Nội Dung Chính
Chói Sáng Cội Nguồn Tâm
Cội Nguồn Vô Vi: Nền Tảng Cho Vạn Pháp Hữu Vi Khởi Sinh Và Hoại Diệt
PHÁP VÔ VI VÀ PHÁP HỮU VI
Minh Tuệ Đỗ Minh
Trong bài “Hướng tâm về cội nguồn vô tướng (như lý tác ý)” có dùng nhiều từ tướng và vô tướng. Pháp hữu vi và vô vi là một cách nói khác thay cho tướng và vô tướng.
“Các pháp hữu-vi thật không bền vững. Nó có tánh sanh diệt là thường vì nhân sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên thường hay có sự khổ-não,. Chỉ có Niết-Bàn là pháp tịch diệt, dứt cả pháp hữu-vi ấy được, mới có sự an vui tuyệt đối”.
Câu kinh nhật tụng này đã nói lên khái quát giáo pháp về hai sự thật của Đức Phật. Một hữu vi tương đối, do nhân duyên kết hợp, một vô vi tuyệt đối, không có nhân duyên. Tương đối vì vô thường, sanh diệt, tuyệt đối vì thường hằng, không sanh không diệt. Hai sự thật này có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả trong tấm thân dài một trượng này. Ở đâu chẳng là không gian và vật thể, ở đâu chẳng là tĩnh lặng và âm thanh. Lúc nào không sáng ngời ánh đuốc nếu nghe lời Phật đã tự mình thắp lên. Ánh sáng của ngọn đuốc chánh niệm chính là ánh sáng vô vi như không gian và tĩnh lặng và những gì xuất hiện trong ánh sáng đó là những pháp thuộc hữu vi: lục trần, lục căn, lục thức. Mười tám giới này cũng giống như vật thể và âm thanh hiện biến giữa ánh sáng nhận biết, vốn thuần khiết, an tịnh như hư không.
Hằng ngày chúng ta tụng kinh Tam bảo: “ Chẳng có chi đáng cho tôi phải nương theo, chỉ có Phật bảo (Pháp bảo, Tăng bảo) là quý báu, nên tôi phải hết lòng mà nương theo, đặng cầu sự an lạc đến cho tôi, y như lời chân thật này”.
Nhưng Tam bảo chỉ có ý nghĩa thật sự khi một người con Phật biết nương tựa vào chính ba ngôi báu nơi bản thân mình, như Đức Thế Tôn đã từng dạy: ”Hãy sống tự mình làm hòn đảo cho chính mình, này các Tỷ-kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác.”
Hòn đảo để nương tựa, pháp để nương tựa ở đây chính là Chánh niệm không sinh không diệt hay Tánh giác vô vi (unconditioned awareness). “Ai khác” không có nghĩa là người khác mà chính là thân tâm hữu vi này vì nó “không phải là ta, không phải của ta”. Nếu đồng hóa với cái ta hữu vi do nhân duyên kết hợp này là đã đặt lầm nơi nương tựa.
Nói khác hơn là hãy nhận ra pháp vô vi đã có sẵn và nương tựa vào đó như một thành lũy an toàn giữa tám ngọn gió đời hữu vi điên đảo. Ý nghĩa của “xây chùa, dựng tượng, đúc chuông”, phải là xây ngôi chùa tĩnh lặng bên trong, dựng tượng đài chánh niệm, đúc chuông tỉnh thức, thì mới thực sự là quy y tam bảo?
Xin cảm hứng ý này với vài câu kệ:
Ta về nương tựa chính ta
Hư hư tánh giác bao la vô hình
Không ai mới thực là mình
Vô vi hòn đảo rỗng tình mênh mông
Pháp hữu vi và pháp vô vi tồn tại trong nhau giống như bùn và sen. Câu “phiền não tức bồ đề” hay “phật pháp bất ly thế gian giác” cũng muốn chỉ sự không tách rời này. Khi buông bỏ được hữu vi thì vô vi sẽ xuất hiện. Như một trang giấy đầy chữ, xóa được một chữ là một khoảng trống hiện ra, xóa nhiều chữ thì khoảng trống rộng hơn, xóa hết chữ thì trang giấy sẽ hoàn toàn trắng.
Bậc trí theo tuần tự
Từng sát na trừ dần
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình [1]
Có người nói “Sự đơn giản là điều phức tạp nhất trên đời” (Simplicity is the most complicated thing to achieve). Cứ thử hướng mắt vào không gian, đừng nhìn vào vật này vật kia theo thói quen “xuôi dòng” xưa cũ, quan sát sự “giãy giụa” khi được đưa về sự đơn giản, bình thường và trong sạch vốn có của nó, ta sẽ hiểu sâu hơn lời Phật:
Như cá quăng trên bờ
Vất ra ngoài thủy giới
Tâm này vũng vẫy mạnh
Hãy đoạn thế lực ma. [2]
Chúng ta có mặt trên đời này là do sự dính mắc đã quá lâu nhưng đồng thời cũng chính là cơ hội vàng để thoát ra sự dính mắc đó, nhờ nghe được “phật pháp nan văn”. Thoát ra được trói buộc của chấp thủ không phải là chuyện dễ nhưng cũng không phải là bất khả thi vì đã từng có biết bao người “vượt ngục”.
Dù biết pháp hữu vi có bản chất vô thường, bất toại nguyện nhưng chúng ta vẫn bị “sập bẫy” là do niềm vui hời hợt của “lạc nhỏ” từ chúng mang lại. Từ bỏ được lạc nhỏ thì sẽ hưởng được lạc lớn hơn do sự có mặt của pháp vô vi.
Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn. [3]
Hay nói như thiền sư Achan Chah: “Buông bỏ ít, hạnh phúc ít. Buông bỏ nhiều, hạnh phúc nhiều. Buông bỏ hoàn toàn, hạnh phúc hoàn toàn.” (Letting go a little brings little peace. Letting go a lot brings a lot of peace. Letting go completely brings complete peace). Buông bỏ là không nắm giữ, không dính mắc vào pháp hữu vi. Hạnh phúc là kết quả của sự không chấp thủ đó. Người khéo tu là người học được nghệ thuật buông bỏ hay phá chấp, nhất là chấp vào tầm thân ngũ uẩn này. Nếu tấm thân tứ đại hữu vi này ví như ngôi nhà thì chúng ta phải là kẻ theo Phật làm “phá gia chi tử”.
Ôi người làm nhà kia
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy
Kèo cột ngươi bị tan [4]
Người viết thỉnh thoảng hứng bút viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chính vì nhận ra ý thiền chứa đựng chiều kích vô vi trong những câu chữ của ông. Hãy nghe thử một đoạn trong tùy bút Mở theo lời điệu:
“Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.”
Tiếng chim hót buổi bình minh là âm thanh hữu vi vang lên một thời gian ngắn rồi lại rơi vào sự yên lặng vô lượng mênh mông của vô vi “không có gì”. Cánh vạc buổi hoàng hôn là vật thể hữu vi xuất hiện trong thoáng chốc rồi lại chìm giữa không gian vô biên trống rỗng của vô vi “không hình tướng”.
Người có một tấm lòng không ai không công nhận giá trị của những thông điệp yêu thương mà người nhạc sĩ này đã để lại cho đời. Nhưng còn thông điệp tâm linh sâu thẳm thì không nhiều người cảm được. “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” (sống một đời nhưng chưa hề nhận ra được sự vô biên của không gian và tĩnh lặng vốn là pháp vô vi, cả bên ngoài lẫn bên trong) trong bài Một cõi đi về là một trong số thông điệp quý giá đó. Phải chăng đây là cảnh “vô duyên đối diện bất tương phùng”? Vầng nhật nguyệt vẫn rọi suốt trăm năm nhưng có mấy ai thấy được ánh sáng đó, và thế là cứ “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Loanh quanh giữa hữu vi, hững hờ với vô vi thì làm sao đời vui cho đặng. Nếu chiều sâu này được khai mở thêm và có thể “lọt vào mắt xanh” của ai đó trong số những người yêu quý Trịnh để họ có thể thấy bóng hình của Phật trong chính bản thân mình thì thật đẹp biết bao. Chắc chắn cuộc sống sẽ thơm hơn khi có thêm một làn hương ngọt!
PHÁP HỮU VI VÀ PHÁP VÔ VI
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch Việt
Giáo lý của Đức Phật rất đơn giản vì Đạo Phật xem tất cả càn khôn vũ trụ hay vạn pháp được chia làm hai: pháp điều kiện và pháp không điều kiện. Pháp điều kiện hay pháp hữu vi là pháp sinh rồi diệt. Pháp điều kiện gồm tất cả những gì chúng ta thấy và biết được qua sáu giác quan, qua sự tiếp xúc của cơ thể, cảm thọ, tư tưởng, và trí nhớ. Chúng là những điều kiện hay duyên; chúng bắt đầu rồi chấm dứt, sinh rồi diệt. Trong tiếng Pali, từ sankhara hay hành (các pháp do các điều kiện hay duyên hợp lại và tạo thành) được dùng để chỉ các pháp điều kiện hay pháp hữu
- Sankhara bao gồm tất cả những gì sinh rồi diệt, cho dù đó là vật chất hay tâm. Chúng ta không nên thắc mắc nghi vấn là các pháp được sinh ra ở đó hay ở đây, các pháp sinh rồi diệt trong chớp mắt hay trong nhiều đời nhiều kiếp. Trong khi hành thiền, vấn đề nầy không quan trọng và sẽ không có sự khác biệt nào cả vì tất cả pháp hữu vi đều bị giới hạn bởi thời gian.
Pháp không điều kiện hay pháp vô vi là cái mà phần lớn chúng sinh đều không nhận thức được. Lý do chính là vì họ vẫn mãi mê trong các pháp điều kiện hay pháp hữu vi. Muốn nhận thức hay chứng ngộ được pháp không điều kiện chúng ta phải dứt khoát và triệt để buông bỏ các pháp điều kiện.
Các pháp không điều kiện giống như không gian trong một căn phòng. Khi bạn bước vào một căn phòng, bạn chú ý đến phần không gian hay khoảng trống của căn phòng hay bạn bị thu hút bởi những đồ đạt trong phòng? Dĩ nhiên, bạn sẽ chú ý đến bức tường, cửa sổ, con người, bàn ghế, màu sắc, và các đồ vật trang trí. Nhưng không gian của căn phòng thì ít ai nhận thấy mặc dù nó luôn có mặt ở đó. Và khi bận lo ngắm nhìn người và đồ vật trong phòng, chúng ta sẽ không thể nào ghi nhận được khoảng không gian trong phòng. Chỉ khi nào chúng ta buông bỏ tất cả những tư tưởng, lời nói, lo toan, và tưởng tượng, thì lúc đó chúng ta mới có thể ý thức và nhận ra được không gian trong căn phòng. Khi để tâm chú ý đến nó, chúng ta sẽ thấy rằng không gian là rất bình yên và bao la. Ngay cả bức tường của căn phòng cũng không thể chia cắt được không gian ấy.
Tâm chúng sanh cũng như thế ấy. Tâm là vô biên và vô hạn; nó có thể chứa đựng tất cả mọi vật. Nhưng chúng ta lại tự trói buộc mình vào những điều kiện hữu hạn của tâm như tư tưởng, quan điểm, và ý kiến. Tâm luôn có chỗ dành cho mọi lý thuyết, ý kiến, và quan điểm; Tất cả những cái nầy là những điều kiện sinh rồi diệt, và không có cái nào là trường tồn và vĩnh cửu. Do đó, tâm luôn có chỗ cho tất cả mọi người và mọi vật, cho tất cả tôn giáo, quan điểm chính trị, tư tưởng, và tất cả loại người. Nhưng con người luôn muốn kiểm soát, giới hạn, và tuyên bố: “Chỉ có những người nầy mới được chấp nhận, còn những người kia không có quyền ở đây.” Trong quá trình sở hữu, chiếm đoạt, và bám víu, chúng ta tự trói mình vào những điều kiện và chính những điều kiện nầy sẽ dẫn chúng ta đến chỗ diệt tận và phiền não.
Bất cứ cái gì mà chúng ta hy vọng và mong đợi, nếu chúng ta bám víu vào chúng, sẽ đưa chúng ta đến chỗ thất vọng và sầu não. Lý do chính là những gì mà chúng ta bám víu và dính mắc đều sinh rồi diệt. Không có cái gì được sinh ra mà sẽ tiếp tục sinh ra mãi mãi; nó có thể sinh ra và tồn tại trong một thời gian nào đó nhưng rồi sẽ hoại diệt. Vì thế nên khi bạn bám víu vào bất cứ điều kiện nào đang sinh khởi, chắc chắn nó sẽ đi cùng với bạn đến chỗ hoại diệt. Khi bạn bám víu vào cái gì đang sinh khởi như thân thể của bạn hay bất cứ điều kiện tự nhiên nào, nó sẽ đưa bạn đến chỗ diệt tận. Và vì thế, sự hoại diệt hay sự chết là điểm cuối cùng của cái được sinh ra, và nỗi tuyệt vọng sầu não là mặt trái của niềm hy vọng và mong đợi.
Khi một cái gì đó bắt đầu trở nên khó chịu hay bất toại nguyện, chúng ta có khuynh hướng chạy đi tìm một điều kiện khác, đang sinh khởi và thoải mái hơn. Điều nầy khiến cho cuộc sống của con người trở thành một cuộc tìm kiếm và săn đuổi không ngừng chạy theo những khoái lạc, những mối tình lãng mạn, và những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Con người luôn luôn chạy theo những gì hấp dẫn và lý thú, làm cho họ mê đắm và trốn chạy khỏi những gì đối nghịch lại họ. Chúng ta trốn tránh sự nhàm chán, tuyệt vọng, già, bệnh, và chết vì đây là những điều kiện mà chúng ta không muốn xảy đến cho chúng ta. Chúng ta muốn chạy trốn, quên bẵng đi, và không để ý đến chúng.
Nhưng trong khi hành thiền, thái độ chính là sự chấp nhận, nhẫn nhục và nhẫn nhục đến tận cùng với những điều kiện, cho dù những điều kiện nầy đang trở nên khó chịu và nhàm chán. Nếu chúng ta luôn muốn đi tìm một cái gì đó lý thú và hấp dẫn hơn, chúng ta sẽ tiếp tục đi vòng vòng. Đây chính là vòng luân hồi sinh tử (Samsara) mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta.
Chúng ta phải biết rằng những lo sợ và nhận thức của chúng ta chỉ là những điều kiện hay những gì do nhân duyên tạo thành. Chúng không phải là sự thật tuyệt đối. Trong quá trình phát triển tâm linh, chúng ta sẽ tiến đến một trạng thái quân bình khi nhận ra rằng những gì sinh khởi trong tâm chỉ là những điều kiện do nhân duyên tạo thành; điều nầy có nghĩa là chúng bắt đầu rồi chấm dứt. Cho dù chúng là những điều kiện vật chất hay tinh thần, chủ thể hay khách thể, chúng đều có cùng những tính chất, đó là vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã.
Pháp vô vi hay pháp không điều kiện là cái mà bạn không thể hiểu bằng khái niệm vì tất cả những khái niệm đều thuộc về các pháp hữu vi hay các pháp điều kiện. Pháp vô vi là cái mà bạn phải trực nhận. Niết Bàn là pháp không điều kiện, vì thế nên khi nói chúng ta hướng về Niết Bàn, điều nầy có nghĩa là chúng ta hướng về các pháp vô vi hay các pháp không điều kiện.
Thế thì pháp vô vi là gì? Bạn không thể thấy, ngửi, nếm, xúc chạm, nghe, hay suy nghĩ về pháp vô vi nhưng nó là nơi mà tất cả pháp hữu vi hội tụ về. Nó không thuộc về cảm giác. Nó là sự an tịnh. Nó không sinh khởi hay hoại diệt, không có sự bắt đầu hay chấm dứt. Chính nó là cội nguồn mà từ đó tất cả các pháp hữu vi được sinh khởi. Khi để tất cả sự việc hiện lên trong tâm và ra đi, bạn đang để cho chúng trở về với pháp vô vi hay pháp không điều kiện.
Thế thì mục tiêu tối hậu của con người là thấy và biết rằng các pháp điều kiện chỉ là những điều kiện, và pháp không điều kiện chỉ là pháp không điều kiện. Mục tiêu tối hậu của con người là trở thành chính sự biết và thấy đó. Nói khác đi, mục tiêu tối hậu của chúng ta là chánh niệm. Đó không phải chỉ là một niềm tin tôn giáo, đó là cái mà chính bạn phải thực hành — và không ai có thể làm thế điều nầy cho bạn. Và đạo Phật là chiếc xe, là quy ước, là cách thức, là truyền thống giúp bạn phá vỡ và đi xuyên qua những ảo tưởng, thoát khỏi những trói buộc của những điều kiện của thế giới luân hồi sinh tử. Khi thấy được pháp không điều kiện, hay pháp vô vi, hay Niết bàn, lúc đó, bạn đang ở trạng thái vô sanh và bất tử.
BẢN CHẤT THẬT SỰ CỦA CÁC PHÁP HỮU VI
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch Việt
Đức Phật dạy cho chúng ta thấy là tất cả điều kiện hay các pháp hữu là vô thường (tiếng Pali là sabbe sankhara anicca). Khi nói đến từ “điều kiện”, “duyên”, hay “hành” (tiếng Pali là sankhara), chúng tôi muốn nói đến một cái gì đó được thiết lập trong tâm hay sự thành hình của một trạng thái tâm, chẵng hạn như sự thành hình của một tư tưởng hay ý kiến trong tâm thức chúng ta. Đàn ông và đàn bà là những điều kiện hay duyên. Người Do Thái và người Gentiles, tín đồ Phật giáo và tín đồ Thiên chúa giáo, người Á châu và người Âu châu, người Phi Châu, giai cấp công nhân, giai cấp trung lưu, giai cấp thượng lưu — tất cả những cái nầy chỉ là những điều kiện hay những duyên đi qua tâm chúng ta. Chúng không phải là những sự thật tuyệt đối. Chúng chỉ là những phương tiện mà con người dùng để truyền thông với nhau. Trong cuộc sống, chúng ta phải sử dụng những phương tiện truyền thông nầy, nhưng chúng ta cũng phải biết rằng chúng chỉ là những cái được con người chế đặt chứ không phải là những sự thật tuyệt đối. Biết được điều nầy, tâm của chúng ta sẽ không bị kẹt hay dính mắc vào những quan điểm hay ý kiến. Quan điểm hay ý kiến sẽ chỉ được nhìn như là những điều kiện hay duyên được sinh khởi rồi diệt đi trong tâm chúng ta, vì bản chất thật sự của chúng là sinh và diệt. Tất cả duyên hay điều kiện là vô thường, đều sinh rồi diệt.
Đức Phật cũng dạy rằng tất cả các pháp là vô ngã (tiếng Pali là sabbe dhamma anatta). Điều này có thể hơi khó hiểu cho người bình thường, nhưng khi hành thiền nhiều hơn và khi thấy được bản chất của các pháp, chúng ta sẽ thấy rõ rằng tất cả các pháp là vô ngã. Chúng ta sẽ thấy không
CHÓI SÁNG CỘI NGUỒN TÂM
cần phải đồng hóa và tùy thuộc vào một điều kiện hay một địa vị nào đó. Chúng ta sẽ thấy không cần phải tìm hiểu xem chúng ta là ai, phải đặt cho chúng ta một tên gọi, hay phải đồng hóa với bất cứ cái gì ở trên đời nầy. Đây chính là sự tự do, sự giải thoát khỏi những dính mắc và luyến ái và sự tự do nầy sẽ đưa chúng ta đến Niết Bàn.
Càng tiếp tục hành thiền, chúng ta sẽ ngày càng ý thức nhiều hơn về sự thật đang hiển lộ và phơi bày trong hiện tại. Trong đạo Phật, chúng tôi gọi sự thật này là Pháp và Pháp sẽ ngày càng có nhiều ý nghĩa hơn đối với chúng ta. Quán tưởng Pháp là rất hữu ích vì Pháp là bao gồm tất cả, cả pháp hữu vi lẫn pháp vô vi, cả pháp hữu hạn lẫn pháp vô hạn hay pháp bất tử. Khi hiểu được Pháp, chúng ta sẽ không đứng về phía bên nầy hoặc bên kia: Chúng ta không chối bỏ Pháp hữu vi để bám vào Pháp vô vi. Tuy nhiên, khi không còn chấp vào Pháp hữu vi, thì cái còn lại với chúng ta sẽ là Pháp vô vi hay Pháp bất tử. Do đó, người có trí tuệ sẽ nhận chân được rằng bản chất của Tục đế hay cái thực tế mà con người chế đặt ra là vô thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã (đây là ba tính chất của tất cả những hiện tượng do duyên sinh hay các pháp hữu vi) và vị đó sẽ đủ tỉnh giác để buông bỏ các pháp hữu vi nầy.
Samsara hay Luân hồi là tình trạng trong đó con người bị dính mắc, chấp trước, và đau khổ. Khi còn kẹt trong luân hồi, chúng ta sẽ thường thốt lên những câu như, “Ước gì tôi đã không nghĩ như thế. Ước gì tôi không gặp những khó khăn nầy. Tôi ghét điều nầy. Tôi lo sợ điều nọ. Tôi không thích cái nầy. Tôi không nên như thế nầy. Anh không nên như thế đó.” Những tiếng nói nho nhỏ nhưng đầy rên xiết, đầy khát vọng chiếm đoạt và kiểm soát, đầy lo âu và sợ hãi, và tham đắm nầy chính là Luân hồi. Khi bị dính mắc với tất cả những thứ ấy, bạn đang ở trong Luân hồi. Luân hồi là cảnh giới của khổ đau. Niết Bàn là cảnh giới của tự do và giải thoát xuất phát từ trạng thái không dính mắc và buông bỏ. Khi chúng ta quán sát và nhận ra được những gì đang xảy ra trong tâm, cho dù đó là tiêu cực hay tích cực, phê phán hay tán dương, như chỉ là những điều kiện sinh rồi diệt, thì đó chính là Tâm Phật, Phật tính, hay Tánh giác; đó cũng chính là Niết Bàn.
RỖNG KHÔNG – KHÔNG ĐIỂM TỰA [7]
Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt
Chúng ta sống trong một căn nhà. Để rời khỏi nhà và đến một nơi không có nhà – chúng ta không biết phải làm như thế nào, bởi vì chúng ta đã quen sống với sự tồn tại, với sự dính mắc. Nếu chúng ta không thể dính mắc, chúng ta không biết phải làm gì.
Cho nên đa số người không muốn đi đến Niết bàn, bởi vì không có gì ở đó, không có gì cả. Hãy xem xét cái mái nhà và cái sàn nhà ở đây. Một thái cực là mái nhà, đó là một “điểm tựa”. Một thái cực khác là sàn nhà, và
đó là một “điểm tựa “ khác. Nhưng khoảng không gian ở giữa mái nhà và sàn nhà thì không có chỗ để đứng. Người ta có thể đứng trên mái nhà, hay trên sàn nhà, nhưng không thể đứng trong cái không gian trống rỗng đó. Nơi nào không có điểm tựa, không có một thứ gì để nắm giữ, nơi đó có sự rỗng không. Và Niết bàn là sự rỗng không này.
HƯỚNG VỀ PHÁP VÔ VI [8]
Achan Chah
Minh Vy dịch Việt
Đức Phật giảng dạy về các pháp hữu vi và pháp vô vi. Pháp hữu vi thì hằng hà sa số – vật chất hay phi vật chất, lớn hay bé – nếu tâm chúng ta còn chịu ảnh hưởng của mê mờ, nó sẽ làm cho những thứ này sinh sôi, nẩy nở, phân loại chúng thành tốt xấu, ngắn dài, thô tế. Tại sao tâm lại chế biến như thế? Bởi vì nó không biết cái thực tại tương đối. Nó không biết chút gì về luật duyên khởi. Không biết những điều này, tâm không nhìn thấy Pháp. Khi không nhìn thấy Pháp, tâm nắm giữ đủ thứ, con người không thể ra khỏi cảnh giới duyên khởi. Chừng nào con người còn chưa ra khỏi cảnh giới duyên khởi, họ còn bị rối rắm và còn chịu ảnh hưởng của sinh, lão, bệnh, tử, ngay cả trong suy nghĩ. Cái tâm như thế là tâm thuộc pháp hữu vi.
Pháp vô vi, asankhata dhamma, nói đến cái tâm đã nhìn thấy Pháp, thấy sự thật về ngũ uẩn, biết rằng chúng là tạm bợ, bất toàn và vô chủ. Tất cả những ý tưởng về ‘tôi’ hay ‘của tôi’, ‘họ’ hay ‘của họ’, đều thuộc về cái thực tại tương đối. Thật vậy, chúng đều là những điều kiện. Khi chúng ta biết thực chất của pháp điều kiện, chúng ta sẽ biết thực chất của những quy ước. Khi chúng ta biết những điều kiện không phải là chúng ta, không thuộc về chúng ta, chúng ta buông bỏ tất cả những điều kiện và quy ước. Khi chúng ta buông bỏ các pháp điều kiện, chúng ta ngộ Đạo, chúng ta chứng ngộ Pháp. Khi chúng ta ngộ Đạo, chúng ta biết rõ rang. Chúng ta biết điều gì? Chúng ta biết rằng ngoài những quy ước ra, không có gì cả. Không có tự ngã, không có ‘ta’ hay ‘họ’. Đây là hiểu biết bản chất của sự việc.
Nhìn thấy sự việc như thế, tâm vượt lên chúng. Thân thể có thể già, bệnh, và chết, nhưng tâm vượt lên những trạng thái này. Khi tâm vượt lên pháp hữu vi, nó biết sự vô vi. Khi tâm trở thành vô vi, một trạng thái không còn những yếu tố của điều kiện. Tâm không còn bị chi phối bởi những vấn đề của thế gian, các điều kiện không còn ô nhiễm tâm. Hạnh phúc và đau khổ không còn ảnh hưởng tâm. Không một thứ gì có thể ảnh hưởng tâm hay thay đổi nó. Tâm đã thoát khỏi mọi sự chế biến. Nhìn thấy bản chất của điều kiện và quy ước, tâm giải thoát.
Cái tâm giải thoát này gọi là pháp vô vi,không còn bị chi phối bởi năng lực chế biến. Nếu tâm không thật sự biết pháp điều kiện và quy ước, nó sẽ bị những thứ này ảnh hưởng. Khi gặp sự tốt, xấu, vui, buồn, tâm chế biến thuận theo nhưng cảm thọ đó. Tại sao nó lại chế biến? Bởi vì vẫn còn có nguyên nhân ở đó. Nguyên nhân gì? Nguyên nhân là sự tin tưởng rằng thân thể này là ‘ta’ hay ‘của ta’, cảm thọ đó là ta, thuộc về ta, tri giác đó là ta, là của ta, tâm trí suy nghĩ khái niệm là ta, là tự ngã của ta. Khuynh hướng xem xét sự việc theo cách này là nguồn gốc của hạnh phúc, đau khổ, sanh, già, bệnh, chết. Đây là cái tâm hữu vi, quay cuồng và thay đổi mãi bởi sự chi phối của những điều kiện thế gian.
Nếu bạn hiểu bản chất của những quy ước, bạn có thể sống bình an. Nhưng nếu bạn tin rằng một người, một vật, cái ‘của tôi’, cái ‘của họ’ v.v… là những phẩm chất có thực, bạn sẽ cười khóc vì chúng. Nếu chúng ta xem những thứ đó là của ta, chúng ta chắc chắn sẽ đau khổ. Đây chính là tà kiến, micchaditthi.
GHI NHẬN KHÔNG GIAN
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch Việt
Trong khi hành thiền, chúng ta tỉnh thức và chú tâm; chúng ta lắng nghe và sống với giây phút hiện tại như nó đang xảy ra, và chỉ lắng nghe thôi. Những gì chúng ta làm trong khi hành thiền là chánh niệm và tỉnh giác về những gì đang xảy diễn, ghi nhận không gian và các sắc pháp nằm trong không gian đó, nói khác đi chúng ta ghi nhận cả hai — thế giới không điều kiện hay pháp vô vi và thế giới điều kiện hay pháp hữu vi.
Như có đề cập trong phần đầu của tập sách nầy, chúng ta có thể ghi nhận không gian trong một căn phòng. Có lẽ phần lớn người đời không để ý đến không gian; họ thường chỉ ghi nhận những sự vật có mặt và được bày biện trong căn phòng chẳng hạn như những con người, các vách tường, sàn nhà, bàn ghế. Nhưng để ghi nhận được không gian trong căn phòng, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải thôi không chú ý đến các đồ vật có mặt trong phòng, và để tâm chú ý đến không gian trong phòng.
Điều nầy không có nghĩa là chúng ta quăng bỏ hết đồ đạc trong phòng ra ngoài, hay không cho bày biện các đồ đạt trong phòng. Nó chỉ có nghĩa là chúng ta thôi không tập trung chú ý đến các đồ vật nữa, không dán mắt vào hết cái nầy đến cái khác mà thôi.
Không gian trong phòng rất là bình an và tĩnh lặng. Những đồ đạt trong phòng có thể kích thích chúng ta, làm chúng ta ham thích, chán ghét, hoặc bị lôi cuốn quyến rũ, nhưng không gian thì không như thế. Mặc dù không gian không thu hút sự chú ý của chúng ta như các đồ đạc trong phòng, nhưng chúng ta vẫn có thể ý thức và tỉnh giác trọn vẹn về sự hiện diện của nó, và chúng ta chỉ có thể ý thức về nó khi không còn bị thu hút bởi các đồ vật bày biện trong phòng. Khi quán tưởng về không gian trong căn phòng, chúng ta sẽ cảm thấy bình yên và lắng dịu vì tất cả không gian đều giống nhau; không có sự khác biệt giữa không gian chung quanh bạn và không gian chung quanh tôi. Nó không phải là của riêng tôi; Tôi không thể tuyên bố, “Không gian nầy là thuộc về tôi” hay “Không gian kia là thuộc về bạn.”
Không gian luôn luôn có mặt ở đây. Nó tạo điều kiện cho chúng ta được gần nhau, tụ họp lại nhau trong căn phòng, trong phần không gian bị giới hạn bởi bốn bức tường nầy. Không gian cũng có mặt ở ngoài căn phòng; nó bao trùm toàn thể căn nhà, và cả vũ trụ nầy. Do đó, không gian không hề bị các sự vật ràng buộc và giới hạn; nó không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì. Trong một góc độ nào đó, chúng ta có thể xem căn phòng nầy là cái chứa đựng không gian, nhưng thật ra, không gì có thể chứa đựng được không gian cả, không gian là bao la và vô tận.
Khi chúng ta ghi nhận được không gian bao phủ chung quanh con người và các đồ vật trong phòng, cái nhìn của chúng ta về cuộc đời nầy sẽ đổi khác và mở rộng cái nhìn về không gian vô biên nầy là một cách tu tập để mở rộng tâm thức của chúng ta. Khi tâm trở thành vô biên, nó sẽ có khả năng chứa đựng được tất cả sự vật. Khi tâm thu hẹp, sức chứa của nó cũng bị thu hẹp lại. Lúc đó, nó phải tìm cách dàn xếp, toan tính và kiểm soát mọi sự vật và đẩy ra ngoài những gì không cần thiết.
Với một cái nhìn chật hẹp, cuộc đời của chúng ta sẽ bị đè nén, dồn ép và giới hạn; nó sẽ trở thành một cuộc đấu tranh và vật lộn không ngừng. Nó sẽ luôn luôn bị căng thẳng vì chúng ta phải luôn luôn tiêu phí rất nhiều năng lực để tổ chức và dàn xếp mọi việc theo một trật tự nào đó. Nếu bạn có một cái nhìn hạn hẹp về cuộc đời, bạn sẽ tìm cách làm cho cuộc đời đầy hỗn loạn nầy thành trật tự và ngăn nắp, và vì thế, đầu óc của bạn sẽ luôn bận bịu, lo toan, tìm cách nắm giữ những gì bạn yêu thích và chối bỏ những gì bạn chống ghét. Đây chính là sự đau khổ (dukkha) xuất phát từ tâm si mê. Nó bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta không thể hiểu được bản chất tự nhiên của các pháp thế gian.
Trong khi đó, tâm vô biên chứa đựng tất cả. Nó giống như không gian trong căn phòng, cho dù chúng ta đem chất vào hoặc vứt bỏ đi các đồ vật trong phòng, nó vẫn cứ như thế và không bao giờ bị hư hại. Thông thường chúng ta nói “có không gian trong căn phòng nầy”, nhưng thật ra, chúng ta phải nói là căn phòng nầy đang nằm trong không gian hay cả tòa nhà nầy nằm trong không gian mới đúng. Khi tòa nhà sụp đổ và biến mất đi, không gian vẫn ở đó. Không gian bao bọc chung quanh tòa nhà, và ngay bây giờ, chúng ta đang dùng căn phòng nầy để chứa đựng không gian trong đó. Với cái nhìn nầy, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới về cuộc đời. Chúng ta sẽ thấy là có những bức tường tạo nên hình thể của căn phòng, và có không gian. Theo một cách nhìn nào đó thì những bức tường giới hạn phần không gian trong căn phòng. Nhưng nhìn theo một cách khác thì chúng ta sẽ thấy không gian quả là vô tận.
Không gian là cái gì mà bạn thường không để ý đến vì nó không thu hút sự chú ý của bạn. Nó không phải là một bông hoa tuyệt đẹp hay một tai họa khủng khiếp; nó cũng không phải là cái gì thật đẹp hay thật xấu xa để có thể thu hút sự chú ý của bạn. Bạn có thể bị chìm đắm trong một giây phút nào đó bởi một cái gì đó đầy sôi nổi kích động hay khủng khiếp đáng sợ; nhưng bạn đâu có bao giờ bị không gian làm say đắm hoặc mê lầm phải không các bạn? Để ghi nhận được khoảng không gian, tâm bạn phải lắng xuống; bạn phải quán tưởng về nó. Lý do là vì không gian không có những tính chất cực đoan thái quá; nó chỉ mênh mông, bao la và trùm phủ lên tất cả mà thôi.
Những bông hoa có thể rất đẹp, với những màu đỏ rực rỡ, vàng cam và tím thẫm, với những hình thể đẹp mắt làm cho chúng ta mê đắm. Những cặn bả và rác rến hôi thối thì thật xấu xí và làm chúng ta ghê tởm. Ngược lại, không gian không đẹp, và nó cũng không làm chúng ta ghê tởm xa lánh. Nó là cái gì đó rất khó ghi nhận, nhưng nếu không có không gian, sẽ không có bất cứ cái gì khác. Chúng ta sẽ không thể thấy được cái gì hết.
Nếu chúng ta chất đầy ấp đồ vật, hay dùng xi măng để trám đầy căn phòng nầy, thì căn phòng sẽ mất đi không gian. Và rồi, dĩ nhiên, chúng ta sẽ không còn bình hoa đẹp hay bất cứ vật gì khác để ngắm, cả gian phòng sẽ trở thành một khối đồ vật hoặc một khối xi măng lớn và cứng nhắc. Nó sẽ trở nên vô dụng phải không các bạn? Chính vì thế chúng ta cần cả hai, chúng ta vừa cần đồ vật, vừa cần không gian trong phòng; chúng ta cần nhận rõ giá trị của cả hai: các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp. Cả hai cũng giống như một cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa, một cuộc hôn nhân hoàn hảo, một sự hòa hợp hoàn thiện. Chúng ta phát triển trí tuệ bằng cách quán tưởng cả hai: các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp ấy.
Chúng ta có thể áp dụng cái nhìn mở rộng về các sắc pháp và không gian chứa đựng các sắc pháp nầy vào việc quán tâm và lấy khoảng không gian trong tâm làm đối tượng quán sát. Khi nhìn vào trong tâm, chúng ta sẽ thấy có những tư tưởng và tình cảm — đây là những điều kiện của tâm thức hay những tâm sở — chúng sinh rồi diệt. Thông thường, chúng ta bị lóa mắt, ngạc nhiên, giật mình, phản kháng lại, hay bị mắc kẹt trong những tư tưởng và tình cảm nầy. Chúng ta đi lang thang từ tư tưởng nầy đến tư tưởng khác, chúng ta phản ứng lại, tìm cách kiểm soát, toan tính dàn xếp, hay tìm cách chối bỏ chúng. Và vì thế chúng ta không thể nhìn rõ cuộc đời. Chúng ta hoặc cứ lo nghĩ tìm cách đè nén, ức chế hoặc dễ duôi chạy theo những trạng thái tâm; chúng ta bị mắc kẹt giữa hai thái cực nầy.
Trong khi hành thiền, chúng ta sẽ có dịp quán tâm. Sự yên lặng của tâm giống như không gian trong căn phòng vậy. Nó luôn luôn có mặt ở đó, nhưng rất vi tế — nó không nổi bật để chúng ta có thể thấy dễ dàng. Nó không có những tính chất cực đoan để kích thích và thu hút sự chú ý của chúng ta, vì thế chúng ta phải rất tỉnh giác và chú tâm để ghi nhận nó.
Bằng cách chú tâm vào sự yên lặng trong tâm trong một thời gian nào đó, bạn sẽ bắt đầu biết được nó. Bạn sẽ dần dần làm quen với cách thấy và biết mới trong đó bạn có thể quán sát. Đó không phải là một trạng thái tập trung tâm ý có năng lực chiếm lãnh, chế ngự, và hoàn toàn cuốn hút bạn; nó không phải là một loại tập trung tâm ý mang tính chất ức chế và đè nén. Lúc đó, thay vì bị cuốn hút vào trong một đối tượng, tâm của bạn sẽ vẫn tập trung nhưng là một loại tập trung mang tính chất quân bình, xả bỏ, rộng mở và trùm phủ. Bạn có thể dùng sự tập trung tâm ý quân bình và cởi mở nầy để nhìn các pháp thế gian và buông bỏ tất cả.
Bây giờ, tôi thật tình mong các bạn hãy xem xét và áp dụng phương pháp thấy và biết mới nầy để có thể thật sự biết thế nào là buông bỏ, thay vì chỉ mong cầu là mình phải buông bỏ nhưng không biết phải buông bỏ như thế nào. Sau khi học Phật pháp, bạn biết rõ là mình phải buông bỏ nhưng vẫn không biết làm sao để buông bỏ một cách dễ dàng. Bạn có thể nghĩ, “Ôi thôi, tôi không thể buông bỏ được!” Với cách suy nghĩ và phán xét nầy, bạn chỉ củng cố thêm cái ngã của bạn: “Chỉ có các bạn khác mới biết buông bỏ, còn tôi thì không thể làm như vậy. Tôi phải buông bỏ vì Sư Sumedho nói là mọi người phải buông bỏ.” Cách suy nghĩ trên vẫn thể hiện cái nhìn dựa trên “tự ngã” phải không các bạn? Và nó chỉ là một tư tưởng, một điều kiện của tâm thức, một trạng thái tâm có mặt tạm thời trong không gian bao la vô tận của tâm thức.
KHÔNG GIAN – NGOÀI SAO TRONG VẬY [10]
Eckhart Tolle
Diện Mục Nguyễn văn Hạnh dịch Việt
Khi nhìn lên bầu trời trong veo về đêm, ta dễ dàng nhận ra một chân lý hoàn toàn đơn giản và cực kỳ sâu sắc. Bạn nhìn thấy gì? Bạn nhìn thấy mặt trăng, các vì sao, bạn nhìn thấy dải ngân hà màu sáng bạc vắt ngang bầu trời, một ngôi sao chổi hay dãy thiên hà Andromeda láng giềng của ta cách xa ta khoảng hai triệu năm ánh sáng. Và nói một cách đơn giản hơn thì bạn nhìn thấy điều gì? Các vật thể bồng bềnh trong không gian. Thế vũ trụ gồm những thứ gì? Vật thể và không gian.Nếu bạn không cảm thấy lặng người khi nhìn lên bầu trời quang đãng trong đêm thì bạn không thực sự đang nhìn, không ý thức được tính toàn thể của nó. Có thể bạn chỉ nhìn vào các ngôi sao và muốn đặt tên cho mỗi vì sao. Nếu bạn đã từng kinh ngạc đến lặng người khi nhìn lên không gian, thậm chí là thấy có một nỗi kinh sợ sâu sắc như khi gặp phải một điều gì huyền bí mà bạn không thể giải thích, điều này có nghĩa là trong một thoáng, bạn đã thôi không còn muốn giải thích hay đặt tên cho mọi vật. Bạn trở nên có ý thức đối với những vật thể trong không gian cũng như chiều sâu vô cùng của không gian. Hẳn là khi đó bạn đã đủ tĩnh lặng ở bên trong để nhận thấy vẻ bao la của vô vàn thế giới. Cảm giác kính sợ không chỉ là do có hàng tỉ thế giới trên bầu trời mà còn đến từ chiều sâu ẩn chứa trong những thế giới này.Bạn không thể nhìn thấy hết sự tận cùng của không gian, không thể nghe, sờ mó hay ngửi thấy nó, thế làm sao bạn biết rằng không gian hiện hữu? Câu hỏi có vẻ hợp lý này thật ra chứa đựng một sai lầm căn bản. Bản chất của không gian là cõi không-có-một-cái-gì ở đó cả, nên nó không “hiện hữu” theo ý nghĩa thông thường của danh từ này. Vì chỉ có vật thể – tức là hình tướng – mới hiện hữu. Thậm chí gọi nó là không gian cũng là sai vì khi ta đặt tên cho nó thì ta vô tình biến nó thành một vật thể, tức là hàm ý rằng vật đó có sự hiện hữu. Ta có thể nói như thế này: Ở trong bạn có một cái gì đó tương tự như không gian, điều đó giải thích tại sao bạn có thể nhận biết được không gian. Nhận biết được không gian ư? Điều này cũng không hoàn toàn đúng vì làm thế nào mà bạn có thể nhận biết được không gian nếu ở đó không có một cái gì để ta có thể nhận biết.
Câu trả lời vừa sâu sắc vừa thâm thúy là khi bạn nhận biết được không gian, thực ra bạn không hề nhận biết được cái gì cả, ngoại trừ nhận ra khả năng nhận biết ở trong chính bạn – khoảng không gian bên trong của nhận thức. Nhờ bạn mà vũ trụ ý thức được chính nó!
Khi mắt bạn không nhìn thấy gì cả, thì cõi không-có-một-thứ-gì-trong-đó-cả được bạn cảm nhận như là không gian. Khi tai bạn không nghe được gì cả, thì cõi không-có-cái-gì-để-nghe-cả được bạn cảm nhận như là sự tĩnh lặng.Khi giác quan, vốn được tạo ra để cảm nhận về những hình tướng khác nhau, gặp phải sự vắng mặt của hình tướng thì nhận thức của ta sẽ không còn bị che mờ bởi hình tướng nữa. Khi bạn nhìn ngắm chiều sâu vô lường của không gian và lắng nghe sự tĩnh lặng của buổi sáng tinh mơ, thì trong bạn có một cái gì đó vang dội lại như thể nó vừa nhận ra nhau. Lúc đó bạn cảm nhận được chiều sâu vô cùng của không gian chính là chiều sâu vô cùng của chính mình, và bạn biết rằng cái tĩnh lặng không hình tướng – cũng chính là bản chất chân thực của bạn – quý báu và sâu sắc hơn bất cứ điều gì trong đời bạn.
Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishads) của Ấn Độ cũng đề cập đến chân lý này khi nói:
“Những gì mắt không thấy được nhưng mắt lại nhờ đó mà thấy: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.
Những gì tai không thể nghe được nhưng lại nhờ đó mà nghe: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái.
Những gì mà trí óc không thể suy lường nhưng nhờ nó mà trí năng có thể hiểu được: chỉ cần nắm được điều này tức là đã nắm được tinh túy của Đạo rồi, chứ không phải là những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái”.
Thượng Đế, theo kinh này, là thứ nhận thức vô hình tướng và cũng là bản thể của bạn. Mọi thứ khác đều là hình tướng tức là “những thứ phù du mà người đời thường hay sùng bái”.
Cái thực tại hai tầng của vũ trụ: tức là hình tướng và vô Tướng – tức là Có và Không – cũng là thực tại của bạn. Một đời sống quân bình, lành mạnh của một con người là một điệu múa giữa hai chiều làm nên thực tại của đời sống: thế giới hình tướng và thế giới của Vô Tướng. Hầu hết chúng ta đều tự đồng nhất mình với hình tướng, với những cảm xúc, ý nghĩ đến nỗi nửa thiết yếu bên kia – chính là Vô Tướng – biến mất khỏi cuộc đời chúng ta. Thói quen tự đồng hóa mình với hình tướng trói chặt chúng ta vào bản ngã.
Nói chung những gì mà bạn có thể nghe, nhìn, cảm nhận, sờ mó, hay nghĩ về nó chỉ là một nửa của thực tại. Tất cả những thứ đó ta gọi là hình tướng, còn Chúa Jesus thì gọi đó là “thế giới”; còn nửa Vô Tướng ở bên kia thì ngài gọi đó là “cõi trời” hay “sự sống bất diệt”.
Không gian làm cho mọi vật hiện hữu, và tương tự như thế, khi không có sự tĩnh lặng thì cũng không thể có âm thanh; bạn không thể hiện hữu mà không có chiều không gian của Vô Tướng, tức là bản chất chân thật của bạn. Ta có thể gọi đó là “Thượng Đế”, nếu từ này không được dùng một cách sai lạc như trước đây. Tôi thích gọi nó là “an nhiên tự tại” hơn. An nhiên tự tại có ở đó trước khi ta có Hiện Hữu – thế giới của hình tướng. Hiện Hữu là hình tướng, là những gì đang xảy ra. Hiện Hữu là bề mặt của sự sống. Còn an nhiên tự tại là vô hình, là hậu cảnh, nếu ta có thể nói như vậy.
Cơn bệnh tập thể của loài người là quá mê đắm với sự vật, với những hiện tượng trong đời sống, vì thế mà bị thôi miên bởi thế giới của hình tướng, bị cuốn hút bởi hình tướng. Họ quên đi phần bản chất, nằm ngoài hình thức, nằm ngoài hình tướng.
Thời gian làm tiêu phí đời họ đến độ họ quên mất tính chất vĩnh hằng, nằm ngoài ý nghĩ, là nguồn gốc của họ, ngôi nhà của họ, nơi chốn trở về của họ. Sự vĩnh hằng là một thực tại sống động, bản chất chân chính của chúng ta.
Khi đến thăm Trung Quốc vài năm trước đây, tôi tình cờ nhìn thấy một cái am trên đỉnh núi gần Tây An. Trên đam có đắp chữ nổi bằng vàng. Tôi hỏi một người Trung quốc và biết được những chữ đó có nghĩa là “Phật”. Tôi hỏi tiếp là tại sao có đến hai chữ thay vì một chữ? Ông nói “Một chữ có nghĩa là ngã, còn chữ kia nghĩa là không – tức là không có ngã, tức là Vô Ngã. Cả hai chữ thì có nghĩa là Phật”. Tôi lặng người đứng im. Hai chữ Vô Ngã đã bao hàm toàn bộ những lời dạy bảo của Đức Phật, và đối với những ai có thể nhìn ra, hai chữ này cũng bao hàm cả ý nghĩa bí mật của đời sống. Đây là hai chiều tạo ra thực tại: cõi Có và cõi Không; hình tướng và phủ nhận hình tướng, tức là chỉ rõ rằng hình tướng không phải bản chất chân chính của bạn.
KHÔNG GIAN VÀ SỰ TĨNH MẶC
Eckhart Tolle
Diện Mục Nguyễn văn Hạnh dịch Việt
SỰ TĨNH MẶC
Cõi vô tướng không tồn tại riêng rẽ với cõi hình tướng. Cảnh giới vô tướng thâm nhập khắp mọi ngõ ngách của thế giới này, nhưng cảnh giới này thường ngụy trang rất kỹ đến nỗi, hầu hết mọi người đều bỏ quên nó hoàn toàn.Nếu bạn biết cách tìm, thì bạn sẽ tìm thấy cõi Vô tướng ở khắp mọi nơi. Cứ mỗi lúc như thế thì một cánh cửa được mở ra.
Bạn có nghe con chó sủa ở đằng xa không? Hay một chiếc xe đang chạy ngang qua? Hãy lắng nghe cho kỹ. Bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện của Vô tướng trong đó không? Không thể ư? Hãy tìm Vô tướng trong khoảng im bặt, chỗ mà từ đó, âm thanh đã phát ra và đã trở về lại ở đó. Hãy chú ý đến khoảng lặng im thôi mà đừng để tâm đến tiếng động. Khi bạn chú tâm vào khoảng lặng im ở bên ngoài, điều này sẽ giúp tạo ra một khoảng lặng im ở bên trong: lý trí lúc đó đã thành sự tĩnh lặng. Một cánh cửa khác đang được mở ra. Mỗi âm thanh đều sinh ra từ tĩnh lặng, và trở về với tĩnh lặng, và trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình, âm thanh luôn bị bao trùm bởi sự tĩnh mặc.
Tĩnh lặng giúp âm thanh tồn tại. Tĩnh lặng là một phần không thể tách rời, nhưng không hiển lộ của mỗi âm thanh, mỗi nốt nhạc, mỗi bài hát, mỗi tiếng nói. Tĩnh lặng chính là Vô tướng hiển hiện trong thế giới này. Thế cho nên người ta đã nói, không một cái gì trên thế giới này giống với Thượng đế như sự tĩnh lặng. Điều bạn chỉ cần làm là chú ý đến sự tĩnh lặng. Ngay cả khi nói chuyện, bạn nên chú ý đến khoảng lặng im giữa những tiếng nói, khoảng lặng im ngắn ngủi giữa các câu nói. Khi bạn làm được như vậy thì chiều tĩnh lặng ở trong bạn sẽ lớn dần. Khi bạn vừa chú ý đến sự tĩnh mặc ở bên ngoài, thì bạn cũng vừa khám phá được sự tĩnh mặc của bạn ở bên trong. Bên ngoài yên như thế nào thì ở bên trong cũng tĩnh lặng như thế ấy. Bây giờ bạn vừa đi vào cõi Vô tướng.
KHÔNG GIAN
Không có âm thanh nào có thể tồn tại được mà không có tĩnh mặc, không có gì tồn tại được nếu không có hư không, khoảng không trống rỗng làm cho vật ấy hiện hữu. Mọi vật thể vật lý hay cơ thể ta đều từ hư không mà ra, bao bọc bởi hư không, rốt cuộc rồi cũng trở về với hư không. Không những vậy, mà ngay cả bên trong mỗi vật thể, có nhiều chất “không có gì” nhiều hơn là những chất “có gì”. Các nhà vật lý cho ta biết rằng tính rắn chắc, đông đặc của vật chất chỉ là một ảo tưởng của chúng ta. Ngay cả những thứ dường như rắn chắc, trong đó bao gồm cả cơ thể chúng ta, thì chúng chứa gần cả 100 phần trăm là khoảng không – khoảng cách của các nguyên tử quá lớn lao so với kích thước của chúng. Hơn nữa, ngay bên trong mỗi nguyên tử thì hầu hết là khoảng không. Phần còn lại như là một làn sóng, hay một tần số rung động nhiều hơn là những vi thể của vật rắn. Phần còn lại ấy giống như là một nốt nhạc. Đức Phật đã biết điều đó cách đây hơn 2.500 năm. “Tâm kinh Bát Nhã”, một trong những kinh điển cổ của Phật giáo được chúng ta biết đến nhiều nhất, đã viết rằng “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Bản chất của mọi sự, mọi vật là vô ngã.
Cõi Vô tướng không chỉ hiện diện trên thế giới này như là sự im lặng, mà Vô tướng còn bao trùm khắp vũ trụ vật chất dưới dạng không gian – cả trong lẫn ngoài. Điều này cũng dễ dàng bị bỏ qua như là sự tĩnh lặng. Mọi người thường chú ý đến các vật có mặt ở trong không gian, mấy ai chú ý đến chính không gian.
H: Dường như ông ám chỉ rằng “không có gì” hay “sự trống rỗng” không có nghĩa là “không có gì hết”, rằng có một số tính chất nào đó ở trong đó. Vậy cái “không có gì” này là gì?
Đ: Bạn không thể hỏi một câu hỏi như thế! Vì lý trí của bạn đang muốn biến cái “không có gì” thành cái “có gì”. Phút giây bạn biến “không gian” thành một cái gì đó thì bạn đã đánh mất nó rồi. “Không có gì” – không gian – là dáng vẻ bề ngoài của Vô tướng trong một thế giới được cảm nhận bởi cảm giác. Đó là điều duy nhất người ta có thể nói về sự Không Có Gì, thậm chí đó thực chỉ là một điều nghịch lý.Vì Không Có Gì không thể là một đối tượng của kiến thức. Bạn không thể làm một luận án tiến sĩ về sự “Không Có Gì” đó. Khi các nhà khoa học nghiên cứu về không gian, họ thường biến nó thành một cái gì đó và do đó hoàn toàn đánh mất bản chất của không gian. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một giả thuyết khoa học gần đây nhất cho rằng không gian chẳng thực sự hoàn toàn là trống rỗng, rằng không gian chứa đầy rẫy một chất gì đó. Khi bạn đã có được một lý thuyết rồi thì việc tìm ra bằng chứng để hổ trợ cho lý thuyết đó sẽ chẳng khó khăn gì, ít ra là cho đến khi một lý thuyết mới được đề ra.
“Không có gì” chỉ có thể trở thành một cánh cửa đi vào Cõi Vô tướng nếu bạn không cố nắm bắt hay cố hiểu được nó
H: Đó không phải là điều chúng ta đang làm ư?
Đ: Không. Vì tôi đang giúp cho bạn những chỉ dẫn để chỉ cho bạn cách đem chiều không gian Vô tướng đi vào cuộc sống của bạn. Không phải chúng ta đang cố gắng để hiểu nó. Vì chẳng có gì để hiểu cả.
Không gian không thực sự “hiện hữu”. Hiện hữu có nghĩa đen là biểu lộ ra ngoài. Bạn không thể hiểu được không gian vì nó không biểu lộ ra ngoài. Mặc dầu tự bản thân nó, không gian không có thực, nhưng không gian làm cho mọi vật khác hiện hữu. Im lặng cũng không có thực, Vô tướng cũng vậy.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi bạn thôi không còn chú tâm đến các vật thể trong không gian nữa và hướng sự nhận thức của bạn vào chính không gian? Bản chất những căn phòng này là gì? Bàn ghế, tranh ảnh, v.v. đều đang “ở trong” phòng, nhưng chúng không phải là căn phòng. Sàn nhà, tường và trần nhà quy định ranh giới của căn phòng, nhưng chúng cũng không phải là căn phòng. Vậy thì bản chất của căn phòng này là gì? Là không gian, dĩ nhiên là không gian trống không. Không có không gian thì không có ”phòng”. Vì không gian là “không có gì” nên có thể nói rằng những gì đang không ở đó thì còn quan trọng hơn là những gì đang ở đó. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến không gian chung quanh bạn. Đừng nghĩ về không gian. Chỉ cần cảm nhận không gian như nó là. Chú ý đến cái “không có gì” đó.
Khi bạn làm như thế, trong bạn sẽ có sự chuyển hướng trong nhận thức. Lý do là: Ở bên trong, tương đương với những vật thể có trong không gian như bàn ghế, bức tường,…. là đối tượng của tâm thức như suy
tư, cảm xúc, và những đối tượng của cảm xúc. Và tương đương ở bên trong về không gian là sự nhận thức của bạn, cái làm cho những đối tượng của tâm trở nên có mặt, cũng giống như không gian làm cho mọi vật được có mặt. Vì vậy khi bạn tách sự chú tâm của mình ra khỏi “sự vật” – vật thể trong không gian – tự nhiên cũng tách sự chú tâm của bạn ra khỏi những đối tượng của tâm.
Nói một cách khác, bạn không thể vừa suy tư “và vừa đồng thời” nhận thức được không gian hay sự im lặng ở quanh bạn. Chỉ bằng nhận thức được khoảng không trống rỗng chung quanh, bạn cũng đồng thời nhận thức được trạng thái có mặt hiện tiền, trạng thái Vô niệm, tức là trạng thái Tâm không- có-những-suy-tưởng -miên-man của lý trí. Đó là trạng thái thuần khiết của tâm: tức cũng chính là Vô tướng. Đây là lý do tại sao phương pháp trầm tư, suy gẫm về không gian có thể là một cánh cửa khác mở ra cho bạn để đi vào cõi Vô tướng.
Không gian và tĩnh lặng là hai khía cạnh khác nhau của cùng một sự việc, cũng chính là cái không -có-gì mà tôi đã đề cập đến ở trên. Đây là chiều không gian bên trong và sự lắng im ở bên trong được thể hiện ra bên ngoài, đó là sự tĩnh lặng: cái nôi vô cùng sáng tạo của hóa công, nơi sản sinh tất cả mọi sự, mọi vật. Hầu hết nhân loại hoàn toàn chưa nhận thức được chiều không gian này. Vì đối với họ, không hề có khoảng không gian hay sự tĩnh lặng ở bên trong. Vì họ đã bị mất đi sự quân bình. Nói một cách khác, những người này chỉ biết về thế giới, hay họ cứ tưởng là họ biết chắc điều này, nhưng họ không hề biết đến Thượng đế, đến Vô tướng. Họ chỉ đồng nhất mình với những hình tướng về vật chất hoặc tâm lý của mình, không ý thức được bản chất chân thực của mình. Và vì bản chất có hình tướng đều rất không bền vững, nên họ thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi. Nỗi sợ này gây ra cảm nhận sai lầm một cách sâu sắc về chính họ và về những người khác; họ có một cái nhìn méo mó về chính họ và về thế giới.
Nếu bây giờ có “một chấn động vũ trụ” làm cho thế giới này bị tiêu diệt thì Vô tướng cũng hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì bởi biến cố này. Cuốn sách “ A Course in Miracles” nói lên chân lý này một cách rõ ràng. “Không gì chân thật có thể bị đe dọa, không gì không chân thật có thể tồn tại được. Ở đây chỉ có sự an bình của Thượng đế”
Nếu bạn vẫn luôn có sự liên lạc một cách có ý thức với Cõi Vô tướng, thì bạn sẽ luôn đề cao, thương yêu và tôn trọng sâu sắc bất kỳ biểu hiện nào của thế giới hình tướng và mỗi sinh thể sống trong đó, vì đây chính là sự biểu hiện của Đời Sống Duy Nhất vượt lên trên hình tướng. Bạn cũng biết rằng mọi hình tướng cuối cùng đều sẽ bị tan biến và chẳng có gì chung quanh ta là quan trọng cả. Lúc đó, nói theo lời Chúa Jesus, là lúc bạn đã “chiến thắng được mọi cám dỗ của thế gian”, hoặc nói như Đức Phật là “Đáo bỉ ngạn” tức là đã qua được đến bờ bên kia, không còn bị mê hoặc bởi những ham muốn của thế gian.
SỰ YÊN TĨNH VÀ IM LẮNG
Eckhart Tolle
Diện Mục Nguyễn văn Hạnh dịch Việt
Khi bạn đánh mất liên lạc với sự im lắng ở nội tâm, bạn sẽ đánh mất liên lạc với chính mình. Khi bạn đánh mất liên lạc với chính mình, bạn sẽ tự đánh mất mình trong thế giới của hình tướng.
Cảm nhận nội tại về chính tự thân mình, tức bản chất chân thực của bạn là gì, bản chất ấy không thể tách rời khỏi sự im lắng. Đây chính là cái Chân Ngã sâu kín của bạn vượt lên trên Tên Gọi và Hình Tướng.
Sự im lắng chính là bản chất chân thực của bạn. Vậy sự im lắng là gì? Đó chính là không gian ở trong bạn, là khả năng nhận thức từ đó những chữ trên trang giấy này được tạo thành khái niệm và trở thành những ý nghĩ ở trong đầu bạn. Nếu không có khả năng nhận biết đó, sẽ không có khái niệm, không có ý tưởng, không có thế giới.
Bạn chính là khả năng nhận biết đó được che giấu dưới hình dáng của một con người.
***
Tương đương với tiếng động ồn ào ở bên ngoài là sự ồn ào của những suy tưởng bên trong.
Tương đương với sự im lặng ở bên ngoài là sự im lắng ở nội tâm. Khi nào có sự yên tĩnh ở chung quanh – bạn hãy lắng yên để nghe sự yên tĩnh đó. Tức là chỉ để ý, chú tâm đến sự yên tĩnh đó. Lắng nghe sự yên tĩnh như thế sẽ làm thức dậy một chiều không gian im lắng ở trong bạn, vì chỉ qua sự im lắng thì bạn mới có thể nhận ra sự yên tĩnh.
Bạn sẽ nhận ra rằng giây phút bạn lưu ý đến sự yên lặng ở chung quanh, bạn không hề suy nghĩ. Bạn chỉ nhận biết, nhưng không hề suy tư.
Khi bạn chú tâm đến sự yên lặng, ngay lập tức có một trạng thái cảnh giác nhưng rất im lắng ở nội tâm. Bạn đang hiện diện . Bạn vừa bước ra khỏi thói quen suy tưởng của tâm thức cộng đồng, của nhân loại, một thói quen đã bị thâm nhiễm trong hàng ngàn năm qua.
Hãy nhìn một thân cây, hay một bông hoa. Hãy để cho nhận thức của bạn đậu lên trên vật thể đó – như một cánh bướm. Bông hoa ấy tĩnh lặng biết bao nhiêu! Thân cây và bông hoa đang cắm rễ trong trạng thái an nhiên tự tại biết bao nhiêu. Hãy để thiên nhiên dạy cho ta thế nào là tĩnh lặng.
Khi bạn nhìn vào một thân cây và nhận ra sự tĩnh lặng của thân cây đó, chính bạn cũng trở thành sự tĩnh lặng. Bạn tiếp xúc với thân cây ở một mức độ rất sâu. Bạn sẽ cảm thấy đồng nhất với những gì bạn đang cảm nhận qua sự tĩnh lặng. Cảm nhận sự đồng nhất giữa mình với mọi vật đó chính là Lòng Xót Thương – một tình thương chân chính.
Sự im lặng rất hữu ích. Nhưng bạn không cần phải có sự im lặng thì mới giúp bạn tìm ra sự tĩnh lặng. Ngay cả những khi có tiếng ồn, bạn vẫn có thể nhận ra đang có sự tĩnh lặng bên dưới những ồn ào, nhận ra khoảng không gian từ đó tiếng động được phát sinh. Đó chính là không gian bên trong của nhận thức thuần khiết, đó cũng chính là Tâm.
Bạn chợt nhận ra rằng có một sự nhận biết như là một cái nền nằm sau tất cả những nhận thức của các giác quan, tất cả những suy tư. Nhận ra sự nhận biết đó là sự phát sinh của sự tĩnh lặng ở nội tâm.
Bất kỳ một tiếng ồn đáng ghét nào cũng đều hữu ích như sự lặng yên. Làm cách nào?
Bằng cách buông bỏ sự chống đối trong nội tâm về tiếng ồn, bằng cách cho phép tiếng ồn ấy được như nó đang là. Sự chấp nhận này cũng giúp bạn đi vào cõi an bình ở nội tâm, tức là sự tĩnh lặng.
Bất kỳ khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó – bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì – bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh. Hãy chú tâm đến khoảng trống – khoảng trống giữa hai ý tưởng, khoảng không ngắn ngủi giữa những chữ trong một câu chuyện, giữa những nốt nhạc của tiếng dương cầm, hoặc khoảng trống giữa hơi thở vào và hơi thở ra của bạn.
Khi bạn chú tâm đến những khoảng trống đó, nhận thức về một cái gì đó, lúc ấy chỉ còn là nhận thức thuần khiết . Chiều không gian không có hình thể ấy của nhận thức thuần khiết được phát sinh từ bên trong bạn, thay thế cho thói quen của bạn thích tự đồng hóa mình với những biểu hiện bên ngoài của hình tướng.
Như thế sự tĩnh lặng có phải là sự vắng mặt của tiếng ồn và những tình huống không? Không, sự tĩnh lặng chính là tự thân của sự thông thái – là Tâm nằm ở bên dưới, từ đó mọi thứ hữu hình được phát sinh. Và làm sao cái Đó có thể tách rời với bản chất chân thực của bạn? Những biểu hiện tạm bợ của hình tướng liên hệ đến bạn, mà bạn nghĩ chính là bạn, được phát sinh và nuôi dưỡng bởi cái Đó, bởi Tâm.
Cái Đó cũng là tinh chất của tất cả những thiên hà và mỗi ngọn cỏ; của tất cả những bông hoa, cây cối, chim chóc và tất cả mọi vật thể khác.
Sự tĩnh lặng là vật thể duy nhất trên cõi đời này không mang một hình tướng. Nhưng thực ra, sự tĩnh lặng đâu phải là một vật thể, và nó cũng không thuộc về thế giới này.
Khi bạn nhìn vào một thân cây hay một con người, từ sự tĩnh lặng ở trong bạn, thì ai đang nhìn vậy? Có một cái gì đó, sâu hơn là con người của bạn, đang nhìn. Đó là Tâm đang nhìn vào cái vật mà chính Tâm đã sáng tạo ra.
Kinh Thánh có câu: “Thượng Đế đã sáng tạo ra thế giới và Ngài đã cảm thấy rất hài lòng với những thứ mà Ngài đã tạo dựng nên”. Đó cũng là cảm giác hài lòng mà bạn cảm thấy khi ngắm nhìn một thân cây, hay một con người, từ sự tĩnh lặng, không vướng bận chút suy tư.
Bạn có cần thêm kiến thức? Nếu có thêm nhiều thông tin hơn, hay những chiếc máy điện toán có khả năng xử lý dữ liệu với tốc độ nhanh hơn, hay có thêm những phân tích khoa học hoặc tư duy gì đấy,… liệu chúng ta có cứu được thế giới khỏi tình trạng nguy ngập hiện nay không? Có phải lúc này, điều chúng ta cần nhất, chính là sự thông tuệ?
Nhưng sự thông tuệ là gì và ta có thể tìm ở đâu? Sự thông tuệ chỉ có được qua khả năng giữ cho lòng mình được lắng yên. Chỉ cần tập nhìn và lắng nghe. Bạn không cần gì thêm cả. Hãy tĩnh lặng, nhìn và lắng nghe sẽ làm phát sinh một sự thông thái, không-phải-bằng-suy-tư, ở trong bạn.
Hãy để cho sự tĩnh lặng hướng dẫn tất cả những lời nói và việc làm của bạn.
LẮNG NGHE TIẾNG VÔ THANH
TRONG NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN
Minh Tuệ Đỗ Minh
Mục đích tối hậu của thiền là nhận ra bản chất chói sáng của tâm thức thuần khiết đã có sẵn trong mỗi người chúng ta. Công án là một trong nhiều phương cách thiện xảo để kinh nghiệm được cứu cánh đó.
Trong di sản ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Tôi là ai”, một công án được sử dụng phổ biến trong nhiều truyền thống tâm linh, đã được nhắc đến nhiều. Ở đây, xin nói về “Tiếng vỗ một bàn tay”, một công án thiền nổi tiếng khác, qua hai bài hát Tình Xót Xa Vừa và Tôi Đang Lắng Nghe.
Trước khi đi vào hai ca khúc này, xin tóm tắt câu chuyện về công án “Tiếng vỗ một bàn tay” (the sound of one hand): Thầy Mokurai trao cho trò Toyo công án này để đi vào thiền. Suốt một năm đều đặn, liên tục tìm trong những âm thanh như tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nước, tiếng gió, tiếng chim…., cuối cùng Toyo hiểu được đó chính là được “tiếng động vô thanh” (soundless sound), một cách nói khác của sự yên lặng (silence, stillness). Toyo đã ngộ được “tiếng vỗ một bàn tay”, sự tĩnh mặc vô biên của cội nguồn vô tướng.
Tình Xót Xa Vừa bắt đầu như thế này:
Xin vỗ tay cho đều khi đêm đổ xuống đời ta
Xin vỗ tay cho đều khi tình trôi đã trôi xa
Nụ cười đã cuốn ta đi, một ngày lại thấy ta về
Xin đứng yên trong chiều, trên môi thở khói quạnh hiu
Xin đứng yên trong chiều, phơi tình cho nắng khô mau
Về đây thân xác hư hao, đêm đêm nằm nghe lá
Than van chút niềm đau ngọt ngàọLt
Nếu “vỗ tay” được hiểu là hai bàn tay chạm vào nhau phát thành tiếng như “mẹ vỗ tay reo mừng xác con, người vỗ tay hoan hô hòa bình” trong một bài khác cũng của Trịnh thì hai câu mở bài “xin vỗ tay cho đều khi đêm đổ xuống đời ta…” nghe “kỳ kỳ”! Có lẽ vì vậy mà ca khúc này không được nhiều người hát vì ngay từ đầu đã khó hiểu. Nhưng nếu cảm nhận đây là tác giả đang cố gắng quan sát tâm mình trong im lặng thì sẽ thấy câu hát này rất sâu.
Ngày xưa Toyo đã đều đặn nghe một bàn tay vỗ, hôm nay mình cũng “tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác” theo gương. Nụ cười, niềm vui bên ngoài làm sao sánh được với sự an lạc bên trong. Có một căn nhà yên lặng để về sau những chuyến đi ồn ào thì hãy cố gắng về đều hơn, thường hơn vì tuổi đã gầy, thân đã xế. Phù du đến và cũng đã xa trôi, buông tất cả để trở về với an bình của yên lặng.
“Xin đứng yên trong chiều” làm rõ hơn ý “xin vỗ tay cho đều”: thân hãy ngồi yên, tâm hãy dừng lại. Hãy hiện hữu trong im lặng cùng với gốc rễ vô âm của đất trời. Tâm trí suy nghĩ dày như khói đặc, đứng yên để thấy “trên môi thở khói quạnh hiu”. Cảm nhận sự mờ dần, nhạt dần của khói bốc lên càng lúc càng thưa giữa bầu trời tâm thức. Dưới ánh sáng của quan sát yên lặng, tình ướt thế nào thì cũng phải khô vì luôn luôn có nắng.
Trong yên lặng “đêm đêm nằm nghe lá”? Sao không nghe gió mà là nghe lá? Lá rơi ngoài vườn kia hay suy nghĩ đang bay trong tâm tưởng này? Nằm nghe lá là nằm nghe sự đổi thay của đất trời “bốn mùa thay lá”? Suy tư đến phận người cũng như chiếc lá, chóng héo úa, tàn phai? Hay lắng nghe “tình như lá bỗng vàng bỗng xanh”? Hay dù “thân xác hư hao” nhưng lúc nào cũng mong tâm hồn vẫn mãi xanh như lá, đừng để bị mòn già như xác thân kia? Có thể là “nắm lá trong tay” từ những lời kinh Phật đang được nhớ lại chăng?
“Niềm đau” thì cứ “than van” nhưng nếu có sự “ngọt ngào” của yên lặng để nương náu thì vết thương nào chẳng chóng khỏi, mau lành.
Một ngày trên vai bão tố nguôi ngoai Nhìn đời quanh đây hết những mê say Lòng chùng đam mê sớm tối qua đi ơ hờ Từng ngày chôn chân nhớ phố lang thang Ðời tình nuôi quên những sáng mênh mông
Trả lại hôm nay bốn phía thinh không ngỡ ngàng
Khi biết dừng lại, ngồi lại để nghiệm về lẽ vô thường của đời sống là lúc trong cuộc đời có mặt những “dấu lặng”. Đó là thời gian cho “bão tố nguôi ngoai” trong an tĩnh sáng suốt, thấy lòng mình lắng lại để “nhìn đời quanh đây hết những mê say”. Lui về để thoát ra vòng xoáy của “đường trần đâu có gì” của thế gian vô vị.
“Lòng chùng đam mê”? Trịnh đã “chùng” không biết bao nhiêu lần trong đời mình: “ngựa buông vó chùng chân người đi đã bao lần”. “Chùng” ở đây mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực? Một người hiểu được gốc rễ của sự sống là sự yên lặng vĩnh hằng thì đam mê nào cũng khó có thể căng được. Khi “tỉnh thức căng lên” thì “đam mê chùng xuống”. Với con mắt tỉnh thức thì mọi thứ thuộc thời gian sớm tối đều không còn hấp dẫn nữa, chỉ có sự yên lặng của tâm mình là không bị chi phối bởi sớm tối của thời gian.
Cũng giống như bàn tay thích “mời mọc”, bàn chân thường “ngựa quen đường cũ” “nhớ phố lang thang”, thích lang thang xuống phố. Bây giờ là lúc phải “chôn chân”, cắm rễ vào lặng yên, không cho chân chạy theo thói quen “hai bàn tay vỗ”.
“Đời tình nuôi quên những sáng mênh mông”? Chăm sóc, nuôi dưỡng cái này thì quên lãng cái kia, vương vấn tình đời thì phụ rẫy “những sáng mênh mông”. “Quên những sáng mênh mông”? Hai chữ “mênh mông” ở đây thật hay, “sáng” cũng thế. Có thể là thời gian đầu ngày, cũng có thể là ánh sáng, ánh sáng giữa mênh mông, ánh sáng của đạo hư vô mà Trịnh đã một đời khát khao mong thấy được “bản lai diện mục” của chính mình. Nhưng nếu hát “ánh sáng mênh mông” thì rõ ràng nhưng lại mất hay, cứ để nó chìm dưới những cái có thể “sờ mó” được thì mới là thơ, là họa.
Và “hôm nay” trở về để được “trả lại” tấm gương trong suốt đã từng bị mịt mờ, phủ lấp bởi khói bụi thời gian. Tấm gương như “thinh không”, hư không không âm thanh, vốn tĩnh lặng, an bình “bốn phía”. Hãy vỗ vào sự trống rỗng vô thanh ấy. Đó là “quê hương” lúc nào cũng “dang rộng cánh tay chờ mong” nhưng kẻ ra đi không đoái hoài gì đến. Lâu lâu mới như hôm nay, về nhà thăm lại bỗng thấy “ngỡ ngàng”, không ngờ lại đẹp, lại mới như vậy. Cả một chân trời kỳ diệu mở ra trước đôi mắt như trẻ thơ của một người thiết tha tầm đạo.
Xin vỗ tay cho đều trong tim giọt máu vừa khô
Xin vỗ tay cho đều, môi người thôi những âm ba
Một lời tình cuối vu vơ, một ngày tình xót xa vừa
Tình đời “vu vơ” luôn mang đến “xót xa” như thế là vừa đủ.
“Giọt máu vừa khô” là dấu hiệu của vết thương lành. “Môi thôi những âm ba” là tâm thức tĩnh lặng như mặt hồ không xôn xao sóng. Đó là kết quả của bàn tay khi vỗ đều vào yên lặng của hư không.
(“Âm ba” là một từ chuyên môn vật lý, với nghĩa sóng âm, do dao động trong không khí tạo thành. Hình ảnh này giống như sóng biển được Trịnh dùng nhiều để nói về những dao động của suy tưởng. Có những lúc giữa những bộn bề của trí não, những câu như “nhiều đêm thấy ta là thác đổ” hay “biển sóng, biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người” đã được hát lên. Ở đây, “âm ba” nếu hiểu như một sự kết hợp giữa một từ Hán Việt và một từ thuần Việt cũng vui vui: “âm” là âm u, “ba” là sóng, thành “sóng âm u” trong “sóng âm u dội vào đời buốt giá”.)
Xin đứng yên trong chiều lao xao từng bóng hoàng hôn
Xin đứng yên trong chiều treo tình trên chiếc đinh không
Gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong
Ta lăn đời đã quá đôi tay vẫn c̣òn ôm mịt mùng.
Gặp “lao xao” ở đây, chợt nhớ đến câu “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao”. Hoàng hôn mà vẫn còn lao xao, chưa vắng vẻ được. Tuổi già bóng xế rồi mà sao vẫn không yên. Bởi vậy mới “xin đứng yên trong chiều”, mong sao một chút thanh bình rơi trên tà dương bóng đổ.
Nhưng câu tiếp theo “treo tình trên chiếc đinh không” có lẽ là một trong những câu khó nhưng hay nhất trong bài, vì ý lạ. Treo áo thì phải cần đinh, không đinh là rớt. “Đinh không” ở đây là “không đinh”, ý nói tới sự buông bỏ, không dính mắc với tình. Có lần Trịnh viết trong Đóa Hoa Vô Thường “Tình do tâm mà có”, tình là động, không thật, đến và đi theo luật vô thường như “một chút mây phù du, đã thoáng qua đời ta”. Vậy khi bóng của tình có mặt, tái hiện lại trong tâm, dẫu có đẹp thế nào cũng phải quên, để “rớt” xuống, không nên dính vào “đinh” trở lại, cho tâm có cơ hội trở về với cội nguồn trong sáng, trống rỗng của nó.
Trước khi kết Tình Xót Xa Vừa, thêm một lần nữa, triết lý luân hồi của Phật giáo lại được nhắc đến với câu “gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong”. Vòng tử sinh trong đó mọi chúng sinh lăn trôi vô tận, “đã quá” nhiều, “đã quá” khổ, không biết bao giờ mới thật sự về lại được mái nhà xưa để thấy được trọn vẹn “những sáng mênh mông”, thay vì mãi lênh đênh “ôm mịt mùng” bóng tối.
Như vậy ý nghĩa công án “tiếng vỗ một bàn tay” là sự yên lặng mà khi xưa Toyo đã ngộ, bây giờ chúng ta không cần phải tìm nữa, chỉ việc lắng nghe thôi.
Tiếng vô âm bên ngoài là cội nguồn của vũ trụ, là cái nền vô tướng, vô hình để từ đó vạn vật phát sinh. Tiếng vô âm bên trong là điều mà những ai đi tìm chân lý đều khát khao thể nhập.
Và Trịnh một lần nữa hát về “tiếng vỗ một bàn tay” hay âm thanh của tịch lặng này trong bài Tôi Đang Lắng Nghe. Chỉ xin giới thiệu mà không cần phải nói gì thêm.
Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe
Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe
Im lặng của đời tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài
Bao đêm đã qua im lặng của người
tôi đã lắng nghe im lặng của tôi
Im lặng giòng sông tôi đã lắng nghe
Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe
Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài
Sau cơn bão qua im lặng mặt người
Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay
Tôi đang lắng nghe im lặng cuộc tình
Sau một cuộc tình tôi đang lắng nghe
Khi hoa héo khô im lặng nụ tàn
Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình
Sự tĩnh mặc bao giờ cũng có đó, bất kể đêm ngày, bất luận nơi đâu. Hãy hướng mắt “vỗ” vào hư không tĩnh lặng thay vì vật này vật nọ, hãy hướng tai “vỗ” vào tĩnh lặng hư không thay vì tiếng nọ tiếng kia, hãy hướng ý “xúc” vào không gian vô biên của tâm thức thay vì suy nghĩ chập chùng để cảm nhận sự kỳ diệu tiếng vô âm của một bàn tay vỗ.
ĐI VÀO BẦU TRỜI TRONG VEO [13]
Osho
Ngô Trung Việt dịch Việt
Cái trống rỗng là trung tâm bên trong nhất của bạn. Mọi hoạt động đều chỉ ở phần ngoại vi: trung tâm bên trong nhất chỉ là số không.
Trong mùa hè khi bạn thấy toàn bộ bầu trời trong trẻo vô tận, đi vào trong sự sáng tỏ ấy.
Thiền về bầu trời đi: bầu trời mùa hè không mây, trống rỗng và trong trẻo vô tận, chẳng có gì di chuyển trong nó, trong sự thuần khiết hoàn toàn của nó. Suy tư về nó, thiền về nó, và đi vào sáng tỏ này. Trở thành sáng tỏ này, sáng tỏ tựa không gian này.
Thiền về bầu trời là đẹp đẽ. Nằm xuống để cho bạn quên đi mặt đất; nằm ngửa trên bất kì bãi cát nào một mình, trên bất kì mảnh đất nào, và chỉ nhìn lên trời thôi. Bầu trời trong trẻo sẽ có ích – trời không mây, vô tận. Khi nhìn lên, ngước nhìn vào bầu trời, cảm thấy sự sáng tỏ của nó – sự mở rộng không giới hạn, không mây mù – và rồi đi vào sự sáng tỏ đó, trở thành một với nó. Cảm thấy dường như bạn đã trở thành bầu trời, thành không gian.
Kĩ thuật này – nhìn vào sự sáng tỏ của bầu trời và trở thành một với nó – là một trong những kĩ thuật được thực hành nhiều nhất. Nhiều tín ngưỡng đã dùng kĩ thuật này. Và đặc biệt cho tâm trí hiện đại, nó rất có ích, vì chẳng có gì còn lại trên trái đất để thiền nữa – chỉ còn bầu trời. Nếu bạn nhìn xung quanh, mọi thứ đều nhân tạo, mọi thứ đều bị giới hạn, với biên giới, giới hạn. Chỉ có bầu trời là tĩnh lặng, là vô biên, cởi mở cho việc thiền.
Điều quan trọng là đừng nghĩ về bầu trời, nhớ lấy. Bạn có thể bắt đầu nghĩ về bầu trời. Bạn có thể nhớ đến nhiều bài thơ, nhiều bài thơ hay về bầu trời – thế thì bạn sẽ lỡ mất vấn đề. Bạn không nên nghĩ về nó – bạn nên đi vào nó, bạn nên trở thành một với nó – vì nếu bạn bắt đầu nghĩ về nó, lần nữa rào chắn sẽ được dựng lên. Bạn lại lỡ bầu trời lần nữa, và bạn lại bị bao vây trong tâm trí mình lần nữa.
Đừng nghĩ về bầu trời. Là bầu trời đi. Chỉ nhìn và di chuyển vào trong bầu trời, và cho phép bầu trời di chuyển vào trong bạn. Nếu bạn di chuyển vào trong bầu trời, bầu trời sẽ di chuyển vào trong bạn ngay lập tức.
Làm sao bạn có thể làm được việc đó? Làm sao bạn sẽ làm được việc đó – việc chuyển vào trong bầu trời này? Cứ nhìn xa mãi xa mãi đi. Cứ tiếp tục nhìn – dường như bạn đang cố tìm ra biên giới. Đi sâu vào. Đi vào nhiều nhất có thể được. Chính khoảnh khắc đó sẽ phá vỡ rào chắn. Và phương pháp này nên được thực hành trong ít nhất bốn mươi phút; ít hơn sẽ không có tác dụng, sẽ không có ích nhiều lắm.
Khi bạn thực sự cảm thấy rằng bạn đã trở thành một, thế thì bạn có thể nhắm mắt. Khi bầu trời đã đi vào trong bạn, bạn có thể nhắm mắt. Bạn sẽ có thể thấy nó cũng ở bên trong nữa. Cho nên chỉ sau bốn mươi phút, khi bạn cảm thấy rằng cái một đã xảy ra và có sự cảm thông và bạn đã trở thành một phần của nó và tâm trí không còn nữa, nhắm mắt lại và duy trì trong bầu trời bên trong.
Và bạn tiếp tục đi vào sự sáng tỏ đó – bầu trời không ô nhiễm, không mây. Nhận biết về sáng tỏ tất cả đang bao quanh bạn. Đừng nghĩ về nó; chỉ nhận biết về sáng tỏ, cái thuần khiết, cái hồn nhiên. Không nên lặp lại những lời này. Bạn phải cảm thấy chúng chứ đừng nghĩ về chúng. Và một khi bạn nhìn vào trong bầu trời, cảm giác sẽ đến, vì việc tưởng tượng ra những điều này không phải là phần bạn – chúng có đấy rồi. Nếu bạn nhìn chúng sẽ bắt đầu xảy ra cho bạn. Nếu bạn thiền về bầu trời không mây rộng mở, bỗng nhiên bạn sẽ cảm thấy nhận biết rằng dường như bầu trời trong trẻo cũng đã đi vào trong bạn nữa. Sẽ có khoảng hở. Với thời gian, ý nghĩ sẽ dừng – dường như giao thông đã dừng và không ai di chuyển nữa.
Ban đầu đấy chỉ là những khoảnh khắc, nhưng ngay cả những khoảnh khắc đó cũng đang biến đổi. Lát nữa thôi tâm trí sẽ chậm dần, lỗ hổng lớn hơn sẽ xuất hiện. Trong vài phút sẽ không còn ý nghĩ nữa, không còn mây nữa. Và khi không còn ý nghĩ, không mây, bầu trời bên ngoài và bầu trời bên trong trở thành một, vì chỉ ý nghĩ mới tạo ra bức tường. Chỉ vì ý nghĩ mà bên ngoài mới là bên ngoài và bên trong mới là bên trong. Khi ý nghĩ không có đó, bên ngoài và bên trong mất biên giới của chúng, chúng trở thành một. Biên giới chưa bao giờ thực sự tồn tại ở đó cả. Chúng chỉ dường như có đó bởi vì ý nghĩ, cái rào chắn.
Nhưng nếu không phải là mùa hè thì bạn sẽ làm gì đây? Nếu bầu trời đầy mây, không trong sáng, thế thì nhắm mắt lại và đi vào bầu trời bên trong. Nhắm mắt, và nếu bạn thấy ý nghĩ nào đó, thấy chúng dường như chúng là mây nổi trên bầu trời. Nhận biết về nền tảng, về bầu trời, và về khác biệt với ý nghĩ.
Chúng ta quá bận tâm tới ý nghĩ và chẳng bao giờ nhận biết đến lỗ hổng. Một ý nghĩ trôi qua, và trước khi một ý nghĩ khác đi vào, có một lỗ hổng – trong lỗ hổng đó bầu trời có đấy. Thế thì, bất kì khi nào không có ý nghĩ, sẽ có gì ở đấy? Cái trống rỗng có đấy. Cho nên nếu bầu trời mây mù – nhắm mắt lại tập trung tâm trí bạn vào nền tảng, bầu trời bên trong mà trong đó ý nghĩ tới rồi đi. Đừng chú ý nhiều tới ý nghĩ; chú ý đến không gian trong đó chúng di chuyển.
Chẳng hạn, chúng ta đang ngồi trong phòng này. Tôi có thể nhìn vào căn phòng này theo hai cách. Hoặc tôi có thể nhìn vào bạn, dửng dưng với không gian bạn đang ở trong đó, không gian căn phòng, cái phòng bạn đang ở đó – tôi nhìn vào bạn, tôi tập trung tâm trí mình vào bạn, người đang ở đây, và không chú ý vào căn phòng nơi bạn đang ở – hay, tôi có thể thay đổi tập trung của mình: tôi có thể nhìn vào căn phòng, và tôi trở nên dửng dưng với bạn. Bạn có đấy, nhưng nhấn mạnh của tôi, sự hội tụ của tôi, là vào căn phòng. Thế thì toàn bộ khung cảnh thay đổi.
Làm điều này trong thế giới bên trong đi. Nhìn vào không gian. Ý nghĩ đang di chuyển trong nó: dửng dưng với chúng, đừng chú ý gì vào chúng cả. Chúng có đó; ghi nhận rằng chúng có đó, đang di chuyển. Giao thông đang vận hành trên phố. Nhìn vào phố và dửng dưng với giao thông. Đừng nhìn để thấy người đi qua; chỉ biết rằng cái gì đó đang trôi qua và nhận biết về không gian mà nó diễn ra trong đó. Thế thì bầu trời mùa hè xảy ra bên trong.
TRUNG TÂM YÊN LẶNG GIỮA ÂM THANH
Osho
Ngô Trung Việt dịch Việt
Âm thanh bao giờ cũng hiện hữu. Nó có thể có trong chợ hay nó có thể có tại nơi ẩn cư Himalayas: âm thanh luôn có đấy. Ngồi im lặng, và với âm thanh còn có cái gì đó rất đặc biệt. Bất kì khi nào có âm thanh, bạn đều ở trung tâm. Tất cả các âm thanh đều đến với bạn từ mọi nơi, từ mọi hướng.
Với cái nhìn, với mắt, điều này không phải như vậy. Cái nhìn là theo đường thẳng. Tôi thấy bạn, thế thì có đường thẳng hướng tới bạn. Âm thanh đi vòng; nó không đi thẳng.Cho nên tất cả âm thanh đều đến từ vòng tròn và bạn là trung tâm. Dù bạn ở đâu, bạn bao giờ cũng là trung tâm của âm thanh. Với âm thanh, bạn bao giờ cũng là trung tâm của toàn bộ vũ trụ. Mọi âm thanh đều đang đến với bạn, chuyển tới bạn, theo vòng tròn.
Kĩ thuật này nói, “Tắm trong trung tâm của âm thanh.” Bất kì khi nào bạn có đấy, nếu bạn đang thực hành kĩ thuật này, nhắm mắt lại, và cảm thấy toàn bộ vũ trụ tràn ngập âm thanh. Cảm thấy dường như là mọi âm thanh đều đang hướng về bạn và bạn là trung tâm. Ngay cả cảm giác này về việc bạn là trung tâm cũng sẽ cho bạn an bình rất sâu sắc. Toàn bộ vũ trụ trở thành chu vi, còn bạn là trung tâm và mọi thứ đang di chuyển hướng về bạn, rơi vào bạn.
Nếu bạn đang ngồi bên cạnh thác nước, nhắm mắt và cảm thấy âm thanh khắp quanh bạn, rơi vào bạn, từ mọi phía, tạo ra trung tâm trong bạn từ mọi phía. Tại sao phải nhấn mạnh vào cảm giác là bạn đang trong trung tâm? Vì trong trung tâm không có âm thanh. Trung tâm không âm thanh; đó là lí do tại sao bạn có thể nghe thấy âm thanh. Nếu không, bạn chẳng thể nào nghe nổi chúng. Âm thanh này không thể nghe nổi âm thanh khác. Vì bạn là vô âm tại trung tâm nên bạn mới có thể nghe thấy âm thanh. Trung tâm là tuyệt đối im lặng: đó là lí do tại sao bạn có thể nghe thấy âm thanh đi vào bạn, tới với bạn, thấm vào bạn, vây quanh bạn.
Nếu bạn có thể tìm thấy chỗ của trung tâm, nơi trong bạn mọi âm thanh dồn tới, bỗng nhiên âm thanh sẽ biến mất và bạn sẽ đi vào trong cái vô âm. Nếu bạn có thể cảm thấy một trung tâm nơi mọi âm thanh đều được nghe thấy, bỗng nhiên sẽ có sự chuyển biến tâm thức. Khoảnh khắc này bạn sẽ nghe thấy toàn bộ thế giới tràn ngập với âm thanh, và khoảnh khắc khác, nhận biết của bạn bỗng nhiên quay vào trong và bạn sẽ nghe thấy cái vô âm, trung tâm của cuộc sống.
Một khi bạn đã nghe thấy điều đó, thế thì chẳng âm thanh nào quấy rầy được bạn. Nó tới bạn, nhưng nó chẳng bao giờ đạt tới bạn. Nó tới bạn, nó bao giờ cũng tới bạn, nhưng nó chẳng bao giờ đạt được tới bạn. Có một điểm mà không âm thanh nào đi vào được. Điểm đó là bạn.
TÂM NHƯ BẦU TRỜI
Jack Kornfield
Lâm Hạnh Nhiên dịch Việt
Ta có thể mở rộng tối đa ống kính của sự quan sát và để mặc cho sự nhận biết của ta giống như không gian hay cả bầu trời. Như Đức Phật vẫn dạy trong kinh Trung Bộ, “Hãy mở rộng tâm bao la như không gian, nơi những kinh nghiệm cả dễ chịu lẫn khó chịu đều có thể hiện ra rồi mất đi mà không hề cản ngại nhau, chống đối nhau hay làm hại nhau. Hãy an trú trong cái tâm rộng như không gian đó”.
Từ cái nhìn rộng mở này, khi ta thiền tọa hay thiền hành, ta đều mở rộng sự chú tâm của ta như không gian, cứ để mặc cho những kinh nghiệm của ta sinh khởi không giới hạn, không bên trong, không bên ngoài. Thông thường, ta hay có khuynh hướng cảm giác là cái tâm nằm ở trong đầu, thay vì vậy, ta có thể buông bỏ và kinh nghiệm bằng sự nhận biết rộng mở, không giới hạn của tâm. Ta cho phép sự nhận biết trải nghiệm cái tâm thức không bị ràng buộc trong những điều kiện đặc biệt của cái nhìn, cái nghe, cái cảm giác; tâm thức độc lập trước mọi điều kiện đang biến đổi – đó là trạng thái tâm không điều kiện.
Ngài Jumnien, một vị trưởng lão của phái tu trong rừng, nói hình thức thực hành này là Đại Minh sát tuệ, an trú trong tự thân sự nhận biết, không thời gian và không sinh không diệt. Đối với người hành thiền, điều này chẳng phải là một việc lý tưởng hay một kinh nghiệm quá cao xa. Nó luôn trực tiếp có mặt, ngay trong hiện tại, tự do; nó trở thành chỗ an trú cho một con tim minh triết.
Để mở rộng và đào sâu những hiểu biết về cách thực hành chánh niệm như không gian, những hướng dẫn sau đây có thể có ích. Một trong những cách dễ tiếp cận nhất với sự tỉnh giác rộng mở là thông qua nhĩ că, việc lắng nghe mọi âm thanh của vũ trụ quanh ta. Vì dòng sông âm thanh đến và đi một cách tự nhiên, và vì chúng nằm ngoài sự kiểm soát của ta, nên việc lắng nghe mang lại cho tâm ta một trạng thái cân bằng tự nhiên của sự rộng mở và sự chú tâm. Tôi đã học được cách thực hành rất đặc biệt này, về việc dùng âm thanh như là cánh cổng đưa vào không gian, từ một vị đồng nghiệp là Joseph Goldstein từ hơn 25 năm qua; và từ đó đến nay, lúc nào tôi cũng dùng đến nó. Việc tỉnh giác đối với mỗi âm thanh trong không gian có thể là một phương pháp tuyệt hảo để bước vào thực hành vì nó bắt đầu một thời ngồi thiền với một phong vị của sự thư giãn tỉnh táo và sự buông bỏ phóng khoáng.
Bất kỳ khi nào bắt đầu, ta chỉ cần ngồi xuống một cách thoải mái tự nhiên. Hãy thả lỏng cơ thể rồi mặc cho hơi thở ra vào. Nhắm mắt lại. Hít sâu vào rồi thở ra nhẹ nhàng. Tự cho phép mình tịch lặng.
Rồi, hãy chuyển sự tỉnh giác ra khỏi hơi thở. Hãy bắt đầu lắng nghe rung động của những âm thanh quanh ta. Hãy nhận biết âm thanh lớn, âm thanh nhỏ, âm thanh xa, âm thanh gần. Chỉ lắng nghe thôi. Hãy ghi nhận các âm thanh nổi lên rồi biến mất mà chẳng để lại một dấu vết gì. Hãy lắng nghe trong trạng thái cởi mở và thư giãn.
Khi lắng nghe, hãy cho phép ta cảm nhận hay tưởng tượng rằng tâm của ta không chỉ bị giới hạn trong đầu mình. Cứ thư giãn trong sự rộng mở ấy và chỉ lắng nghe. Cứ mặc cho âm thanh đến rồi đi, dù xa hay gần, như những đám mây trôi giữa bầu trời mênh mông của sự nhận biết. Sự xôn xao của những âm thanh ấy di chuyển khắp bầu trời, hiện ra rồi biến mất, không hề đối kháng.
Khi ta nghỉ ngơi trong sự tỉnh giác ấy, hãy ghi nhận những tư tưởng và những hình ảnh cũng xuất hiện rồi biến mất như những âm thanh. Hãy mặc cho những hình ảnh và tư tưởng đến rồi đi không chống cự, không đối kháng. Những hình ảnh, tư tưởng, ngôn từ, cảm xúc dù dễ chịu hay khó chịu đều được chuyển động không bị giới hạn trong khoảng không mênh mông của tâm ta. Những trở ngại, những khả năng, niềm vui, nỗi buồn đều đến và đi như những đám mây giữa bầu trời trong trẻo của tâm.
Sau đó, hãy để cho sự tỉnh giác mở rộng ấy ghi nhận về thân. Hãy bắt đầu quan sát xem những cảm giác của hơi thở và của thân thể đang nổi trôi bềnh bồng và thay đổi trong cái bầu trời nhận biết ấy như thế nào. Hơi thở tự thân nó đang hô hấp, nó chuyển động như một cơn gió nhẹ. Thân thể chẳng còn chắc đặc nữa. Nó được cảm thấy như thể là một vùng cảm giác có chỗ rắn có chỗ mềm, có chỗ bị đè nén có chỗ thấy ngứa ngáy, có chỗ ấm có chỗ lạnh, tất cả đều bềnh bồng giữa khoảng không của sự tỉnh giác trong tâm.
Hãy để cho hơi thở chuyển động như một cơn gió nhẹ. Hãy nghỉ ngơi trong trạng thái phóng khoáng đó. Hãy mặc cho mọi cảm giác bềnh bồng thay đổi. Cho phép mọi hình ảnh và tư tưởng, cảm giác và âm thanh đến rồi đi như những đám mây giữa bầu trời trong trẻo của sự tỉnh giác.
Cuối cùng, hãy chú tâm vào chính sự tỉnh giác. Hãy ghi nhận xem không gian rộng mở của sự tỉnh giác ấy tự nhiên trở nên sáng tỏ, trong suốt, ngoài thời gian và không mâu thuẫn đến mức nào – cho phép tất cả mọi sự xảy ra, không giới hạn.
Đức Phật nói, “Này! Cái Thiên tính cao quý kia, hãy nhớ rằng cái bản chất thật của ngươi cũng giống như bầu trời bao la, sáng tỏ. Hãy trở về đó. Hãy tin vào đó. Đó chính là nhà”.
TÂM NHƯ MẶT HỒ TĨNH LẶNG
Jon Kabat Zin
Nguyễn Duy Nhiên dịch Việt
Hình ảnh của thiên nhiên là một trong nhiều phương tiện có thể hỗ trợ cho sự tu tập của ta, và giúp cho nó được thêm sinh động và cơ bản. Những hình ảnh về núi non, cây cối, sông nước, mây trời cũng có thể rất hữu dụng. Hình ảnh ấy có thể làm nhận thức về sự tu tập của ta được thêm phần thâm sâu và rộng mở.
Có người kinh nghiệm rằng hình ảnh về mặt hồ tĩnh lặng có một công dụng rất đặc biệt trong thiền tập. Bởi vì hồ là một khối nước mở rộng, hình ảnh ấy có quan hệ với tư thế nằm, mặc dù ta có thể thực hiện trong khi ngồi cũng được. Chúng ta biết rằng, nguyên lý của nước rất cơ bản như yếu tố đất đá, và tự tánh của nước còn mạnh mẽ hơn, vì nó có thể làm mòn đá. Ngoài ra, nước còn có một đặc tính tiếp thu rất kỳ diệu.
Nó tự phân ra để tiếp nhận bất cứ một vật gì, và rồi tự hòa nhập lại. Nếu bạn lấy một cây búa đập vào núi hoặc tảng đá, dù chúng có cứng rắn đến đâu, thật ra vì sự rắn chắc ấy, đá sẽ bị mẻ hoặc vỡ ra. Nhưng nếu bạn dùng búa để đập biển hoặc hồ, cuối cùng bạn chỉ đạt được một cây búa rĩ sét. Ðức hạnh của nước biểu thị trong việc đó.
Bạn có thể xử dụng hình ảnh của một mặt hồ để thực hành thiền tập. Hãy tưởng tượng trong tâm một mặt hồ, một vùng nước rộng nằm yên trong một chỗ trũng lớn trên mặt đất. Bạn biết rằng nước bao giờ cũng chảy xuống chỗ thấp. Nó luôn tìm nơi yên nghỉ và muốn được chứa đựng. Mặt hồ của bạn có thể cạn hoặc sâu, xanh dương hoặc xanh lá cây, vẩn đục hoặc trong veo. Những khi không có gió, mặt hồ hoàn toàn phẳng lì. Như một tấm gương nó phản ảnh cây cỏ, trời mây, đá núi, trong một giây phút ngắn ngủi, nó tàng chứa hết mọi sự vật trong đó. Những khi gió nổi lên, mặt hồ khởi sóng, từ những gợn lăn tăn đến những làn sóng nhấp nhô. Lúc ấy sự phản ảnh rõ rệt không còn nữa. Nhưng ánh nắng vẫn có thể lấp lánh và nhảy múa trên đầu những ngọn sóng, long lanh như những hạt ngọc châu. Khi đêm đến, ánh trăng lại về khiêu vũ trên mặt hồ, và nếu nước tĩnh lặng, nó sẽ phản chiếu những dáng dấp của cây cỏ trong bóng đêm. Mùa đông về, mặt hồ có thể đông cứng, nhưng bên dưới sự sống và sinh động vẫn dẫy đầy.
Khi bạn thiết lập được một hình ảnh của mặt hồ trong tâm rồi, bạn hãy cho phép mình trở thành là một với mặt hồ ấy, khi bạn nằm xuống hoặc ở trong tư thế ngồi thiền. Bạn hãy duy trì năng lượng của mình bằng chánh niệm, bằng một sự mở rộng và bằng tình thương đối với chính mình, cũng giống như nước trong hồ được cất chứa bởi sự tiếp thu và chấp nhận của mặt đất. Bạn hãy thở với hình ảnh của mặt hồ trong tâm, cảm nhận thân của nó là thân bạn, cho phép tâm bạn được mở rộng và tiếp nhận, phản chiếu bất cứ một vật gì đến gần. Kinh nghiệm giây phút hoàn toàn tĩnh lặng ấy, khi cả hai – vật phản chiếu và mặt nước – hoàn toàn được rõ rệt, và những giây phút khi mặt hồ bị xao động, bập bềnh, vật phản ảnh và đáy sâu bị mờ khuất. Trải qua mọi biến đổi, khi bạn an trú trong thiền định, hãy đơn giản ghi nhận những trò chơi của các năng lượng khác nhau trong tâm, như là tư tưởng, cảm thọ, sự thúc đẩy và phản ứng nhất thời, chúng đến rồi đi như những ngọn sóng lăn tăn. Bạn hãy ghi nhận ảnh hưởng của chúng, như khi bạn quan sát những năng lượng khác nhau thay phiên khiêu vũ trên mặt hồ: gió, sóng, ánh sáng, bóng tối, màu sắc, mùi hương…
Những ý nghĩ và cảm thọ của bạn có làm mặt hồ chao động không? Bạn có phiền việc ấy không? Bạn có chấp nhận những gợn sóng, những lao xao là một phần nét tự nhiên của hồ nước, của sự kiện là ta có một bề mặt không? Bạn có thể nào thấy rằng, mình không những chỉ là mặt hồ, mà còn là toàn thể khối nước nữa? Vì vậy cho nên, bạn cũng là sự tĩnh lặng bên dưới mặt nước, nó chỉ kinh nghiệm một chút chao động, cho dù mặt hồ bên trên có nhấp nhô sóng gió đến đâu.
Cũng vậy, trong thiền tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày, bạn nên nhớ rằng, mình không phải chỉ là một nội dung của những tư tưởng và cảm thọ, mà còn là khối chánh niệm mênh mông bất lay chuyển, nằm bên dưới bề mặt của tâm thức nữa. Trong lúc thiền quán về mặt hồ, chúng ta ngồi với ý muốn giữ hết mọi cá tính của tâm và thân trong chánh niệm và bằng sự chấp nhận. Cũng giống như hồ nước được ôm ấp, gìn giữ và cất chứa bởi mặt đất, nó phản chiếu mặt trời, ánh trăng, cây cỏ, mây trôi, bóng chim bay và được vuốt ve bởi những làn gió nhẹ, làm khơi dậy một vẻ đẹp lóng lánh, nét sinh động và tinh túy của nó.