Nội Dung Chính
Buổi 10: Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Thiện Tín, Niệm, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Hành Xả – Sư Giác Nguyên
(Lớp Phật Pháp Căn Bản – Buổi 10 – Thứ Năm, ngày 25/01/24 – Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)
Thưa đại chúng, chúng ta đã học xong 14 TÂM SỞ TIÊU CỰC, có nghĩa là 14 Tâm Sở đó cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính nó thành ra là 27. 14 + 13 thành 27.
Thì 27 này là 27 Tâm Sở mà cộng với cái Tâm. Tâm đây chỉ là Biết thôi nha. Tâm chỉ là Biết chứ không có thiện ác gì hết, tôi nhắc lại sở dĩ mình kêu là 121 là tại vì mình kể ra các tình huống là cái Biết đó nó cộng với cái gì thì nó ra Tâm gì, cái Biết đó nó cộng với cái gì nó ra Tâm gì chứ còn căn bản Tâm chỉ là một thôi.
Tâm chỉ là Biết thôi.
Không thiện không ác gì hết, thì cái Tâm đó khi mà nó nương vào Căn nào trong 6 Căn, biết Trần nào trong 6 Trần và cái Tâm Sở nào đi chung với nó. Căn, Cảnh và Tâm Sở chính 3 cái này nó mới quyết định Tâm đó là Tâm gì.
Chúng ta đã học xong 13 TÂM SỞ TRUNG TÍNH, có người nhắn tin là chúng tôi đã quên bỏ sót không giải thích cái TÂM SỞ ĐỊNH, Tâm Sở quan trọng như vậy mà lại bị bỏ sót, không sao mình chỉ nói thoáng qua thôi.
ĐỊNH bản thân nó không thiện không ác gì hết, TÂM SỞ ĐỊNH nó không thiện ác gì hết, nó chỉ là sự tập trung tư tưởng, cái sự tập trung đó nó có thể đi với Tâm thiện hoặc là Tâm bất thiện.
Ví dụ như một con cò mà nó đứng rình cá, một người thợ săn mà đang rình thú để bắn, hay là một hành giả đang chuyên tâm tập trung vào cái đề mục, thì trong cả hai trường hợp thiện ác đó, thì cái Tâm Sở Định đó nó chỉ đóng một vai trò rất là máy móc, đó là sự tập trung vào đối tượng thôi, chứ ở đây thì bản thân nó không có thiện ác gì hết, nhưng mà sở dĩ nó được gọi là thiện là bởi vì bên cạnh nó là các Tâm Sở Thiện, còn nó sẽ bất thiện khi nó đi cùng với các Tâm Sở Bất Thiện. Nhớ nha.
Cho nên ĐỊNH có hai trường hợp là có lúc nó đi với Tâm Bất Thiện, có lúc nó đi với Tâm Thiện, nó chỉ là sự thêm về mặt kỹ thuật thì nó là vậy thôi.
Như bữa hổm tôi có nói,
– Tâm Sở Tư chính là cái chủ ý,
– Tâm Sở Tác Ý nó chính là sự cố ý,
– Tâm Sở Định nó là sự tập trung.
Ví dụ như bây giờ do có chủ ý nhắm tới mục đích gì cho nên chúng tôi đã lấy cái mũi khoan đặt vào trong tấm gỗ. Đó là chủ ý.
Và cái tác ý ở đây là sự cố ý, có nghĩa là cái cái lỗ khoan đó được thực hiện bằng một cách cố ý chứ không phải ngẫu nhiên, không phải là vô tình.
ĐỊNH là gì ? Định là chúng ta giữ mũi khoan đó không cho nó lệch qua chỗ khác, cái chỗ mà mình đã đánh dấu bằng mực, đó là Định.
Một cái là chủ ý, một cái là cố ý, một cái là sự tập trung tư tưởng.
Rồi. Bây giờ mình quay qua mình giảng tiếp. Ví dụ, khoan, nói Định chút xíu chứ, thì Định ở bên bất thiện có lúc mạnh, lúc yếu tùy vào cái Tâm ác của đương sự.
Ví dụ như mình chỉ tập trung để mà mình khều trái đó, mình khều cái tổ chim đó, cái việc đó nó cũng không cần phải mất nhiều thời gian lắm, chỉ khều tổ chim hay là khều trái chín trên cây để mà hái thôi, lúc đó cũng có xài Định. Nhưng mà nó chỉ tới mức đó, nhưng mà nếu trèo tường, khoét vách, mở tủ sắt thì bắt buộc sự tập trung tư tưởng mình phải cao độ ghê gớm lắm. Nhưng mà nó cũng chỉ tới mức đó thôi, chỉ tới cái mức gọi là gọi là Định Dục Giới thôi.
Có nghĩa là sao? Là cái Định này nó không thể kéo dài nhiều ngày, nhiều giờ được. Nhớ nha. Và cái Định đó nó không có đủ để đưa mình đi về các cái cảnh giới cao được. Nhớ nha. Nhớ.
Nếu nó đi với bất thiện thì thứ nhất thời gian nó kéo dài không có lâu và thứ hai nó không thể đi về các cảnh giới cao, nếu nó đi cho bất thiện thì nó đúng một đường là đi xuống thôi.
Nhưng mà riêng cái Định khi đi với thiện, cũng Tâm Sở đó nha, mà khi nó đi với thiện thì kinh khủng lắm. Nó có thể giúp cho một hành giả Cận Định. Cận Định kéo dài thời gian tập trung tư tưởng trong nhiều giờ, và nó có thể giúp cho một hành giả đắc Sơ Thiền trở lên có thể an trú trong đó suốt nhiều ngày và chưa hết còn nữa, cái Định mà khi nó đi với thiện ngoài cái chuyện có khả năng kéo dài thời gian ra nó còn có khả năng làm cho hành giả được an lạc, bởi vì Định Khinh An mà. Định Khinh An không có rời nhau là bởi vì làm cho hành giả được an lạc, và nếu mà hành giả không bỏ cuộc thì cái Định đó đưa hành giả đến Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền thì hành giả có thể được nhiều cái lợi lạc lắm.
Ví dụ như trước mắt hành giả có thể bỏ ăn uống, tiểu tiện, nhúc nhích, cử động, xê dịch trong nhiều ngày. An lạc lắm. An lạc lắm. Khi mà mình hạn chế tất cả các nhu cầu vật chất thì lập tức mình được an lạc, nói thẳng như vậy thôi, mát lạnh nhẹ bông.
Thứ nhất là vậy, thứ hai nữa là nếu mà đắc Tứ Thiền trở lên thì mình có khả năng hóa hiện thần thông như mình muốn, với khả năng Định Tâm như vậy, không có đất mình có thể tạo ra đất, tạo ra nước, tạo ra lửa, tạo ra gió, tạo ra hình hài này hoàn toàn do cái tâm lực của mình thôi. Đấy.
Chưa hết, ngoài cái chuyện Định bên Thiện Đáo Đại tức là Thiện Sắc và Vô Sắc trở lên
1/ Làm cho mình được an lạc hiện tại.
2/ Cho mình khả năng hiện thần thông nếu mà đắc Ngũ Thiền.
3/ Nếu lúc cận tử mà vẫn còn giữ được thì có thể nó sẽ đưa mình về các cảnh giới Phạm Thiên mà tuổi thọ thì không tưởng được.
Ví dụ như là :
– Cõi cao nhất của Sắc Giới là 500 đại kiếp.
– Cõi cao nhất của Vô Sắc là 84.000 đại kiếp.
Dễ sợ, năng lực của Định mạnh như vậy đó. Nhớ nha.
Khi Định mà đi bên bất thiện thì không, nó chỉ có khả năng là một ít thời gian và nó chỉ có cái khả năng đưa mình đi xuống thôi.
Nhớ nha. Định nó quan trọng như vậy.
Còn một chuyện nữa, đó là khi một cái người mà chưa có biết tu hành, chỉ sống chìm sâu trong hưởng thụ vật chất thì tôi đã nói một ngàn tỷ lần, đó là với cái người như vậy thì thế giới này đối với họ có vô số thứ để mà ngắm nhìn, để mà thưởng thức và chịu đựng, đương nhiên cái chịu đựng nhiều hơn cái thưởng thức nhớ không ? và chính vì có quá nhiều cái để thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, cho nên cái phiền nó cũng theo đó mà bủa vây, giăng phủ, lắp kín tâm tư của chúng ta.
Vì Phật dạy một người không có tu hành, không Niệm, không Định và không Tuệ, thì cái nội tâm người đó nó giống như là con bò bị lột da vậy đó. Có nghĩa là nội nắng gió mưa sương là đã mệt rồi, còn bị côn trùng chích đốt tứ bề bốn phía ghê như vậy, một nội tâm không có tu y như con bò bị lột da, hoặc là mình tưởng tượng, giờ con bò bị lột da mình không có thấy, quý vị tưởng tượng cái thân của quý vị nếu mà ở xứ lạnh nó trụi lũi vậy đó, quý vị coi nó lạnh cho chết, còn nếu ở xứ nóng ngoài nắng gió, mưa sương thì còn ba cái vụ côn trùng này nọ, kiến bò, bù mắt, ruồi nhặng, quý vị tưởng tượng cái Tâm không có tu nó y chang như vậy, y như vậy. Nhớ nha.
Cho nên nói một người không có tu thì là họ bỏ ngõ 6 Căn và 6 Trần đối với họ là không đếm siết, có vô số thứ để nhìn, nghe, ngưởi, nếm, đụng và đương nhiên là 6 Trần ấy 99,9% đều là bất toại.
Trong khi đó với người tu tập Thiền Định, người có Định, họ biết phát huy cái Định của họ theo hướng thiện thì thế giới này đối với họ nó không có đa đoan nhiêu khê như là người không có tu.
Thí dụ như đối với người hành giả thiền chỉ Samatha, khi mà họ chuyên tu về Định họ lấy Định làm nguồn sống chủ lực và chủ đạo, thì thế giới này đối với họ nó chỉ gom gọn trong 10 thứ thôi. Mình nghe một bên là hàng tỷ thứ, bây giờ nó gom còn 10 thứ là mình thấy đặc biệt rồi. Thứ hai là khi họ gom cả vũ trụ đất đai, đất đá, đại dương, con người, chim muôn, súc vật, bò bay, máy cựa, họ gom còn có đúng 10 thứ, đó là họ tập trú vào các đề mục :
– Xanh, vàng, đỏ, trắng là 4.
– Đất, nước, lửa, gió là 8.
– Hư không, ánh sáng là 10.
Đấy. Tức là họ đi đâu đi nữa họ mở mắt ra nhìn thế giới chỉ nhìn thấy có 10 thứ đó thôi. Khi nào họ tu đề mục đất thì Niệm :
Đất.. đất.. đất.. đất.
Nước.. nước.. nước.. nước.
Lửa.. lửa.. lửa.. lửa.
Gió.. gió.. gió.. gió.
Cả đời họ chỉ biết như vậy.
Đó là Định. Sự phát huy của Định kinh khủng như vậy. Cả thế giới gom lại chỉ còn 10 thứ thì thử hỏi làm sao nó không mạnh được. Cái tâm của họ lúc bấy giờ nó giống đập thủy điện vậy, cũng như nước nó bị ngăn, hồi xưa nó chảy lang mang, chải bạt ngàn, còn bây giờ thì không, nó tập trung, tập trung một hướng một thôi.
Tâm họ được đắp một cái đập Tam Hiệp nó chặn lại hết, cho nên cái lỗ rò nào, cái chỗ rò rỉ nào là kinh khủng lắm, kinh khủng lắm, nó mạnh lắm.
Các vị có biết bên Đức, bên Việt Nam chắc có rồi, bên Đức có cái máy khoan cắt bê tông mà bằng nước quý vị biết không ? chắc tôi có kể quý vị nghe, khoan cắt bê tông mà bằng nước, có nghĩa là vòi đó mà mình chỉnh cho ngon rồi đó là nó cắt coi như, kỳ đó tôi kể mà giờ tôi còn rùng mình nữa, đó là kỳ đó tôi mướn, mướn, mướn để về rửa sân bị rêu, chỉ là cái máy áp suất đủ để rửa rêu thôi đó, mà kỳ đó nó bật khỏi tay chúng tôi, nó bật khỏi tay mà nó quét một cái đường nước hư cánh cửa luôn, tôi tưởng tượng cái con mắt của tôi không biết sao. Dĩ nhiên kỳ đó chúng tôi có mang kiếng, khi giảng tôi tháo mắt kiếng ra chứ tôi là người bị cận, thì kỳ đó bể mắt kiếng là vỡ mắt kiếng luôn vỡ tròng. Kinh như vậy. Cũng là nước thôi nó mềm như nước vậy nhưng mà khi nó được nén vào một cái tia nhỏ thì áp suất của nó cực mạnh.
Nhớ nha. Rồi.
Tâm Định nó cũng y chang như vậy đó.
Bây giờ mình qua 25 TÂM SỞ TÍCH CỰC, tức là 25 Tâm Sở này khi nó cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính thì nó lập tức tạo nên cái gọi là tâm lành, tâm thiện, tâm tốt.
Muốn về Trời, về Phạm Thiên, muốn thành Phật, thành Bồ Tát, thành các nhân vật lớn nhất trong Tam thiên Đại thiên thì tất thảy đều phải nhờ đến 25 Tâm Sở này, không có ai phù hộ mình hết, Minh Sư Thiện Hữu chỉ là hà hơi tiếp sức, hỗ trợ trợ lực, chứ còn căn bản mình phải có 25 Tâm Sở này. Nhớ nha.
Ngay cả Minh Sư Thiện Hữu là gì ? là người mà bản thân họ có 25 và họ có khả năng giúp cho mình phát triển 25 giống họ, thì đó gọi là Minh Sư Thiện Hữu, còn cái người nào mà bản thân họ không có mà họ cũng không có khả năng giúp mình thì né.
Bởi vì Minh Sư Thiện Hữu có nhiều trường hợp :
1/ Họ có mà không giúp,
2/ Có người họ giúp cho mình có nhưng họ không có.
3/ Có người vừa giúp mà bản thân họ cũng có đó là ba hạng.
Hạng thứ tư thì khỏi kể.
4/ Bản thân họ không có mà cũng đương nhiên là họ không giúp được cho mình có 25 giống như họ.
Nhớ nha.
Như vậy trên đời này có bốn hạng người :
– Hạng thứ nhất là họ sống bằng 25 và họ có khả năng giúp cho người khác có được cái 25 giống như họ.
Đó là hạng một.
– Hạng thứ hai họ có 25 nhưng mà họ không có khả năng, không có khả năng giúp cho người khác, cái cách mà họ diễn dịch Phật Pháp, họ diễn mình thấy một là máy móc, thiển cận, cù lần, ngớ ngẩn, ngờ nghệch, Phật Pháp thâm sâu nhưng mà qua họ nghe ngộ ngộ nó làm có cái mùi mê tín làm sao, cũng có, có vị thì họ giúp cho mình họ cũng giúp có ý tốt nhưng khả năng không có, cho nên có vị bản thân có 25 nhưng mà không có khả năng giúp người khác có 25, có vị có 25 mà có khả năng giúp cho người khác có 25, còn có vị không có 25 nhưng có khả năng giúp cho người khác, bản thân họ là một ông Bác sĩ nghiện ngập, chích hút, bê tha, trác táng, trụy lạc, đổ đốn, nhưng mà họ khám bệnh họ cho thuốc thì Ok.
Họ cho xong rồi họ nhậu tiếp, đó là chuyện của họ, nó đủ thứ nhưng mà cái hạng thứ tư là hạng nên né bản thân không có 25 và họ cũng đương nhiên không có khả năng giúp người khác có 25. Nhớ nha.
Như vậy thì từ Chư Phật Thánh Hiền ba đời mười phương tất cả kể cả từng người trong Zoom này, dầu quý vị có tự ti mặc cảm, tự cho tự nhận, mình là bé mọn tầm thường cách mấy thì bắt buộc phải có 25, bởi vì không thể nào chúng ta thiếu 25 mà chúng ta có thể sống thiện được, phải không ? dứt khoát sống là mục đích của đời sống là gì ? Nó có hai :
1/ Là an lạc cho mình, cho người đời này đời sau.
Đó là chuyện an lạc.
2/ Là giải thoát, ý nghĩa cao nhất của đời sống là gì ?
Ý nghĩa cao nhất của đời sống là thấy ra sự vô nghĩa của nó. Đó là ý nghĩa cao nhất.
Còn ý nghĩa thấp hơn ý nghĩa của đời sống là gì ? là giúp cho người ta thấy sống ở đời này nó vui, đời sống này nó dễ thương, đó là ý nghĩa một.
Mà anh muốn cho người ta thấy đời này nó vui nó dễ thương là sao ta ? Anh phải dễ thương, anh phải dễ thương bằng Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự phải không ? Anh phải có Thập Thiện anh phải có Ba La Mật thì anh mới thể giúp cho người ta thấy cuộc đời này nó dễ thương dễ sống phải không ? Nhưng mà chưa, cái thứ hai mới ghê, cái ý nghĩa rốt ráo thứ hai của đời sống đó là thấy ra sự vô nghĩa của nó để mà Giải Thoát. Nhớ nha. Rồi.
Cho nên là mình phải có trách nhiệm sống thiện là vì hai lý do đó,
1/ Là để đối nhân xử thế.
2/ Là để chấm dứt sanh tử.
Chứ không phải chìm đắm ở trong Nhân lành, Quả lành là không được, tự đắc với Nhân lành, đam mê trong Quả lành là thứ này xài không được, mà đa phần mình không học giáo lý hoặc học ba mớ hay bị dính về cái này lắm. Tự đắc trong Nhân lành rồi đam mê trong Quả lành, mà các vị tưởng tượng đi, như vậy là chìm sâu ở trong Nhân Quả rồi phải không ? tự đắc với Nhân lành là sao ? học ba mớ, giữ giới ba mớ, ngồi thiền ba mớ, công đức ba mớ, bèn thấy mình là vũ trụ. Cái đó gọi là tự đắc với Nhân lành.
Còn chìm sâu trong Quả lành là gì ? đẹp chút là bắt đầu ăn rồi chưng diện tỉa tót phải không ? giàu chút là bắt đầu bày đặt hưởng thụ, rồi này nọ ham sướng trốn khổ tìm vui, nó khổ vậy đó. Có tí tiền, có tí nhan sắc, có tí học thức, có tí tiếng tăm, có tí tình cảm, có tí chức vụ, là như con dòi vậy đó. Rồi.
Cái đó gọi là đam mê trong Quả lành, thì bây giờ anh muốn sống như là vừa trình bày, có nghĩa là coi trọng Nhân lành nhưng coi thường Quả lành.
Tu thì cứ tu, nhưng mà Quả lành thì nhìn nó giống như phân bò, cái này Kinh nói chứ không phải tôi nói, mình nuôi bò là mình lấy da, lấy thịt, lấy sữa, còn phân đó là thứ phẩm, người mà tu hành giải thoát Quả lành nó chỉ là phân bò thôi, thứ phẩm.
Mình Bố thí Quả giàu là thứ phẩm, mà chính của Bố thí là gì ? đó là Tâm buông bỏ, khả năng hào sảng, cái đó mới là chánh phẩm, cực phẩm, thượng phẩm.
Còn giàu có sung sướng mà từ Quả Bố thí, cái đó chỉ là thứ phẩm, đó chỉ là phân bò. Nhưng mà đa phần 99,9% người ta không hiểu đó, người ta cứ coi nặng cái vụ hốt phân bò, người ta thấy Bố thí là phải giàu, mà giàu là mình phải hưởng, mà họ coi cái chuyện hưởng đó là số một. Thật ra không.
Phần thưởng lớn nhất của Bố thí chính là khả năng Buông bỏ. Bởi vì sao ? Vì Buông là nhẹ, buông là nhẹ, còn hưởng thụ là gì ? Là trây chúa, là dính mắt, là lầy lụa, là nặng nề, là gánh vác, là cưu mang, là nặng nhọc. Vậy mà không thấy cái đó. Nhớ nha.
Cho nên Phật mới dạy :
5 UẨN LÀ GÁNH NẶNG là chỗ đó. Bây giờ tôi giảng từng phần, bữa nay chắc mình giảng ít thôi, bây giờ tại tôi sắp đi nữa rồi, ghê không ? Coi như chân tu là mình tu cái chân đi suốt, không.. không.. nói chứ đi công việc, đi công việc.
Bây giờ mình giảng một dọc mấy TÂM SỞ TỊNH HẢO đầu tiên.
Tâm Sở Tịnh Hảo tức là những cái thành tố tâm lý tích cực, nhờ chúng mà Tâm mình trở nên, nói theo trong Kinh là nó lành hơn, thiện hơn, dễ sử dụng hơn. Người không học A Tỳ Đàm không có hiểu chữ dễ đây nghĩa là gì ? Tiếng Pali tiếng Phạn kêu thiện là Kusala, mà người Tàu dịch là thiện, thì cả chữ Kusala và chữ thiện, Kusala trong Pali và chữ thiện trong tiếng Hán nó tuyệt đối không hề có nghĩa đạo đức hay điều lành, điều hay ho gì hết.
Thiện ở đây nó chỉ nghĩa là khéo, chữ Kusala nó là khéo, mà thiện nó cũng là khéo.
Ví dụ như thiện xạ, thiện chiến, thiện là khéo, thiện xạ là bắn giỏi mà thiện chiến là đánh hay. Nhớ nha.
Chứ không có gì hết, mà mình tưởng thiện ghê gớm, chứ cái đó không có.
Nhớ nha, cái này phải nhớ nha.
Tại sao Tâm thiện là Tâm khéo ? là bởi vì tất cả những cái chuyện gì trên đời này khó làm đều phải làm bằng Tâm thiện, kể cả đào tường, khoét vách, mở ổ khóa, cạy tủ sắt, trong khoảnh khắc đó phải xài Tâm thiện. Nhưng mà đừng nghe vậy mà ham. Ủa vậy thì tôi đi ăn trộm cũng là thiện ? No.. no.. no.
Quý vị còn nhớ Cảnh không ?
Được gọi là Tâm gì nó còn phải dựa vào cái gì ?
Tâm nó nương vào Căn nào trong 6 Căn mắt, tay, mũi, lưỡi, nó biết cảnh nào ? Có vụ biết Cảnh nào và Tâm Sở nào đi chung với nó. Đúng không ? Thì nó kẹt cái chỗ đó đó.. Bởi vì Tâm thiện nó có hai trường hợp có mặt, nghe cho kỹ nha :
– Một là khi ta làm cái điều lành giúp cho người, giúp đời, đó là lúc làm việc lành thì Tâm thiện có mặt.
Như vậy thì Tâm thiện có hai trường hợp có mặt :
1/ Một là khi làm việc lành.
2/ Hai là khi làm việc khó.
mà cần khéo, việc nào khó mà cần khéo. Đấy. Thì lúc đó bắt buộc phải sử dụng Tâm thiện. Nhớ. Nhưng mà cái thiện đó nó chỉ để lại Quả là gì? Quả nó để lại là thói quen.
Ví dụ kiếp này mình vẽ, mình điêu khắc giỏi khéo, mình mở ổ khóa, trèo tường khoét vách, thì mình phải dùng đến khéo, tinh tế, thì thiện lúc đó nó chỉ để lại khả năng thôi, khả năng tinh tế cho mình thói quen kiếp sau, chứ còn nó không thể nào đi ăn trộm đi cạy tủ sắt người ta kiếp sau sanh ra có Trí Tuệ là không có, nhưng mà người xài Trí nhiều, đời sau sanh ra họ có một cái sở trường nào đó đặc biệt, chỉ vậy thôi. Nha.
Chứ còn chủ ý của mình là mình đâu có làm thiện đâu, mình đi cạy ổ khóa để mình ăn trộm cắp đồ người ta mà, chủ ý nó quan trọng lắm.
Nhưng mà ở đây mình phải thấy rỏ là phải có tâm thiện, tôi biết tôi nói nhiều người bị sốc nhưng mà phải học để biết cái đó nha.
Thiện là vậy. Nghĩa là nó có hai trường hợp mình có Tâm thiện
– Một là làm việc lành.
– Hai là làm việc khó mà cần khéo là phải có Tâm thiện, bởi vì tại sao Tâm thiện nhờ nó mà giúp cho mình nội tâm mình dễ sử dụng là sao? Muốn tu Thiền đắc đạo cũng phải có 25, việc khó khăn mà cần đến đầu óc tinh tế sắc bén, phân tích tường tận, chi ly tỉ mĩ tỉ mỏng thì phải có 25. Những việc gì mà gọi là khó khăn nhức đầu của thế giới này, giữa thế giới loài Người và Chư Thiên thì bắt buộc phải có 25. Nhớ nha. Rồi. Nhớ cái đó quan trọng lắm.
Bây giờ mình học đầu tiên là mình học về 2 Tâm trước, học về một loạt Tâm Sở trước đó là TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY, VÔ THAM, VÔ SÂN, ĐỊNH, XẢ,
TÍN là Niềm tin.
Tại sao nó được gọi là thiện? là bởi vì anh bất thiện, cái Tâm Bất Thiện nó không có khả năng này, bởi vì mình phải mềm lại một chút, mình phải nhún mình một chút, mình mới có thể chấp nhận người khác, chấp nhận một đối tượng nào đó, dù đó là cuồng tín, nhưng mà mình biết quên mình đi, mình biết coi nặng đối tượng để mà có thể đặt vào đó một niềm tin, thì như vậy bản thân niềm tin nó cũng là một cái Tâm Sở Tích Cực. còn chuyện nó tin cái gì thì hạ hồi phân giải tính sau, nhưng trước mắt về mặt kỹ thuật ta phải đồng ý rằng thiếu niềm tin không làm được việc gì hết, kể cả việc thiện, cho nên tôi nhắc lại đừng có bị ám ảnh bởi cái chữ Tịnh Hảo hay là chữ Thiện rồi tối ngày cứ nghĩ đến khía cạnh đạo đức là sai. Nhân Quả chỉ là tác động và phản ứng, điều đầu tiên là Tâm Sở Tín, phải có niềm tin, niềm tin là khía cạnh tâm lý, tất cả Tâm Sở chỉ là những khía cạnh nó không phải là những đơn vị rời rạc.
Ví dụ như bây giờ nghe tôi nói nè tôi nói trà sữa trân châu, nghe cho kỹ nha ly trà sữa trân châu thì mình thấy rõ ràng cái ly là nó nằm riêng phải không ? rồi mấy hột bo bo nó là một một cá thể nằm riêng, muỗng riêng, ống hút riêng, phải không ? Rồi bây giờ ba cái vụ trà sữa nó hòa tan vào nhau mình gom chung là nước đi.
Như vậy mình nghe một ly trà sữa trân châu thì mình hiểu là ở đây có ly, rồi một phần là chất lỏng, rồi gì nữa ? các hạt bo bo, rồi gì nữa ? cái muỗng, rồi gì nữa ? ly, chất lỏng, bo bo, muỗng, ống hút, tất cả là năm món, đúng không ? năm món. Nhưng mà các Tâm sở thì không, các Tâm Sở không phải là những cá thể rời rạc như vậy.
Mình nói 25, 13 thật ra nó là những khía cạnh giống như cái ly, cái ly này nè, ly này nó tròn, cái tròn là một khía cạnh, hiện giờ trà nó nguội cho nên cái cầm hơi lạnh, như vậy thì cái tròn cái lạnh này nó cùng một lúc có mặt không tách rời nó được, rồi cái gì nữa ? láng, láng.. đúng, đúng.. Đúng. Tròn, lạnh, láng, rồi gì nữa ? bấm bấm móng tay vô coi, cứng, cứng, rồi rồi cứng cứng rồi gì nữa ? mở mắt ra nhìn trong suốt, nó bằng thuỷ tinh mà, trong suốt phải không ? Như vậy thì tròn, lạnh, cứng, trong suốt phải không ? tròn, lạnh, láng, cứng, trong suốt, cũng năm khía cạnh nữa, mà năm cái này nè là mình không có tách ra được. Nhớ nha. Nhớ cái này tới chết cũng phải nhớ bài giảng chiều nay nha, năm cái này tách ra không được.
Tròn, lạnh, cứng, láng, trong suốt. Nghe kể là rỏ ràng có năm thứ, nhưng năm cái này mình không thể nào mình tách cái lạnh ra, mình không thể nào tách cái tròn, cái cứng, cái láng ra được, bởi vì năm cái này năm khía cạnh.
Quan hệ giữa TÂM PHÁP VÀ TÂM SỞ, TÂM THỨC VÀ TÂM SỞ :
– Tất cả 25, 13 nó là những khía cạnh không thể lấy ra được.
Nhớ nha, những khía cạnh khác, những cá thể khác.
Cho nên, tuy gọi là thành tố nhưng mà mình phải hiểu rằng thành tố ở đây nó không thể lấy rời ra được. Nhớ không ? Nhớ cái này quan trọng lắm, nó là những khía cạnh mà đã khía cạnh thì nó không rời nhau được.
– Cứng, tròn, láng, lạnh, trong suốt, kể nghe đã lắm nhưng mà không thể lấy rời ra được.
– Trong khi bên kia, ly, chất lỏng, hạt trân châu, muỗng, ống hút, mình tách ra được.
Hiểu nha. Rồi. Phải nhắc nhớ, nhắc nhiều không thôi quên.
Nhớ nha. Cái này quan trọng lắm, cái này là những cái bài học giáo lý rất là căn bản mà không chịu học, vô trề môi, lắc đầu, nhúng vai tùm lum, tưởng sao ít bữa đi lăng xăng, lăng xăng, về cái không biết. Không biết cái bắt đầu là bỏ, không biết là bỏ.
Thiếu căn bản quay trở về. Sẳn đây cho tôi nói câu cũng hơi đau lòng, không nói không được, vì lòng đại bi mà nói, bất chấp ném đá là các vị đi lăng xăng làm phước cái đó tôi không có cản. Nhưng mà mình phải nhớ giáo lý căn bản rất là quan trọng. Phải không ?
Thiếu nó rồi là cái đầu nó kỳ lắm. phải không ? Nó kỳ lắm. Có bà con khoe với tôi là đã đi theo phái đoàn Tam Tạng suốt cả tuần lễ 10 ngày, xong rồi quay lại hỏi chúng tôi một vài vấn đề giáo lý, tôi giật mình nói :
– Ủa đi theo Tam Tạng không chịu hỏi thì đi theo làm gì ? Cúng dường, phục vụ, trong khi đó chuyện mình theo mấy vị Tam Tạng không ai trách hết trơn, người ta còn cho tiền mình nữa kìa, ủng hộ Sadhu, Sadhu.. tùy hỉ nha.
Nhưng mà phần mình phải có giáo lý, chứ đâu phải mình ăn xong nghe đâu có mùi nhang khói Tam Tạng mình nhào theo phí thời gian, cuối cùng đi về đâu. Nha. Rất quan trọng. Tôi đâu có kêu thờ tôi, cũng đâu có nói điều tôi dạy là chân lý, tuyệt đối, hằng số, bất biến.. No. Tôi đâu có nói, tôi chỉ dựng cho cái chòi rồi từ từ rút ra, từ từ thay.. trước mắt phải có cái chòi, phải có cái chòi.
Mình học về TÍN.
Giờ qua tới NIỆM.
NIỆM là khả năng ghi nhớ.
Ghi nhớ cái gì ? Ghi nhớ cái gì mà nó đang diễn ra, chữ Sati từ ngữ căn là Sara là nhớ, động từ Sarati là nhớ, nhưng hình thức danh từ là Sati, ………. sự trùng hợp ngẫu nhiên là bên Tàu họ viết chữ niệm 念 ở trên là chữ kim là bây giờ, ở dưới là chữ tâm là biết, biết cái ngay bây giờ thì nó thành ra là chữ Niệm.
Lâu lâu nó có cái ngẫu nhiên cũng hay hay vậy đó. Thì trong tiếng Pali chữ Sati nghĩa là nhớ. Nhớ ở đây không phải là tưởng nhớ, không phải nhớ lại chuyện cũ, không phải nha, mà ghi nhớ.
Nhớ ở đây có nghĩa là phải xài chữ gọi là tỉnh thức thì đúng hơn, tạm dịch là tỉnh thức chứ tôi cũng chưa thấy chữ nào tôi vừa ý, tôi thích xài chữ ý tứ, nếu mà ai hỏi tôi chữ Niệm, chữ Sati nên dịch chữ gì ? tôi thích dịch chữ Ý tứ, nghe rất là
kỳ nhưng mà ít ra ý nghĩa của chữ Ý tứ nó gần sát với chữ Niệm hơn.
Ý tứ là sao ? Là mình làm cái gì mình biết rõ chuyện đó, ví dụ mình là khách thì mình phải làm sao ? Ở nhà người ta mình là khách mình phải làm sao ? Là ý tứ phải không ? Mình là chủ thì trước mặt khách mình phải làm sao ? Đó là ý tứ. Con dâu về nhà chồng phải làm sao ? Đó là ý tứ. Trước mặt người mà mình tôn trọng mình phải làm sao ? Ý tứ. Trước mặt người lạ mình sợ người ta đánh giá nhận xét, coi thường mình phải làm sao ? Ý tứ phải không ?
Rồi khi mình đặt bàn chân trần của mình xuống một góc tối không có đèn, đặt lên một bãi cỏ mà mình không biết cái gì ở dưới thì mình đặt bàn chân xuống với tất cả sự cẩn trọng thì đó gọi là Ý tứ.
Thì đó chính là Niệm.
Đấy. Mình đặt bàn chân xuống một cách có Chánh niệm là vậy đó. Chứ còn giải thích gì đi nữa không bằng ví dụ. Ví dụ là gọn nhất.
– Ý tứ nghĩa là mình làm cái gì với tất cả sự cẩn trọng biết rỏ mình đang làm cái gì
– Có nhiều cha nghe nói, chỉ nghe từ thôi mà không chịu nghe giải thích, phân tích.
Ví dụ nghe chúng tôi nói làm gì biết nấy bắt đầu đi chống, đi dạy thiền mới ghê chứ, dạy thiền. Cái kẹt nhất đi dạy thiền mà không nghiên cứu kinh điển, nói cho rốt ráo, không đọc được bản Pali, không đọc được bản chủ giải, thì tôi đề nghị tiếp tục nên trao dồi pháp học lại, chứ nếu mà rời A Tỳ Đàm, rời về lý thuyết, rời A Tỳ Đàm về kỹ thuật rời tiếng Pali thì tôi nghĩ rằng không nên, đi dạy như vậy chỉ hại đời báo đạo thôi. Nha. Rồi.
TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY
TÀM là thẹn, biết thẹn.
Tàm có 2, Úy có 4.
Tàm là thẹn với điều xấu.
Là sao ? Thẹn có 2 :
1/ Là nghĩ về mình mà thẹn. 2/ Là nghĩ về người ngoài mình mà thẹn.
Nghĩ về mình có nghĩa là người như mình tại sao mình làm chuyện đó ? người như mình là sao ? ở đây không phải là tự đắc tự kiêu.
Sai.. sai.. không phải nha. Không phải người như mình là mình bảnh, không phải.
– Người như mình nghĩa là mình là một Sa Môn mình là một người kế thừa mạng mạch từ các Bậc Hiền Thánh như nhiều lần tôi nói.
– Tất cả chúng ta đều có một dòng chảy tương tục từ đời Đức Phật cho đến chúng ta giống như một dòng điện vậy. Phải nhớ.
Nhớ cái đó không phải để tự đắc, mà nhớ đó để mà tự hào và hãnh diện, hãnh diện để tu chứ không phải hãnh diện để ta đây.
Chúng ta quả thật chúng ta có một dòng điện chảy từ thời Đức Phật. Là sao ? Là từ năm Ngài 35 tuổi Ngài thuyết pháp cho ai ? Ngài đắc đạo rồi Ngài thuyết pháp cho ai ? rồi 45 năm đó Ngài thuyết pháp cho ai ? và những người đó gồm có Tăng Ni và Cư sĩ, họ đã đi hoằng pháp một cách trực tiếp, gián tiếp, vô tình hay hữu ý mà họ đã lan truyền Phật Pháp từ nơi này qua nơi khác truyền kiểu gì mà 26 thế kỷ qua cuối cùng tới được chúng ta.
Chúng ta biết Quy Y Phật, biết lắng nghe Chánh Pháp, biết tôn kính Chánh Pháp, biết lắng nghe Chư Tăng.
Thì ở đâu ? ở đâu có cái đó ? Rõ ràng nó phải có một dòng chảy tương tục, miên viễn, bất tuyệt, từ thời Đức Phật đến đời mình.
Chứ không lẽ niềm tin nó trên trời rớt xuống, cái nhận thức giáo lý và hành trì ở đâu nó có, nó phải là do một sự gọi là tương tục, kế thừa, thừa tiếp từ đời này sang đời khác.
Và khi mình thấy mình là một chiếc lá trên dòng chảy đó, mình là một giọt nước trong dòng chảy đó, thì tự nhiên mình thấy mình có một vai trò, một sứ mệnh, một cái trách nhiệm.
Bây giờ mới hiểu, ồ thì ra nếu mà mình có mặt trên dòng chảy tương tục ấy thì mình không thể như vậy được. Đó gọi là thẹn với điều xấu mà lấy mình làm trọng.
Còn cái trường hợp thứ hai, lấy người khác làm trọng nghĩa là mình hãy nghĩ đến Đức Phật, hãy nghĩ đến Cha Mẹ, Thầy Tổ, dòng tộc của mình, không lý nào một Đạo Sư như vậy, một người Cha như vậy, người Mẹ như vậy, người Thầy như vậy mà lại có người con người học trò người đệ tử như mình, thì như vậy Tàm có hai.
1/ Dựa vào mình để có biết thẹn.
2/ Biết nghĩ về người khác, nghĩ về đoàn thể, nghĩ về một cá nhân nào đó, để mình biết thẹn.
Thẹn có 2 là :
– Thẹn lấy mình hoặc là lấy người làm điểm tựa để mà không làm bậy.
ÚY là sợ, TÀM là thẹn.
– Uý là sợ, sợ đây có 4.
Cái nào cũng gọi là Uý
1/ Không làm việc đó vì sợ tối về cắn rứt lương tâm, sợ 10 năm, 20 năm nữa, mỗi lần nhớ tới chuyện này cắn rứt lương tâm.
2/ Sợ tiếng đời dị nghị, có nghĩa là nếu bây giờ mình làm chuyện này thì cuộc đời có tha cho mình không ? búa rìu dư luận có để yên cho mình không ? rồi người đời sẽ nói sao về mình ?
3/ Vì nghĩ đến pháp luật mà không dám làm chuyện đó. Thì đó cũng gọi là Úy.
4/ Sợ báo ứng đời sau chuyện đó mình không dám làm.
Tôi nói thiệt các vị có biết rằng tôi tu hồi bé lắm, tôi sinh năm 69 mà tôi vào chùa là năm 77, tôi nhỏ xíu, cho tới bây giờ năm nay tôi 55 tuổi. Quý vị biết tôi mê câu cá lắm các vị biết không, mà trong chùa làm gì có chuyện câu cá, tình cờ, ngẫu nhiên, bất chợt, nhìn thấy ở trên internet mấy clip ngắn ngắn người ta câu cá, móc mồi thả xuống, lưỡi câu nó trì, nó níu, nó giật.. giật.. giật.. giật lên một con cá mà nó nhảy tê, tê.. nhìn đã lắm quý vị biết không, thì phải nói tôi giật mình. Nếu mà không phải vì sợ báo ứng, sợ chết là bị đọa, rồi sanh làm người thì bị chết yểu, sợ bệnh hoạn, không sợ đọa, không sợ chết yểu, rồi bệnh hoạn vì sát sanh, sát sanh là phải bị đọa, sát sanh là phải chết yểu, sát sanh là phải bệnh hoạn, thí dụ vậy. Nếu mà không có vấn đề báo ứng, thì tôi nói thật, tôi không có nghiên cứu kinh sách gì hết, tôi ăn là tôi coi suốt, có biết chuyện đó không?
Nếu mà đừng có chuyện sa đọa, đừng có chuyện sanh ly tử biệt, thương phải xa, ghét phải gần, muốn không được, phải không? Nếu đừng có cái chuyện đó, phải không ? Nếu mà cứ bềnh bồng, bềnh bồng, đời đời sống hoài không chết trôi nổi giữa các hành tinh vũ trụ. Tôi nói thiệt, tôi không bao giờ và không bao giờ có ý muốn Niết Bàn. Tôi sợ biến mất lắm, tôi muốn tồn tại hoài, nhưng mà nó ngán chỗ này, mình biết cái chuyện mà mình mơ ước không bao giờ có thật, không bao giờ có chuyện mà đời đời trôi nổi bềnh bồng với các thiên hà tinh tú bay đến chỗ mình muốn, ở cạnh người mình thương, có được cái mình thích, tôi biết chuyện đó không bao giờ có. Là vì sao ? Vì dục lạc có cái khó chỗ này, muốn có nó thì rất là cực, một là phải làm công đức, hai là phải có nỗ lực hiện tại, ba là có rồi không được hưởng, bởi vì hưởng là bị đọa.
Nó khổ vậy đó. Dục lạc nó bậy chỗ đó.
Thí dụ như bây giờ nhan sắc, tiền bạc, quyền lực, sức khỏe, mấy đó ai cũng ham, mà đâu nó ra ? không có ai ban, là phước cũ không, mà nó xui chỗ này, phải có phước, phải có đức xưa thì mình mới có được mấy cái đó, mà muốn làm công đức để hưởng nhiều đời, nhiều kiếp đâu phải dễ quý vị. Nhiều khi có tâm mà không có của, hoặc có tâm có của mà không có đối tượng xứng đáng. Nhớ nha. Nó khổ vậy đó.
Đây tôi nói riêng chuyện bố thí thôi đó, các công đức khác cũng vậy.
1/ Có lòng nhưng không có điều kiện.
2/ Có điều kiện nhưng mà nhằm lúc tâm không đủ.
3/ Có tâm, có điều kiện nhưng không có đối tượng.
– Muốn tu thiền mà ngay lúc đó nó không có chỗ để mình đi tu.
– Mình muốn bố thí nhưng mà lúc này kẹt quá.
– Lúc tiền bạc Ok nhưng mà sao lúc này nó làm như nản nản không muốn bố thí.
– Rồi bây giờ tôi chấp luôn, vừa có lòng bố thí, vừa có tiền luôn, mà đối tượng nhìn ẹ quá, bầy hầy bê bối, bề bộn bụi bặm quá cũng khó, phải không ? Cho nên muốn có được công đức không phải dễ, không phải dễ đâu quý vị. Phải không ? Mà tưởng sao có rồi hưởng là có tội, khổ vậy đó. Cứ đam mê trong nhan sắc, đam mê trong tiền bạc, đam mê trong sức khỏe, đam mê trong tình cảm, đam mê trong quyền lực, đam mê trong chức vụ, hễ đam mê là đi xuống, nó khổ vậy đó.
Cho nên chính vì cái sợ này người ta phải chùng lại, ai mà không thích danh, ai mà không thích lợi, ai không thích tình cảm, thích chứ, thích chứ.
Lúc này mấy ngày nay có mấy nhân vật tôi đâu có ăn nhậu gì được, có mấy vong nữ liên lạc cũng nồng nàn, cũng xúc động, xúc động chứ sao không xúc động, xúc động chứ, cũng lâng lâng nhè nhẹ, cũng đã lắm, nhưng mà mình nhớ là :
Đi về đâu ? Cạm bẫy trùng trùng, Thạnh Sanh thì ít mà Lý Thông thì nhiều, ngồi nghỉ tới đó tự nhiên nó run, run chứ.
Chỉ ngay lúc này sao tự nhiên ông ứng, ma ứng, bà nhập, nhiều bóng hồng liên lạc đã lắm, nhưng mà nghĩ lại ngán, ngán tùm lum hết, thứ nhất nó đi về đâu, rồi mình đầu trọc, lớn tuổi, thầy chùa, đi về đâu ? Rồi trong khi ngay lúc này mình đang bị thiên hạ soi nữa.
Cho nên nhờ mấy cái sợ đó nó đỡ lắm, phải không ? Thì cái đó gọi là dè chừng, nếu Niệm mà dịch Ý tứ, thì Tàm Úy mình dịch là dè chừng.
TÀM dịch là liêm sĩ.
ÚY dịch là dè chừng hoặc là e sợ.
TÍN, NIỆM, TÀM, ÚY
Mấy cái này là những đặc điểm của cái gọi là Nhân Tín. Nhớ không ? Loài động vật cấp thấp không có mấy cái này, nó không có Tín, không có niềm tin. Dù đúng sai chưa biết nhưng mà nó không có khả năng trao gởi, giao phó, ký thác niềm tin vào người khác.
Niệm thì nó có nhưng mà nó có hạn chế vì theo trong A Tỳ Đàm loài bàng sanh chó, trâu, heo, gà, nó cũng có Niệm chứ, nó có tâm thiện mà, nhưng mà nó có không phải để nó tu, mà nó có trong thi thoảng hoặc đôi khi, tí ti trong một vài tình huống, gặp chuyện khó thì nó phải có Niệm. Tàm Úy là thua. Cho nên sẳn nói luôn người có tu Tàm Úy nó khác, còn người không có tu Tàm Úy nó khác.
Tất cả chúng sinh trong đời này đều bị khổ, ám ảnh là vì bốn cái :
– Thích, ghét, có, không.
Phải né cho được bốn cái này thì mình mới được hai Tâm Sở Vô Tham và Vô Sân. Bây giờ mình muốn hiểu Vô tham, Vô sân là gì ? Mình quay lại Tham Sân là gì tự nhiên hiểu mà nhớ liền.
THAM là gì ?
– Tham là muốn có cái mình thích, muốn né cái mình ghét.
– Muốn né cái mình ghét là Ái.
– Muốn có cái mình thích cũng là Ái.
SÂN cũng vậy. SÂN là sự bất mãn, bực mình, trong hai trường hợp :
– Bực mình là vì không tránh được cái mình ghét và không có được cái mình thích, dễ nhớ vô cùng dễ nhớ lắm nha. Dễ nhớ lắm.
– Sân là bất bất mãn vì không tránh được cái mình ghét và không có được cái mình thích.
– Từ sợ ma, sợ dán, ghen tuông, hờn giận, tiếc của, ganh tỵ, tất cả đều nằm gọn trong hai cái này.
Ví dụ như bây giờ ganh tị, mình không muốn người ta được như vậy mà người ta vẫn được mình bèn bực, mình không muốn chi ra nhưng mà bị ép phải móc túi, bực.
Như vậy SÂN có 2 :
– Bất mãn, bực mình vì không tránh được cái mình ghét, không có được cái mình thích.
THAM cũng có 2 :
– Muốn né cái mình ghét và muốn có cái mình thích.
Các vị nghe kể nghe tả là lạnh cẳng rồi, sống mà bằng hai ông thần này thì khổ lắm. Bởi vì hai ông này mà cộng lại nó mới làm nên bốn mặt của đời sống.
Bốn mặt đời sống là gì ?
– Là chúng ta bị nhốt tù trong bốn bức tường, bức tường của thích, ghét, có và không.
Thích là sao ? cả đời cứ bị cái thích ám ảnh làm đủ chuyện để có được cái thích.
Bức tường thứ hai là ghét. Mình ghét cái gì, mình sợ cái gì thì cả đời chạy trốn nó là mình phải làm đủ thứ chuyện.
Cho nên tại sao Vô tham, Vô sân quan trọng ? Tại vì nhờ hai ông Thầy này giúp cho mình thoát khỏi nhà tù 4 bức tường :
– THÍCH, GHÉT, CÓ, KHÔNG.
Một Tâm mà gọi là diệu dụng có thể làm được nhiều việc từ cái chuyện sinh thiên và giải thoát. Chuyện đầu tiên nó phải là Tâm thiện, mà thiện là gì ? là một Tâm mà nó hội đủ những thành tố trong đó có :
VÔ THAM VÀ VÔ SÂN
Một Tâm mà không bị ám ảnh bởi : THÍCH, GHÉT, CÓ, KHÔNG.
Phải như vậy. Đấy. Khó lắm.
Và cuối cùng trong bài này đó là HÀNH XẢ tức là cái khả năng quân bình cảm xúc. Khó lắm. Rất là khó. Nhưng mà làm được thì an lạc, một Tâm mà không có khả năng quân bình cảm xúc thì nó bồng bột, manh động, sốc nổi, mà hễ bồng bột, manh động, sốc nổi thì các vị nghe hình dung mấy từ đó các vị thấy mệt không ?
Bồng bột, nông nổi, sốc nổi, manh động, phải không ? mà chính anh Hành Xã này kèm cái khả năng gọi là bình ổn, điện mà còn có ổn áp thì Hành Xã là khả năng bình ổn cảm xúc.
Ví dụ như bây giờ ảnh đang lăng xăng, lăng xăng, nhưng mà khi anh đi ngang tượng Phật lòng ảnh nó chùng xuống. Thì cái chùng đó cũng phải là nhờ có sự can thiệp của 25 Tâm Sở, mà trong đó có Xả, mình đang lớn tiếng mà gặp ông Nội, gặp bà Má, mình gặp người lớn trong nhà đi ngang cái mình phải chùng xuống, đó là khả năng bình ổn cảm xúc phải không ? Đó là Xả. Đó là khả năng rất là cần thiết. Nhớ nha.
Trưởng thành là gì ?
Trưởng thành là người có khả năng bình ổn cảm xúc, một người lớn không có khả năng bình ổn cảm xúc thì người lớn đó chỉ là hài nhi tóc bạc, đứa con nít sống lâu thôi. Nhớ nha.
– 25 Tâm Sở Tịnh Hảo đó là những thành tố tâm lý tích cực, khi chúng cộng hưởng, cộng sinh, cộng tác, với nhau, cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính thì chúng sẽ giúp chúng ta có một trạng thái tâm đa dụng, đắc dụng, làm việc gì cũng được hết, làm việc khó, làm việc lành, làm việc tự lợi và lợi tha đều được.
Còn khi mà thiếu 25 cái này khó lắm và tôi nhắc lại lần nữa, nhiều người không học giáo lý hoặc thiếu đời sống tâm linh, không biết tư duy, họ chỉ coi nặng Quả lành, mà họ không biết Nhân lành là cái gì.
Chúc quý vị 1 ngày vui!
TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN
Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..
* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …
Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????