Faq: Hỏi Đáp Với Thiền Sư S.n. Goenka Về Thiền Vipassana (tổng Hợp 3)

Hỏi – Khi Ngài nói về “tâm”, tôi không chắc chắn ý Ngài muốn nói gì. Tôi không thể tìm ra tâm. 

Đáp – Tâm ở khắp mọi nơi, ở với từng nguyên tử. Bất cứ chỗ nào bạn cảm giác một điều gì, thì tâm có ở đó. Chính tâm cảm giác. 

Hỏi – Như vậy khi nói tâm Ngài không muốn nói bộ não chứ? 

Đáp – Ồ không, không, không. Ở phương Tây này các bạn nghĩ rằng chỉ có trong đầu. Đó là ý niệm sai lầm. 

Hỏi – Tâm là toàn thân chăng? 

Đáp – Đúng vậy, toàn thân chứa đựng tâm, toàn thân này! 

Hỏi – Ngài nói về sự kinh nghiệm của “tôi” chỉ trong những từ ngữ phủ định. Nó không có một khía cạnh xác định nào sao? Chẳng phải là có một sự kinh nghiệm của “tôi” làm ngập tràn con người với hoan hỷ, bình yên, và khoái cảm sao? 

Đáp – Nhờ hành thiền bạn sẽ thấy ra rằng mọi dục lạc như vậy đều vô thường; chúng đến rồi đi. Nếu cái “tôi” này thực sự hưởng thụ chúng. Nếu chúng là những lạc thú “của tôi” thì “tôi” phải có một sự làm chủ nào đó đối với chúng. Nhưng chúng cứ việc sanh và diệt ngoài sự kiểm soát của tôi. Cái “tôi” nào ở đó? 

Hỏi – Tôi không đang nói các dục lạc mà muốn nói về những cảm giác ở một mức rất sâu. 

Đáp – Ở mức đó, “tôi” không quan trọng chút nào cả. Khi bạn đạt đến mức đó, cái “tôi” đã tan ra, chỉ có sự hoan hỷ. Vấn đề cái “tôi” không phát sinh lúc đó. 

Hỏi – Thôi được, thay vì “tôi” chúng ta hãy nói đó là kinh nghiệm của một người được chứ? 

Đáp – Chỉ có thọ cảm thọ; không có người cảm thọ. Mọi việc đang xảy ra. Đó là tất cả. Đối với bạn làm như phải có một cái “Tôi” cảm thọ, song nếu bạn thực hành, bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây cái tôi tan ra. Lúc đó câu hỏi của bạn sẽ biến mất. 

Hỏi – Tôi đến đây bởi vì tôi cảm thấy “Tôi” cần phải đến đây vậy. 

Đáp – Phải! Hoàn toàn đúng. Vì những mục đích quy ước, chúng ta không thể lẩn tránh cái “tôi” hay “của tôi” được. Nhưng chấp trước vào chúng, xem chúng như là thực trong ý nghĩa tối hậu sẽ chỉ đem lại khổ đau. 

Hỏi – Tôi tự hỏi không biết có người gây khổ cho chúng ta hay không? 

Đáp – Không có ai gây khổ cho bạn cả. Bạn tự gây khổ cho bạn bằng cách tạo ra những căng thẳng trong tâm thôi. Nếu bạn biết cách làm thế nào để không tạo ra căng thẳng ấy, vấn đề sẽ trở nên dễ dàng cho bạn để giữ bình yên và an vui trong mọi hoàn cảnh. 

Hỏi – Còn khi người khác làm hại ta thì sao? 

Đáp – Bạn phải không để cho người khác làm điều sai trái đối với bạn. Bất cứ khi nào một người làm điều gì đó sai trái, họ làm tổn hại người khác đồng thời cũng làm tổn hại chính họ. Nếu bạn để cho người ấy làm điều sai trái, là bạn đang khuyến khích y làm bậy. Bạn phải dùng tất cả sức mạnh của bạn để ngăn chặn họ, nhưng chỉ với thiện chí, lòng bi mẫn, và cảm thông đối với người ấy. Nếu bạn hành động với sân hận hay nóng giận, thì bạn đã làm trầm trọng thêm tình huống. Tất nhiên bạn không thể có thiện chí đối với một người như vậy trừ phi tâm bạn an nhiên và bình lặng. Vì thế hãy thực hành để phát triển sự bình yên trong bạn, và lúc đó bạn có thể giải quyết được vấn đề. 

Hỏi – Ý nghĩa của việc tìm kiếm sự bình yên nội tại là gì khi không có sự bình yên trong thế gian này? 

Đáp – Thế gian có được bình yên chỉ khi nào những người trong thế gian được bình yên và hạnh phúc. Sự thay đổi phải bắt đầu với mỗi cá nhân. Nếu cánh rừng bị khô héo và bạn muốn hồi phục sự sống cho nó, bạn phải tưới nước cho mỗi cây của cánh rừng ấy. Nếu bạn muốn thế gian hòa bình, bạn cũng phải biết cách làm thế nào để chính mình được bình yên đã. Chỉ khi đó bạn mới có thể đem sự bình yên đến cho thế gian. 

Hỏi – Tôi có thể hiểu việc thiền sẽ giúp cho những người tâm lý không ổn định, những người khổ đau như thế nào, nhưng còn những người đã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống, những người đã hạnh phúc, an vui rồi thì sao? 

Đáp – Người nào vẫn cảm thấy thỏa mãn với những lạc thú hời hợt của cuộc sống thì không hay biết gì về những kích động sâu tận trong tâm. Người ấy bị ảo tưởng rằng mình là một người hạnh phúc, nhưng những lạc thú của họ không bền lâu, và những căng thẳng phát sinh trong vô thức vẫn tiếp tục gia tăng, để rồi có ngày sẽ xuất hiện ở mức ý thức của tâm. Khi chúng xuất hiện, cái gọi là con người hạnh phúc này trở nên khốn khổ. Thế thì tại sao không khởi sự thực hành ngay bây giờ để tránh được trường hợp đó?

Hỏi – Ngài đang dạy (giáo lý) Đại thừa (Mahãyãna) hay Tiểu thừa (Hinãyanã)? 

Đáp – Chẳng thừa nào cả. Chữ yãma thực sự có nghĩa là cỗ xe sẽ chở bạn đến mục tiêu cuối cùng, song ngày nay nó đã bị gán một cách lầm lẫn cho hàm ý bộ phái. Đức Phật chẳng bao giờ dạy một điều gì mang ý niệm bộ phái cả. Ngài dạy Pháp (Dhamma) vốn là phổ quát. Tính phổ quát này là những gì đã hấp dẫn tôi đến với những lời dạy của đức Phật, những lời dạy đã cho tôi lợi ích, và vì thế Pháp phổ quát này là những gì tôi dâng tặng cho mọi người, với tất cả từ, bi của tôi. Đối với tôi, Pháp không Đại cũng chẳng Tiểu, Pháp không thuộc bất kỳ bộ phái nào cả. 

Hỏi – Phải chăng khổ là một phần tự nhiên của cuộc sống? Sao chúng ta lại phải cố gắng để thoát khổ? 

Đáp – Chúng ta đã trở nên quá hệ lụy trong khổ đến nỗi xem việc thoát khỏi nó dường như là điều không tự nhiên. Nhưng khi bạn kinh nghiệm được hạnh phúc thực sự của sự thanh tịnh tâm, bạn sẽ biết rằng đây là trạng thái tự nhiên của tâm.

Hỏi – Phải chăng việc kinh nghiệm về khổ có thể làm cho người ta trở nên cao quý và giúp họ phát triển nhân cách? 

Đáp – Phải. Thực sự kỹ thuật này cố tình dùng khổ như một lợi khí để làm cho người ta trở thành cao quý. Nhưng nó chỉ kiến hiệu nếu bạn biết cách làm thế nào để quan sát khổ một cách khách quan. Còn nếu bạn bị dính mắc vào khổ đau của bạn, thì kinh nghiệm sẽ không làm cho bạn trở nên cao quý, bạn sẽ luôn luôn khổ đau như vậy.

Hỏi – Kiểm soát những hành vi của mình không phải là một loại đè nén sao? 

Đáp –  Không. Bạn học cách chỉ quan sát những gì đang xảy ra một cách khách quan thôi. Nếu người nào giận và cố gắng che đậy cơn giận của mình hay cố gắng nuốt giận, thì đúng, đó là sự đèn nén. Nhưng bằng cách quan sát cơn giận, bạn sẽ thấy rằng nó tự động diệt đi. Bạn sẽ thoát khỏi cơn giận nếu như bạn biết cách làm thế nào để quan sát nó một cách khách quan.

Hỏi – Nếu chúng ta cứ quan sát bản thân, làm thế nào chúng ta có thể sống cuộc sống theo cách tự nhiên được? Vì chúng ta sẽ quá bận rộn canh chừng bản thân đến độ không thể hành động một cách tự do, hay tự ý được. 

Đáp – Đó không phải là những gì người ta bắt gặp sau khi hoàn tất một khóa thiền. Ở đây bạn học cách luyện tâm vốn sẽ cho bạn khả năng quan sát tự thân trong cuộc sống hằng ngày bất cứ khi nào bạn cần phải làm như vậy. Không phải suốt cả ngày bạn phải duy trì việc thực hành với đôi mắt nhắm nghiền như vậy, mà cũng như sức khỏe bạn có được nhờ tập thể dục sẽ giúp cho bạn trong cuộc sống hàng ngày như thế nào, thì việc luyện tập tâm này cũng sẽ làm tăng sức mạnh cho bạn như vậy. Những gì bạn gọi là hành động “tự do, tự ý” thực ra là sự phản ứng mù quáng vốn luôn luôn có hại mà thôi. Nhờ học cách quan sát chính mình, bạn sẽ thấy rằng bất cứ khi nào một tình huống khó khăn phát sinh trong cuộc sống, bạn có thể giữ được sự quân bình của tâm bạn. Với sự quân bình đó bạn có thể chọn cách hành động như thế nào đó, tùy ý. Tất nhiên bạn sẽ chọn hành động thực sự, luôn luôn tích cực, luôn luôn lợi ích cho bạn và cho người khác. 

Hỏi – Không có những chuyện xảy ra tình cờ, hay ngẫu nhiên không có nhân nào sao? 

Đáp – Không có gì xảy ra mà không có nhân. Đó là chuyện không thể có. Đôi khi những giác quan và trí lực hạn chế của chúng ta không thể thấy rõ ràng điều đó, nhưng như thế không có nghĩa rằng không có nhân. 

Hỏi – Có phải Ngài cho rằng mọi chuyện trong đời đã được tiền định không? 

Đáp – À, chắc chắn những hành động (nghiệp) quá khứ của chúng ta sẽ cho quả, tốt hoặc xấu. Những nghiệp ấy sẽ quyết định loại cuộc sống mà chúng ta hiện có, hoàn cảnh chung trong đó chúng ta tự biết mình. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng bất cứ điều gì xảy ra đối với chúng ta đều được định trước, sắp xếp trước bởi những nghiệp quá khứ của chúng ta, và rằng không có gì khác có thể xảy ra. Không phải như thế đâu. Những nghiệp quá khứ ảnh hưởng đến dòng sống của chúng ta, hướng chúng về phía những kinh nghiệm lạc hoặc khổ. Nhưng những hành động hay nghiệp hiện tại cũng quan trọng tương đương. Thiên nhiên đã cho chúng ta khả năng để trở thành chủ nhân của những nghiệp hiện tại. Với sự làm chủ ấy chúng ta có thể thay đổi được tương lai của chúng ta. 

Hỏi – Nhưng chắc chắn những hành động của người khác cũng phải ảnh hưởng đến chúng ta chứ? 

Đáp – Dĩ nhiên. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi người chung quanh và môi trường chung quanh, và chúng ta cũng ảnh hưởng đến họ như vậy. Chẳng hạn, nếu đa số mọi người đều ủng hộ bạo lực, lúc đó chiến tranh và sự tàn phá xảy ra, khiến nhiều người đau khổ. Nhưng nếu người ta bắt đầu tịnh hóa tâm của họ, thì bạo lực không thể nào xảy ra được. Căn nguyên của vấn đề nằm trong tâm của mỗi cá nhân, và xã hội được tạo thành bởi các cá nhân. Nếu mỗi người bắt đầu thay đổi, thì xã hội cũng sẽ thay đổi, và chiến tranh cũng như sự hủy diệt sẽ trở thành những sự kiện hiếm hoi ngay. 

Hỏi – Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau nếu mỗi người phải đương đầu với những quả của nghiệp riêng của họ? 

Đáp – Những ý nghiệp của chúng ta có một ảnh hưởng trên người khác. Nếu chúng ta chỉ tạo ra tiêu cực trong tâm, tiêu cực đó sẽ có một tác động nguy hại trên những người tiếp xúc với chúng ta. Còn nếu chúng ta tràn ngập tâm với tích cực, với thiện chí đối với người khác, thì nó cũng sẽ có một hiệu quả lợi ích trên những người quanh ta. Bạn không thể kiểm soát được những hành động hay nghiệp (kamma) của người khác, song bạn có thể trở thành chủ nhân của chính bạn để có được một ảnh hưởng tích cực trên những người quanh bạn. 

Hỏi – Tại sao được giàu sang là nhờ thiện nghiệp? Nếu vậy, có phải điều đó hàm ý rằng hầu hết những người ở phương tây là có thiện nghiệp và hầu hết những người ở thế giới thứ ba (gọi chung các nước đang phát triển) là có nghiệp xấu không?

Đáp – Chỉ riêng một mình giàu sang thôi thì không phải là một thiện nghiệp. Nếu bạn trở nên giàu sang nhưng vẫn khổ đau, sự giàu sang ấy phỏng có ích gì? Đã giàu sang mà còn có hạnh phúc, hạnh phúc chơn thực, đó mới là thiện nghiệp. Quan trọng nhất là sống an vui, dù bạn có giàu hay không. 

Hỏi – Chắc chắn không bao giờ phản ứng là điều phi tự nhiên? 

Đáp – Nó là như vậy nếu bạn chỉ kinh nghiệm theo lề thói quen sai lầm của một cái tâm bất tịnh. Song giữ thái độ xả ly, đầy lòng từ, bi, thiện chí, hỷ, xả lai là điều tự nhiên đối với một cái tâm thanh tịnh. Hãy học cách kinh nghiệm điều đó.

Hỏi – Chúng ta quan hệ với cuộc sống như thế nào nếu chúng ta không phản ứng? 

Đáp – Thay vì phản ứng bạn hãy học cách hành động, hành động với một cái tâm quân bình. Những hành giả Minh sát không bao giờ thụ động, giống như cây cỏ. Họ biết cách làm thế nào để hành động tích cực. Nếu bạn có thể thay đổi được mô thức sống của bạn từ phản ứng sang hành động, lúc đó bạn đã đạt đến một điều gì đó rất giá trị. Và nhờ thực hành Vipassanã bạn có thể thay đổi được như vậy. 

Hỏi – Không thể có những loại tham thiện và sân thiện, chẳng hạn như, ghét bất công, khao khát tự do, sợ tổn thương thể chất… sao? 

Đáp – Tham và sân chẳng bao giờ có thể là thiện được, chúng sẽ luôn luôn làm cho bạn căng thẳng và khổ đau. Nếu bạn hành động với tham hoặc sân trong tâm, có thể bạn có một mục đích xứng đáng nào đó nhưng bạn lại sử dụng một phương tiện không lành mạnh để đạt đến mục đích ấy. Tất nhiên bạn phải hành động để tự vệ. Bạn có thể làm điều đó do sợ hãi khuất phục, song khi làm như vậy bạn đã phát triển một mặc cảm sợ hãi mà về lâu về dài sẽ làm tổn hại bạn. Hoặc với sân hận trong tâm, bạn có thể thành công trong việc đấu tranh chống bất công, song sân hận đó sẽ trở thành một mặc cảm tâm lý có hại. Bạn phải đấu tranh chống bất công, bạn phải bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy, nhưng bạn có thể làm được như vậy với một cái tâm quân bình, không căng thẳng. Và theo một phương cách quân bình, bạn có thể làm việc để thành tựu một điều gì đó tốt đẹp xuất phát từ lòng từ ái đối với người khác. Sự quân bình của tâm luôn luôn lợi ích và sẽ đem lại cho bạn những kết quả tốt nhất. 

Hỏi – Có gì sai với việc muốn những của cải vật chất để làm cho cuộc sống thoải mái hơn chứ? 

Đáp – Nếu đó là một nhu cầu thực sự thiết yếu, thì không có gì sai cả, với điều kiện bạn không bị chấp trước vào đó. Chẳng hạn, bạn khát và muốn uống nước; điều đó không có gì không lành mạnh cả. Bạn cần nước vì thế bạn làm việc, có được nước, và dập tắt cơn khát của bạn. Nhưng nếu điều đó trở thành một nỗi ám ảnh, nó hoàn toàn không giúp ích gì cả; nó làm hại bạn. Bất cứ nhu cầu cần thiết nào bạn đòi hỏi phải có, hãy làm việc để có được những nhu yếu đó. Nếu bạn không có được chúng, thì hãy mỉm cười và thử lại theo cách khác. Nếu bạn thành công, lúc đó hãy thọ hưởng những gì bạn có được, nhưng không dính mắc. 

Hỏi – Còn việc dự định cho tương lai thì sao? Ngài có gọi đó là tham ái không? 

Đáp – Như trước, tiêu chuẩn (để quyết định việc ấy) là bạn có dính mắc vào dự định của bạn hay không? Mọi người phải dự phòng cho tương lai. Nếu dự định của bạn không thành công, và bạn bắt đầu than khóc, thì bạn biết rằng bạn đã bị dính mắc vào nó. Song nếu bạn không thành công và vẫn có thể mỉm cười, nghĩ rằng, “À, ta đã làm hết sức mình. Nếu ta có thất bại thì đã sao? Ta sẽ cố mà thử lại chứ!” – như vậy là bạn đang làm việc theo cách xả ly, và bạn giữ được sự an vui. 

Hỏi – Dừng lại Bánh xe Duyên sinh (Vòng Thập Nhị Nhân Duyên giải thích việc tử sanh luân hồi) nghe giống như việc tự tử, tự hủy diệt mình quá. Sao chúng ta lại phải muốn việc đó? 

Đáp – Tìm cách hủy diệt sự sống của mình tất nhiên là có hại, cũng giống như sự tham chấp vào cuộc sống vậy. Nhưng thay vào đó ta học cách để cho (quy luật) tự nhiên làm công việc của nó, không khát vọng điều gì, ngay cả sự giải thoát.

Hỏi – Nhưng Ngài nói rằng một khi chuỗi các hành (sankhãras) cuối cùng dừng lại, lúc đó sự tái sanh chấm dứt mà? 

Đáp – Phải, nhưng đó là chuyện xa xôi. Hãy quan tâm đến cuộc sống hiện tại. Đừng lo chuyện tương lai. Nếu hiện tại bạn làm tốt, tương lại tự động sẽ tốt. Đương nhiên khi tất cả hành (sankhãras) có trách nhiệm cho tái sanh đã diệt, lúc đó tiến trình sanh-tử sẽ chấm dứt vậy thôi. 

Hỏi – Đó không phải là sự hủy diệt, sự tận diệt sao? 

Đáp – Sự hủy diệt của ảo tưởng về cái “tôi”, sự tận diệt của khổ. Đây là ý nghĩa của từ Nibbãna (Niết bàn); sự dập tắt ngọn lửa. Con người luôn luôn bị thiêu đốt trong tham, sân, si. Khi sự thiêu đốt chấm dứt, khổ đau chấm dứt. Lúc đó những gì còn lại chỉ là tích cực. Nhưng để mô tả sự kiện (Niết bàn) đó bằng ngôn từ lại không thể được, vì nó nằm ngoài lãnh vực giác quan. Niết bàn phải được kinh nghiệm trong cuộc đời này; lúc đó bạn sẽ biết nó là gì. Lúc đó nỗi sợ về sự hủy diệt sẽ biến mất. 

Hỏi – Cái gì sẽ xảy ra với thức khi ấy? 

Đáp – Tại sao lại phải lo về chuyện đó? Suy đoán về điều gì vốn chỉ có thể được kinh nghiệm, chứ không thể mô tả sẽ không ích gì cho bạn cả. Điều này sẽ chỉ kéo bạn ra khỏi mục đích thực sự, là thực hành để đạt đến đó thôi. Khi bạn đạt đến giai đoạn ấy bạn sẽ hiểu được nó, và mọi câu hỏi sẽ chấm dứt. Bạn sẽ không còn câu hỏi nào nữa! Hãy thực hành để đạt đến giai đoạn đó. 

Hỏi – Tại sao Ngài dạy thiền sinh thực hành ãnãpãna (hơi thở vào – ra) tập trung trên lỗ mũi thay vì trên bụng? 

Đáp – Bởi vì đối với chúng ta ãnãpãna (hơi thở vào – ra) được thực hành như một bước chuẩn bị cho việc hành Minh sát (vipassanã), và trong thiền Minh sát này rất cần đến sức tập trung cực mạnh. Vùng chú tâm càng giới hạn bao nhiêu, sức tập trung sẽ càng mạnh hơn bấy nhiêu. Để phát triển sự tập trung đến mức độ này, bụng được xem là quá lớn. Thích hợp nhất là vùng quanh lỗ mũi. Đó là lý do vì sao đức Phật hướng dẫn chúng ta thực hành trên vùng (mũi) này. 

Hỏi – Trong lúc hành niệm thở, thiền sinh có được phép đếm hơi thở, hoặc niệm “vào” khi hơi thở vào, và “ra” khi hơi thở ra không? 

Đáp – Không, không nên đọc thầm liên tục như vậy. Nếu lúc nào bạn cũng thêm một từ vào niệm hơi thở, dần dần từ ấy sẽ trở nên quan trọng và rõ ràng hơn và bạn sẽ quên mất hoàn toàn hơi thở. Lúc đó dù bạn có thở vào hay thở ra bạn sẽ đọc “vào”. Dù bạn có thở ra hay thở vào, bạn sẽ đọc “ra”. Từ ấy sẽ trở thành một thứ Mantra (thần chú). Bạn chỉ việc trú với hơi thở, hơi thở trần trụi, không có gì ngoài hơi thở. 

Hỏi – Hành định (samãdhi) vì sao không đủ để giải thoát? 

Đáp – Vì sự thanh tịnh tâm phát triển do định chủ yếu là bằng đè nén (năm triền cái) mà thành, chứ không phải là sự hủy diệt của các duyên. Điều đó cũng như một người làm sạch một thùng nước bùn bằng cách thêm vào một tác nhân kết tủa, chẳng hạn, phèn chua. Phèn chua khiến cho những phân tử lùn lơ lửng trong nước rơi xuống đáy thùng, để lại nước trong vắt. Tương tự, định (samãdhi) làm cho những lớp trên cùng của tâm trong sạch nhưng một lớp ô nhiễm lắng động vẫn còn trong tâm vô thức. Những bất tịnh ngủ ngầm này phải được loại trừ để đạt đến giải thoát. Và để loại trừ những bất tịnh ấy ra khỏi phần sâu thẳm của tâm, chúng ta phải hành Minh sát (Vipassanã).

Hỏi – Quên hẳn quá khứ và tương lai không phải là điều tai hại sao? Suy cho cùng, phải chăng đó là cách sống của loài thú? Chắc chắn người nào quên quá khứ bắt buộc phải lập lại nó (chuyện cũ tái diễn!). 

Đáp – Kỹ thuật này sẽ không dạy bạn quên hẳn quá khứ hay không quan tâm đến tương lai. Nhưng lề thói quen hiện tại của tâm là luôn luôn đắm chìm trong những kỷ niệm quá khứ hoặc trong những khao khát, dự định, hoặc sợ hãi đối với tương lai, và không biết gì đến hiện tại. Thói quen không lành mạnh này làm cho cuộc sống đau khổ. Nhờ hành thiền bạn biết cách giữ một chỗ đứng vững chắc trong thực tại hiện tiền. Với căn cứ vững chắc này bạn có thể rút ra những hướng dẫn cần thiết từ quá khứ và thực hiện những dự phòng thích hợp cho tương lai. 

Hỏi – Tôi thấy rằng khi hành thiền, và tâm lang thang, một tham muốn khởi lên, lúc đó tôi nghĩ rằng ta không nên tham muốn, và tôi bắt đầu lúng túng vì (kỳ thực) tôi đang tham muốn. Tôi phải đối phó với việc này như thế nào? 

Đáp – Tại sao lại lúng túng vì tham ái? Chỉ việc chấp nhận sự kiện: “Nhìn này, tham ái đang có mặt” chỉ thế thôi. Và bạn sẽ thoát khỏi nó. Khi bạn phát hiện ra tâm đã lang thang, bạn chấp nhận: “Nhìn này, tâm đã lang thang”, và tự động nó sẽ trở lại với hơi thở. Đừng tạo ra những căng thẳng vì có mặt tham ái hay vì tâm đã lang thang; nếu bạn làm thế, bạn sẽ tạo ra sự ác cảm mới. Chỉ việc chấp nhận nó. Sự chấp nhận này là đủ rồi. 

Hỏi – Tất cả các kỹ thuật thiền của đạo Phật đều đã có trong Yoga. Vậy thì cái gì là mới thực sự trong thiền do đức Phật dạy? 

Đáp – Những gì được gọi là Yoga ngày nay thực sự chỉ là một sự phát triển sau đó. Patanjali đã sống sau thời đức Phật khoảng 500 năm, và cố nhiên Yoga sũtra (hệ thống triết học Yoga) cho thấy rõ sự ảnh hưởng của những lời đức Phật dạy trong đó. Chắc chắn việc thực tập Yoga đã được biết đến ở Ấn Độ ngay cả trước thời đức Phật, và chính bản thân Ngài cũng đã thử nghiệm những cách tập Yoga ấy trước khi thành tựu sự giác ngộ. Tuy nhiên, những pháp hành này được giới hạn ở mức giới (sĩla) và định (samãdhi), cao nhất là bát thiền, một thiền chứng vẫn còn nằm trong lãnh vực kinh nghiệm giác quan. Đức Phật đã tìm ra thiền thứ chín, đó là Vipassanã (Minh sát), sự phát triển của tuệ giác sẽ đưa người hành thiền đến mục đích tối hậu nằm ngoài mọi kinh nghiệm giác quan. 

Hỏi – Tôi thấy rằng mình rất dễ khinh thường người khác. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là gì? 

Đáp – Giải quyết điều đó bằng cách hành thiền. Nếu cái ngã lớn, bạn sẽ thích xem thường người khác, hạ giá trị của họ xuống và nâng giá trị của mình lên. Nhưng thiền tự nhiên sẽ làm tan cái ngã. Khi nó tan rồi, bạn có thể không còn làm bất cứ điều gì tổn thương đến người khác nữa. Hãy thực hành và vấn đề sẽ tự động được giải quyết. 

Hỏi – Đôi lúc tôi cảm thấy hối lỗi vì những gì mình đã làm. 

Đáp – Cảm thấy hối lỗi sẽ không giúp gì cho bạn mà chỉ làm tổn hại thêm. Tội lỗi không có chỗ đứng trên đạo lộ của Pháp. Khi bạn nhận ra rằng mình đã hành động sai lầm, hãy đơn giản chấp nhận sự thực mà không cố gắng biện minh hay che dấu nó. Bạn có thể đi đến gặp một người đáng kính nào đó và nói, “Thưa ngài, tôi đã phạm lỗi lầm này. Trong tương lai tôi sẽ cẩn thận không để tái phạm nữa”. Và rồi hành thiền, bạn sẽ thấy rằng bạn có thể thoát khỏi tình huống khó khăn ấy.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app