Hỏi – Tại sao chúng ta lại phải di chuyển sự chú tâm của chúng ta khắp toàn thân theo một thứ tự nhất định?
Đáp – Bởi vì bạn đang thực hành để khảo sát kỹ toàn bộ thực tại của tâm và vật chất (thân). Để làm được điều này bạn phải phát triển khả năng cảm nhận những gì đang xảy ra trong mọi phần của thân thể; không để trống phần nào. Và bạn cũng phải phát triển khả năng quan sát toàn bộ lãnh vực của cảm thọ. Đây là cách đức Phật đã mô tả việc thực hành: “Ở khắp nơi trong những giới hạn của thân, vị ấy kinh nghiệm (cảm giác) cảm thọ, bất cứ ở đâu có sự sống trong thân này”. Nếu bạn để cho sự chú tâm di chuyển bừa bãi từ phần này đến phần khác, từ thọ này đến thọ khác, tất nhiên nó sẽ luôn luôn bị hấp dẫn đến những vùng có những cảm thọ mạnh hơn. Như vậy bạn sẽ bỏ qua một vài phần và không học được cách làm thế nào để quan sát các cảm thọ vi tế hơn. Sự quan sát của bạn vẫn sẽ có tính cách cục bộ, không hoàn toàn, nông cạn. Vì vậy, nhất thiết phải luôn luôn di chuyển sự chú tâm theo thứ tự.
Hỏi – Làm cách nào để chúng ta biết rằng chúng ta không đang tạo ra các cảm thọ?
Đáp – Bạn có thể tự kiểm tra mình. Nếu như bạn hoài nghi không biết những cảm thọ bạn cảm nhận có phải là thực hay không, bạn có thể tự ra cho mình hai hay ba mệnh lệnh, bằng cách ám thị. Nếu bạn thấy rằng các cảm thọ thay đổi theo mệnh lệnh của bạn, thì bạn biết những cảm thọ ấy là không thực. Trong trường hợp đó bạn phải vứt bỏ toàn bộ kinh nghiệm và khởi sự lại bằng cách quan sát hơi thở trong một thời gian nào đó. Nhưng nếu bạn thấy rằng bạn không thể điều khiển các cảm thọ, nghĩa là các cảm thọ không chịu thay đổi theo ý bạn, lúc đó bạn phải quăng bỏ hoài nghi và chấp nhận kinh nghiệm ấy là thực.
Hỏi – Nếu những cảm thọ này là thực, tại sao chúng ta lại không cảm nhận được chúng trong cuộc sống bình thường?
Đáp – Ở mức vô thức bạn cảm nhận. Dù tâm ý thức không biết, song trong từng sát na tâm vô thức vẫn cảm nhận các cảm thọ trong thân và phản ứng lại với chúng. Tiến trình này xảy ra suốt ngày đêm. Nhờ hành thiền Minh sát bạn phá bỏ được rào cản giữa ý thức và vô thức. Bạn trở nên biết rõ mọi thứ đang xảy ra trong cấu trúc tâm – vật lý này, biết rõ mọi thứ bạn kinh nghiệm.
Hỏi – Cố ý để cho mình cảm giác cái đau thân xác (cảm thọ khổ). Điều này sao nghe giống như chứng khổ dâm vậy? (chứng cuồng dâm thích đau khổ thân xác).
Đáp – Nó sẽ là vậy nếu như bạn được yêu cầu chỉ kinh nghiệm cái đau thôi. Nhưng thay vào đó bạn được yêu cầu là hãy quan sát cái đau một cách khách quan. Khi bạn quan sát mà không phản ứng, tâm sẽ tự động chọc thủng qua thực tại bề ngoài của cái đau để đi vào tính chất vi tế của nó, vốn không có gì ngoài những rung động đang sanh và diệt trong từng sát na. Và khi bạn kinh nghiệm thực tại vi tế ấy, cái đau không thể làm chủ bạn. Bạn là chủ nhân của chính bạn, bạn đã thoát khỏi cái đau vậy.
Hỏi – Nhưng rõ ràng cái đau có thể là do sự cung cấp máu đã bị nghẽn ở một phần nào đó của thân. Phớt lờ dấu hiệu đó có phải là sáng suốt lắm không?
Đáp – À, chúng tôi đã thấy rằng việc luyện tập này không làm tổn hại gì cả; nếu có, chúng tôi ắt sẽ không khuyên làm như vậy. Hàng ngàn người đã thực hiện kỹ thuật này. Tôi không thấy có một trường hợp nào người ta thực hành đúng mà bị tổn thương cả. Theo kinh nghiệm chung thì lúc ấy thân trở nên mềm mại và linh động hơn. Cái đau biến mất khi bạn biết cách đương đầu với nó với một cái tâm quân bình.
Hỏi – Không thể nào thực hành Minh sát bằng cách quan sát ở bất kỳ một cửa nào đó trong sáu cửa giác quan, chẳng hạn, bằng cách quan sát sự xúc chạm của con mắt với cảnh sắc và của tai với âm thanh được sao?
Đáp – Tất nhiên là được. Nhưng sự quan sát đó vẫn phải liên quan đến niệm thọ. Bất cứ khi nào một xúc xảy ra ở bất kỳ căn nào trong sáu căn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm – thì một thọ được sanh ra. Nếu bạn vẫn không biết về thọ đó, bạn đã bỏ lỡ điểm ở đây phản ứng bắt đầu. Trong trường hợp của hầu hết các căn (giác quan) xúc có thể chỉ có mặt từng lúc, nghĩa là có lúc tai bạn có thể nghe một âm thanh, có lúc không. Tuy nhiên, ở mức sâu nhất có một sự xúc chạm của tâm và vật chất trong từng sát na, liên tục làm phát sinh các cảm thọ. Vì lý do này, quan sát các cảm thọ là cách sinh động và dễ sử dụng nhất để kinh nghiệm sự thực của vô thường. Bạn nên quán triệt điều này trước khi cố gắng sát ở các căn môn khác.
Hỏi – Nếu chúng ta chỉ chấp nhận và quan sát mọi thứ đúng như nó đến, sự tiến bộ sẽ xảy ra như thế nào?
Đáp – Tiến bộ được đo lường tùy vào việc bạn có phát triển được thái độ xả hay không. Bạn không có sự chọn lựa thực sự nào khác ngoài thái độ buông xả này, vì bạn không thể thay đổi các cảm thọ, bạn không thể tạo ra các cảm thọ. Bất cứ cái gì đến sẽ đến. Đó có thể là lạc hay khổ, thuộc loại này hay loại khác, nhưng nếu bạn duy trì được thái độ xả, chắc chắn bạn đang tiến bộ trên đạo lộ: bạn đang bẻ gãy thói quen tâm lý cũ của sự phản ứng.
Hỏi – Đó là lúc hành thiền, còn đối diện với cuộc sống Ngài liên hệ điều đó như thế nào?
Đáp – Khi vấn đề phát sinh trong cuộc sống hàng ngày, hãy dùng một vài giây để quan sát các cảm thọ của bạn với một tâm trí quân bình. Khi tâm an nhiên và quân bình, bất cứ quyết định nào bạn thực hiện cũng sẽ là quyết định tốt. Khi tâm không quân bình, bất cứ quyết định nào bạn thực hiện đều là một phản ứng. Bạn phải học cách thay đổi mẫu mực sống từ phản ứng tiêu cực đến phản ứng tích cực.
Hỏi – Sẽ là thế nếu Ngài không giận hay chỉ trích, nhưng nếu Ngài thấy rằng có thể làm một điều gì đó khác hơn, theo một cách tốt hơn, lúc đó Ngài có tiếp tục và tự bộc lộ mình không?
Đáp – Có đấy. Bạn phải hành động. Sống là để hành động, bạn không được thụ động. Nhưng hành động cần phải thực hiện với một tâm trí quân bình.
Hỏi – Hồi chiều tôi đã thử một tư thế ngồi (oai nghi) mới, rất dễ dàng cho việc ngồi lâu không cử động, và giữ cho lưng thật thẳng, nhưng tôi lại không cảm giác được nhiều cảm thọ. Tôi tự hỏi, liệu cuối cùng rồi các cảm thọ có đến, hay tôi nên trở lại với oai nghi cũ?
Đáp – Đừng cố gắng tạo ra các cảm thọ bằng cách cố ý chọn một oai nghi không thoải mái nào đó. Nếu đó là cách hành đúng, hẳn chúng tôi đã yêu cầu quý vị nên ngồi trên một cái giường đinh cho rồi! Những cực đoan như vậy sẽ không ích gì cả. Hãy chọn một oai nghi ngồi thoải mái sao để giữ cho thân được thẳng và để cho các cảm thọ đến một cách tự nhiên. Đừng cố gắng tạo ra các cảm thọ bằng ép buộc; cứ để chúng tự xảy ra. Chúng sẽ đến, vì chúng đã có đó. Có thể là bạn đang mong đợi những cảm thọ thuộc loại bạn đã cảm giác trước đây, nhưng có lẽ đó lại là một điều gì khác (xuất hiện).
Hỏi – Có những cảm thọ vi tế hơn trước. Trong oai nghi đầu tiên của tôi, ngồi lâu hơn một chút mà không nhúc nhích thật là khó.
Đáp – Bạn đã tìm ra một oai nghi thích hợp hơn cho bạn, như vậy là tốt rồi. Bây giờ hãy để các cảm thọ đến tự nhiên. Có lẽ những cảm thọ thô đã qua rồi và lúc này bạn phải đối phó với các cảm thọ vi tế hơn, nhưng tâm vẫn chưa đủ bén nhạy để cảm giác chúng. Để làm cho tâm bén nhạy hơn, hãy thực hành niệm hơi thở lại trong một lúc. Điều này sẽ làm cho sự tập trung của bạn trở nên tốt hơn và giúp cho tâm dễ dàng cảm giác những cảm thọ vi tế.
Hỏi – Tôi nghĩ nếu các cảm thọ thô vẫn tốt hơn, vì điều đó có nghĩa là một hành (sankhãra) đã khởi lên.
Đáp – Không nhất thiết. Một vài bất tịnh xuất hiện như những cảm thọ rất vi tế. Tại sao lại mong mỏi những cảm thọ thô? Bất cứ thọ nào đến, thô hay tế, công việc của bạn chỉ là quan sát mà thôi.
Hỏi – Chúng ta có nên cố gắng nhận dạng thọ nào kết hợp với phản ứng nào không?
Đáp – Đó sẽ là một sự hoang phí năng lượng vô nghĩa. Nó sẽ chẳng khác gì một người đang giặt một tấm vải bẩn cứ ngưng lại mãi để kiểm tra xem cái gì đã gây ra từng vết bẩn trên tấm vải. Điều này sẽ chẳng giúp anh ta làm xong công việc của mình, là giặt cho sạch tấm vải. Vì mục đích này, việc quan trọng là phải có một chút xà phòng và sử dụng nó đúng cách. Nếu bạn giặt tấm vải đúng cách, mọi vết bẩn sẽ được loại trừ. Cũng vậy, bạn đã nhận miếng xà phòng Minh sát (Vipassanã); bây giờ hãy tận dụng nó để loại trừ mọi bất tịnh khỏi tâm. Nếu bạn cứ tìm kiếm những nguyên nhân sanh ra các cảm thọ đặc biệt, là bạn đang chơi một trò chơi tri thức và bạn đã quên đi tính chất vô thường (anicca), vô ngã (anatta). Trò chơi tri thức này không thể giúp bạn thoát ra khỏi khổ đau.
Hỏi – Tôi cảm thấy bối rối không biết ai là người đang quan sát, và ai hay cái gì đang quan sát?
Đáp – Không có câu trả lời thuộc lãnh vực trí năng nào có thể làm cho bạn thỏa mãn. Bạn phải tự thẩm tra lấy cái “tôi” đang làm tất cả công việc này là gì. Ai là cái “tôi” này. Cứ tiếp tục khám phá, phân tích. Xem thử có cái “tôi” nào xuất hiện không; nếu có, hãy quan sát nó. Nếu không có gì xuất hiện, thì hãy chấp nhận, “Ồ, cái “tôi” này chỉ là một ảo tưởng”.
Hỏi – Một vài loại điều kiện tâm lý không phải là tích cực đó sao? Tại sao chúng ta phải cố gắng để trừ diệt những điều kiện tâm lý tích cực ấy?
Đáp – Điều kiện (duyên) tích cực làm động cơ thúc đẩy chúng ta thực hành hướng đến sự giải thoát khổ. Nhưng khi đã đạt được mục đích ấy, mọi điều kiện, tích cực và tiêu cực, đều bỏ lại phía sau. Cũng giống dùng một chiếc bè để vượt qua sông vậy. Một khi đã qua sông rồi, ta không cần đội bè lên đầu để tiếp tục cuộc hành trình của mình để làm gì. Chiếc bè đã làm xong mục đích của nó. Bây gờ không còn cần đến nó nữa, và nó phải được bỏ lại phía sau. Cũng vậy, người đã giải thoát viên mãn không còn cần đến các điều kiện (duyên). Chúng ta nên biết rằng, một người được giải thoát không phải vì điều kiện tích cực, mà vì sự thanh tịnh của tâm.
Hỏi – Vì sao khi mới bắt đầu hành Vipassanã chúng ta lại kinh nghiệm những cảm thọ khó chịu (khổ) và vì sao các cảm thọ dễ chịu (lạc) sau đó mới đến?
Đáp – Thiền Minh sát (Vipassanã) hoạt động nhờ trừ diệt những bất tịnh thô nhất trước. Khi bạn lau nhà, trước hết bạn quét gom tất cả những rác rưởi và đất cục trước, sau đó cứ mỗi lần quét bạn lại gom những bụi đất càng lúc càng mịn hơn. Trong việc hành Minh sát cũng vậy. Trước hết những bất tịnh thô của tâm bị loại trừ và còn lại những bất tịnh vi tế xem có vẻ như những cảm thọ lạc. Cái nguy chính là ở chỗ khởi tham đối với những cảm thọ lạc này. Vì vậy bạn phải thận trọng không nên xem kinh nghiệm giác quan khổ lạc ấy như mục tiêu cuối cùng. Bạn phải tiếp tục quan sát từng cảm thọ một cách khách quan để trừ diệt mọi phản ứng có điều kiện.
Hỏi – Ngài nói rằng chúng ta có tấm vải dơ cần phải giặt, và cũng có xà phòng để giặt nó. Hôm nay tôi cảm thấy hầu như tôi sắp hết cả xà phòng rồi! Sáng nay việc thực hành của tôi rất có kết quả, nhưng đến chiều thì tôi cảm thấy thực sự tuyệt vọng và giận dữ, tôi nghĩ “Ôi có ích gì chứ!”. Làm như khi tâm thiền càng mạnh, thì một kẻ thù bên trong – có lẽ là cái tôi – ngang ngửa với sức mạnh ấy và hạ tôi đo ván. Lúc đó tôi cảm thấy mình không có đủ sức mạnh để chống trả lại nó. Có cách nào tránh né để khỏi phải chiến đấu vất vả như vậy không, có cách nào khôn ngoan hơn để giải quyết vấn đề đó không?
Đáp – Hãy giữ tâm xả; đó là cách khéo léo nhất. Những gì bạn đã kinh qua là hoàn toàn tự nhiên. Khi việc hành thiền đối với bạn dường như đang diễn tiến tốt, tâm đã được quân bình, và nó thể nhập sâu vào phần vô thức. Do sự hoạt động sâu ấy, một phản ứng quá khứ bị quấy động và trồi lên bề mặt của tâm; và trong thời tọa thiền kế tiếp bạn phải đương đầu với cơn bão tiêu cực đó. Trong một tình huống như vậy, thái độ xả rất quan trọng, vì nếu không, tiêu cực sẽ áp đảo bạn, và bạn không thể hành được nữa. Nếu xả có vẻ yếu, hãy hành niệm hơi thở trở lại. Khi một trận bão lớn ập tới, bạn phải buông neo và chờ cho đến khi cơn bão qua. Hơi thở là cái neo của bạn. Hãy làm việc với hơi thở và trận bão sẽ qua đi. Thực ra khi tiêu cực này trồi lên bề mặt là tốt đấy, vì lúc đó có cơ hội quét sạch nó. Nếu bạn cứ duy trì tâm xả nó sẽ qua đi dễ dàng.
Hỏi – Phải chăng tôi thực sự sẽ được nhiều lợi ích như vậy từ pháp hành nếu như tôi không có cái đau?
Đáp – Nếu bạn có niệm và quân bình (xả), thì dù đau hay không đau, chắc chắn bạn cũng đang tiến bộ. Không hẳn rằng bạn phải cảm nhận cái đau để được tiến bộ trên đạo lộ. Nếu không có cái đau, hãy chấp nhận rằng không có cái đau vậy thôi. Bạn chỉ việc quan sát cái đang là.
Hỏi – Hôm qua tôi có một kinh nghiệm, trong kinh nghiệm ấy toàn thân tôi cảm giác như thể nó đã tan ra vậy. Tôi cảm thấy giống như thân này chỉ là một khối những rung động ở khắp nơi.
– Có gì nữa không?
– Và khi điều này xảy ra, tôi nhớ rằng hồi còn bé tôi đã gặp một kinh nghiệm tương tự. Suốt những năm ấy tôi đã tìm cách để trở lại với kinh nghiệm đó. Và lúc này nó đã trở lại.
– Có gì nữa không?
– Rất tự nhiên, tôi muốn kinh nghiệm nó được tiếp tục, tôi muốn kéo dài kinh nghiệm đó. Nhưng nó đã thay đổi và diệt mất. Và rồi tôi đã hành chỉ để làm cho nó tái hiện trở lại, nhưng nó vẫn không trở lại. Thay vào đó, sáng hôm nay tôi chỉ gặp những cảm thọ thô.
– Có gì nữa không?
– Rồi tôi nhận ra tôi đang tự làm khổ mình như thế nào bằng việc cố gắng để có lại kinh nghiệm ấy.
– Có gì nữa không?
– Và giờ tôi hiểu rằng thực sự chúng ta chẳng phải đến đây để tìm bất kỳ một kinh nghiệm đặc biệt nào. Đúng không?
– Đúng.
– Rằng, thực sự chúng ta đến đây để học cách quan sát mọi kinh nghiệm mà không phản ứng. Đúng không?
– Đúng.
– Như thế những gì thiền này thực sự nhắm vào là phát triển thái độ xả. Đúng không?
– Đúng.
– Đối với tôi, hình như để diệt hết mọi hành (sankhãra) quá khứ theo tuần tự, sẽ phải mất cả đời vậy.
Đáp – Sẽ là vậy nếu một sát na xả đích xác có nghĩa là người ta bớt đi một hành quá khứ. Nhưng thực ra, niệm thọ này đưa bạn vào mức sâu nhất của tâm và cho phép bạn cắt đứt gốc rễ của các duyên (điều kiện) quá khứ. Theo cách này trong một thời gian tương đối ngắn bạn có thể diệt toàn bộ những khu liên hợp của các hành (sankhãra) với điều kiện niệm và xả của bạn phải đủ mạnh.
Hỏi – Như vậy tiến trình sẽ phải mất bao lâu?
Đáp – Điều đó tùy thuộc vào kho chứa các hành mà bạn phải diệt bao lớn, và khả năng thiền của bạn mạnh ra sao. Bạn không thể đo lường được kho hành quá khứ, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng bạn hành thiền càng nghiêm mật bao nhiêu, thì bạn càng nhanh chóng tiến đến giải thoát bấy nhiêu. Hãy tiếp tục thực hành một cách kiên quyết hướng đến mục đích ấy. Thời gian chắc chắn sẽ đến – sớm hơn hay muộn hơn thôi. Bạn sẽ đạt đến đó.
Hỏi – Tôi không biết chúng ta có thể đối xử với những tư duy ám ảnh theo như cách chúng ta đối xử với cái đau thể xác không?
Đáp – Chỉ chấp nhận sự kiện rằng có một tư duy hay cảm xúc ám ảnh trong tâm mà thôi. Đó chẳng qua là một điều gì đã bị đè nén xuống sâu, nay xuất hiện ở mức ý thức. Không nên đi sâu vào chi tiết của tư duy hay cảm xúc ấy. Chỉ chấp nhận cảm xúc như là cảm xúc. Và cùng với nó, cảm thọ nào bạn cảm thấy. Không thể có việc một cảm xúc phát sanh mà không có một thọ đi kèm ở mức vật lý. Hãy quan sát cảm thọ đó.
Hỏi – Như vậy chúng ta phải tìm cảm thọ liên quan đến cảm xúc đặc biệt ấy sao?
Đáp – Hãy quan sát bất kỳ cảm thọ nào xuất hiện. Bạn không thể tìm ra cảm thọ nào liên quan đến cảm xúc đó được, vì thế chẳng nên cố gắng làm điều đó. Khi có một cảm xúc trong tâm, lúc ấy bất cứ cảm thọ nào bạn kinh nghiệm ở thân đều có một sự liên hệ nào đó đến cảm xúc ấy. Chỉ cần quan sát các cảm thọ và hiểu “Những cảm thọ này là vô thường. Cảm xúc này cũng vô thường. Để ta xem nó kéo dài bao lâu”. Bạn sẽ thấy rằng mình đã cắt đứt những gốc rễ của cảm xúc và nó diệt mất.
Hỏi – Có phải Ngài cho rằng cảm xúc và cảm thọ là một?
Đáp – Chúng là hai mặt của một đồng tiền. Cảm xúc thuộc tâm lý và cảm thọ thuộc vật lý, nhưng cả hai có tương quan với nhau. Thực ra mỗi cảm xúc, tức bất cứ điều gì phát sinh trong tâm, đều phải phát sinh cùng với cảm thọ nơi thân. Đây là quy luật của tự nhiên.
Hỏi – Nhưng cảm xúc tự thân nó là một vấn đề của tâm chứ?
Đáp – Một vấn đề của tâm, chắc chắn là vậy.
Hỏi – Mà tâm cũng là toàn thân?
Đáp – Nó liên hệ mật thiết với toàn thân.
Hỏi – Thức có mặt trong mọi nguyên tử của thân phải không?
Đáp – Phải. Đó là lý do vì sao cảm thọ liên hệ đến một cảm xúc đặc biệt nào đó có thể phát sinh ở bất cứ chỗ nào trong thân. Nếu bạn quan sát các cảm thọ ở khắp toàn thân, chắc chắn là bạn đang quan sát cảm thọ liên hệ đến cảm xúc đó, và bạn cũng thoát ra khỏi cảm xúc đó vậy.
Hỏi – Nếu chúng ta ngồi thiền nhưng không thể cảm nhận được một cảm thọ nào cả, vậy có được lợi ích gì trong việc hành thiền không?
Đáp – Nếu bạn ngồi và quan sát hơi thở, nó sẽ làm cho tâm lắng dịu và an định, nhưng trừ phi bạn cảm giác được cảm thọ, bằng không tiến trình thanh lọc không thể hoạt động ở những mức sâu hơn. Trong những phần sâu thẳm của tâm, các phản ứng khởi động cùng với cảm thọ, vốn xảy ra không ngừng ở đó.
Hỏi – Trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta có một vài phút giây, liệu có lợi ích gì không khi ngồi yên tĩnh và quan sát các cảm thọ?
Đáp – Có chứ. Ngay cả với mắt mở, khi bạn không có công việc gì khác, bạn cũng nên chánh niệm trên các cảm thọ trong thân bạn.
Hỏi – Làm thế nào vị thầy nhận ra được một thiền sinh đã kinh nghiệm Niết Bàn?
Đáp – Có nhiều cách để kiểm tra vào lúc người ấy thực sự kinh nghiệm Niết bàn. Về điều này một vị thầy phải được huấn luyện một cách thích hợp.
Hỏi – Còn những người hành thiền có thể biết cho bản thân mình như thế nào?
Đáp – Do sự thay đổi diễn ra trong cuộc sống của họ. Người đã thực sự kinh nghiệm Niết bàn trở nên thánh thiện và tâm trí rất trong sạch. Họ không còn phạm vào ngũ giới căn bản dù bằng bất cứ hình thức nào, và thay vì che dấu một lầm lỗi, họ công khai thừa nhận nó và cố gắng không để tái phạm. Việc chấp giữ vào những hình thức lễ nghi và bái lạy chấm dứt, vì họ nhận ra chúng chỉ là những hình thức bề ngoài, rỗng không, không đem lại một kinh nghiệm thực tiễn nào. Họ có niềm tin bất động nơi đạo lộ đưa họ đến giải thoát, họ không còn đi tìm con đường nào khác. Và cuối cùng ảo tưởng về tự ngã hay cái tôi sẽ tan vỡ trong họ. Nếu người nào tuyên bố đã chứng nghiệm Niết bàn, mà tâm họ vẫn còn bất tịnh và những hành động của họ vẫn không lành mạnh như trước, thì kể như đã có điều gì lầm lẫn. Lối sống của họ phải biểu lộ được là họ đã thực sự kinh nghiệm Niết bàn hay không.
Việc người thầy phát “Giấy Chứng Nhận” cho các thiền sinh – để báo rằng họ đã đắc Niết bàn – là không hợp. Nếu không nó sẽ trở thành một cuộc tranh giành mang tính xây dựng bản ngã cho cả thầy lẫn trò. Những người hành thiền chỉ biết cố gắng để có được tấm giấy chứng nhận, và một ông thầy càng phát được nhiều giấy chứng nhận bao nhiêu, thì lúc đó, kinh nghiệm Niết bàn trở thành phụ, còn giấy chứng nhận trở thành quan trọng chính yếu, và cuối cùng nó trở thành một trò chơi điên đảo.
Pháp thuần khiết chỉ để giúp người và cách giúp tốt nhất là phải thấy rằng người hành thiền thực sự kinh nghiệm Niết bàn và được giải thoát. Tất cả mục đích của người thầy và của giáo pháp là nhằm giúp con người ta sống chân thật, không phải để khoe khoang cái ngã của họ. Vì đó không phải là một trò chơi.
Hỏi – Ngài sẽ so sánh tâm lý học và Vipassanã như thế nào?
Đáp – Trong tâm lý học bạn cố gắng nhắc cho ý thức nhớ lại những sự kiện quá khứ vốn có một ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc tạo điều kiện cho tâm. Ngược lại, Vipassanã hay Minh sát sẽ đưa người hành thiền đến mức sâu nhất của tâm ở đây việc tạo điều kiện (làm duyên cho tâm) thực sự bắt đầu. Mỗi sự kiện mà người ta có thể đã cố nhớ lại trong tâm lý học cũng biểu lộ ra bằng một cảm thọ ở mức vật lý. Bằng cách quan sát các cảm thọ vật lý ở khắp toàn thên với thái độ xả, người hành thiền để cho vô số lớp điều kiện (duyên) sanh lên và diệt đi. Người ấy đối phó với các điều kiện ở tận căn nguyên của nó và có thể tự giải thoát mình khỏi nó một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Hỏi – Lòng bi mẫn thực sự như thế nào?
Đáp – Đó là ước muốn phục vụ người khác, ước muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau. Nhưng việc giúp người ấy phải không để dính mắc. Nếu bạn khóc than cho nỗi khổ của người khác, bạn chỉ làm cho mình buồn khổ mà thôi. Đây không phải là Đạo lộ của Pháp. Nếu bạn có tâm bi thực thụ, thì với tất cả lòng từ, bạn cố gắng giúp người khác với hết khả năng của mình. Nếu bạn không thành công, bạn vẫn mỉm cười và cố gắng theo cách khác để giúp họ. Bạn phục vụ mà không quan tâm đến những kết quả của việc phục vụ. Đây là tâm bi đích thực, xuất phát từ một cái tâm quân bình.
Hỏi – Ngài cho rằng Vipassanã là con đường duy nhất để đạt đến giác ngộ chứ?
Đáp – Sự giác ngộ được thành tựu bằng việc khảo sát tự thân và trừ diệt các duyên. Và làm công việc này tức là Minh sát (Vipassanã) cho dù bạn gọi nó bằng tên gì cũng được. Có số người chưa từng nghe nói về Vipassanã, tuy vậy tiến trình (Minh sát) đã khởi động một cách tự nhiên trong họ. Điều này dường như đã xảy ra trong trường hợp của một số những bậc thánh thiện ở Ấn Độ, xét theo những lời của chính họ. Nhưng vì họ không học tiến trình theo tuần tự từng bước một, họ không thể giải thích kinh nghiệm của mình một cách rõ ràng cho người khác được. Còn ở đây, bạn có cơ hội học phương pháp theo từng bước để dẫn bạn đến sự giác ngộ.
Hỏi – Ngài gọi Vipassanã là một nghệ thuật sống có tính phổ thông, nhưng liệu điều đó sẽ không làm cho những người thuộc các tôn giáo khác thực hành nó bị lẫn lộn chứ?
Đáp – Vipassanã không phải là một tôn giáo trá hình để cạnh tranh với các tôn giáo khác. Không ai yêu cầu các thiền sinh phải tán thành mù quáng vào một giáo lý mang tính triết học nào cả; thay vào đó họ được bảo là hãy chấp nhận chỉ những gì họ kinh nghiệm là thực. Không phải lý thuyết mà chính thực hành mới được xem là quan trọng, và thực hành có nghĩa là hành giới, định, và tuệ. Tôn giáo nào có thể chống lại điều đó? Nó có thể làm cho người ta lẫn lộn như thế nào? Hãy xem trọng pháp hành, và bạn sẽ thấy rằng những hoài nghi như thế đã tự động được giải quyết.
Hỏi – Chúng tôi có được phép nói cho những người khác biết về thiền Minh sát này không?
Đáp – Tất nhiên. Không có gì bí mật trong Pháp (Dhamma) cả. Bạn có thể nói những gì mình đã làm ở đây cho bất cứ ai cũng được. Nhưng hướng dẫn người ta thực hành một cái gì đó lại hoàn toàn khác, không nên làm ở giai đoạn này. Hãy chờ cho đến khi bạn đã an lập vững chắc trong kỹ thuật và đã được huấn luyện cách hướng dẫn người khác. Nếu người nào được bạn nói về Vipassanã mà cảm thấy thích thú trong pháp hành, hãy khuyên người ấy đến dự khóa thiền. Ít ra kinh nghiệm đầu tiên về Vipassanã cũng phải ở trong khóa thiền mười ngày có tổ chức; dưới sự hướng dẫn của một vị thầy có đủ phẩm chất. Sau đó họ có thể tự hành.
Hỏi – Tôi có hành Yoga. Tôi có thể kết hợp việc tập Yoga này với Minh sát như thế nào?
Đáp – Ở đây, trong một khóa thiền, bạn không được phép tập Yoga vì nó sẽ làm khuấy động người khác bằng cách lôi kéo sự chú ý của họ. Nhưng sau khi trở về nhà, bạn có thể hành cả Vipassanã lẫn Yoga được. Đó là những bài tập thể dục theo những tư thế Yoga và kiểm soát hơi thở. Yoga rất có lợi cho sức khỏe thể chất. Thậm chí bạn có thể kết hợp nó với thiền Minh sát. Chẳng hạn, bạn thực hiện một tư thế Yoga, rồi quan sát các cảm thọ ở khắp toàn thân; điều này sẽ đem lại những lợi ích vẫn lớn hơn thực hành một mình Yoga. Nhưng những kỹ thuật thiền của Yoga sử dụng chú thuật và những hình ảnh biểu tượng hoàn toàn trái ngược với thiền Minh sát. Không nên trộn lẫn những kỹ thuật ấy với kỹ thuật Minh sát này.
Hỏi – Còn những bài tập thở của Yoga khác thì sao?
Đáp – Những bài tập ấy có ích như những bài tập thể dục, nhưng không nên trộn lẫn những kỹ thuật này với niệm hơi thở vào – ra. Trong niệm hơi thở bạn phải quan sát hơi thở tự nhiên đúng như nó là, không kiểm soát nó. Vì thế, thực hành kiểm soát hơi thở được kể như một bài tập thể dục, và hành niệm hơi thở vào – ra được dành cho thiền.
Hỏi – Tôi – không phải là cái ảo tưởng này – có đang bị dính mắc vào sự giác ngộ không?
Đáp – Nếu bị dính mắc, là bạn đang đi ngược lại với sự giác ngộ. Bạn chẳng thể nào chứng nghiệm được sự giác ngộ bao lâu bạn còn những chấp trước. Chỉ giản dị hiểu giác ngộ là gì. Rồi cứ tiếp tục quan sát thực tại của sát na này, và để cho sự giác ngộ tự đến. Nếu nó không đến, đừng có lo lắng. Bạn chỉ làm công việc của bạn và để kết quả cho Pháp (tự vận hành). Nếu bạn thực hành theo cách này, bạn đã không bị dính mắc vào sự giác ngộ và chắc chắn nó sẽ đến.
Hỏi – Như vậy hành thiền chỉ là làm công việc của mình?
Đáp – Phải. Làm cho trong sạch nội tâm chính là trách nhiệm của bạn. Hãy xem đó là như là một trách nhiệm, nhưng làm trách nhiệm ấy mà không để cho dính mắc.
Hỏi – Không phải để thành tựu điều gì sao?
Đáp – Không. Những gì đến tự nó sẽ đến. Cứ để nó xảy ra một cách tự nhiên.
Hỏi – Cảm nghĩ của Ngài về việc dạy Pháp (Dhamma) cho trẻ em là thế nào?
Đáp – Thời điểm tốt nhất cho việc đó (dạy Pháp) là trước khi sinh. Trong thời kỳ thai nghén người mẹ nên hành Vipassanã, nhờ vậy đứa bé cũng tiếp nhận được năng lực (Pháp) và được sanh ra như một đứa bé thấm nhuần Pháp (Dhamma). Còn nếu bạn đã có con rồi, bạn vẫn có thể chia sẻ Pháp với chúng. Chẳng hạn, khi kết thúc buổi hành thiền Minh sát này bạn được học kỹ thuật tu tập tâm từ (Mettã bhãvanã), nghĩa là chia sẻ sự bình yên và hòa hợp của bạn với người khác. Nếu con cái của bạn còn nhỏ, hãy hướng tâm từ của bạn đến chúng sau mỗi thời ngồi thiền và vào giờ chúng đi ngủ; theo cách này con bạn cũng được lợi ích từ việc hành Pháp của bạn. Và đến khi chúng lớn hơn, hãy giải thích một ít giáo pháp cho chúng theo cách chúng có thể hiểu và chấp nhận được. Nếu chúng có thể hiểu thêm một ít nữa, thì hãy dạy chúng cách hành ãnãpãna (niệm hơi thở) trong vài phút. Đừng dùng bất cứ cách nào để ép buộc chúng. Hãy để chúng ngồi với bạn, quan sát hơi thở của chúng trong một vài phút, rồi cho chúng đi chơi. Thiền sẽ được xem giống như một trò chơi đối với chúng; chúng sẽ thích thú làm điều đó. Và quan trọng nhất là bản thân bạn phải sống một cuộc sống thật lành mạnh, bạn phải làm một tấm gương tốt cho con cái bạn. Ở nhà bạn phải thiết lập một bầu không khí bình yên và hòa hợp vốn sẽ giúp chúng tăng trưởng, phát triển thành những người lành mạnh và an vui. Đây là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho con cái bạn.
Xin cảm ơn ngài rất nhiều về Giáo Pháp kỳ diệu này.
Cảm ơn Pháp (Dhamma)! Pháp thật vĩ đại. Tôi chỉ là một cỗ xe. Và cũng phải cảm ơn chính bản thân bạn nữa. Bạn đã chịu khó thực hành, nhờ vậy bạn đã nắm được kỹ thuật. Một vị thầy cứ làm công việc nói, nói mãi, nói mãi, nhưng nếu bạn không thực hành, bạn không được gì cả. Hãy sống an vui và cố gắng thực hành, cố gắng thực hành!
________________
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)