Nội Dung Chính
Quả Báu Của Quy-Y Tam-Bảo Và Thọ Trì Ngũ-Giới
Quả báu của quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới rất phi thường, thật vô cùng phong phú. Những người thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trước khi lâm chung, sau khi chết, cận tử thiện-nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Như tích Satullapakāyikā trong Chú-giải Devatā- saṃyutta (Chương chư-thiên), Kinh Sabbhisutta được tóm lược như sau:
Một chiếc thuyền buôn có số đông thương gia trên thuyền, chiếc thuyền ra biển khơi đến ngày thứ bảy, gặp sóng to gió lớn, thuyền bị hư, nước tràn vào thuyền sắp chìm giữa biển khơi. Mọi người trên thuyền đều sợ hãi, cầu khẩn chư-thiên hộ trì, khóc than van vái.
Trong số người đó, một người cận-sự-nam thấy tai họa sự chết sắp đến, người cận-sự-nam ấy ngồi niệm tưởng đến pháp mà mình đã thọ trì, đó là quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới trong sạch của mình, rồi ngồi kiết già an nhiên tự tại, như một hành-giả, không hề tỏ vẻ sợ hãi chút nào. Mọi người đến hỏi:
– Này ông, do nguyên nhân nào mà ông không sợ hãi? Người cận-sự-nam ấy thưa rằng:
– Thưa quý ông, tôi không sợ hãi vì trước ngày đi xuống thuyền, tôi có đến hầu chư tỳ-khưu-Tăng, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, đã làm phước- thiện bố-thí đến quý Ngài. Tôi có quy-y Tam-bảo và có ngũ-giới trong sạch, để làm nơi nương nhờ cho tôi.
Vì vậy, tôi không sợ hãi. Mọi người thưa rằng:
– Kính thưa Ngài, phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới ấy, bây giờ chúng tôi có thể thọ trì được hay không?
Người cận-sự-nam ấy thưa rằng:
– Sādhu! Tốt lành thay! Phép quy-y Tam-bảo và ngũ- giới này, mọi người đều nên thọ trì, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Mọi người thưa:
– Kính thưa Ngài, như vậy, xin Ngài hướng dẫn chúng tôi thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Người cận-sự-nam thiện-trí ấy chia mọi người ra thành 7 nhóm, mỗi nhóm 100 người:
* Đầu tiên, người cận-sự-nam thiện-trí hướng dẫn nhóm thứ nhất, thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ- giới. Khi nhóm thứ nhất thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến mắt cá.
* Tiếp tục, nhóm thứ nhì thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến đầu gối.
* Nhóm thứ ba thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến mông.
* Nhóm thứ tư thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến lỗ rún.
* Nhóm thứ năm thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập đến ngực.
* Nhóm thứ sáu thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập gần đến cổ.
* Nhóm thứ bảy thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, thì nước ngập gần đến miệng.
Sau khi hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới cho 7 nhóm gồm có 700 người xong rồi, người cận-sự-nam thiện trí khuyên dạy rằng:
– Này quý vị! Xin quý vị nương nhờ nơi Tam-bảo và ngũ-giới của mình. Ngoài ra, không còn nương nhờ nơi nào khác nữa.
Sau đó, chiếc thuyền bị chìm đắm, tất cả mọi người trên thuyền đều bị chết cả thảy. Sau khi chết, nhờ phước- thiện thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới lúc sắp chết, chính cận-tử thiện-nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, làm chư-thiên-nam, mỗi vị có một lâu đài nguy nga tráng lệ. Trong số những lâu đài ấy, lâu đài của vị Thầy nằm ở trung tâm cao 100 do tuần, còn 700 lâu đài của 700 vị thiên nam đệ-tử xung quanh, mỗi lâu đài cao 12 do tuần.
Nhóm chư-thiên ấy quán xét: “Do thiện-nghiệp nào của mình, mà cho quả tái-sinh lên cõi trời này, có được quả báu tốt lành đáng hài lòng như thế này?” Họ thấy rõ, biết rõ rằng họ có được quả báu tốt lành đáng hài lòng này là do nương nhờ vị Thầy của họ, hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới.
Vậy, chúng ta mời vị Thầy cùng hiện xuống cõi người đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, đồng thời tán dương ca tụng ân-đức Thầy trước sự hiện diện của Đức-Thế-Tôn.
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika, gần kinh-thành Sāvatthi. Vào canh giữa, nhóm chư-thiên hiện xuống, hào quang sáng ngời khắp cả ngôi chùa Jetavana. Họ đảnh lễ Đức- Thế-Tôn xong, đứng một nơi hợp lẽ.
* Một vị thiên nam tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
Sẽ là người cao thượng, không thấp hèn.
* Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
Có được trí-tuệ từ bậc thiện-trí.
Không phải có từ hạng người si-mê.
* Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
Không sầu não giữa đám người sầu-não.
* Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
Được vinh hiển giữa các hàng thân-quyến.
* Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí,
Những chúng-sinh ấy sẽ sinh cõi trời.
* Vị thiên nam khác tán dương ca tụng ân-đức Thầy:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện-trí,
Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe biết pháp của bậc thiện-trí,
Những chúng-sinh ấy thường được an-lạc.
* Một vị thiên nam bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, những lời lẽ ấy, lời vị thiên nam nào gọi là thiện ngôn.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này chư-thiên! Những lời của các con đều là thiện ngôn (subhāsita). Nay, các con nghe lời của Như-Lai.
– Này chư-thiên!
Người nên thân cận với bậc thiện-trí, Nên làm bạn thân với bậc thiện-trí,
Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ, Tử sinh luân-hồi trong tam-giới này.
Nhóm chư-thiên phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, đảnh lễ Ngài rồi xin phép trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên, an hưởng mọi sự an-lạc nơi cõi ấy.
Điều nhận xét:
Sáu vị thiên nam, trong mỗi bài kệ tán dương ca tụng ân-đức Thầy của mình đều có câu: “Sataṃ saddhamma- maññāya: Để nghe chánh-pháp của bậc thiện trí”.
Danh từ Saddhamma: Chánh-pháp trong 6 bài kệ chỉ đề cập đến phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới mà thôi. Bởi vì, các vị thiên nam chỉ có trình độ hiểu biết được quả báu an-lạc mà quý vị chư-thiên đang thọ hưởng trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đó là quả báu của dục-giới thiện-nghiệp thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới từ vị Thầy.
* Trong bài kệ của Đức-Phật có câu:
“Sataṃ saddhammamaññāya: Để nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí”.
Danh từ Saddhamma: Chánh-pháp mà Đức-Phật truyền dạy trong bài kệ không chỉ là thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, mà còn có bát-giới, cửu- giới, thập-giới, 227 giới của tỳ-khưu; pháp-hành thiền- định, để chứng đắc 4 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô- sắc-giới; pháp-hành thiền-tuệ, 37 pháp(1) để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả và Niết-bàn.
Cho nên, câu cuối của bài kệ Đức-Phật:
“Sabbadukkhā pamuccati: Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.”
Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Thời Xưa Và Thời Nay
* Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Thời Xưa
Thời xưa, số người đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được phiền-não, trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.
Ngay khi sát-na Thánh-đạo-tâm phát sinh, có đối- tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, diệt tận được phiền-não, bậc Thánh-nhân ấy đã thành-tựu thọ phép quy-y Tam- bảo theo pháp siêu-tam-giới ở trong tâm.
* Đối với bậc Thánh-nhân để được chính thức công nhận là người cận-sự-nam hoặc người cận-sự-nữ, một lần nữa, trước sự hiện diện của Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn của Đức-Phật, bậc Thánh-nhân ấy thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng lời nói.
* Nếu người ấy là nam Thánh-nhân, thì xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng lời rằng:
– Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca, bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, xin quy- y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.
* Nếu người ấy là nữ Thánh-nhân, thì xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng lời rằng:
– Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca, bhikkhusaṃghañca, upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, xin quy- y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.
* Đối với các hàng phàm-nhân, muốn chính thức trở thành một người cận-sự-nam hoặc người cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, người đệ-tử ấy có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có đại-thiện-tâm tôn kính Đức-Phật cao thượng, Đức-Pháp cao thượng, Đức- Tăng cao thượng, có trí-tuệ sáng suốt, học hỏi, hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật, nhất là hiểu rõ 9 Ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, trước sự hiện diện của Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật chứng minh, người ấy thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo bằng lời nói.
* Nếu người đệ-tử ấy là người nam, thì tự nguyện, xin thọ phép quy-y Tam-bảo rằng:
– Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy-y Đức-Pháp-bảo, xin quy-y chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn, công nhận con là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.
* Nếu người đệ-tử ấy là người nữ thì tự nguyện, xin thọ phép quy-y Tam-bảo rằng:
– Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy-y Đức-Pháp-bảo, xin quy-y chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn, công nhận con là người cận- sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.
* Nếu không có Đức-Phật thì có bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật chứng minh.
Như trường-hợp ông bà-la-môn Kāraṇapāḷi, kính mời ông bà-la-môn Piṅgiyāni chứng minh nghe lời chân thật của ông rằng:
– Esāhaṃ Bho Piṅgiyāni taṃ Bhagavantaṃ Gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakam maṃ bhavaṃ Piṅgiyāni dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.(1)
– Kính thưa ông Piṅgiyāni, xin ông chứng minh lời chân thật của tôi rằng: “Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn Gotama, xin quy-y Đức-Pháp- bảo, xin quy-y chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo,”
Kính xin ông Piṅgiyāni công nhận tôi là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo cao thượng, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Như vậy, ông bà-la-môn Kāraṇapāḷi đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo, đã chính thức trở thành người cận- sự-nam trong hàng tứ chúng của Đức-Phật Gotama trước sự hiện diện chứng minh công nhận của Ông Bà- la-môn Piṅgiyāni.
* Thời xưa, trong thời kỳ Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, tiếng Māgadha được xem như tiếng phổ thông mà Đức-Phật sử dụng để thuyết pháp tế độ chúng-sinh gọi là tiếng Pāḷi.
Sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, các hàng thanh- văn đệ-tử của Đức-Phật vẫn còn giữ nguyên truyền thống xưa.
Người nào có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có đại- thiện-tâm tôn kính Đức-Phật cao thượng, Đức-Pháp cao thượng, Đức-Tăng cao thượng, có ý nguyện muốn trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ, người ấy có trí-tuệ sáng suốt, hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật, nhất là hiểu biết rõ 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp- bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, trước sự hiện diện của bậc Thánh thanh-văn là bậc Đại-Trưởng-lão, kính thỉnh Ngài chứng minh.
Người ấy thành kính tự nguyện nói lên lời chân thật xin thọ phép quy-y Tam-bảo, rồi kính xin Ngài chứng minh và công nhận người ấy là người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.
Nếu không có bậc Đại-Trưởng-lão thì bậc Trưởng- lão, hoặc vị tỳ-khưu, hoặc vị sa-di, hoặc thậm chí người cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết lễ thọ phép quy-y Tam-bảo chứng minh.
Người ấy thành kính tự nguyện nói lên lời chân thật xin thọ phép quy-y Tam-bảo, rồi kính xin Ngài chứng minh và công nhận người ấy là người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ đã quy-y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.
* Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Thời Nay
Thời nay, Phật-giáo đã được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, mà mỗi nước có tiếng nói riêng của nước mình.
Mặc dù như vậy, các nước theo truyền thống Phật- giáo Nguyên-thủy Theravāda vẫn căn cứ vào Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi làm căn bản chính. Do đó, tiếng Pāḷi trở thành một ngôn ngữ chung cho tất cả các hàng thanh-văn đệ-tử để học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, còn tiếng nói của xứ sở mình là ngôn ngữ riêng dùng để giảng giải ý nghĩa ngôn ngữ Pāḷi ra ngôn ngữ của mình, cho mọi người ở trong nước hiểu rõ giáo-pháp của Đức- Phật Gotama.
Cho nên, các nước theo truyền thống Phật-giáo Nguyên-thủy Theravāda vẫn tôn trọng tiếng Pāḷi được ghi trong Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi là lời giáo huấn của Đức-Phật Gotama.
* Đối với bậc xuất gia sa-di, tỳ-khưu trong các nước Phật-giáo Nguyên-thuỷ Theravāda, có bổn phận học pháp-học Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, để duy trì Phật-giáo cho được tồn tại trên thế gian.
Các nghi lễ thọ sa-di, thọ tỳ-khưu, hành Tăng-sự tụng Kammavācā, v.v… chắc chắn chỉ sử dụng tiếng Pāḷi đúng theo Tạng-luật Pāḷi mà thôi, không thể sử dụng tiếng xứ sở của mình.
Cho nên, các nước theo truyền thống Phật-giáo Nguyên-thủy Theravāda, những nghi lễ chính Phật-giáo, đều sử dụng tiếng Pāḷi hầu như giống hệt nhau.
* Đối với các hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ trong các nghi thức xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới hoặc bát-giới, hoặc cửu-giới, … nghi thức tụng kinh lễ bái Tam-bảo, tụng kinh Parittapāḷi, … bằng tiếng Pāḷi là chính, có nơi đọc tiếng Pāḷi và dịch nghĩa bằng tiếng của xứ sở mình, để cho mọi người trong nước hiểu biết rõ ý nghĩa Pāḷi.
Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Phổ thông
Thời nay, các nước theo truyền thống Phật-giáo Nguyên-thủy Theravāda như Tích-lan, Miến-điện Thái- lan, … Phật-giáo Nguyên-thủy tại Việt-Nam … thường áp dụng thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông như sau:
Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông này được theo cách xuất gia thọ sa-di mà Đức-Phật đã ban hành đến chư tỳ-khưu rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép xuất gia thọ sa-di bằng cách thọ phép quy-y Tam-bảo.
– Này chư tỳ-khưu! Như vậy, gọi là xuất gia thọ sa-di.
Vị Thầy tế-độ (upajjhāya) hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới-tử thọ phép quy-y Tam-bảo lặp lại từng chữ từng câu đúng theo vị Thầy tế- độ. Khi giới-tử lặp lại câu:
“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ, … Bhagavā.”
“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp- bảo:“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, … paccattaṃ veditabbo viññūhi”.
“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng- bảo:“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, … Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa” cho đến câu cuối:
“Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”
Khi giới tử đã lặp lại đúng từng chữ từng câu Pāḷi theo vị Thầy tế-độ, đến câu cuối chấm dứt, đồng thời ngay khi ấy giới tử trở thành samāṇera (vị sa-di) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, có đầy đủ 10 giới sa- di, 10 pháp-hoại, 10 pháp hành-phạt, 75 giới-hành, 14 pháp-hành cùng một lúc khi trở thành vị sa-di không trước không sau.
Nhưng nếu trường-hợp vị Thầy tế-độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo mà giới-tử lặp lại từng chữ từng câu Pāḷi không đúng thì giới-tử không thành-tựu phép quy-y Tam-bảo, cũng không trở thành samāṇera (vị sa- di) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, bởi vì nghi thức thọ phép quy-y Tam-bảo trong lễ xuất gia trở thành samāṇera (vị sa-di) với điều kiện ubhato suddhi nghĩa là vị Thầy tế-độ hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo từng chữ từng câu Pāḷi đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi và giới-tử cũng phải lặp lại từng chữ, từng câu Pāḷi đúng theo vị Thầy tế-độ.
* Thời nay, lễ thọ phép quy-y Tam-bảo này được áp dụng cho các hàng tại gia cư-sĩ là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ trong các nước theo truyền thống Phật-giáo Theravāda. Bởi vậy, cho nên thọ phép quy-y Tam-bảo này gọi là thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông của thời nay.
Hướng Dẫn Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Phổ Thông
Thời nay, sở dĩ Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo như vậy, là vì những người đệ-tử không rành tiếng Pāḷi, vả lại, nếu để mỗi người nói bằng tiếng xứ sở của mình, thì mỗi người nói một cách khác nhau, không thể đồng thanh từng chữ, từng câu với nhau, làm cho nghi lễ thọ phép quy-y Tam-bảo kém phần trang nghiêm.
Do đó, Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo từng chữ, từng câu, để cho các người đệ- tử đồng thanh lặp lại đúng từng chữ, từng câu y theo Ngài Đại-Trưởng-lão.
Cho nên, nghi lễ thọ phép quy-y Tam-bảo tăng thêm phần tôn nghiêm long trọng.
Còn điều quan trọng nữa, người hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo là vị Thầy của mình, vị Thầy ấy, có vai trò rất quan trọng làm phận sự dạy dỗ, chỉ dạy các người đệ-tử hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, bởi vì, ân-đức Tam-bảo này là đối-tượng của đại-thiện-tâm làm phận sự thọ phép quy-y Tam-bảo, giúp hỗ trợ cho người đệ-tử thành tựu được phép quy-y Tam-bảo.
Vị Thầy còn có bổn phận dạy dỗ các đệ-tử những pháp quan trọng khác như pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, v.v…
Cho nên, người đệ-tử phải có phận sự kính trọng và biết ơn Thầy.
Cách Thành Tựu Phép Quy-Y Tam-Bảo
Để thành-tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana), vai trò quan trọng của người đệ- tử là chính. Cho nên, người đệ-tử phải là người có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo, có thiện-tâm tôn kính Đức- Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, có trí-tuệ sáng suốt học hỏi, các pháp, nhất là hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo, bởi vì, những ân- đức Tam-bảo này là đối-tượng của đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thọ phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana).
Khi người đệ-tử đang thọ phép quy-y Tam-bảo, lặp lại từng chữ, từng câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, hiểu rõ ý nghĩa và có đối-tượng của từng câu quy-y ấy như sau:
* Khi lặp lại câu:
“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”
Nghĩa từng chữ:
Buddhaṃ : nơi 9 ân-đức Phật-bảo, Saraṇaṃ : quy-y nương nhờ.
Gacchāmi : con xin đến, con hiểu biết rõ, …
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ … Bhagavā.”
* Khi lặp lại câu:
“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”
Nghĩa từng chữ:
Dhammaṃ : nơi 6 ân-đức Pháp-bảo Saraṇaṃ : quy-y nương nhờ.
Gacchāmi : con xin đến, con hiểu biết rõ, …
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo … paccattaṃ veditabbo viññūhi”.
* Khi lặp lại câu:
“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”
Nghĩa từng chữ:
Saṃghaṃ : nơi 9 ân-đức Tăng-bảo, Saraṇaṃ : quy-y nương nhờ.
Gacchāmi : con xin đến, con hiểu biết rõ, …
Nghĩa toàn câu:
“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvaka- saṃgho… Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”.
Dutiyampi: Lần thứ nhì, lặp lại từng câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng theo tuần tự 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân- đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.
* Tatiyampi: Lần thứ ba, cũng như lần thứ nhì.
Thọ phép quy-y Tam-bảo được lặp lại ba lần theo truyền thống. Đó cũng là phong tục của người xưa, để chứng tỏ lòng chân thành tôn kính, khẳng định chắc chắn đã quy-y Tam-bảo: quy-y Đức-Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo.
Như vậy, sự thành-tựu của phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới, vai trò của người đệ-tử là quan trọng nhất; còn vị Thầy hướng dẫn chỉ là nhân duyên hỗ trợ giúp cho người đệ-tử được thành-tựu thọ phép quy-y Tam-bảo mà thôi.
– Nếu không có vị Đại-Trưởng-lão hướng dẫn, thì vị Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
– Nếu không có vị Trưởng-lão hướng dẫn, thì vị Tỳ- khưu hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
– Nếu không có vị Tỳ-khưu hướng dẫn, thì vị Sa-di hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.
– Nếu không có vị Sa-di hướng dẫn, thì thậm chí người cận-sự-nam, hoặc người cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật, biết cách hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo cũng hợp-pháp, bởi vì sự thành-tựu của phép quy-y Tam-bảo là do người đệ-tử hiểu biết cách thọ phép quy-y Tam-bảo đúng đắn.
Cũng có thể ví dụ nôm-na như: thí sinh nào trúng tuyển vào trường đại-học, trở thành sinh viên, là do nhờ tài năng của thí sinh ấy, không phải do nhờ ban giám khảo. Còn ban giám khảo chỉ làm phận sự hợp thức hóa, và công nhận thí sinh ấy là một sinh viên thực sự của trường đại-học ấy mà thôi.
Cũng như vậy, vị Thầy hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo là giúp đỡ, dạy dỗ người đệ-tử hiểu biết rõ cách thọ phép quy-y Tam-bảo, để cho được thành-tựu. Còn việc thành tựu phép quy-y Tam-bảo là do tài năng hiểu biết của người đệ-tử.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Phật: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Phật-bảo như thế nào?
* Khi lặp lại câu quy-y Phật: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại-thiện- tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như khi nhắc đến tên “cha hoặc mẹ”, thì ngay khi ấy, hình ảnh cha hoặc mẹ, ân-đức của cha mẹ, đồng thời hiện rõ trong tâm của người con có hiếu nghĩa. Bởi vì, hình ảnh và ân-đức của cha mẹ đã in sâu trong tâm tưởng của người con từ thuở nhỏ.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Buddhaṃ (Đức-Phật-bảo), đồng thời đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Pháp: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 6 ân-đức Pháp-bảo như thế nào?
* Khi lặp lại câu quy-y Pháp: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như một bài hát mà người ấy thích nhất, đã học thuộc lòng bài hát từ trước. Một khi nhắc đến tên bài hát ấy, đồng thời toàn bài hát ấy hiện rõ trong tâm trí của người ấy.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 6 ân-đức Pháp-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Dhammaṃ (Đức-Pháp-bảo), đồng thời đối-tượng 6 Ân-đức Pháp-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
* Khi người đệ-tử lặp lại câu quy-y Tăng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối- tượng 9 ân-đức Tăng-bảo như thế nào?
* Khi lặp lại câu quy-y Tăng: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ-tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ từng câu, với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau.
Cũng ví như, một vị Thầy khả kính, khả ái đã từng dạy dỗ người học trò nên người hữu ích. Một khi nhắc đến tên vị Thầy ấy của mình, đồng thời lúc ấy hình ảnh và ân-đức của vị Thầy hiện rõ trong tâm tưởng của người học trò có tình có nghĩa với Thầy.
Cũng như vậy, để cho đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm, thì trước đó, người đệ-tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Tăng-bảo xong, nên khi lặp lại tiếng Saṃghaṃ (Đức-Tăng-bảo), đồng thời đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.
Do đó, muốn thành-tựu phép quy-y Tam-bảo, trước tiên người đệ-tử cần phải đến gần gũi, thân cận với vị Thầy là bậc thiện-trí trong Phật-giáo, để lắng nghe chánh-pháp, nhất là học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng- bảo, bởi vì những ân-đức Tam-bảo này là đối-tượng của đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thọ phép quy- y Tam-bảo cho được thành tựu.
Như vậy, sự thành-tựu phép quy-y Tam-bảo theo tam- giới là do sự hiểu biết của người đệ-tử, mà sự hiểu biết ấy là do nương nhờ vị Thầy, bậc thiện-trí biết phương pháp dạy dỗ người đệ-tử trở thành người cận-sự-nam, hoặc người cận-sự-nữ.
Vậy, người cận-sự-nam, người cận-sự-nữ phải nên biết làm tròn bổn phận của người đệ-tử đối với vị Thầy của mình.
Thai Nhi Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo
* Trường-hợp Hoàng tử Bodhi còn là thai-nhi nằm trong bụng, mẫu-hậu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật xin cho thai-nhi quy-y Tam-bảo. Hoàng tử Bodhi nghe mẫu hậu thuật lại, nên kể cho bạn Siñjikāputta biết rằng:
– Này bạn Siñjikāputta thân mến!
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Ghositārāma, xứ Kosambī. Khi ấy, tôi còn là thai-nhi nằm trong bụng, Mẫu hậu của tôi đến hầu đảnh lễ Đức- Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:
“Yo me ayaṃ Bhante kucchigato kumārako vā kumārikā vā, so Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchati Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ taṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.” (1)
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thai nhi nào là hoàng-tử hoặc công-chúa đang nằm trong bụng của con, nó thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp- bảo và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận nó là người cận- sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.
Trẻ Sơ Sinh Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo
* Trường hợp Hoàng-tử Bodhi còn thơ ấu, nhũ-mẫu ẵm đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xin cho Hoàng-tử Bodhi quy-y Tam-bảo, nên kể cho bạn Siñjikāputta biết:
– Này bạn Siñjikāputta thân mến!
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại khu rừng Bhesakaḷāvana gần thành Susumaragira trong vùng Bhagga. Khi ấy, tôi còn thơ ấu, Nhũ-mẫu ẵm tôi đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:
“Ayaṃ Bhante Bodhirājakumāro Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ taṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.”
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Hoàng-tử Bodhi thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp- bảo, và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận Hoàng-tử Bodhi là người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy-y Tam-bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
* Trường hợp Hoàng-tử Bodhi đã trưởng thành tự mình đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin thọ phép quy-y Tam-bảo rằng:
– Esāhaṃ Samma Siñjikāputta, tatiyampi Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Này bạn Siñjikāputta thân mến!
Lần thứ ba này, tôi đến thọ phép quy-y Tam-bảo rằng: “Con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy- y nơi Đức-Pháp-bảo và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ- khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời”.
Nhận Xét Thai Nhi Và Đứa Trẻ Thơ ấu
* Thai nhi còn đang nằm trong bụng mẹ và đứa trẻ còn thơ ấu chưa có sự hiểu biết, mà người thay mặt đứa trẻ thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo có được thành- tựu hay không? Và có được sự lợi ích như thế nào?
* Thai nhi còn trong bụng mẹ và đứa trẻ còn thơ ấu chưa có sự hiểu biết, mà người thay mặt đứa trẻ thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo, tuy phép quy-y Tam- bảo ấy không thành tựu, nhưng sẽ có được sự lợi ích, khi đứa bé trưởng thành nghe người mẹ kể lại cho nó biết:
– Này hoàng-nhi yêu quý! Khi con còn là thai nhi trong bụng, mẫu-hâu đã đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bèn bạch rằng: “Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thai nhi nào là Hoàng-tử hoặc Công-chúa đang nằm trong bụng con, nó thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp-bảo và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận nó là người cận- sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.” Và
– Này hoàng-nhi yêu quý! Khi con sinh ra đời còn là một Hoàng-tử thơ ấu, chưa có sự hiểu biết, Nhũ-mẫu của con, ẵm con đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bèn bạch rằng: “Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Hoàng-tử Bodhi thành kính xin quy-y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy-y nơi Đức-Pháp- bảo và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận Hoàng-tử Bodhi là người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy-y Tam-bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.
Khi Hoàng tử Bodhi nghe Mẫu hậu thuật lại đã hai lần thọ phép quy-y Tam-bảo cho mình, khiến Hoàng-tử Bodhi có một ấn tượng sâu sắc rằng: “Ta là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo”. Cho nên, khi Hoàng-tử trưởng thành, đã tự mình đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo lần thứ ba rằng:
– Esāhaṃ Samma Siñjikāputta, tatiyampi Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.
– Này bạn Siñjikāputta thân mến!
Lần thứ ba này, tôi đến thọ phép quy-y Tam-bảo rằng: “Con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy- y nơi Đức-Pháp-bảo và xin quy-y nơi chư Đại-đức tỳ- khưu Tăng-bảo.
Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nam đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời”.
Như vậy, mặc dù hai lần trước phép quy-y Tam-bảo không thành tựu, song cũng làm nhân duyên để hỗ trợ cho lần thứ ba này, chắc chắn được thành-tựu phép quy- y Tam-bảo, và được chính thức trở thành người cận-sự- nam trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Về sau, Hoàng-tử Bodhi là người cận-sự-nam có đức- tin trong sạch nơi Tam-bảo, có lòng tôn kính Đức-Phật- bảo, tôn kính Đức-Pháp-bảo, tôn kính Đức-Tăng-bảo, để được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc cao thượng.