Nội Dung Chính
Kinh Tăng Chi số 007
Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019
Phẩm Người Tối Thắng
Cả chương này … quý vị có thể đọc Trưởng Lão Tăng Kệ …
Hôm qua chúng ta đã học về ba vị, thứ nhất là Ngài Kiều Trần Như, tức là Đệ Nhất Niên Trưởng ở trong Tăng già Thinh Văn của Thế Tôn, Đệ Nhất Niên Trưởng có nghĩa là Ngài là người xuất gia đầu tiên, mà cũng là vị đắc Đạo đầu tiên, và để được cái ngôi vị này thì Ngài cũng tạo rất nhiều công đức đặc biệt.
Ở đây mình lưu ý chỗ này, là công đức gì? Mình nguyện cái gì thì cái tâm của mình nó đã nghiêng về cái bổn nguyện đó rồi, và khi cái tâm mình nó nghiêng về cái bổn nguyện đó, thì trong cái việc lánh ác, làm thiện của mình nó cũng có cái chỗ tương ứng! Thí dụ như Ngài Bakkula, lần đầu tiên Ngài nhìn thấy một vị Tỳ-kheo gọi là đệ nhất vô bệnh, tự nhiên Ngài thích lắm, đó là cái khuynh hướng tâm lý, nghĩa là sao? Là cái người này kiếp trước, do một sự ngẫu nhiên tình cờ nào đó mà người này từng chứng kiến cái khổ của bệnh, từng thấy được cái sự sung sướng của mấy người khỏe mạnh, rồi cái lòng của họ lại hợp với cái chuyện đó.
Chẳng hạn như tôi nói thẳng luôn, trong số Chư Tăng, phật tử mà tôi gặp, có rất nhiều người họ dành nhiều và nhiều thời giờ chăm sóc sức khỏe lắm, tại cái tánh họ như vậy đó. Có người thì lo coi nặng chuyện này, có người xem trọng chuyện kia, nhưng mà riêng vài vị sư, một vài cư sĩ … thích uống thuốc nam, rồi để ý coi người ta nấu ăn cái gì, rồi chữa cái gì, rồi ăn cái gì, được cái gì đó, là họ coi nặng lắm, thì cái người như vậy khi mà gặp Phật , dám lắm à! họ cũng nguyện thành đệ nhất vô bệnh lắm à!
Bản thân chúng tôi cũng vậy, từ hồi bệnh lúc chúc lúc chúc hơi nhiều nhiều, trong bụng có nghĩ như vầy: nghĩ chứ phải mình nghèo một chút mà mình đừng có bệnh thì cũng đỡ khổ! Mặc dù bây giờ tôi không có giàu, nhưng tôi suy nghĩ như vậy, tôi nói thôi kệ nó, trên đời này nghèo không khổ mà cứ sợ bệnh thôi! Hoặc là mình học dốt một chút cũng được, nhưng mà nhớ đừng có cuồng tín! thí dụ như vậy, mỗi người có cái sợ khác nhau.
Cho nên cái chuyện quan trọng của Phẩm Người Tối Thắng này là gì? Là thứ nhất, tất cả cái bản nguyện của các vị được nhắc đến trong đây, đều là những chi tiết, những khía cạnh của thiện pháp, đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai khi mà ta theo một cái hạnh nguyện nào đó, có nghĩa là ta đang chạy theo cái khuynh hướng tâm lý của mình, và khi chúng ta theo đuổi cái khuynh hướng tâm lý, chúng ta đi theo một cái bản hoài, bản nguyện nào đó, thì tự nhiên cái kiểu lánh ác làm thiện của ta nó cũng có nét tương ứng, thí dụ như Ngài Bakkula hồi nãy tôi nói.
Trong tất cả hạnh có nhiều hạnh tôi nản lắm, thí dụ như hạnh tài lộc, hay là hạnh vô bệnh, tôi nản lắm, tôi khoái mấy cái hạnh mà nó có vẽ nó hơi khí thế hoành tráng, thí dụ như đệ nhất trí tuệ, đệ nhất thiên nhãn, đệ nhất luận nghĩa, mấy cái đó thấy coi bộ hấp dẫn. Chứ còn đệ nhất phấn tảo y, ăn rồi chuyên gia mặc đồ rách, rồi đệ nhất trì luật, ăn rồi cứ ngồi coi coi ai làm cái gì phạm, ai không phạm, nghe nó ngán quá!
Thì khi mình nguyện vô bệnh thì sao ta? nếu mình nói lánh ác, là sao? là mình không có hành hạ chúng sanh khác, không có giết chóc, sát sanh, đó là lánh ác, nghĩa là trong các ác, mình đặc biệt mình chú ý tới cái ác mà sát sanh, cái ác hành hạ chúng sanh. Còn thiện là sao? là mình thích chú ý đến cái chuyện mà gọi là cho thuốc cho men, phục vụ giúp đỡ người già, người bệnh, neo đơn cơ nhỡ, mình thích vậy đó. Lánh ác thì lánh cái nghiệp sát, lánh cái nghiệp hành hạ, mà nghiệp thiện thì chúng ta thích vấn đề thuốc men, chăm sóc sức khỏe, thì hai cái này cộng lại thì mới hỗ trợ cho cái bản nguyện của mình, đời sau sanh ra là vô bệnh.
Còn Ngài Anuruddha thì nguyện đệ nhất thiên nhãn cho nên ngộ lắm, từ lúc mà nguyện như vậy rồi, là tự nhiên cái tâm nó nghiêng về, nó hướng về, nó đổ về cái chuyện gì mà liên hệ đến con mắt! Thí dụ như đi đâu chú ý đầu tiên là ánh sáng, bước vô cái nhà đầu tiên là chú ý cái nhà này chói dữ vậy ta, sao chỗ này tối quá vậy ta, rồi đi đến chùa, đến gặp Chư Tăng, gặp Đức Phật, lúc nào cũng để ý coi cái chỗ này ánh sáng ok chưa, rồi tự nhiên cũng đi chùa như người ta ban đêm, người ta thấy vắng vắng người ta khoái ngồi thiền, còn mình thì cứ lên chùa lên tháp thấy vắng vắng tự nhiên nghĩ cái chuyện mua đèn về đốt chơi vậy đó! kỳ vậy đó! nó lạ vậy đó!
Thì do cái khuynh hướng tâm lý nó mới dẫn đến cái bản hoài, cái bản nguyện, rồi từ cái bản hoài, cái bản nguyện đó nó mới trở thành cái kiểu tu tập của mình. Cái hạnh nguyện thiên nhãn là khoái làm phước gì mà liên hệ đến con mắt, ánh sáng, mặc dù có nhiều kiếp sinh ra không nhớ, không nhớ là mình đã nguyện cái gì, nhưng mà tự nhiên thích vậy đó!
Giống như hôm qua tôi nói có người thì bỏ tiền ra làm phước, từ thiện, mà chỉ thích giúp người ta mổ mắt thôi, có người thích bỏ tiền ra giúp người ta mổ tim, mổ mấy chục mạng vậy đó! rồi có người thích bỏ tiền ra làm nhà, làm cầu, làm đường, làm giếng nước, tôi biết có một vài người quen của tôi ở Mỹ, ở Châu Âu, mê giếng nước, mê chết bỏ! Có nghĩa là cứ đi Tích Lan, đi Miến Điện, đi đâu cứ hay chú ý tới cái vụ giếng nước lắm, thích làm giếng nước, không biết kiếp trước là chết khát hay làm sao mà mình đâu có biết, hay là người này khoái tắm, khoái nấu ăn, hay làm sao mình đâu biết, nhưng mà đặc biệt, cứ đi đâu hay dòm ngó cái vụ giếng nước để làm phước; có người chắc kiếp trước đi cầu khỉ ngán quá, cho nên kiếp này đi đâu hay để ý cái cầu.
Thì các hạnh nguyện trong đây cũng vậy, tức là tùy vào cái khuynh hướng tâm lý của mình mà mình nguyện cái gì? Khi ta đã nguyện cái đó rồi thì tự nhiên cái hướng hành động và cái hướng sống của ta nó cũng đổ dồn, nó cũng nghiêng lệch về cái phía đó!
Ngài Xá-lợi-phất thì Ngài nhiều đời nhiều kiếp là Ngài nghiêng về trí tuệ, tôi nói rồi, cứ mà đời đời sanh ra mà có dịp hỏi là cứ hỏi, có dịp học là cứ học, cái niềm hiếu học vô bờ, vô biên.
Còn Ngài Mục-kiền-liên thì kể từ khi mà Ngài phát nguyện trở thành đệ nhất Thinh Văn về thần thông, thì Ngài đặc biệt thích nghiêng nặng về cái vấn đề thiền định, đời đời sanh ra là hễ kiếp nào không có nhớ thì thôi, mà hễ kiếp nào sống với hạnh ly dục, thay vì người ta ly dục có nghĩa là người ta ăn chay, nằm đất, kiêng khem, khổ hạnh, còn Ngài không, hễ mỗi lần đi tu là kiếm cái chỗ hành thiền, lạ như vậy, hành trật, hành trúng gì cũng hành, cứ khoái ngồi lim dim lim dim vậy đó, nhiều đời nhiều kiếp.
Còn tiếp theo là Ngài Maha Kassapa là đệ nhất đầu đà, cái hạnh này mình mới nghe qua không có gì xuất sắc hết, nhưng mà tôi xin thưa với quý vị, hạnh này đặc biệt ở chỗ này: là bởi vì, các vị còn nhớ 3 câu lễ Tam Bảo không?:
Đệ tử đảnh lễ Chư Phật Lưỡng Túc Tôn,
Đệ tử đảnh lễ Chánh Pháp Ly Dục Tôn,
Đệ tử đảnh lễ Chúng Tăng Chúng Trung Tôn. (có cho ghi Pali rồi)
Chư Phật được gọi là Lưỡng Túc Tôn là vì sao? Là vì từ nhân loại lên đến Phạm Thiên được gọi chung là loài hai chân, thì Chư Phật là số một.
Chánh Pháp được gọi là Ly Dục Tôn có nghĩa là trong tất cả hệ thống tư tưởng, triết học, tín ngưỡng, văn hóa, khoa học, cái gì trên đời này, thì không có cái gì nó nằm ngoài cái sự đam mê của chúng sinh hết. Dầu chúng ta là một triết gia, một thi sĩ , một nhạc sĩ, một khoa học gia, một họa sĩ, một kiến trúc sư, chúng ta … từ dưới đất lên tới mặt trăng, bất cứ một ai trên đời này, bất cứ niềm đam mê nào cũng đều gắn liền với một sự thích thú nào đó. Ngay cả đối với tôn giáo, biết bao nhiêu tôn giáo được lập ra để chi? để khích lệ người ta mê cái này, thích cái kia: ráng tu đi con, mai mốt về trời, về thiên đàng, được gặp đấng này đấng kia!
Nhưng mà riêng Giáo Pháp của Chư Phật thì không! Giáo Pháp của Chư Phật là cái con đường duy nhất trong vô lượng vũ trụ là chủ trương người ta buông hết! chủ trương buông hết! Chúng sanh mà hạ cấp thì cái gì cũng ôm, cao hơn chút xíu thì bỏ ác mà làm thiện, khá hơn một tí thì bỏ dục tu thiền, khá hơn một tí nữa là bỏ sắc giới lên vô sắc giới, cứ vậy quẩn quanh.
Tôi đang giảng về Ngài Ca-diếp, mà tại sao các vị thấy tôi làm giống như lạc đề vậy đó!
Cứ như vậy cứ đi loanh quanh loanh quanh! Chư Phật ra đời thì Đức Phật dạy thế này: Trúng! Con bỏ ác con làm thiện là trúng, con bỏ dục con tu thiền là trúng, nhưng mà cái trúng đó sẽ trúng hơn nữa khi mà con lấy thiền làm nền cho Tuệ, bởi vì có Tuệ mới có cái nhìn như thật, mà có cái nhìn như thật, thì mới có ly tham, mới có giải thoát! Chứ còn bất cứ một cái hệ thống tư tưởng, tôn giáo, triết học, tín ngưỡng nào trên đời này mà không nhắm tới cái sự buông bỏ, thì nó cứ lòng vòng, lòng vòng, một là theo dục hay là ôm dục, hoặc là bỏ dục, theo thiền, cứ như vậy, bỏ dục theo thiền, rồi theo ít bữa rời thiền trở về dục! Nhớ nha, nó có bao nhiêu đó nó làm hoài!
Trong khi cái tinh thần của Chư Phật là gì? Là con cứ làm thiện, con cứ làm phước bố thí, trì giới, nhưng con hãy hiểu rằng đó chỉ là của tạm, nhưng mà phải làm! Con nên tu thiền nhưng mà tu thiền ở đây nó cũng chỉ là phương tiện, phỉ lạc có từ thiền cũng chỉ là của tạm, cuối rốt là phải lìa tất cả cái của tạm.
Như vậy thì cái tinh thần cốt lõi sinh tử của Đạo Phật chính là tinh thần ly dục, mà hạnh đầu đà là cái gì? Là lá cờ của cái người ly dục! Đặc biệt đọc cái đó mới thấy hoan hỷ. Chư Phật không có bắt buộc tất cả Tỳ-kheo đều phải đầu đà, nhưng mà Chư Phật đặc biệt tán thán hạnh đầu đà, là vì sao? Là vì anh tu vì cái lý do miếng cơm manh áo anh tu thiệt, tu giả tôi không cần biết, mà chuyện đầu tiên, nếu mà anh đi xuất gia mà anh không có theo đuổi cái tiện nghi vật chất thì anh đã được điểm 5 rồi, 5/10 ! Còn cái chuyện anh đi vì lý tưởng nào tôi chưa biết.
Bữa nay tôi xì cho các vị nghe một cái bí mật, trước hết nói trong Kinh trước, khi mà nói đến lợi dưỡng, khổ hạnh, lợi dưỡng tức là cái kiểu sống hưởng thụ, còn khổ hạnh là kiểu ép xác. Thì khi nói về lợi dưỡng, Đức Phật dùng những từ rất là nặng, rất là nặng! để Ngài mô tả nào là thấp kém, nào là hạ liệt, tầm thường, bé mọn. Nhưng mà riêng khi Ngài nói về cái khổ hạnh, dầu của ngoại đạo, thì Ngài chỉ nói bằng cái chữ rất là nhẹ, đó là vô ích, không phải là Pháp Bậc Thánh, chỉ vậy thôi! Bởi vì dầu sao, thì cái người mà sống ép xác nó vẫn có chỗ đáng để mình cuối đầu hơn là cái tên mà nó ăn rồi nó ngồi nó hưởng! đó là chuyện thứ nhất.
Chuyện thứ hai, bản thân tôi dĩ nhiên tôi thờ Phật, tôi thờ Kinh Điển Pali, nhưng mà khi mà tôi nhìn hình mấy cái ông mà tu khổ hạnh hiện nay, trong đáy lòng tôi cũng có một chút chút gì đó nó hơi kính nễ! cái đó tôi gọi là bí mật đó! Tại sao tôi nhìn tôi thấy mấy vị sư của mình sao mập ú ù u trắng nõn vậy đó, xài đồ mới tinh vậy đó, mắt kính màu, đi đâu có đệ tử theo quỳ lạy cúng dường bao thơ, rồi cười nham nhở nữa! tôi nhìn tôi nản quá đi! Rồi tôi nhìn mấy ông ở trần ở truồng mà bôi sình bôi đất bên Ấn Độ, dĩ nhiên là máy ông đó là tà kiến rồi, còn mấy ông sư mình dầu có béo tốt, phởn phơ thì cũng chánh kiến hơn, nhưng mà có điều cái đó nói thiệt! mình thấy mấy ông mà khổ hạnh, trong bụng mình thấy nó hơi thương thương làm sao đó!
Thì ở đây cái hạnh đầu đà đó là lá cờ của người ly dục! Không phải tu bằng cờ xí, không phải tu để cho người ta thấy, người ta nễ, không phải! Nhưng lá cờ ở đây có nghĩa là có những người mà thật sự cầu Đạo Giải Thoát, cái bước đầu tiên mà họ thấy mình buông bỏ, thì họ đã thấy có cái để học rồi. Còn cái vụ mà mình giảng viên, mình nói giỏi, mình cao thâm, mình uyên bác, mình đa văn, cái chuyện đó là hạ hồi phân giải nha! sẽ xem hồi sau sẽ rõ! Nhưng mà cái chuyện trước mắt là mình đang cầu Đạo Giải Thoát mà mình thấy ông nào mà buông nhiều là mình thấy mình khoái rồi đó.
Bởi vì cái chuyện đầu tiên tại sao khổ? Vì ôm nhiều! Nói dốt dốt, đừng có nói cao siêu, nói cho đơn giản đi, tại sao ta khổ? Là vì ta ôm tùm lum! khổ vì chồng, vì khoái mắc míu với chồng, khổ vì vợ là cũng vậy, khổ vì con cái là cũng khoái ôm con, khổ vì gia đình vì khoái ôm gia đình, khổ vì bạn là vì khoái ôm bạn.
Ôm đây có nghĩa là gì? là chằn chịt, nắm níu, nấn ná, chữ ôm có nghĩa như vậy đó! Tôi dám bảo đảm rằng tất cả cái khổ tâm trên đời này đều đi ra từ cái tánh khoái ôm! khoái ôm, khoái cầm, khoái nắm, khoai dựa dẫm, khoái tì vào, khoái tựa lưng, thì tất cả cái khổ trên đời này nó do cái đó mà ra, do cái thói quen khoái cầm, khoái nắm, khoái dựa, khoái tựa, khoái nương, mà bây giờ cái nếp sống, cái kiểu sống mà coi như buông hết đó, thì phải nói đó là một cái gợi ý cho người ta thấy: Anh thấy chưa, phải như vầy nè, buông bớt đi, bớt dựa, bớt tựa, bớt cầm, bớt nắm, rồi sẽ bớt khổ. Thì ai cho mình hình ảnh đó đây? Không có ai hơn mấy ông thầy đầu đà hết trơn! Bởi vì chính Đức Phật Ngài cũng đã có dạy như thế này:
– Này các Tỳ-kheo, khi mà Ta nhìn thấy một Tỳ-kheo mà ngủ gục trong rừng, Ta vẫn hoan hỷ vì nghĩ rằng lát nữa đây vị này thức dậy sẽ tiếp tục tinh tấn. Tong khi đó Ta nhìn thấy một Tỳ-kheo ở làng, ở phố, thì Ta lại suy nghĩ rằng rồi đây vị này sẽ gặp bao nhiêu là phiền phức, các vị tu hành sẽ gặp bao nhiêu là thử thách, hoặc đắng hoặc ngọt, cả hai đều là thử thách.
Trong khi đó khi mà Ngài nhìn thấy một Tỳ-kheo ở rừng ấy, thì Ngài nghĩ trong bụng rồi đây sau khi thức giấc vị này sẽ tinh tấn trở lại. Đó là lời Phật! Cho nên là ở đây mình thấy cái hạnh đầu đà là làm đúng theo cái tinh thần của Ly Dục Tôn.
Ăn uống, một là ăn bằng bình bát, không ăn bằng tô chén muỗng nĩa, hai là ăn một lần mà thôi, không có điểm tâm, không có bữa chánh, lỡ mà vì thương ai quá mà ăn của họ chén cháo là coi như xong! dẹp luôn. Cho nên là nhiều khi mình nói đến cái trí, nếu mình muốn giữ đầu đà, thì chắc là phải bớt bớt từ bi lại một chút, chứ còn mà lỡ thương người ta quá, nó múc cho chén cháo bằng hột mít, mà mình ăn cái chén đó vô rồi là coi như là cái ngày đó nhịn tới, trong 13 hạnh có cái hạnh là Ekàsanikanga là hạnh nhất tọa thực, nghĩa là chỉ ăn một lần, dầu chỉ là một hột mè thôi! rồi đứng dậy là không có ăn lần thứ hai, chứ đừng có nói điểm tâm hay là ăn trưa, không còn có chuyện ăn trước ngọ, sau ngọ nữa, mà chỉ cần quất một phát một là xong!
Rồi trong 13 hạnh đầu đà có cái hạnh gọi là không có nhận Y may sẵn, mà phải đích thân mình lượm vải dơ, vải cũ người ta liệng đem về giặc ủi đàng hoàng.
Sẵn đây tôi mở ngoặc nói thêm một điểm này, tuy mang tiếng là lượm vải quăng liệng nhưng mà phải là vải có thể sửa màu được, sửa màu có nghĩa là cái miếng nó màu gì không cần biết, nhưng mà cái mức trắng của nó đủ để mình về mình nhuộm theo cái màu mà Đức Phật cho phép. Chứ còn mà ỷ rằng ta đây đầu đà ta mặc, ta lượm ba cái màu tím hoa cà, màu tím hoa sim, là không được! Dầu nó cũ kỹ cở nào đi nữa, nhưng cũng phải lượm cái vải nào mình về mình chỉnh cái màu theo Luật được!
Thứ hai, một Lá Y như vậy đó, Lá Y vai trái – Lá Y lớn, phải may theo chuẩn mực của Tạng Luật, chứ không có phải bá nạp như Khất sĩ, tức là, nói thì thế nào cũng có người chém tui, cái y của Khất sĩ nó như cái mền của Việt Nam mà cái thời sau 75 dân khổ quá đó, cái người ta lấy vải vá chằng vá đụp, khúc thì màu tím, rồi vải bông, rồi kaki, rồi ni văn, rồi coton, rồi mousseline, rồi xoa, rồi giống gì cũng ráp vô thành một tấm, thành cái mền đắp, có dạo ở Việt nam tôi nhớ có đắp cái loại mền đó, thì cái đó là y Khất sĩ. Thì cái Y bên Nam Tông theo Kinh Điển Pali không có được như vậy. Cái Lá Y vai trái là cái Y lớn khoát ngoài, là phải may theo chuẩn, chuẩn là sao? Bữa nay nội mà tôi giảng cái đầu đà này không là cũng là xong cái buổi giảng rồi, nhưng các vị phải nghe bởi vì cái này nó không có trong chỗ này! Cái Y nó khả kính ở chỗ này, thứ nhất là cái màu, Đức Phật cho 3 màu, màu đà, màu vàng, màu đất, đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, cái kích thước của Y là sao? Là tính theo chiều cao của người mặc cái Y đó, thí dụ như cái Y vai trái hình chữ nhật, thì bề dài của nó là 6 hắc tay của tôi, rồi bề ngang của nó là 4 hắc tay của tôi, nếu mà nói để cho thợ may họ biết tức là 6×4, nhưng 6, 4 đây là hắc tay chứ không phải là tấc (hắc tay là cái đơn vị trong Kinh, là chiều dài từ đầu cùi chỏ mà ra đến đầu ngón tay giữa).Đó là cái kích thước chung , tức là ngang thì 4 hắc tay, dài 6 hắc. Nhưng mà trong ruột của nó là sao? trong ruột của nó phải may thành 10 điều, hoặc là 12 điều, tùy, điều đây có nghĩa là cái ô ruộng, một cái ô chữ nhật đi với một cái ô vuông, rồi kế bên ô vuông là ô chữ nhật và kế bên ô chữ nhật là một cái ô vuông. Các vị giả định trước mặt mình có một miếng ruộng mà khuôn đất hình chữ nhật thì nó nằm kế cái khuôn hình vuông, rồi cái đầu kia cái vuông kế cái chữ nhật, cứ như vậy mà nó có 5 hàng như vậy, thì gọi là điều, điều là ô ruộng đó!
Thì như vậy các vị thấy không phải dễ, tức là phải có kích thước đàng hoàng, mà bề ngang của Y vai trái là 4 hắc, bề dài là 6 hắc. Còn Y nội, cái Y mà mình kêu là cái sà rông ở dưới, bề dài cũng 6, nhưng bề ngang chỉ có 2 hắc thôi. Cái mà chúng tôi quấn ở dưới là một cái sà rông. Đó là phải như vậy mới chuẩn mực.
Thì đầu đà là mình phải đi lượm vải đầu này, đầu kia, trong Kinh nói nhiều cái cũng thương, có nhiều cư sĩ họ thấy họ thương quá, họ biết làm gì có vải mà đúng chuẩn để mà vị này lượm? Thế là họ lén họ liệng, họ đem họ liệng, họ làm cho nó dơ dơ ố ố, rồi họ liệng cái chỗ mà mình đi kiếm, đặng ông Sư ông đem về ông mặc. Chứ dâng ông, ông không lấy, nó ác chỗ dâng không lấy mới ghê chứ! Cho nên trong Kinh ghi người thiểu dục là gì? Bữa hôm học rồi, là cái người thực hành pháp gì đi nữa, cũng không mong người khác biết là mình đang thực hành.
Pháp thiểu dục:
1. thiểu dục về vật chất,
2. thiểu dục trong sở học,
3. thiểu dục trong sở hành,
4. thiểu dục trong sở chứng.
Trong sở hành ở đây có nghĩa là không muốn cho người ta biết là mình đang hành đầu đà, mình là người không nhận tiền. Còn đàng này là cứ lễ lạc mình đi, mà người ta dâng tiền mình không chịu nhận, mình nói Sư không có nhận tiền, bây giờ đưa cho Kappiya, tưởng sao Kappiya đếm xong xuôi rồi ghi ở ngoài bao nhiêu tiền, vô trong phòng riêng nó đưa, thì cái đó là tào lao, tôi phải nói thẳng cái đó là tào lao. Bởi vì nếu đúng là người ly dục, đúng là cái người chân tu, họ coi tiền giống như là phân người, coi như rắn độc, thì đã nói phân người và rắn độc, thì họ không có vì lý do nào mà họ giữ ở trong người hết trơn! Còn đàng này là mình chỉ giữ có một khoảng mấy phút thôi, rồi Kappiya nó nhận dùm rồi sau đó đưa lại, thì cái đó không có kể! Cái đầu đà đúng là thiểu dục thì không có như vậy. Hành gì thì hành, nhưng không mong để cho người ta biết, cái đó mới đúng là người cầu giải thoát, còn mà nói cao siêu, lén lén mong cho người ta khen, mong cho người ta biết mình thế này thế khác, thì chưa có khá! Và người đó tôi khẳng định là người đó cũng chưa có sợ sanh tử lắm, chưa có sợ!
Nói đến Ngài Mahà Kasapa có cái chuyện đặc biệt mình phải nói thế này: là Ngài kiếp xưa cách đây 100 ngàn đại kiếp thì Ngài là một người cư sĩ, thỉnh Đức Phật Padumuttara và Chư Tăng về nhà để mà cúng dường. Thì hôm đó khi mà Đức Phật và Chư Tăng đang ngồi trong nhà ông thì ông thấy có một Tỳ-kheo ôm bát đi ngoài đường, ông mới cho người chạy ra thỉnh Ngài vào luôn, Ngài tướng hảo quang minh, chói ngời mô phạm, đạo cốt tiên phong,đẹp lắm! Nhưng mà khi ra thì Ngài từ chối, Ngài nói là:
– Ta chỉ nhận thức ăn trong bát, chứ ta không có vào ngồi ăn bên trong nhà như vậy.
Thì ông nghe như vậy ông để bát xong rồi, Ngài đi. Thì ông cư sĩ này mới vô hỏi Đức Phật vì sao mà có chuyện đó, cái chuyện mà không có đi vào đây ngồi dùng chung với Thế Tôn và Chư Tăng, lại đi kiểu đó? Trong Chú Giải mới nói rằng Đức Phật Ngài cố ý, cả cái chuyện vị kia và cả Đức Phật đều là do sự sắp đặt hết! Cố ý cho ông thấy, vì Ngài biết cái ông cư sĩ này sẽ mê cái hình ảnh đó, chứ còn cả Đức Phật lẫn cái vị kia đều A-la-hán hết, ai mà muốn ăn uống gì ba cái vụ kính bái của người ta đâu! Nhưng mà tại vì muốn giúp ông này.
Đức Phật Padumuttara Ngài mới giải thích thế này:
– Như Lai và Chúng Tỳ-kheo thì có thể dùng ngọ ở trong mái che, ăn trong bát ở ngoài rừng, ngoài bụi cũng được, tùy duyên, nhưng mà riêng những vị hạnh đầu đà như vậy đó thì người ta chỉ có ăn trong bình bát thôi, đói no, ngon dở, nóng lạnh, hẩm hiu thì có bao nhiêu đó thôi! Rồi Ngài mới liên tục Ngài nói Như Lai và Chúng Tỳ-kheo có thể ở trong nhà có mái che, có lợp, có lót, có vách, có phênh, có cửa, có nẻo đàng hoàng, nhưng mà những Tỳ-kheo mà như ngươi mới thấy đó, là chỉ có ngoài rừng, ngoài bụi, hang động, gốc cây mà thôi. Rồi Như Lai và Chúng Tỳ-kheo, ai may Y sẵn cúng thì nhận cũng được, nhưng mà vị Tỳ-kheo hồi nãy là không, phải tự mình đi lượm. Rồi Ngài nói một hơi về 13 Pháp Đầu Đà.
Ông cư sĩ này ông nghe ông mê quá mê, cái khuynh hướng tâm lý, ông hết cái mê, ông đi mê cái mà đoạn trường tân thanh, mới mệt đó chứ! Ông cúng dường xong, ông nguyện:
– Mai mốt đời sau con nguyện trở thành một vị Tỳ-kheo giống y chang như vậy trong đời tương lai.
Thế là sau nhiều kiếp luân hồi, thì Ngài đi qua kiếp này kiếp kia, lúc siêu, lúc đọa, cái vụ này mới quan trọng! Qua nhiều kiếp luân hồi, mà lúc siêu, lúc đọa, cũng làm chó heo mèo vịt, làm trùn, làm dế, rồi tùm lum hết, rồi cuối cùng trở lên làm người, đại khái vậy đó!
Sẵn đây chúng tôi nói luôn, Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, sau khi mà được thọ ký dầu có sa đọa cũng không sanh làm loài nào nhỏ hơn cái nắm tay. Sẵn đây tôi nhớ tôi nói luôn, Thinh Văn thì bất định, nhưng mà riêng Bồ Tát Chánh Đẳng Chánh Giác thì sau khi mà được thọ ký, dầu có sa đọa cũng không có sanh làm loài nào mà nhỏ hơn cái nắm tay, lớn thì không giới hạn, nhưng mà nhỏ thì không có dưới cái nắm tay, vì sao? Vì do cái phước ba-la-mật nâng đỡ, bởi vì làm cái loài nhỏ quá, cái não trạng của nó có vấn đề, thí dụ như làm con tôm hùm, làm con ngêu sò ốc hến, làm con ruồi, con muỗi, thì do cái phước của Ngài nâng đỡ, dầu có bị đọa cũng không có làm cái loài mà trong Kinh kêu là muội lược, tức là mang tiếng là chúng sanh mà cái đầu của nó như cục đất vậy đó! thì không! Do cái phước ba-la-mật nó nâng đỡ, người có phước ba-la-mật nâng đỡ, dầu có bị đọa cũng khác người ta một chút, nhớ ở chỗ này. Cũng giống như người đẹp, dầu có lấm lem lọt xuống hầm phân thì cũng là đẹp, trúc xinh trúc mộc đầu đình, em xinh em đứng dưới sình cũng xinh!
Thì ở đây có kiếp Ngài làm con này, kiếp làm con kia, nhưng mà mãi đến cái đời Phật Vipassì-Phật Tỳ-ba-thi, Phật đầu tiên mà Ngài gặp để nguyện là Phật Padumuttara, vị này là cách nay 100 ngàn đại kiếp, tất cả Đại Thinh Văn của Thế Tôn đều được vị này thọ ký, vì sao? Là bởi vì vị này cách Đức Phật mình tới 100 ngàn đại kiếp, cái thời gian đó là thời gian bắt buộc để cho tất cả những vị Đại Thanh Văn đệ nhất này, đệ nhất kia họ đủ thời gian để họ nguyện. Sau khi Ngài Ca-diếp Ngài gặp Phật này xong rồi luân hồi không biết bao nhiêu kiếp, thì đến đời Phật Tỳ-bà-thi là Phật Vipassì cách đây là 91 đại kiếp, Ngài Ca-diếp lúc đó Ngài sanh làm một ông Bà-la-môn nghèo coi như là không có cục đất chọi chim, không có miếng đất cắm dùi, nghĩa là nghèo lắm, hai vợ chồng chỉ có một miếng vải choàng thôi, ở dưới thì lấy bắt chước như Trần Minh khố chuối, quấn tầm bậy tầm bạ, nhưng mà ở trên khi đi ra ngoài muốn có mặt mũi với người ta, thì hai vợ chồng có cáo áo choàng thôi. Lúc đó thiên hạ thái bình, chúng sanh an cư lạc nghiệp, ngủ không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không ai lượm, chúng sanh sống đúng như là nằm trâu thổi sáo, mơ đời Thuấn Nghêu, cái thời đó!
Tuy nhiên, tuy thái bình thịnh trị nhưng mà theo thông lệ xã hội, thì đàn ông đi đêm ok, mà đàn bà đi đêm thì một là, tuy không ai làm gì, nhưng nó hơi kỳ kỳ, đàn bà con gái con lứa mà đêm hôm lầm lầm lũi lũi thui thủi bước đi trên đường hoang vắng thì cũng kỳ, cho nên lúc đó phật tử, ngay cả thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, những người đi nghe Pháp ban đêm, thường là nam, còn ban ngày thì muốn đi là nữ, sở dĩ tôi phải dài dòng như vậy để cho bà con đừng có thấy lạ, thì Ngài Ca-diếp kiếp này sanh vào làm một ông Bà-la-môn nghèo lắm, mà hai vợ chồng chỉ có cái áo choàng thôi, thì các vị sẽ hỏi tôi: Ủa tại sao mà bố thí nhiều lắm mà, tại sao mà nghèo? Thì tôi xin thưa, người có phước bố thí bằng trời đi nữa, thì vẫn có kiếp nghèo, là khi cái nghiệp bỏn xẻn của mình nó trổ kiếp nào thì ta bèn nghèo kiếp đó!
Dầu có phước bố thí bao nhiêu, cũng có một lúc nghèo, do cái nghiệp bủn xỉn của một kiếp nào đó, thí dụ như quý vị hỏi tôi bủn xỉn là sao, thì tôi nói là tâm bủn xỉn có mặt lúc nào thì lúc đó được gọi là đang tạo nghiệp bủn xỉn. Tôi nói lần nữa tâm bủn xỉn – tâm bỏn xẻn- xuất hiện lúc nào, thì ngay lúc đó ta đã tạo nghiệp bỏn xẻn rồi! Thí dụ có người đói bụng quá, hỏi xin tôi chén cơm, thì tôi dòm cái mặt tôi thấy ghét, thấy cho thì tiếc, tôi nói: hông hết cơm rồi, mới rửa nồi! Thì khi mà tôi buông lời ra tôi nói là mới rửa nồi, mà thật ra trong nhà nồi cơm thơm phức mới vừa nấu xong, gạo Thái hột dài dẻo thơm phức luôn, nhưng mà tôi nói vậy đó, thì ngoài cái tội nói dối, nó còn có cái nghiệp bủn xỉn. Thì chính cái nghiệp này đời sau sanh ra sẽ có một kiếp nào đó là coi như tôi đói trào máu! Còn mặc dù ngoài cái nghiệp đó ra, tôi là người cực kỳ hào sảng, rộng rải bao la bát ngát, cái đó là chuyện khác, nhưng mà chỉ cần có một cái tâm bỏn xẻn xuất hiện thì nó sẽ đẩy mình vô cái nghiệp ngèo. Chưa hết, nghiệp trộm cắp, do cái nghiệp trộm cướp, đời sau sanh ra cũng dẫn đến cái sự khó nghèo, vì không có khả năng gìn giữ tài sản, nhớ nha! Bởi mình muốn chiếm của người ta, thì bây giờ quả nó trổ lại thì mình không có gì để mình sở hữu.
Thì cái kiếp này Ngài nghèo lắm, mà Ngài đi nghe Pháp, Ngài thích quá đi, Ngài mới suy nghĩ hoài: Thiệt người ta thấy cúng dường ham quá, mà mình gia tài có cái khăn này, mà hễ mình đàn ông con trai mình không có choàng thì không sao, chứ còn bà xả của mình sao ta? bây giờ bả đi chùa bả không có cái gì quấn quấn coi sao được?
Thì Ngài cứ do dự do dự, cho đến lúc nửa đêm thì Ngài cắn răng Ngài cúng, Ngài thương Ngài càng nhìn Phật là Ngài càng thích, Ngài cúng cho Phật, Ngài thấy tắm khăn choàng cũ quá, Ngài đâu biết làm gì, đâu biết Phật dùng cái gì, Ngài xếp Ngài để phía trước chỗ Phật ngồi để mà Phật lau chân vậy thôi!
Trong Kinh nói ông vua đệ tử ruột của Đức Phật, như ông Cấp-cô-độc vậy đó, trong đêm đó ông đi nghe Pháp, ông nhìn thấy cái miếng vải chùi chân phía trước Đức Phật, mà tại sao nó chói lòa như vậy? Ông mới ngạc nhiên lắm:
– Bạch Thế Tôn, cái miếng vải này bằng cái chất liệu gì mà đặc biệt quá?
Đức Phật Ngài dạy rằng:
– Bình thường thôi, không có gì đặc biệt hết Đại vương à, nó chói lòa là vì cái tín tâm của cái người cúng dường đó thôi!
Thì ông vua nghe ông lạ lắm:
– Bạch Thế Tôn, chúng con cũng cúng dường, cũng tín tâm thuần cốt, chúng con cũng thương Phật, quý Phật, kính Phật, trọng Tăng, mà tại sao không có được cái hiện tượng này?
Đức Phật nói:
– Các ngươi cúng dường nhiều thiệt, nhưng mà tính ra cái ông này Đạo Tâm của ông nó thuần cốt, nó đặc biệt lắm, có thể nó đặc biệt hơn. Gia tài người ta chỉ có một cái mà người ta đã hy hiến trọn vẹn không giữ lại!
Ông vua nghe như vậy ông thương quá, ông mới đem cúng, ông đem tặng lại cho ông này những miếng vải choàng mà trị giá hàng ngàn đồng vàng. Thì ông này mới suy nghĩ: Cái người mình tại sao mình nghèo là tại vì mình không có bố thí, bây giờ gia tài mình có một tấm để choàng mà mình cũng làm phước, bây giờ là có được nhiều, tại sao mình không làm phước? Ông mới bèn ông đem cúng tiếp cho Phật, vua cho bao nhiêu ông đem cúng hết cho Phật, cuối cùng chỉ giữ lại 2 cái cho ông với vợ ông thôi! Chưa hết còn nhiều cái tích nó dài dữ lắm, còn hết cái kiếp đó ông về trời, rồi ông lọt xuống cũng đọa nữa! Đi vòng vòng vòng vòng làm vua, làm tướng, ăn mày, ăn cướp, thầy chùa, du đãng, rồi đủ thứ, rồi trùn dế cào cào trâu heo chó ngựa, đi vòng vòng vòng vòng, luân hồi mà quý vị! Biết cái đó mới thấy xanh mặt!
Cuối cùng trong vòng luân hồi, trong đây tôi kể vắn tắt là nhiều kiếp và rất nhiều kiếp, Ngài Ca-diếp có duyên đặc biệt với các Đức Phật Độc Giác, tức là những lần mà không có gặp Chánh Đẳng Chánh Giác, thì Ngài cứ gặp Đức Phật Độc Giác rất là thường – Độc Giác nghĩa là tự ngộ mà không có đệ tử – vì sao vậy? Vì cái tâm! Cái tâm mình lành, hễ trên đời có Hiền Thánh thì mình có cơ hội gặp.
Khi ta có tâm lành thì tự nhiên không có Chánh Đẳng Chánh Giác thì cũng gặp được Độc Giác, mà không có Độc Giác cũng gặp Đạo Sĩ chân tu. Còn cái người mà không có lòng cầu Hiền, thì 8 ngàn vị A-la-hán mà đứng trước mặt, thì mình cũng đuôi mù mà không thấy! Còn cái người mà có lòng cầu Hiền, cầu Thánh thì trên đời này hễ có Thánh, có Hiền là tự dưng, một là Thánh Hiền họ sẽ thấy căn cơ của mình họ tới họ cho mình gặp, còn hai nữa nó cũng dung ruỗi, nó đẩy đưa để cho mình tới mình gặp mấy vị đó. Cái chỗ này nó vô cùng và vô cùng quan trọng nha quý vị, rất là quan trọng có cái lòng cầu Hiền! không phải dễ đâu.
Sau khi mà tu tập công đức vô lượng như vậy đó, thì trên cái hành trình tu tập, có cái chuyện mà tôi quên kể: Đó là có một người con gái kiếp xưa cách đây 100 ngàn đại kiếp, khi mà nghe Ngài Ca-diếp được thọ ký sau này thành đệ nhất đầu đà, cái cô này cô đem lòng thương quý, và từ đó hễ có dịp luân hồi gặp nhau là sáp nhau, có lúc làm bạn, có lúc làm chị em, có lúc làm vợ chồng, có lúc làm mẹ con, mà cứ như vậy suốt mùa thu sanh tử, đến cái kiếp cuối cùng thì chàng và nàng đều sanh về cõi Phạm Thiên, rồi từ Phạm Thiên do duyên lành thúc đẩy đều sanh xuống cõi người, và gặp được Giáo Pháp, xuất gia , đắc La-hán hết.
Chuyện đời của Ngài Ca-diếp dài lắm, trên Phạm Thiên Ngài xuống, Ngài ở trên đó lâu quá cho nên cái lòng của Ngài ly dục, Ngài gặp nữ sắc Ngài không có cảm giác, rồi ăn ngon mặc đẹp cũng kông có cảm giác, nói chung là 5 dục không có cảm giác, và còn thấy ớn, thấy mệt. Gia đình Ngài là đại thế gia, trang trại rộng đến mức không thể đi bộ mà chỉ có thể cỡi ngựa thôi, phóng ào ào để coi người ta làm sao rồi quay trở về, gác chân lên nằm nghỉ ngơi, cứ như vậy, chứ không có đi tà tà được vì rộng lắm!
Có bữa trưa Ngài thấy nắng chang chang mà sao thấy mấy con trùn nó nóng quá nó chun lên mặt đất, nó bò quằn bò quại, rồi kiến bu, rồi mấy con chim tới mổ ăn, con chim lớn rượt con chim nhỏ, thì tất cả những hình ảnh đó, trời thì nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại, rồi gặp sâu bọ giòi trùn dế chim chóc rượt nhau, rồi tiếng người làm công kêu gọi nhau ơi ới, cả một không gian âm thanh ánh sáng hỗn độn mà mõi mệt, khiến cho Ngài chạnh lòng, Ngài nghĩ: Trời đất! Nếu mà quả thật cuộc sanh tử này chỉ có chừng này thôi, thì cuộc đời này có gì đáng sống nữa hả trời! May mà mình là đại gia phú hào, mà mình thấy còn mệt mõi, thì sá gì những cái người mà khố rách áo ôm, giật gấu vá vai, không đủ ăn, không đủ mặc thì họ còn khổ cỡ nào nữa! Ngài nghĩ như vậy, Ngài ngán quá! Ngài mới trở về gác tay lên trán nằm trằn trọc thao thức không yên, gia đình mới ra hỏi Ngài: Bây giờ con lớn con lấy vợ đi chứ! Thì Ngài nói con không có muốn. Gia đình ép, khóc, năn nỉ, cuối cùng Ngài cho thợ đúc một bức tượng vàng do chính Ngài vẽ kiểu, vẽ những nét đẹp thiên kiều bá mị, lộng lẫy kiêu sa, mà Ngài nghĩ rằng trên đời này không thể nào mà có người con gái nào đẹp hơn vậy, bởi vì xưa nay đẹp cỡ đó là thôi, kêu là đẹp như mơ, xinh như mộng, đẹp như tiên, có nghĩa là 3 cái mơ, mộng và tiên thì mấy cái này làm gì có trong cái nhận thức nhân gian.
Nhưng mà người ta không ngờ rằng gia đình cho người cầm bức tượng đó đi vòng vòng thiên hạ, cuối cùng đã tìm ra một người con gái đẹp y chang như cái bức tượng vàng đó, mà dĩ nhiên là đẹp hơn nữa, đường nét thì giống, nhưng mà màu da thì không, màu da ngon lành hơn. Mà lạ lắm, do duyên xưa nó thúc giục thì người con gái đó chính là cái người hồng nhan tri kỷ mà đã đi theo Ngài suốt 100 ngàn đại kiếp. Khi nghe nói tới thanh niên Pipphali thì tự nhiên nàng chạnh lòng xúc động, từ đó giờ gặp đàn ông chỉ là coi như phường phàm phu không đáng cho sờ vạt áo, ấy vậy mà hôm nay chỉ nghe nói đến tên Pipphali, nàng có một chút xao động, cái thuở ban đầu lưu luyến ấy!
Trên đường đi về nhà chồng, nàng âm thầm viết một lá thư gửi cho Ngài, nàng nói thế này: – Túc hạ nhã giám, duyên bèo nước tương phùng gặp nhau, trở thành nghĩa tào khang, không biết mặt nhau mà bây giờ lại về sống với nhau, mà nói thiệt, lòng của thiếp chỉ muốn buông bỏ hết mọi sự, còn đi đâu về đâu thì chưa biết, chứ còn chuyện mà sống kiểu nhi nữ tình trường thì ôi thôi nó ngán ngẫm quá, nếu mà Ngài có lòng thương thì cưới nhau cho hai họ vui vẽ rồi về mỗi đứa ngủ một giường, rồi Ngài muốn lấy thê lấy thiếp bao nhiêu em cũng không có ý kiến!
Nhưng mà không ngờ cái lá thư đó chưa kịp đi thì nàng bèn nhận một lá nội dung y chang như vậy: – Tiểu thư nhã giám, tại hạ là vốn dĩ không mê cái đường tình ái lăng nhăng, chẳng qua vì vui lòng cha mẹ, cho nên tại hạ mới lấy vợ, nhưng mà lấy nhau rồi, về làm ơn cho em ngủ riêng một mình.
Hai lá thư đó chạm nhau trên đường và cả hai người đã nhận lá thư cùng một lúc, họ vui lắm! Thế là tri kỷ đã gặp tri âm rồi, đêm động phòng hai người để một cái chuỗi hoa tươi nằm giữa và dặn rằng chuỗi hoa này là biên giới, là chủ quyền biển đảo được xác định ngay trên cái chuỗi hoa này, sáng mai hoa héo phía nào là phía đó dở. Cứ như vậy mà cái chuỗi hoa để giữa không bị héo, và cứ vậy, tân lang tân nương sống với nhau được mấy hôm thì cuối cùng họ bàn với nhau thế này: Sống mà kiểu này nó mệt quá! đi tu cho rồi!
Họ mới rời nhà ra đi, mặc áo nâu sòng, đang đi trên đường mà trong Kinh nói Ngài Ca-diếp có 7 tướng đại nhân, Ngài Rahula thì có 32, còn riêng Ngài Ca-diếp có 7 tướng, ông Bà-la-môn Bàvari có 3 tướng, một lúc nào đó mình sẽ học tới, tướng lưỡi dài rộng, tướng duỗi thẳng tay rờ gối, tướng mã âm tàng, đại khái có tất cả là 7 tướng, Ngài đẹp lắm! Mà bà đẹp lộng lẫy, trên đường tuy hai người ăn mặc áo tu mà người ta cứ xì xào: Trời đất ơi, có lộn không ta, nó đẹp như vầy, nó trẻ như vầy, mà tại sao nó bỏ hết nó đi tu vậy trời? Khi Ngài nghe như vậy Ngài thấy không xong, hai người mới bàn với nhau, rồi chia tay, ai gặp Đạo Giải Thoát trước thì sẽ về tìm cái người còn lại! Thì khi hai vị chia tay nhau ngay chỗ ngã ba, mà với một lời dặn dò giống như là Ngài Mục-kiền-liên Ngài dặn Ngài Xá-lợi-phất vậy đó. Thôi thì mỗi người đi một hướng, ai tìm được Đạo Giải Thoát trước thì trở về tìm người kia.
Khi hai vợ chồng Ngài Ca-diếp chia tay nhau, thì cái Đại Địa này nó rung động, nó cảm kính, gọi là chiêu cảm, cả trái đất rung động. Thì lúc đó Đức Thế Tôn ở trong Chùa Trúc Lâm Veluvana, Ngài bằng thiên nhĩ Ngài nghe được cái sự dao động trong lòng đất, chứ không phải là dao động mà rung rinh nhà cửa thì không phải, mà là dao động trong lòng đất, mà mình gọi là địa chấn trong lòng địa cầu cách vài km, đại khái như vậy. Thì Ngài nghe cái địa chấn như vậy, Ngài mới suy nghĩ nhanh liền: Vì sao có chuyện này? Ngài biết đó là cuộc chia tay của hai bậc gọi là Đại Sĩ.
Thế là Đức Thế Tôn , lập tức có mặt ở cái ven rừng mà Ngài Ca-diếp sắp sửa đang hướng tới. Thì Ngài Ca-diếp vừa đến ven rừng thì Ngài nhìn thấy có một nhân vật 32 hảo tướng, 6 màu hào quang chói lòa, đang ngồi ở đó, Ngài chưa gặp Phật bao giờ, chưa hề nghe gì về Phật bao giờ, vừa nhìn thấy là Ngài đến Ngài quỳ xuống và lấy cái trán dập xuống dưới chân Thế Tôn và có một câu lễ bái như thế này:
– Thế Tôn là Đạo Sư của con và con là đệ tử của Thế Tôn.
Tại sao tôi chịu khó tôi kể kỹ chuyện của Ngài Ca-diếp? Bởi vì Ngài là một nhân vật mà không có Ngài là mình bây giờ là mình đi hốt rác hết rồi! Bởi vì Ngài là cái người tổ chức kiết tập Phật Ngôn lần I , chính Ngài là người đã san định lại cơ đồ hồng phù đại lược của Phật Giáo!
Chuyện Ngài Ca-diếp có liên quan đến một chuyện mà phật tử Việt Nam bắt buộc phải biết, đó là hôm qua tôi nói về cái chuyện Đại hiếu Mục-liên, một cái sự tráo đổi giữa Ngài Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, bên Kinh Nam Tông và Bắc truyền.
Bữa nay tôi kể cái chuyện mà Ngài Ca-diếp được gọi là phó chúc, được gọi là trao cho Chánh Pháp nhãn Tạng như thế nào trong Kinh Điển Nam Tông. Thì ra như thế này, trước cái ngày mà Thế Tôn gặp Ngài Ca-diếp, thì Thế Tôn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài xét thấy rằng Chư Phật ba đời đều có tối thiểu một lần đi lượm vải cũ, vải dơ, để về tự tay mình giặt rồi làm Lá Y để mặc, Ngài xét thấy Chư Phật ba đời đều có một lần như vậy, cho nên hôm nay đích thân Ngài vào trong rừng, cái chỗ mà người ta liệng xác, dĩ nhiên đã liệng vô đó có nghĩa là xong rồi đó, bỏ rồi, thì Ngài đến Ngài thấy có một cái xác của một cô đầy tớ gái – cô nữ tỳ- cô chết rồi, người nhà mới lấy miếng vải trắng quấn xác đem vô trong, thì đích thân Thế Tôn Ngài lấy cái miếng vải đó Ngài ra suối Ngài giặt, trong Kinh nói khi mà Thế Tôn Ngài ra suối Ngài giặt như vậy đó, nhiều cái chuyện đặc biệt nó đã xảy ra, tôi kể ra đây bà con nói phong thần cho nên tôi dẹp luôn khỏi kể, nha! Tôi chỉ kể rằng khi mà Ngài ra suối Ngài giặt như vậy, Ngài giặt xong rồi thì Đại Địa chấn động 9 lần! Rồi Ngài về Ngài mới đưa cho Ngài Anan may nhuộm thành Lá Y để Ngài mặc, thì Ngài mặc trong cái bữa mà Ngài gặp Ngài Ca-diếp, chính là Lá Y mà do chính Ngài lượm, chính Ngài lượm vải về Ngài giao cho Ngài Anan, rồi Ngài Anan mới nhuộm, cắt rồi may.
Thì khi mà gặp Ngài Ca-diếp, Đức Phật Ngài có khen thế này:
– Lá Y của Ca-diếp đẹp quá! ( không đẹp sao được, Ngài Ca-diếp là đại gia mà, đi tu mặc toàn là silk, khăn choàng cũng là hermes, lv, chứ đâu có xài cái đồ mà tào lao như mình ), thì Đức Phật Ngài mới khen: Y của Ca-diếp đẹp quá.
Thì Ngài Ca-diếp Ngài mới nói:
– Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì lòng đại bi mà đổi Y với con, con sẽ mặc Y của Thế Tôn và Thế Tôn sẽ mặc Y của con.
Thì Đức Phật mới dạy thế này:
– Ca-diếp có biết rằng Lá Y của Như Lai đang mặc này không có ai cũng mặc được, vì đây là cái Lá Y mà do chính Ta đã nhặt vải về, rồi để Anan may nhuộm cho Như Lai, nhưng mà Ca-diếp thì được!
Ngài nói như vậy, là bắt đầu hai Thầy Trò có cuộc trao đổi Y. Mà tại sao có cuôc trao đổi kỳ lạ như vậy? Vì Ngài biết cái người trước mặt Ngài là ai, Ngài biết đây sẽ là Đệ Nhất Tôn Giả Đầu Đà! Cái vị gọi là cầm cái lá cờ Ly Dục Tôn của Chư Phật ba đời mười phương!
Cho nên mới có cái chuyện đổi Y đó, chứ không phải là trao truyền y bát, phó chúc Chánh Pháp nhãn Tạng như Bắc tông thì không!! Lịch sử thiền tông họ kể nghe thơ mộng, nhưng mà không! ở đây là như vậy đó! Chỉ vì cái người mà sẽ kế thừa cái tinh thần Ly Dục Tôn!
Tương Ưng Bộ, Phẩm Ca-diếp, đã giảng rồi, học rồi, trong đó kể rất rõ chuyện này.
Sau đó, từ hôm gặp Phật đúng buổi sáng ngày thứ tám, Pali kêu là Atthame arune có nghĩa là bình minh ngày thứ tám, thì Ngài Ca-diếp chứng Lục Thông, Tam minh và Tứ Tuệ Vô Ngại. Xuất gia được có 7 ngày thôi, đến ngày thứ 8 vào buổi sáng là Ngài đắc. Và cứ như vậy mà Ngài trì 13 Hạnh Đầu Đà cho đến khi níp-bàn, lúc đó là Ngài 120 tuổi.
Ngài có nhiều hạnh đặc biệt lắm, có một lần Ngài đi bát, vào trong xóm cùi, có ông đó ổng lóng ngóng làm sao không biết, mà lúc ổng để cơm vô bát, rớt một lóng tay trong đó, thì Ngài vẫn từ ái hiền hòa, điềm đạm ôn nhu, đậy nắp bát, đi một lèo về đến một gốc cây, ngồi xuống thong thả lượm cái ngón tay đó bỏ ra, rồi dùng cơm bình thường, coi như không có gì xảy ra! Ngài đặc biệt như vậy!
Và Ngài về đời sống thường nhật, Ngài nổi tiếng là một vị rất nghiêm khắc, có nghĩa là Ngài la rầy đệ tử, dĩ nhiên là bằng lòng đại bi, nhưng mà Ngài rất là nghiêm khắc. Có ông đệ tử đó bị la, ổng hận quá ổng đốt cốc của Ngài, rồi trốn luôn đi hoàn tục luôn.
Ngài có cái hạnh là Ngài thương người nghèo dữ lắm, Ngài đi bát vô xóm nghèo, Ngài có cái suy nghĩ thế này: Người nghèo là cái người vô phúc, vô phần, bất hạnh, họ cúng cho mình trái chuối, củ khoai, đời sau, kiếp khác họ sanh ra cũng đỡ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cho nên có một lần, Ngài đi vào trong xóm nggèo, Ngài gặp hai vợ chồng già lễ mễ đi ra, cằm thố cơm cúng dường, thì Ngài mới vừa mở nắp bát ra Ngài hỏi liền:
– Có phải hai vị là vợ chồng của Thiên vương Đế Thích không?
Ông già bối rối lùi lại:
– Dạ phải!
Ngài hỏi:
– Ta vào xóm này Ta độ người nghèo, mà hai ngươi có nghèo không mà lại đi lấy phần của người nghèo?
Ông nói:
– Dạ con so với nhiều người con cũng ok, nhưng mà tại vì cái phước mà con về trời, là cái phước được tạo ngoài Phật Giáo.
Có lẽ nhiều vị không có đọc chỗ này, cái phước mà ông Đế Thích ông được về trời là cái phước được tạo ngoài Phật Giáo, có nghĩa là sao? Nghĩa là kiếp trước ông từng là người xây dựng cầu đường, đào giếng, làm nhà, làm cửa cho người nghèo, nuôi cháo, nuôi cơm, cho thuốc chữa bệnh, đại khái phục vụ nhân quần xã hội, cho nên ông chết ông sanh về làm Thiên Vương Đế Thích cai quản cõi Tam Thập Tam Thiên, đúng! Nhưng mà cái phước đó là phước làm ngoài Phật Giáo, cái phước đó không mắc mớ gì đến Tam Bảo hết trơn, cho nên khi mà Phật ra đời rồi, có nhiều vị cư sĩ hoặc là Tỳ-kheo, nói chung nhiều vị Tăng Ni cư sĩ dưới cõi người mà chết sanh về trời, tuy không phải là Đế Thích, vị trí thì dưới Đế Thích, nhưng mà cái đức của họ lớn hơn, cho nên Đế Thích nhiều khi đang đi như vậy đó, mà gặp họ phải tránh qua một bên, mặc dù đường mây thì bát ngát, không có lane, không có lề, nhưng mà thay vì mình đi thẳng, đàng này trên một trục thẳng mà lỡ gặp ai đó, thì mình phải tránh qua một bên, vì ông tự biết cái đức của ông không có bằng, khiếp như vậy!
Thì ông mới kể thiệt:
– Con làm Thiên Chủ mà cứ mỗi lần đi gặp người ta, hào quang của mình đã không bằng người ta, dung sắc cũng không bằng người ta, mà mình đi phải né xe-cổ thiên xa- của người ta nữa, cho nên con muốn xin gieo phước với Ngài, để con lên đó con làm vua cho đáng mặt vua, không có né ai nữa hết, con mệt quá rồi!
Thì Ngài nói:
– Một lần này thôi, một lần này thì được.
Và kể từ ngày đó, khi mà cúng dường cho Ngài Ca-diếp xong, từ đó Đế Thích cứ thênh thang một dặm đường mây, đi không có ngán ai hết, đi không thay tên, ngồi không đổi họ, đường đường chính chính quang minh lỗi lạc!
Thời Phật lúc Ngài giảng Tạng A-tỳ-đàm trên Đao Lợi, Ngài mới lên thì Chư Thiên đông đảo bao quanh, nhưng mà càng lúc, càng lúc, càng về sau, về sau, về sau, về sau, về sau tổng cộng là 3 tháng nhân loại, thì càng về sau là Chư Thiên trong vô lượng vũ trụ kéo về đông lắm lằm lăm. Có hai nhân vật rất là đặc biệt, lúc mà Thế Tôn mới vừa lên ngồi giảng, thì hai ông ngồi kế bên Ngài, nhưng mà lát sau có mấy ông mà Thiên Tử Phạm Thiên đại thần lực, đại uy lực đến, thì một trong hai ông lùi ra để nhường cho người ta, lùi, lùi, lùi nhường chỗ, nhường chỗ, cuối cùng khi mà Đức Phật giảng xong Tạng A-tỳ-đàm, thì ông lùi cách Đức Phật tới 12 do-tuần, tức là khoảng 50 cây số! Tức là chỉ nhích ra phía sau cho người ta ngồi, nhích ra mà 3 tháng trời, ông nhích 50 cây số, các vị tưởng tượng! Còn ông thầy kia, khi vô thì ngồi chung, người ta nhích thì kệ người ta, mình cứ trơ trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời, ông cứ ngồi đó không nhúc nhích gì hết, thanh thản tự tại ông ngồi nghe giảng.
Sau khi nghe giảng xong Bộ Tạng A-tỳ-đàm, Đức Phật Ngài hỏi:
– Vì đâu mà hai vị đến gặp Như Lai cùng một lúc, mà cứ hễ có người tới thì một người thì lùi, còn một người ở yên là làm sao? Hãy trả lời cho đại chúng nghe đi!
Thì hai ông nói:
– Bạch Thế Tôn, con sở dĩ mà con phải lùi là bởi vì con thấy ai tới phước cũng hơn con.
(trong Chư Thiên họ có cái sensitive, mình tạm gọi là cái power-sensor, có nghĩa là họ có cái chip để mà phát hiện cái năng lượng của đối phương giỏi hơn loài người. Loài người quý vị đứng kế cái người mà trí hơn mình, đức hơn mình, giới hơn mình, tuệ hơn mình, mình không biết, nhưng mà Chư Thiên họ biết, họ có cái gọi là power-sensor hay hơn)
– … thì con thấy ai cũng hơn con, mà con thấy con không nhường chỗ là con không có yên, cho nên cứ lùi, lùi, cuối cùng Thế Tôn giảng xong là con lùi tới 12 do tuần.
Rồi Ngài hỏi:
– Vì sao ngươi thấy thua sút người ta, ngươi cũng là một Thiên Tử mà?
– Dạ hồi xưa con chỉ làm một ông chủ rẫy mía, rồi cứ tới mùa thu hoạch, phần nào để bán thì bán, còn phần nào mà mía hư, mía gảy, mía cũ, mía héo, thì con đem ép ra, ai khách qua đường con cũng múc cho người một ly uống giải khát, mà suốt nhiều năm trong cả cuộc đời của con, cứ mùa mía nào con cũng làm như vậy, cứ mía bán thì bán, còn phần còn lại thì đem ép cho khách qua đường dừng chân lại uống giải khát. Nhờ phước đó mà về trời, con được làm một vị thiên tử có nhiều oai lực, nhưng mà ngộ lắm, cái ông nào mà có liên hệ tới Tam Bảo là con thấy con thua.
Còn riêng ông thứ hai, thì Ngài hỏi:
– Còn ngươi tại sao mà người ta lùi ra nhường, sao không thấy ngươi nhường, mà thấy ngươi ngồi tiếp tục tự tại thanh thản, là sao?
Ông nói:
– Dạ con cũng muốn nhường lắm, nhưng mà sao con thấy sự có mặt của họ với con không có chạm gì nhau hết, nước sông đâu có phạm nước giếng, con thấy họ tới thì tới, con thấy con không có bị rung động, con thấy con không có nhu cầu phải nhường cho ai hết.
Ngài hỏi:
– Vì cái nghiệp lành nào mà ngươi về trên đây?
Thì ông nói:
– Bạch Thế Tôn, con là đệ tử của Ngài Anuruddha vị Đệ nhất thiên nhãn, con hộ trì cho Ngài được có mấy tháng, rồi con chết con sanh về đây, con chỉ có phước hộ trì một vị A-la-hán trong suốt có mấy tháng, mà bây giờ con về đây, con không thấy có ngán ai hết!
Cho nên cái công đức mà đối với Thánh nhân nó lộng lẫy ở chỗ đó, nó lấp lánh, lung linh.
Bây giờ mình đang nói về Ngài Mahà Kassapa, Ngài có cái hạnh đặc biệt như vậy đó, thương người nghèo, thương người cơ nhỡ, và về sau, khi mà Ngài lớn tuổi rồi, Ngài về Ngài lạy Phật, Phật nói:
– Ca-diếp lớn tuổi rồi, đừng có đi bát nữa, đừng sống trên núi, trên rừng, hang động, về ở bên cạnh Như Lai, cho nó đỡ cực.
Đó là trong Chánh Tạng, chứ không phải Chú Giải.
Thì Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, vì thói quen tinh tấn của con cộng với lòng đại bi nghĩ đến người đời sau, họ sẽ nhìn con mà họ tinh tấn, cho nên con sẽ tiếp tục ở trên núi, trên rừng, và đồng thời đôi chân của con vẫn còn mạnh đủ để leo núi mỗi ngày, bạch Thế Tôn!
Trong Kinh nói Thế Tôn, trừ ra những đêm mưa to gió lớn, chứ còn những đêm lâm râm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Bậc Đạo Sư của mình, đêm nào Ngài cũng đi kinh hành ngoài trời trống, vì nhiều lý do: một đó là sự tinh tấn căn bản của Chư Phật, thứ hai nữa vì lòng đại bi nghĩ đến chúng sanh đời sau, mỗi lần người ta lười biếng, người ta nghĩ rằng: Thế Tôn ngày xưa là Bậc Đại Giác đã hoàn tất mọi chuyện phải làm, bậc Cha lành ba cõi, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, vậy đó mà đêm đêm cũng phải đi kinh hành! Dễ sợ như vậy!
Cho nên là mấy vị Thánh họ sống mà cái lòng như vậy, mình người phàm mình không có nghĩ ra! Mình không có hình dung nỗi là vị Thánh tâm hồn của họ bát ngát bao la vậy đó!
Thì Ngài Mahà Kassapa, sau khi Ngài từ chối Ngài tiếp tục Ngài về rừng Ngài ở, rồi khi Thế Tôn níp-bàn lúc đó Ngài còn ở một nơi rất là xa. Ngài có hai gương đặc biệt mình phải nhớ, có một đêm đó, sau mùa an cư kiết hạ, Ngài nhập hạ ở đâu xa lắc xa lơ, rồi Ngài mới đi về Ngài hầu Phật, (hồi nãy tôi có nói, Ngài xuất gia có 7 ngày , tới ngày thứ tám là Ngài đắc Lục Thông, Tam Minh và Tứ Tuệ Vô Ngại), mưa khủng khiếp, trên mình Ngài là Tam Y là Y Tăng-già-lê, Y vai trái, Y nội, bình bát ướt loi ngoi! mà Ngài có thần thông đó chứ, Ngài búng tay một cái là Ngài đi gọi là mấy ngàn năm ánh sáng đó! cái khoảng cách mấy ngàn năm ánh sáng, mà không, mình đọc tới cái này mình mới thấy đúng là Thánh dự Thánh tri, Phật dự Phật tri, chỉ Phật mới hiểu được Phật, Thánh mới hiểu được Thánh. Mình mà có tí thần thông là coi như: tôi bây giờ có thần thông rồi là tôi ăn mạt kiếp không hết, tôi cứ kiếm chỗ nào có đám đông là tôi tới tôi ngồi tôi hiện cái này, tôi hóa cái kia, ngồi cách mặt đất chừng một tất, thì ăn cả đời không hết, đấy! Còn người ta đâu có màng, thần thông để bỏ túi chơi, lội qua sông ướt nhẹp, lạnh lẽo vậy đó. Thì từ cái chuyện đó, Đức Phật Ngài mới cấm chế, Ngài nói là:
– Kể từ nay, Như Lai cho phép sau cái mùa dâng Y, thì Tỷ-kheo được phép rời cái Tăng-già-lê cách đêm.
Có nghĩa là không phải đi đâu cũng kè kè theo nặng nề. Vì nếu lạnh lẽo mang Tăng-già-lê theo đắp thì ok, nhưng nếu mà thấy không có nhu cầu thì có thể gởi Tăng-già-lê lại nơi nào đó, có thể xa Tăng-già-lê trong một đêm, 2 đêm, 3 đêm gì đó.
Khi mà Thế Tôn níp-bàn thì Ngài đang ở một nơi cũng hơi xa xa, mà thay vì người ta dùng thần thông người ta bay cho nhanh, nhưng không Ngài vẫn đi bộ, bởi vừa đi để vừa cho chúng sanh có cái dịp mà để bát, để cho họ có phước, đặc biệt như vậy, đi để cho người ta thấy cái hạnh tu của cái người cầu giải thoát, chứ còn nếu bay không thì dễ ẹt chứ có gì đâu, khi mình bay về lễ Phật, xong bữa sau mình muốn đi bát ở đâu, mình bay trở lại.
Mà trong Chú Giải tôi đọc chỗ này tôi thấy tôi giật mình, trong Chú Giải có ghi câu thế này: Tại sao mà các Bậc Thánh Tăng không có ủng hộ cái thần thông? Là vì các Ngài muốn hỗ trợ, vì lòng từ nghĩ đến những vị không có thần thông sau này. Dễ sợ chưa! Tức là nếu hôm nay mình hở một chút mình dùng thần thông, thì người ta sẽ đánh giá cái mức độ tu hành không có thần thông, có nghĩa là ai tu mà có thần thông là ok, còn ai không có thần thông là tu dõm, thứ tào lao; như vậy có phải đại họa hay không? Đặc biệt! Tôi đọc tới đó mà tôi xúc động, thật sự xúc động! Các Ngài nghĩ như vậy đó, thứ nhất là các Ngài không có còn thích cái chuyện mà tiện nghi mau lẹ như mình, mình nghĩ trời ơi có thần thông bay cái vèo … Nhưng không là không, đối với các Ngài cái chuyện nhanh hay chậm cũng vậy thôi. Như có một vị Thánh A-la-hán ngồi trong rừng, có người tới hỏi:
– Ngồi một mình như vậy, Ngài có buồn không?
Ngài hỏi:
– Ta mất gì ta buồn?
Ổng hỏi tiếp:
– Vậy đời tu có cái gì vui Ngài mới tu chứ?
Ngài hỏi:
– Được cái gì mà ta vui?
Trong cái nhìn của La-hán không có cái gì để thích, để ghét, đam mê hay bất mãn, không có gì để vui, không có gì để buồn, mọi thứ tùy duyên, quý vị à!
Cho nên khi mà Phật níp-bàn, là Ngài Ca-diếp đang ở một nơi cũng hơi xa xa và cứ vậy đi bộ, đi bộ, đi bộ, đi bộ, đi bộ về đến Kusinara thì lúc đó hoàng tộc Mallas cử hành lễ trà tì, họ chất trầm kỳ thơm phức, rồi châm lửa đốt, nhưng châm hoài nó không đốt cháy được, thì mới hỏi Ngài Anuruddha, Ngài Anuruddha nói là Chư Thiên muốn dời cái hỏa đài sang phía bắc chứ không để ngay đây. Rồi đem qua bên kia châm cũng không cháy, thì hỏi Ngài, Ngài nói là Chư Thiên muốn đợi Ngài Ca-diếp về, bởi vì lúc này Ngài là Bậc Trưởng Tràng, Trưởng Tử về để dự lễ thân phụ, đâu thiếu được!
Một hai hôm sau Ngài về đến, trong Chú Giải Trường Bộ Sumangala-Vilàsinì đọc chỗ này mới xúc động, Ngài xác định đó là áo quan của Thế Tôn, di hài được quấn 500 lớp vải trắng, rồi đặt vào trong một cái hòm bằng sắt đựng đầy dầu, cái hòm bằng sắt đó được đặt vào trong một cái hòm bằng sắt thứ hai, rồi cái hòm bằng sắt thứ hai lại đặt ở trong một cái áo quan bằng trầm kỳ, và bên ngoài trầm kỳ đó là một núi trầm kỳ khác. Lúc Ngài về Ngài đứng ở dưới chân Đức Phật, Ngài chấp tay, Ngài mới lấy cái trán Ngài cọ vào cái áo quan:
– Con xin đảnh lễ Thế Tôn.
Lúc nó bàn chân Thế Tôn xuất hiện, giống như không hề có mấy lớp hòm sắt, không có lớp dầu, tất cả là khô ráo, sạch sẽ, sáng lòa, hai bàn chân hiện ra trước mặt Ngài như vậy! giống như là Ngài đảnh lễ di hài Đức Phật, cái báo thân đang nằm trên giường vậy đó! Đọc cái này rất là xúc động quý vị à, rất là xúc động. Ngài mới lấy trán Ngài lại chạm vào chân, Ngài đảnh lễ:
– Bạch Thế Tôn, con là Ca-diếp.
Ngài đảnh lễ bàn chân đó xong, thì mọi thứ trở lại như cũ, liền lại như cũ. Đặc biệt lắm! Đọc cái đó mới thấy thương! Rồi sau đó Ngài mới hợp Chư Tăng lại Ngài nói:
– Trên đường về, chưa tới đây, là trong Chư Tăng đã có cái người nói lời mà báng bổ Thế Tôn, thôi thì kể từ hôm nay chúng ta cùng nhau kiết tập.
Ba tháng sau khi Thế Tôn viên tịch, chính Ngài Ca-diếp là người đứng ra cáng đáng cái trọng nhậm của Giáo Hội, của Tăng-già.
Chuyện này đã kể 300 lần rồi, không có kể nữa, tôi chỉ nói gọn lại thôi, đó là hôm nay chúng ta vừa học về cuộc đời của Ngài Ca-diếp, chuyện Ngài hơi đặc biệt, Ngài là một đại nhân vật, một đại nhân cách, thì tôi phải kể hơi nhiều. Nói gọn lại mình học về đời Ngài Ca-diếp, mình học về cuộc đời của một Bậc Đại Thánh, người đã dày công ra sức gìn giữ cái giềng mối Chánh Pháp, tiếp tục lưu truyền cái mạch mạng Tông Môn của Thế Tôn truyền lại cho đời sau.
Ngài là người nắm giữ trong tay lá cờ Ly Dục Tôn, bóng dáng một vị Tôn Giả đẹp như tiên tử ấy, vậy mà mặc áo rách, sống bằng cái bình bát khất thực bữa đói bữa no, khi nóng khi lạnh, màn trời chiếu đất, đống rơm, gò mối, gốc cây, hang động, mà xuất thân là danh gia vọng tộc, mà sống như vậy đó! Để làm chi? Để làm gương cho đời!
Một đời chỉ biết sống vào cái cơm bánh của tín thí mười phương, đem hạt giống bồ đề mà gieo trồng khắp nơi trong cõi nhân quần vui ít buồn nhiều này, thì thử hỏi đó có phải là Bậc Thánh đáng để cho mình quỳ mình lạy từ xa hay không?
Ngài Anuruddha là Đệ nhất về thiên nhãn.
Mỗi một hạnh là một góc cạnh của Chánh Pháp, bởi vì chúng ta phải biết rằng thế giới này có nhiều cửa sổ để chúng ta nhìn vào nó, chúng ta suy tư về nó cũng được, chúng ta nhìn về nó cũng được, chúng ta nghe về nó cũng được, chúng ta cũng có nhiều cách để ghi nhận thế giới. Bởi vậy trong Kinh mới nói con mắt, cái gọi là biết nhiều, pháp nhãn, huệ nhãn, thiên nhãn.
Thì đây cũng vậy, thiên nhãn của Ngài là một góc cạnh của Chánh Pháp, có nghĩa là sao? Có nghĩa là thế giới này ngoài cái việc dùng trí để hiểu nó, chúng ta còn có một cách nữa để hiểu, là chúng ta nhìn thấy nó. Hơn ai hết, Ngài là người mà thấm thía được cái sự đa dạng của chúng sinh qua vô lượng vũ trụ. Trong Kinh nói Ngài nhìn một ngàn cái thiên hà, một ngàn cái galaxy, nó đơn giản dễ dàng như người ta nhìn mấy trái sung mà để trong lòng bàn tay vậy đó! Ngài đặc biệt lắm, Ngài sống được 150 tuổi, Ngài có 55 trời không có nằm.
Trí nhiều là hiểu thế giới qua cái đầu, còn thiên nhãn là hiểu thế giới qua con mắt. Chúng ta còn biết thêm một chuyện nữa, là con mắt nó quan trọng lắm, vì qua tới cõi Phạm Thiên dầu đã ly dục, nhưng mà vẫn còn giữ lại con mắt, là vì sao? Là vì con mắt ngoài cái chuyện dùng nó để hưởng dục, mình có thể dùng nó để mình làm việc này kia, việc đàng hoàng cũng vẫn có thể dùng mắt, dùng tay.
Trong Kinh nói cách đây 100 ngàn đại kiếp, Ngài Anuruddha Ngài nhìn thấy một vị Tỷ-kheo được tuyên dương Đệ nhất thiên nhãn, Ngài thích quá cho nên Ngài phát nguyện và được Đức Phật Padumuttara thọ ký cho. Đúng 100 ngàn đại kiếp sau, thì Ngài gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài là bà con với Ngài Anan, có nghĩa là cũng là bà con rất gần, bà con chú bác với Bồ Tát Tất Đạt.
Ngài có cái phước lạ lắm là trong nhiều đời Ngài làm phước, bố thí không có mõi tay, cho nên kiếp chót Ngài có cái phước lạ là Ngài không bao giờ biết nghe đến chữ không có, cái gì Ngài muốn Ngài hỏi là phải có cho Ngài,đặc biệt lắm!
Khi gặp Đức Phật về thuyết Pháp cho hoàng tộc, thì Ngài đi theo Ngài xuất gia, được mấy hôm Ngài đắc Tu-đà-hườn.
Ngài cũng là một trong vài ba vị Trưởng Lão cao đồ của Đức Phật, sống lâu và chịu trách nhiệm duy trì Chánh Pháp cho đến ngày hôm nay, bởi vì Ngài là một trong bốn vị cao đồ mà còn sống chịu trách nhiệm duy trì Kinh Tạng. Khi kiết tập xong Kinh Tạng, Trường Bộ được giao cho nhóm đệ tử cùa Ngài Anan, Trung Bộ thì giao cho nhóm đệ tử của Ngài Xá-lợi-phất, lúc đó Ngài Xá-lợi-phất không còn nữa nhưng mà nhóm đệ tử của Ngài thì còn tới một hai trăm năm sau, rồi Tăng Chi giao cho nhóm đệ tử của Ngài Anuruddha, còn Tương Ưng giao cho nhóm đệ tử của Ngài Ca-diếp.
Khi Ngài đắc Tu-đà-hườn, rồi Ngài đắc thiên nhãn. Có một buổi chiều đó Ngài gặp Ngài Xá-lợi-phất, Ngài nói thế này:
– Thưa Tôn giả, với cái khả năng thiên nhãn của mình, con có thể nhìn thấy ngàn thế giới giống như người ta nhìn thấy ngàn trái sung chất đống, dễ dàng như vậy, nhưng có một điều lòng con không có yên, là tại sao với khả năng thiên nhãn như vậy mà vẫn chưa có chấm dứt hoàn toàn các phiền não, chưa có chứng ngộ A-la-hán.
Ngài Xá-lợi-phất Ngài nghe như vậy, Ngài mới trả lời thế này:
– Hiền giả hãy nhìn lại tâm mình một chút, khi Hiền giả thấy rằng mình có khả năng thiên nhãn như vậy đó, thì chính cái nghĩ về khả năng thiên nhãn đó chính là kiêu mạn, còn khi nghĩ rằng tuy có thiên nhãn mà tôi vẫn chưa chứng A-la-hán thì đó chính là trạo hối.
Ngài nghe như vậy Ngài hiểu liền, Ngài mới lui ra, và trong thời gian ngắn sau đó Ngài chứng quả A-la-hán. Bậc Thánh ngày xưa đối với nhau như vậy đó, trong cái đời sống bình thường, người ta nhìn tâm người ta để người ta tu, còn mình bây giờ tu trên những gì mà thiên hạ nhìn thấy thôi, nhiều lắm là đi đứng chững chạc. nói năng điềm đạm, chậm rãi, khả kính, dễ thương, vậy thôi! Chớ còn nói theo cái rốt ráo, tu tức là nhìn vào nội tâm mình từng phút, từng giây.
Đó là chuyện về Ngài Anuruddha.
Ngài Bhaddiya Kàligodhàputta Đệ nhất về danh gia, trong đây gọi là thuộc gia đình quý tộc, nhưng ở đây tiếng Pali là Uccàkulikà tức là danh gia vọng tộc, Đức Phật Ngài dạy:
– Trong đệ tử của Ta, Bhaddiya là người có thân thế cao sang nhất.
Trong Chú Giải có câu hỏi là vì đâu mà lại có cái đệ nhất này, bởi vì trong các đệ tử của Thế Tôn có biết bao nhiêu vị cũng xuất thân là ông hoàng bà chúa, mà tại sao vị này được xem là đệ nhất danh gia là sao? Trong đó giải thích thế này: bởi vì Ngài là vị duy nhất mà trong gia đình và dòng họ toàn là vua chúa không thôi. Thí dụ như có nhiều vị là hoàng tử đi tu, hoặc là ông vua đi tu, nhưng mà mẹ của mình ngày xưa là thường dân, lấy cha của mình là ông vua, thí dụ như vậy, hoặc là mẹ mình là quận chúa mà cha mình là phò mã, thí dụ như vậy, hoặc là con vua, nhưng trong dòng họ chỉ có một ông vua duy nhất, thí dụ như mình là con ông vua Thành Thái, thì trong cái dòng họ chỉ có ông vua Thành Thái, còn ngoài ra đều là hoàng thân quốc thích thôi.
Nhưng mà riêng Ngài Bhaddiya, ông chú, ông bác của Ngài tất cả đều là vua , mỗi
ông hùng cứ một lãnh thổ riêng, đệ nhất danh gia là chổ đó, trong Kinh giải thích như vậy. Có nghĩa là thí dụ như mình là con vua Thành Thái, cả đất nước Việt Nam lúc đó chỉ có một mình vua Thành Thài thôi, mình là con vua thì cha mình ngon thiệt đó, nhưng mà chú bác mình đâu có phải là vua, nhưng mà riêng Ngài Bhaddiya thì không, cha Ngài là vua, mà chú bác của Ngài, rồi cậu dượng đều là vua hết, mỗi ông một lãnh thổ vậy đó, chính từ cái điểm này mà Ngài được gọi là Đệ nhất danh gia trong hàng Thanh Văn là như vậy đó.
Ngài đi xuất gia chung với Ngài Ananda, ông Devadatta, Ngài Upali, đi chung một nhóm 7 người, tức 6 hoàng thân và ông thợ cạo tóc. Đặc biệt điểm này, là trước khi Ngài đi tu, Ngài là ông vua, Ngài thấy Phật rồi Ngài thương quá Ngài đi theo, Ngài bỏ ngôi Ngài đi tu. Lúc 6 ông hoàng tử đi có đem theo ông thợ hớt tóc, đi đến đoạn đường, 6 ông hoàng tử trong đó có Ngài Anan bàn với nhau và nói với ông thợ hớt tóc:
– Thôi bây giờ bao nhiêu tiền bạc của cải, vòng vàng trên người tụi này mang theo đem cho ông hết, ông đi về ông nói là tụi tôi đi xuất gia hết rồi.
Thì ông Upali mới suy nghĩ thế này: Người ta hoàng tử người ta đi tu, tại sao mình không đi tu, mình chỉ là ông thợ hớt tóc cho hoàng gia thì có đáng cái gì để mình tiếc? thứ hai nữa là khơi khơi mình đem cái đống này về người ta tưởng mình giết mấy ổng, thì mệt, bởi vì xác minh được mấy ổng còn sống hay không là mình đã chết ở trong ngục rồi! Có hai lý do như vậy, nên Ngài quyết định Ngài đi tu luôn.
Ông thợ hớt tóc đó chính là Ngài Upali Đệ nhất trì Luật, sau này Ngài là người kiết tập Tạng Luật.
Còn trong số đó có Ngài Anan, sau đó thành thị giả, rồi cũng là Đệ nhất đa văn, ông Đề-bà-đạt-đa thì quý vị biết rồi.
Còn Ngài Bhaddiya là ông vua đi tu, có một bữa trưa đó Ngài ngồi trong rừng, Ngài mới nghĩ một chuyện, rồi Ngài buột miệng Ngài nói:
– Hạnh phúc thay! Hạnh Phúc thay! Ta thật sự là sung sướng, ta thật sự là hạnh phúc!
Ngài cứ nói đi nói lại câu đó, thì các vị Tỷ-kheo nghe như vậy, thấy lạ, mới đi thưa với Đức Phật:
– Con nghe ổng lâu lâu ổng ngồi trong rừng ổng nói sung sướng thay, hạnh phúc thay.
Đức Phật gọi vào Ngài hỏi là có phải như vậy hay không và vì sao? Thì Ngài nói:
– Bạch Thế Tôn, trước đây con là vua, mà cứ đi đứng trong cung hay là ở ngoài phố, lúc nào cũng tiền hô hậu ủng, nghi trượng, cờ quạt, kẻ hầu người hạ, một là nó ốn ào quá con mệt, thứ hai nữa không có dám đi đâu một mình, lúc nào cũng sợ bị ám sát, sợ bị bắt cóc. Còn bây giờ con không còn gì hết, con chỉ có Tam Y Quả Bát, một mình giữa rừng sâu, không kẻ hầu người hạ, cũng không có vệ sĩ bảo vệ gì hết, mà sao con thấy hạnh phúc quá.
Đó là câu chuyện về Ngài Bhaddiya.
Ngài Lakuntaka Đệ nhất diệu âm, chữ lakuntaka nghĩa là người lùn, tên của Ngài ở ngoài đời là Bhaddiya nghĩa là hiền nhân, quân tử, Ngài là con nhà giàu có, rồi Ngài đi xuất gia theo Phật, rồi Ngài đắc A-la-hán, nhưng đặc biệt Ngài có biệt hạnh là Đệ nhất diệu âm, nghĩa là thời đó chỉ có Thế Tôn và Ngài là hai vị có âm thanh mà làm mềm nhũn lòng người. Trong Kinh nói Ngài có âm thanh đặc biệt lắm, như Phạm Thiên vậy đó. Tiếc thay nhân dáng của Ngài thì không có đẹp, thấp người lại mập tròn, chuyện mà Ngài đắc Đạo cũng từ cái nhân dáng đó mà ra, Ngài đi bát, rồi có cô đó cổ nhìn thấy cái tướng của Ngài cổ bậc cổ cười, thì khi mà cổ cười như vậy, Ngài nhìn cái hàm răng của cổ, Ngài lấy đó làm đề mục để Ngài tu tập tuệ quán.
Trong quá khứ Ngài cũng từng nghe Đức Phật quá khứ thọ ký một vị Tỷ-kheo là Đệ nhất diệu âm, Ngài mới làm phước Ngài nguyện cái vị trí đó, rồi về sau đến thời Phật Vipassì, Ngài sinh làm một con chim gáy, Ngài gặp Phật Ngài thích lắm, do cái huệ căn Ngài gặp Phật Ngài chỉ biết kêu thôi, rồi Ngài tha trái cây Ngài cúng dường, thì khi Ngài kêu bằng cái tín tâm, bằng cái lòng thương Phật như vậy đó, thì cái đó cũng là một cái phước, đời sau sanh ra Ngài có giọng nói rất là hay.
Nhưng mà sở dĩ Ngài có cái chiều cao hơi khiêm tốn, là bởi vì trong Chú Giải kể có hai nghiệp: cái nghiệp thứ nhất là có một kiếp đó Ngài làm vua và Ngài có cái tánh rất là ác, Ngài có một chút tánh như vua Kiệt, vua Trụ, nghĩa là thích đem người già ra đùa giởn, bắt mấy người già vật lộn với nhau, rồi bắt mấy người già chạy đua, rồi bắt những người lớn tuổi làm những chuyện mà quá sức của họ để rồi mình ngồi đó mình cười! Cho nên là do cái quả mà hành hạ, coi rẽ, bất kính, phạm thượng, mạo phạm đối với người lớn tuổi, cho nên Ngài sanh ra Ngài không cao lớn như người ta.
Tôi nhắc lại lần nữa, cái nghiệp mà dẫn đến mình bị lùn, bị thấp, hoặc là mập quá trớn, ốm quá mức, mâp một cách khó coi, ốm một cách khó coi, cao một cách khó coi, lùn thấp một cách khó coi, thì nó nhiều nghiệp lắm quý vị, nó tới ngàn lẻ một lý
do lận, chứ không phải một đâu! Nhưng mà riêng trường hợp này thôi, thì Ngài bị cái nghiệp lùn là do kiếp trước Ngài từng đem người già ra để mà Ngài đùa giởn, mạo phạm.
Một cái nghiệp thứ hai nữa, là đời Phật Ca-diếp, lúc người ta đang xây cái bảo thám thờ Xá lợi, thì lúc đó Ngài là ông thợ cả, tiếng Pali là jetthavaddhakì, tức là ông đứng đầu đám thợ mộc, thợ hồ, thợ nề, thì Ngài thấy người ta làm cái tháp cao quá, Ngài cản Ngài nói:
– Trời đất ơi, thờ là thờ trong tâm vậy thôi, chứ cần gì mà làm cao như vậy?
Mà không phải một lần, 5 lần 7 lượt, cứ cất chùa cất tháp mà gặp Ngài, là Ngài cứ đòi gọt ngọn! Gọt ngọn có nghĩa là cho nó bớt cao, bởi vì làm chi vậy, làm chi cho nó hoành tráng? Bớt bớt một chút, chứ làm gì mà dữ vậy? Ngài có cái tánh thích vậy đó, thích bớt bớt vậy đó, gọt ngọn đó! Chính vì cái tánh thích gọt ngọn này, đời đời sanh ra là có một khúc hà, không có cao! Ác vậy đó!
Tuy kiếp chót thân tướng không có đẹp, nhưng mà Ngài có một cái đặc biệt, Ngài có cái diệu âm. Chúng ta thấy mỗi cái đặc hạnh nó là một khía cạnh của Chánh Pháp, mình thấy chúng sanh sanh tử luân hồi ba đời, là cũng do đam mê trong sắc, thinh, khí, vị, xúc mà trầm luân. Thì ngược lại, người ta cũng vì cái âm thanh, vì cái sắc tướng mà người ta sa đọa, nhưng mà cũng âm thanh sắc tướng đôi khi trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó nó lại trở thành ra là cái phương tiện để mà hành thiện, khuyến tu. Thì mình thấy ở đây, ở đời, thì có vị tu về con mắt, có vị tu khổ hạnh, tu con mắt là tu thiên nhãn, còn vị này tu cổ họng nghĩa là sanh ra có cái giọng nói mà người đang sân si tị hiềm, họ nghe cái giọng nói này họ cũng mát mẻ.
Cho nên hôm nay đọc về các sử của các bậc Thánh, mình cũng có thể từ đó mình nghiệm ra nhiều điều rất là hay: À thì ra là có được một giọng nói hay cũng là một cái phước, nếu mà mình biết dùng nó vào việc lợi ích, có một cái nhân dáng, có một cái ngoại hình đẹp, nếu mình biết tận dụng nó thì cũng làm được cái lợi ích, có được một cái sức khỏe, có được một cái trí tuệ, có được một cái trí nhớ, có được cái khả năng về vật chất, nếu mà khéo thì tất cả những cái đó đều trở thành ra là những phương tiện tu học hết! Chúng ta vì những cái đó chúng ta trầm luân, nhưng mà nếu chúng ta biết tận dụng những thứ mà mình có được để làm cái đòn bẩy, làm cái phương tiện để hành thiện thì tốt biết là bao nhiêu! Đặc biệt như vậy, cho nên trong mấy cái đặc hạnh này không có cái nào là tầm thường hết, quý vị có thể thích hay không thích, nhưng mà mình phải nhìn nhận mỗi một đặc hạnh nó có cái giá trị riêng, nó là một gợi ý lớn cho mình về biết bao nhiêu là vấn đề liên quan.
Ngài Pindola Bhàradvàja Đệ nhất sư tử hống, có nghĩa là Ngài là người ăn to nói lớn. Lần đầu tiên mà Ngài được gặp Đức Phật Padumuttara, lúc đó Ngài đang là con sư tử, nhưng mà nhờ có huệ căn, Ngài gặp Phật Ngài thương, sau ba tháng an cư trong rừng rồi Phật ra đi, vì cái lòng thương Phật, mà con sư tử chết, chết xong sanh được thân người, và gặp Phật cúng dường tu học. Rồi nhiều đời nhiều kiếp sanh ra Ngài tạo những cái nghiệp mà nó liên quan đến hạnh nguyện của mình, tức là Ngài từng được Đức Phật thọ ký, nhân khi nghe thấy đệ tử của Phật có một vị Tỷ-kheo là Đệ nhất sư tử hống, nghĩa là luôn luôn có một giọng nói và cái ngữ điệu mà có thể tạo ra không khí trầm hùng cho đại chúng, có cái cách nói, có cái giọng nói, có cái ngữ điệu trầm hùng, có thể kích thích đại chúng, Ngài thích Ngài mê cái đó, đặc biệt như vậy!
Ngài Lakuntaka là giọng nói êm ngọt diu mềm, còn Ngài thì là một cái giọng nói, một cái ngữ điệu mà kích thích người ta, cái không khí trầm hùng của đại chúng Thánh nhân. Thì Ngài thích cái đó, cho nên là Ngài làm phước hỗ trợ cho cái đó, giống như mình bây giờ, nếu mà Ngài sanh ra đời này, chắc là Ngài cúng gường mấy cái loa nhiều lắm, cúng dường mấy bộ amply khuếch đại âm thanh, có lẽ như vậy! Và ở Mỹ tiểu bang Virginia tôi thấy có anh phật tử, cũng rộng rải, người rộng rải lắm, mà ngộ lắm, cái số tiền mà ảnh bỏ ra ảnh làm phước, hầu như là chỉ cho một món đồ thôi, đó là cái dàn âm thanh cho các chùa, mà ảnh nói là cả chùa Nam Tông lẫn Bắc Tông trong nước và ngoài nước, tính cho đến hôm nay anh đã cúng được trên 200 cái dàn loa. Tôi nghe ảnh nói tôi nhớ tới Ngài Pindola Bhàradvàja, đặc biệt như vậy, tức là ảnh thì nhỏ tuổi lắm, năm nay tôi 48, ảnh nhỏ hơn tôi chắc cũng khoảng một chục hơn, mà ảnh nói ảnh đã cúng cho chùa Nam Tông và Bắc Tông trong nước và ngoài nước, tổng cộng lại là khoảng trên 200 cái dàn loa amply. Mà nó lạ một chỗ là khoái cái gì mà lạ lùng, giống như tôi biết có những người phật tử họ mê cúng đèn hào quang, tức là chùa nào đi nữa lui tới một thời gian là thấy có cái hào quang mới, là do ảnh cúng. Còn cái ông này thì ổng mê cái dàn amply loa khuếch đại âm thanh, cứ vô chùa bữa trước bữa sau là thấy có cái to đùng nằm ở trong, lạ như vậy, đặc biệt như vậy!
Thì Ngài làm nhiều cái phước mà kiểu đại khái như vậy đó, cho nên đời sau sanh ra Ngài gặp Phật, Ngài đắc A-la-hán, rồi Ngài là một vị A-la-hán mà khi Ngài xuất hiện ở đâu, thì chỉ riêng cái âm thanh của Ngài là người ta nghe người ta biết liền., cũng là một cái tối thắng.
Ngài Punna Mantàniputta tối thắng về thuyết Pháp, có nghĩa là vị này là một vị sư đệ trong Đạo rất là thân với Ngài Xá-lợi-phất, và Ngài là vị có cái biệt hạnh rất là đặc biệt đó là Ngài thuyết Pháp, dĩ nhiên thời Đức Phật thì Pháp Sư nhiều lắm, hễ đắc A-la-hán mà có Tứ tuệ phân tích thì vị nào cũng là Pháp Sư hết, nhưng mà riêng Ngài sở dĩ mà Ngài được gọi là một trong những vị đệ nhất Pháp Sư là bởi vì thông thường người ta thuyết pháp cho cư sĩ thôi, còn thuyết Pháp cho Chư Tăng rất là khó. Chắc các vị phật tử không có dịp để biết chuyện này, cũng cái người đó, nhưng khi họ đắp y rồi, thì cái khả năng nhận thức nó khác cư sĩ nhiều lắm, thuyết Pháp để cho mấy ông Sư mà thích ngồi lại nghe, thì cái chuyện đó khó lắm, Pháp Sư mà giảng cho cư sĩ thì rất là nhiều, nhưng mà riêng vị này Punna Mantàniputta Ngài đặc biệt là Ngài có khả năng thuyết Pháp cho cả Chư Tăng và phật tử. Và chưa hết, Ngài có cái khả năng chẳng những thuyết cho người ta thích mà Ngài có thể thuyết Pháp độ cho người ta đắc Đạo, đắc Quả rất là nhiều, Pháp Sư là ở chỗ đó! Chứ còn thuyết Pháp nổi tiếng thì chưa ăn thua đâu, mà phải có khả năng giúp người ta đắc Đạo, và cũng không riêng gì cư sĩ mà cả Chư Tăng nữa.
Thì do cái tiền nghiệp đời trước là Ngài cũng phát nguyện sau này trở thành một vị Pháp Sư như vậy. Ngài có một gốc gác cũng hơi bự, có nghĩa là các vị còn nhớ Ngài Kiều-trần-như, cái vị mà một trong tám vị Bà-la-môn tới để bói cho Thái tử, thì khi bói cho mọi người biết là Thái tử sẽ đi xuất gia thành Phật, thì bản thân Ngài Anna Kondanna bỏ nhà đi tu, rồi dắt theo người cháu kêu bằng cậu ruột, nói rằng:
– Bây giờ cậu lớn tuổi rồi, nếu mà mai này cậu đi mà cậu chờ không kịp để mà gặp Phật, thì ít ra cũng còn cháu, nhớ là giá nào cũng phải gặp Ngài để mà xuất gia nghe! Bởi vì đó là một vị Chánh Đẳng Chánh Giác đó!
Thì từ chỗ đó mới là xuất gia theo cậu, người cậu tức là Ngài Kiều-trần-như gặp Phật rồi, được xuất gia rồi, đắc A-la-hán rồi, trong 12 năm thì về núi tịch luôn. Riêng Ngài còn trẻ hơn Ngài ở lại, Ngài sống lâu hơn, đó là câu chuyện về Ngài Punna Mantàniputta, có nghĩa là cháu kêu Ngài Kiều-trần-như bằng cậu ruột.
Ngài Mahàkaccàna hay là Kaccayana, hay là Kancana đều đồng nghĩa, đều có nghĩa là vàng, vàng kim loại, quý kim. Ngày xửa ngày xưa, khi mà người Nhật và người Anh họ đánh vào Thái Lan, thì họ có chôn vàng ở một vài nơi trên xứ Thái, cái chỗ mà chôn nhiều nhất được gọi là Kanchanaburi-cái đất chôn vàng.
Kancana hoặc Kaccana hoặc Kaccayana, Tàu âm là Ca-chiên-diên, vị này là Đệ nhất luận nghĩa, có nghĩa là những gì mà Đức Phật thuyết giảng vắn tắc, thì vị này có khả năng phô diễn, diễn giải rộng rãi không giới hạn , có nghĩa là chỉ riêng một bài Kinh Chuyển Pháp Luân thì vị này có thể thuyết Pháp mấy chục năm không hết, cái trí đặc biệt như vậy! Cứ bài đó, Ngài xé ra hoài, xé hoài, xé hoài được hoài vậy đó! Trong Kinh nói Ngài xuất thân là ông quan đại thần ở xứ Ujjenì, chuyện về Ngài cũng dài, Ngài là quan đại thần của ông vua Candapajjota, ông này cũng là một nhân vật đặc biệt, ông này là một phật tử, có người bạn thân là ông vua Pukkusha, ông đó về sau này đi xuất gia, chỉ nghe về Phật thôi rồi ông bỏ ngôi đi tu tự đắp Y tức lấy khăn choàng quấn, rồi ông mới vô trong chỗ ông thợ gốm xin ngủ nhờ, ông thợ gốm đồng ý mới cho ông vô nhà chứa củi, thì một lát sau Đức Phật tới, Đức Phật nói:
– Như Lai cũng muốn ngủ đêm ở đây.
Ông thợ gốm nói:
– Ở đây tôi ưu tiên cho người tới trước, bây giờ cả hai người đều là người tu hết, thôi bây giờ Ngài tới Ngài hỏi ông tới trước coi ổng gật đầu thì Ngài có thể ở lại, không có gì trở ngại hết!
Đức Phật Ngài tới nói với Ngài Pukkusha:
– Như Lai muốn ngủ đêm ở đây được không?
– Được, Ngài một góc, tôi một góc.
Thì suốt đêm đó Đức Thế Tôn Ngài nhập định, lúc rạng sáng Ngài mới hỏi ông vậy đi tu với ai, thầy là ai. Thì ông mới nói:
– Dạ tôi nghe có Sa môn Cồ đàm xuất gia thành Phật, thì mình cũng muốn tới mình học với Ngài, nghe nói vậy rồi bỏ ngôi đi tu, chứ cũng chưa có gặp Ngài lần nào hết, nhưng mà đại khái mình là đệ tử của Ngài đó.
Đức Phật Ngài nghe như vậy Ngài nói:
– Ta có chuyện muốn nói với ngươi, hãy ngồi xuống.
Thì bắt đầu Ngài giảng cho ông nghe về Bốn Đế, vừa nghe xong, ông đắc A-na-hàm. Khi ông đắc A-na-hàm rồi, ông biết ai là người trước mặt ông, ông quỳ sụp xuống:
– Bạch Thế Tôn, thật là một lỗi lầm cho con, khi mà suốt đêm con ở bên cạnh bậc Đạo Sư mà con không biết, và con đã gọi bậc Đạo Sư là Hiền giả (là ông bạn). Bạch Thế Tôn, xin cho con được xuất gia.
Đức Phật Ngài xét duyên ông, Ngài nói là:
– Như Lai chỉ có thể cho thọ Đại Giới người nào mà có Y bát, bây giờ cái mà ngươi đắp trên người chưa có đủ gọi là Y, bát thì ngươi không có, phải kiếm Y bát mới được.
Ngài nói xong rồi Ngài ra đi, thì ông ở lại, ông đi tìm Y bát, loay hoay làm sao rồi ông bị bò húc chết, ông sanh về Phạm Thiên. Thời Đức Phật có 4 người nữa cũng bị trường hợp như vậy, tức là đắc Đạo xong, rồi bị bò húc chết, tức là bị một con Dạ-xoa nó hại, chuyện đó nó dài lắm.
Thì ông Pukkusha trong nhà cỏ chính là bạn thân của vua Candapajjota. Mà Candapajjota này lại là ông vua của Ngài Mahàkaccàyana, nghe người ta đồn Phật ra đời, mới cử Ngài đi thỉnh Phật về, nhưng không ngờ khi Ngài đến gặp Phật rồi, nghe Pháp rồi, Ngài đắc quả A-la-hán luôn. Có nghĩa là từ lúc đi là một ông quan đại thần giống như ông bộ trưởng bây giờ, nhưng đến khi nghe Pháp rồi xuất gia trở thành một vị Tỷ-kheo, thì lúc đó Ngài mới bạch Phật thỉnh Phật về xứ Ujjeni.
Phật mới xét thấy nhân duyên, Ngài quán nhân duyên Ngài thấy rằng Ngài có về đó thì cũng không có giúp được gì ở đó, bởi vì chúng ta biết rằng người đến Phật Giáo có hai hạng, một là Buddhaveneyya là chỉ có duyên với Phật, hạng thứ hai gọi là Savakaveneyya nghĩa là chỉ có duyên với một đệ tử nào đó của Phật. Có nhiều người như Ngài Subhadda mà xuất gia cuối cùng trước khi Đức Phật níp-bàn, thì vị đó được gọi là Buddhaveneyya có nghĩa là vị này không gặp Phật là bó tay, không có vị A-la-hán nào giúp được hết! Nhưng mà có những vị họ gặp Phật, họ cung kính, họ xuất gia, họ đi theo 8 năm, 10 năm, 20 năm nhưng mà họ chỉ đắc Đạo là nhờ một vị Thinh Văn nào đó, trường hợp này được gọi là Savakaveneyya. Thì khi mà Ngài Kaccàyana Ngài đắc Đạo rồi, xuất gia rồi, thỉnh Phật về xứ để hoằng Pháp, thì Đức Phật xét thấy dân ở đó tạm thời chỉ toàn là Savakaveneyya, có nghĩa là không có ai phải cần đến Ngài hết, Ngài nói:
– Thôi được rồi, Như Lai xét thấy một mình Kaccayàna về là đã được rồi.
Vị A-la-hán thì không có để Thế Tôn nói đến lần thứ hai, Ngài lạy Phật rồi Ngài ra đi. Sức của Ngài lúc đó là Lục Thông, Tam Minh, Tứ Tuệ Phân Tích là dư sức rồi.
Trong Kinh nói khi Ngài về đến xứ của Ngài, Ngài ôm bát Ngài đi, thì có cô thôn nữ trong làng ngày xưa giàu lắm nhưng bây giờ cô nghèo, cô có mái tóc dài đẹp lắm, thời đó người ta đã biết xài tóc giả rồi, thì có nhiều người thích mái tóc đó, họ tính mua lại mà nàng không có bán, nhưng khi nàng thấy Ngài đi bát như vậy đó thì nàng một lòng kính mến, cho nên đi gặp cái bà mà muốn mua tóc bữa hôm, nàng bán rẻ mái tóc đó, xong rồi lấy tiền để mua thực phẩm cúng dường cho Ngài. Nấu nướng xong đưa cho mẹ:
– Nhờ mẹ để bát cho Ngài dùm con, chứ con không có tóc con không có ra.
Người ta sởn sát luôn mà! Thì khi Ngài đến Ngài mới hỏi:
– Thực phẩm này của ai đây?
– Dạ của đứa con gái con nó cúng.
Ngài hỏi tại sao cô cúng dường mà không có ra, thì bà mẹ nói:
– Dạ tại vì nó mắc cỡ …
Ngài nói:
– Trên đời này thiện tâm mới quý, chứ còn tất cả cái gì ngoài ra nó không quan trọng bằng.
Nàng nghe như vậy nàng mừng lắm, nên từ trong buồng nàng bước ra nàng quỳ xuống đảnh lễ, khi nàng đảnh lễ như vậy, thì tóc của nàng mọc lại đủ hết, dài như cũ chấm gót! Chuyện đó hơi phong thần đối với một số người.
Ngài có một cái tật hơi lạ lạ, cái thói quen kỳ lắm, đó là Ngài thấy ai làm gì Ngài hay hỏi, mặc dù Ngài hỏi cho có chứ không phải là Ngài không biết, Ngài gặp ai làm gì hay hỏi: làm gì đó? Thí dụ như quý vị đang ngồi lượm gạo, Ngài đi ngang Ngài hỏi: Làm cái gì đó? Mình nói: Dạ lượm gạo. Mà chính mắt Ngài thấy đó chứ, mà Ngài vẫn hỏi: Làm cái gì đó? Mình nói: Lượm gao. Thì một lát sau, Ngài đi ngang Ngài cũng hỏi làm cái gì đó, Ngài hỏi hoài vậy đó!
Đó là cái thói quen, trong Kinh nói chỉ có Chánh Đẳng Chánh Giác là không có thói quen thôi, chứ còn như Ngài Xá-lợi-phất cũng có thói quen thí dụ như Ngài gặp vũng nước, thay vì Ngài bước, có nhiều khi Ngài thấy được Ngài nhảy qua luôn, Ngài nhảy qua, cái thói quen vậy đó, nhảy qua nó gọn hơn là bước. Quý vị nghe chắc rất ngạc nhiên, một vị Đệ nhất Thanh Văn mà tại sao như vậy, nhưng mà đó là cái thói quen nhiều kiếp. Ngài Mục-kiền-liên một lần Ngài leo núi, mà gặp cái chỗ hơi xa xa, Ngài cũng nhảy qua, thay vì mình nghĩ chắc bay, nhưng không, Ngài nhảy qua. Thì có một ông đại thần tên là Vassakàra của vua A-xà-thế, ông tình cờ ông thấy như vậy, ông nói Ngài nhảy khéo như khỉ vậy. Chỉ vì một câu nói đó. mà ông được một người bạn thân nói không được rồi, ông phải kiếm Ngài ông sám hối cho bằng được, chứ không là ông chết. Thì ổng đi tìm, mà nó xui cho ổng là ổng không có biết Ngài ở đâu, tới lúc ổng tìm được Ngài ở đâu, thì Ngài đã tịch rồi. Chứ nếu mà ổng sám hối kịp, trong Kinh nói sám hối kịp thì còn nhẹ, còn đàng này ổng sám hối muộn quá, thì lúc đó ổng nghe Đức Phật nói là ổng sẽ làm khỉ ở trong miếng đất chùa, cho nên ổng cho người trồng rất là nhiều cây xoài, chuẩn bị để mai này ổng làm khỉ thì ổng có xoài ổng ăn! Nó mệt như vậy đó!
Thì mỗi người có cái thói quen như vậy, Ngài Kaccayàna có cái bữa Ngài cũng đang đi kinh hành tới lui, Ngài thấy có ông đó đẩy nguyên cái xe lúa đi ngang, Ngài hỏi đẩy cái gì vậy? Ổng nói: Dạ đẩy lúa. Ngài tiếp tục Ngài đi kinh hành nữa, đi tới đi lui, Ngài gặp ông này đi ngang, Ngài hỏi đẩy cái gì đó? Ổng nói: Dạ đẩy lúa, hồi nãy con có nói rồi mà! Lát sau ổng đẩy lần một, lần hai, lần ba, lần bốn, mà hễ gặp mặt Ngài là Ngài hỏi đẩy cái gì đó, ổng bực quá ổng nói đẩy phân dê! Thì ổng về nhà, ổng đổ ra, không còn lúa nữa mà toàn là phân dê không! Ổng hết hồn, ổng chạy tới ổng sám hối với Ngài. Ngài có nhiều cái lạ lắm.
Thêm một cái chuyện đặc biệt nữa là Ngài rất là đẹp trai, trong Kinh nói Ngài đẹp lắm, Ngài đẹp như là Phan An tái thế mà Tống Ngọc Tràng Khanh bên Tàu vậy đó, đẹp lắm, hoặc là giống như Narcis bên Hy Lạp. Ngài đẹp lắm cho nên nhiều khi đàn ông mà gặp Ngài họ cũng mê, có cái ông đó ổng nhìn Ngài đi bát mà ổng nghĩ trong bụng: Trời ơi, cái bàn tay như vậy đó, rồi cái cặp mắt, lông mi, cái môi hồng thắm như vậy đó, trời đất ơi cái này mà nữ là chết với mình rồi. Ổng nghĩ như vậy xong thì ổng nghe người nó kỳ kỳ thì về nhà xem lại ổng đã thành nữ rồi. Thế là ổng xấu hổ quá, thứ nhất một phần là xấu hỗ không muốn ai biết, một phần nữa là khi sinh lý thay đổi, tâm lý thay đổi luôn, nghĩa là bây giờ ổng không còn thích mấy chị nữa, mà ổng chuyển qua ổng thích mấy anh. Thế là từ một công tử chuyển qua là một tiểu thư, rồi ổng mới cầm của nả tế nhuyễn tiền bạc, ổng trốn đi xứ khác, ổng lấy chồng rồi ổng sanh con. Ngày xưa ổng là công tử trước khi ổng gặp Ngài mà ổng đem cái lòng mà đam mê, thì ổng là công tử có hai con, bây giờ ổng là tiểu thư, ổng lấy chồng lại cũng sanh hai con. Một ngày kia, qua nhiều năm, ổng tình cờ nơi đất khách quê người gặp lại người quen cũ, ổng hỏi tin tức ở xóm làng quê quán xưa, khi xưa ổng tên là Soreyya, ổng hỏi về tin tức gia đình, ngày xưa đâu có email, đâu có điện thoại, đâu có báo chí, đâu có tv, cho nên ngày xưa ở đất khách quê người mà gặp người quen mừng lắm quý vị, bởi vậy người Tàu họ mới nói là cửu hạn phùng cam võ, hạn lâu mà gặp mưa mừng lắm, mà tha hương ngộ cố tri, khách mà gặp coi như là người quen mừng lắm. Ổng gặp được bạn xưa, họ ngạc nhiên họ hỏi cô là ai mà cô rành xứ của tôi quá vậy? Cổ mới nói thiệt hồi xưa tôi là công tử tên vậy đó, rồi tôi bị vậy đó, bây giờ tôi thành nữ, bây giờ tôi có chồng có con. Thì người bạn cũng là phật tử, họ nói nếu mà bây giờ ông muốn làm nam trở lại, thì Ngài cũng còn ở đó, ông tới ông sám hối coi làm sao, chứ trời đất ơi, làm nam tử hán đại trượng phu đầu đội trời chân đạp đất, đàng này đi làm phụ nữ, cái này thấy cũng uổng đời quá.
Thế là ổng quay trở về ổng gặp Ngài sám hối, xong ổng làm nam trở lại, rồi ổng chán cái cuộc tử sanh như mộng, thế là ổng đi xuất gia và ổng đắc A-la-hán. Mà trước khi ổng đắc A-la-hán thì mấy ông Sư bạn biết cái chuyện đó mới cứ đi theo hỏi hoài, hỏi chứ hai đứa con của vợ ông đẻ ra và hai đứa con của ông sanh ra, thì ông thương cái cặp nào hơn? Thì ổng mới nói thiệt thì dĩ nhiên con vợ nó sanh ra đâu có thương bằng chính mình banh da xẻ thịt mình sanh ra. Tại vì lúc là chồng ổng cũng có hai con, lúc là vợ người ta cũng có hai con. Thì mấy ông Sư khách Tăng lâu lâu về gặp hay hỏi lắm, tò mò thấy trên đời này có chuyện lạ vậy đó. Đắc A-la-hán xong thì cũng có người hỏi câu đó, thì Ngài trả lời thế này:
– Bốn người tôi coi bằng nhau hết, bởi vì ai cũng là chúng sanh ở trong cái cuộc đời đáng thương này, tôi thương bốn người không phân biệt.
Mà thời Đức Phật Thánh Tăng nhiều dữ lắm, cho nên hồi đó mà nói chuyện có cái vẽ hơi trên mây như vậy đó là người ta hiểu ngầm mình là Thánh. Còn thời này là Thánh hiếm quá cho nên mình tha hồ nổ, nổ văng đọt cây cũng không sao hết tại vì cũng đâu có ai tin đâu. Chứ còn thời Phật, Thánh nhiều lắm, coi như là nhắm mắt sờ chạm mà! Cho nên ngày xưa ai nói chuyện có cái vẽ mà hơi trên mây một chút là được hiểu là một cái lời xác định mình thành Thánh. Thì Chư Tăng mới đem cái đó mét với Đức Phật:
– Bạch Thế Tôn, anh em thấy tò mò hỏi chơi ổng vậy, hổng ngờ ổng nổ quá, ổng ăn nói kiểu như ổng là Thánh vậy đó!
Thì Đức Phật nói:
– Đúng, con trai Như Lai bây giờ đã là Thánh, Soreyya bây giờ đúng là nhìn về chúng sanh không còn phân biệt bỉ thử, thân sơ, thù bạn nữa.
Chuyện về Ngài Kaccayàna là như vậy, và Ngài có cái này là Ngài được xem là Đệ nhất luận nghĩa bởi vì Ngài có nhiều huyền thoại liên hệ về Kinh Điển, có cái huyền thoại cho rằng Ngài đã để lại một bộ văn phạm tiếng Pali được soạn bằng miệng, dùng để giải thích văn phạm Pali trong Tam Tạng Kinh Điển, chuyện thứ hai nữa là có cái huyền thoại cho rằng Ngài là tác giả của mấy bộ Kinh của đời sau nữa, thí dụ như bộ Netti tương truyền là của Ngài. Bộ này đối với bản thân tôi thì bộ này được xem là một bộ giáo lý căn bản, tôi mê cái bộ này đến mức mà như ngày xưa có một ông Edwatd Conze là một học giả Phật Giáo, ổng nói nếu mà ổng phải ra ngoài hoang đảo ổng sống và chỉ được quyền mang theo một quyển sách, thì ổng sẽ mang theo bộ Thanh Tịnh Đạo, nhưng mà riêng tôi thì tôi nghĩ rằng nếu mà không mang theo bộ đó thì mang theo bộ Netti cũng rất là đáng. Thì tương truyền rằng bộ này cũng của Ngài và dù sao đi nữa nếu học Pali thì chúng ta để ý thế này, cái style, cái ngôn phong, cái ngữ điệu Pali trong bộ Netti này nó rất là giống, rất là gần gủi với Pali trong Chánh Tạng, nó khác hẳn cái giọng Pali mà ở trong mấy cuốn Chú Giải. Còn các vị hỏi khác kiểu nào, thì nó hơi khó nói, bởi vì các vị biết, các vị đọc thấy nó lạ lắm, cái giọng giống dữ lắm, như mình đọc Nguyễn Bính mình thấy phảng phất cái giọng Kiều vậy đó!
Cái đặc biệt của Ngài là Ngài chỉ nghe một cái gì vắn tắt là Ngài có thể giảng lại rất là sâu, như mình thấy Kinh Nhất dạ hiền giả trong Trung Bộ chẳng hạn là kiểu của Ngài, tức là Ngài thuyết giảng một câu kệ ngắn mà Ngài giảng ra rất là rộng.
Thì trong đời mỗi vị Chánh Đẳng Chánh Giác đều có một vị Tỷ-kheo như vậy!