XII. SÁCH VĂN PHẠM PÀLI

Nếu ngữ pháp là một trong sáu bộ phận học thuật của dòng kinh điển Sanskrit (Vedanga) thì văn phạm Pàli cũng là một trong chín bộ phận của dòng kinh văn Pàli. Điều cần ghi nhận là văn phạm Pàli được hình thành và hệ thống hóa trong vai trò chú thích, giảng giải kinh điển. Các sách văn phạm Pàli đều được viết trong thể văn xuôi. Chữ Veyyàkarana hoặc Vỳakarana thường được dịch là “văn phạm” hay “ngữ pháp”, nhưng xét theo ngữ nghĩa rộng rãi hơn thì chữ này còn có một nghĩa khác là “lời ấn khả, xác chứng, lời tiên tri, câu trả lời“. Trong khi văn phạm Sanskrit chủ yếu được vận dụng để giải thích kinh điển Phệ Đà, thì tương tự như thế, hệ thống văn phạm Pàli được ra đời với ý nghĩa giải thích Tam Tạng Kinh điển. Từ đó, các đệ tử Phật gia coi như bị khiếm khuyết kiến thức nếu không sở hữu được vốn liếng nhất định về ngôn ngữ Pàli hoặc chẳng biết gì tới các tài liệu như Dhammapada, Nettipakarana…

Niên đại ra đời của các bộ sách văn phạm Pàli nguyên thủy vẫn còn là một dấu hỏi. Trước mắt, chúng ta biết chính xác danh tánh của ba nhà ngữ học Pàli. Đó là ba vị Chú Giải Sư lừng danh Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla mà ngay trong công trình của các vị, chúng ta còn bắt gặp được những vay mượn từ bộ Astadhyàyi của Pàninì, một nhà ngữ pháp học Sanskrit, đàn anh của cả Patanjalì. Cả ba vị đều được giả thuyết là đã ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ V và thứ VI sau Tây lịch. Điều đó chứng tỏ rằng mãi cho đến lúc bấy giờ vẫn chưa có được bộ sách văn phạm nào được biên soạn cả.

Nếu đem phân tích thì các tác phẩm văn phạm Pàli có thể được chia thành ba trường phái: trường phái Kaccàyana, trường phái Moggallàna và trường phái Saddanìti với các tác phẩm sau đây:

1) Kaccàyana hoặc Kaccàyanaganha được gán cho Ngài Kaccàyana. Đây là một trong những tác phẩm văn phạm Pàli xưa nhất và chỉ riêng danh tánh tác giả cũng đã là một vấn đề bàn cãi lâu nay. Theo sử liệu truyền thống thì tác giả Kaccàyana này chính là Tôn giả Mahàkaccàyana, một vị Đại Thanh Văn được Đức Phật tuyên dương là Đệ Nhất Luận Nghĩa. Nhưng điều đó xem ra không quan trọng lắm. Vấn đề là ở chổ bản thân tác phẩm, chẳng hạn như các tác giả có phải thật sự đã vận dụng tới các tài liệu Sanskrit để thực hiện những bộ văn phạm Pàli hay không. Ít ra thì cho đến hôm nay, chúng ta đã có thể xác định được một điều rằng tác giả Kaccàyana trên đây chắc chắn không phải là Kàtyàyana (thế kỷ thứ ba trước Tây lịch), tác giả của Vàrtikasutras nằm trong As.t.àdhyàyì, như có một số giả thuyết đã được đưa ra. Điều được ghi nhận là phần lớn bộ sách văn phạm Pàli của Ngài Kaccàyana được căn cứ theo cuốn Kàtantràvyàkaran.a, đồng thời còn cả tập Kàsikà (thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch), một cuốn chú giải của bộ As.t.àdhyàyì.

Trong cuốn văn phạm của mình, tác giả đã bỏ sót không nhắc tới mối quan hệ lịch sử giữa tiếng Sanskrit với Pàli. Điều đó, cứ làm ta có cảm giác như từ vựng Pàli là một dòng tự vị độc lập. Và chính điểm sơ thất này của bộ sách đã trở thành một rào cản giới hạn cho quan điểm nghiên cứu của các học giả hiện đại.

Còn hai bộ sách văn phạm nữa cũng được cho là công trình của Ngài Kaccàyana. Đó là hai tập Mahàniruttu-gandha và Cullanirutti-gandha.

Trong số các chú giải về bộ Kaccàyanavy àkarana thì bộ Nỳasa (tức Mukhamatta-dìpanì) của tác giả Vimalabuddhi có lẽ là nổi tiếng nhất.

– Bộ văn phạm Rùpasiddhi (gọi đủ là Padarùpasiddhipakarana), do Ngài Buddhappiyadìpakarana. Có lẽ đây cũng chính là tác giả Buddhappiya của thi phẩm Pajjamadhu người của hậu bán thế kỷ XIII. Bộ Rùpasiddhi gồm có bảy chương, nội dung được bố cục giống như bộ Kaccàyana-vỳakarana. Điểm khác nhau giữa hai tác phẩm là ở bộ Rùpasiddhi có thêm hai phần Kitaka và Udàni vào chương cuối cùng.

– Bộ văn phạm Bàlàvatàra, nội dung y cứ theo bộ Kaccàyana-vyàkarana. Về kích cỡ thì ngắn hơn và những vấn đề văn phạm được đề cập trong đó cũng không có chi mới mẻ. Theo sử liệu truyền thống thì Bàlàvatàra là tác phẩm của Ngài Dhammakitti (tác giả tập sách Dhammasangaha), người ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XIV.

– Bộ Ganthavamsa: được cho là của Ngài Vàcissara. Nếu đúng như vậy thì thời điểm ra đời của bộ này phải là thế kỷ thứ XIII.

– Bộ Dhàtumanjusà, cũng thuộc trường phái văn phạm Kaccàyana, là một tập tự vị đặc chuyên về ngữ căn Pàli.

Trường phái văn phạm Kaccàyana còn có một số tác phẩm đáng kể khác:

– Sampandhacintà của tác giả Sangharakkhita, nội dung bàn về các mẫu câu Pàli.

– Cuốn Saddhatthabheda-cintà của Ngài Saddhammasiri.

– Cuốn Sadda-binhu được giả thiết là của Kyacvà, một ông vua Miến Điện vào khoảng thế kỷ XV.

– Cuốn Bàlappabodhana.

– Cuốn Abhivana-cullanirutti của Ngài Sirisaddhamàlankàra. Nội dung bao gồm những vấn đề văn phạm mà Ngài Kaccàyana chưa nhắc tới.

2) Tác phẩm văn phạm của tác giả Moggallàna gồm hai bộ chủ yếu là Moggallàna-vyàkaran.a và Moggallànapancika. Bộ Moggallàna-vyàkaran.a còn được chính tác giả gọi bằng một nhan đề khác là Saddalakkhan.a. So với các sách văn phạm thuộc trường phái Kaccàyana, kể cả của chính Kaccàyana, thì bộ Moggallàna-vyàkaran.a xem ra đạt tiêu chuẩn hơn. Tác phẩm đã nói lên được tầm hiểu biết sâu rộng của tác giả về ngôn ngữ Pàli. Đã vậy, nội dung cũng bao quát hơn nhiều. Tác giả Moggallàna có một lối trình bày văn phạm hết sức đặc biệt qua các kỹ thuật được vận dụng trong tác phẩm. Bên cạnh tài liệu nghiên cứu căn bản là bộ Càndra-vyàkarana, tác giả còn sử dụng thêm các nguồn tư liệu khác là Astàdhy àsi và Kàtantra. Điều đáng tiếc là bộ Moggallànapancikà, chú giải của bộ Moggallàna-vyàkaran.a nay đã bị thất lạc.

Ngài Moggallàna cho biết rằng bộ sách văn phạm trên đây của Ngài (Moggallàna-vyàkarana)được biên soạn dưới triều vua Paràkramabàhu đệ nhất, còn gọi là vua Paràkramabhuja nhắm vào thế kỷ XII Tây lịch.

Có rất nhiều sách chú giải hoặc giản lục về sách văn phạm của Ngài Moggallàna mà sau đây là một số cuốn tiêu biểu:

– Cuốn Padasàdhana của tác giả Piyadassi thuộc sách giản lục (thu gọn nội dung tài liệu gốc).

– Cuốn Payogasiddhi của tác giả Vanaratana Medhankara. Nội dung mô phỏng theo bộ Moggallàna-vyàkarana

– Cuốn Moggallànapancikàpadìpa: chú giải bộ Moggallànapancika đã thất bản của Ngài Moggallàna.

– Dhàtupàtha: một bộ tự vị về ngữ căn Pàli của trường phái Moggallàna.

3) Bộ Saddanìti, một bộ sách văn phạm lừng danh. Tác giả là Ngài Aggavamsa (hoặc Aggapandita), người được xem là đại diện cho trường phái văn phạm Saddanìti. Trong công trình biên soạn, tác giả cũng đã vận dụng đến các tài liệu văn phạm Sanskrit như bộ Astàdhyàsì. Saddanìti gồm 27 chương. 18 chương đầu được gọi chung là Mahàsaddanìti và 9 chương sau là Cullasaddanìti. Trọn bộ Saddanìti gồm ba phần lớn: Padamàlà, Dhàtumàlà và Suttamàlà.

Trường phái văn phạm Saddanìti còn có thêm hai bộ sách nữa: Cùlasaddanìti (tóm tắt nội dung bộ Saddanìti) và Dhàtvàttha-dìpanì (bộ tự vị ngữ căn Pàli có quan điểm dựa trên Saddanìti)

Toàn bộ sách văn phạm Pàli thực ra có rất nhiều nhưng ở đây dĩ nhiên không thể nêu hết các tác phẩm còn lại.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app