(Dưới đây là bản dịch một bài viết của Goenkaji vào tháng 12 năm 2005 ấn hành bởi Vipaśyana Patrikā. Nó đã được điều chỉnh cho phù hợp với Bản tin)

Thiền Sư Goenka

Đức Phật nói: “Ta thấy có bốn loại người trong thế gian này. Loại thứ nhất đi từ bóng tối vào bóng tối. Loại thứ hai đi từ ánh sáng vào bóng tối. Loại thứ ba đi từ bóng tối ra ánh sáng. Và loại thứ tư đi từ ánh sáng đến ánh sáng.”

Đức Phật không nói những điều khó hiểu. Lời dạy của Ngài rõ ràng và được giải thích kỹ càng. Svākkhāto bhagavatā dhammo. Giáo pháp rõ ràng như thế. Bất cứ khi nào Ngài nói điều gì làm người nghe có thể hiểu theo ý khác, Ngài giải thích ngay. Cái gì là bóng tối? Cái gì là ánh sáng? Làm sao người ta cứ đi từ chỗ này tới chỗ kia?

1. Từ bóng tối vào bóng tối: Tất cả mọi thứ xung quanh đều là bóng tối, một cuộc sống tối tăm, một cuộc đời đầy khổ đau. Có người đầy dẫy khổ đau trên nhiều phương diện – sức khỏe, tiền bạc, gia đình, xã hội. Không hề có bất kỳ một niềm hạnh phúc nào. Vậy mà người này không hề có dấu vết của trí tuệ bên trong. Vì vậy, mỗi giây phút, người này không tạo ra gì khác ngoài sự giận dữ, hận thù và ác ý.

“Tôi đau khổ bởi vì người này, vì sự cố này, vì lý do kia.” Người ấy đang tạo ra sân hận đối với một cá nhân hoặc một nguyên nhân nào đó. Nỗi đau khổ này là kết quả của nghiệp sân hận trong quá khứ, và giờ đây, người ấy đang tiếp tục gieo thêm nhiều hạt giống sân hận hơn nữa. Đã có quá nhiều tăm tối trong cuộc sống và người ấy lại đang gieo trồng thêm nhiều hạt giống của tối tăm. Những hạt giống của sự giận dữ, hận thù, và ác ý sẽ không mang lại gì khác ngoài khổ đau trong tương lai. Vì thế, tương lai cũng sẽ đầy đau khổ. Hiện tại là đau khổ và tương lai cũng là khổ đau. Hiện tại là bóng tối, tương lai cũng là bóng tối. Vì vậy, một người như thế đang đi từ bóng tối vào bóng tối.

2. Từ ánh sáng vào bóng tối: Một người khác có cuộc sống với mọi thứ xung quanh đều là ánh sáng Hạnh phúc có được ngày hôm nay nhờ vào sự giàu có về vật chất, sức khỏe tốt và uy tín trong xã hội. Tuy nhiên do không có trí tuệ bên trong, người này trở nên kiêu ngạo vì chính sự giàu có, quyền lực và địa vị này và cảm thấy khinh thường người khác.

“Tất cả những người nghèo này đều vô dụng. Ta rất thông minh; Ta có rất nhiều tiền, chức vụ cao, quyền lực, địa vị.”

Nhờ một số nghiệp tốt của quá khứ, cuộc sống của người này có được ánh sáng bao quanh. Sớm hay muộn, điều này cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên mỗi khoảnh khắc, người này lại gieo trồng hạt giống ích kỷ, hạt giống sân hận, hạt giống khổ đau, hạt giống của bóng tối. Những hạt giống tiêu cực này sẽ dẫn đến bóng tối trong tương lai, khổ đau trong tương lai. Vì vậy, người này đang đi từ ánh sáng vào bóng tối.

3. Từ bóng tối ra ánh sáng: Loại thứ ba là người có cùng vị trí giống như người trong nhóm đầu tiên. Có khó khăn bao quanh, bóng tối bao quanh trong hiện tại nhưng nhờ có trí tuệ bên trong, người này vẫn mỉm cười.

“Ồ, khó khăn này đã đến bởi một số nghiệp xấu trong quá khứ của tôi. Lý do tại sao tôi khổ hình như do người này, nhưng chắc chắn người này không phải là nguyên nhân của sự đau khổ của tôi. Người này chỉ là phương tiện. Nguyện cho người đó không phải chịu đau khổ vì những tội lỗi này! Khó khăn này đã đến với tôi thông qua người này hoặc người khác bởi chính nghiệp xấu trong quá khứ của tôi. Giờ đây, tôi sẽ không gieo trồng thêm những hạt giống khổ đau mới nữa.”

Như thế, người này chỉ tạo ra tình thương và lòng trắc ẩn đối với những người gây đau khổ cho mình. Người này đang gieo hạt giống của tình thương, của lòng từ bi.  Bây giờ có nhiều tăm tối, nhưng tương lai sẽ tràn ngập ánh sáng. Không sớm thì muộn bóng tối sẽ qua đi và sau đó sẽ chỉ có ánh sáng mà thôi. Người này đang gieo trồng hạt giống của ánh sáng, điều đó sẽ mang lại ánh sáng trong tương lai, hạnh phúc trong tương lai.

4. Từ ánh sáng đến ánh sáng: Hiện tại, cuộc sống của một người tràn ngập ánh sáng, tràn ngập hạnh phúc. Người này đang tận hưởng hạnh phúc của sự giàu có vật chất, mọi tiện nghi thế gian, và uy tín trong xã hội. Nhưng nhờ có trí tuệ, người này luôn hiểu rằng:

Tất cả thành công này là do một số nghiệp tốt của quá khứ. Và cho dù các nghiệp thiện tôi đã làm có tốt đến thế nào đi nữa, các nghiệp thiện ấy cũng không tồn tại mãi mãi, hoa trái của nó không vĩnh cửu, sớm hay muộn nó sẽ chấm dứt. Vì vậy, tôi phải tận dụng tất cả tiền tài, vị trí, quyền lực, địa vị mà tôi có trong hiện tại để làm  lợi ích cho người khác. Là một cư sĩ, tôi cần phải sử dụng tài sản của tôi để nuôi dưỡng gia đình và những người phụ thuộc vào tôi. Phần còn lại, tôi phải dùng cho lợi ích của người khác, vì điều tốt đẹp cho người khác. Nguyện cho ngày càng nhiều người nhận được Dhamma tinh khiết! Nguyện cho ngày càng nhiều người phát triển trí tuệ! Nguyện ngày càng nhiều người được giải thoát khỏi khổ đau của chính mình!”

Như thế, trong mọi lúc, người này luôn tạo ra tình thương, lòng từ bi và thiện chí. Tất cả mọi hành động – thân, khẩu và ý – đều vì lợi ích của người khác. Người này đang gieo trồng hạt giống của ánh sáng. Từ hạnh phúc, người này tiếp tục đi đến hạnh phúc; từ ánh sáng, người này tiếp tục đi đến ánh sáng.

Chúng ta không nên giống như những người trong nhóm đầu tiên hay nhóm thứ hai. Chúng ta phải giống như những người trong nhóm thứ ba hoặc thứ tư. Cho dù thuộc nhóm thứ ba hay thứ tư, chúng ta đều không quyết định được. Đôi khi, cuộc sống có thể toàn bóng tối, đầy khổ đau vì những nghiệp xấu trong quá khứ. Đôi khi, cuộc sống có thể tràn ngập ánh sáng nhờ những nghiệp tốt trong quá khứ. Cuộc sống có hạnh phúc hay bất hạnh là do kết quả của nghiệp tốt và xấu trong quá khứ. Cho dù có hạnh phúc hay buồn đau, ánh sáng hay bóng tối, chúng ta sẽ phát triển ánh sáng bên trong mình. Chúng ta sẽ không tạo ra thêm saṅkhāras mới nào nữa vì chúng sẽ tạo ra khổ đau trong tương lai, bóng tối trong tương lai. Đây là những gì chúng ta học được từ Vipassana.

Đức Phật nói:

Attā hi attano nātho, attā hi attano gati.
Mỗi người là chủ nhân của chính mình; Mỗi người là chủ nhân tương lai của chính mình.

Hiện tại không là gì mà chỉ là đứa con của quá khứ. Cho dù quý vị đã làm điều gì trong quá khứ thì đã làm rồi. Nhưng quý vị là chủ nhân của hiện tại. Hãy cố gắng không tạo ra bất cứ một saṅkhāra nào sẽ mang đến khổ đau cho quý vị. Tương lai chính là đứa con của hiện tại. Hãy là chủ nhân của hiện tại. Hãy để cho hiện tại của quý vị tràn ngập Dhamma. Sau đó, tương lai sẽ tự động tràn đầy hạnh phúc. Sẽ không có bóng tối trong tương lai.

goenka 2

Hãy phát triển khả năng làm chủ giây phút hiện tại. Đây chính là Vipassana. Hãy hiểu phương pháp một cách đúng đắn và thấm nhuần phương pháp. Quý vị phải ý thức được cảm giác và bình tâm trước cảm giác. Hãy để phần việc còn lại cho Dhamma. Kết quả chắc chắn sẽ tốt đẹp. Hãy tiếp tục phát triển trong Dhamma, hãy tiếp tục tăng tiến trong Dhamma. Dhamma thật kỳ diệu, thật tuyệt vời.

Nguyện cho tất cả quý vị đều nhận được thành quả tốt lành nhất từ Dhamma! Nguyện cho tất cả quý vị tận hưởng hạnh phúc thật sự, an lạc thật sự, hòa hợp thật sự!

Bhavatu sabba maṅgalaṃ – Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được hạnh phúc!

thiền sư s.n. goenka

Những câu nói của Sayagyi U Ba Khin:

* Thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Đây là thời điểm thích hợp để mọi người tham gia thiền Vipassana và học cách tìm ra một nơi hồ sâu tĩnh lặng ngay giữa tất cả những gì đang diễn ra hôm nay.

* Giống như ánh sáng của ngọn nến có khả năng xua tan bóng tối trong căn phòng, cũng vậy ánh sáng phát triển bên trong một người có thể giúp xua tan bóng tối cho nhiều người khác.

* Hạnh phúc là gì? Với tất cả những gì khoa học đã đạt được trong lĩnh vực vật chất, liệu mọi người trên thế giới có hạnh phúc không? Họ có thể tìm thấy những thú vui khoái lạc đến rồi đi, nhưng thẳm sâu trong tim, họ không thấy hạnh phúc khi nhận ra những gì đã xảy ra và những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Vì sao thế? Đó là vì trong khi con người làm chủ được vật chất, người ta vẫn chưa thể làm chủ được tâm trí mình.

* Một tâm quân bình thật cần thiết để làm cân bằng tâm trí dao động của những người khác.

* Những tưởng rằng điều thiện có thể đạt được nhờ những phương tiện bất thiện quả là ảo tưởng, một cơn ác mộng”.

* Để đạt được tiến bộ trong thiền Vipassana, thiền sinh phải luôn luôn nhận biết anicca, càng liên tục càng tốt. … Việc ý thức liên tục về anicca, và về dukkha và cả anattā, là bí quyết để thành công. Những lời sau cùng của Đức Phật ngay trước khi Ngài thở hơi cuối cùng và nhập Đại Niết Bàn (mahaparinibbāna) là: “Sự tan rã (hay là anicca) vốn sẵn có trong tất cả mọi vật được cấu thành. Hãy chuyên chú thực hành cho sự giải thoát chính mình“. Thực tế, đây là cốt tủy của tất cả những lời dạy của Ngài trong suốt 45 năm truyền pháp. Nếu quý vị luôn duy trì ý thức về anicca, rằng nó luôn hiện hữu trong mọi vật được hợp thành, thì theo thời gian quý vị chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu.

59334810 1009599662762797 8666740598801170432 n

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app