GIẢI VỀ NGUYÊN NHÂN ĐẦU TIÊN SỰ TÍCH PHẬT PHÁP
Khi Đức Phật Thích Ca Mu Ni đã được chứng bực Chánh Đẳng Chánh Giác rồi, Ngài bèn phát lòng đại từ đại bi, trước hết đi phổ độ chúng sanh trong nước Trung Ấn Độ.
Nước Trung Ấn Độ chia ra làm nhiều xứ, có nhiều đức vua thống trị. Thuở Phật còn tại thế, trong nước Trung Ấn Độ có bốn xứ lớn:
- Xứ Má-gá-thá (Magadha) tại miền Bengale về phần đức hoàng đế Bim-bi-xa-ra (Bimbisāra) thống trị, lập đế đô tại thành Vương-Xá (Rājagaha).
- Xứ Cô-xá-lá (Kosala) tại miền Xá-há-bá-li (Sahapali) cận ranh phía đông xứ Má-gá-thá (Magadha) về phần đức vua Bá-sê-ná-đí (Pasenadi) thống trị, lập đế đô tại thành Sa-quát-thi (Sāvatthī).
- Xứ Quanh-xá (Vaṅsa) tại miền Manh-đá-lá-xá-há-bá-li (Mandalasahapali) cận ranh phía đông nam xứ Cô-xá-lá (Kosala) về phần đức vua Ú-đê-ná (Udena) thống trị, lập đế đô tại thành Cô-sam-phi (Kosamphi).
- Xứ A-quanh-ti (Avanti) tại miền Má-lá-quá (Malava) cận ranh phía nam xứ Quanh-xá (Vansa), về phần đức vua Chanh-đá-ba-jo-ti (Candapajoti) thống trị, lập đế đô tại thành Uch-sê-ni (Ujjheni).
Ngoài ra, còn nhiều xứ nhỏ nữa, như xứ của thân tộc Sá-ki-á (Sakya), Lít-sa-quí (Licchavi), Ma-lá (Malla) v.v…
Đức Thế Tôn truyền bá Phật Pháp đến các xứ đó, bất phân tôn ti thượng hạ, xứ mình, xứ người một lòng bình đẳng, không chia giai cấp nên có đủ hạng người trong các nước qui y Phật Pháp, chỉ khác nhau là xứ có nhiều hoặc ít người tín ngưỡng. Thuở ấy cũng đã có ba mặt đạo, như đạo Tri-vê-đa (Triveda)[1] mà người Bà-la-môn phần đông hoan nghênh và đạo Je-ná (Jena) của người ngoại đạo. Thuở Phật còn tại thế những người tu Phật chỉ lấy Tam qui (Phật Pháp Tăng) làm gốc.
Về nguyên nhơn tạo Tháp Phật có chỗ nói: Thuở Đức Thế Tôn lên cung trời Đạo Lợi thuyết pháp trong mùa hạ ba tháng cho Phật mẫu nghe ấy, có đức vua Senadikosabuddhamaka vì lâu ngày không được thấy Phật nên Ngài đem lòng thương nhớ, bèn dạy thợ dùng lõi cây thị, tạo kim thân để làm dấu tích. Lý thuyết ấy xét ra thì không đúng với chuyện sẽ giải ra phía sau này, cho nên không có thể cho là điều đích thật đặng. Bởi các Thánh tích của Phật, ngoài Tam qui ra đều phát sanh sau khi Phật nhập diệt hết.
Theo tên mà gọi thì Pháp trong Phật Pháp có bốn thứ: Xá lị tháp (Dhātustūpa), Vật dụng tháp (Paribhogastūpa), Pháp tháp (Dhammastūpa), Kim thân tháp (Uddesikastūpa).
Nguyên nhân phát sanh bốn thứ tháp ấy có giải rõ trong lịch sử xưa: Như trong Kinh Đại Niết-bàn do theo câu hỏi của đức vua Mi-lan-đà rằng: Khi Đức Thế Tôn sắp nhập diệt trong rừng Sa-la, tại xứ Cú-xi-na-ra (Kusinārā) có đại đức A-nan-da (Ānanda) là bực hộ pháp, đến bạch Đức Thế Tôn như vầy: Sau khi Phật diệt độ, các hàng Thinh văn phải làm cách nào đặng phụng thờ Xá-lị?
Phật đáp: Các Thầy tỳ khưu này! Các Thầy cần phải tu hành tinh tấn cho mau được giải thoát, các Thầy chẳng nên quyến luyến theo việc phụng thờ Xá-lị. Việc ấy để cho hàng cư sĩ (thiện nam, tín nữ) nhứt là vua chúa, họ tạo tháp để phụng thờ, giống như tháp đã có tạo ra an táng các bực hoàng đế vậy.
Đến khi Phật tịch, đức vua Má-lá (Mala) trị vì trong xứ Cu-si-na-ra (Kusinārā) làm lễ trà tỳ, tiếng đồn đến các lân bang, họ đem binh vào xứ Kusinārā xin Xá-lị đem về xây tháp để phụng thờ. Trước hết chính phủ Kusinārā không bằng lòng cho, gần muốn gây chiến tranh, nhưng có nhờ vị quốc sư của đức vua Mala điều đình, nên chính phủ Kusinārā mới chịu chia xá-lị ra làm tám phần, cho mấy xứ có mặt trong khi ấy là: 1) Đức hoàng đế A-ja-ta-xa-lru[2] (Ajātasatrū) cai trị xứ Má-gá-thá[3](Magatha) tại thành Vương Xá (Rājagrha); 2) Đức vua Sá-ky-a (Sakya)[4] (Thân tộc của đức Như Lai) ở tại thành Ca-pi-lá-vas-tu[5] (Kapilavastu), bây giờ thuộc về Nepal; 3) Đức vua Lít-sa-vi (Licchavi) tại xứ Quê-sa-li[6] (Vesali) (bây giờ gọi là Besaraha); 4) Đức vua Thu-lý-đá (Thulida) hoặc Pali, tại xứ Á-lá-cáp-bá (Allakappa); 5) Vị Bà-la-môn làm thủ lãnh xứ Quê-thá-ti-bá-cá (Veddhadipaka); 6) Đức vua Koliya tại Rāmagama (bây giờ thuộc về nước Népal); 7) Đức vua Má-lá (Mala) xứ Ba-qua (Pava) (bây giờ gọi là Radraona); 8) Đức vua Cu-xi-na-ra (Kusinārā) tại xứ Kusinārā (bây giờ gọi là Kāsi). Do sự chia xá-lị trong khi ấy, nên mới có tám cái tháp đầu tiên hết, trong mấy xứ ấy.
Nguyên nhân tạo vật dụng tháp đầu tiên (Paribhogastūpa) trong lịch sử có giải rằng: Khi Phật sắp nhập diệt, thì đức A-nan-da chưa được chứng quả A-la-hán (Arahanta) có bạch Đức Thế Tôn rằng: Từ thuở nay các thầy tỳ khưu hằng thấy mặt Phật, nhưng sau khi Phật tịch diệt rồi, chẳng còn thấy kim dung nữa, ắt các thầy không khỏi than tiếc. Cớ đó nên Phật mới di chúc: Bốn nơi động tâm (Samvejaniyasthāna), nếu ai muốn thấy Như Lai thì đến một trong bốn nơi là: 1) Chỗ Như Lai giáng sanh, tại rừng Lum-bi-ni (Lumbini) gần thành Ca-bi-la-vas-tu (Kapilavastu) (Népal); 2) Chỗ Như Lai chứng bực Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội cây Bồ đề (Bodhibriksa) trong xứ Gāyā (bây giờ là Buddhagāyā)[7]; 3) Chỗ Như Lai quay bánh xe Pháp lần đầu (Chuyển pháp luân) tại rừng I-xi-ba-ta-na[8] (Isipattana migadāyavana) trong thành Ba-ra-na-xi (Bārānāsi); 4) Chỗ Như Lai nhập Niết-bàn tại rừng Xa-la[9] (Salavana) trong xứ Kusinārā. Bốn nơi ấy gọi là vật dụng tháp (Paribhogastūpa) do theo lời của Đức Thế Tôn đã di chúc.
Ngoài bốn nơi ấy còn hai chỗ nữa là: Do đức vua Mô-rí-dá (Moriya) xứ Pipjalivana, sau khi chia xá-lị rồi, ngài qua xứ Kusinārā thỉnh than thiêu kim thân đem về xây tháp thờ trong xứ Pipjalavana. Còn vị quốc sư đứng chia xá-lị được một phần, cũng đem về xây tháp thờ trong thành Kusinārā, hai tòa tháp sau này cũng đều gọi là vật dụng tháp (Paribhogastūpa), cũng như bốn chỗ động tâm (Samvejaniyasthāna) cho nên mới có sáu vật dụng tháp đầu tiên là do cớ ấy.
Nguyên nhân xây Pháp tháp đầu tiên là khi Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, Ngài có di huấn rằng: “Pháp bảo là vật thế mặt cho Như Lai, từ nay về sau”. Cho nên sau khi Phật tịch rồi, những tín đồ ở xa xá-lị tháp và vật dụng tháp đã có tạo rồi ấy, họ khó bề tới lui để lễ bái, cúng dường, họ muốn có tháp trong xứ của họ và nhờ người thông hiểu Phật Pháp bày ra sự khắc Pháp bằng chữ để phụng thờ, y theo lời dạy của Đức Thế Tôn.
Về sự xây Pháp tháp thì họ soạn trích mấy câu yếu lý trong Tam tạng như sau này:
“Yedhammā hetuppabhavā, tesamhetum tathāgato, (Aha) tesañca yonirodho ca, evam vādi mahāsamano”. Nghĩa là: Các thứ quả đều do nơi nhân mà sanh, Như Lai đã có nói cái nhân ấy, và cũng đã có chỉ dẫn phép trừ diệt cái nhân ấy, đó là giáo pháp của bậc đại Sa-môn (Phật).
Ut-đê-xi-ca-stu-ba[10] (1) (Uddesikastūpa) tạo ra do tác ý lành tôn kính Đức Thế Tôn, không có lệ định phải làm kiểu như thế nào, cho nên tòa tháp nào đã tạo ra, mà chẳng phải là xá-lị tháp, vật dụng tháp và pháp tháp thì đều là Ut-đê-xi-ca tháp cả.
—