BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI
Các chặng của Vipassana
Phương pháp Vipassana được Đức Phật giảng giải trong Satipatthana Sutta, “Bài giảng về Sự Tạo Lập Ý Thức” (Kinh Tứ Niệm Xứ). Bài giảng này được chia làm nhiều phần nghiên cứu về những lĩnh vực khác nhau của phương pháp; quan sát thân, cảm giác, tâm, và nội dung của tâm (quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp). Tuy nhiên, mỗi đoạn hoặc phân đoạn trong bài giảng đều kết thúc bằng những từ giống nhau. Có thể có nhiều khởi điểm khác nhau trong việc tu tập, nhưng cho dù khởi sự ở điểm nào, thiền giả cũng phải đi qua những chặng đường nhất định, trải qua những kinh nghiệm nhất định trên con đường đi đến đích cuối cùng. Những kinh nghiệm này, cần thiết trong việc tu tập Vipassana, được mô tả nhiều lần bằng những câu lặp lại ở phần cuối của mỗi đoạn.
Tại chặng đầu tiên ta cảm thấy sự nảy sinh (samudaya) và diệt mất (vaya) một cách riêng rẽ. Ở giai đoạn này thiền giả ý thức được thực thể chắc đặc, gắn kết dưới hình thức những cảm giác thô thiển trong thân. Ta cảm thấy một cảm giác, có thể là đau nhức, nảy sinh. Nó dường như tồn tại nơi đó một thời gian và cuối cùng thì diệt mất.
Vượt qua chặng này, ta thâm nhập vào giai đoạn samudaya-vaya, nơi đó ta cảm thấy sinh và diệt cùng một lúc, không có khoảng cách giữa chúng. Những cảm giác thô thiển, chắc đặc đã tan rã thành những rung động nhẹ nhàng, sinh diệt cực nhanh, và sự chắc đặc của cấu trúc thân và tâm biến mất. Những xúc cảm chắc đặc, mạnh mẽ và cảm giác chắc đặc, mạnh mẽ đều tan rã thành những rung động. Đây là giai đoạn bhanga – tan rã – trong đó ta chứng nghiệm được sự thực tối hậu của tâm và thân: luôn luôn sinh và diệt, không một chút bền chắc.
Bhanga này là một chặng rất quan trọng trên con đường tu tập, bởi vì chỉ khi nào ta chứng nghiệm được sự tan rã của cấu trúc thân-tâm thì sự ràng buộc mới mất đi. Từ đó ta cảm thấy không bị ràng buộc khi đối diện với mọi hoàn cảnh; nghĩa là, ta tới trình độ sankhara-upekkha (bình tâm và không phản ứng lại các sankhara). Những bất tịnh nằm rất sâu – sankhara – chôn vùi trong vô thức giờ bắt đầu hiện lên bề mặt của tâm. Đây không phải là một sự lui sụt mà là một sự tiến bộ, vì bất tịnh không thể bị diệt trừ nếu không nổi lên trên bề mặt. Chúng nảy sinh, ta bình tâm quan sát, và hết bất tịnh này đến bất tịnh khác bị diệt đi. Ta dùng cảm giác thô thiển, khó chịu làm phương tiện để diệt trừ sankhara về ghét bỏ chất chứa lâu ngày; ta dùng cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái làm phương tiện để diệt trừ sankhra về ham muốn chất chứa lâu ngày. Như vậy, bằng cách duy trì được ý thức và sự bình tâm đối với mọi trải nghiệm, ta thanh lọc tâm hết mọi phức cảm nằm rất sâu, và ngày càng tiến gần đến mục tiêu nibbana, giải thoát.
Bất cứ từ khởi điểm nào, ta cũng phải đi qua tất cả những chặng đường này để tới được nibbana. Ta đạt được mục tiêu sớm hay muộn tùy thuộc vào việc ta tu tập nhiều hay ít, và bao nhiêu sankhara tích tụ lâu ngày ta cần phải diệt trừ.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, sự bình tâm là cần thiết, dựa trên sự ý thức về cảm giác. Sankhara phát sinh từ cảm giác trên thân. Bằng cách giữ được bình tâm đối với cảm giác, ta ngăn ngừa không cho sankhara (hành) mới nảy sinh và đồng thời ta diệt trừ được sankhara (nghiệp) cũ. Như vậy, bằng cách bình tâm quan sát cảm giác, quý vị dần dần tiến tới mục tiêu cuối cùng, thoát khỏi mọi khổ đau.
Hãy tu tập nghiêm túc. Không nên xem thiền như một trò chơi, thử hết phương pháp này đến phương pháp khác một cách hời hợt mà không chuyên chú vào một phương pháp nào. Nếu làm như thế, quý vị sẽ không bao giờ vượt qua chặng đầu của bất kỳ phương pháp nào, và do đó không bao giờ đạt tới đích. Dĩ nhiên quý vị có thể thử qua vài phương pháp để xem phương pháp nào thích hợp với mình. Quý vị cũng có thể thử phương pháp này đôi ba lần nếu cần. Nhưng không nên phí cả đời chỉ để thử. Một khi đã tìm được phương pháp phù hợp, hãy theo đó mà tu tập một cách nghiêm túc để đạt được mục tiêu cuối cùng.
Nguyện cho những người đang đau khổ ở khắp nơi tìm được con đường thoát khổ.
Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI