Con Duong Nao Dan Den Vo Vi Niet Ban
Con Đường Nào Dẫn Đến Vô Vi, Niết Bàn 3

KHÔNG ĐỊNH, VÔ TƯỚNG ĐỊNH, VÔ NGUYỆN ĐỊNH

– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến VÔ VI?
1. Không định,
2. Vô tướng định,
3. Vô nguyện định.

Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.

[Tương tự như trên, thay VÔ VI bởi:

II. Ðích Cuối Cùng (Antam) (S.iv,368), III. Vô Lậu (S.iv,360), IV. Sự Thật (Saccam), V. Bờ Bên Kia (Pàram), VI. Tế Nhị (Nipunam), VII. Khó Thấy Ðược (Sududdasam), VIII. Không Già (Ajajjaram), X. Thường Hằng (Dhuvam), X. Không Suy Yếu (Apalokitam), XI. Không Thấy (Anidassanam), XII. Không Lý Luận (Nippapam), XIII. Tịch Tịnh (Santam), XIV. Bất Tử (Amatam), XV. Thù Thắng (Paniitam), XVI. An Lạc (Sivam), XVII. An Ổn (Khemam), XVIII. Ái Ðoạn Tận, XIX. Bất Khả Tư Nghì (Acchariyam), XX. Hy Hữu (Abhutam), XXI. Không Tai Họa (Anìtika), XXII. Không Bị Tai Họa (Anitakdhamma), XXIII. Niết Bàn, XXIV. Không Tồn Tại (Avyàpajjho), XXV. Ly Tham (Viràgo), XXVI. Thanh Tịnh, XXVII. Giải Thoát (Mutti), XXVIII. Không Chứa Giữ (Anàlayo), XXIX. Ngọn Ðèn (Dipa), XXX. Hang ẩn (Lena), XXXI. Pháo Ðài (Tànam), XXXII. Quy Y (Saranam), XXXIII. Ðến Bờ Bên Kia (Paràyanam)]

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập IV – Thiên Sáu Xứ – [43] Chương IX – Tương Ưng Vô Vi – Phần Một – Phẩm Một – IV. Không

– Ðể thắng tri THAM ÁI, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập.
Thế nào là ba?
1. Không định,
2. vô tướng định,
3. vô nguyện định.

Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để ① biến tri, ② biến diệt, ③ đoạn tận, ④ diệt tận, ⑤ trừ diệt, ⑤ ly tham, ⑥ đoạn diệt, ⑦ trừ khử, ⑧ từ bỏ THAM, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân… từ bỏ si… từ bỏ phẫn nộ… từ bỏ hận… từ bỏ giả dối… từ bỏ não hại… từ bỏ tật đố… từ bỏ xan lẫn… từ bỏ man trá… từ bỏ phản bội… từ bỏ ngoan cố… từ bỏ bồng bột nông nổi… từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn… từ bỏ kiêu… từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỷ kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Nguồn trích dẫn: Tăng chi bộ kinh -Aṅguttara nikāya, xvi. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh

Ghi chú (TK Viên Phúc Sumangala):
– Vô vi: không tạo tác, bất sinh bất diệt, Niết bàn …

“Không” định – suññata samādhi

Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (Minh Sát Vipassana) với đề mục là đặc tính Vô ngã (anattā) của tất cả các pháp: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô ngã, tác ý tất cả trống không, không có tự ngã, không có ngã sở, không có ngã mạn – vì tất cả không thể điều khiển, làm chủ theo ý muốn của bất kỳ ai cả, chúng chỉ có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác có mặt, và sẽ không có mặt khi các yếu tố nhân duyên khác không có mặt. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là “Không” giải thoát – Suññato Vimokkho.

 “Vô tướng” định – animitta samādhi

Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (Minh Sát Vipassana) với đề mục là đặc tính Vô thường (anicca) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là vô thường, không tác ý đến tất cả các tướng, tác ý vô tướng giới – vì tất cả luôn biến chuyển, thay đổi không đứng yên, không cố định trong bất cứ hình tướng nào. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là “Vô tướng” giải thoát – Animitto Vimokkho.

“Vô nguyện” định – appaṇihita samādhi’

Định (samādhi) được vun bồi, tu tập bởi pháp thiền Quán (Minh Sát Vipassana) với đề mục là đặc tính Khổ (dukkha) của tất cả các pháp hữu vi: Hành giả chỉ như lý tác ý ngũ uẩn là khổ, không tác ý bất kỳ sự khát khao, ham muốn, ước nguyện điều gì – vì tất cả đều là khổ và dẫn đến khổ. Định này dẫn đến một trong ba cửa giải thoát là “Vô nguyện” giải thoát – Appa-ṇihito Vimokkho.

Lưu ý tập trung phát triển định – Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định, trong thực hành thiền minh sát vipassana

@ to VTG:

Ngay từ đầu hành giả tu tập thiền minh sát vipassana đã phải như lý tác ý, chú tâm ngay lập tức tới một trong ba đặc tính Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thông qua việc tự kinh nghiệm, tự thực chứng sự sinh ra, diệt đi của mỗi đề mục xuất hiện trên thân, thọ, tâm, pháp.

Nếu không tác ý, chú tâm vào vô thường, khổ, vô ngã thì không được gọi là thiền minh sát.

Và khi chú tâm chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn liên tục vào đặc tính Vô Thường thì pháp Quán minh sát vipassana đạt được Vô tướng định, vào đặc tính Khổ thì pháp Quán minh sát vipassana đạt được Vô Nguyện định, vào đặc tính Vô Ngã thì pháp Quán minh sát vipassana đạt được Không định.

Với Không định, hoặc với Vô tướng định, hoặc với Vô nguyện định hành giả sẽ thấy sự vật như thật, như nó đang là, tức là thấy chúng đang vô ngã, vô thường, khổ. Từ đó phát sinh nhàm chán, ly tham, không bám víu vào bất cứ điều gì trên đời, được giải thoát.

Ban đầu, hành giả lúc thì thấy hiển lộ rõ tính vô thường, lúc thì thấy hiển lộ rõ tính khổ, lúc lại thấy hiển lộ rõ tính vô ngã trong các quán sát. Sau này khi đã thuần thục, liên tục chánh niệm tỉnh giác trên sự sinh diệt của đề mục thì khi thấy hiển lộ một đặc tính thì cũng đồng thời thấy hiển lộ hai đặc tính còn lại, cùng một lúc.

Khi đó hành giả nên như lý tác ý, chú tâm chánh niệm tỉnh giác một cách tinh tấn liên tục vào chỉ một trong ba đặc tính theo sở trường của bản thân để đạt được hoặc không định, hoặc vô tướng định, hoặc vô nguyện định.

Trong thực hành thì ba tuệ minh sát đầu tiên: ⑴ tuệ Phân biệt danh sắc, ⑵ tuệ Phân biệt nhân duyên, ⑶ tuệ Suy xét tam tướng là rất quan trọng, nhưng vẫn chỉ là văn tuệ và tư tuệ.

Tuệ minh sát thứ tư: ⑷ Sinh Diệt tuệ là Tu tuệ quan trọng nhất trong thực hành gieo Nhân, các tầng tuệ minh sát kế tiếp cho đến tuệ minh sát thứ ⑿ Thuận Thứ tuệ sẽ là Kết Quả, chúng tự động phát sinh khi tuệ Sinh Diệt viên mãn, chín muồi.

Tuệ minh sát ⒀ Chuyển Tộc tuệ , ⒁ Đạo tuệ, ⒂ Quả tuệ – sẽ tự động không còn lấy chân đế tức danh, sắc với đặc tính Vô Thường, Khổ, Vô Ngã làm đề mục, mà sẽ lấy Niết bàn làm đối tượng. Tuệ minh sát ⒃ Xét Lại tuệ – sẽ duyệt lại những tâm phiền não đã được đoạn tận và những tâm phiền não còn dư sót.

Vậy điều cốt tủy để thành công trong tu tập thiền minh sát vipassana là tác ý chú tâm chánh niệm tỉnh giác ngay từ đầu và liên tục vào sự sinh diệt, tức vô thường, khổ, vô ngã của đề mục để đắc định và đắc Đạo, Quả, chứng ngộ Niết bàn.

Chúc cho đạo hữu luôn tinh tấn, sớm thấy được pháp sinh diệt – chìa khóa tới vô vi, Niết bàn.

Sadhu Sadhu Sadhu.

* Nội dung được trích từ các bài giảng và tài liệu do Sư Viên Phúc tổng hợp và chia sẻ trên trang Ehipassiko.info

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app