Thanh Tịnh Tâm Nhờ Minh Sát

Mười chín phần khác được mô tả như những phần liên quan đến thiền minh sát (kammaṭṭhāna) và cận định (upacāra). Ki đi người hành thiền ghi nhận rằng mình đang đi, khi đứng ghi nhận đứng, khi nhấc hay dở chân ghi nhận nhấc, dở, v.v… Tóm lại, vị ấy quan sát và ghi nhận tất cả các loại chuyển động của thân.

Người hành thiền cũng phải có sự sáng suốt hay tỉnh giác (sampajañā). Nghĩa là vị ấy phải ý thức rõ khi đang nhìn thẳng, nhìn sang hai bên, khi co hay duỗi chân tay, khi khi mặc y mang bát, khi ăn, uống hay thậm chí khi đại tiểu tiện. Khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức dậy, nói năng hay giữ im lặng, vị ấy phải làm những việc này một cách ý thức (tỉnh giác). Tóm lại, mọi hoạt động của thân phải được tâm chi phối. Không có những hoạt động của thân nào mà chúng ta bỏ qua không quan sát hay không phải là đối tượng của tâm. Chúng ta cũng phải quan sát và hay biết rõ yếu tố gió hoặc yếu tố cứng và chuyển động được thể hiện bằng sự phồng lên và xẹp xuống của bụng.

Người hành thiền cũng phải quán ba loại thọ, đó là, thọ lạc, thọ khổ, và thọ trung tính (không lạc, không khổ). Thọ này cũng có thể được mở rộng thành chín loại. Người hành thiền phải biết và ghi nhận tất cả thọ như vậy.

Đối với phần quán tâm người hành thiền được hướng dẫn phải chú ý và biết từng trạng thái tâm sanh khởi đúng như nó là, dù nó có tham hay không có tham, v.v…

Còn về quán pháp (dhammānupassanā) có năm chủ đề quán. Người hành thiền phải biết năm loại triền cái mà vị ấy có, như tâm có tham dục hay không,… Vị ấy phải biết năm uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vị ấy cũng phải biết về các xứ (āyatana) hay mười hai căn cứ hoặc nguồn gốc như con mắt và cảnh sắc, tai và âm thanh,…Khi người hành thiền quan sát và có chánh niệm về sự thấy, nghe,… của mình như vậy là đang hành Tứ Niệm Xứ và sự thực hành này hợp theo phần āyatana (mười hai xứ) của kinh.

Người hành thiền cũng được hướng dẫn để biết bảy nối kết của sự giác ngộ hay thất giác chi (bojjhaṅga). Điều này phù hợp với kinh nghiệm của người hành thiền khi họ có sự khai mở đặc biệt nhờ phát triển các minh sát trí như Sanh diệt trí (udayabbayaññāṇa). Người hành thiền cũng phải biết Tứ Thánh Đế. Theo chú giải, chúng ta phải phân biệt giữa hai đế (sự thực hay chân lý) hiệp thế, đó là chân lý về khổ hay khổ đế và chân lý về nguyên nhân của khổ hay (tập đế). Khi người hành thiền quan sát tham dục và luyến ái sanh khởi là vị ấy đã hay biết sự thực về nhân sanh của khổ hay tập đế. Vị ấy cũng biết nó sau khi quán. Vì thế, quan sát mọi hiện tượng khởi lên trên căn bản sự phồng xẹp của bụng là ít nhiều cũng đang thực hành bốn niệm xứ hợp với lời dạy của Đức Phật trong Kinh Niệm Xứ. Mỗi trong bốn pháp quán đặc biệt thích hợp cho một số người hành thiền. Và bằng việc thực hành bất kỳ pháp quán nào thích hợp với mình nhất, người hành thiền đều sẽ đạt đến Thánh Đạo và Thánh Quả.

Vì thế chúng tôi khuyên những người hành thiền quan sát mọi sự bắt đầu với sự phồng-xẹp của bụng. Trong khi đang quan sát như vậy, người hành thiền có thể bị phân tán bởi những ý nghĩ đã thành thói quen mà phần lớn là dục tham triền cái. Những ý nghĩ như vậy phải được quan sát và loại bỏ. Chúng ta thường bực tức khi đối diện với những đối tượng không vừa ý. Đây là sân triền cái và cũng cần phải quan sát và loại bỏ.

Ở giai đoạn đầu hành thiền, chúng ta thường được thúc đẩy bởi đức tin, ý chí và năng lực mạnh mẽ. Nhưng khi những yếu tố này không làm phát sanh một minh sát trí nào, một số hành giả mất hết hăng hái và sau một thời gian trở nên chểnh mảng. Đây là hôn trầm triền cái cần phải được loại trừ bằng sự quan sát liên tục. Nếu sự quan sát không giúp ích được gì, người hành thiền nên quán tưởng đến các ân đức của Phật, v.v… , đến những nguy hiểm trong vòng luân hồi và những lợi ích của thiền minh sát. Nếu không biết cách quán tưởng hành giả nên tham khảo kinh điển hay thỉnh ý thầy của mình. Nghe pháp cũng có khuynh hướng xua tan sự uể oải, lờ đờ.

Thīnamiddha cũng còn được dịch là buồn ngủ (thuỵ miên). Buồn ngủ có thể do tình trạng mệt mỏi hay kiệt lực của thân. Khi đang quan sát, người hành thiền có thể mất sinh lực, trở nên uể oải và khả năng nhận biết của vị ấy yếu dần. Nếu vị ấy không thể vượt qua tình trạng này bằng cách tăng cường sự quan sát, vị ấy sẽ trở nên buồn ngủ và rơi vào giấc ngủ hồi nào không biết. Ngay cả Trưởng lão Mục-kiền-liên, một đại đệ tử của Đức Phật trước khi trở thành một bậc A-la-hán cũng đã bị hôn trầm thuỵ miên chế ngự trong lúc hành thiền. Đức Phật đã hướng dẫn các vị đệ tử xua tan hôn trầm này bằng cách gắn chặt tâm vào ánh sáng, rửa mặt, và v.v…

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app