại, càng có tuệ giác trong thiền tập bao nhiêu, ta càng dễ dàng trở lại và đối trị những vấn đề tâm lý của mình bấy nhiêu, mà không bị mắc kẹt vào chúng. Những gút mắt tâm lý sẽ được tháo gỡ nhẹ nhàng hơn khi ta đã thấy được tự tính vô ngã và rỗng không của mọi vật.

Vài năm trước đây tôi có thực tập trị liệu pháp Jungian. Phương pháp này chú trọng vào việc phân tích những giấc mộng của ta. Khi sự trị liệu tiến hành, tôi bắt đầu thám hiểm vào một vài khu vực đen tối trong tâm và ý của chính tôi. Trong thời gian ấy tôi đạt được hai điều giác ngộ, và mặc dù ta có thể dùng tri thức để hiểu chúng rõ ràng, nhưng chúng lại rất khó thể hiện được bằng kinh nghiệm.

Điều giác ngộ thứ nhất là: chúng ta là một món hàng chứa đựng nhiều phẩm chất khác nhau. Tôi thấy được rõ rệt rằng tôi có những ưu điểm và nhược điểm, những phẩm tính thiện và bất thiện. Tất cả những cái ấy hợp lại thành một gói hàng tên “Joseph”. Mỗi người chúng ta cũng đều như thế.

Điều giác ngộ thứ hai là: tôi không cần phải phê phán hoặc thay đổi, sửa lại một phần tử nào trong gói hàng ấy hết. Biết được rằng tôi có thể chấp nhận món hàng ấy một cách trọn vẹn là một giải thoát rất lớn.

Phương pháp trị liệu này đòi hỏi tôi phải nhìn thẳng vào vấn đề để tìm hiểu những chi tiết đặc biệt về tình trạng của mình. Nhưng cũng nhờ ở công phu thiền tập mà tôi có được một thái độ là biết giản dị chấp nhận sự việc xảy ra. Ta ngồi thiền, ta quan sát, và ta tập chấp nhận những gì mình thấy, vì biết rằng bất cứ những gì sinh lên đều không phải là tôi. Nó không phải là tôi, nó không tùy thuộc bất cứ một cá nhân nào, mà chỉ là một tình trạng có điều kiện. Vì vậy cho nên ta đâu cần phải bám víu hoặc đi nhận nó là mình để làm gì! Ta cũng không cần phải sửa đổi một điều gì hết, vì sự chấp nhận và chánh niệm sẽ tạo nên một khoảng không gian, ban cho ta một sự chọn lựa: thực hiện những việc nào tốt lành và để yên cho những việc khác như chúng đang hiện hữu.

Thế nên, tôi thấy tâm lý học và thiền quán là hai lãnh vực có thể hỗ tương cho nhau, mặc dù chúng hoàn toàn khác biệt. Biết tôn trọng sự khác biệt ấy là một điều rất hữu ích, nhất là trong một khóa tu, để ta không phải mất thì giờ quý báu vướng mắc trong phần chi tiết, nội dung của hiện tượng, cho dù nó có hấp dẫn đến đâu.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app