Kinh Đế Thích Vấn Đạo
Hang Indasàlà
Gần thành Ràjagaha “VƯƠNG XÁ” có một hòn núi tên là Vediyaka. Trên núi có một cái hang rộng lớn, trước miệng hang có một cây đại thọ tên Indasàlà, nhành lá sum sê, bốn mùa tươi đẹp. Người ta đặt tên hang ấy là hang Indasàlà, là một nơi thắng cảnh tịch mịch rất thích hợp để tịnh dưỡng tu hành. Những người Bà La Môn ở chung quanh triền núi cho đó là nơi linh thính, nên thường tới lui dọn dẹp, sơn phết để làm chỗ thờ cúng thần linh của họ.
Ngày nọ, Ðức Thế Tôn ngự đến xóm Bà La Môn nói trên, được họ thỉnh tạm trú trong hang Indasàlà ấy.
Thiên Vương Đế Thích
Ðây nói về Ðức Thiên Vương Ðế Thích “SAKKA”. Ngoài sự hạnh phúc dồi dào của một vị chúa tể cõi Trời Ðạo Lợi, Thiên Vương còn phải lắm khi bận lòng phân xử những vụ kiện cáo giữa các vị Chư Thiên ở dưới quyền cai quản của Ngài.
Số là ở cõi Trời, Chư Thiên nam thì ít, Chư Thiên nữ lại nhiều. Sự chênh lệch này do ở Thế gian, đại đa số phụ nữ có đức tin nhiều, hay lo tu hành tụng niệm, trai Tăng, bố thí, trau giồi tánh nết, mong siêu thoát về cõi yên vui, nên khi lâm chung tùy theo nghiệp duyên được sanh về cõi Trời. Ðôi khi có một vị Ngọc nữ ra đời ở Thiên cung, thì có sự tranh tụng, giữa Chư Thiên nam Muốn được an ninh, hòa hợp, Thiên vương Ðế Thích thường hay phân xử như thế này:
1) Mỗi khi có một Ngọc Nữ sanh ngay ở bắp vế của vị Trời nào, thì vị Ngọc Nữ mới sanh phải làm con của vị Trời ấy.
2) Nếu có vị Ngọc Nữ nào sanh ra nhằm nơi phòng ngủ, thì làm vợ của vị Trời chủ phòng ấy.
3) Nếu có vị Ngọc Nữ nào sanh ra trong phòng trang điểm, thì làm tôi đòi để trang điểm cho vị chủ phòng ấy.
4) Nếu có vị Ngọc Nữ nào sanh trong vòng ranh giới của tòa lầu của vị Trời nào thì làm tất cả mọi công việc cho vị chủ tòa lầu ấy.
5) Nếu có vị Ngọc Nữ nào sanh nhằm ngay ranh giới của 2 tòa lầu và, khi sanh ra, vị Ngọc Nữ ấy ngó mặt về tòa lầu nào, thì thuộc quyền sở hữu của chủ tòa lầu ấy. Bằng ngó lên trên thì thuộc quyền sử dụng của vị Thiên vương, nếu ngó xuống thì làm con của Thiên vương.
Ngoài ra, Ðức Ðế Thích còn phải giải quyết những sự nghi ngờ của Chư Thiên như giảng giải về đạo lý. Vì lắm chuyện phiền phức như thế ấy, nên Ngài thường suy xét, thấy hàng Chư Thiên được nhiều hạnh phúc là không phải lo ăn, lo mặc, khỏi bị đói rét, hoặc bị những kẻ bề trên hiếp đáp vô cớ, mà cũng không khỏi gây gổ tranh giành nhau như người trần tục. Ngoài sự bất hòa về quyền sở hữu nói trên, các vị Trời hơn người Thế gian là không phạm vào Ngũ giới và Thập ác, đó là một đặc điểm cao thượng.
Những sự tranh tụng về vợ con của các vị Trời như vậy, làm cho Ðức Thiên vương Ðế Thích lấy làm phiền phức, nên Ngài cố tìm nguyên nhân làm cho Trời lẫn người phải cam khổ vì xung đột thù oán, hiềm khích nhau, để mưu cầu hạnh phúc cho Chư Thiên và Nhân loại.
Xâu chuỗi ngày lần lượt qua gần trọn kiếp làm một vị Thiên vương, mà Ngài cũng chưa đoạt được sở nguyện là dập tắt mối khổ về sự tranh tụng, gây gổ oán thù, của Chư Thiên và Nhân loại.
Thình lình năm triệu chứng [1] phát sanh làm cho Ngài biết rằng: Tuổi thọ của Ngài sắp hết, kiếp Thiên vương sắp mãn. Ngài sẽ đi thọ sanh nơi khác tùy theo duyên nghiệp. Khi ấy Ðức Ðế Thích đâm ra lo sợ, mến tiếc vợ con, ngôi báu và mong tìm nơi nương dựa để trốn tránh Tử thần. Ngài bèn dùng thần nhãn tìm trong các vị Sa Môn, Bà la Môn, Ma Vương và Phạm Thiên coi có ai trợ giúp cho Ngài khỏi xa lìa những nhân vật thương yêu trìu mến chăng. Tìm hoài cũng chẳng thấy có ai có năng lực giúp Ngài. Chừng đó, Ngài mới sực nhớ đến Ðức Chánh Ðẳng Chánh Giác, đã chứng quả dưới cội Bồ Ðề mà chính Ngài cũng có đến ca tụng lễ bái trong giờ thành Ðạo. Ngài dùng thần nhãn tìm thấy Ðức Thế Tôn đương ngụ trong hang Indasàlà gần thành Ràjagaha (Vương Xá). Ngài liền hội Chư Thiên đến, để cùng nhau đi yết kiến Ðức Phật.
Trong Hang Indasàlà
Trong nháy mắt, Thiên Vương Ðế Thích và Chư Thiên đã đến trước hang Indasàlà, nhưng Ðức Ðế Thích không dám tự tiện vào. Ngài truyền lịnh cho vị Càn Thất Bà [2] tên là Pàncasikhadevaputta làm Sứ Thần vào ra mắt Ðức Thế Tôn trước để xin phép cho Ngài và Thiên chúng vào thính Pháp. Ðức Thiên Vương Ðế Thích cho vị Càn Thất Bà này vào trước, vì Ngài biết rằng vị Càn Thất Bà ấy thường hay đến hầu đức Phật.
Lúc ấy nhằm đầu canh một [3] hào quang chiếu sáng rực cả quả núi VEDIYAKA, làm cho dân chúng ở chung quanh sợ hãi tưởng là lửa rừng phát cháy.
Thường đêm lối giữa canh hai, họ cũng thấy sáng trời nơi phía hang Indasàlà, họ đoán rằng: Giờ ấy có các vị Trời đến hầu Phật, nhưng đêm nay ánh sáng tỏ rạng khác thường, lại nhằm trong lúc đầu hôm nên dân chúng dâm ra lo sợ.
Lúc vừa đến trước cửa hang, vị Càn Thất Bà Pancasikhadevaputta liền lấy cây đờn sở trường vàng như trái bầu nâu chín, vừa đờn ca một bài rất thanh tao, tỏ ý tôn kính ngôi Tam Bảo và xin ra mắt Ðức Thế Tôn.
Ðức Phật cho vào và phán hỏi rằng: “Này Pancasikha! Ngươi có tài đờn ca đúng niêm luật. Như Lai đã có nghe bản này rồi, lúc ngươi và hàng Thiên Chúng đến ca tụng Như Lai sau giờ thành đạo Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới cội Bồ Ðề gần sông Neranjarà (Ni Liên).
– Bạch Ðức Thế Tôn, quả thật vậy. Lúc Ðức Thế Tôn, thành đạo rồi, ngự dưới cội cây Ajapàlanigrodha, có đủ mặt Chư Thiên cả và Thiên Vương cõi Trời Ðạo Lợi là Ðế Thích, đến xin yết kiến, ca tụng Ðức Thế Tôn, đệ tử có soạn ra bản này để cúng dường Ðấng Trọn Lành. Hôm nay cũng vì có đủ mặt Chư Thiên và Thiên Vương cõi trời Ðạo Lợi đến xin yết kiến Ðức Thế Tôn, nên đệ tử tái diễn bản ấy để tỏ lại lòng tôn kính của toàn thể chúng tôi và mong cầu Ðức Thế Tôn hoan hỉ cho phép Thiên Vương Ðế Thích và tất cả Chư Thiên vào yết kiến Ðức Thế Tôn.
Ðức Phật nhận lời. Thiên Vương Ðế Thích và Chư Thiên vào đảnh lễ Ðức Phật. Sau khi các vị Trời an tọa xong, Ðức Thế Tôn mới phán hỏi Thiên Vương Ðế Thích rằng:
– Ðại Vương đến viếng Như Lai đêm nay cũng là chuyện phi thường, mục đích của sự gặp gỡ này thế nào, xin Ðại Vương tự tiện đem ra đàm luận.
– Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử hằng mong mỏi đến thính Pháp của Ðức Thế Tôn, nhưng vì quá bận việc Thiên Ðình [4] không đến được. Hôm nay đệ tử nhận thấy phải nương nhờ nơi Ðức Thế Tôn, là đấng từ bi cứu khổ duy nhứt trong tam giới, có đủ khả năng tế độ đệ tử trong giờ phút cuối cùng này. Không cần phải bày tỏ nỗi lòng của đệ tử, Ðức Thế Tôn cũng đã hiểu biết đệ tử mong mỏi điều chi. Xin Ðức Thế Tôn hoan hỉ ban cho pháp lành.
Ðức Thế Tôn biết Ðế Thích đã đến thời kỳ gặp duyên lành, nên cố ý để Ðức Ðế Thích tự đặt ra những câu hỏi, đặng do đó từ từ khai sáng và dìu dắt trí tuệ đến nơi giác ngộ, nên dạy rằng: “Ðại Vương muốn Như Lai giảng giải pháp nào, Ðại Vương cứ tự tiện tỏ bày, Như Lai sẽ hoan hỉ ứng đáp”.