Nội Dung Chính
Buổi 3: Giáo Lý Căn Bản – Vạn Pháp Do Duyên & Bảng Nêu A Tỳ Đàm – Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) 2/1/2024
Vũ trụ này là thế giới của 6 căn và 6 trần; tất cả chúng sinh trong các cảnh giới tùy thuộc vào nhân thiện hay ác mà có đủ 6 căn hay không; khi có 6 căn rồi, 6 căn ấy có biết 6 trần như ý hay bất toại; tùy thuộc vào trình độ của mỗi người mà khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần bất toại hay như ý, chúng sinh ấy lại lấy đó làm nền để tiếp tục gieo nhân lành hay nhân ác.
Như vậy, chốt lại vô lượng vũ trụ gồm có 2 phần Nhân và Quả; do nhân duyên nên chúng ta có mặt trong 1 hình hài 1 thân phận nào đó (gọi là quả); trên cái nền hình hài thân phận ấy, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, chúng sinh lại tiếp tục gieo nhân ác hay nhân thiện, để tiếp tục từ những nhân này lại tạo ra 1 đời sống khác, đời sống ấy căn bản đó là quả.
Tâm đầu thai là quả, tâm nhận biết trần cảnh là quả, chỉ riêng phản ứng tâm lý của mình là nhân. Trong 1 ngày có vô số lần tâm quả của mình đón nhận trần cảnh, và cũng có từng ấy lần nhân thiện nhân ác xuất hiện; và sở dĩ có thiện ác nhiều ít ở mỗi người thì tùy thuộc vào người đó có tu dưỡng hay không?! có gần gũi minh Sư thiện hữu hay không?! có ở trú xứ thích hợp cho việc tu tập hay không?! và bản thân người đó có tư duy hợp lý (khéo tác ý, như lý tác ý, tư duy thông minh) hay không?! còn nếu không, thì trên nền tảng của quả quá khứ, ta tiếp tục tạo nghiệp, tạo nhân bất thiện cho tương lai, và cứ vậy tạo ra 1 dòng chảy luân hồi.
Nếu 1 người có tu học thì dầu đang nhận quả xấu hay quả thiện, thì cả 2 trường hợp đó đều là cơ hội, đều là điều kiện, đều là hoàn cảnh để người ta sống với nhân lành. Trong việc tu tập, chúng sinh có nhiều hạng, có hạng làm lánh dữ để kiếp sau vui sướng ít buồn khổ; còn có hàng chúng sinh làm lành lánh dữ để chấm dứt sinh tử, không còn thiện ác buồn vui, vượt ngoài nhân quả!
Trích đoạn Buổi 3 bài giảng lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên giảng dạy ngày 2/1/2024
BÀI TẬP: Tóm tắt bài giảng buổi 3 lớp Giáo Lý Căn Bản (ngày 02/01/2024)
(Bản text do chị Lê Thanh Giang gõ và nộp bài tập trên lớp)
Trên cơ sở 4 tiền đề giáo lý đã học tại buổi trước 1. Vạn pháp do duyên; 2. Tất cả chỉ là một khối tổng hợp; 3. Vạn pháp vận hành theo nguyên tắc tùy thuận; 4. Giải thoát là pháp môn ngược dòng: đi ngược duyên tạo, bung để rời sự tổng hợp; không tùy thuận theo sinh tử nữa, Sư Giác Nguyên giảng:
I. BẢNG NÊU A-TỲ-ĐÀM: (tải bảng Nêu)
ABHIDHAMMA CHART– Trong biểu đồ thể hiện toàn bộ các pháp gồm các phần sau:
+ Tâm : phân loại thành 121 tâm tương ứng 121 nút cột bên trái trong biểu đồ.
+ Tâm Sở: Có 52 tâm sở gồm 13 tâm sở trung tính; 14 tâm sở bất thiện, 25 tâm lành.
+ 28 Sắc pháp = toàn bộ vật chất trong và ngoài chúng sinh (4 sắc nền và 24 sắc ngọn).
+ Niết bàn.
+ 13 chế định ở vị trí dưới cùng của biểu đồ, trừ Thánh nhân, hành giả, người học Atydam, toàn bộ đời sống của chúng ta người phàm phu kể cả người tu sống không chánh niệm đều sống theo 13 chế định này một các tất bật, quần quật theo đó. Nếu rút gọn nó chỉ là khái niệm và từ ngữ.
– Về góc nhìn theo bản thể: nhìn vào cốt lõi, thực chất. (thân và tâm = danh và sắc = tâm, tâm sở, sắc pháp). Trong đó Tâm trong biểu đồ phân tích đủ là 121 tâm cũng có thể khái quát gọn lại là 1 tâm (Biết). Khi nó kết hợp 13 tâm sở trung tính (13 thành tố bắt buộc phải có) để hoàn thiện chức năng nhận biết đối tượng. Bản thể thì không thay đổi. Bậc Thánh thường nhìn thế giới theo góc nhìn bản thể, rất rõ ràng. Ví dụ, bị bệnh Thánh vẫn uống thuốc nhưng vẫn biết rõ 4 đại này vẫn cần, vẫn phải chăm sóc cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Tới lúc phải nhắm mắt xuôi tay không giữ được nữa thì để nó tùy duyên như nó phải thế.
– Về góc nhìn theo hiện tượng: nhìn thế giới thông qua khái niệm (không gian, thời gian, chúng sinh, toán, các nguyên tắc vật lý….) và từ ngữ (gồm: (1). Danh chơn chế định: là có thật cái thực, thực sự hiện hữu không mất trong suốt đời ví dụ khái niệm về giới tính nam/nữ và (2). Phi chơn danh chế định: là không có thật chỉ mang tính mặc định trong 1 thời khoảng ví dụ khái niệm vợ chồng, bạn bè…). Hiện tượng thì thay đổi, thiên hình vạn trạng. Phàm nhân, người tu thiếu chánh niệm thường nhìn thế giới qua góc nhìn hiện tượng. Thường bị kẹt trong hiện tượng.
VD: Ta khi nghĩ bị ai đó khinh bỉ mình, bị tấn công, chà đạp mình, phủ nhận chối từ mình thì mình sẽ hận. Ta thường bị két vào quá nhiều khái niệm về văn hóa, văn minh, đạo đức xã hội, tôn giáo, triết học, tư tưởng …. từ đó mình thấy khổ do thấy mình phải làm mình tương ứng, xứng tầm với các khái niệm được định đặt ra thì mới tốt, mới ổn, bằng cách như thế tự tạo cho mình một loạt áp lực, hao tổn sức khỏe, thời gian, tiền của v.v…
– Về quả Thiện hay Ác:
Thiện/Ác có được là kết quả sau khi kết hợp 3 loại: Tâm Biết với Tâm sở trung tính và Tâm thiện/ác. Cụ thể:
Quả Thiện có được khi: 1 tâm Biết + 13 tâm sở Trung tính + 25 tâm Thiện
= sự hiện hữu của toàn thể của 6 căn + 6 trần + tâm lành.
Quả Ác có khi: 1 tâm Biết + 13 tâm sở trung tính +14 tâm ác
= sự hiện hữu của toàn thể 6 căn + 6 trần + tâm ác.
II. VẠN PHÁP DO DUYÊN
1. Tất cả sự hiện hữu của vô lượng vũ trụ và chúng sinh nằm gọn trong 6 căn và 6 trần:
6 căn là 6 khả năng nhận biết thế giới thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi (xúc giác), thân, ý (tinh thần, tâm linh, tư duy); 6 trần là tất cả những gì được 6 căn nhận biết (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
2. Về thái độ thích/ghét, sự tác động, mối tương quan của nó (DUYÊN) trong dòng chảy luân hồi:
– Thích/ ghét do tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý, môi trường sống tạo ra.
– Tùy thuộc vào việc ta thích bao nhiêu trần cảnh (thông qua bao nhiêu căn trong kiếp này) mà ta sinh ra có bấy nhiêu căn trong kiếp sau.
– Ngay trong khi chúng ta thích thú trần cảnh thì ta đã kín đáo tạo ra cái ác cảm với các trần cảnh ngược lại. Ví dụ: ưa nơi náo nhiệt thì sẽ ghét nơi yên tĩnh; thích nóng thì ghét lạnh v.v…
– Để chạy tìm cái thích, trốn cái ghét nghiệp ác nào ta cũng làm miễn là có được cái thích tránh được cái ghét.
– Do thái độ thích/ghét của 6 trần đối với 6 căn khi chết rồi ta đi về cảnh giới tương ứng với kiểu sống của ta:
– Thích/ghét = Đam mê và bất mãn đưa tới phiền não của chúng sinh do gây ra ngộ nhận, không thấy mọi thứ rất là mong manh, do các điều kiện hỗ trợ mà thành, có đó rồi mất đó.
– Cái thích/ ghét do tiền nghiệp và khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại tạo ra.
– Cái thích/ ghét tạo ra hạnh phúc (khi có được cái mình thích hoặc có cái mình ghét) hay đau khổ (khi không có cái mình thích hoặc có cái mình ghét) .
– Thích/ghét là thái độ dựa trên sự ước lệ, mặc định, giả tạo.
– Bản thân cái thích cũng là tâm nhân. Vì thích nên ta đi tìm cái mình thích bằng 12 tâm bất thiện.
– Ngay trong khi chúng ta thích thú trần cảnh thì ta đã kín đáo tạo ra cái ác cảm với các cảnh ngược lại ví dụ thích mát thì ghét nóng, thích mềm thì ghét thô nháp…
– Trong quá trình thỏa mãn 6 căn đời này, tạo ra nhiều tội lỗi nên đời sau sinh ra cũng có 6 căn (là quả của lòng đam mê trong 6 trần) theo cảnh tương ứng: Nếu ta thích nhìn, nghe, ngửi với tâm bất thiện (tìm cái mình thích, trốn cái mình ghét) lại tạo ra tiếp 6 căn với 6 trần bất toại (phải nghe những thứ không muốn nghe, nhìn những thứ không muốn nhìn thường xuyên sống tại những chỗ điều kiện xấu và không có điều kiện chuyển đổi do đam mê và không tạo công đức).
– Tuy nhiên có 1 số chúng sinh cũng có 6 căn nhưng 6 trần như ý ( được nghe, được nhìn, được ngửi những thứ như ý, sống trong môi trường như ý. Khi thấy không như ý lại có điều kiện để chuyển đến môi trường như ý, né được 6 trần bất toại do đã tạo công đức: bố thí, trì giới, từ tâm, yêu thương, nghe pháp, phục vụ, hồi hướng…).
– Tùy thuộc vào việc trong đời ta có gặp minh sư, thiện hữu hay không để ta sử dụng 6 căn để tu tập, nếu không chứng thánh đời này thì tiếp tục sinh ra trong 6 căn có 6 trần như ý (đây chính là duyên); nếu không gặp minh sư thiện hữu thì ta lại tiếp tục đam mê trong 6 trần và kiếp sau có 6 căn nhưng 6 trần bất toại
– Các vị phạm thiên không còn đam mê, thấy nhàm chán với trần cảnh nữa, họ chỉ giữ lại những căn là nhãn căn và nhĩ căn để tu tập, gặp gỡ hiền thánh.
– Các vị cao cấp: chỉ giữ lại mắt, tai và ý để tư duy.
3. Tâm, nguyên lý hoạt động của tâm:
Mỗi lần ta có tâm thiện hay là tâm ác (dù ngắn 1 giây) lập tức ta kín đáo tạo ra 2 thứ nghiệp: nghiệp bình sinh và nghiệp tái sinh:
Nghiệp tái sinh (tục sinh): tâm thiện/ác kín đáo tạo ra tâm đầu thai trong tương lai (đúng đến khi đủ duyên thì trổ nghiệp). Tâm lành hôm nay kín đáo tạo nghiệp tái sinh về cõi lãnh trong một kiếp nào đó (tùy mạnh yếu mà có thể ngay đời sau hoặc trăm ngàn kiếp sau). Nghiệp đầu thai là quả trổ trong 1 tích tắc đầu đời.
Nghiệp bình sinh: Nghiệp bình sinh là nhiều quả của nhiều kiếp trước trổ trong các thời điểm, trải dài theo cuộc đời con người. Đó là buồn vui sướng khổ trong suốt cuộc đời sau khi được sinh ra: giàu/nghèo; xinh đẹp/xấu xí; khỏe/yếu; khôn/ dại được nâng niu/bị sát hại v.v…
Ví dụ kiếp trước sát sinh. Kiếp sau nghiệp tái sinh xuống thấp (ví dụ lợn) và nghiệp bình sinh sẽ bị sát hại như mình đã hành xử với chúng sinh kiếp trước.
Trong đời này, khi tâm quả của quá khứ xuất hiện, ngay lập tức, ta có nhiều tâm phân tích liên tục. Tâm phân tích cũng là quả của quá khứ. Tuy nhiên, sau khi phân tích, ta đón nhận quả đó bằng tâm thiện hay tâm bất thiện chính là hình thành nhân hiện tại.
Nếu là người có học tập giáo lý, tu tập, có minh sư bạn hữu thì ta ngay sau khi nhận quả quá khứ, ta quay về chánh niệm và dùng tâm thiện, tâm lành để đón nhận, ngay lúc đó, ta đã tạo nhân thiện.
Nếu là người không học giáo lý, không tu tập, không có minh sư bạn hữu thì ta ngay sau khi nhận quả quá khứ, ta không quay về chánh niệm và dùng tâm bất thiện đón nhận, thấy ta khó chịu, ngay lúc đó, ta đã tạo nhân ác.
Như vậy, toàn bộ đời sống của ta là do duyên tạo vì vũ trụ này là thế giới của 6 căn và 6 trần. Tất cả các chúng sinh trong các cảnh giới tùy thuộc và nhân thiện ác mà có đủ 6 căn hay không, khi có 6 căn ấy sẽ biết 6 trần như ý hay bất toại. Tùy thuộc vào trình độ của mỗi người mà khi 6 căn biết 6 trần bất toại hay như ý ta lại lấy đó làm nền để tiếp tục gieo nhân lành hay nhân xấu.
Chốt lại, vô lượng vũ trụ gồm có 2 phần nhân và quả. Do phần nhân mà đẩy chúng ta có mặt ở trong một thân phận, hình hài nào đó (gọi là quả). Trên nền của hình hài thân phận ấy, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần ta lại tiếp tục gieo nhân ác hay nhân thiện để tiếp tục từ nhân ác hay thiện này tạo ra một đời sống khác mà căn bản là tập hợp của quả. Tâm đầu thai là quả, tâm nhận biết trần cảnh là quả, chỉ phản ứng tâm lý của mình là nhân.
Trong một ngày có vô số lần tâm quả của ta đón nhận trần cảnh và cũng có chừng ấy lần nhân thiện nhân ác xuất hiện. Và sở dĩ có thiện ác nhiều ít ở mỗi người là tùy thuộc vào việc người đó có tu dưỡng hay không, có gần gũi minh sư thiện hữu hay không, có trú xứ thích hợp cho việc tu tập hay không và bản thân người đó có tư duy hợp lý hay không. Còn nếu không, trên nền tảng của quả quá khứ ta tiếp tục tạo nghiệp, tạo nhân bất thiện cho tương lai và cứ vậy nó làm nên dòng chảy luân hồi .
Tóm lại: Sự hiện hữu của mỗi người về bản thể chỉ là sự hiện hữu của 6 căn. Do kiếp trước có đam mê với 6 trần (gọi là 6 ái) dẫn đến kiếp này có 6 căn. 6 căn kiếp này với 6 trần bất toại (nếu không có công đức đủ lớn). Nếu kiếp này còn thích còn ghét trong 6 trần thì ta còn quay lại sự hiện hữu của 6 căn ở kiếp sau. Kiếp sau có 6 căn lại có 6 trần, nếu không có chánh niệm lại thích ghét thì lại sinh ra 6 căn ở kiếp sau nữa….
Cứ luẩn quẩn như vậy, ta lăn trôi, trồi sụt: “đã vô số kiếp làm côn trùng, giòi bọ… cũng có vô số lần chúng ta làm Phạm Thiên, Đế Thích…”!
4. Như vậy, có sự khác biệt rất lớn giữa người có tu học và không tu học:
– Người tu:
Bằng chánh niệm dưới góc nhìn bản thể, người tu đón nhận mọi quả (gồm tốt và cả xấu) bằng tâm lành. Do đó, người tu khi sống bằng từ bi, trí tuệ và chánh niệm họ luôn luôn biết tạo nhân lành.
Về người tu tập có nhiều hạng:
+ Có hạng làm lành, lánh dữ để kiếp sau được vui sướng, ít buồn khổ, tâm lành ở đây vẫn tạo quả nên gọi là tâm thiện.
+ Có bậc làm lành, lánh dữ để kiếp sau không còn thiện, ác, buồn vui, vượt ngoài nhân quả, bậc Alahan có 8 tâm lành không cho quả do bậc Alahan biết rõ 4 chân đế, làm chỉ để làm mà thôi (gọi là tâm tố, tâm duy tác, tâm hiệp thế).
+ Có hạng có Ba la mật duyên lành giải thoát sâu dày: thấy chứng đắc cũng không đáng, tu thiền cũng không đáng, tu thì cứ tu nhưng không đam mê dính mắc gắn chặt trong tầng thiền. Các vị đó có tâm siêu thế (40 tâm siêu thế).
+ Hạng sơ thánh: do hiểu và tin vào tứ đế (4 sự thật về cuộc đời và con đường giải thoát mà Đức Phật đã dạy trong bài Pháp đầu tiên: (1). tất cả mọi hiện hữu ở đời này đều là khổ, dầu sướng cách mấy, dầu thánh hay phàm mà có mặt trên đời này đều là khổ; (2). Nếu mọi thứ đều là khổ thì thích cái gì cũng là thích trong khổ, thích trong khổ tức là đầu tư khổ khác; (3). Muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa, không ở dưới bất cứ hình thức hiện hữu, hình hài nào nữa nào nữa. (4). Con đường thoát khổ chính là cộng của 3 điều trên) nên các ngài dứt khoát từ bỏ được thân kiến (không có gì là ta, là của ta), từ bỏ được mọi hoài nghi. Và từ đó các ngài loại trừ được giới cấm thủ (bất cứ một con đường hành trì nào mà không dẫn tới Niết bàn thì không đúng với tinh thần của Bát chánh đạo, nằm ngoài đạo đế thì được gọi là giới cấm thủ = ngộ nhân sai lầm về đường hành trì). Vị đó đắc tu đà hoàn.
– Người không tu:
+ Khi gặp quả xấu, điều kiện bất thuận, họ thiếu chánh niệm, đón nhận bằng tâm sân do dố tạo nhân xấu;
+ Khi gặp quả tốt (vui) họ vẫn thiếu chánh niệm đón nhận bằng tâm tham, cho rằng mình được hơn người (thỏa mãn, kiêu ngạo) nên dù kiếp này họ được nhận quả tốt từ đời trước, nhưng vẫn tạo nhân xấu cho đời sau.
Có thể nói, người không tu, hoặc tu mà không có chánh niệm, dù đón nhận quả xấu hay quả tốt họ luôn tạo nhân xấu (mà không biết mình đang tiếp tục tạo nhân xấu).
III. Những lưu ý, thường xuyên tự nhắc mình:
– Học về góc nhìn bản thể/ hiện tượng để thấy:
Do hiện tượng thì thay đổi, thiên hình vạn trạng, có quá nhiều khái niệm, quá nhiều từ ngữ trong thế giới hiện hữu này nên nếu sống nhìn chủ yếu qua hiện tượng, bề nổi thì ta sẽ dễ bị rối, cần tập nhìn thế giới hiện hữu dưới góc nhìn bản thể, hiểu sâu sắc bản thể thì sẽ thấy mọi thứ đơn giản, rõ ràng từ đó thái độ, hành xử của ta sẽ đúng đắn hơn. Không nên sống kẹt trong thế giới hiện tượng.
Ta rất cần phải hiểu bản thể của chính ta để ta bình tĩnh trước mọi khen chê của cuộc đời: Không vì ai đó phán xét, khen chê ta bằng các khái niệm giả định mà ta vui, tự kiêu (khi được khen) hay bất mãn, hờn giận (khi bị chê) hoặc tự tạo phiền não do cố tỏ ra cho đẹp, cho tốt, cho bằng thiên hạ.
Do đó, ta cần phải học thêm rất rất nhiều nữa và rèn luyện thường xuyên hơn nhiều nữa để có thêm trí tuệ nhận biết bản thể của mình, có góc nhìn vào bản chất (bản thể) đối với mọi hiện tượng, sự vật quanh mình.
– Học về nguyên lý tạo Thiện/Ác, Tâm để thấy:
+ Mỗi khi dùng tâm ác phải sớm nhận ra ngay để kịp thời sám hối, điều chỉnh.
+ Biết cách tạo thiện cho đời sau là luôn dùng tâm lành với 6 căn, 6 trần.
+ Luôn luôn nhắc mình dụng tâm lành trong mọi hoàn cảnh.
– Học về thái độ Thích/Ghét, tương quan là nhân duyên để thấy:
+ Mối tương quan của thái độ thích/ghét của ta trong các kiếp sống chính là duyên trợ sinh và duyên trợ lực cho dòng chảy luân hồi tiếp diễn mãi. Thật là nguy hiểm!
+ Ta thấy sợ! vì trong 1 ngày mình đón nhận vô số quả tốt xấu bằng sự thiếu chánh niệm, tâm xấu. Một ngày ta đã thích ghét vô số lần. Vậy một năm rồi một đời tạo không biết bao nhiêu lần thích ghét! Như vậy, tại thời điểm này thôi ta tỷ tỷ nghiệp xấu dẫn đến nghiệp bình sinh xấu cho nhiều kiếp sau, dẫn đến sự tái sinh trong cảnh giới thấp cho nhiều kiếp sau nữa!
+ Trước đây ta thường nghĩ thích/ghét là bình thường, là đương nhiên mà không ngờ nó dẫn dắt ta ngụp lặn nhiều kiếp như Sư dạy. Do vậy, từ giờ phải vô cùng cẩn trọng với từng thái độ thích/ghét nhỏ của mình với trần cảnh trong từng giây phút không thể coi thường được. Có thích/ghét đấy nhưng cố gắng không để nó dẫn dắt.
+ Muốn tương lai không có không hiện hữu gì thì phải cắt không có thái độ thích/ghét đối với mọi nghiệp quả (tốt và xấu). Thái độ bình thản đón nhận mọi sự.
Tuy nhiên để bình thản, không có thái độ thích/ghét được thì chắc chắn là việc vô cùng khó khăn gần như không khả thi nếu không được gặp Minh sư, thiện hữu và các điều kiện thiện duyên và không tu tập. Vậy nên, trước mắt, mỗi khi ta có thái độ thích gì quá hoặc ghét gì quá cần tự nhắc mình cần xem lại thái độ của mình. Khi nghe khen chê thì ngay lập tức nhận biết nó bằng chánh niệm, nhắc mình nghe đấy nhưng không nên có thái độ thích/ghét.
Lâu dài, ta cũng phải xác định phân đoạn mục tiêu của mình để mang tính khả thi: Trước là, giảm dần các sự thích của mình; bỏ dần sự hận thù, ghen ghét, bất mãn của mình bằng cách đó tạo nhân lành, nghiệp thiện, bớt nhân ác dần cho kiếp sau. Sau là, nếu có may mắn (duyên lành) được gặp được Minh sư, thiện hữu và các điều kiện thiện duyên thì tu học để từng bước, từng bước và dần dần tiến tới cắt hẳn thái độ thích/ghét của mình đối với trần cảnh.
Việc giải thoát là khó lắm còn phải nhiều đời nhiều kiếp sau nữa nếu có đủ duyên, còn phải khổ lâu dài, không vội vã được.
(Bản text do chị Lê Thanh Giang gõ và nộp bài tập trên lớp)
TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN
Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..
* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …
Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????