BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN
Áp dụng Dhamma vào cuộc sống hằng ngày
Chín ngày đã qua. Bây giờ là lúc để thảo luận cách áp dụng phương pháp vào cuộc sống hằng ngày. Đây là điều tối quan trọng. Dhamma là một nghệ thuật sống. Nếu quý vị không thể áp dụng Dhamma trong cuộc sống hằng ngày, thì tham dự khóa thiền cũng không tốt gì hơn việc cử hành một nghi lễ hoặc một nghi thức nào đó.
Mọi người trong đời đều gặp những điều trái ý. Khi có điều không như ý xảy ra, ta mất sự bình tâm và bắt đầu tạo ra những cảm xúc tiêu cực. Và khi tiêu cực nảy sinh trong tâm, ta trở nên khổ sở. Làm thế nào để ta không phát sinh tiêu cực và tạo ra căng thẳng? Làm thế nào để ta có thể duy trì được sự an lạc và hài hòa?
Những bậc hiền triết, nghiên cứu thực tại về thân và tâm bên trong, đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này: bất cứ khi nào tiêu cực nảy sinh trong tâm vì bất cứ lý do gì, ta nên chuyển sự chú tâm đi chỗ khác. Ví dụ: ta có thể đứng dậy, uống nước, đếm số, hoặc niệm danh hiệu hay tên của vị thần hoặc thánh mà ta tôn sùng. Bằng cách chuyển hướng sự chú tâm như thế ta sẽ thoát khỏi tiêu cực.
Đó là một giải pháp có hiệu quả. Nhưng những nhà nghiên cứu khác về sự thật nội tâm đã đi vào tầng lớp sâu nhất của sự thật, chân lý tối hậu. Những bậc giác ngộ này nhận thấy rằng, khi chuyển sự chú tâm ta đạt được một lớp an lạc và hài hòa trên tầng ý thức, nhưng ta vẫn chưa diệt hết những tiêu cực đã và đang nảy sinh. Ta chỉ dồn nén chúng. Ở tầng vô thức, chúng vẫn tiếp tục gia tăng gấp bội và tích luỹ thêm sức mạnh. Không sớm thì muộn, núi lửa tiêu cực đang ngủ yên này sẽ bùng nổ và chế ngự được tâm. Khi nào tiêu cực còn tồn tại dù chỉ ở mức độ vô thức, giải pháp chỉ là nửa vời, tạm bợ.
Một bậc hoàn toàn giác ngộ tìm ra giải pháp thực sự: đó là đừng trốn tránh vấn đề mà nên đối diện với chúng. Hãy quan sát bất cứ bất tịnh nào nảy sinh trong tâm. Bằng cách quan sát ta không dồn nén chúng, ta cũng không để chúng tự do thể hiện thành lời nói hoặc việc làm. Ở giữa hai thái cực này là trung đạo: chỉ quan sát. Khi ta bắt đầu quan sát nó, tiêu cực mất đi sức mạnh và biến mất mà không chế ngự được tâm. Không những chỉ có vậy mà một số những bất tịnh cùng loại đã tích trữ lâu ngày cũng sẽ bị diệt trừ. Khi nào có bất tịnh sinh ra ở tầng ý thức, những bất tịnh cũ cùng loại, từ trong tầng vô thức, sẽ trồi lên hòa nhập với bất tịnh hiện tại và bắt đầu sinh sôi nảy nở. Nếu ta chỉ quan sát, không những chỉ những bất tịnh hiện tại mà cả một phần những bất tịnh cũ cũng sẽ bị diệt trừ. Bằng cách này, dần dần mọi bất tịnh đều bị diệt trừ, và ta hết khổ.
Nhưng đối với một người bình thường, quan sát một phiền não trong tâm không phải dễ dàng. Ta không biết khi nào nó khởi sự và nó chế ngự tâm như thế nào. Tới lúc nó đã lên đến tầng ý thức, nó đã trở nên quá mạnh để ta có thể quan sát nó mà không phản ứng. Ngay cả khi ta cố quan sát, rất khó quan sát một phiền não trừu tượng trong tâm – sự giận giữ, sợ hãi, đam mê trừu tượng. Thay vào đó, ta thường bị thu hút vào tác nhân bên ngoài gây ra bất tịnh này, khiến nó càng gia tăng gấp bội.
Tuy nhiên, những bậc giác ngộ khám phá ra rằng, khi nào phiền não nảy sinh trong tâm, trong cơ thể có hai việc bắt đầu xảy ra cùng một lúc: sự hô hấp mất bình thường, và một phản ứng sinh hóa bắt đầu trong người, một cảm giác. Một giải pháp thực tiễn đã được tìm thấy. Thật ra rất khó quan sát một phiền não trừu tượng trong tâm, nhưng với sự tu tập, ta có thể biết cách quan sát hơi thở và cảm giác, cả hai đều là biểu hiện cụ thể của những phiền não. Bằng cách quan sát bất tịnh trong lĩnh vực vật lý, cụ thể, ta để chúng nảy sinh và diệt mất mà không gây ra một thiệt hại nào. Ta loại trừ được sự bất tịnh.
Cần thời gian để nắm được kỹ thuật này, nhưng khi ta tu tập, dần dần ta nhận thấy, càng ngày những hoàn cảnh bên ngoài trước đây ta phản ứng bằng sự tiêu cực thì nay ta giữ được sự bình tâm. Hoặc nếu ta phản ứng, thì phản ứng cũng không dữ dội và kéo dài như trước đây. Cũng tới lúc, dù bị chọc tức đến đâu đi nữa, ta có thể nhận biết sự cảnh báo của hơi thở và cảm giác và bắt đầu quan sát chúng dù chỉ trong chốc lát. Vài giây phút tự quan sát này là cái giảm sốc giữa tác nhân bên ngoài và phản ứng của ta. Thay vì phản ứng mù quáng, tâm vẫn giữ được sự quân bình và ta có khả năng hành động tích cực có lợi cho mình và cho người khác.
Quý vị đã bước một bước đầu tiên trong việc diệt trừ những bất tịnh của mình và thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm bằng cách quan sát cảm giác trong người.
Từ lúc chào đời, ta được tập luôn luôn nhìn ra bên ngoài. Ta không bao giờ quan sát chính mình, và do đó ta không có khả năng đi tới cội nguồn của các khó khăn trở ngại của ta. Trái lại, ta tìm kiếm nguyên nhân nỗi khổ của mình ở bên ngoài, luôn luôn đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh của mình. Ta chỉ nhìn sự việc từ một khía cạnh, chỉ thấy một phần, chắc chắn là méo mó; tuy nhiên ta chấp nhận quan điểm đó là sự thật trọn vẹn. Bất cứ quyết định nào phát xuất từ dữ kiện thiếu sót này sẽ chỉ có hại cho mình và cho người. Để nhìn thấy được toàn thể sự thật, ta phải nhìn từ nhiều góc độ. Ta học được điều này bằng cách tu tập Vipassana: nhìn sự thật không những ở ngoài ta mà còn ở trong ta nữa.
Chỉ nhìn từ một góc độ, ta tưởng rằng nỗi khổ của mình do người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Do đó ta dành hết sức mình để thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Trên thực tế, đây là nỗ lực không có hiệu quả. Người nào biết cách quan sát sự thật trong người sớm nhận ra rằng, mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về nỗi khổ và hạnh phúc của mình. Ví dụ, một người bị người khác sỉ nhục và trở nên đau khổ. Người đó đổ lỗi cho kẻ sỉ nhục làm mình đau khổ. Thực ra, người sỉ nhục tự làm khổ họ bằng cách tạo bất tịnh trong tâm họ. Người bị sỉ nhục đã tạo ra sự khốn khổ cho mình khi phản ứng lại sự sỉ nhục; khi tự làm ô nhiễm tâm mình. Mọi người đều chịu trách nhiệm về nỗi khổ của mình chứ không phải ai khác. Khi ta đã kinh nghiệm qua sự thực này, mọi điên rồ trong việc đổ lỗi cho người khác biến mất.
Ta phản ứng lại điều gì? Phản ứng với một hình ảnh do ta tạo nên chứ không phải với thực thể bên ngoài. Khi ta thấy người nào, hình ảnh ta có về người đó được tô vẽ theo nhận định cũ của ta. Sankhara (nghiệp) cũ ảnh hưởng đến sự nhận định trong hoàn cảnh mới. Rồi tùy thuộc vào nhận định này, cảm giác trong người trở nên dễ chịu hoặc khó chịu. Và tùy theo loại cảm giác, ta tạo ra phản ứng (hành) mới. Mỗi tiến trình này đều bị ảnh hưởng bởi sankhara cũ. Nhưng nếu ta duy trì được ý thức và sự bình tâm đối với cảm giác, thói quen phản ứng mù quáng trở nên suy yếu, và ta biết cách thấy thực tại đúng như thật.
Khi ta phát triển được khả năng nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau, thì bất cứ khi nào có người sỉ nhục hoặc đối xử không đúng với ta, ta hiểu rằng người đó làm như vậy vì họ đang chịu đau khổ. Với sự hiểu biết này, ta không thể phản ứng bằng thái độ tiêu cực mà sẽ chỉ cảm thấy tình thương và lòng từ bi cho người đang bị khổ, như một người mẹ thương xót cho đứa con đang bị ốm đau. Ta sẽ nảy sinh ý muốn giúp người đó thoát khổ. Nhờ đó ta duy trì được sự an vui và hạnh phúc cho mình và đồng thời cũng giúp người khác được an vui và hạnh phúc. Đây là mục đích của Dhamma: thực tập nghệ thuật sống, nghĩa là, diệt trừ những bất tịnh trong tâm và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, có lợi cho mình và cho người.
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)