Luật Nghi Sa-di – Chương Iii: Luật Hành Phạt – Điều Luật Phạm Tội Hành Phạt

CHƯƠNG III

LUẬT HÀNH PHẠT
(
DAṆḌAKAMMA)

III.1. ÐIỀU LUẬT PHẠM TỘI HÀNH PHẠT

Tội hành phạt là tội mà Sa-di đã sai phạm đáng phải bị quở phạt, như bị cấm chỉ giao lưu, bị xách nước, kiếm cũi v. v… để cho nhớ tội cải hối.

Nói về các điều luật phạm tội hành phạt của Sa-di có hầu hết các học giới.

Trong 10 điều học (sikkhāpada), vị Sa-di do dể duôi cố ý phạm 5 điều sau, bị phạm tội hành phạt, năm điều ấy là:

1. Ăn vật thực phi thời (vikālabhogī hoti).
2. Biểu diễn thưởng thức vũ nhạc (naccādivi-sūkadassiko hoti).
3. Trang điểm hương liệu vòng hoa (mālādi-dhāranādiko hoti).
4. Sử dụng sàng tọa cao rộng (uccāsayanā-diko hoti).
5. Thọ nhận vàng bạc (jātarūparajatapatiggan -hako hoti).
Lại nữa, có lời Ðức Phật chế định điều luật hành phạt ngoài điều học như sau:

Anujānāmi bhikkhave pañcahaṅgehi saman-nāgatassa sāmaṇerassa daṇḍakammaṃ kātuṃ bhik-khūnaṃ alābhāya parisakkati, bhikkhūnaṃ anat-thāya parisakkati, bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisak-kati, bhikkhū akkosati paribhāsati, bhikkhū bhik-khūhi bhedeti, Anujānāmi bhikkhave imehi panõca-haṅgehi samannāgatassa sāmaṇerassa daṇḍakam-maṃ kātun ‘ti.Này chư Tỳ-khưu, Ta chuẩn hành, phạt vị Sa-di nào vi phạm năm điều như sau:

1. Cố tình làm mất lợi lộc cho chư Tỳ-khưu.
2. Cố tình gây bất lợi cho chư Tỳ-khưu.
3. Cố tình làm mất trú xứ cho chư Tỳ-khưu.
4.Chửi mắng phỉ báng các Tỳ-khưu.
5. Gây chia rẽ giữa các Tỳ-khưu.
Lại có lời giải thêm rằng:

Sekhiyavattakkhandhakavattesu aññesu ca suk-kavisatthiādilokavajjasikkhāpadesu ca sāmaṇerehi vattitabbaṃ tattha avattamāno alajjī daṇḍakammā-raho va hoti.Có điều khác nữa mà vị Sa-di phải chấp hành là Ưng học pháp, phận sự, và những học giới tội thế thường như là làm di tinh v.v. trong những điều luật đó, Sa-di không tuân thủ, vô liêm sỉ, đáng bị hành phạt.

Như vậy vị Sa-di không hành đúng 75 Ưng học pháp thì bị hành phạt.

Sa-di không làm tròn phận sự pháp hành, bị hành phạt.

Vị Sa-di phạm những điều luật tội thế thường (lokavajja), bị hành phạt.

Luật thế thường tội (lokavajja) tức là các điều quấy mà bị đời khiển trách. Trong giới bổn Tỳ-khưu (pāṭimokkha), có 49 điều gọi là phạm tội thế thường, các vị Sa-di cũng phải chấp hành luật này theo hạnh Tỳ-khưu. Trong 49 điều ấy, có 45 điều mà Sa-di phạm sẽ phải bị hành phạt; trừ ra 4 điều là :

– Ðiều học musāvādā, nói dối.
– Ðiều học surāpana, uống rượu.
– Ðiều học sañciccapāna, sát sanh.
– Ðiều học arittha, tà kiến.
45 Ðiều thế thường tội, đáng hành phạt, như sau:

1. Sañcetanika, Sa-di cố ý làm xuất tinh.

2. Kāyasaṃsagga, Sa-di nhiễm ái đụng chạm xác thân người nữ.

3. Duṭṭhullavācā, Sa-di nhiễm ái nói lời tục tĩu hoa bướm với người nữ.

4. Attakāmaparicariya, Sa-di nhiễm ái khích lệ người nữ hầu hạ nhục dục cho mình.

5. Amūlaka, Sa-di vì sân giận vô cớ cáo gian vị khác phạm tội nặng.

6. Aññabhāgiya, Sa-di vịn cớ nhỏ rồi cáo gian vị khác.

7. Saṅghabheda, Sa-di cố chia rẽ tăng.

8. Bhedānuvattaka, Sa-di xu hướng người chia rẽ tăng, được khuyên không bỏ.

9. Dubbacajātika, Sa-di có tính khó dạy, được khuyên không bỏ.

10. Kuladūsaka, Sa-di gây rối gia đình cư sĩ, bị đuổi đi bèn nói xấu tăng.

11. Cīvaracchindana, Sa-di đã cho y phục đến vị khác rồi vì sân giận mà đòi lại.

12. Parinata, Sa-di biết rõ lợi lộc sẽ dâng đến tăng, bèn nói đoạt về cho riêng mình.

13. Omasavāda, Sa-di mắng chửi Tỳ-khưu hay Sa-di khác.

14. Pesuñña, Sa-di nói đâm thọc với vị khác.

15. Duṭṭhullārocana, Sa-di tiết lộ tội của Tỳ-khưu cho Sa-di khác nghe.

16. Aññavādaka, Sa-di có lỗi bị chất vấn, lại nói tráo trở.

17. Ujjhāpanaka, Sa-di nói xấu vị khác đang hành mệnh lệnh tăng.

18. Anupakhajja, Sa-di lấn chiếm chỗ nằm ngồi của Tỳ-khưu.

19. Āmisa, Sa-di rêu rao Tỳ-khưu vì lợi lộc mà thuyết pháp dạy đạo.

20. Nikaḍḍhana, Sa-di xô đuổi Tỳ-khưu ra khỏi phòng ở, vì sân giận.

21. Dutiyapavāraṇā, Sa-di biết vị khác đã ngưng ăn theo luật mà cố nài ép vị ấy ăn thêm cho phạm tội.

22. Uyyojana, Sa-di rũ vị khác cùng đi khất thực, nữa đường tính chuyện bất chánh bèn đuổi vị ấy về.

23. Paṭhamarahonisajja, Sa-di nằm ngồi chỗ khuất mắt với một nữ nhân.

24. Dutiyarahonisajja, Sa-di nằm ngồi nơi khuất tai với một nữ nhân.

25. Uyyutta, Sa-di đi xem diễn binh thao trận.

26. Aṅgulipatodaka, Sa-di đùa giỡn thọc léc vị khác.

27. Hassadhamma, Sa-di đùa vui giỡn nước.

28. Anādariya, Sa-di được dạy dỗ pháp luật lại tỏ ra bất cần.

29. Bhiṃsāpana, Sa-di hù nhát vị khác cho kinh sợ.

30. Apanidhana, Sa-di chơi giấu vật dụng của vị khác.

31. Sappāṇaka, Sa-di biết rõ nước có côn trùng mà vẫn dùng nước ấy uống hay tắm rửa.

32. Ukkotana, Sa-di biết rõ sự tố tụng tăng đã giải quyết đúng luật pháp, mà lại khơi lại nữa.

33. Dutthullapaṭicchādana, Sa-di đồng lõa che đậy tội lỗi dùm cho vị khác.

34. Kanthaka, Sa-di biết rõ vị khác đã bị tăng tẩn xuất vì sai phạm pháp luật, mà vẫn kết nạp tiếp giao cùng sinh hoạt.

35. Sahadhammika, Sa-di sái quấy, khi được vị khác nhắc nhỡ, bèn nói bác bỏ rằng: chờ đi hỏi các vị luật sư đa văn đã.

36. Vilekhana, Sa-di biết rõ vị khác đang học pháp luật, bèn nói chế giễu cho vị ấy biếng học.

37. Mohama, Sa-di phạm lỗi, khi được nhắc nhở lại giả tuồng như trước nay chưa từng biết điều ấy.

38. Pahāradāna, Sa-di tức giận vị khác mà đánh đập.

39. Talasattika, Sa-di tức giận dá tay muốn đánh vị khác.

40. Amūlaka, Sa-di vô cớ cáo gian Tỳ-khưu phạm tội.

41. Sañcicca, Sa-di cố tình gây cho vị khác hoang mang lo lắng, dù chỉ chốc lát.

42. Upassuti, Sa-di rình rập nghe lén các vị khác đang tranh cãi, để bắt tin.

43. Kammapaṭibāhana, Sa-di trước đã ưng thuận việc tăng giải quyết, sau lại mọi việc cũ để chỉ trích.

44. Chandamadatvāpakkamana,Tăng đang họp mặt để giải quyết vấn đề pháp luật, Sa-di có ngồi dự, đương cuộc bỏ đi ra không xin phép.

45. Pariṇāmana, Sa-di biết rõ lợi lộc sẽ dâng đến tăng, lại cố tranh giành lợi lộc ấy cho riêng vị khác.

Cả 45 điều trên đây, sa di sai phạm đều bị tội hành phạt.

III.2. VIỆC HÀNH PHẠT SA-DI SAI PHẠM.

Ðức Phật đã ban hành luật xử phạt Sa-di đã sai phạm bằng cách ngăn cấm sinh hoạt (āvaraṇa-kamma) trong một thời gian.

Chú giải: hành phạt ngăn cấm sự sinh hoạt.

Gọi là sự sinh hoạt tức là sự đi lại, sự cư ngụ, sự học tập, sự ăn uống … của Sa-di.

Chỗ mà Sa-di thường lui tới như là chỗ của Thầy Hòa Thượng, chỗ của thầy giáo thọ, chỗ mà Sa-di ngủ nghỉ, khi hành phạt phải ngăn cấm sự đi lại, sự cư ngụ ở các nơi ấy.

Gọi là ngăn cấm, tức là thầy Tỳ-khưu nghiêm cấm vị sa di ấy bằng lời rằng: ” Ngươi không được phép lai vãng đến chỗ ấy cho tới khi hành phạt xong”, hoặc là: “Ngươi không được phép ở nơi ấy đến khi hành phạt xong.” Khi thầy Tỳ-khưu tuyên bố như thế có nghĩa là hành phạt nghiêm cấm sa di.

Các vị A-xà-lê kết tập giáo lý (dhammasaṅ-gāhakatthera) đã định đặt phận sự phải làm trong thời gian hành phạt của sa di, là khiến sa di múc nước, lượm cũi, hốt cát hoặc quét rác.

Về sự sinh hoạt học tập của sa di, không nên hành phạt ngăn cấm sinh hoạt đó.

Sự sinh hoạt ăn uống của sa di, cũng không nên hành phạt ngăn cấm không cho ăn hoặc giấu cất y bát của vị sa di với ý rằng bỏ đói sa di này. Vị Tỳ-khưu nào hành động với sa di như thế thì tội tác ác (dukkata)

Tỳ-khưu hành phạt sa di phải có tâm từ bi, mong tiếp độ sa di được phạm hạnh tốt đẹp; không nên với tâm ác (pāpacitta) làm khổ gây khó khiến sa di đau đớn bất kham mà hoàn tục, như là bắt nằm trên đá nóng, hay dùng vật nặng đè trên mình sa di, hoặc bắt ngâm nước, lặn nước … những hình thức hành phạt ấy là tàn ác khe khắt, Ðức Phật đã khiển trách các Tỳ-khưu phe lục sư rồi.

Riêng đối với sa di nào cứng đầu khó dạy (dubbacajātiko), sai phạm nhiều lần, được nhắc nhở, phạt cảnh cáo mà không biết hối lỗi phục thiện, thì Tỳ-khưu có quyền hành phạt ngăn vật thực sa di ấy bằng cách là lấy vật thực hay y bát giữ một nơi rồi dạy rằng: ” Sự hành phạt ngươi là phải làm như vầy như vầy, nếu ngươi chấp hành làm xong lúc nào thì ngươi sẽ được nhận lại vật thực hoặc y bát lúc đó.”

Về thẩm quyền hành phạt sa di sai phạm, tất nhiên chỉ là Thầy Hòa Thượng (upajjhāya) hay thầy giáo thọ (ācariya) mà vị sa di đã y chỉ.

Khi có sự hiện diện của Thầy Hòa Thượng hay thầy giáo thọ vị sa di thì những Tỳ-khưu khác trong chùa không có quyền hành phạt sa di này, nếu Tỳ-khưu nào tự ý hành phạt sa di, không thông qua Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của vị sa di ấy, thì phạm tội tác ác.

Nếu Tỳ-Khưu nào đó thấy sa di phạm lỗi thì nên báo trình lên Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của sa di ấy để xử. Khi đã trình ba lần rồi mà Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của sa di vẫn làm ngơ không quan tâm đến, thì vị Tỳ-Khưu ấy có quyền quở phạt sa di sai phạm.

Mặt khác, một vị Tỳ-Khưu nào đó được sự ủy thác của Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư rằng: “vị Sa-di này là học trò của con, nếu có phạm lỗi lầm, ngài hãy thay con hành phạt Sa-di ấy.” Ðược ủy thác như thế, Tỳ-khưu ấy hành phạt Sa-di là đúng pháp.

Vị Sa-di khi phạm lỗi đáng bị hành phạt, phải đắp y vai trái đi đến trước Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư hay vị Tỳ-khưu có thẩm quyền. Phát lộ lỗi lầm của mình và xin chịu hành phạt như sau :

Labheyyā’ ham bhante daṇḍakammaṃ āyatiṃ saṃvaraṃ āpajjissāmi.”

Dutiyampi … Tatiyampi …”

(Bạch Ngài, con xin chịu hành phạt, con sẽ thu thúc về sau. Lần thứ nhì. Lần thứ ba.”

Vị thầy có lời quở trách rồi tuyên bố hình thức phạt vị Sa-di ấy. Vị Sa-di lui ra và thi hành hình thức phạt.

Sau khi đã thi hành hình phạt xong, vị Sa-di trở lại trước Thầy Tỳ-Khưu và đảnh lễ sám hối:

Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante, mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumoditabbaṃ, sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ. Sādhu sādhu anumodāmi.

Sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante.

Ukāsa dvāratayena kataṃ sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante.

Vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khama-tha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumo-ditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ sādhu sādhu anumodāmi.

Nghĩa: con xin thành kính đảnh lễ Ngài. Cúi xin Ngài hãy tha thứ mọi lỗi lầm cho con, phước báu con đã làm xin Ngài tùy hỷ. Phước báu Ngài đã tạo hãy cho đến con, thiện thay, thiện thay, con xin tùy hủy. Bạch Ngài, xin xá mọi lỗi lầm cho con; Bạch Ngài, mọi tội lỗi do tam nghiệp của con đã làm, xin Ngài xá cho …

Khi đó, Thầy Tỳ Khưu nên hoan hỷ cho Sa-di bằng lời: Sādhu! Sādhu! Sādhu.

Sau khi thọ hành phạt xong như thế rồi, vị Sa-di được trở lại trong sạch bình thường.

DỨT CHƯƠNG LUẬT HÀNH PHẠT.

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app