Buổi 14: Lớp Giáo Lý Căn Bản – Còn Dính Mắc Vào Sắc Pháp Thì Còn Sân – Sư Giác Nguyên 26/3/2024
Còn Dính Mắc Vào Sắc Pháp Thì Còn Sân – Tiếp tục tìm hiểu về Sắc Pháp
Lớp Phật Pháp Căn Bản 14 – Thứ Ba, ngày 26/03/24
(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)
✴️ SẮC PHÁP (2)
Thưa đại chúng,
Trong hai buổi học gần đây nhất chúng tôi có giới thiệu một vấn đề quan trọng, đó là bản chất và cấu tạo, cấu trúc của cái gọi là VŨ TRỤ VÀ CHÚNG SINH qua hai nền tảng DANH và SẮC, từ Phật học gọi là Danh và Sắc và từ thế gian gọi là TÂM và VẬT, chúng ta không thể cực đoan phiến diện một chiều khi mà phán rằng cái nguồn gốc vũ trụ chỉ là Tâm hay chỉ là Vật, thì cái nào cũng là cực đoan hết, mà cực đoan ở đây nó có nghĩa là Biên kiến, là Định kiến, là Thành kiến và chốt lại nó là Tà kiến. Muốn sống ở đời được an lạc hay là muốn thực hành đạo giải thoát thì chuyện đầu tiên phải có Chánh kiến, mà Chánh kiến phải là một cái nhìn đứng ngoài mọi Biên kiến, Thành kiến. Biên kiến là cái nhìn nghiêng về một lề, lề phải hoặc lề trái là Biên kiến, biên là lề. Biên kiến, Thành kiến, Định kiến thì không được, mà chúng ta phải nhớ rằng chúng ta có hai cách nhìn về thế giới, tức là cách nhìn thế giới như nó là và nhìn nó như mình muốn. Đấy. Nhìn nó như nó là, đó mới là cái nhìn Chánh kiến, còn mình nhìn như mình muốn đó là vô Định kiến, Thành kiến và Biên kiến.
Đó là chuyện thứ nhất.
Chuyện thứ hai, sau khi mình nói cái gì là nhìn đúng, nhìn sai, thì mình lại đi tiếp một bước nữa, ngay trong cái gọi là nhìn đúng thì nó lại cũng có hai trường hợp, đó là mình nhìn thế giới qua cái vỏ bọc hiện tượng, cái vỏ ngoài của nó, và cái nhìn thứ hai đó là nhìn đúng, nhưng mà nhìn thẳng vào cái bản thể của nó. Như vậy thì thế giới có hai cách nhìn, đó là cách nhìn trên HIỆN TƯỢNG và cách nhìn về BẢN THỂ. Thì cái cách nhìn về hiện tượng là cách nhìn thông qua những lăng kính, những nền tảng kiến thức, nhận thức. Đấy. Gồm có gọi là :
– Kinh nghiệm bản thân
– Kiến thức trường lớp trên những quan điểm, thông qua những quan điểm xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thì dầu là chúng ta có là Tiến sĩ vật lý, Tiến sĩ về hóa học, một chuyên gia địa chất đi nữa, một chuyên gia sinh vật học đi nữa, thì theo Phật Pháp mà nói, tất cả những kiến thức chuyên môn ấy thảy đều là những nhận thức trên cái võ bọc hiện tượng của thế giới. Thí dụ như một nhà sinh vật học họ nhìn thế giới này họ thấy có cây cỏ, hoa lá, có chim muôn, súc vật, bò bay máy cựa, có nam nữ, có sắc tố nam, sắc tố nữ, sắc tố nam, sắc tố nữ nó là bản chất nhưng mà thông qua vỏ bọc thì nó mới có nam, có nữ, có đẹp, có xấu. Đấy. Nếu nhìn thế giới nhìn thẳng vào bản chất thì không có gì để mình ghét mình thương hết, không có thích thương, ghét sợ. Không có. Nhưng mà chính vì mình nhìn mọi sự qua cái lăng kính của hiện tượng cho nên nó mới có Thích và Ghét.
Thí dụ như nếu mổ xẻ con người ở mức độ rốt ráo thì không hề có một khác biệt nào giữa một người dị tật và một người mỹ nam, mỹ nữ. Không có. Nếu mà phân tích rốt ráo trên mặt sinh học, ai cũng là thịt da, gân xương, máu tủy, giống nhau hết, một Cha một Mẹ thì cơ cấu sinh học trên căn bản giống nhau, nhưng mà trong thực tế thì chúng ta vì sống quen với tập khí phiền não nhiều đời, chúng ta nhìn đời nó qua cảnh hiện tượng, qua vỏ bọc của hiện tượng, thì cũng một Cha một Mẹ đó, nhưng mà mình thấy người này đẹp hơn người kia, giọng nói người này hay hơn giọng nói người kia, ánh mắt người này dễ thương, dễ gần hơn người kia, ánh mắt, giọng nói, mặt mũi, màu da, thước tấc, rồi cung cách xử sự, phát biểu nói năng, giao tiếp, thì tất cả những cái này nó đều là võ bọc hiện tượng của cái gọi
là Danh Sắc.
Xét trong Danh Sắc chúng ta đã học vừa rồi, cơ cấu Tâm Thức của chúng sinh gồm có hai phần, tức là phần Tâm và phần Vật, thì phần Tâm cũng có hai phần đó là Tâm thiện và Tâm ác. Tâm thiện chỉ đơn giản là cái Biết cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính cộng với 25 Tâm Sở Tích Cực thì nó làm nên cái gọi là Tâm lành, Tâm thiện, Tâm tốt.
Còn công thức hai đó là cái Biết cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính cộng với 14 Tâm Sở Tiêu Cực thì nó làm ra cái gọi là Tâm Bất Thiện, Tâm ác, Tâm xấu, Tâm không lành.
Còn nói về Sắc Pháp thì chiều nay tôi nói, Sắc Pháp nghe cho kỹ nha.
Sắc Pháp là Vật Chất.
Vật chất ở trong A Tỳ Đàm nó hơi đặc biệt chỗ này, các vị nghe cho kỹ nha, từ cái góc độ vật lý, hóa học, sinh học, sinh vật, và nhiều lãnh vực khoa học khác, chúng ta có rất nhiều cách để nói về cái gọi là Vật Chất trong và ngoài chúng sinh. Nhưng mà Đức Phật Ngài chọn cách phân tích thế giới này thông qua bốn nguồn gốc. Ngài phân tích cái gọi là Vật Chất thông qua bốn nguồn gốc. Tức là có những thứ Vật Chất nó đến từ tiền nghiệp của chúng sinh, có những thứ Vật Chất nó đến từ đời sống tâm lý của chúng sinh, có những thứ Vật Chất nó đến từ những điều kiện thiên nhiên, và có những thứ Vật Chất nó đến từ chất lượng của các nguồn dinh dưỡng, gồm có thức ăn, nước uống và thuốc men, những gì người ta đưa vào người mình qua các cửa miệng hay là trực tiếp máu, hay là thông qua thuốc chích, thuốc uống, thuốc viên, thuốc tán, thuốc hườn, thuốc sắc, tất cả thức ăn nước uống và thuốc men đều gọi chung là dưỡng tố. Nói như vậy có nghĩa rằng chuyện đầu tiên đạo Phật không có chủ trương một cái nhìn cực đoan, không có cho rằng Tâm hay Vật là nền tảng chủ yếu của thế giới, mà đạo Phật nói rằng cả hai cái đó đều là nền tảng để làm nên thế giới. Thí dụ như bây giờ trong Kinh nói rất rõ, chúng sinh trong đời chia ra làm ba hạng, có những hạng sống chết buồn vui trong thế giới Vật Chất gọi là Dục Giới. Hạng thứ hai là Ly Dục, họ chỉ mượn vật chất như là những đề mục Thiền Định để họ đi về những cảnh giới, trên đó cũng có hình danh, sắc tướng, cũng có mặt mũi, cũng có thân tướng, cũng có hào quang, cũng có thước tấc, cũng có trú xứ, nhưng mà vật chất này nó là ở mức tối thiểu, có nghĩa là họ có vật chất như là những dấu vết sau cùng của cái gọi là Sắc Pháp, chứ họ không có thưởng thức, không có hưởng thụ bất cứ cái gì liên hệ tới Vật Chất. Đó gọi là chúng sinh Sắc Giới, nhưng mà họ vẫn còn hình danh sắc tướng. Lên đến tầng thứ ba là có những chúng sinh họ chứng được Thiền Định Sắc Giới, họ lại chán, họ chán họ muốn lìa bỏ triệt để thế giới liên hệ vật chất, họ tu tập chứng đắc các tầng Thiền Định Vô Sắc, ở trên đó sanh về những cảnh giới mà chỉ còn lại Tâm Thức thôi. Gọi là chúng sanh Vô Sắc. Nhưng mà Vô Sắc này nó tạm thời thôi, sau khi mãn thọ trên đó, chủng tử đam mê Vật Chất nó vẫn còn đó. Nhớ nha. Chủng tử đam mê Vật Chất vẫn còn đó, trong Kinh nói chủng tử đam mê Vật Chất nó chỉ được dứt điểm triệt để, triệt tiêu tuyệt đối ở tầng Thánh thứ ba, Thánh Trí thứ ba. Tất cả là bốn tầng Thánh, thì tầng Thánh thứ ba mới gọi là dứt điểm triệt để cái gọi là chủng tử đam mê Vật Chất, tức là Dục Ái. Chứ còn chưa đến tầng ba này là chúng ta có về đâu đi nữa, bao lâu đi nữa, thì chủng tử đam mê nó vẫn còn đó, và tuổi thọ sau thời gian sống ở trên cõi Vô Sắc, cõi thuần tâm lý, thuần tinh thần, cũng phải quay trở về với đơn vị gốc chỗ thấp nhất, đó là cõi Dục, nơi mà mọi loài sống chết, buồn vui trên nền tảng Vật Chất. Đấy. Nhớ nha.
Thì chiều nay tôi đặc biệt nói về đề tài SẮC PHÁP hay là VẬT.
Chữ Vật như tôi vừa nói, chưa chứng Thánh thì chúng ta luôn luôn và luôn luôn giữ lại cho mình cái Chủng Tử đam mê trong 6 Trần. Nhớ nha. Hễ chưa là Thánh Nhân thì chúng ta luôn luôn có đủ Chủng Tử đam mê trong 6 Trần, đam mê trong 6 Trần có nghĩa là thích nhìn cái này, nhìn hình sắc, hình dáng, màu sắc, thích lắng nghe âm thanh, tiếng động, thích mùi này mùi kia, thích nếm vị này vị nọ, thích mịn nhám, nặng nhẹ, cứng mềm, nóng lạnh. Đấy. Rồi thích tư duy chuyện này, chuyện nọ, thì gọi là đam mê ở trong 6 Trần, hễ chưa là Thánh thì chúng ta còn và tùy thuộc vào ba nền tảng :
1. Tiền nghiệp
2. Khuynh hướng tâm lý
3. Môi trường sống.
Mà mỗi kiếp sống sinh ra ta đi về một cảnh giới nào đó, ở đó chúng ta có đủ 6 Căn hay không, có đủ 6 Căn thì đương nhiên là chúng ta phải vật lộn, phải cày xới với 6 Trần, và có những cảnh giới không đủ 6 Căn. Thí dụ như nãy tôi nói cõi Phạm Thiên Sắc Giới, họ chỉ có Thính giác, Thị giác, và Trí giác, Trí giác là Ý thức, thì họ vẫn chỉ còn có 3 Trần thôi, tức là Sắc trần, Thinh trần và Pháp trần, còn ở cõi Vô Sắc thì ta chỉ còn lại 1 Trần duy nhất, bởi vì trên đó tuyệt đối không có các giác quan Vật Chất. Cho nên trên đó họ chỉ còn Pháp Trần đối tượng Tư Duy thôi.
Còn riêng cõi Dục Giới chúng ta có đủ 6 Trần, và chính vì mình có đủ 6 Căn cho nên mình mới làm việc với 6 Trần, mà 6 Căn này từ đâu nó ra ? Nó từ 6 Ái của quá khứ. Do đời trước có 6 Ái, do niềm đam mê trong 6 Trần của đời trước nó mới tạo ra 6 Trần của đời này, nếu đời này mình có học tập giáo lý, có thực tập Tuệ Quán thì ít nhiều mình làm chủ được 6 Căn trước 6 Trần.
Còn không thì trên nền tảng của 6 Căn đời này nè, mà 6 Căn này nó là Quả của 6 Ái đời trước, trên nền 6 Căn đời này chúng ta tiếp tục thưởng thức, hưởng thụ, chịu đựng 6 Trần, và từ đó chúng ta lại tạo ra các Nghiệp thiện ác và tiếp tục tạo ra 6 Trần, 6 Căn của đời sau. Hễ có 6 Căn là phải có 6 Trần. Bởi vì :
– 6 Căn chỉ được gọi là 6 Căn khi nó nhận thức 6 Trần,
– 6 Trần chỉ được gọi là 6 Trần khi nó là đối tượng nhận thức của 6 Căn.
Nhớ nha.
Thí dụ như trước mặt tôi có ly nước, tôi không thấy gì nó, tôi cũng không nghe ai nói gì về nó, và tôi cũng không nghĩ về nó, thì đối với tôi vào thời điểm đó nó không có, nó không có thật. Đối với tôi lúc đó nó không có thật. Nó không có hiện hữu, nó chỉ hiện hữu thông qua 6 Căn thôi, có nghĩa là khi tôi nhìn tới nó thì lúc đó bắt đầu nó mới hiện hữu, nó hiện hữu trong hình thức là một cảnh sắc, là đối tượng của của thị giác, tôi lấy tay tôi sờ nó thì lúc bây giờ nó hiện hữu trong hình thức là cảnh sờ chạm, đối tượng của xúc giác, tôi nhắm mắt tôi nghĩ về nó bằng ý niệm thích hay ghét, bằng phân biệt rẻ tiền hay là đắt tiền… V.v.. thì lúc đó là bây giờ nó trở thành pháp trần, cũng cái ly đó. Còn nếu mà tôi không thấy, không nghe, không có một nhận biết nào về nó thì đối với tôi, với tôi thôi nha, lúc đó nó không có tồn tại. Nó không tồn tại, nó tạm bợ chỗ đó. nhớ nha. Như vậy thì vũ trụ nó được cấu tạo trên hai thành tố là Tâm và Vật. Tâm thì tôi đã nói rồi, tôi mới ôn lại đó, còn Vật ở đây nói gọn nó là 4 Đại : Đất, Nước, Lửa, Gió. Và bốn cái này phải được định nghĩa một cách rất là chuyên biệt với một ý nghĩa đặc hữu, đặc thù theo A Tỳ Đàm, chứ đất, nước, lửa,
gió, không thể hiểu theo định nghĩa của tự điển, không thể hiểu theo khái niệm khoa học hay là dân gian đời thường, mà đất, nước, lửa, gió, này phải được hiểu một chuyên biệt. Là sao ? Sắc Pháp Vật Chất ở đây nó chỉ là những trạng thái, giống như Tâm Pháp vậy đó, Tâm Pháp là những trạng thái.
Thí dụ như :
– Trạng thái tham đắm, dính mắc thì gọi là Tham.
– Trạng thái bất mãn, trốn chạy thì gọi là Sân.
Ví dụ như vậy, thì Sắc Pháp hay là Vật Chất nó cũng chỉ là những trạng thái, nhưng mà tại sao nó được gọi là Sắc, gọi là Vật ? Là bởi vì nguồn gốc của nó, một là nguồn gốc của nó xuất phát từ Vật Chất, hai là nó được nhận biết bởi các giác quan Vật Chất, và nó bị tác động bởi các điều kiện Vật Chất. Đấy. Cho nên nó được gọi là Vật Chất. Nhớ nha. Chứ nói một cách rốt ráo nó chỉ là những trạng thái. Thí dụ như cái bàn, mình gọi là cái bàn, bởi vì công dụng, hình dáng, chất liệu, những thứ công dụng, hình dáng, chất liệu, làm nên nó và chúng ta gắn lên nó khái niệm về công dụng, hình dáng và tên gọi, thế là nó có cái bàn và chữ bàn ở trong đầu chúng ta. Đấy. Nếu bây giờ cái bàn đó tôi cho là nó cao 1m và tổng trọng lượng của nó là 6kg, mà mình nghiền nát nó ra, mình chia cái bàn đó thành 1 ngàn phần nhỏ, 10 ngàn phần nhỏ, 100 ngàn phần nhỏ xíu, và 1 triệu phần nhỏ xíu, thì lúc bấy giờ cái bàn không còn nữa, cái bàn cao 1m, nặng 6kg, 10 kg, mà chia ra thành 1 triệu phần, một phần triệu cái bàn đó là nó nhỏ xíu, rất là nhỏ. Và khi mà chia đến rốt ráo như vậy thì mình lúc đó mới hiểu àh thì ra cái bàn là một giả niệm, một ý niệm giả lập, nói rốt ráo thì cái bàn chỉ là cứng, mềm. Nó gồm có bốn đại, tức là đất, nước, lửa, gió thôi. Nó những trạng thái thôi.
– Đất là trạng thái cứng, mềm, mịn, nhám, nặng, nhẹ, gọi là Đất.
– Nước là trạng thái tan chảy, ngưng tụ và kết dính.
– Lửa là tất cả các nhiệt độ nóng đến mấy, lạnh đến mấy, được gọi chung là Lửa.
– Gió chính là trạng thái xê dịch, xô đẩy, di chuyển, trương phồng, áp suất, thì những cái này được gọi là Gió.
Chỉ là trạng thái, mà khi những thành tố, những phân tử vật chất ấy nó cộng ghép với nhau trong một hình hài giả lập, hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật, hình bình hành, hình thang, hình lục giác, đa giác, bát giác, thì nó bèn có một cái tên. Chứ còn nếu mọi thứ mình chẻ nhỏ nó ra thành ngàn lần, vạn lần, ức lần, triệu lần, thì mọi thứ đúng là Phàm Sở Hữu Tướng Giai Thị Hư Vọng là chỗ đó.
Cho nên mình học về Sắc là sao ? Để mình một nửa cái gọi là bản chất và cấu tạo của thế giới, một nửa của thế giới nó là Tâm và một nửa là Vật. Thì Vật ở đây nói gọn thì chỉ là bốn đại. Còn nói rộng thì nó gồm có 18 Sắc Pháp, nói hẹp, nói gọi là có 4 : Đất, Nước, Lửa, Gió. Còn nói rộng thì nó có 18.
Sở dĩ mà mình thấy có 28 là bởi vì trong đó nó cộng thêm những khía cạnh của Vật Chất, thì những khía cạnh đó ăn theo như cái cây có bóng cây, cái bóng đó cũng kể là Sắc Pháp, thí dụ như vậy. Thì cái bóng của 18 Sắc Pháp cũng được gọi là Sắc Pháp, bởi vì rõ ràng là nó do Sắc Pháp mà có, và không có Sắc Pháp thì không có nó, cho nên nó cũng được gượng kể là Sắc Pháp, chứ thật ra Sắc Pháp mà kể rộng là 18 nhưng mà nói chính xác thì nó chỉ có 18 thôi. Đấy. Mà 18 đây là cái gì ? 18 tức là đất, nước, lửa, gió, cộng với những cái gì mà chính thức đường hoàng đi ra từ bốn đại, và có nguồn gốc rõ ràng. Là do Tiền Nghiệp thiện ác quá khứ, do môi trường hiện tại tạo ra, thì cái đó nó nguồn gốc rõ ràng, và nói gọn lại thì như nãy tôi nói, một nó chính là các giác quan vật chất, hoặc là các đối tượng vật chất, hoặc là cái làm nên những dị biệt trong thế giới vật chất, chẳng hạn như sắc tố nam, sắc tố nữ, chẳng hạn như sắc dưỡng tố, sắc ý vật, là điểm tựa của Tâm Thức trong mỗi chúng sinh. Thì đây là những thành phần Vật Chất cốt cán, chủ chốt để làm nên cái gọi là thế giới Vật Chất. Còn riêng về mấy cái, 10 cái lắc nhắc, là cái bóng của Vật Chất, thích thì kể, không thích thì thôi, bởi vì nó không có thật.
Thí dụ như là bàn tay tôi. Bàn tay tôi gồm có đất, nước, lửa, gió thôi, nó gồm có sắc tố nam, sắc tố nữ trong đây, nó gồm có sắc tố, nó có sắc dưỡng tố, nó gồm có sắc ý vật trong đây chứ không có gì hết. Nhưng mà các vị thấy tôi quơ quơ thế này nè, tôi làm vậy nè, các vị gọi là vẫy tay, vẫy tay ở đây có thể có nghĩa là tùy hoàn cảnh, có chỗ nó ngụ ý là chào, mà nó cũng có nghĩa là Bye bye, mà cũng có lúc nghĩa là Hello, cũng có lúc là Bye bye, có lúc tôi làm vậy nè các vị biết tôi khen, mà tôi làm vậy nè các vị biết tôi chê. Như vậy là biết tôi khen. Vậy là biết tôi chê. Thì những cái biểu hiện này được gọi là Sắc Thân Biểu Tri. Nó cũng đất, nước, lửa, gió. Nó cũng là gồm có 18 mấy kia thôi. Nhưng mà lúc này bây giờ nó thêm một chi tiết nữa, nó lại thêm một cái thứ sắc nữa gọi là Sắc Thân Biểu Tri. Còn Khẩu Biểu Tri là gì ? Cũng chỉ là cái miệng bốn đại của tôi thôi, rồi cộng với âm thanh thôi, nhưng mà nó được điều khiển bởi ý, nó ra tiếng chào, tiếng cười, tiếng chửi, nó ra những cái thứ ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Bồ Đào Nha, tiếng Mọi, tiếng Mường, tiếng Mán gì đó phải không ? Đấy. Từ cái miệng của mình nó ra âm thanh, và thông qua âm thanh đó người ta hiểu mình muốn nói cái gì ? Cái này được gọi là Khẩu Biểu Tri, thì cái này là bóng của Vật Chất thôi, chứ còn cốt lõi Vật Chất chỉ là đất, nước, lửa, gió, và cộng với 14 cái nữa là 18. 14 cái thành tố, mà cái này mới quan trọng nè, tôi nói cái này sẽ làm ra một cơn địa chấn ở trong giới A Tỳ Đàm trong nước, các vị sẽ về hỏi Sư Phụ và các vị sốc lắm thì mà tôi nói cái này, cái phân tích Sắc Pháp hay là Vật Chất mà mình học ấy nó là chỉ là những con số tương đối thôi, ở trong Chánh Tạng Đức Thế Tôn thường xuyên chỉ nói có bốn thôi. Đất, Nước, Lửa, Gió.
Lâu lâu thì mình thấy Ngài có phảng phất, mơ hồ, Ngài có nhắc ra những thứ Sắc Pháp khác, nhưng mà chủ yếu là bốn đại. Rồi từ đó đó các Ngài, các vị Thánh Tăng uyên bác, các Ngài mới chẻ nhỏ ra, chẻ nhỏ ra, cái chẻ nó không có trật nha, không có trật, bởi vì các Ngài có căn cứ mà, hồi nãy tôi nói Sắc Pháp nếu mình nói Bốn Đại thì làm sao mà giải thích thế giới hiện tượng đây, thế là bắt buộc phải có nói về cái gọi là các giác quan vật chất, các đối tượng vật chất, các thành tố cấu tạo nên những dị biệt trong cái gọi là thế giới vật chất. Nhớ không.
Phải nói rõ, nói rộng ra, mà những cái nói này của các Ngài tuyệt đối là có cơ sở, còn nói hẹp, nói gọn, không phải hẹp mà là gọn, thì chỉ là Bốn Đại thôi. Cho nên nói con số 4 cũng đúng, mà nói 18 cũng đúng, 28 cũng đúng, mà nói 1 cũng đúng. Đó là Sắc Uẩn. Xong.
Sắc Uẩn tức là toàn bộ Sắc Pháp trong và ngoài chúng sinh, gồm cả các giác quan vật chất, các đối tượng vật chất, những gì được cấu thành, được tạo ra bởi vật chất, và bị tác động tích cực và tiêu cực bởi vật chất, tất thảy đều được gọi là vật chất. Gồm có Sắc Uẩn thôi. Nhớ nha.
Cho nên những ai mà trong zoom này đang là chuyên gia về vật lý, chuyên gia về hóa chất, chuyên gia về sinh vật, làm ơn đừng có bị sốc khi mà nay mai đi giảng, đi nghe giảng chỗ này, chỗ kia, nghe Tăng Ni thầy bà phân tích có vẻ cứng nhắc, máy móc, khi mà ôm chặc con số 18, 28 thì tôi xin nhắc rõ là cái kiểu họ thích nói thì họ nói, thích nói vậy, ôm chặc kinh sách. Chứ tôi xin nói rõ các vị yên tâm lời Phật dạy về vật chất tuyệt đối không có chỏi lại kiến thức chuyên môn của các vị về vật lý, về sinh vật, về hóa học, yên tâm lớn về cái sinh hóa, không có chỏi, do ông Thầy của mình chỏi, kiến thức ổng không cho phép, hoặc nhận thức của mình không cho phép, hoặc là những nguồn tài liệu mình đọc nó dìu mình về một chốn ba đào mộng mị, hệ lụy, nó đóng khung mình thôi, chứ Phật không có, Phật không có đi ngược lại khoa học. Nhớ nha. Mình đọc Kinh Phật mà mình thấy nó hơi sốc sốc là do mình chứ phải là do Ngài. Kể cả Ngài nói về những cái gọi là thế giới vi mô, thế giới vĩ mô. Ngài có nói về vũ trụ quan, Ngài nói kỹ lắm, kỹ đây không phải là Ngài nói nhiều, mà kỹ đây là Ngài nói với một cái nhận thức phổ quát, một cách nói phổ quát, một cách nói mà không có một cái nhìn cực đoan phiến diện nào có thể chống ngã, cái xui của chúng ta ngày hôm nay chúng ta ôm chân mấy Sư Phụ. Tôi nói thẳng luôn. phụ là phiến diện, cuồng tín, chấp từng chữ trong Kinh theo cái cách kiến bò miệng chén, cho nên nó tạo ra hiệu ứng cực kỳ tiêu cực, đó là làm cho người ta hoang mang. Phật là đại giác mà sao nói về thế giới nghe khó chấp nhận, khó thuyết phục quá, tôi van các vị học kỹ chút đừng hiểu lầm Đức Phật tội lắm, tội lắm. Nói mà ứa nước mắt. Tội nghiệp Ngài lắm. Ngài thông tuệ lắm. Ngài minh triết lắm. Ngài là trên cả cái chữ gọi là thông thái. Ấy vậy mà hôm nay nguồn tham khảo, những dắt dẫn tiếp cận của chúng ta đến với Đạo Phật nó có vấn đề, thế là chúng ta hiểu oan Đức Phật, tôi gợi ý thôi nha. Tôi gợi ý các vị muốn đọc về A Tỳ Đàm mà đọc cho tới các vị phải tìm đọc những bài viết, những biên khảo của Ngài Bhikkhu Bodhī, ngài Pāyutto bên Thái, ghi nha, tôi đọc rồi ghi nha P.ā.y.u.t.t.o.. rồi đọc của Ngài Bodhī, một người nữa đó là Ngài học giả cư sĩ Karuna Dāsa, cái chữ này dễ lắm, dễ biết Karuna Dāsa là từ bi đó, Dāsa là nô lệ đó, nhiều lắm, hoặc là …. viết sao đọc vậy.
Đọc A Tỳ Đàm mà đọc từ mấy cái tay này nè thì mình mới phần nào, phần nào hiểu đúng Đức Phật, chứ còn ngoài ra, tôi không có chê nha, nhớ tôi không có chê, tôi đang nói trước bao nhiêu triệu người, tôi chịu trách nhiệm chỗ này, tôi không có chê, nhưng mà cái cách đa phần cách người ta nói về A Tỳ Đàm, chẳng hạn nói về Sắc Pháp đi, nói về Sắc Pháp một cách nói rất là ngô nghê, không phải họ ngu, không phải họ dở đâu, mà tại vì họ chọn cách nói mà cận kinh nghiệm, một cách nói cổ phong, một cách nói truyền thống, mà vốn dĩ chỉ được người xưa vận dụng để nói và viết cho người đương thời. Hôm nay chúng ta nói theo từ trong nước là 5G, 4G, chúng ta có thể thấy được nhau qua đại dương, thấy và nghe nhau qua đại dương, chúng ta có thể từ châu lục này qua châu lục kia trong vài giờ đồng hồ, chúng ta ngồi trên mặt đất của hành tinh này chúng ta thể nhìn thấy những hình ảnh trên sao mai, sao hỏa, trên mặt trăng, những hình ảnh được gửi về từ những con tàu vũ trụ, nếu mà chúng ta không thay đổi cách tiếp cận Phật Pháp, thì coi chừng một là mình tự đào thải mình ra khỏi cái gọi là Phật Pháp, hai nếu tiếp tục ở lại Phật Pháp thì chúng ta trở thành những con nhang, những đệ tử mù quáng, cuồng tín, chứ không phải là những đệ tử thông tuệ, ngoan hiền của đức Phật. Không phải, hiểu lầm rồi, rồi đem cái cách hiểu tật nguyền, thiếu máu đó đi rao giảng, đi tuyên truyền, là mình chỉ bôi tro trét trấu cái gọi là Phật Pháp, lợi bất cập hại, tội nhiều hơn công, công tội bất cập. Nhớ nha. Nhớ cái đó. Uổng lắm.
Cho nên chiều nay khi tôi nói về Sắc Pháp, tôi thiết tha kêu gọi bà con nên tìm đến những nguồn tài liệu căn bản, chẳng hạn như chiều nay tôi chỉ nói Sắc Pháp theo một cách rất là riêng, không phải của tôi, mà riêng đây có nghĩa là nó hơi khác với những cái gì đó truyền thống. Tôi nhắc lại, Sắc Pháp là những trạng thái mà sở dĩ nó được gọi là Vật, không phải gọi là Tâm là bởi vì nó có những nguồn gốc Vật Chất. Nó được nhận biết bởi các giác quan Vật Chất, hoặc bản thân nó là những giác quan Vật Chất. Chỉ vậy thôi. Rồi cuối cùng nó bị tác động, được sinh ra và bị tác động bởi những điều kiện Vật Chất, bản thân nó là những giác quan Vật Chất và hoặc là những đối tượng nhận biết của giác quan Vật Chất. Nhớ nha. Thế là nó được gọi là Vật Chất chứ còn nó chỉ là những trạng thái thôi, nó hư ảo, nó giả lập, nó phù hư là chỗ đó đó. Nhớ nha. Nhớ chỗ đó rất là quan trọng, và tôi trong cái sự chân thành nhất mà bà con có thể không tin, trời biết, đất biết, kể từ hôm nay, cái lớp này tôi đắn đo, cân nhắc, và với sự góp ý của những thân hữu, lớp một tuần chỉ còn một ngày thôi, và sở dĩ tôi phải nói rằng có Tam Bảo biết là biết cái gì? Tôi rút ngắn không phải vì tôi lười, không phải là vì tôi không thương quý vị, không phải là tôi không bận tâm đến cái vận mệnh, mạch mạng tông môn của Phật Pháp, mà tôi chỉ muốn lớp này nó chuyển cho các vị một ít lửa, một ít cảm hứng, để mình trực tiếp gặp nhau ở một cái lớp line nào đó, chứ không thể nào học cái kiểu online kiểu này hoài không khá, kì rồi ở lớp Kalama tôi cho là thành công, thành công vượt ngoài mong đợi của tôi. Vì sao vậy ? Vì tôi có một thói quen không biết tốt hay xấu, tôi nhìn ai tôi luôn nghĩ xấu người ta trước, làm việc gì tôi cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất, có lẽ nhờ vậy, có lẽ nhờ vậy mà đối với lớp Kalama tôi đã thấy ra được ở đó một thành tựu ngoài ý muốn, bà con ở xa về học trực tiếp với chúng tôi, và mai này đương nhiên không phải chỉ một mình tôi đứng lớp, bà con sẽ có dịp gặp gỡ nhiều vị Thầy khác, và cũng phải nói rõ là các khóa Thiền tuyệt đối không có bóng dáng, chỉ các Thiền Sư Miến Điện và đương nhiên tôi sẽ tìm chọn cho các vị những người phiên dịch mà tôi thấy là Ok. Thiền là phải học với các vị Thiền Sư chánh hiệu, phải không. Chúng tôi chỉ là kẻ hát rong bên lề Phật Pháp. Tôi sẽ kèm cập cho các vị một căn bản nhất định nào đó theo hướng mà tôi gọi là dựng chòi cho những người xưa nay ngủ lều, theo cái hướng đó, dựng chòi cho những người xưa nay chỉ có ngủ lều, dựng cái chòi rồi bà con mới thay từ từ.. thay từ từ cột tre, cột gỗ, vách lá, vách gỗ, vách tường, mái cũng vậy, từ mái tranh mái cỏ thành ra là mái tole, mái ngói, hoặc là đổ bê tông, phải không ? Nhưng mà đầu tiên phải có cái chòi trước đã, chứ còn cái lều là từ cái lều là không cách nào hết, tiền đâu ? Tiền đâu mà từ cái lều quất một phát nó lên tới lâu đài nghìn tỷ ? Tiền đâu ? Mình không có, mình phải biết mình nghèo mà, mình nghèo, mình nghèo… Nhớ nha, mình nghèo, cho nên tôi thương quá… thương quá. Thấy ngũ lều thương quá cho nên giúp cho cái chòi, mà tại sao phải lựa cái chòi là vì sao ? Vì ngay trong cái tên gọi cái chòi là mình đã thấy mơ hồ, mình thấy cái dụng ý của người ta rồi, chòi là phải có cọc, chòi là phải có vách, chòi là phải có một mái che, chòi là mình phải thấy có cửa sổ và cửa cái, phải có. Đấy. Phải có. Rồi bà con mới từ từ… từ từ…
Tôi quay trở lại, quay trở lại đề tài Sắc Pháp chiều nay, ở một kẻ phàm phu chưa chứng Thánh thì lúc nào chúng ta cũng có cái mà nhà Phật gọi là …. là cái tập khí tiềm tàng, cái niềm đam mê trong 6 Trần. 6 Trần nên biết là có Vật Chất và có Tâm Thức trong đó đúng không ? Có. Bắt buộc rồi, nghe số 6 là biết có Tâm và Vật trong đó, và tùy trình độ mà thế giới sống của chúng ta có lệ thuộc cái gọi là Vật hay không ? Hễ mà chúng ta còn đam mê trong 6 Trần thì chúng ta phải lệ thuộc cả Tâm và Vật. Với trình độ cao hơn thì chúng ta chỉ còn lệ thuộc vào cái Tâm thôi. Nhưng mà có điều nó rất là tạm, nó qua giai đoạn đó quay trở lại là thế giới của Tâm và Vật nữa, thế giới Vật Chất nó quan trọng chỗ đó, nó là cái Nền của sanh tử. Hễ là còn phàm phu là còn sanh tử, mà còn sanh tử là còn phải dính tới Tâm và Vật. Lâu lâu đi chơi xa xa chút thì không có dính tới Vật, nhưng mà ở trong đáy lòng tâm khảm sâu thẳm chúng ta chưa có dứt bỏ triệt để niềm đam mê trong Sắc Pháp và Vật Chất.
Quan trọng lắm. Trong Kinh nói rất rõ Đức Thế Tôn và các vị Đại Đệ Tử của Ngài, không cần đại, đệ tử thường thôi, các vị đệ tử lục thông của Ngài đều là những vị có chủng tử ly dục hết. Nhưng mà do đại sự nhân duyên, mà nói theo từ của Bắc Truyền là thị hiện, do đại sự nhân duyên mà các Ngài phải có mặt ở cõi dục theo thúc đẩy của Dục Ái tiền kiếp, luân hồi mà, Bồ Tát chưa thành Phật cũng là phàm, thì do Bổn Nguyện và với sự tác động rất là máy móc của Dục Ái tiền kiếp mà các Ngài phải có mặt trong cõi Dục Giới để thành Phật, để tu hành xuất gia, đi bát khất thực đời sống giữa một không gian nóng lạnh, đói khát, bệnh hoạn, phải không ? Chứ còn trong Kinh nói rất rõ Bồ Tát Tất Đạt ngay trước lúc thành Phật là đã chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, nếu mà kiếp đó Ngài không thành Phật thì Ngài không có cái chuyện quay lại cõi này, tắt thở một phát là đi thẳng về cái cõi là Vô Sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, cõi cao nhất, cõi Vô Sắc cao nhất. Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Ca Diếp, tất thảy đều như vậy. Những vị đệ tử lục thông của Ngài đều là có khả năng chứng Thiền Vô Sắc hết, và nếu không chứng La Hán thì các vị đó tuyệt đối là phải bỏ đây mà đi, về trên cõi Vô Sắc, cõi đó chỉ có Tâm Thức chứ không có hình danh sắc tướng. Nhớ nha. Nhưng mà do đại sự nhân duyên, do bổn nguyện, đại nguyện, các ngài phải có mặt ở cõi Dục. Bởi vì muốn thành Phật độ sinh là bắt buộc phải ở Cõi Dục, mà đệ tử của một vị đạo sư cõi dục thì cũng phải là người ở cõi dục mới được, vị đại đệ tử mà gắn kết, khít khao áh, chứ còn đệ tử mà đệ tử xa xa đó thì cõi nào cũng được. Đấy.
Thiên chúng trong vô lượng vũ trụ thì không cần thiết phải là người cõi Dục, nhưng mà các vị đại đệ tử gắn bó với cái gọi là Tăng Đoàn như là : Đệ Nhất Đầu Đà, Đệ Nhất Pháp Sư, Đệ Nhất Phấn Tảo, Đệ Nhất Trì Luật, Đệ Nhất Thần Thông, Đệ Nhất Túc Mệnh, Đệ Nhất Biện Tài, Đệ Nhất Luận Nghĩa. Tất thảy đệ nhất đó bắt buộc phải là đi chung một Tăng Đoàn với nhau, bên cạnh Thế Tôn. Đấy. Thế là các vị phải có mặt cõi Dục. Nhớ nha. Chứ còn người mà đam mê trong Vật Chất nó có đặc điểm, nghe cho kỹ chỗ này quan trọng. Người mà còn đam mê trong Vật Chất thì người đó đương nhiên, cố nhiên, mặc nhiên, phải bị một hệ lụy cực kỳ cay đắng. Nghe cho kỹ chỗ này nha : CHÚNG SINH MÀ HỄ CÒN ĐAM MÊ TRONG VẬT CHẤT, TRONG SẮC PHÁP, đam mê trong 14 cái hồi nãy tôi nói, 18, trong 18, tức là 4 đại cộng với 14 ra 18, người mà còn đam mê trong đó thì phải bị một hệ lụy mà tôi gọi là cay đắng, đó là còn SÂN TÂM.
Hễ còn DỤC ÁI là còn SÂN.
Hai ông Thầy này là một cặp, một cặp thanh mai trúc mã, không rời nhau được, sinh tử đồng mệnh, cặp này gọi là thanh mai trúc mã, sinh tử đồng mệnh, có nghĩa là hễ mà mình chứng Thiền, chứng Sơ Thiền thì Dục Ái tạm thời biến mất thì Sân cũng phải biến mất. Lát nữa tôi sẽ giảng sâu về chữ Sân. Tiếp theo đó là khi mà mình chứng Sơ Quả, trong Kinh không nói rõ nhưng mình bắt buộc phải hiểu, đó là vị chứng Sơ Quả là họ diệt trừ được Thân kiến, Hoài nghi. Giới cấm thủ tôi không có kể là bởi vì Giới Cấm Thủ nằm trong Thân kiến, Hoài nghi. Cho nên thích thì kể, không thích thì thôi, kể nhiều bà con khùng, phải không. Thân kiến, Hoài nghi. Khi mà Vị Tu Đà Hườn mà chấm dứt được Thân kiến không có chấp “Tôi” và “Của Tôi” trong cái thân này nè, trong Tâm và Vật, thì cái Dục ái và Sân này giảm, Kinh không có nói nhưng mà mình phải hiểu nó có giảm, không phải không có nói.. có.. có.. nhưng mà có trong Chú Giải thôi chứ trong Chánh Tạng không nói. Chánh Tạng thì chỉ nói giảm nhẹ, vì nó chỉ dứt hẳn Dục ái và Sân, chứ không có nói đến chuyện cái câu tôi vừa nói, câu mà dứt hẳn Thân kiến, Hoài nghi, nhưng mà cũng giảm nhẹ các phiền não còn lại, đặc biệt là Dục ái và Sân. Nhưng mà lên đến tầng thứ hai là tầng Nhị Đạo, tầng Thánh thứ hai là cái phần giảm nhẹ nổi bật cho nên mới được nhắc tới, tiếng Phạn …. là giảm nhẹ, đến tầng Thánh thứ ba dứt hẳn luôn, …. dứt hẳn luôn, đoạn trừ hẳn luôn, đoạn trừ hẳn Dục ái và Sân. nhớ nha.
Như vậy Sắc Pháp nó quan trọng chỗ nào ? Là hễ anh còn đam mê trong 6 Trần, Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc và Pháp, Pháp thì khỏi nói rồi, nhưng mà đam mê trong 6 Trần, còn thích nghe, nhìn, ngửi, nếm, đụng, thì anh phải còn chấp nhận một thứ phiền não mà tôi gọi là cay đắng. Sân. Sân khổ lắm. Khổ lắm luôn. Sân là mọi hình thái tâm lý bất mãn gồm có :
– Sợ hãi, hờn giận, căm ghét, phải không ? Sợ hãi, hờn giận, căm ghét, bủn xỉn, tiếc của, rồi gì nữa ? Ghen tị tật đố. Rồi gì nữa ? Tiếc nuối, ray tứt, ghê không ?
Nghe cho kỹ nha.
– Căm hờn, thù ghét, bất mãn, sợ hãi, tật đố, ganh ghét, ghen tuông, tị hiềm, bủn xỉn, ray rứt, tiếc nuối… với những gì mà mình đã làm hoặc không chịu làm, đã nói hoặc không chịu nói, đã nghĩ hoặc không chịu nghĩ ra, thì tất cả những cái hình thái tâm lý bất mãn này này nè, tiếc của, theo A Tỳ Đàm tiếc của cũng là bất mãn.
– Sợ ma, sợ chuột, sợ chết, cũng là một kiểu Sân, bất mãn, một kiểu bất mãn.
– Ghen tuông, ganh tị cũng là bất mãn.
– Tiếc của, bủn xỉn cũng là một kiểu bất mãn.
– Tiếc nuối, hối hận cũng là một kiểu bất mãn.
Ghê như vậy.
Phải nghe kỹ chỗ này, coi như một người nào còn đam mê trong Vật Chất thì người này phải còn Tâm Bất Mãn với các hình thái tâm lý mà tôi vừa nói. Nhớ nha.
Nó quan trọng lắm, mà trên đời này Khổ nó có hai. Đó là :
– KHỔ CẢM GIÁC và KHỔ BẢN CHẤT.
Khổ trên đời này có hai, gọi là biển khổ, nó có hai là:
– Khổ cảm giác và Khổ bản chất.
– Khổ cảm giác là những cái gì mà khó chịu của Thân và Tâm.
– Khổ bản chất là nói chung cái gì mà nó bất toàn, bất trắc, còn bất toại nó thuộc về khổ cảm giác, bất toàn bất trắc, cái mà phải lệ thuộc các điều kiện, có rồi phải mất đi, rồi sẽ chuyển đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác, thì cái đó gọi là Khổ bản chất.
Mà nói rộng thì khổ cảm giác và khổ bản chất này nói rộng nó gồm có ba.
Nó gồm có :
1. Khổ Khổ là sự có mặt của những gì làm cho thân tâm khó chịu.
2. Hoại Khổ là sự vắng mặt của những gì làm cho thân tâm dễ chịu.
3. Hành Khổ chính là mọi hiện hữu dù đắng hay ngọt, khổ hay là vui, mọi hiện hữu sở dĩ được kể là Khổ là chỉ vì nó lệ thuộc các điều kiện, ngay cái chuyện lệ thuộc các điều kiện nó là một cái khổ, phải sống tâm linh một chút mới thấm chỗ này.
Tôi nuôi các vị, tôi bỏ đói các vị, để cho các vị phải đói, phải lạnh, đói không có gì ăn, khát không có uống, bệnh không có thuốc, tối không có gì đắp, đó là khổ. Tôi mở máy lạnh cho các vị dễ chịu một lúc rồi tôi tắt, động tác Turn off máy lạnh đó là làm tôi khổ, không mở máy lạnh là một cái khổ, mà mở rồi tắt là một cái khổ, nhưng mà cái này mới quan trọng nè. Chính vì các vị có mặt dưới tay của tôi, bản thân cái chuyện có mặt đó đó, tại sao bao nhiêu nhà các vị không ở ? Bao nhiêu ông chủ các vị không có gặp ? Trời đất bao la tại sao không có đi đến nơi khác mà mắc cái chứng gì phải chạy về sống với tôi hả ? Mắc cái chứng gì để rồi tôi đày đọa các vị, để rồi hồi thì tôi để nóng, để lạnh, để đói, để khát, rồi hồi thì mở tắt cái máy lạnh, máy quạt. Thì chỉ riêng cái chuyện về ở với tôi nó đã là cái khổ rồi. Mai mốt Ba Má, anh chị, người thân các vị mà nghe nói các vị nói về với Kalama là thôi… thôi… con về đó khổ lắm con. Họ chỉ nghe nói về Kalama là bắt đầu họ thấy khổ rồi, chưa biết tôi đày đọa kiểu nào, thì tôi đày đọa bằng hai cách :
Khổ khổ và Hoại khổ.
Nhưng mà chuyện các vị bay tới …. leo lên xe hơi và chạy về …. ngay cái chuyện đó là đã đi tìm về cõi khổ rồi. Xong chưa ?
Tại sao tôi đang nói về Vật Chất mà tại sao tôi quẹo qua đây ? Là bởi vì hễ ngày nào còn đam mê Vật Chất tức là còn Dục Ái thì chúng ta phải còn Sân.
Sân là tâm thái bất mãn, các bậc Thánh họ cũng có thể do môi trường hiện tại hoặc là do tiền nghiệp quá khứ mà họ bị đói, bị lạnh, bị bệnh, bị tai nạn, nhưng mà họ chỉ có đau ngoài da thôi. Họ chỉ đau thân xác thôi. Bởi vì họ không có tâm Sân, hoặc nếu có cũng nhẹ lắm, như cái Sân của Tu Đà Hườn nhẹ lắm, Sân Tu Đà Hườn không đủ đâu vào đâu hết, Sân của Tu Đà Hườn có cho vui, có cho có phong vị vậy đó, không đủ để đọa, không đủ để làm ác hại người, trong khi mình lại khác, cái Sân của mình nó kinh hoàng lắm, kỳ rồi các vị biết trên chuyến bay mà từ… mới đây nè, cách đây có 8 ngày tôi bay từ Sài Gòn, mới 8 ngày thôi, ngày 17 tôi bay về Dubai, rồi từ Dubai về …. , tôi phải nói là chuyến bay bão táp, nó bị turbulence nó bị nhiễu, nó bị nhiễu khí. Trời.. nó lắc. Nó lắc không có ghê, cái sợ mới ghê. Cái lắc nó không có ghê, cái lắc nó không có ghê mà nó cắm đầu xuống đất nó nổ bùm một phát, thân xác của tôi bị xé thành chục mảnh không có ghê. Cái ghê là cái Sợ. Sợ là Sân. Sân hồi nãy tôi có nói rồi, giận hờn, căm ghét, bất mãn, ghen tuông, ganh tỵ, tiếc của, tiếc nuối, ray rứt, hối hận, rồi lúc đó mình mới thấy, hễ còn Dục Ái là còn Sân, mà còn Sân là nó còn sợ, còn giận, còn ghét, nó khổ kinh hoàng lắm.
Bởi người ta nói :
– CÁI CHẾT NÓ KHÔNG ĐÁNG SỢ BẰNG CÁI SỰ SỢ CHẾT là chỗ đó.
Và câu thứ hai đó là :
– TRÊN ĐỜI KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG SỢ BẰNG CHÍNH LÒNG SỢ HÃI.
Ghê không ? Và
KHÔNG CÓ KẺ THÙ NÀO ĐÁNG SỢ BẰNG BẢN THÂN LÒNG CĂM THÙ.
Các vị biết áh là phật tử Việt Nam, nói chung người Việt Nam đi, cái số người mà tôi thương mến ấy, chắc chừng 1% số người tôi biết thôi. Tôi nói thiệt. Ai tôi cũng sợ hết. Ai tôi cũng đề phòng, sợ có, ghét có, tôi biết tôi đang giảng cho Việt Nam mà tôi nói cái này mất lòng ghê lắm, phải không ? Sớm muộn gì tôi cũng bị thuốc, nhưng mà mình đang nói Pháp phải nói thiệt chứ, phải không ? Nhưng mà chỉ có 1% thôi, cứ có 100 nguời là tôi thương có người thôi. Đấy. Nhưng mà ở đâu nó ra cái đó ? Cái tâm của tôi. Yeah. Cái tâm của tôi. Họ
là họ thôi, mắc cái gì tôi rước họ vào lòng của tôi, để là mỗi lần nghĩ tới Việt Nam, nghĩ đến con rồng cháu tiên, nghĩ đến cái bản đồ chữ S, nó nhói cái, nhói cái … Tại sao vậy ? Tại vì cái tâm sân của tôi, cái lòng e sợ, cái sự bất mãn, cái sự e dè, cái sự dè chừng, cái thành kiến, cái định kiến của tôi. Đấy. Ai tôi gặp tôi cũng ngán hết, ngán cách nghĩ của mình về đạo, về đời, về nhận thức của người Việt sợ lắm. Đấy. Mà tôi ngồi tôi nghĩ thật ra họ không đáng sợ, không đáng phiền bằng chính bản thân thành kiến của tôi, cho nên ngày nào mà chúng ta còn nặng lòng với thế giới Vật Chất thì ngày đó chúng ta còn phải chấp nhận bao nhiêu thứ hệ lụy, mà đặc biệt là cái lòng bất mãn mà thuật ngữ nhà Phật gọi là tâm SÂN. Dễ sợ. Khổ lắm.
Đời vốn dĩ nó không đắng, không ngọt, nhưng mà vì có tham thích, ghét sợ, cho nên chúng ta mới có phân biệt đắng và ngọt, mà có được cái ngọt mình gọi là hạnh phúc, và chấp nhận cái đắng mình gọi nó là đau khổ. Cả đời chúng ta vì đi tìm ngọt và trốn cái đắng, cho nên chuyện bậy bạ nào cũng làm hết, và đem nướng cả cuộc đời mấy mươi năm ngắn ngủi của mình cho cái chuyện trốn đắng, tìm ngọt. Trong khi đó, nếu mà mình bỏ được cái thích, mình hiểu được Vật Chất nó là gì ? Bớt được một tí vật chất, bớt được một tí đam mê vật chất là mình bớt được một tí bất mãn, thì mình khả năng sống an lạc rất cao, rất cao. Mà hễ còn đam mê Vật Chất là còn phải có tâm bất mãn, mà hễ có tâm bất mãn thì khi gặp chuyện trái ý bất toại mình sẽ khổ gấp trăm lần. Ví dụ như Vị La Hán nói riêng mà bậc Thánh nói chung đi bát, đi khất thực mà bị người ta liệng đá vô người, thì đối với các Ngài chỉ là đau thôi, còn mình phàm phu cái đau nó không phải là đau thể xác đâu mà nó còn đau tùm lum hết, mình liếc mình thấy người liệng mình là ai ? thằng Tèo con của bà Tám, mà bà Tám bả là không ưa mình lâu rồi, bả mới theo mình, mình phân tích bà Tám tại sao bả không ưa mình ? bởi vì bla.. bla… rồi hôm nay bả muốn liệng mình bả mới kêu con bả, bả ngại không dám liệng, bởi vì bả liệng chạy không kịp mới kêu thằng con mình liệng, tại sao bao nhiêu ông Sư không liệng mà sao liệng mình ? Tức là chỉ có một viên đá liệng trúng lưng mà mình phân tích như vậy. Vết răng tháng chạp mà dấu bằm tháng hai là chỗ đó. Nó chọi tháng chạp, mà nó đau tháng hai lận, mà cuối tháng hai vết bầm nó vẫn còn, cái khổ phàm phu nhân lên mấy lần.
“Vết răng tháng chạp, dấu bầm tháng hai”. Nó quan trọng lắm, thái độ của mình nó biến thế giới thành màu hồng hay là màu đen, và trong Kinh nói rất rõ, trong Kinh Sa Môn Quả Đức Phật dạy, Sa Môn Quả nha. Ngài nói rằng năm thứ phiền não sau đây gồm có :
– Dục ái đam mê vật chất.
– Sân là niềm bất mãn trong vật chất.
Dục ái, Sân, bất mãn trong 6 Trần nói chung.
– Hôn thụy là buồn ngủ và và lười biếng.
– Trạo hối có nghĩa là phóng dật và ray rứt.
– Và cái cuối cùng Hoài nghi.
Ngài dạy rằng chính từ năm Triền Cái này nó làm cho chúng ta có một cái nhìn lệch lạc về thế giới. Ngài nói chẳng hạn như tâm Sân nó làm cho chúng ta có một cái nhìn tật nguyền về thế giới theo cái hướng tiêu cực. Ngài nói người sống nhiều với tâm Sân giống như một người bệnh mà cái lưỡi nó bị hư, bị mất vị giác, ăn cái giống gì vô thấy lạt nhách, có nhiều khi mình bị bệnh mình ăn gì vô thấy nó nhẫn nhẫn, đắng đắng, thấy nó nhẫn nhẫn ăn cái giống gì vô nhẫn nhẫn, hoặc là mình không thấy cái ngọt như là người nấu họ muốn, mình thấy cái gì cũng lạt nhách, hoặc là nó ngọt nhưng mà ngọt kỳ lắm, hoặc là thấy nó nhẫn nhẫn, thì với một tâm Sân là mình, cái khẩu vị tâm thức, khẩu vị có hai, khẩu vị sinh học và khẩu vị tâm lý, thì khẩu vị tâm lý của mình nó bị ảnh hưởng nặng lắm khi mình sống với Tâm bất mãn, mình nhìn người, nhìn cảnh, nhìn vật, nhìn quan sát sự kiện, vấn đề nó tật nguyền, nó tiêu cực lắm, mà tại sao tôi nhấn mạnh, chiều nay tôi nhấn mạnh cái này bởi vì hễ chìm sâu trong thế giới Vật Chất, đắm đuối trong đó chúng ta sẽ bị vô số cái bất lợi, một là chúng ta vì nó mà tạo vô số ác nghiệp. Trong khi nếu mình là người biết Ly Dục thì ác nghiệp mà chúng ta tạo nó chỉ có một phần triệu thôi, tức là nhiều lắm mình có đam mê trong Thiền Định thôi, chứ mình không có tạo một ác nghiệp nào ngoài ra hết, chỉ một phần triệu, một phần tỷ thôi.
Nhưng mà khi mình đam mê trong Dục, trong Vật Chất, trong Sắc Pháp thì mình sẽ có một tỷ cơ hội để tạo các ác nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, lừa đảo, lật lộng, phiếm luận, ác khẩu, tùm lum hết, đó là cái thứ nhất. Vì đam mê trong Sắc Pháp chúng ta sẽ tạo vô số ác nghiệp, vì đam mê trong Sắc Pháp chúng ta tuyệt đối có cơ hội đi xuống các cảnh giới khổ nhất và nếu được làm người thì cũng tuyệt đối có cơ hội để sống trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, khốc liệt nhất. Đấy.
Như vậy cái thứ nhất đam mê Vật Chất chuyện đầu tiên là chúng ta có cơ hội để làm tất cả các ác nghiệp. Thứ hai có cơ hội để phải chịu tất cả những nỗi đau ghê gớm nhất. Và cái thứ ba đam mê trong Vật Chất là chúng ta đang rời xa Trí Tuệ giác ngộ, trong khi người mà họ Ly Dục cơ hội họ nhàm chán sanh tử nó rất lớn, rất nhiều, nhưng mà người đam mê Vật Chất cơ hội cầu giải thoát, chán sanh tử ít hơn.
Đây là lý do vì đâu mà các đại nhân như Thế Tôn, Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ngài A Nậu Đà La, là các vị đó trong Kinh khả năng Ly Dục của các Ngài chỉ là rút trong túi áo thôi, đang là Vua chúa, khanh tướng, công hầu, mà chỉ cần nháy mắt phát thò tay rút ra là Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền. Dễ ẹc. Dễ như vậy đó. Công hầu, khanh tướng, hoặc đang là ngư tiều canh mục, đói nghèo có, nhiều khi các Ngài cũng đói nghèo. Có. Nhưng mà chỉ cần một thoáng chán đời là thò tay trong túi móc ra là có Sơ, Nhị , Tam, Tứ Thiền liền. Dễ ẹc vậy đó. Dễ lắm.
Phải có khả năng, do cái bổn nguyện mà các Ngài phải quẩn quanh các cõi dục thôi, chứ còn các Ngài khả năng Ly Dục trong túi áo, cần là móc ra, cần là móc ra, giống như một người đi lạc đường thò tay trong túi rút ra coi số phone với cái bản đồ dẫn về nhà. Tức là các Ngài đi thấy ủa kỳ vậy ta là thò tay vô túi móc ra là thấy trong túi có con đường dẫn về Phạm Thiên liền. Còn mình thì sao ? Còn khuya. Đi chết đi. Mình còn khuya, mình còn khuya mới có khả năng Ly Dục, mà không có khả năng Ly Dục thì chua lắm. Đấy. Người có khả năng Ly Dục, cái cảnh giới mà họ đi về là Phạm Thiên. Mà nếu họ ở cõi người này họ có khả năng nhớ được tiền kiếp, thấy được kiếp sau, thấy được kiếp trước, thấy được một phần cái gọi là Nhân Quả báo ứng, họ thấy bằng Trí Tuệ thực chứng. Còn mình thì sao ? Mình thì không. Mình khá lắm gặp Minh Sư Thiện Hữu là được người ta gọi là giải thích rao giảng nhẹ nhẹ mình cũng tin, mà tin cũng đại khái mơ hồ. Chuyện trước mắt người có học giáo lý phải học giáo lý, có sống chánh niệm, miên mật cái đức tin của họ, cái niềm tin của họ vào Tam Bảo, về lý Nhân Quả, về Luân Hồi, về các cảnh giới đó. Nó sâu lắm.
Chưa cần đắc gì hết.
Có giáo lý nha. Phải có giáo lý. Phải có sống chánh niệm, liên tục thường trực, miên mật khít khao, khắng khít, thiết tha, thì niềm tin của họ đối với Tam Bảo, với Phật Pháp, với những vấn đề trừu tượng như là Luân hồi, Quả báo, các cảnh giới, các chủng loại Chúng Sinh siêu hình, khuất mặt, là nó sáng bừng, nhưng mà vẫn không bằng cái ông thầy mà ông đắc Thiền Ly Dục.
Cho nên chiều nay tôi đặc biệt nói rõ cho các vị nghe Sắc Pháp là cái gì ? Thế giới của Tâm và Vật đó là gì ? Và vai trò, ý nghĩa, tác dụng và tác hại của Sắc Pháp đối với chúng ta đó là cái gì ? Có người trên nền tảng Sắc Pháp họ tìm ra con đường giải thoát, có người trên nền tảng Sắc Pháp chỉ thấy ra con đường để sa đọa luân hồi thôi. OK. Tôi nghe tiếng chuông nó reo rồi, hình như đã đúng giờ rồi.
Chúc các vị một ngày vui.
Và hẹn nhau kỳ sau là tôi giảng, các vị nghiên cứu lại đi, cân nhắc lại đi, một tuần tôi chỉ còn có một ngày thôi nhe, một tuần ngày thôi, tuần có ngày thì không biết là quý vị cân nhắc dùm tôi cái ngày Thứ Ba hay Thứ Năm thì cho tôi biết.
Chúc các vị một ngày vui.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.