Giới Thiệu Về Vinayapiṭakapāḷi – Tạng Luật

VINAYAPIṬAKAPĀḶI – TẠNG LUẬT

Tạng Luật – Giới Luật và những Qui tắc tiến hành dành cho Tăng Đoàn:

Tạng Luật được hình thành từ những điều luật được đặt ra để chỉnh đốn đạo đức tác phong của chúng đệ tử Đức Phật, những người đã được chấp nhận như tỳ khưu, tỳ khưu ni vào Tăng Đoàn. Những luật này gồm cả những pháp lệnh có căn cứ của Đức Phật về những phương thức tác phong và thu thúc những hành động về cả thân và khẩu. Chúng đề cập đến việc vi phạm giới luật, và có nhũng trường hợp khác nhau của thu thúc và sự khiển trách tuỳ theo tính chất của tội.

BẢY LOẠI TỘI VI PHẠM (TỘI) – ĀPATTI

Những điều luật đầu tiên được Đức Phật đặt ra gọi là Mūlapaññatti (quy định cơ bản); những điều được bổ sung sau gọi là Anupaññatti. Cùng với chúng được gọi là những điều học (sikkhāpada) là hành động vi phạm những điều luật này, do đó tỳ khưu có tội phải chịu hình phạt nào đó gọi là Āpatti, nghĩa là ‘ đụng đến, phạm ‘

Những tội có hình phạt được đặt ra có thể được xếp loại dưới bảy phạm trù tuỳ theo tính chất của chúng:

1 – Pārājika (Bất Cộng Trụ)
2 – Sanghādisesa (Tăng Tàn)
3 – Thullaccaya (Trọng Tội )
4 – Pācittiya (Ưng Xả Đối Trị)
5 – Pātidesanīya (Ưng Phát Lộ)
6 – Dukkaṭa (Tác Ác)
7 – Dubbhāsita (Ác Ngữ)

Tội trong phạm trù thứ nhất là tội Bất Cộng Trụ, được xếp loại như trọng tội (garukāpatti), không thể chữa được (atekicchā), sau đó buộc người phạm tội phải rời khỏi Tăng Đoàn.

Tội trong phạm trù thứ hai, Tăng Tàn, cũng được xếp loại trọng tội nhưng có thể chữa được (satekicchā). Người phạm tội bị ở vào thời kỳ chuộc tội, suốt trong thời gian đó người đó phải chấp nhận những pháp khó khăn và sau thời gian đó được phục hồi lại địa vị trong Tăng đoàn qua một buổi họp Tăng.

Năm phạm trù còn lại gồm những lỗi nhẹ, có thể chữa được và phải chịu tội bằng cách thú nhận với một tỳ khưu khác đã vi phạm tội nào đó. Sau khi thực hiện hình phạt đã đề ra, tỳ khưu vi phạm được trong sạch hoá lỗi đã vi phạm đó.

KHI NÀO VÀ LÀM SAO GIỚI LUẬT ĐƯỢC ĐẶT RA?

Trong suốt hai mươi năm sau khi thành lập Tăng Đoàn không có những lệnh hay điều luật nào liên quan đến tội Bất Cộng Trụ hay Tăng Tàn. Những thành viên của Tăng Đoàn vào thời kỳ đó đều là các bậc Thánh, người ít tiến nhất cũng là bậc Nhập Lưu, là người đã đắc Đạo và Quả đầu tiên, và do đó không cần đề ra những luật liên quan đến những tội quan trọng.

Chính vì tỳ khưu Sudinna, quê ở làng Kalanda gần Vesālī, đã phạm tội hành dâm với vợ cũ của ông, đó là lý do điều luật Bất Cộng Trụ đầu tiên được ban hành. Điều luật nầy được đặt ra để ngăn cấm chư tỳ khưu không được phạm tội hành dâm.

Khi nguyên nhân nghiêm trọng như thế đã phát sinh thì việc đặt ra điều luật để nghiêm cấm trở nên cần thiết, Đức Phật triệu tập hội nghị chư tỳ khưu. Chỉ sau khi hỏi tỳ khưu có liên quan và sau khi miễn cưỡng phạm tội như thế đã được sáng tỏ thì một điều luật quy định nào đó được đặt ra để ngăn những trường hợp tái phạm tương tự xảy ra trong tương lai.

Đức Phật cũng theo bộ luật của chư Phật quá khứ. Sử dụng năng lực siêu nhiên, ngài hồi tưởng những luật nào đã được chư Phật quá khứ đặt ra trong những điều kiện đã cho nào đó. Sau đó ngài phỏng theo những quy định tương tự để khi gặp tình huống phát sanh trong thời ngài.

CHẤP THUẬN TĂNG ĐOÀN CÓ TỲ KHƯU NI

Sau khi Đấng Giác Ngộ an cư bốn mùa mưa (vassa), Đức Phật viếng thăm thành Kapilavatthu, hoàng thành quê ngài, theo lời thỉnh cầu của phụ vương Suddhodana. Vào lúc đó, bà Mahāpajāpatigotamī, dì mẫu của Đức Phật thỉnh cầu ngài nhận bà gia nhập vào Tăng Đoàn. Không chỉ một mình bà Mahāpajāpatigotamī muốn gia nhập Tăng Đoàn mà còn năm trăm bà hoàng dòng Sakya mà những hôn phu của họ đã từ bỏ đời sống tại gia cũng mong ước được gia nhập Tăng Đoàn.

Sau khi phụ vương Ngài qua đời, Đức Phật từ chối lời thỉnh cầu nhiều lần được gia nhập Tăng Đoàn của bà Mahāpajāpatigotamī và Ngài trở lại thành Vesālī. Dì mẫu của Đức Phật, goá phụ của đức vua Suddhodhana vừa mới băng hà, cắt tóc và mặc y nhuộm vỏ cây, cùng với năm trăm bà hoàng dòng họ Sakya, lên đường đi đến thành Vesalī nơi Đức Phật đang ngự trong rừng Đại Lâm, trong sảnh đường Kūtāgāra.

Đại đức Ānanda thấy họ ngoài cổng đại sảnh Kūtāgāra, chân sưng và lấm đầy bùn, buồn rầu, đầy nước mắt, đang đứng khóc. Vì lòng đại bi mẫn, đại đức Ānanda nhân danh họ khẩn thiết nài xin Đức Phật nhận họ vào Tăng đoàn. Đức Phật vẫn tiếp tục giữ vững lập trường. Nhưng khi đại đức Ānanda hỏi Đức Phật liệu phụ nữ không có khả năng đắc Tuệ Đạo và Quả hay sao, Đức Phật trả lời rằng quả thật phụ nữ có khả năng làm vậy và cho phép họ từ bỏ đời sống gia đình như nam giới. Từ đó đại đức Ānanda khẩn thiết bạch rằng bà Mahāpajāpatigotamī đã từng săn sóc Ngài như người bảo hộ và vú nuôi, cho Ngài bú mớm khi thân mẫu Ngài từ trần. Và như là phụ nữ có khả năng đắc Đạo và Quả, bà sẽ được phép gia nhập Tăng Đoàn và trở thành Tỳ Khưu Ni. Cuối cùng Đức Phật chỉ chấp nhận lời thỉnh cầu khẩn thiết của Đại Đức Ānanda “Ānanda, nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp nhận tám Trọng Pháp (garudhammā), hãy chấp nhận như thế nghĩa là bà được nhận vào Tăng đoàn.”

Tám Trọng Pháp là:

1 – Một tỳ khưu ni ngay cả một trăm tuổi Đạo (Vassa), phải cung kính một tỳ khưu dù mới xuất gia chỉ một ngày.
2 – Một tỳ khưu ni không nên an cư mùa mưa nơi không có tỳ khưu nào.
3 – Mỗi mười lăm ngày một tỳ khưu ni phải làm hai việc: hỏi tỳ khưu Tăng ngày Bát Quan Trai Giới (Uposatha), và đến gần tỳ khưu tăng để nhận lời hướng dẫn và sách tấn
4 – Khi mãn an cư mùa mưa, tỳ khưu ni phải tham gia lễ mãn an cư mùa mưa (pavāranā) do cả hai hội đồng tỳ khưu tăng và tỳ khưu ni thực hiện, trong mỗi hội đồng,tỳ khưu ni phải mời góp ý phê bình về những gì đã thấy, những gì đã nghe hay những gì đã nghi ngờ về tỳ khưu ni đó.
5 – Một tỳ khưu phạm tội Tăng Tàn phải thi hành hình phạt nửa tháng (pakkha mānatta), trong mỗi hội đồng tỳ khưu tăng và tỳ khưu ni.
6 – Một sadi ni chỉ sau thời gian thử thách rèn luyện hai năm như là ứng cử viên được chấp nhận tu lên bậc trên phải tìm đủ cả hai hội đồng.
7 – Một tỳ khưu ni không nên chửi rủa một tỳ khưu tăng trong bất cứ trường hợp nào, không nên ngay cả nói quanh co.
8 – Một tỳ khưu ni phải tuân thủ các lời dạy của chư tỳ khưu, nhưng không được dạy hay khuyên bảo các tỳ khưu.

Bà Mahāpajāpatigotamī chấp nhận không chút lưỡng lự tám Trọng Pháp này do Đức Phật áp đặt và cuối cùng bà được chấp nhận vào Tăng đoàn.

TẠNG LUẬT

Tạng Luật được kết tập từ năm cuốn sách:

1 – Pārājika Pāḷi (Bất Cộng Trụ)
2 – Pācittiya Pāḷi (Ưng Đối Trị)
3 – Mahāvagga Pāḷi (Đại Phẩm)
4 – Cūlavagga Pāḷi (Tiểu Phẩm)
5 – Parivāra Pāḷi (Luật Tạng Tập Yếu)

1. Pārājika Pāḷi (Bất Cộng Trụ) là cuốn sách thứ nhất của Tạng Luật giải thích chi tiết về những điều luật quan trọng liên quan đến Bất Cộng Trụ và Tăng Tàn, cũng như Bất Định và Ưng Xả Đối Trị là những luật nhỏ

(a) Các tội Bất Cộng Trụ (Pārājika) và những hình phạt:

Giới Bất Cộng Trụ gồm bốn loại được đặt ra để ngăn ngừa bốn tội nghiêm trọng. Bất cứ ai phạm phải luật nào trong những điều luật này sẽ bị thất bại trong mục đích trở thành tỳ khưu.. Theo cách nói của Luật, tội Bất Cộng Trụ rơi vào người nào thì người đó tự nhiên mất địa vị tỳ khưu; người đó không còn được công nhận như là một thành viên của hội chúng tỳ khưu và không được phép trở thành tỳ khưu lại. Người ấy phải hoặc trở về đời sống tại gia như là cư sĩ hoặc trở lại địa vị của một sa di.

Người đã mất địa vị tỳ khưu vì phạm phải bất cứ luật nào trong những luật này sẽ giống như người đó đã bị chặt đầu khỏi thân hình; (i) người ấy không thể sống thậm chí nếu cái đầu được gắn lại trên thân người đó; (ii) như lá lìa cành cây, không thể trở nên xanh lại thậm chí nếu chúng được gắn lại vào cuống lá; (iii) Như tảng đá phẳng đã bị bửa ra; nó không thể liền lại được; (iv) như cây sồi đã bị chặt ngang thân; nó sẽ không bao giờ mọc lại.

* Bốn tội Bất Cộng Trụ dẫn đến mất địa vị như là Tỳ Khưu

(i) Bất Cộng Trụ thứ nhất: Bất cứ tỳ khưu nào hành dâm mất địa vị tỳ khưu.
(ii) Bất Cộng Trụ thứ hai: Bất cứ tỳ khưu nào có tác ý lấy cắp những gì không cho sẽ bị mất địa vị tỳ khưu.
(iii) Bất Cộng Trụ thứ ba: Bất cứ tỳ khưu nào có tác ý tước đoạt mạng sống của con người sẽ bị mất địa vị tỳ khưu.
(iv) Bất Cộng Trụ thứ tư: Bất cứ tỳ khưu nào tuyên bố thành đạt mà thực sự không thành đạt, như là đắc thiền hay Tuệ Đạo và Quả sẽ bị mất địa vị tỳ khưu.

Người phạm tội Bất Cộng Trụ là tội rất nghiêm trọng. Người đó không còn là tỳ khưu. Tội của người đó không thể chữa được.

(b) Mười Ba Tội Tăng Tàn và những hình phạt:

Điều Luật Tăng Tàn gồm một loạt mười ba điều luật đòi hỏi sự tham gia chính thức của Tăng từ đầu đến cuối trong tiến trình làm cho người đó hết tội vi phạm.

(i) Một tỳ khưu đã phạm những điều luật này và muốn hết tội trước tiên phải tìm đến Tăng và sám hối tội đã phạm tội. Tăng quyết định tội của người đó và ra lệnh người đó phải thọ nhận hình phạt cấm phòng (parivāsa), hình phạt đòi hỏi người đó phải sống đình chỉ mọi sự thân gần sinh hoạt với số tăng chúng còn lại, trong nhiều ngày bằng với thời gian người đó biết mà che giấu tội lỗi

(ii) Vào lúc chấm dứt hình phạt cấm phòng (parivāsa) người đó phải trải qua một thời gian nhận hình phạt mānatta thêm sáu ngày nữa.để được Tăng chấp nhận lại.

(iii) Sau khi đã thực hành hình phạt mānatta, tỳ khưu đó thỉnh Tăng phục hồi lại đầy đủ mọi sự thân gần sinh hoạt với số Tăng Chúng còn lại. Phẩm hạnh của người nầy được trong sạch như trước, sau khi có cuộc họp Tăng gồm ít nhất hai mươi vị tỳ khưu, tại đây ñatti , động cơ nhằm phục hồi địa vị của người này, được đọc theo sau ba lần đọc kammavācā, văn bản thủ tục tiến hành chính thức của Tăng.

* Vài ví dụ về những tội Tăng Tàn.

– Tội xúc chạm vào thân phụ nữ (Kāyasamsagga):

Nếu tỳ khưu có ý dâm dục tà hạnh xúc chạm vào thân người nữ, như cầm tay, vuốt tóc hay sờ chạm vào bất cứ phần nào trên cơ thể người nữ đó, người ấy phạm tội Tăng Tàn do xúc chạm thân người nữ (Kāyasamsagga Sanghādisesa).

– Tội làm mai mối (Sañcaritta)

Nếu tỳ khưu nào nào làm mai mối người nam hay người nữ nào chung sống hợp pháp với nhau như chồng hoặc vợ hay sắp đặt tạm thời như người đàn ông với bà chủ hay người đàn bà với và một tình nhân, người ấy phạm tội Tăng Tàn do làm mai mối (Sañcaritta Sanghādisesa).

(c) Hai tội bất định (Aniyata) và hình phạt

Aniyata nghĩa là bất định, không chắc. Có hai tội bất định tính chất của chúng là không chắc thật vì liệu nó có phải là Bất Cộng Trụ hay Tăng Tàn hoặc Ưng Xả Đối Trị. Nó được quyết định tuỳ theo những sự cung cấp dữ kiện trong những luật sau đây:

(i) Nếu một tỳ khưu ngồi xuống chỗ riêng tư một mình với một người nữ trong một nơi riêng biệt và khuất tầm mắt, và thuận tiện cho mục đích trái đạo đức nào đó và nếu một tín nữ đáng tin (nghĩa là, một bậc Thánh), thấy tỳ khưu đó, buộc tội ông phạm bất cứ tội nào trong ba tội: (1) Bất Cộng Trụ, (2) Tăng Tàn, (3) Ưng Xả Đối Trị, và tỳ khưu đó tự nhận tội rằng ông đã ngồi như vậy, tín nữ đáng tin đó tìm thấy ông phạm một trong ba tội này

(ii) Nếu một tỳ khưu ngồi xuống nơi riêng tư một mình với một người đàn bà trong một nơi không khuất tầm mắt và không tiện cho mục đích trái đạo nhưng tiện cho việc nói lời dâm dục đối với người nữ đó, và nếu một tín nữ đáng tin cậy (nghĩa là, một bậc Thánh), thấy tỳ khưu đó, buộc tội ông về một tội nào trong hai tội (1) tội Tăng Tàn (2) Ưng Xả Đối Trị và chính tỳ khưu đó nhận rằng ông đã ngồi như vậy, tín nữ đó tìm thấy tội nào trong hai tội này.

(d) Ba mươi tội Ưng Xả Đối Trị và những hình phạt

Có ba mươi điều luật trong phạm trù tội Ưng Xả Đối Trị và những hình phạt được đặt ra để kiềm chế tâm tham quá đáng của tỳ khưu về việc sở hữu những vật dụng như y bát,v.v… Ví dụ, tội đã phạm một trong những luật này khi vật dụng không cho phép có được, hay khi vật có được nhiều hơn số lượng cho phép. Hình phạt gồm trước hết từ bỏ những vật đặc biệt về vật mà tội đó bị phạm. Rồi theo sau đó là sám hối về việc vi phạm điều luật, cùng với việc hứa không tái phạm điều luật đó đối với toàn thể Tăng Đoàn, hay đối với một nhóm tỳ khưu hay đối với tỳ khưu nào đó mà vật có được một cách sai trái đã được dâng nộp.

Vài ví dụ về Tội Ưng Xả Đối Trị:

(i) Điều Học Ưng Xả Đối Trị.

Nếu bất cứ tỳ khưu nào giữ số lượng y nhiều hơn cho phép, nghĩa là, y nội, y vai trái và y Tăng Già Lê, vị ấy phạm tội đối với tội đó vị ấy phải dâng nộp y thặng dư và sám hối tội của mình.

(ii) Điều học Cīvara Acchindana

Nếu tỳ khưu nào cho y của mình đến người khác và sau đó, nổi giận hay bất bình bắt buộc trả lại hay bảo người khác lấy lại dùm, người ấy phạm tội Ưng Xả Đối Trị.

Tội Ưng Xả Đối Trị là những tội nhẹ hơn so với những tội nghiêm trọng của Bất Cộng Trụ hay Tội Tăng Tàn.

2 – Pācittiya Pāḷi (Ưng Đối Trị) là cuốn sách thứ hai của Tạng Luật liên quan đến những tội còn lại của tỳ khưu, đó là Ưng Đối Trị, Ưng Phát Lồ, Ưng Học Pháp, Bảy Cách Dàn Xếp Việc Tranh Tụng và những điều luật tương đương đối với tỳ khưu ni. Mặc dầu Pali gọi là Ưng Xả Đối Trị, nó có tên đặc biệt là ‘Suddha Pācittiya’ Ưng Đối Trị thường để phân biệt với Ưng Xả Đối Trị như đã đề cập ở trên.

(a) Chín Mươi Hai Tội Ưng Đối Trị và Hình Phạt.

Có chín mươi hai điều luật trong loại này được phân thành chín phần. Vài ví dụ về loại tội này:

– Cố ý nói láo là tội Ưng đối trị.
– Tỳ khưu ngủ chung dưới một mái nhà và chung các bức tường có người nữ phạm tội Ưng Đối Trị
– Tỳ khưu đào đất hay sai bảo đào đất phạm tội Ưng Đối Trị.

Tội Ưng Đối Trị được chữa bằng cách chỉ nhận tội với một tỳ khưu khác.

(b) Bốn Tội Ưng Phát Lồ và Hình Phạt.

Trong phạm trù này có bốn tội và chúng đều liên quan đến tư cách tác phong của tỳ khưu trong việc nhận vật thực được đặt vào bát cho vị ấy. Tỳ khưu vi phạm bất cứ điều nào trong những điều luật này, trong việc thú nhận lỗi, phải dùng một công thức đặc biệt kể ra tính chất lỗi của vị ấy.
Luật đầu tiên của tội Ưng Phát Lồ đọc: tỳ khưu thọ dụng vật thực loại cứng, loại mềm đã đưa tay nhận nó từ một tỳ khưu ni mà người đó không có quan hệ gì đến tỳ khưu ấy và tỳ khưu ni ấy đã đi khất thực quanh các nhà, thì nên thú nhận với một tỳ khưu khác bằng cách nói, “Bạn, tôi đã làm việc đáng trách, không hợp và việc ấy nên được thú nhận. Tôi thú nhận đã phạm tội Ưng Phát Lồ.”

Những sự kiện dẫn đến việc đặt ra luật đầu tiên trong những điều luật nầy xảy ra tại thành Sāvatthi, nơi vào một buổi sáng chư tỳ khưu và tỳ khưu ni đang đi khất thực. Một tỳ khưu ni nào đó dâng vật thực mà bà đã nhận đến một tỳ khưu nào đó, người nầy lấy đi hết tất cả vật thực trong bát bà. Tỳ khưu ni nầy đi không có vật thực cho ngày hôm đó. Ba ngày liên tiếp bà dâng vật thực đến cùng một vị tỳ khưu, người này lại tiếp tục tước đọat hết tất cả vật thực trong suốt ba ngày. Cuối cùng bà bị đói gần ngất xỉu. Vào ngày thứ tư trong lúc đi khất thực bà bị ngất và ngã xuống vì quá yếu. Khi Đức Phật nghe được điều nầy, ngài bảo tỳ khưu đó mang tội tà hạnh và đặt ra điều luật trên.

(c) 75 điều Ưng Học Pháp về cách cư xử lịch thiệp.

75 điều Luật này được đặt ra từ lúc đầu nhằm cho tỳ khưu cũng như sa di- những người muốn gia nhập Tăng Đoàn ứng xử thích hợp trong mọi tình huống. Đa số những điều luật này được đặt ra tại thành Sāvatthi khi có một nhóm lục sư ứng xử vô kỷ luật.

Những luật này được chia thành bốn nhóm:
– Nhóm đầu tiên có 26 điều liên quan đến tác phong tốt và cách ứng xử khi đi vào thành phố và làng mạc.
– Nhóm thứ hai có 30 điều luật liên quan đến phong cách lịch sự khi nhận vật thực và khi thọ dụng.
– Nhóm thứ ba có 16 điều luật gồm những điều cấm giảng pháp cho những người không tôn kính.
– Nhóm thứ tư có ba điều luật liên quan đến những cách không hợp khi vào phòng vệ sinh và khạc nhổ.

(d) 7 cách Ổn Định Tranh Tụng (Adhikaraṇasamatha)

Cuốn Ưng Đối Trị kết thúc những điều luật dành cho tỳ khưu có một chương về bảy cách dàn xếp (Adhikaraṇasamatha)
Bốn Loại Tranh Tụng:

(i) Tranh tụng liên quan đến tranh cãi (Vivādādhikarana) những gì là Pháp những gì không phải là Pháp; những gì là Luật những gì không phải là Luật; Những gì Đức Phật tuyên thuyết những gì không phải Đức Phật tuyên thuyết; và những gì là tội những gì không phải là tội..

(ii) Tranh tụng liên quan đến khiển trách (Anuvādādhikaraṇa) – Buộc tội và tranh cãi nổi lên giữa họ liên quan đến đạo đức, pháp hành, quan niệm và cách sống của vị tỳ khưu.

(iii) Tranh tụng liên quan đến tội- (Āpattādhikaraṇa) việc vi phạm bất cứ điều luật nào.

(iv) Tranh tụng liên quan nhiệm vụ (Kiccādhikaraṇa) – Chính thức họp Tăng và quyết định.

Để dàn xếp những sự tranh tụng như thế thỉnh thoảng nổi lên giữa Tăng Đoàn, những phương pháp vắn tắt và chi tiết được đề ra dưới bảy tiêu đề sau:

(i) Hành xử luật có sự hiện diện (Sammukhā Vinaya) – trước khi quyết định, tiến hành điều tra với sự hiện diện cả hai bên chiếu theo luật.

(ii) Hành xử bằng cách ghi nhớ (Sativinaya) – Tăng tuyên bố sự vô tội của vị Thánh Arahán chống lại người buộc tội không có bằng cớ, sau khi hỏi vị ấy liệu vị ấy có phạm tội hay không.

(iii) Hành xử luật khi không điên cuồng (Amūḷha Vinaya) – Tăng tuyên bố khi người bị buộc tội được biết là điên.

(iv) Về Phán xử tội đã thừa nhận (Patiññāta Karaṇa)- quyết định sau khi bên liên hệ đã chấp nhận.

(v) Thuận theo số đông (Yebhuyyasika Kamma) – bằng cách bầu phiếu quyết định phiếu đa số.

(vi) Theo tội của vị ấy (Tassapāpiyasika Kamma) – Tăng quyết định khi người bị buộc tội chứng tỏ không thể tin, chỉ chối, tránh trả lời câu hỏi và nói láo.

(vii) Cách dùng cỏ che lấp (Tiṇavattharaka Kamma) – miễn tất cả các tội ngoại trừ tội Bất Cộng Trụ, Tăng Tàn và những tội liên hệ đến nam nữ cư sĩ, khi các bên tranh tụng được Tăng hoà giải.

(e) Những Điều Luật Của Tỳ Khưu Ni

Những chương kết thúc trong Ưng Đối Trị dành cho những điều giới luật của Tỳ Khưu Ni. Danh sách những điều luật của Tỳ Khưu Ni dài hơn của Tỳ Khưu Luật Tỳ Khưu Ni được kéo dài tương đương với luật Tỳ Khưu Tăng, ngoại trừ hai điều luật Bất Định là không được đặt ra cho Giáo Hội Tỳ Khưu Ni. Cụ thể như sau:

1 – Bất Cộng Trụ: Tỳ Khưu: 4 Tỳ Khưu Ni: 8
2 – Tăng Tàn: Tỳ Khưu: 13 Tỳ Khưu Ni: 17
3 – Bất Định: Tỳ Khưu: 2 Tỳ Khưu Ni: 0
4 – Ưng Xả Đối Trị: Tỳ Khưu: 30 Tỳ Khưu Ni: 30
5 – Ưng Đối Trị: Tỳ Khưu: 92 Tỳ Khưu Ni: 166
6 – Ưng Phát Lồ: Tỳ Khưu: 4 Tỳ Khưu Ni: 8
7 – Ưng Học Pháp: Tỳ Khưu: 75 Tỳ Khưu Ni: 75
8 – Ổn Định Tranh Tụng: Tỳ Khưu: 7 Tỳ Khưu Ni: 7

Tổng cộng: Tỳ Khưu: 227; Tỳ Khưu Ni: 311

Tám phạm trù giới luật này dành cho giáo hội Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni được đề cập chi tiết trong hai cuốn sách đầu tiên của Tạng Luật. Mỗi luật đều có mỗi bản nói rõ nguyên nhân Đức Phật đề ra điều luật này kèm theo lời sách tấn của ngài chấm dứt với câu “Tội này không dẫn đến phát sinh đức tin trong những ai không được thuyết phục trong Giáo Pháp, cũng chẳng tăng trưởng đức tin trong những ai đã được thuyết phục.” Sau lời sách tấn của Đức Phật ở luật đặc biệt, tiếp theo là chú giải từng chữ về điều luật ấy.

3 – Mahāvagga Pāḷi (Đại Phẩm): Hai cuốn sách kế, đó là, Đại Phẩm là cuốn thứ III và Tiểu Phẩm là cuốn thứ IV của Tạng Luật, đề cập đến những vấn đề liên quan đến Tăng mà không được đề cập trong hai cuốn đầu.

Đại Phẩm được chia thành mười phần được biết như Khandhaka, mở đầu bằng lịch sử về Đức Phật đã giác ngộ Tối Thượng tại gốc cây Bồ Đề, ngài khám phá ra Luật Duyên Khởi, ngài thuyết bài Kinh Chuyển Pháp Luân tế độ 5 anh em Kiều Trần Như. Tiếp theo là bài Kinh Vô Ngã Tướng. Hai bài Kinh này có thể được mô tả như bản trích yếu của Phật Pháp.

Phần đầu tiếp tục mô tả về tích chuyện những thanh niên trong gia đình giàu có như Yasa tìm đến quy y Ngài và theo giáo pháp của Ngài; việc Đức Phật bắt đầu sứ mạng hoằng truyền Giáo Pháp vô tiền khoáng hậu ‘vì lợi ích và hạnh phúc của nhiều người’ khi Ngài đã có được quanh Ngài 60 vị đệ tử – những người đã an trú trong Pháp và trở thành Bậc Arahán như Ngài Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa, Ānanda, Upāli, Angulimāla là thành viên của Tăng Đoàn. Sau đó cũng trong phần này là những điều luật cho việc chính thức được nhận vào Tăng Đoàn, Upasampadā, cho những điều kiện rõ ràng chính xác phải thực hiện trước khi người nào đó được sự chấp thuận của Tăng Đoàn và tiến trình được thi hành cho mỗi người khi thọ cụ túc giới.

Đại Phẩm đề cập thêm tiến trình buổi lễ thọ Cụ Túc Giới, họp Tăng vào mỗi ngày rằm và mười bốn hay mười lăm ngày trăng khuyết khi Giới bổn Pātimokkha, bản tóm tắt Tỳ Khưu, được tụng đọc. Sau đó có nhiều điều luật được thọ trì vào an cư mùa mưa (vassa) cũng như cho ngày lễ chính thức của Pavāranā (Tự Tứ) kết thúc, trong đó một tỳ khưu mời chư huynh đệ phê bình liên quan đến những gì được thấy, nghe hay nghi ngờ về phẩm hạnh của vị ấy.

Cũng có nhũng luật liên quan đến tỳ khưu bệnh, dùng giày dép da và bàn ghế tủ giường, các vật dụng như y và những thứ liên quan đến thuốc và thực phẩm. Một phần riêng biệt đề cập đến lễ Dâng Y Kathina được tổ chức hằng năm để dâng cúng Y.

4 – Cūlavagga Pāḷi (Tiểu Phẩm) là cuốn sách thứ tư của Tạng Luật đề cập đến nhiều điều luật hơn và những tiến trình đối với những phận sự trong tự viện gọi là Saṁghakamma.

Mười hai phần trong chương này liên quan đến những điều luật đối với những tội như Tăng Tàn cần phải họp Tăng để giải quyết; những điều luật phải làm để chuộc tội như Parivāsa và Mānatta và những qui luật để phục hồi địa vị của một tỳ khưu.

Cũng có những luật về tư cách liên quan đến tắm, vận y, chỗ ở, đồ đạc và những qui luật liên quan đến việc cư xử với khách Tăng, và bổn phận của giáo thọ sư và sa di. Vài điều luật quan trọng được ban hành liên quan đến hành động chính thức chỉ trích của Tăng chống lại những tỳ khưu gây rối, cãi lộn, tranh tụng, những ai có quan hệ mật thiết với gia đình và những ai nói lời khinh chê Phật, Pháp và Tăng (Tajjanīya Kamma; Ukkhepanīya Kamma) áp dụng hành động chính thức đình chỉ với những vị phạm tội mà không muốn nhận tội; và Pakāsanīya Kamma được sử dụng để công bố rằng “Những gì Devadatta làm bằng hành động hay lời nói, nên được thấy như do tư ý Devadatta và không có gì liên quan đến Phật, Pháp và Tăng.” Bản nêu rõ nguyên nhân đưa đến hành động này có kèm theo sự tích về Devadatta ba lần mưu toan sát hại Đức Phật và âm mưu chia rẽ Tăng của Devadatta.

Trong phần 10 có sự tích về Bà Mahāpajāpati, dì mẫu của Đức Phật, thỉnh Đức Phật nhận vào Tăng đoàn; Trước tiên Đức Phật từ chối và cuối cùng ngài chấp nhận lời khẩn cầu mà Ānanda đã xin hộ bà cho xuất gia. Hai phần cuối mô tả những sự kiện lịch sử quan trọng, đó là tổ chức Đại Hội Kết Tập Tam Tạng lần thứ I tại thành Rajāgaha đại hội kết tập lần thứ II tại Rừng Vesāli.

5 – Parivāra Pāḷi (Luật Tạng Tập Yếu) là cuốn thứ năm và là cuốn cuối của Luật Tạng phục vụ như một loại sách giáo khoa, được biên soạn trong hình thức sách giáo lý vấn đáp, có thể làm cho người đọc có một cái nhìn khái quát có phân tích về Tạng Luật. Tất cả những điều luật, những hoạt động chính và những vấn đề khác của Luật được phân loại dưới những phạm trù riêng theo chủ đề liên quan.

Luật Tạng Tập Yếu giải thích làm sao những điều luật của Giáo Hội được rút ra để chỉnh đốn phẩm hạnh của tỳ khưu cũng như những công việc hành chính của Giáo Hội. Những tiến trình rõ ràng và chính xác được đặt ra để dàn xếp những vụ tranh tụng và xử lý những vấn đề về luật, nhằm hình thành toà án Tăng Sự, gồm các vị tinh thông giới luật (Vinayadhara), nghe và quyết định mọi loại tranh tụng liên quan đến tu sĩ hay tự viện.
Luật Tạng Tập Yếu cung cấp những nguyên tắc chung và hướng dẫn trong tinh thần mà nhờ đó nghi thức Saṁgha Vinicchaya được thực hiện nhằm ổn định những vụ tranh tụng liên quan đến tu sĩ hay tự viện.

Nguồn: Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Việt Ngữ

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app