BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TÁM
Luật diệt trừ
Tiến trình mà ta quan sát trong chính ta cũng xảy ra trong khắp vũ trụ. Ví dụ, ai đó gieo hạt giống cây bồ đề. Từ hạt giống nhỏ xíu đó mọc thành một cây vĩ đại, khi còn sống, cho vô số trái từ năm này sang năm khác. Và ngay cả khi cây đã chết, tiến trình vẫn tiếp tục, bởi vì mỗi trái của cây đó đều mang những hạt giống có cùng đặc tính của hạt giống nguyên thủy sinh ra cây đó.
Khi một hạt giống này rơi xuống đất màu mỡ, nó đâm chồi và mọc thành một cây khác và cây này lại sinh ra hàng ngàn quả trong có đầy hạt giống. Quả và nhân, nhân và quả; một tiến trình sinh sôi nảy nở vô cùng tận. Tương tự như vậy, vì vô minh, ta gieo hạt giống sankhara (hành), không sớm thì muộn cũng sinh ra quả, cũng được gọi là sankhara (nghiệp), và cũng chứa hạt giống cùng một loại. Nếu ta gieo hạt giống này vào đất màu mỡ nó sẽ sinh ra sankhara mới, và nỗi khổ của ta gia tăng.
Tuy nhiên, nếu ta bỏ hạt giống này vào đất sỏi đá khô cằn, nó không thể nảy mầm, không có gì sinh ra từ hạt giống này. Tiến trình tăng trưởng ngừng lại, và tự động tiến trình ngược lại bắt đầu, đó là tiến trình diệt trừ.
Nên hiểu rõ tiến trình này xảy ra như thế nào. Ta được giải thích là sự luân lưu của sự sống, của tinh thần và vật chất cần được tiếp tế nguyên liệu để tiếp tục. Nguyên liệu cho cơ thể là thực phẩm chúng ta ăn cũng như bầu không khí nơi ta sống. Nếu một ngày ta không ăn, sự luân lưu của vật chất không ngừng ngay lập tức. Nó tiếp tục bằng cách tiêu thụ năng lượng dự trữ trong người. Chỉ khi nào tất cả năng lượng dự trữ đã tiêu thụ hết sự luân lưu mới ngừng, cơ thể chết đi.
Cơ thể chỉ cần đồ ăn hai hay ba lần một ngày, nhưng sự luân lưu tinh thần cần được tiếp tế liên tục. Nguyên liệu tiếp tế cho tinh thần là sankhara. Trong mỗi giây phút, sankhara do ta tạo ra giúp cho dòng tâm thức tiếp tục trôi chảy. Tâm sinh ra vào giây phút kế tiếp là sản phẩm của sankhara này.
Mỗi giây phút ta tiếp tế bằng sankhara, dòng tâm thức tiếp tục. Nếu vào lúc nào đó ta ngừng không tạo ra sankhara mới, sự luân lưu không ngừng ngay lập tức; thay vào đó nó tiêu thụ những sankhara dự trữ cũ. Một sankhara cũ bị bắt buộc tạo ra quả, nghĩa là, nổi lên bề mặt của tâm để duy trì dòng luân lưu; và nó thể hiện bằng cảm giác trong thân. Nếu ta phản ứng lại cảm giác, ta lại tạo ra sankhara mới, gieo nhân mới của khổ đau. Nhưng nếu ta quan sát cảm giác với sự bình tâm, sankhara mất đi sức mạnh và bị diệt trừ. Giây phút kế tiếp, một sankhara cũ phải nổi lên để duy trì dòng tâm thức.
Một lần nữa ta không phản ứng, và nó lại bị diệt trừ. Khi nào ta còn duy trì được ý thức và sự bình tâm, hết lớp sankhara này đến lớp sankhara khác sẽ nổi lên trên bề mặt của tâm và bị diệt trừ; đây là luật tự nhiên.
Chính ta phải chứng nghiệm được tiến trình này bằng sự tu tập. Khi ta nhận ra rằng khuôn mẫu thói quen cố hữu của mình, nỗi khổ cố hữu, đã bị diệt trừ, khi đó ta biết rằng tiến trình diệt trừ đã có hiệu quả.
Trong cách luyện kim đương thời có một phương pháp tương tự. Để thanh lọc một kim loại nào đó, để cho nó được tinh ròng, cần phải loại trừ ngay cả khi chỉ có một phân tử ngoại lai trong hàng tỷ phân tử. Việc này được thực hiện bằng cách đúc kim loại này thành một thanh dài và làm một vòng tròn bằng kim loại hoàn toàn tinh ròng này. Vòng tròn này được luồn qua thanh kim loại dài và tạo ra một từ trường tự động đẩy những tạp chất ra hai đầu. Cùng lúc đó, tất cả những phân tử trong thanh kim loại được sắp xếp lại; nó trở thành dẻo dai, dễ uốn nắn hơn. Bằng cách tương tự, phương pháp Vipassana có thể coi như luồn một vòng tròn bằng ý thức tinh khiết qua cơ thể, đẩy ra mọi bất tịnh, đem lại những lợi ích tương tự.
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI