Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iv – Phẩm Bà La Môn: Tích Trưởng Lão Tissa Ngụ Trong Núi

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Bà La Môn: Tích Trưởng Lão Tissa Ngụ Trong Núi

“Asaṃsaṭṭhaṃ gahaṭṭhehi
Anāgārehi cūbhayaṃ
Anokasāriṃ appicchaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.

“Không liên hệ cả hai
Xuất gia và thế tục
Sống độc thân ít dục
Ta gọi Bà-la-môn”

Kệ Ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra, khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Tissa.

Tương truyền rằng: Trưởng lão Tissa sau khi học thông thạo đề mục nghiệp xứ với Đức Thế Tôn rồi. Ngài đi sâu vào rừng núi, tìm nơi thích hợp để hành phạm hạnh.

Ngài tìm được một hang núi thích hợp với mình, vì khi đến nơi ấy, tâm của Ngài đạt được sự thanh tịnh, Trưởng lão suy nghĩ:

– Ta sẽ ở đây hành Sa Môn Pháp của mình.

Nơi hang núi ấy có một vị thiên nhân trú ngụ, suy nghĩ:

– Vị Tỳ khưu nầy là người có Giới hạnh, nếu ta ngụ chung với Ngài thì bất tiện cho ta lắm. Vị Tỳ khưu nầy ngụ nơi đây có lẽ chỉ một đêm rồi đi.

Sáng hôm sau, Trưởng lão Tissa đi vào làng khất thực, một tín nữ trông thấy Trưởng lão, đã phát sanh niềm thương mến như con của mình, thỉnh Trưởng lão vào nhà cúng dường vật thực, rồi thỉnh cầu rằng:

– Bạch Ngài! Xin Ngài hãy nhận vật thực nơi đây trọn ba tháng. Trưởng lão
Tissa suy nghĩ rằng:

– Nhờ sự hộ độ của tín nữ nầy, ta sẽ an tâm thực hành để đạt đến Giải thoát pháp.

Và Trưởng lão nhận lời thỉnh cầu ấy.

Vị thiên nhân thấy Trưởng lão trở về hang núi, khởi lên sự suy nghĩ rằng:

– Hẳn là có ai đã thỉnh Ngài ở lại, có lẽ nay mai Ngài sẽ đi thôi. Đến khoảng nửa tháng sau, vị thiên nhân vẫn thấy Trưởng lão ấy, liền suy nghĩ:

– Có lẽ Trưởng lão nầy trú ngụ nơi đây cho hết mùa mưa chăng?

Nếu như thế sẽ bất tiện cho mẹ con ta, vì ta không thể ngụ sống chung với người có Giới hạnh được, mà ta cũng không thể xua đuổi vị ấy với lời lẽ rằng: “Xin thỉnh Ngài đi nơi khác”.

Chẳng hay Giới của vị ấy có được thanh tịnh chăng? Thiên nhân dùng Thiên Nhãn thấy được Giới hạnh của Ngài Tissa thanh tịnh, kể từ ngày thọ trì Cụ Túc Giới. Y suy nghĩ: “Ta sẽ tìm cơ hội phá hoại Giới của vị nầy”.

Thiên nhân ấy liền đi đến nơi nhà người tín nữ hộ độ cho Trưởng Lão, nhập vào đứa bé là con trai lớn của tín nữ ấy, làm cho hai mắt lòi ra, nước dãi chảy ra từ hai khóe miệng, đứa bé đau khổ vô cùng. Nàng tín nữ ấy hoảng hốt, sầu muộn than khóc rằng:

– Vì sao con tôi như thế nầy vậy?

Bấy giờ vị thiên nhân hiện ra nói với nàng rằng:

– Con của nàng bị ta bắt rồi. Nhưng nếu nàng muốn con nàng khỏi, phải nghe theo lời ta. Ta chẳng cần lễ vật gì nơi nàng cả, chỉ cần nàng xin Trưởng lão Tissa lấy nước cam thảo để chữa bịnh cho con mình. Đem cam thảo ấy về rang với dầu và cho nó ngửi, nếu như thế ta mới tha mạng cho con nàng.

– Thưa cô, dầu có chết đi nữa, tôi cũng không thể xin vị ấy cam thảo được đâu.

– Nếu nàng không xin được cam thảo thì hãy xin vật A Quỳ để nhỏ vào mũi nó.

– Tôi cũng không thể xin được vật ấy nơi Trưởng lão.

– Nếu vậy hãy xin nước rửa chân của Trưởng lão rồi gội lên đầu đứa bé.

– Nếu thế, tôi có thể làm được.

Khi Trưởng lão đi đến thọ thực, tín nữ ấy sau khi cúng dường vật thực, đã bạch rằng:

– Bạch Ngài, con sẽ lấy nước rửa chân của Ngài để gội đầu cho đứa bé.

– Được Trưởng lão cho phép, nàng gội đầu cho con mình, vị thiên nhân xuất ra khỏi đứa bé, nó trở nên mạnh khỏe như xưa. Thiên nhân trở về đứng trước cửa hang, Trưởng lão thọ thực xong, trở về hang. Trưởng lão hành trì tụng các thể trược, chuyên chú trong nghiệp xứ của mình. Vừa đến cửa hang, thiên nhân hiện ra nói với Trưởng lão rằng:

– Nầy thầy Lương y, Ngài chớ nên đi vào nơi đây nữa.

– Nàng là ai?

– Tôi là thiên nhân ngự tại nơi đây.

Trưởng lão Tissa suy nghĩ: “Ta đâu làm thầy thuốc”. Rồi Ngài quán xét Giới hạnh của mình kể từ ngày thọ Cụ Túc Giới tới nay, thấy hoàn toàn thanh tịnh, không bị lấm nhơ, nên trả lời với thiên nhân rằng:

– Nầy thiên nhân, ta không thấy chỗ nào ta đã làm thầy thuốc cả, duyên cớ chi ngươi lại nói thế?

– Ngài không thấy điều nầy sao?

– Đúng vậy.

– Tôi sẽ cho Ngài biết điều nầy thôi.

– Ngươi cứ nói lên đi.

– Tôi không nói điều xa xôi chi, hôm nay có phải Ngài đã cho nước rửa chân đến con trai người hộ độ Ngài bị phi nhân nhập vào để gội đầu cho nó.

– Nầy thiên nhân, thật như vậy.

– Bạch Ngài! Đó (chính là) thầy thuốc còn gì nữa?

– Nầy thiên nhân, ngươi cho rằng điều ấy là thầy thuốc sao?

Rồi Trưởng giả quán xét, suy nghĩ rằng:

– Ồ! Ta đã thật khéo an trú, ta đã thực hành chân chánh với Giáo Pháp thật sự.

Ngay cả thiên nhân nầy cũng không thấy được điểm lấm nhơ, chỉ thấy ta cho nước rửa chân để gội đầu cho đứa bé thôi.

Do quán xét đến Giới hạnh của mình như thế, Trưởng lão Tissa phát sanh phỉ
lạc, khi đình chỉ phỉ lạc, Ngài chứng đạt quả vị A La Hán chính tại nơi đó. Khi chân chưa rời khỏi vị trí, Ngài thốt lên rằng:

– Nầy thiên nhân, ngươi đã ác hại đến vị Sa Môn như ta, ngươi chớ nên ở lại nơi nầy nữa, ngươi hãy rời khỏi khu rừng già nầy đi.

Trưởng lão nói lên kệ ngôn rằng:

– Sự sống của ta thật trong sạch, ngươi chớ ác hại ta, là người vô uế, người có giới hạnh, người trong sạch, ngươi hãy ra khỏi khu rừng già nầy đi.

Trưởng lão đã trú ngụ nơi ấy trọn ba tháng, khi mãn mùa an cư, Ngài trở về yết kiến Đức Thế Tôn, chư Tỳ khưu hỏi Ngài rằng:

– Nầy Hiền giả, phận sự xuất gia Hiền giả đã hoàn thành chưa?

Trưởng lão Tissa thuật lại đầu đuôi câu chuyện từ khi sang hang núi ấy nhập hạ.

Chư Tỳ khưu hỏi rằng:

– Nầy Hiền giả! Khi thiên nhân ấy nói như vậy, Hiền giả không giận sao.

– Nầy chư Hiền, tôi không giận.

Chư Tỳ khưu bạch lên Đức Thế Tôn câu chuyện nầy rằng:

– Bạch Thế Tôn! Vị Tỳ khưu ấy nói không đúng sự thật. Sự thật không như lời vị ấy nói. Dù vị thiên nhân ấy nói như thế, vị ấy bảo rằng: “Ta không có giận”.

Nầy chư Tỳ khưu! Thật vậy, con Như Lai không còn giận nữa, vì đã thoát ra
khỏi sự dính mắc của hàng tại gia lẫn xuất gia. Con Như Lai không có sự dính mắc đâu, đã thiểu dục tri túc.

Rồi Ngài nói lên kệ ngôn rằng:

“Không liên hệ cả hai. Xuất gia và thế tục. Sống độc thân ít dục. Ta gọi Bà-la-môn.”

CHÚ GIẢI:
Asaṃsaṭṭhaṃ: nghĩa là người không dính mắc với sự nhìn, sự nghe, sự bàn luận, sự thọ dụng và sự tự thân.

Ūbhayaṃ: là người vô dính mắc cả hai hạng: Tại gia và xuất gia.

Anokasāriṃ: là người du hành không luyến ái. Người ấy ta gọi là Bà la môn.

Dứt Pháp thoại nhiều người chứng đạt Thánh Quả như là Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tissa vào hang đá độc cư,
Nhất tâm nguyện đạt cõi chân như,
Hằng ngày đi bát vào trong xóm,
Tín nữ chân thành tiếp hộ sư,
Sơn thần kiếm cớ đuổi sư ra,
Nhập xác con trai của chủ nhà,
Phao tội sư làm y sĩ gượng,
Không tròn phạm hạnh bậc ly gia,
Nhờ vậy, sư quan sát giới mình,
Hỷ hoan tiến đạt quả vô sanh,
Bình an cư ngụ trong hang đá,
Mãn hạ về chùa viếng đệ huynh,
Chư Tăng ngờ vực chuyện sơn thần,
Vu cáo sư mà sư chẳng sân,
Phật dạy: Bà la môn thiểu dục,
Tục Tăng chẳng phạm, sống cô thân.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO TISSA NGỰ TRONG NÚI

171

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app