Chánh niệm cơ bản

Chương 10: Đối diện với khó khăn (TT)

Vấn đề 6: Sự nhàm chán

Thật là khó mà nghĩ ra được một việc làm nào khác nhàm chán hơn cái việc ngồi như cục đá hàng giờ không làm gì cả ngoài việc theo dõi cảm giác của hơi thở ra vào nơi viền mũi. Bạn sẽ rơi vào trạng thái nhàm chán rất nhiều lần trong quá trình tu tập của mình. Tất cả mọi người đều như thế và bạn cũng không ngoại lệ. Nhàm chán là một trạng thái tâm và cũng phải được đối trị một cách tương ưng. Có vài phương thức đơn giản giúp bạn xử lý vấn đề này.

Phương pháp A: Tái lập Chánh niệm thật sự

Nếu hơi thở bị lu mờ qua nhiều lần quan sát, thì bạn có thể tin chắc một điều: Chánh niệm của bạn đang bị lệch lạc rồi. Chánh niệm không bao giờ nhàm chán. Nhìn lại xem. Đừng bao giờ giả sử rằng bạn biết hơi thở là gì. Đừng bao giờ tin chắc rằng bạn đã thấy tất cả những gì mình đang thấy cả. Nếu bạn tin tưởng như thế, có nghĩa là bạn đang tạo ra khái niệm cho cả tiến trình quan sát rồi. Bạn không còn quan sát cái sự thật sống động nữa. Khi chú tâm rõ ràng vào hơi thở, hay bất cứ gì khác, thì bạn không bao giờ nhàm chán. Chánh niệm nhìn vào mọi đối tượng bằng cặp mắt của một em bé, đầy dẫy những kinh ngạc; mỗi giây phút như-nó-là và chỉ có một giây phút này tồn tại trong vũ trụ mà thôi. Bạn hãy nhìn lại thử xem.

Phương pháp B: Quan sát trạng thái Tâm của bạn đang có

Nhìn vào trạng thái nhàm chán trong chánh niệm. Nhàm chán là gì? Ở đâu? Cảm giác ra sao? Cấu trúc của nó là gì? Nó có xúc chạm được không? Nó ảnh hưởng ra sao tới tâm hành? Cho nhàm chán một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ như là bạn chưa hề nhàm chán bao giờ, và đây là lần đầu tiên vậy.

—o0o—

Vấn đề 7: Sợ hãi

Trạng thái sợ hãi thỉnh thoảng phát sinh trong giờ tọa thiền mà không rõ lý do. Nó là một hiện tượng chung và có rất nhiều nguyên nhân. Một là, có thể bạn kinh nghiệm sức ảnh hưởng của điều bị bức chế nào đó trong quá khứ. Nên nhớ, tư tưởng hình thành trước trong Vô thức. Nội dung cảm giác của tâm hành thường chọn lọc đưa vào ý thức phân biệt trước khi tư tưởng biểu hiện. Nếu bạn ngồi xuyên qua cơn sợ hãi, chính sự hồi tưởng đó có thể trồi lên ngay nơi mà bạn đang chịu đựng. Hai là, bạn có thể đang đối mặt trực diện với nổi sợ chung của mọi người: “nổi sợ thiếu hiểu biết.” Ở một thời điểm nào đó trên con đường tìm chân lý, bạn sẽ bị sốc một cách trầm trọng về những gì bạn đang thật sự làm. Bạn đang phá dần cái bức tường của ảo tưởng, cái mà bạn luôn dùng để giải lý cuộc đời cho mình và bảo vệ mình từ ngọn lửa kinh hồn của sự thật. Bạn sắp phải đối mặt với sự thật tối hậu. Đó là một điều đáng sợ, nhưng cuối cùng rồi cũng phải xảy đến. Vậy thì tại sao không đi thẳng vào.

Khả năng thứ ba là: nỗi sợ mà bạn đang cảm giác có thể do tự tạo. Nó trỗi dậy từ sự tập trung vụng về. Bạn có thể thiết lập một chương trình vô thức để “kiểm xét những gì phát sinh.” Theo cách này, khi nỗi sợ tưởng tượng trỗi dậy thì tâm tập trung khóa cứng vào nó và rồi điều không tưởng bồi đắp năng lượng vào sự chú tâm để nó lớn lên hơn. Vấn đề thật sự ở đây là, chánh niệm yếu quá. Nếu chánh niệm (Tứ) đủ mạnh, nó sẽ nhận ra sự chú tâm (Tầm) bị thay đổi kịp lúc nó đang xảy ra để có thể mang tâm về lại đề mục chính. Không cần biết nguồn gốc của sợ hãi là gì, chánh niệm là dược liệu hữu hiệu. Quan sát phản ứng cảm giác tùy biến để tìm hiểu xem chúng là những gì. Hãy đứng bên lề của tiến trình mà quan sát chứ đừng can thiệp vào. Nhìn xem toàn bộ sự biến đổi như một người khán giả đầy hứng thú. Điều quan trọng nhất là đừng chống đối lại hoàn cảnh hiện tại. Đừng thử ức chế ký ức, cảm giác, hay tưởng tượng. Chỉ bước sang một bên, để cho toàn bộ mớ hỗn loạn trồi lên và trôi đi theo thời gian. Dĩ nhiên nó không thể nào làm tổn thương được bạn nữa vì nó chỉ là một mớ kỷ niệm, tưởng ảnh. Nó không là gì cả ngoài nỗi sợ hãi.

Khi bạn để cho nó tự vận hành trong diễn đàn của sự chú tâm có ý thức, nó sẽ không chìm đắm trở vào Vô thức nữa. Sau này nó sẽ không trở lại ám ảnh bạn nữa. Nó sẽ ra đi vĩnh viễn.

—o0o—

Vấn đề 8: Sự dao động — Trạo cử

Bất an (hay trạo cử) thường che đậy cho những kinh nghiệm sâu kín trong Vô thức. Loài người chúng ta hay thích đè nén sự việc. Thay vì đối diện những ý tưởng khó chịu để kinh nghiệm, chúng ta lại chôn kín nó; rồi nghĩ là mình không phải chạm trán với vấn đề này nữa. Nhưng thật không may, chúng ta không bao giờ toại ý cả. Chúng ta che giấu tư tưởng, nhưng năng lượng tâm linh dùng để làm chuyện đó thì tồn trữ đó và sôi sục thêm theo thời gian. Kết quả là cái cảm giác bất an mà người ta gọi là dao động hay không nghĩ yên. Bạn không chạm được nó, nhưng lại cảm thấy không yên, cũng không thể thả lỏng. Khi trạng thái rối loạn này phát sinh trong buổi tọa thiền, thì chỉ quan sát nó, chứ đừng để cho nó giẫm lên bạn. Đừng nhảy nhỏm và trốn chạy. Cũng đừng đấm đá với nó và cố gắng đuổi nó đi. Chỉ để cho nó đó và theo dõi nó thật kỹ càng. Kế tiếp, những thứ bị đàn áp rồi sẽ phải trồi lên, và bạn sẽ biết được là mình lo âu về những gì.

Kinh nghiệm khó chịu mà bạn cố gắng tránh có thể là mọi thứ: tội lỗi, tham lam hay phiền não. Nó có thể là một cơn đau không đáng kể, một con bệnh khó trị, hay là chứng bệnh sắp bộc phát. Dù nó là gì đi nữa, cứ để cho nó hiện lên rồi quan sát nó trong chánh niệm. Nếu ngồi êm lặng đó và quan sát cơn dao động của mình, thì rốt cuộc rồi nó cũng sẽ qua đi. Ngồi qua cơn bất an là một bước tiến quan trọng trong cuộc đời tu tập thiền, bạn sẽ học được rất nhiều. Bạn sẽ thấy rằng dao động thật ra chỉ là bề mặt của một trạng thái tâm chứ không gì hơn. Nó chỉ thoáng qua thôi. Nó đến và ra đi mà không gây ảnh hưởng gì bạn cả. Và nếu bạn học được nó thì lợi ích cho cả cuộc đời của bạn.

—o0o—

Vấn đề 9: Dụng công quá sức

Những thiền giả có tiến bộ theo thời gian thường trở nên những người vui tính. Họ hưởng chung một kho tàng quí giá của loài người, tính hài hước. Nó không phải là khả năng đối đáp bằng nét hóm hỉnh bên ngoài của những người điều khiển chương trình nói chuyện phiếm. Mà là niềm vui tính nhân bản. Họ có thể vui vẻ ở sự thất bại của mình, cười mỉm khi bản thân đang có thảm họa. Thiền sinh mới thường hay nghiêm túc để sửa chữa mình, cho nên rất ít cười. Thật ra, học cách thả lỏng trong khi ngồi, thoải mái trong tu tập, thì rất ư là quan trọng. Bạn cần nên học cách thể nhập với dòng đời (bất kỳ những gì đang xảy ra). Bạn không thể nào làm được điều này nếu lúc nào cũng căng thẳng, chiến đấu, đối mặt với mọi việc một cách quá nghiêm túc. Những thiền sinh mới thường hay thiết tha quá độ với thành quả. Họ luôn muốn phóng đại kỳ vọng và bơm phồng cái thành quả của mình. Họ lao thẳng vào thiền và khát vọng một thành quả tuyệt vời sau một đêm. Họ thúc ép, căng thẳng, vất vả, mỏi mệt, tất cả được diễn ra một cách rất nghiêm nghị, lạnh lùng. Trạng thái căng thẳng này thì hoàn toàn đối lập thẳng với chánh niệm. Dĩ nhiên, họ cũng đạt được một chút gì đó. Để rồi họ kết luận là tu thiền không có gì là thú cả, nó không mang đến những gì họ mong muốn. Rồi họ ném nó qua một bên. Điều nên nó ở đây là, bạn nên học thiền bằng cách tu tập thiền. Bạn nên học để biết tu thiền là ra sao và sẽ đi về đâu bằng cách kinh nghiệm trực quán qua bản chất của mọi sự. Do đó, những người mới bắt đầu không biết mục tiêu chân chính của thiền, vì bởi họ góp nhặt được sự hiểu biết quá nhỏ nhoi về mục đích của con đường tu tập.

Sự kỳ vọng thiếu kinh nghiệm thì vốn không thực tế và không đúng. Là một người mới đối với tu thiền, họ kỳ vọng toàn là những gì không đúng, thì những thứ này không giúp ích được gì cả. Chúng sẽ trở thành những chướng ngại trên con đường tu tập. Gắng quá sức đưa đến tính khắc khe và u sầu, rồi cảm thấy tội lỗi và tự kết án mình. Khi cố gắng quá độ, sự phấn đấu của bạn trở nên máy móc và phá hủy chánh niệm ngay từ lúc trước khi bắt đầu. Điều khuyên tốt nhất là bạn nên bỏ đi tất cả những thứ đó, những kỳ vọng và sự căng thẳng. Đơn thuần tu tập với sự gắng công thăng bằng và đều đặn. Hưởng thụ sự tu tập của mình và đừng hủy diệt mình bằng sự mệt nhọc và đấu tranh. Chỉ chánh niệm. Thực chất của tu thiền là chăm sóc cho tương lai kia mà.

—o0o—

Vấn đề 10: Sự ngã lòng

Hậu quả trực tiếp tối hậu của cố gắng quá sức là tình trạng chán nản. Bạn đang bị căng thẳng, không đi đến đâu cả. Bạn nhận ra mình chẳng đạt đến kỳ vọng mong muốn, cho nên ngã lòng. Thấy mình là người thất bại. Tất cả đều là lẽ tự nhiên, nhưng có thể tránh được. Cái nguyên nhân là do theo đuổi một mục đích không thực tế. Tuy thế, đây vẫn là hiện tượng phổ thông, dù cho có tất cả những lời khuyên tốt nhất, bạn bất chợt thấy ra nó lại vẫn xảy ra cho mình. Có một cách để giải quyết vấn đề này. Nếu thấy mình bị ngã lòng, hãy quan sát trạng thái tâm một cách rõ ràng. Đừng tô điểm thêm gì vào, chỉ xem xét thôi. Cảm giác thất bại chỉ là dạng khác của phản ứng tâm lý chợt thoáng qua mà thôi. Nếu bạn can dự vào, có nghĩa là bạn cho nó năng lượng để lớn thêm lên. Còn bằng như bạn chỉ đứng bên lề ngắm nhìn thôi, nó sẽ đi qua và biến mất không từ giã gì cả.

Nếu sự ngã lòng do bạn nhận biết ra sự thất bại trong tu thiền, thì rất dễ giải quyết. Bạn cảm thấy mình thất bại trong tu tập. Bạn không thể lập chánh niệm; thì chỉ đơn giản chú tâm về cảm giác thất bại đó. Đó, bạn đã tái lập chánh niệm ngay rồi đó. Nguyên nhân của cảm giác thất bại không là gì cả, mà chỉ là một hồi tưởng. Vốn không có thất bại trong tu thiền. Có sự thối chuyển và khó khăn, nhưng không có thất bại ngoại trừ bạn bỏ không tu tập nữa. Ngay cả, nếu bạn bỏ ra suốt hai mươi năm ròng rã mà không đi đến đâu, bạn vẫn có thể chánh niệm ở bất kỳ giây phút nào bạn muốn. Quyết định là của bạn. Hối tiếc chỉ là một cách đánh mất chánh niệm thôi. Ngay phút giây bạn nhận ra mình mất chánh niệm, sự hiểu rõ ấy, tự thân nó là một hành động của chánh niệm vậy. Cho nên hãy tiếp tục quá trình. Đừng bị lạc hướng trong phản ứng tâm lý.

—o0o—

Vấn đề 11: Trở lực đối với thiền

Cũng có lúc bạn cảm thấy không muốn ngồi chút nào cả. Ý tưởng này không tốt, bỏ qua một buổi ngồi chắc không có gì là quá đáng hay nghiêm trọng lắm, nhưng nó rất dễ dàng trở thành một cái lệ. Người có trí truệ sẽ băng ngang qua trở lực này, ngồi và quan sát qua cảm giác chống đối đó. Thường thì đây chỉ là một cảm giác bất chợt, như một giọt nước rơi xuống chiếc chảo nóng, rồi bốc hơi trước mắt của bạn. Năm phút sau khi ngồi xuống thì cảm giác này biến mất. Vài trường hợp khác, nó phát sinh từ tình trạng tâm lý không tốt trong ngày và nó kéo dài cho tới giờ tọa thiền. Dù thế, nó rồi cũng sẽ qua đi. Vậy tại sao không bỏ nó đi trong hai mươi hay ba mươi phút đầu, mà lại cưu mang nó đi lung tung, để cho nó hủy diệt phần ngày còn lại của bạn. Lần sau, trở lực có thể xuất phát từ khúc mắc trong tu tập, mà bạn có thể hoặc không thể biết sự khúc mắc đó ở chỗ nào. Nếu biết được vấn đề là gì, thì dùng một trong những phương pháp trong quyển sách này để giải quyết. Khi giải tỏa xong thì trở lực không còn nữa. Còn nếu không biết vấn đề là gì, thì bạn sẽ phải bền bỉ tìm cho ra nó là gì. Chỉ cần ngồi xuyên qua trở lực mà quan sát trong chánh niệm. Khi nó hết hạn thì nó cũng ra đi trong thầm lặng mà thôi dù cho bạn không biết nó là gì. Sau đó nguồn gốc của vấn đề sẽ hiện thân, và bạn có thể xử lý nó.

Nếu trở lực đối với tu thiền là những nét đặt trưng chung của phương pháp tu tập, thì bạn nên tin rằng nó xuất phát từ những sai sót vi tế trong phong thái hành xử căn bản của mình. Tu thiền không phải là hành xử theo nghi lễ qua một chuỗi động tác nhất định nào cả. Nó không phải là một bài tập thể dục đau đớn, hay khoảng thời gian huấn luyện chịu đựng áp lực của sự nhàm chán. Cũng không là sự khắc nghiệt, nghiêm nghị, bổn phận. Tu thiền là chánh niệm. Nó là một lối nhìn mới, lối sống mới. Thiền định là những gì hữu dụng của chúng ta. Hãy đến mà phẩm định nó, còn trở lực thì sẽ bị tan biến đi giống như khói mù gặp ngọn gió mùa hạ vậy thôi.

Nếu bạn sử dụng mọi khả năng mà trở lực vẫn còn, thì có vấn đề đây. Có thể là trở ngại siêu hình mà thiền giả gặp phải quá xa so với phạm vi của quyển sách này. Thường thì không thể xảy ra cho những người mới bắt đầu, nhưng cũng có khả năng xảy ra. Đừng bỏ cuộc, đi tìm sự giúp đỡ. Tìm một vị thầy tốt về thiền Minh Sát để giúp bạn xem vấn đề là gì. Họ có mặt để làm những chuyện này đây.

—o0o—

Vấn đề 12: Tình trạng u mê hay tối tăm

Chúng ta đã nói qua hiện tượng “vô ký không.” Nhưng có một ngã rẽ đặc biệt mà bạn cần phải lưu ý canh chừng. Tâm ù lì có thể là một sản phẩm phụ dư thừa tạo nên do định thâm sâu. Bao giờ bạn hoàn toàn nới lỏng từ cơ bắp cho đến hệ thống phản xạ thần kinh, sẽ đưa đến trạng thái thật yên tĩnh, nhẹ nhàng nơi thân. Lúc ấy bạn cảm thấy thật phẳng lặng và như không có thân nữa. Đây là một trạng thái dễ chịu cho thấy là sự tập trung của bạn đang rất tốt, và đang gắng liền với hơi thở. Khi tiếp tục, trạng thái dễ chịu càng tăng thêm làm cho bạn chuyển sự chú tâm khỏi hơi thở. Bạn bắt đầu thật sự hưởng thụ trạng thái này và sự tập trung của bạn xuống dốc thê thảm. Sự chú tâm của bạn vỡ tan rời rạc, trôi dạt một cách vô vọng qua đám mây hạnh phúc dễ tan rã kia. Sau phút giây nó để lại cho bạn một trạng thái thất niệm, tình trạng u mê ngây ngất. Cách đối trị dĩ nhiên là chánh niệm. Chánh niệm quan sát những hiện tượng này thì chúng sẽ bị xua tan. Khi cảm giác hạnh phúc trỗi dậy thì chấp nhận chúng, không cần phải tránh mà đừng nên bị chúng lôi cuốn. Đối xử với những cảm giác sinh lý này như-nó-là. Quan sát cảm giác như là cảm giác, tối tăm như là tối tăm. Xem xét khi chúng phát sinh rồi diệt đi. Đừng can thiệp vào.

Bạn sẽ phải gặp khó khăn trong tu tập là điều không thể nào tránh. Ai cũng thế. Bạn cứ xem chúng như là nỗi khổ về thân xác hay là những thử thách để vượt qua. Nếu cho chúng là những gánh nặng, thì nỗi khổ đau của bạn tăng thêm hơn mà thôi. Còn nếu bạn xem chúng là cơ hội cho bạn học hỏi và trưởng thành thì viễn cảnh tâm linh của bạn không thể nào đo lường được.

—o0o—

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app