Nội Dung Chính
LỢI ÍCH CỦA SỰ TRÌ LUẬT
Lẽ thường, loài người trong thế gian, ở theo phe, theo đảng, không sao ở cho vừa ý nhau được, nhơn tâm mỗi người mỗi khác, sức không đồng nhau: người có sức lực, cộc cằn thì hà hiếp, kẻ yếu đuối nhu nhược phải chịu khổ không được an vui.
Các đức vua trong nước hằng ngự chế hình luật để ngăn cấm quốc dân không cho làm điều hung dữ. Nếu có kẻ phạm nhằm quốc cấm, sẽ bị nhà vua trừng phạt. Ðức vua cũng có ra lịnh khuyên làm những việc lành cho chúng dân được an cư lạc nghiệp. Cho đến quân lính cũng có pháp luật dạy răn mới có trật tự nghiêm trang được. Dầu trong mỗi gia tộc, cũng có phương pháp riêng để cho thân quyến hành theo mới có thể ở yên dễ dàng được.
Về phần người xuất gia trong Phật pháp cũng phải có phép để ngăn ngừa thân khẩu không cho làm dữ, cho tâm được trong sạch. Ðức Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ của chúng ta, Ngài là bậc Pháp vương tiếp độ các hàng Phật tử và là cha lành của chư tăng, Ngài hằng giáo dục và chăm nom sự quấy phải của Giáo hội. Ngài làm hướng đạo cho 2 điều:
– Ngài chế điều học để ngăn ngừa, không cho hàng Phật tử làm quấy. Nếu tỳ khưu làm sái phép, Ngài ra lịnh rằng: “phạm tội nặng, hoặc tội nhẹ để răn mình chừa cải, luôn đến chư tăng cũng vậy”.
– Ngài dạy làm sự phải, cho chư tỳ khưu trau dồi thân khẩu được trang nghiêm, theo các bậc hiền triết, như các vị đế vương trong nước, ngự chế răn cấm quốc dân không cho làm dữ, dạy phải làm lành, hoặc như cha lành làm chủ trong gia tộc, chỉ dẫn con cháu ăn ngay ở thật, theo thứ tự trong họ hàng.
Pháp mà đức Phật cấm chế và cho phép, dạy hàng Phật tử lánh dữ làm lành hiệp lại gọi là “Luật” nghĩa là pháp tắc để trau dồi thân khẩu cho trang nghiêm.
Pháp luật ví như sợi chỉ xỏ bông làm tràng hoa, người mà đã xuất gia theo Phật pháp như hoa có màu sắc khác nhau, sợi chỉ có thể làm cho hoa đều đặn, cho có màu tươi tốt, liền lạc, không cho bời rời, cũng như “tạng Luật” có thể làm cho tỳ khưu tăng có cách thức đẹp đẽ, không vụng về.
Trong những hạng người tu theo Phật pháp làm tỳ khưu hoặc sa di chẳng phải do một nhà hoặc một họ mà đến, đều là người người khác dòng khác giống, không đồng bực (bực cao, bực trung hoặc bực thấp). Có người khác nước, khác tiếng nói, khác xứ sở cho nên có thói quen khác nhau. Nếu không có tạng Luật làm mực thước hoặc có mà tỳ khưu, sa di không học cho hiểu biết, hoặc đã hiểu biết mà không hành theo, ắt thân khẩu và tư cách hành vi không sao tề chỉnh, không đáng là ruộng phước của người đời, không làm cho người chưa tin, được tin, người đã tin càng thêm tin.
Nếu các tỳ khưu, sa di hòa hảo nhau, thỏa thích nhau, không cố chấp theo phe, theo đảng, không cãi lẽ nhau, hiệp nhứt nhau như nước lộn với sữa, liếc xem nhau bằng cặp mắt từ bi, khuyên nhau tôn trọng, thiệt hành theo giới luật đều đủ, không dư thiếu, mới làm cho phần đông người phát lòng tín ngưỡng, như các thứ hoa trong vườn có sắc tốt và mùi thơm khác nhau mà người bẻ đem để chung trong bình bông, không thứ lớp, không có mẹo mực thành ra vật không đáng thỏa thích. Nếu người bó hoa có trí, lành nghề, họ lấy các thứ hoa như thế đơm cho đều đặn theo cách thức rồi để trong bình, hoa ấy sẽ thành vật đẹp xem không mỏi mắt. Không cần nói đến hoa đẹp, dầu hoa không đẹp cũng dễ coi, nhờ có mẹo mực làm cho ra vật đẹp được
Ðức Thiên Nhân Sư là đấng Giáo chủ của chúng ta, Ngài thấy điều lợi ích như thế, cho nên chế ra tạng Luật cho chư Phật tử hành theo hầu được sự an vui, sự tiến hóa trong đời này và đời sau.
—
BỔN PHẬN LÀM ÔNG THẦY HÒA THƯỢNG
Ðức Phật có giải: Pañcahi bhikkave angehi samannāgatena bhikkhunā upasampādetabbaṃ ‒ Nầy các tỳ khưu! Tỳ khưu có đủ 5 chi[3] mới nên làm ông thầy Hòa thượng truyền Cụ túc giới đến người xuất gia. 5 chi ấy là: 1) āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội; 2) ānāpattiṃ jānāti: biết rằng không có phạm tội; 3) lahukaṃ āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội nhẹ; 4) garukaṃ āpattiṃ jānāti: biết rằng có phạm tội nặng; 5) dasavasso vā hoti atire kadasavasso vā: tỳ khưu đã tu được 10 hạ hoặc trên 10 hạ.
Trong luật Cullaganthimahāvagga có nói bổn phận ông thầy Hòa thượng phải có đủ 3 chi nữa là: 1)manussabhūto: phải thật là loài người (không phải thú); 2) bhikkhubhāvo: đã thọ cụ túc giới làm tỳ khưu đầy đủ; 3) opajjhāyangasamannāgato: có đủ chi làm ông thầy Hòa thượng.
Trong 3 chi ấy, chi thứ 3 chia ra có 14 điều: 1) maṅgalāmaṅgalānisaṃsaṃ jānāti: biết quả báo của các kinh có điều hạnh phúc, nhứt là Tam bảo kinh (ratanasūtra) và quả báo của kinh không có điều hạnh phúc là kinh tirokudda[4]; 2) kammakammaṃ jānāti: biết là tăng sự hoặc không phải tăng sự; 3) sikkhāpadaṃ jānāti: biết cả 227 điều học trong giới bổn; 4) sikkhāpadangaṃ jānāti: biết các chi của 227 điều luật ấy; 5) saranāgamanaṃ jānāti: biết đọc “tam qui” đúng phép theo Phạn ngữ như đọc “Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi” đọc một cách đừng cho gián đoạn; 6) uposathaṃ jānāti: biết phép hành lễ phát lồ theo 9 điều[5]; 7) uposathakammaṃ jānāti: biết cách làm lễ phát lồ có 4 cách[6]; 8)ñatti sampattiṃ jānāti: biết đọc truyền giới trúng phép giữa tăng; 9) ñutti vipattiṃ jānāti: biết đọc truyền giới sái phép giữa tăng; 10) akkhara sampattiṃ jānāti: biết cách đọc trúng giọng Pāli (ñattisam patti)[7]; 11) akkhara vipattiṃ jānāti: biết cách đọc sái giọng Pāli (ñattivipati); 12)ubhayāpatimokkhāni: biết tụng nằm lòng cả giới bổn tỳ khưu và tỳ khưu ni; 13) dasavasso vā hoti atireka dasavasso: đã tu được 10 hạ hoặc 10 hạ trở lên; 14) nāma rāpaṃ jānāti: thông rõ tạng Luận, là tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn.
—