Nội Dung Chính
Kinh Nghiệm Thiền Quán
Phương Pháp Tu Tập: Năng lượng
Khi định lực của ta được tăng trưởng nhờ công phu thiền tập, toàn thể tự tính kinh nghiệm của ta cũng sẽ thay đổi theo. Ta sẽ bắt đầu nhìn thực tại theo một cách mới. Một khám phá quan trọng của tôi trong thiền tập là kinh nghiệm được cả thân tâm này như một hệ thống năng lượng.
Ở giai đoạn đầu của sự tu tập, ta thường cảm giác rằng thân này là một khối kiên cố và rắn chắc, khi ngồi thiền hay khi sinh hoạt hằng ngày cũng vậy. Nhưng khi công phu thiền tập tiến triển và định lực đem lại cho ta một cái nhìn thâm sâu hơn, cái kinh nghiệm về một khối cứng rắn ấy sẽ dần dần phai mờ và tan biến đi. Thay vào đó, chúng ta sẽ bắt đầu cảm nhận và ý thức được thân này như là một khối năng lượng, một dòng sông cảm thọ trôi chảy không ngừng nghỉ.
Ta có thể nhận biết được dòng năng lượng này bằng cách chú tâm vào những điểm khác nhau trong thân, cảm nhận được những kinh nghiệm khác nhau. Những điểm khác nhau ấy cũng gọi là các trung tâm năng lượng. Ví dụ, nếu ta tập trung tâm ý vào trung tâm quả tim, ở giữa ngực, ta sẽ có được một cảm xúc đặc biệt. Nếu ta tập trung vào trung tâm sinh dục, ta lại kinh nghiệm được một cảm xúc hoàn toàn khác biệt. Và ta cũng có thể tập trung vào những trung tâm khác như ở cổ họng, chân mày, đỉnh đầu, hay bất cứ một nơi nào trong thân thể. Lúc đầu tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy rằng, tất cả mặc dù cùng chung một dòng năng lượng, nhưng mỗi vùng khác nhau trên thân thể lại có những “mùi vị” khác biệt đến thế.
Ngoài việc cảm nhận được hệ thống năng lượng này, mà chúng ta gọi chung là thân-tâm, ở những trung tâm khác nhau, ta cũng có thể kinh nghiệm được chúng ở những tần số dao động khác nhau nữa! Khi ta tu tập và định lực trở nên kiên cố, tần số của dòng cảm giác cũng sẽ trở nên tinh tế hơn. Cũng giống như khi ta tiếp tục gia tăng tần số của một dao động kế (oscillator) cho đến khi nào dòng cảm giác trở nên thật lặng êm và tinh khiết. Có đôi khi cảm giác ấy trở nên tinh tế đến mức nó dường như biến mất hẳn, và lúc đó ta chỉ còn nhận thức được sự trôi chảy của một dòng sông tâm thức mà thôi.
Khi sự tu tập được sâu sắc, bạn sẽ rút ra một kết quả khá lý thú từ kinh nghiệm về dao động này. Nó là một sự kiện rất vi tế trên con đường tu tập của ta. Ở giai đoạn đầu của sự tu tập, chúng ta thường có một ý thức phân biệt rất rõ ràng về những khổ thọ và lạc thọ trong thân. Thí dụ như năng lượng của tình dục là một khoái cảm lớn của thân. Và lẽ dĩ nhiên cũng còn nhiều loại lạc thọ khác nữa. Nhưng khi sự tu tập tiến triển, và khi tần số của những xúc cảm trở nên cao hơn và tinh khiết hơn, chúng ta sẽ được tiếp xúc với trung thọ – không vui cũng không khổ – nhiều hơn là với những lạc thọ.
Nhưng điều lý thú là, ta sẽ khám phá ra rằng những cảm thọ trung tính ấy, thật ra lại đem đến nhiều hạnh phúc cho ta hơn là những cảm thọ sung sướng hoặc dễ chịu. Khám phá ấy là một sự giác ngộ, vì chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng những trung thọ thì hoàn toàn vô vị. Nhưng sự thật thì chúng lại rất là vi tế và tinh vi. Khi nào chánh niệm của ta được trở nên tinh tế hơn, chúng ta sẽ có thể cùng rung động với chúng một cách toàn vẹn hơn.
Tiến trình này, ban đầu là ta cảm nhận những năng lượng mạnh rồi dần dần chuyển sang những năng lượng trung hòa hơn, cũng giống hệt với kinh nghiệm thiền quán về đề mục Tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả. Khi chúng ta quán niệm ba vô lượng tâm đầu tiên, từ, bi và hỷ, ta sẽ có những cảm giác vui sướng, an vui – chúng có thể là những hạnh phúc rất tuyệt vời. Đến khi ta quán chiếu về tính xả, nó sẽ làm phát sinh ra những trung thọ, và chính kinh nghiệm này sẽ đưa ta vào một trạng thái của hạnh phúc toàn vẹn hơn.